Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 53
Tổng truy cập: 1360807
DỤ NGÔN TIỆC CƯỚI
DỤ NGÔN TIỆC CƯỚI
(Chú giải của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt)
CÂU HỎI GỢI Ý
1. Dựa vào dàn bài tổng quát của các chương 21-22, hãy nêu lên đặc tính tranh luận của 3 dụ ngôn nhắm biện minh cho ý định Thiên Chúa:
– Dụ ngôn hai người con (21, 28-32) phân biệt các tội nhân bất tuân đích thực trong dân Israel.
– Dụ ngôn các tá điền sát nhân (21, 33-43) lật tẩy mưu đồ sát nhân của người Do thái và loan báo Thiên Chúa sắp có chương trình chuyển giao sứ mạng của người Do thái cho dân ngoại.
– Dụ ngôn tiệc cưới hoàng gia (22, 1-14) gom góp vào trong một bức tranh vĩ đại các dữ kiện của hai dụ ngôn trước (khước từ vâng phục, sát hại Người Con, tiêu diệt quân giết người, kêu gọi những kẻ khác).
Đọc lại cả ba dụ ngôn ấy và xác định độ cao dần của chúng… (làm việc, thu hoa trái, đến dự tiệc v.v…)
2. Trên phương diện nội dung thần học, có tiến triển từ dụ ngôn này qua dụ ngôn khác không?
3. So sánh dụ ngôn tiệc cưới với dụ ngôn song song trong Lc 14, 16-24. Có sự khác biệt nào? Dụ ngôn nào có hậu cảnh Cựu ước phong phú hơn?
4. Dụ ngôn của Mt có thể kết thúc dễ đàng ở c.10 không? Phải chăng ta có thể nói đến một dụ ngôn thứ hai với các câu 11-14? Với mục đích nào Mt đã chèn các câu ấy vào đây?
5. Phải chăng câu 14 muốn nói rằng phần lớn nhân loại sẽ bị án phạt?
6. Lấy tính cách có vẻ thực và các chủ (đề Cựu ước làm tiêu chuẩn nhận định, hãy phân biệt trong dụ ngôn này đâu là những nét có tính cách dụ ngôn và đâu là những nét có đặc tính ẩn dụ?
1. Ta thấy ngay dụ ngôn này có bà con với dụ ngôn trước. Vì bên kia là một chủ nhà có thửa vườn nho, bên này là một ông vua khoản đãi bữa tiệc. Gia chủ hai lần đã sai tôi tớ đi thâu hoạch hoa màu thuộc về ông, nhà vua cũng sai gia nhân hai lần đi mời khách dự tiệc đến. Trong cả hai trường hợp, các gia nhân không đạm được mục đích, lý do là vì lòng độc ác của những người mà họ được phái đến. Trong cả hai câu chuyện đâu có nói tới “người con”. Trường hợp đầu, đó là kẻ sau cùng được sai đến; trường hợp sau, đó là kẻ mà người ta chuẩn bị tiệc cưới cho; và trong cả hai, các gia nhân đều chịu ngược đãi và cuối cùng bị sát hại. Các điểm tương đồng đó giữa hai câu chuyện đã lôi kéo sự chú ý của chúng ta vào một đường hướng rõ rệt có chủ ý của tác giả Tin Mừng. Chủ vườn nho và ông vua cùng một nhân vật: Cha trên trời; người con thì rõ ràng là Đấng đã tự xưng mình là “Con” (11, 27) ; các gia nhân trong hai trường lợp làm ta nghĩ tới những kẻ được Thiên Chúa sai đi, nghĩa là các ngôn sứ ; còn những kẻ được mời là dân bất trung đã quản lý không tốt vườn nho.
Nhưng cách sắp đặt câu chuyện hàm chứa điều khác trong dụ ngôn các tá điền, đó là vấn đề một yêu sách công bằng thuần túy, còn ở đây là một lời mời, một vinh dự ban cho kẻ nào đó. Trên kia, người chủ kỹ lưỡng đòi phần hoa lợi của mình, còn ở đây thì ông vua đại lượng và hào phóng muốn cho con thật nhiều người chia sẻ niềm vui tiệc cưới của con ông. Màu sắc quả tươi sáng hơn trong dụ ngôn mới. Thái độ lãnh đạm – nếu không muốn dùng một từ ngữ mạnh hơn – do đó đắc tội hơn nhiều. Vì không còn phải là vấn đề vi phạm một quyền lợi nữa, nhưng là một sự xúc phạm danh dự nặng nề Người ta thích các công việc đồng áng hay bán buôn thường ngày hơn một lời mời dự bữa tiệc thịnh soạn. Nhưng thái độ thờ ơ lãnh đạm ấy đã biến sang thái độ đối nghịch hận thù mà không rõ tại sao. Phải chăng vì các kẻ được mời cho rằng mình bị gia nhân sách nhiễu nên đã ngược đãi và giết chết họ? Và người ta có thể tự đặt cho mình cái câu hỏi mà Chúa Giêsu vừa nêu lên trước đó cho các kẻ chống đối Người: Khi ông chủ vườn nho đến, ông sẽ xử với những tá điền ấy ra sao? (21, 40). Câu trả lời không còn đựơc đưa ra như một sự đe dọa bằng lời nói nữa, nhưng là một hành động trừng phạt. Có sự đi lên từ dụ ngôn này qua dụ ngôn kia vậy.
2. Ông vua phản ứng bằng một cuộc xuất chinh tàn phá. Ông huy động binh lính và sai họ đi. Họ có sứ mạng tru diệt lũ sát nhân và thiêu hủy thành của chúng. Một độc giả chăm chú sẽ khó chấp nhận sự gia trọng đột ngột tình thế này. Hình như các người được mời đều thuộc thành phố nơi đang xảy ra bữa tiệc. Vậy thì phải chăng tất cả thành sẽ bị tiêu diệt cùng với mọi kẻ vô tội đang ở bên trong, trong lúc thật ra chỉ có lũ sát nhân mới đáng bị sự báo thù cay nghiệt ấy? Phải chăng những kẻ sát nhân không chỉ là dăm ba người trong số các khách được mời? Phải chăng những kẻ chỉ cho biết rằng họ không quan tâm đến lời mời mà chỉ thích làm công việc riêng, cũng phải chịu một hình phạt như mấy kẻ sát nhân kia? Những câu hỏi vừa nêu cho thấy rằng có một sự gián đoạn bên trong câu chuyện ở câu 7. Hẳn là có một cái gì khác hơn cái mà dụ ngôn nói tới ban đầu. Vì nếu người ta tiếp tục câu chuyện một cách hợp lý, thì phải nhảy sang ngay việc mời những người khác, những tân thực khách. Thành thử cuộc xuất binh chinh phạt xuất hiện như một vật thể xa lạ trong câu chuyện.
Hình như ở đây thánh sử liên tường đến việc tiêu diệt thành Giêrusalem vốn đang xảy ra lúc ông soạn thảo bản văn. Chỉ có điều ấy mới có thể giải thích được tầm mức quan trọng của cuộc xuất binh chinh phạt và sự tiêu diệt toàn thành. Vào năm 70 sau Chúa Kitô, Giêrusalem bị đốt cháy cùng bị san bằng tận gốc. Và các kẻ sát nhân không phải chỉ là một vài người như bản văn đòi hỏi để có thể chấp nhận được, nhưng là tất cả mọi tá điền đã giết chết người con sau khi đã cùng nhau bàn tính (21, 38-39). Rõ ràng là một trình thuật do truyền thống truyền đạt đã được tác giả giải thích ở đây, một lối giải thích rút từ một biến cố thời sự. Mt nghĩ rằng phải giải thích lời Chúa Giêsu như thế và ông hoàn toàn ý thức việc ông làm. Cái ông cho chúng ta, không phải chỉ là chứng từ trung thực về những lời nói của Chúa Giêsu đã được chuyển cho ông, nhưng còn là cách giải thích các lời đó cho mọi phần tử trong các cộng đoàn đầu tiên của Giáo Hội. Hai khía cạnh ấy có liên quan mật thiết với nhau. Vì chỉ có lời được hiểu và được giải thích do Giáo Hội xuất phát từ các sứ đồ mới có thể xem như là Lời Chúa đối với chúng ta, lời được Thánh Thần linh ứng và liên hệ đến chúng ta tất cả.
Thành thử đối với Mt, việc Giêrusalem bị phá hủy điêu tàn là một hình phạt Thiên Chúa giáng xuống trên tội Israel cứng lòng và giết chết Đấng Messia. Như ta đã biết, có nhiều cách giải thích các biến cố của lịch sử. Các ngôn sứ đã giải thích lịch sử dưới ánh sáng đức tin và các tác giả Kinh Thánh đã làm công việc của sử gia chính theo viễn tượng ấy, trong Cựu ước cũng như trong Tân ước. Trong Cựu ước, người ta gặp nhiều lối giải thích khác nhau về cùng một biến cố, tùy theo khả năng hiểu biết, quan niệm và bối cảnh lịch sử của soạn giả. Trong Tân ước cũng vậy, vì chân lý của lịch sử luôn luôn lớn hơn và đầy đủ hơn các cố gắng khác nhau để tường thuật lịch sử trong toàn bộ của nó. Thành thử ta có thể giải thích sự phá hủy thành Giêrusalem như là một hình phạt, nhưng đừng quên rằng đó chỉ là một trong số nhiều cách giải thích.
3. Các gia nhân có nhiệm vụ kêu mời những người khác mà không được chọn lựa. Họ được lệnh đem bào phòng tiệc những ai họ bắt gặp trên đường. Việc này đã thực hiện và phòng tiệc không mấy chốc tràn ngập đủ mọi hạng khách ăn cưới. Các người mới được mời thật hỗn tạp, nhưng sự hỗn tạp này chẳng phải do khác biệt về y phục, về địa vị xã hội hay do các yếu tố ngoại lai. Đó là một sự khác biệt nội tại, chủ yếu, những kẻ dữ và người lành (c.10). Và đấy là điểm kỳ dị! Sự việc chỉ có thể hiểu được từ thực thi mà tác giả của câu chuyện nghĩ đến. Lời mời đã được gởi tới cho Israel, nhưng dân này đã không muốn đón nhận, nên bây giờ nó được ngỏ cho một dân mới, không còn là một dân gồm những kẻ trong sạch và thánh thiện nữa, nhưng là một xã hội rất đa tạp gồm người dữ và người lành. Ta gặp họ, cả hai thứ trong Giáo Hội, như cỏ lùng giữa lúa. Phòng tiệc đã đầy, lời mời đã đạt được điều nó mong đợi. Tất cả mọi người đều có thể vào cách tự do. Nhưng rồi sẽ có sự phân biệt cuối cùng. Nói theo ngôn ngữ của dụ ngôn, thì lời mời tự nó không bảo rằng người ta sẽ tham dự thật sự vào hôn lễ. Trước tiên cần phải phán xét, phải phân tách cỏ lùng ra khỏi lúa đã. Đó chính là mục tiêu nhắm tới trong phần thứ hai của dụ ngôn.
Người ta thắc mắc tự hỏi làm thế nào mà một người bắt gặp giữa đường lại có thể có áo cưới được. Như thế chẳng phải là bất công lắm sao? Cái phía gây khó chịu mà ta gặp trong câu chuyện này cho thấy rõ đây muốn nói đến một cái gì khác hơn là y phục cụ thể. Chúng ta được chuẩn bị để giải thích như thế vì tác giả dụ ngôn đã ghi chú trước là trong phòng có người dữ kẻ lành. Hiển nhiên là kẻ không mặc áo cưới thuộc vào hạng người dữ. Chỉ có điểm này mới giải thích được cách đối xử mà y sắp chịu. Người ta không chỉ đuổi y ra ngoài mà còn nắm vào nơi tối tăm, chỗ khóc lóc và nghiến răng. Y bị lên án trầm luân vậy.
Vì cỏ lùng mọc bên cạnh lúa tốt trong Hội Thánh, nên có sự lựa chọn ngay trong hàng ngũ các kẻ tin. Họ đã được mời nghĩa là đã nghe tiếng gọi ngỏ với họ, nhưng không phải vì thế mà họ đương nhiên được vĩnh viễn cứu thoát. Số người được gọi rất đông, có nghĩa là người ta để cho nhiều kẻ đi vào mà không phân biệt một ai, không đặt một điều kiện nào cả. Họ chẳng cần giữ luật Môisen, chẳng cần phải cắt bì, vì lối vào: được mở rộng thênh thang. Nhưng việc tự do gia nhập này không làm nên một bảo đảm, vào trong cộng đoàn Giáo Hội chẳng có nghĩa là vào trong Nước Trời của thời thế mạt đâu. Phải phân biệt niềm trông cậy đầy tin tưởng và phó thác với tình tự phụ vô lý rằng mình sẽ nắm chắc phần rỗi. Hình như đó là sứ điệp thần học hàm chứa trong phần thứ hai này của dụ ngôn. Nó có giá trị cho mọi thời.
4. Câu kết của dụ ngôn đặt ra một vấn đề giải thích đặc biệt. Trong nhiều thế kỷ, phần lớn giáo phụ và thần học gia, dựa vào bản văn này, đã nói về số ít người được chọn như là một điều được chấp nhận cách chung chung. Nhưng dần dần, họ đã cảm thấy là cách giải thích đó khó phù hợp với cái tín điều luôn được công bố trong Thánh Kinh, là Thiên Chúa yêu thương con người với một lòng thương lạ lùng vô hạn (Ep 2, 4). Đàng khác, những tiến bộ của khoa chú giải đã cho thấy rằng rất nhiều khi, trong quá khứ, người ta đã dùng các bản văn Kinh Thánh mà không để ý cho đủ đến văn mạch, khiến đôi lúc phạm ít nhiều phản ngựa. Vì vậy người ta đã tìm cách đưa ra nhiều lối giải thích thỏa đáng hơn về câu kết luận nói trên.
Ngày nay người ta có thể thu gọn các lối giải thích được chấp nhận vào hai lối chính. Một cho rằng các “kẻ được chọn” của dụ ngôn là những người thụ hưởng một ơn đặc biệt giúp họ sống một cách thân tình với Chúa hơn những người khác và được nương dựa vào lòng thương xót dư đầy của Người đối với họ. Các kẻ được “chọn” như thế tất nhiên là số ít, trong lúc đại đa số các người “được gọi” chỉ nhận được một ơn chung mà thôi, nhưng không phải vì thế mà bị loại ra khỏi bàn tiệc Nước Trời.
Cách giải thích thứ hai, ngày nay phổ thông hơn, là cách giải thích giới hạn câu xác quyết của Chúa Giêsu vào trường hợp duy nhất của người Do thái thời Người. Trong câu nói ấy, cách giải thích bảo Chúa Giêsu chỉ nhắm các người Do thái đương thời, được gọi tất cả vào Nước Thiên Chúa biểu hiện trong bản thân Người, nhưng đại đa số đã chẳng chịu vào qua việc từ khước Đấng Messia.
Hai cách giải thích này không phải là vô giá trị, nhưng khó phù hợp với dụ ngôn. Cách thứ nhất giả thiết rằng thực khách bất xứng bị đuổi ra ngoài vì đã muốn gian lận nhập vào nhóm nhỏ người được ưu đãi; nhưng dụ ngôn quả quyết rõ ràng anh ta bị đuổi vì thiếu điều tối thiểu cần phải có để cho bữa tiệc được trang nghiêm chỉnh tề. Cách thứ hai lại càng khó thỏa mãn hơn. Thật vậy, thực khách bị đuổi đã vào với nhóm người được mời thứ hai, thành ra đó là một người ngoại chứ không phải là một người Do thái; thế nhưng chính vào lúc anh ta bị đuổi mà Chúa Giêsu mới thốt lên câu nói về số ít người được tuyển chọn. Đàng khác, dấu hiệu theo mặt chữ thì câu nói hình như bị các sự kiện làm cho mâu thuẫn, vì trong số đông thực khách, chỉ có một mình thực khách bất xứng bị đuổi ra ngoài, thì làm sao mà có thể nói đến số “ít” được tuyển chọn được?
Có một giải đáp đơn giản hơn xóa tan ngay lui khó khăn vừa nói. Nó thuộc lãnh vực ngữ học -và hệ tại chỗ giả thiết có một tỷ giảo cấp (comparatif) kiểu sêmita được dấu ẩn dưới công thức “gọi nhiều chọn ít” khiến cho ta được phép dịch là: Số người được mời gọi thì đông hơn, còn số được chọn lại ít hơn”.
Một nhận xét sơ đẳng về văn phạm hy bá cho thấy rằng hy bá không có những hình thức đặc biệt cho các tĩnh từ ở tỷ giảo cấp (comparatif) hoặc tối thượng cấp (superlatit), nên người ta phải nại đến những uyển từ (périphrase). Vì thế, trong tiếng Hy lạp của Tân ước các tĩnh từ (nguyên cấp (positif) đôi khi cũng có một nghĩa rõ rệt tỷ giảo cấp hay tối thượng cấp và chỉ có văn mạch mới giúp khám phá ý nghĩa hiểu ngầm ấy. Một ví dụ: tốt (kalon) cho nó nếu nó đã không sinh ra phải hiểu là: “Thà con người đó đã không sinh ra thì tốt hơn”. Những thí dụ về hiện trạng này ta ít năng gặp: Mc 5, 42; Mt 22, 36; Lc 10, 42; Lc 1, 42; Lc 18, 14…
Thành thử thật là chính đáng và tự nhiên khi hỏi phải chăng có một tỷ giảo cấp nào đó ẩn dấu dưới hai tĩnh từ “nhiều” và “ít” trong câu văn. Nếu có thì châm ngôn sẽ như thế nào. “Kẻ được gọi thì đông hơn, kẻ được chọn thì ít hơn”. Thế mà công thức này hoàn toàn phù hợp với văn mạch của dụ ngôn chúng ta. Thật vậy, dụ ngôn cho thấy các người được gọi có rất nhiều, vài kẻ lại từ chối và một người đã bị loại ra. Được gọi thì nhiều dĩ nhiên, nhưng người được chọn thì ít hơn kẻ được gọi; và vì thế cần phải lo làm sao cho có đủ những điều kiện cần thiết để ơn gọi của chúng ta đạt đến sự tuyển chọn cuối cùng.
Để chứng thực cho lối giải thích này, ta cần phải ghi nhận là đoạn văn của Mt được hiểu trong ý nghĩa vừa gợi hoàn toàn hòa vận với một sấm ngôn căn bản khác của Tin Mừng, sấm ngôn duy nhất trong đó Chúa Giêsu đã minh nhiên trả lời cho vấn đề số người được chọn. Đó là bản văn quen thuộc của Lc 13, 22-24: người rảo khắp các thành các làng mà giảng dạy và tiếp tục hành trình đi Giêrusalem. Có kẻ nói với Người: “Thưa Ngài, ít người được cứu thôi phải không? “. Người bảo họ: “Hãy chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào, vì Ta bảo các ngươi, có lắm kẻ sục tìm cách vào, nhưng không được”. Nếu thực sự Chúa Giêsu đã muốn để lại cho các sứ đồ, về vấn đề này, một giáo huấn chính xác, thì chắc chắn Người đã lợi dụng cơ hội đó để giải thích mà không cần phải nói quanh. Thế mà thay vì cho ta biết về số người được chọn, người lại khuyến giục ta hãy luôn cố gắng để qua cửa hẹp. Chớ gì câu trả lời này cho chúng ta. Những điều khác thuộc về Thiên Chúa!
CHÚ GIẢI CHI TIẾT
“Về nước Trời cũng giống như vua kia”. Nước Trời không giống như một ông vua; nhưng trong Nước Trời được Chúa Kitô khai mào, sẽ xảy ra điều mà dụ ngôn sắp kể lại (x. 13, 24; 18, 23; 25, 1). Cựu ước và Do thái giáo năng chỉ Thiên Chúa dưới những nét của một vì vua (Tl 8, 23; 1 Sm 8, 7; Xh 19, 6; Tv 11, 4; 47, 3; 93, 1- 2; 95, 3- 5; 103, 19; Gr 10, 7...).
“Làm tiệc cưới cho hoàng tử ". Hình ảnh bữa tiệc thiên sai chắc chắn được vay mượn từ Cựu ước (Is 25, 6; 55, 1 -3). Nó diễn tả tính cách nhưng không của ơn cứu độ Thiên Chúa ban cho dân Ngài và được tiên trông qua bữa ăn của Môisen với 70 kỳ lão, trước sự hiện diện của Đấng Vmh cửu trên núi Sinai, sau hy tế đền tội (Xh 24, 11). Sách Khải huyền cũng trình bày ngày quang lâm của Nước Thiên Chúa như là việc cử hành lễ cưới của Con Chiên (Kh 19).
“Nhưng họ không muốn đến": Sự từ chối được diễn tả một cách rành rẽ qua động từ muốn động từ rất được Mt ưa thích (x. 11, 14; 16, 24; 18, 30; 19, 17; 23, 27b). Việc đáp lại lời mời không phải là chuyện khuynh hướng bẩm sinh hay chuyện tình cảm, nhưng là chuyện quyết định tự ý hoàn toàn. Xa hơn chút nữa (c. 5), Mt cho thấy các thực khách không nhèm đếm xỉa, đến lời mời không quan tâm rằng đó chính là thái độ hờ hững đáng tội, là sự thờ ơ hiểu theo nghĩa mạnh nhất.
“Khách mời đã không đáng dự ”. Sự bất xứng của các kẻ được mời không do tự nhưng khiếm khuyết hay vô tri tự nhiên, vì sau đó đủ mọi hạng người sẽ được triệu mời, lành cũng như dữ " (c. 10); họ bất xứng vì đã từ chối.
“Vậy các người hãy ra các ngã đường, hễ gặp ai thì mời vào tiệc cưới, Kiểu nói, vậy hãy đi" (poreuesthe oun) nhắc cho ta nhớ những tiếng mà Chúa Giêsu sẽ dùng để sai các môn đồ đến với dân ngoại: vậy các ngươi hãy đi thâu nạp các môn đồ khắp muôn dân " (28, 19). Ơn cứu độ nhưng không của Chúa Kitô, dù bị người Do thái khinh chê, vẫn được cống hiến cho bất cứ ai nghe lời mời gọi của các kẻ phục vụ Tin Mừng trong khắp nẻo đường thế giới: "Nhiều kẻ sẽ từ phương Đông, phương Tây mà đến và được dự tiệc cùng Abraham, Isaac và Giacóp trong nước Trời " (8, 11). Sự cứng lòng và từ chối của Israel chỉ khai mào thời gian của Giáo Hội, thời gian mà một khi Tin Mừng được rao giảng cho mọi dân tộc (24, 14), phòng tiệc sẽ tràn ngập đủ hạng người. Thành t!lử việc sai các gia nhân lần thứ ba tương ứng với việc sai các sứ đồ đến với dân ngoại sau khi Chúa Giêsu phục sinh. Ở đây, chúng ta gặp lại chiều hướng phổ quát và truyền giáo rất được Mt chú trọng (2, 1- 2; 3, 9; 8, 5-10; 8, 28- 34; 15, 21- 28; 13, 47; 21, 43...).
"Bất luận dữ hay lành”. Chi tiết này làm ta liên tưởng tới dụ ngôn lưới cá (13, 47- 50); “kẻ dữ " đây là những người có tội được mời cách nhưng không, sẽ cải thiện đời sống một khi đã vào trong Nước Trời hay Giáo Hội, hoặc là các kẻ dữ theo nghĩa tuyệt đối mà một ngày kia sẽ bị loại ra khỏi Nước Trời (hay khỏi Giáo Hội). Các câu 11- 14 tiếp theo sau xét đến hạng kẻ dữ này.
“Nhà vua đi vào coi khách dự tiệc”. Đây là cuộc phán xét sau cùng; hãy so sánh với các dụ ngôn của ch. 13 (vd: cỏ lùng, lưới cá) và của ch. 25 (mười trinh nữ nén vàng, chiên và dê): trong các dụ ngôn ấy nói tới sự lựa chọn, phân tách kẻ dữ người lành. Những câu này, của riêng Mt, chắc chắn là để sửa lại một lối giải thích tự do quá trớn về các câu 1-10. Dĩ nhiên, việc gia nhập vào Giáo Hội là nhưng không thật đấy, song chớ quên rằng đó là Giáo Hội của Vua. Thiên Chúa "khám xét": Dân mới của Ngài kỹ lưỡng vô cùng vì ân sủng Ngài luôn luôn đòi hỏi.
"Sao bạn vào đây mà không mặc y phục lễ cưới? ": Y phục lễ cưới này là cái gì vậy? Đó chỉ có thể là thực tại và được biểu hiệu trong dụ ngôn thợ vườn nho qua hình ảnh hoa quả Nước Trời. Đó là sự công chính luôn được Tin Mừng Mt đòi hỏi nơi tín hữu, sự công chính hay là sự trung thành mới mà các chương 5-7 đã cho một vài ví dụ (5, 20; 6, 33...). Để đi vào Nước Trời, cần phải mặc áo cứu độ" (Is 61, 10), "mặc lấy Chúa Kitô " (Ep 4, 24; Gl 3, 27). Vì thế, chỉ những ai đã "giặt áo mình trong máu Con Chiên" (Kh 7, 9-17) mới có thể đứng vững trước ngai Con Chiên trong ngày lễ cưới (x. Kh 19, 6- 8).
“Người ấy câm miệng": Người Do thái quan niệm rằng các việc lành phúc đức sẽ bầu cử cho họ trước mặt Thiên Chúa. “Ai thực thi huấn lệnh thì người ấy sắm cho mình một kẻ chuyển cầu" (Châm ngôn tiên tổ 4, 13). Một ý tường tương tự cũng được tìm thấy trong Cv 10, 4. Người khách đã không thực thi việc phúc đức thành ra câm miệng lại: chẳng một ai chuyển cầu biện hộ cho y.
KẾT LUẬN
Dân Do thái, kẻ thừa hưởng lời hứa của Thiên Chúa, là những người đầu tiên được đón nghe Tin Mừng, do từ chính Chúa Giêsu (Người chỉ giảng dạy cho họ) cũng như do các sứ đồ (các vị luôn luôn bắt đầu từ nơi họ, ngay cả Phaolô, trong các thành ngài rao giảng), nhưng họ đã không sẵn sàng tiếp đón. Tuy nhiên, sự cứng lòng của họ, dầu bí nhiệm đến đâu (Ga12, 37- 43), cũng không thể làm cho ý định quan phòng của Thiên Chúa thất bại. Các dân ngoại, được rao giảng Tin Mừng muộn hơn, sẽ dần dà đi vào trong Giáo Hội của Chúa Kitô. Và chính thánh Phaolô (Rm 11, 26) có hé mở cho thấy trong tương lai, Israel sẽ trở lại với Người cách ồ ạt, khiến sau cùng Do thái và dân ngoại, hiệp nhất trong một Giáo Hội, có thể cùng nhau tạo thành Israel của Thiên Chúa. trong lúc chờ đợi, mỗi người phải cố gắng mặc lấy Chúa Kitô bằng cách thực thi việc làm.
Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG
1) Bàn tiệc cưới của Giáo Hội là bàn tiệc Thánh Thể, được Chúa Kitô khai mạc với các sứ đồ trong bữa tiệc ly (Mt 26, 26- 29) và luôn được tái diễn từ ngày Hiện Xuống trong Giáo Hội sơ khai (Cv 2, 42) cũng như trong các cộng đoàn Kitô hữu mới (1Cr 11, 23- 29). Để xứng đáng tham dự bàn tiệc Thánh Thể này, phải mặc áo cưới, nghĩa là sống một đời phù hợp với Tin Mừng của Chúa Kitô. Và từ bàn tiệc Thánh Thể này đến bàn tiệc Thánh Thể khác, chúng ta sẽ càng ngày càng trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô và đủ điều kiện để một ngày kia tham dự vào bàn tiệc thiên quốc trong tình thân mật với Thiên Chúa, nơi đó Thiên Chúa sẽ là tất cả niềm vui của chúng ta.
2) Khi lãnh nhận phép Thánh tẩy, chúng ta đã được mặc một chiếc áo trắng và linh mục đã chúc chúng ta gìn giữ nó tinh tuyền cho đến ngày phán xét trước tòa án của Chúa Kitô. Nếu chúng ta đã làm bẩn chiếc áo rửa tội này, chúng ta luôn có thể trình diện nơi tòa án của lòng thương xót là Bí tích Giải tội. Ở đó Chúa Kitô, qua lời Bí tích của vị đại diện Người, sẽ tẩy sạch áo cưới của chúng ta và lại kêu mời chúng ta dự tiệc cưới của Vua, trong niềm vui của tình thân được tái lập. Đừng có làm như những người được mời đầu tiên của dụ ngôn mà từ chối hồng ân lớn như thế.
3) Thiên Chúa luôn kêu mời chúng ta vào trong tình thân mật của Ngài, mời ta hưởng niềm vui được phục vụ Ngài (phục vụ là thống trị vì Chúa). Người ta có thể phản đối lời mời ấy bằng một thái độ thù nghịch công khai, điều này rất may là họa hiếm. Thường thường người ta phản đối bằng thái độ lãnh đạm tôn giáo, được che dấu dưới nhiều cớ dễ dãi: không có thì giờ, nhiều việc khác cấp bách hơn..v.v... Như những kẻ đầu tiên được mời của dụ ngôn, ta không thèm đếm xỉa đến lời mời đã nhận được. Trong phương diện này, trách nhiệm Kitô hữu nặng nề hơn trách nhiệm của người ngoại, vì Kitô hữu biết rằng mình được mời đự tiệc, trong khi lương dân chỉ có thể trực giác cách mơ hồ thôi, trong đáy sâu thẳm của lòng họ.
4) Chúa nói dụ ngôn cho chúng ta, là Người đang sống trong Giáo Hội. Người cảnh giác chúng ta: đừng tưởng rằng các ngươi đã đến đích, đã an vị; giữa các ngươi có đủ loại, kẻ dữ người lành, cỏ lùng lúa tốt. Các gia nhân của Ta dã quy tụ các ngươi, họ đã lấy tất cả những gì họ gặt: tốt cũng như xấu. Chẳng phải vì các ngươi ở trong mà các ngươi được xét đoán kẻ ở ngoài, những kẻ đã từ chối không chịu đến. Vì có một cách khác làm sỉ nhục cho Đấng mời gọi chúng ta là định cư trong nhà Người như thể trong nhà của chúng ta, quên rằng Người đã mời gọi chúng ta, quên rằng chúng ta ở trong Giáo Hội là nhờ ân sủng thuần túy, quên rằng chỉ c.ó cách sống đạo của chúng ta mời định đoạt về số phận được tuyển chọn cuối cùng.
5) Mặc lấy Chúa Kitô là mặc lấy các tâm tình: lân tuất, nhân hậu, khiêm nhu, nhẫn nại, hiền từ (Cl 3, 9- 13), là tha thứ như Người đã tha thứ cho ta, là yêu mến như Người đã mến yêu ta, là trở nên một Kitô khác, là được biến đổi trong Người, là chân thật trong các cuộc giao tiếp với anh em, là đừng để cho cơn giận có thời giờ ra chai cứng lại thành hiểu lầm nhau, là nỗ lực làm việc để có thể chia sẻ cho những người túng thiếu.
6) Thiên Chúa mời chúng ta dự tiệc của Ngài không những là qua tiếng nói của Giáo Hội hay các linh mục, nhưng còn qua bất cứ một người vô danh nào mà chúng ta biết lắng nghe, qua một biến cố lay động cuộc sống, qua một thử thách mà chúng ta trải vượt, qua một niềm vui mà chúng ta thường thức. Trong mức độ mà các con người và các biến cố ấy kêu gọi chúng ta, thúc bách chúng ta phản ứng, buộc chúng ta chọn lựa sống đạo, vì đó chính là các gia nhân đến nài xin tự do của ta, đến thông ban cho ta một Tin Mừng: "Tiệc cưới đã sẵn".
85.Chúa Nhật 28 Thường Niên
(Suy niệm của Jos. Vinc. Ngọc Biển)
CẦN CÓ Y PHỤC XỨNG HỢP
Theo truyền thống, phong tục của nhiều dân tộc xưa, mỗi khi nhà vua cưới cho hoàng tử, thì các đại thần được ưu tiên mời, đồng thời mọi người dân cũng được hưởng ân lộc đó của nhà vua.
Còn với chúng ta hiện nay, không nhiều thì ít, hẳn mỗi người cũng đều được mời đi dự tiệc cưới của một ai đó.
Hôm nay, bài Tin Mừng cũng trình thuật câu chuyện Vua mở tiệc cưới cho Hoàng Tử. Một đám cưới rất đặc biệt cho cả người thiết đãi lẫn khách dự tiệc! Cách hành xử của Vua cũng như quan khách lại rất khác thường!
1. Ý nghĩa dụ ngôn
Trong dụ ngôn, chúng ta thấy Đức Giêsu đã khéo léo trình bày dung mạo của Thiên Chúa với lòng bao dung, độ lượng; đồng thời thấy được sự ích kỷ của khách mời. Mặt khác, Đức Giêsu còn mặc khải cho chúng ta biết rằng: hết mọi người đều được mời đến tham dự tiệc Nước Trời. Tuy nhiên, khi được mời thì cần phải có y phục xứng đáng.
Giờ đây, chúng ta cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa của dụ ngôn:
Trước tiên, ông Vua chính là Thiên Chúa Cha: “Đức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc: tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon, thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế” (Is 25, 6). Người luôn chuẩn bị sẵn sàng: “Này ta đã dọn tiệc sẵn rồi, đã hạ bò và súc vật béo tốt rồi, mọi sự đã sẵn sàng". Tuy nhiên, không chỉ những người ưu tuyển, mà Người còn quan tâm, để ý đến mọi người: “Hãy ra các ngả đường, gặp bất cứ ai, thì mời vào dự tiệc cưới".
Qua hình ảnh này, thần dân sẽ cảm thấy Người là vị Vua nhân hậu, hay thương xót và quảng đại với hết mọi người.
Thứ đến, Hoàng Tử chính là Đức Giêsu. Hôn Thê là Giáo Hội. Đây là hình ảnh đẹp tuyệt vời diễn tả tình yêu giữa Đức Kitô và Giáo Hội. Hoàng Tử sẽ sống hết mình vì Hôn Thê. Chàng Rể này vì vâng lời Cha và yêu Hôn Thê của mình, mặc dù nhiều khi Hôn Thê phản bội, cố chấp, do sự hận thù, ích kỷ, bảo thủ, bất trung, bội nghĩa. Nhưng vị Hoàng Tử đặc biệt này đã sẵn sàng đón nhận tất cả, chịu đựng tất cả, yêu thương tất cả, đến nỗi chết cho người mình yêu.
Tiếp theo, khách được mời là dân Dothái, tuy nhiên họ đã khước từ và lấy lý do: “Người thì đi thăm trại, người thì đi buôn bán; những người khác thì bắt đầy tớ vua mà nhục mạ và giết đi”, vì thế, nhà Vua đã quyết định mời hết mọi người, không phân biệt. Ngày cưới là ngày chung cuộc, ngày phán xét, ngày Vua tập hợp tất cả mọi người trên mọi nẻo đường, mọi thành phần tốt cũng như xấu, và đến giờ, nhà Vua mới tiến vào và phán xét mọi người để phân biệt đâu là chiên và đâu là dê!
Cuối cùng là y phục lễ cưới: tiêu chuẩn để không bị xét xử là phải mặc y phục của lễ cưới. Nếu không sẽ bị đuổi ra ngoài.
Y phục mà Đức Giêsu muốn nói đến ở đây chính là sự đổi mới. Đổi mới là từ bỏ lòng ích kỷ cá nhân để mặc vào lòng bác ái vị tha. Từ bỏ sự hiềm khích, vô ơn, bất chính, để mặc vào tình yêu thương chân chính và lòng biết ơn. Từ bỏ sự hờ hững, vô tâm để mặc lấy lòng nhiệt thành, liên đới, cảm thông.
Vì thế, mặc y phục lễ cưới là mặc lấy tinh thần mới, lối nhìn mới và cách sống mới. Tuy nhiên, thật tiếc thay, điều kiện của Vua thì rất là dễ, nhưng lại trở thành quá khó đối với một số người cố thủ trong ích kỷ, biếng nhác, tham lam và ghen ghét. Vì thế, họ bị đuổi ra ngoài: "Trói tay chân nó lại, ném nó vào nơi tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng! Vì những kẻ được gọi thì nhiều, còn những kẻ được chọn thì ít".
Như vậy, qua bài Tin Mừng, Đức Giêsu trình bày dung mạo một vị Vua hiền hậu lạ lùng: Ông tự ý mở tiệc và cho các đầy tớ hết lớp này đến lớp khác đi mời, dù khách được mời không thèm đến, lại còn giết các sứ giả được sai đến với họ.
Dung mạo vị Vua càng hiền hậu bao nhiêu thì càng làm nổi bật sự vô ơn bất xứng của khách được mời bấy nhiêu. Họ tỏ ra khinh mạn, hỗn xược với tấm lòng quảng đại của nhà Vua.
2. Thái độ của chúng ta trước lời mời gọi của Chúa
Trong đời sống Đạo của chúng ta hiện nay, nhiều khi không khác gì những người Dothái. Nên vẫn còn đó tình trạng: “Gần chùa gọi Bụt bằng anh”; hay không quan tâm đến việc sống đạo, mà chỉ quan tâm đến chuyện bề ngoài; hoặc không muốn nghe những lời giáo huấn của Chúa qua các đấng bậc trong Giáo Hội.
Tất cả đều khởi đi từ sự kiêu ngạo và ích kỷ. Họ để cho cái tôi quá lớn và coi mình đã đạo đức đủ nên không cần nghe và cũng chẳng có gì phải sửa!
Vì kiêu ngạo, nên không thể chấp nhận sửa sai, dù đó là Lời Chúa dạy.
Vì ích kỷ nên khó lòng chấp nhận ngồi lại với nhau để làm việc... bởi nghĩ rằng người anh chị em chúng ta không xứng tầm với mình, nên chẳng cần quan tâm.
Những người như vậy, họ như ly nước đã đầy, nên không thể tiếp thêm cho dù chỉ một giọt nước. Hay như mảnh đất quá khô cằn, nhưng khi mưa xuống thì họ lại che đậy lại, khiến nước mưa không thể tiếp xúc...
Sự hóng hách, khinh thường, chê bai, chỉ trích, bè phái... luôn luôn thường trực trong trái tim vốn đã hóa đá của họ, vì thế, nơi họ, không ai lấy đi được khỏi mắt họ cặp kính râm, vì thế họ nhìn mọi sự trước mắt đều là màu đen... tiêu cực.
Quả thật, họ đâu nhận ra tình thương của Thiên Chúa dành cho mình, nên việc khước từ ơn Chúa đến như những người được mời dự tiệc mà không hề để ý đến thiện tình của ông chủ là lẽ đương nhiên nơi những con người này.
3. Sứ điệp Lời Chúa
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy đến tham dự bàn tiệc Nước Trời. Một cách cụ thể, đó là chúng ta được mời đến tham dự bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể Chúa hằng ngày nơi thánh lễ. Tuy nhiên, chúng ta đã đáp trả như thế nào? Thờ ơ lãnh đạm như dân Dothái xưa không đi dự tiệc vì quá nhiều bận rộn trong đời sống, hay chúng ta đi dự tiệc mà không mặc y phục lễ cưới là phẩm hạnh của bàn tiệc mà Đức Giêsu đòi hỏi như: y phục của lòng tin, cậy, mến; y phục của lòng ăn năn sám hối và sự kính trọng đối với Thiên Chúa; y phục của tình yêu thương, liên đới và chia sẻ với người nghèo!
Mỗi khi chúng ta hiệp dâng thánh lễ, ấy là lúc chúng ta được Thiên Chúa mời gọi vào dự bữa tiệc của tình yêu, chia sẻ, hiệp nhất. Khi được mời gọi như thế, hẳn chúng ta phải có một tâm hồn trong sạch để xứng đáng với hồng ân cao trọng này.
Đồng thời mỗi người chúng ta khi tham dự tiệc Thánh Thể, cần mặc lấy tinh thần tự hủy, liên đới vì tha thân để noi gương Đức Giêsu yêu thương hết mọi người.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng con khi được tham dự bàn tiệc Thánh Thể và Lời Chúa thì cũng được biến đổi, để ngày càng trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa và đủ điều kiện để một ngày kia tham dự vào bàn tiệc Thiên Quốc. Amen.
86.Suy niệm của Lm. Đan Vinh
SÁM HỐI VÀ TIN CHÚA GIÊSU LÀ Y PHỤC DỰ TIỆC CƯỚI NƯỚC TRỜI
I. HỌC LỜI CHÚA
Ý CHÍNH: Dụ ngôn tiệc cưới
Đức Giêsu trình bày dụ ngôn tiệc cưới, ám chỉ lịch sử ơn cứu độ của Thiên Chúa qua hai giai đoạn chính như sau:
Đầu tiên Thiên Chúa tuyển chọn và mời gọi dân riêng Ít-ra-en gia nhập vào Nước Trời do Đấng Thiên Sai thiết lập, nhưng họ đã từ chối tình thương cứu độ của Người. Sau đó Thiên Chúa đã mời gọi tất cả các dân tộc gia nhập Nước Trời. Tuy nhiên muốn được tham dự vào bàn tiệc Nước Trời đời sau người ta tối thiểu phải mặc y phục lễ cưới, tức là phải có “lòng ăn năn sám hối và tin vào Tin mừng” do Chúa Giêsu rao giảng. Ai cố tình không mặc y phục lễ cưới sẽ không được vào dự tiệc Nước Trời và còn bị phạt trong hỏa ngục muôn đời.
CHÚ THÍCH:
- C 1-3: + Nước Trời giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình: Thiên Chúa khai mở bữa tiệc thời Thiên Sai bằng việc cho Con Một Người xuống thế làm người (x. Mt 24,1-12; Kh 19,9). Tuy dụ ngôn về tiệc cưới của hoàng tử, nhưng lại đề cập nhiều đến thái độ phải có của các khách được mời đến tham dự. + Nhà vua sai đầy tớ: Đầy tớ ám chỉ các ngôn sứ (x. ls 25,6). + Đi thỉnh các quan khách đã được mời trước: Quan khách ám chỉ dân Ít-ra-en được Thiên Chúa ưu tuyển. + Nhưng họ không chịu đến: Các đầu mục đã hướng dẫn dân Ít-ra-en khinh thường lời mời của Thiên Chúa.
- C 4-6: + Nhà vua lại sai những đầy tớ khác đi: Điều này cho thấy lòng khoan dung của Thiên Chúa. Ngài luôn kiên nhẫn trước thái độ bất trung ngỗ nghịch của Ít-ra-en dân riêng của Ngài. + Nhưng quan khách không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi: Họ không đếm xỉa tới lời mời vì không tin vào các ngôn sứ do Thiên Chúa sai đến. + Kẻ thì đi thăm trại, người thì đi buôn: Đi thăm trại hay đi buôn bán là những lý do biện minh cho hành động không đến tham dự bữa tiệc cưới, cho thấy dân ít-ra-en đã coi trọng của cải vật chất và các việc trần gian hơn lời hứa cừu độ của Thiên Chúa. + Còn những kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà sỉ nhục và giết chết: Các đầu mục đã xúi dân bắt bớ giết hại các ngôn sứ là những gia nhân do Thiên Chúa sai đến. Điều này cho thấy tội bất trung của họ đã lên đến tột cùng và đáng bị trừng phạt.
- C 7-8: + Nhà vua liền nổi cơn thịnh nộ: Sự dửng dưng, từ chối và còn giết hại các ngôn sứ thời Cựu ước và các Tông đồ thời Tân ước khiến cho Thiên Chúa nổi cơn thịnh nộ. + Sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy: Sự cố chấp chống lại tình thương cứu độ, khiến dân Do Thái không còn xứng đáng được hưởng sự khoan dung nữa và đáng bị trừng phạt. + Và thiêu hủy thành phố của chúng: Việc thiêu hủy thành phố ám chỉ biến cố thành Giê-ru-sa-lem bị phá hủy bình địa vào năm 70 sau Công nguyên. Điều này cho thấy Tin mừng Mát-thêu được biên sọan vào sau năm 70, khi ấy tác giả đã được chứng kiến cảnh hoang tàn đổ nát của thành Giê-ru-sa-lem. + Những kẻ đã được mời lại không xứng đáng: Ơn cứu độ đã được hứa ban cho dân Ít-ra-en, nhưng họ lại không đáng được hưởng do thái độ dửng dưng và từ chối gia nhập vào Nước Trời do Đức Giêsu thiết lập.
- C 9-10: + Vậy các ngươi đi ra các ngả đường: Nhắc lại lệnh của Đức Giêsu truyền cho các môn đệ trước khi về trời: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19). Ra các ngả đường còn nói lên tính phổ quát của ơn cứu độ như lời Đức Giêsu: “Từ phương Đông phương Tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp trong Nước Trời. Nhưng con cái Nước Trời thì sẽ bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngòai, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng” (Mt 8,11-12). + Gặp ai bất luận xấu tốt cũng tập hợp cả lại: Câu này cho thấy ý của Thiên Chúa là muốn cho tất cả mọi người đều được vào Nước Trời (x. Mt 9,13). + Phòng tiệc cưới đã đầy thực khách: Từ nay Hội thánh gồm đủ mọi dân tộc và mọi thành phần tốt xấu trong xã hội. Ở đây cũng nhắc lại ý nghĩa của dụ ngôn Cỏ lùng (x. Mt 13,24-30) và Chiếc lưới (x. Mt 13,47-50).
- C 11-12: + Nhà vua tiến vào quan sát khách dự tiệc: Sự quan sát ám chỉ cuộc phán xét cuối cùng của Đức Giêsu, Đấng được Thiên Chúa tôn lên làm “Chúa” (x. Pl 2,6-11) và làm “Vua” xét xử muôn dân (x. Mt 25,31-46). Tuy “Hội thánh lữ hành” ở trần gian còn bao gồm cả người tốt lẫn kẻ xấu, nhưng “Hội thánh chiến thắng” trên trời lại chỉ gồm những người đã trải qua cuộc phán xét chung. Khi ấy chỉ những người có đức tin, thể hiện qua lối sống khiêm tốn phục vụ mới được tham dự bàn tiệc Nước Trời. + Có một người không mặc y phục lễ cưới: Trong Thánh Kinh không chỗ nào đề cập đến tục lệ chủ nhà sắm quần áo cưới cho quan khách đến dự tiệc mặc trước khi vào phòng tiệc nhưng chỉ cần họ ăn mặc lịch sự là đủ. Y phục lễ cưới ở đây ám chỉ chiếc áo trắng chiến thắng (x. Kh 7,9b), áo chính trực công minh (x. Is 61,10) và công chính (x. Mt 5,16.20), tượng trưng con người mới công chính thánh thiện (x. Ep, 4,24), giống như Hiền thê được trang điểm và được mặc áo sáng chói tinh tuyền đi đón Con Chiên (x. Kh 19,8). Tóm lại, y phục lễ cưới chính là chiếc áo trắng tinh khi chịu phép rửa tội. + Người ấy câm miệng không nói được gì: Người không mặc y phục lễ cưới đã không thể biện minh cho thái độ khinh thường chủ tiệc của mình.
- C 13-14: + Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài: Đây là những hình phạt tượng trưng cho hỏa ngục, nơi dành cho những kẻ sống bất chính và thù ghét Thiên Chúa. Nơi đó họ sẽ phải khóc lóc đau khổ và nghiến răng tủi hờn. + Kẻ được gọi thì nhiều mà người được chọn thì ít: Nhiều ít không phải về số lượng, nhưng đúng hơn là sự non kém. Nên câu này có thể được dịch lại như sau: “Kẻ được gọi thì đông hơn, và người được chọn thì ít hơn”. Câu này lẽ ra được đặt ngay sau dụ ngôn Tiệc Cưới. Vì người được gọi thì rất nhiều “chật ních phòng tiệc”, và chỉ có người được mời trước từ chối và “một người không mặc áo cưới bị loại ra mà thôi (x. Lc 13,22-30). Việc người được gọi thì nhiều mà được chọn thì ít không phải do Thiên Chúa không mời, nhưng tại loài người đã cố tình từ chối lời mời của Thiên Chúa, hay vì không mặc áo cưới công chính tinh tuyền, không sống giới răn yêu thương của Chúa Giêsu (x. Mt 3,8 ; 5,20 ; 7,21 ; 13,48 ; 21,32).
HỎI ĐÁP:
- Hỏi 1: So sánh dụ ngôn Tiệc cưới trong hai Tin mừng Mát-thêu (22,1-14) và Lu-ca (14,16-24), ta thấy Tin mừng Lu-ca không nói đến việc ông vua phát hiện ra có một kẻ không mặc áo cưới và trừng phạt y. Vậy Tin mừng nào thuật lại đúng hơn?
ĐÁP: Ngày nay một số nhà chú giải nghĩ rằng: dụ ngôn Tiệc Cưới do Đức Giêsu giảng thực ra đã chấm dứt ngay sau khi vua cho mời những kẻ nghèo khó, tàn tật mù què vào đầy phòng tiệc, để thế chỗ cho những kẻ được mời mà không đến (x. Lc 14,16-24; Mt 22,1-10). Còn phần sau trong Tin mừng Mát-thêu (22,11-14) thực ra là một dụ ngôn khác, là dụ ngôn “Áo Cưới”, nhưng đã được đặt liền sau dụ ngôn “Tiệc Cưới”.
- Hỏi 2: Ông vua có bất công không khi phạt một người khách không mặc y phục lễ cưới chỉ vì bất ngờ được mời, nên không có thời gian chuẩn bị trước. Hơn nữa, do được mời ở ngã ba đường và bị ép vào phòng tiệc, thì lấy đâu ra áo cưới?
ĐÁP: Những ai nhận đây là hai dụ ngôn được ghép lại thành một thì sẽ không thắc mắc gì về vấn đề áo cưới, vì ai cũng có thời giờ chuẩn bị trước ở nhà. Tuy nhiên ngay cả trường hợp được mời đột xuất thì việc phạt người không mặc áo cưới cũng không phải là bất công. Vì tại sao bao nhiêu người khác cũng được mời bất ngờ như vậy mà vẫn mặc y phục lễ cưới? Hơn nữa, khi bị hạch hỏi, người không mặc áo cưới này lại làm thinh, không bào chữa gì được cho hành vi của mình. Nhưng đây cũng chỉ là một câu chuyện dụ ngôn, nhằm dạy bài học hơn là chú ý đến các chi tiết xác thực. Điều dụ ngôn muốn nói là: Người khách không mặc áo cưới là một kẻ xấu xa gian ác, cố tình không sám hối, nên hắn ta đáng bị vua trừng phạt trong hỏa ngục đời đời.
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: Nhà vua tiến vào quan sát khách dự tiệc, thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới, mới hỏi người ấy: “Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới?” Người ấy câm miệng không nói được gì (Mt 22,11-12).
2. CÂU CHUYỆN: Y phục của sự hân hoan, yêu thương và phục vụ
Để trả lời cho những người muốn biết Nước Trời ở đâu, Đức Giêsu đã dạy: “Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông” (Lc 17,21). Như vậy, mỗi gia đình, cộng đoàn hay bất cứ tập thể nào cũng có thể trở thành thiên đàng hay hỏa ngục. Có người đã tưởng tượng ra cảnh thiên đàng và hỏa ngục tương tự như hai bàn tiệc sau đây:
Cả hai bàn tiệc trên thiên đàng hay dưới hỏa ngục đều có đầy thức ăn ngon, và mỗi người đều được phát một đôi đũa. Có điều các đôi đũa đều dài quá khổ, đến nỗi tuy người ăn có thể gắp được đồ ăn trên bàn, nhưng lại không sao đưa được vào miệng của mình. Trong bàn tiệc trên thiên đàng thì mọi người đồng bàn đều có lòng vị tha bác ái, thể hiện qua thái độ phục vụ người khác và làm vui lòng người khác. Họ gắp đồ ăn lẫn cho nhau, nên mọi người đều được ăn no và không khí bàn tiệc rất vui vẻ bình an và hạnh phúc. Ngược lại, tại bàn tiệc trong hỏa ngục thì mọi người đồng bàn đều có thái độ ích kỷ khi chỉ nghĩ đến mình. Vì không thể tự đưa đồ ăn vào miệng, và lại ganh tị không muốn người khác hơn mình, nên mọi người trong bàn tiệc đều bị đói, và hậm hực thù ghét lẫn nhau. Bầu khí nơi bàn tiệc lúc thì căng thẳng, lúc lại nặng nề khiến trong số các kẻ ngồi ăn: Người thì chán nản khóc lóc, kẻ lại nghiến răng giận hờn.
3. SUY NIỆM:
1) Thiên Chúa ban ơn cứu độ cho loài người qua hai giai đoạn:
a- Đầu tiên: Thiên Chúa đã sai các ngôn sứ đến với dân It-ra-en báo tin về một Đấng Thiên Sai sẽ đến thiết lập một “Triều Đại của Thiên Chúa”, và mời dân này gia nhập. Khi gần đến ngày đã định, Thiên Chúa lại sai Gio-an Tẩy Giả là vị tiền sứ của Đấng Thiên Sai đến nhắc lại lời mời gọi ấy như sau: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 3,2). Nhưng dân Ít-ra-en vẫn tỏ thái độ thờ ơ và vua Hê-rô-đê đã giết hại Gio-an và về sau dân này còn hè nhau giết hại chính Người Con do Thiên Chúa sai đến là Đức Giêsu.
b- Tiếp đến: Trước sự cứng lòng từ chối ơn cứu độ của dân Ít-ra-en, Thiên Chúa đã mời hết mọi dân tộc tham dự tiệc cưới Nước trời như lệnh truyền của Đức Giêsu trước khi lên trời: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19). Sau khi nhận ơn Thánh Thần, các Tông đồ đã thi hành sứ mạng rao giảng Tin mừng khắp muôn dân. Nhờ Thánh Thần tác động mà số người gia nhập Hội thánh ngày một gia tăng.
2) Đáp lại lời mời của Thiên Chúa thế nào?
a- Phải mặc y phục lễ cưới:
Chúng ta vốn là dân ngoại, nhưng đã đáp lại lời mời của Đức Giêsu để gia nhập vào Hội thánh (x. Mc 1,15). Nhưng muốn được tham dự bàn tiệc Nước Trời đời sau, chúng ta cần mặc chiếc áo trắng tinh khi chịu phép rửa tội và sống đức tin bằng việc thực thi đức cậy và đức mến (x. Mt 7,21; Lc 11,28). Thực ra, Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn được nên con cái của Người, là để chúng ta sống xứng với ơn ấy. Cần hoán cải và canh tân mỗi ngày (x. Mt 3,2), cần sống khiêm tốn, yêu thương và phục vụ Chúa trong người chung quanh, nhất là những người bệnh tật, nghèo khổ và bị bỏ rơi (x. Lc 17,10; Mt 25,34), chu toàn sứ mạng loan báo Tin mừng (x. 1 Cr 9,16). Mỗi tối khi tự kiểm trước khi đi ngủ, chúng ta hãy tự hỏi: Hiện giờ tấm áo trắng rửa tội của tôi có còn tinh tuyền không? Hôm nay tôi đã sống giới răn mến Chúa yêu người như thế nào? Giả như đêm nay Chúa gọi tôi về trình diện, thì tôi có đủ điều kiện tham dự bàn tiệc Nước Trời là Thiên đàng hay không?
b- Y phục lễ cưới là thực hành ba nhân đức đối Thần là “Tin, Cậy, Mến”:
Thánh Phao-lô khuyên đồ đệ Ti-mô-thê: “Lời truyền dạy đó phải nhằm đưa tới đức mến, phát xuất từ tâm hồn trong sạch, lương tâm ngay thẳng, và đức tin không giả hình” (1 Tm 1, 5). Đó chính là y phục lễ cưới Nước Trời. Trong lễ nghi Rửa tội, tấm áo trắng được trao cho người tân tòng mặc vào biểu tượng sự sống mới được Chúa Giêsu mang lại nhờ cái chết trên cây thập giá của Người. Qua Bí tích Rửa tội, chúng ta cởi bỏ con người cũ tội lỗi để mặc lấy con người mới theo Chúa Ki-tô. Tất cả những ai muốn được dự Tiệc Cưới của Chúa Giêsu do Chúa Cha khoản đãi, đều phải có được lối sống Tin Cậy Mến này.
c- Các tín hữu cũng cần nhìn lên những điều cao siêu trên trời:
+ Câu chuyện ngụ ngôn về một con chim đại bàng như sau:
Một con gà rừng mẹ đang ấp trứng, nhưng lẫn trong ổ trứng của nó có một trứng to của chim đại bàng. Khi đến ngày giờ, các quả trứng đều nở ra thành con. Đại bàng con nô đùa vui vẻ bên các chú gà rừng như anh chị em ruột trong gia đình gà rừng.
Một ngày kia, khi đang bới móc trong đống rác kiếm ăn giun đất chung với đàn gà rừng, đại bàng con chợt thấy một con đại bàng lớn bay lượn trên không với dáng vẻ oai phong đẹp mắt. Cậu liền hỏi gà mẹ rằng:
- Mẹ ơi, sao bọn mình lại không bay lên cao như chim đại bàng trên trời kia hả mẹ?
- Chúng ta không phải đại bàng nên không thể bay lên được con ạ!
- Thế chúng ta là ai hả mẹ? Đại bàng con hỏi tiếp.
- Chúng ta chỉ là loài gà rừng mà thôi!
Rồi vài ngày sau đó, khi đang khi bươn chải kiếm ăn trên đống rác, đại bàng con lại thấy chim đại bàng mẹ bay lượn trên cao gọi cậu:
- Hãy bay lên cao với mẹ hỡi con của ta! Thế giới của con là trời cao biển rộng, chứ đâu phải đống rác nhơ bẩn dưới đó! Mau bay lên với mẹ đi con.
Đại bàng con cố đập cánh bay lên theo lời mẹ gọi, nhưng bay được vài cái là lập tức bị rơi xuống đất giữa tiếng cười chế nhạo của anh em gà rừng. Bọn chúng bảo đại bàng con rằng:
- Chú chỉ là loài gà rừng, làm sao bay lên cao được hả chú bé?
Đại bàng con tự nhủ: Nếu ta chỉ là gà rừng thì sao mẹ đại bàng trên cao kia cứ gọi ta là đại bàng con? Đàng khác, ta thấy bay lên cao cũng đâu phải quá khó! Có lẽ tại ta chưa tập thành thạo đó thôi. Vậy bây giờ ta thử bay thêm lần nữa xem sao.
Thế là đại bàng con đủ lông đủ cánh đã bay được lên trời và cứ tiếp tục bay lên cao mãi. Cậu bay theo sau đại bàng mẹ tiến về một phương trời mới. Lần đầu tiên trong đời, đại bàng con được nhìn xuống đất từ trên cao. Cậu cản thấy lòng tràn ngập niềm vui vẻ hạnh phúc.
+ Kitô hữu là người được Thiên Chúa tuyển chọn để nên con cái của Ngài. Họ là “Giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa” (1 Pr 2,9). Tuy sống trong thân phận con người trần gian, nhưng luôn ngước mắt nhìn lên trời cao, mong về cùng Thiên Chúa Cha đầy tình yêu thương. Cần sống trong tâm tình của thánh Au-gút-tinô như sau: ”Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con hướng về Chúa.Và tâm hồn con vẫn còn thao thức mãi, cho tới khi nào con được nghỉ yên trong Chúa”.
+ Chúng ta đừng nghĩ mình là loài gà rừng hèn hạ, để chỉ biết cúi đầu bươi chải đống rác hôi thối để tìm kiếm thức ăn, chỉ biết bằng lòng với những hạnh phúc tầm thường chóng qua do tiền tài danh vọng sắc dục mang lại. Tuy trước mắt đồ ăn có vẻ hợp khẩu vị đấy, nhưng chúng chỉ có giá trị nhất thời ở đời này. Khi chết là chấm dứt mọi sự. Chúng ta cần phải nhìn lên cao, cố gắng tập vươn tâm hồn lên những gì là cao thượng, phù hợp với Thiên đàng đời sau như lời thánh Phao-lô dạy: ”Quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta. Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3,20-21).
4. THẢO LUẬN:
1) Thánh Gio-an viết: “Thiên Chúa là tình yêu”. Ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1 Ga 4,16b). Vậy thiên đàng ở đâu? 2) Bạn có thể làm cho gia đình hay cộng đoàn của bạn trở thành thiên đàng được không? 3) Theo Tin Mừng Mát-thêu (Mt 25,40-45): Để tránh bị Chúa trừng phạt trong ngày tận thế, ngay từ bây giờ bạn phải làm gì?
5. NGUYỆN CẦU:
- Lạy Chúa Giêsu. Xin cho con biết Chúa và xin cho con biết con. Xin cho con biết luôn quên mình để làm mọi việc vì lòng yêu mến Chúa. Xin cho con biết khiêm hạ, luôn làm việc để tôn vinh Thiên Chúa và vì phần rỗi tha nhân.
- Lạy Chúa. Ước gì con biết hãm mình và sống trong tình thương của Chúa. Ước gì con biết đón nhận tất cả những gì xảy đến cho con và trung thành bước theo Chúa đến cùng. Xin đừng để điều gì thuộc trần gian quyến rũ con lạc xa Chúa. Xin hãy thương xót con và giúp con thêm lòng tin yêu Chúa. Xin hãy giúp con biết noi gương Chúa làm và sống lời Chúa dạy, hầu sau này con đáng được hưởng kiến Thánh Nhan Chúa Cha trên trời.
X) Hiệp cùng Mẹ Maria.- Đ) Xin Chúa nhậm lời chúng con.
87.Suy niệm Lời Chúa các ngày trong tuần 28 TN
Jos. Vinc. Ngọc Biển
THỨ HAI
Đừng thách thức Thiên Chúa trong sự kiêu ngạo
(Gl 4, 22-24. 26-27. 31 - 5, 1; Lc 11, 29-32)
“Tôi đã đi khắp vũ trụ, nhưng không thấy Thiên Chúa ở đâu cả!”. Đó là lời thốt lên từ một phi hành gia của Liên Xô sau chuyến thám hiểm vũ trụ.
Thật vậy, tâm thức của con người trong thời đại này thiên về thực dụng, vì thế, họ chỉ tin khi mắt thấy, tai nghe. Thái độ này trùng hợp với tâm thức của những người Biệt Phái thời Đức Giêsu.
Sẵn có sự hiềm khích đối với Đức Giêsu, vì thế, họ tận dụng mọi cơ hội để thử thách Ngài. Hôm nay, họ đòi hỏi Đức Giêsu phải làm một dấu lạ để họ tin. Tuy nhiên, họ đã bị khước từ vì bản chất của phép lạ không nhằm thỏa mãn sự tò mò hay hiếu tri của con người, nên Đức Giêsu đã không đáp ứng nhu cầu của họ.
Thật vậy, nội dung và ý nghĩa của phép lạ không nằm ở việc thỏa mãn trong sự thách thức, mà là ngang qua phép lạ, người đón nhận sẽ có tâm tình sám hối, thay đổi đời sống và có mối tương quan thân mật, tin tưởng với Thiên Chúa và có tấm lòng bao dung với tha nhân. Sự biến đối này được khởi đi từ tâm tình khiêm tốn và sẵn sàng biến đổi đời sống cho phù hợp với Thánh Ý Thiên Chúa.
Thực trạng ngày nay của mỗi người chúng ta hẳn rất giống với người Biệt Phái khi xưa! Thường thì chúng ta hay xin Chúa cho mình làm ăn phát đạt, mà không hề để ý đến cách kinh doanh của mình. Có khi kinh doanh bất chính nhưng vẫn xin Chúa cho thuận buồn xuôi gió! Hay cộng tác vào những chuyện trái với luân thường đạo lý, nhưng lại xin được bình an! Hoặc xin Chúa chữa lành bệnh tật nhưng đời sống không có gì thay đổi...! Đôi khi cũng có những người thách thức Chúa như những Biệt Phái khi xưa nữa!
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy nhạy bén với ơn Chúa, để nhận ra một phép lạ vĩ đại, cả thể mà Ngài vẫn thường làm trên cuộc đời và trong cuộc sống của chúng ta, đó là tình yêu thương, sự bao dung của Ngài dành cho nhân loại.
Thật vậy, nếu Chúa không yêu thương và đại lượng với chúng ta, hẳn chúng ta đã không bao giờ có được ngày hôm nay!
Đồng thời cần khiêm tốn để sẵn sàng biến đổi đời sống, trở nên người hiền lành, khiêm nhường. Có thế chúng ta mới hy vọng được Chúa ban thưởng hạnh phúc Nước Trời.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con nhận ra sự quan phòng của Chúa trên cuộc đời chúng con, để từ đó chúng con sống trong sự khiêm tốn và tin tưởng vào Ngài. Amen.
THỨ BA
Cái bên ngoài không làm nên đạo đức
(Gl 4, 31b - 5, 6; Lc 11, 37-41)
Trong chuyến viếng thăm mục vụ tại Brasil thuộc Châu Mỹ Latinh vào năm 1980, Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 đã để lại một ấn tượng hết sức đẹp, đó là Ngài đã tháo chiếc nhẫn vàng Giáo Hoàng của mình để tặng cho người dân nghèo ngoại ô thành phố Rio de Janeiro.
Sự kiện này đã làm cho nhiều người đi cùng với ngài tỏ vẻ không hài lòng!
Hôm nay, Tin Mừng cũng thuật lại một nghĩa cử hết sức lạ thường của Đức Giêsu, đó là Ngài đã sẵn sàng đáp lại lời mời của một người trong nhóm Biệt Phái để đến dự tiệc tại gia đình ông, mặc cho nhiều người chống đối, sầm sì.
Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây chính là sự bất mãn của một số Biệt Phái đối với Đức Giêsu khi Ngài không rửa tay trước khi dùng bữa. Thấy vậy, Đức Giêsu đã lật tẩy thói đạo đức vụ hình thức của họ khi nói: “Này các ông, những người biệt phái, các ông lau rửa bên ngoài chén đĩa, nhưng nội tâm các ông đầy tham lam và gian ác. Hỡi những kẻ ngu dại, chớ thì Ðấng đã tạo thành cái bên ngoài, lại chẳng tạo thành cả cái bên trong sao?”; đồng thời, Ngài cũng mời gọi họ hãy hoán cải để đẹp lòng Thiên Chúa và được Ngài tha thứ bằng việc thực thi bác ái với tha nhân.
Qua câu nói này, Đức Giêsu muốn nói cho họ biết tính vụ luật của họ không được Thiên Chúa hài lòng, đồng thời họ đang dùng luật để đẩy người khác đến sự bất hạnh, hơn nữa, chính đường lối và nơi lòng họ thì đang xa cách Thiên Chúa. Điều mà những người Biệt Phái cần lúc này chính là sự thanh tẩy tâm hồn, chân thành, thanh tịnh trước mặt Chúa. Những thứ bề ngoài chỉ như “màn thưa che mắt thánh”, thực ra Thiên Chúa biết hết mọi sự kín đáo từ bên trong tâm hồn mỗi người. Vì thế, điều họ đang làm và bắt người khác phải làm theo không hề có ý nghĩa trước mặt Chúa.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy trở về với lòng mình để thấy được đâu là điều tốt, đâu là điều xấu. Sống cốt lõi của Tin Mừng là tình liên đới, chia sẻ với người nghèo, bất hạnh, cô đơn. Tránh thói xét đoán bề ngoài như những người Biệt Phái khi xưa.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con có một tấm lòng bao dung, độ lượng. Xin Chúa ban ơn giúp sức để chúng con can đảm sống thật với lương tâm của mình để được bình an và hạnh phúc thật. Amen.
THỨ TƯ
Hãy thi hành trước khi dạy người khác
(Gl 5, 18-25; Lc 11, 42- 46)
Bài Tin Mừng hôm nay đặt trong khung cảnh của một bữa ăn tại nhà một người Biệt Phái.
Đức Giêsu được mời dự tiệc và Ngài đã bị các Biệt Phái để ý đến việc Ngài không rửa tay trước khi ăn. Họ bắt bẻ Đức Giêsu và cho rằng Ngài bỏ qua tập tục của tiền nhân... Tuy nhiên, lại một lần nữa, Ngài đã tố cáo lối sống bề ngoài của họ.
Thật vậy, những người Biệt Phái thì chỉ lo giữ luật theo mặt chữ, còn thực chất tinh thần thì đã chết khi họ nhất nhất bám vào từng dấu chấm, dấu phẩy. Họ sống vì luật, nên chỉ quan tâm đến chuyện đúng sai bề ngoài, mà đâu hề có sự công bằng và yêu thương. Họ luôn coi trọng hình thức trước đám đông,vì thế, luôn thích được chào hỏi nơi công cộng.
Bên cạnh đó, những Tiến Sĩ Luật cũng bị khiểm trách nặng nề vì họ luôn bắt người khác phải làm chuyện này chuyện kia... nhưng thực ra bản thân họ thì không hề có một chút gì quan tâm đến việc phải làm nơi mình. Họ chất lên vai người ta đủ thứ, còn chính họ thì dù chỉ một chút nhỏ cũng không hề đụng ngón tay vào.
Ngày hôm nay, trong xã hội, người ta ít quan tâm đến việc đạo đức! Nếu có ai thực tâm sống tốt lành thì sẽ bị người ta dè bửu... ngược lại, họ quan tâm đến kiến thức, coi trọng việc đào tạo trí thức để sau này kiếm sao cho được nhiều tiền chứ không mảy may quan tâm đến chuyện kiếm tiền như thế nào cho phù hợp với lương tâm... Như vậy, sự vô cảm, bất nhân xuất hiện nhan nhản trong xã hội. Tại sao vậy? Thưa! Vì xã hội và con người ngày hôm nay quan tâm đến cái đầu chứ đâu có màng chi đến trái tim! Vì thế, lối sống hình thức, giả tạo là điều đương nhiên có mặt trong thời buổi này.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết coi trọng tiếng nói của Lương Tâm. Biết quan tâm đến đời sống nội tâm hơn là hình thức. Biết sống liên đới và lo cho anh chị em của mình được hạnh phúc thực sự. Biết nêu gương sáng trong đời sống hằng ngày trước khi hướng dẫn ai đó về đường đạo đức.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con hiểu rằng: với Chúa, bề ngoài không nhất thiết quan trọng, nhưng điều cần thiết chính là bề trong, nơi sâu thẳm tâm hồn. Xin cho chúng con được sống theo đường lối của Chúa muốn. Amen.
THỨ NĂM
Đừng phản bội sứ vụ làm chứng cho sự thật
(Ep 1, 1-10; Lc 11, 47-54)
Đức Giêsu đến để làm chứng cho sự thật. Vì thế, Ngài không bao giờ chấp nhận lối sống giả hình, gian dối... Chính vì điều này mà đã làm cho sự căng thẳng giữa Ngài và các Biệt Phái ngày càng leo thang!
Hôm nay, Tin Mừng trình thuật cho chúng ta thấy việc Đức Giêsu thẳng thắn lên án nhóm Biệt Phái và các Tiến Sĩ Luật về lối sống giả hình của họ cách nặng nề.
Ngài vạch trần tội ác của họ khi đồng lõa để giết các tiên tri là những người dám đứng lên loan báo và bênh đỡ sự thật. Họ còn là những người ngăn cản người khác trên con đường nhân đức nữa.
Họ luôn coi mình là người lãnh đạo, nắm giữ chìa khóa hiểu biết, nhưng thực ra bên trong thì rỗng tuếch, chẳng qua chỉ như lớp sơn bôi bóng hay như mồ mả tô vôi. Họ không sống tinh thần của Chúa mà luôn sống cuộc sống trịnh thượng, trưởng giả và bắt người khác thi hành lệnh của họ, từ đó, họ đã trở thành những kẻ mù lại dắt kẻ mù, khiến những người được họ hướng dẫn cũng phải bơ vơ lạc lõng, mất phương hướng và không biết đi về đâu!
Khi Đức Giêsu khiển trách họ như thế, một sự đối đầu đã ập đến với Ngài. Vì thế, họ đã tìm mọi cách để bắt bẻ Ngài và tận dụng mọi cơ hội để tố cáo nhằm giết chết Ngài. Với họ, Đức Giêsu chẳng khác gì cái gai trong mắt, cái đinh trên đường, nên họ không thể đội trời chung.
Qua cung cách của họ, Đức Giêsu không phải không biết những đau khổ do những người này gây nên, nhưng trước sau như một, Ngài luôn trung thành với sứ mạng của mình. Dù đòn vọt, gươm đao, tù đầy và chết chóc, không gì có thể làm cho Ngài phản bội sứ vụ của Thiên Chúa Cha đã trao phó nơi Ngài là loan báo và làm chứng cho sự thật.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy sống trung thành với đường lối của Thiên Chúa là làm chứng cho sự thật. Chấp nhận mọi thử thách, dù là cái chết, miễn sao sự thật được lên tiếng. Không được sống kiểu ăn mày tiếng khen mà sợ tiếng chửi kiểu Biệt Phái khi xưa. Cũng đừng lấy danh này danh kia để bắt người khác phải phục vụ mình. Cần trung thành với Giáo Huấn của Chúa trong khi phục vụ người khác.
Lạy Chúa Giêsu, Đấng là đường là sự thật và là sự sống, xin hướng dẫn chúng con đi trên con đường Chúa đã đi để được sống đời đời. Amen.
THỨ SÁU
Sống vì mục đích Nước Trời
Ep 1, 11-14; Lc 12, 1-7
Cả tuần nay, Đức Giêsu liên tiếp chống đối lối sống đạo đức dỏm của Biệt Phái và Tiến Sĩ Luật. Hôm nay, lại một lần nữa Đức Giêsu không chấp nhận lối sống giả hình của họ, đồng thời, Ngài cũng cảnh tỉnh các môn đệ của mình khỏi vướng vào lối sống giả nhân giả nghĩa như các Biệt Phái và Tiến Sĩ Luật đang làm.
Nhân dịp này, Đức Giêsu cũng mời gọi các môn đệ can đảm sống chứng tá cho Tin Mừng dầu có phải chết. Sự sống trên trần gian này là cuộc sống tạm bợ, mai hậu mới là vĩnh viễn. Vì thế, không nên khờ dại mà đánh đổi sự an nhàn đời này mà đau khổ mãi mãi đời sau. Luôn sống trong sự phó thác và tin tưởng vào Chúa Quan Phòng.
Ngày nay, không thiếu cảnh tín hữu kitô nơi này, nơi kia bị bách hại. Cụ thể nhất chính là ở Iraq. Các tín hữu bị buộc phải cải đạo, nếu không sẽ phải chết. Tuy nhiên, đức tin mạnh mẽ vào Chúa Quan Phòng, anh chị em chúng ta ở đây đã không sợ hãi những kẻ chỉ giết hại được thân xác mà không giết được linh hồn, vì thế, họ đã sẵn sàng chấp nhận cái chết để minh chứng cho tình yêu của mình đặt nơi Chúa.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy can đảm sống thật, hành động thật và tin tưởng phó thác nơi Chúa. Đừng sợ những khó khăn thử thách trong đời sống đạo. Đón nhận con đường khổ giá như là điều kiện cần cho phần rỗi của mình.
Luôn nhớ rằng khi chúng ta tin và sống đạo, hẳn chúng ta không thể thoát khỏi sự hiểu lầm, chống đối và đôi khi cả cái chết nữa. Tuy nhiên, chúng ta sẽ khám phá ra ý nghĩa của đau khổ và ngang qua đó, chúng ta sẽ thấy cùng đích của cuộc đời nằm ở nơi Thiên Chúa chứ không phải những thứ mau qua, chóng hết ở đời này.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con được yêu mến Chúa, can đảm sống đời chứng nhân trong cuộc sống hằng ngày của chúng con. Sẵn sàng làm chứng cho lẽ phải, công bằng. Amen.
THỨ BẨY
“Đừng sợ” Chúa Thánh Thần sẽ nói thay
Ep 1, 15-23; Lc 12, 8-12
Đọc lại lịch sử các thánh Tử đạo Việt Nam, chúng ta thấy: rất nhiều vị thánh xuất thân từ nhà quê, chẳng được học hành là bao, lại phải lam lũ khổ sở, suốt ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, ấy vậy mà khi bị bắt, bị tra tấn, đánh đập, nhất là khi bị hỏi cung, các ngài đã trả lời hết sức trôi chảy, không những thế, các ngài còn lý luận và bẻ gãy những lời nói phi nhân bất nghĩa của vua quan. Mặt khác, nhân cơ hội, ngoài chuyện làm chứng cho Chúa bằng đời sống, các ngài còn rao giảng Lời Chúa cho những người đang làm hại mình nữa. Tất cả những chuyện đó, chúng ta ai cũng hiểu là Chúa Thánh Thần nói trong và hành động nơi các thánh.
Bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu cũng nói cho các môn đệ biết, các ông sẽ phải chịu đau khổ, bách hại và gặp muôn điều khó khăn, tuy nhiên, các ông đừng sợ, những lúc như thế, Chúa Thánh Thần sẽ giúp các ông để cho các ông biết phải làm gì và nói gì.
Trong đời sống đạo của chúng ta hiện nay, không còn quá khó như thời các thánh tử đạo khi xưa. Nhưng vẫn còn nơi này, nơi kia, vì một số người kém hiểu biết, dốt nát, cổ hủ, nên còn gây khó dễ đối với các tín hữu cách này, cách khác. Những người này có thể vì một mục đích thực dụng nào đó cho cá nhân hay tập thể, nên mới có những hành xử kém hiểu biết và thiếu nhân văn như vậy! Tuy nhiên, điều này không đáng ngại, bởi vì kinh nghiệm cho thấy, càng khó khăn, khổ sở bao nhiêu thì niềm tin và đời sống đạo lại càng sống động. Nhưng điều đáng sợ hơn cả chính là những trào lưu tục hóa đang dần bách hại tinh thần của chúng ta. Những phim ảnh, sách báo, băng đĩa xấu đang lan tràn mọi nơi. Những thứ này nó phá hủy từ bên trong, nên có sức làm băng hoại đời sôngs đạo đức, luân lý nơi con người. Đây mới là thử thách đáng phải quan tâm.
Sống trong xã hội như thế, người kitô hữu được mời gọi làm chứng cho Chúa bằng cuộc sống lành mạnh, không cờ bạc, hút trích, trai gái... Khước từ những điều không phù hợp với luân lý kitô giáo. Còn nếu có gặp khó khăn, bắt bớ, cấm cách, chúng ta an tâm, vững tin vào Chúa Quan Phòng, vì những lúc đó, Chúa Thánh Thần sẽ thực thi vai trò của Người như xưa Người đã làm nơi các Tông đồ và các bậc tiền nhân của chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban Chúa Thánh Thần xuống trên chúng con, để chúng con được ơn can đảm, trung thành với Chúa và Tin Mừng của Chúa. Amen.
88.Tiệc cưới Nước Trời
(Suy niệm của Ts. Trần Quang Huy Khanh)
Bạn có nhận được thiệp mời dự đám cưới hoàng tử Charles và công nương Diana không? Hoặc bạn đã có lần nào được mời tham dự đám cưới của một minh tinh, tài tử Hollywood nào chưa? Nếu có, chắc là bạn hãnh diện và sung sướng lắm. Và trong niềm hãnh diện và sung sướng ấy, bạn đã phải để bao nhiêu ngày giờ suy nghĩ về y phục bạn sẽ mặc hôm đó. Không những áo quần, mà còn đầu tóc, và trang sức nữa. Bạn phải chạy đầu này, đầu nọ để sắm sửa và chuẩn bị. Và dĩ nhiên, bạn cũng phải chi ra một số tiền khá lớn cho những chuẩn bị đó.
Nếu không được vinh dự mời tham dự những đám cưới lịch sử như thế, hẳn là bạn cũng đã nhiều lần được mời tham dự những đám cưới của con cháu, họ hàng, hoặc bạn hữu xa gần. Cùng một thái độ hãnh diện, sung sướng ấy, bạn cũng đã phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng. Không chỉ để đáp lại sự quí mến của người mời, mà còn để khỏi phải mất mặt giữa các thực khách. Tóm lại, bạn không thể đến tham dự một tiệc cưới mà lại ăn mặc lôi thôi, lếch thếch. Đám cưới càng danh giá, địa vị, sự chuẩn bị càng công phu và tốn kém.
Thế nhưng đó lại không phải là thái độ của phần lớn các Kitô hữu. Những người mà khi tham dự đám cưới một người trần gian thì lại chuẩn bị kỹ càng, nhưng khi được mời tham dự một tiệc cưới vô cùng quan trọng và danh dự – tiệc cưới Nước Trời – Tiệc cưới của hoàng tử Nước Trời, thì lại rất lôi thôi, lếch thếch. Vì bàn tiệc Nước Trời là gì? Nếu không phải là ơn gọi sống đời Kitô hữu? Một lời mời gọi phát xuất từ lòng Chúa xót thương, mà chúng ta tất cả chỉ là những thực khách bơ vơ nơi đầu đường, xó chợ, không danh giá, không địa vị, và không được người đời biết đến: “Tiệc cưới đã dọn sẵn, nhưng những kẻ được mời không đáng dự. Vậy các ngươi hãy ra các ngả đường, gặp bất kỳ bất cứ ai thì mời vào dự tiệc cưới” (Mt 22: 8-9).
Đặc biệt trong Năm Thánh Thể, chúng ta hãy nghĩ đến lời mời gọi này mỗi khi tham dự Thánh Lễ và mỗi lần rước Mình và Máu Thánh Chúa. Đây là một bàn tiệc đúng nghĩa hy tế, trong đó mọi Kitô hữu đều được tham dự và nuôi dưỡng bởi Mình và Máu Thánh Chúa. Chúa Giêsu trở nên lương thực cần thiết cho chúng ta trên hành trình cuộc sống, và trên con đường về quê hương vĩnh cửu. Tư tưởng này nhắc nhở chúng ta về vị trí của mình, và đồng thời biết chuẩn bị để mình không phải là những thực khách, những khách bị loại ra khỏi bàn tiệc mà mình đã được mời để tham dự. Đức Bênêđíctô XVI, trong bài giảng bế mạc Đại Hội Thánh Thể Nước Ý lần thứ 24 tại Bari đã nói: “Chúa Giêsu thực sự hiện diện giữa chúng ta. Sự hiện diện của Ngài không phải là tĩnh lặng. Đó là một sự hiện diện thực sự, làm cho chúng ta thành như Ngài, Ngài đã đồng hóa chúng ta với chính Ngài. Thánh Augustine đã hiểu rằng trọng tâm của Thánh Thể là Đức Kitô, Đấng đã thu hút chúng ta lại với chính Ngài; Đấng đem chúng ta ra khỏi chính mình để biến chúng ta nên một với Ngài. Trong cách này, Ngài giới thiệu chúng ta với cộng đồng anh chị em mình.”
Do nhận ra thân phận mình thấp hèn của mình, và vì thấy mình được mời tham dự một tiệc cưới cao trọng như thế, Kitô hữu chúng ta nhẽ ra phải coi làm trọng, phải hãnh diện và tham dự với tất cả lòng biết ơn. Nhưng thực tế lại khác, rất nhiều Kitô hữu đã “không mặc áo cưới”, đã khước từ, hoặc thậm chí đã coi lời mời đó như một cái gì đáng ghét cần phải loại bỏ. Bằng lối diễn tả của Thánh Kinh, đó là những Kitô hữu đã chối từ, đã coi thường lời mời tham dự bàn tiệc Nước Trời tức là tham dự vào việc thừa hưởng sức sống thần linh của Thiên Chúa, khước từ địa vị làm con Thiên Chúa, và cũng khước từ tham dự vào gia tài thiên quốc.
Người thực khách không mặc áo cưới trong bữa tiệc hôm đó, cũng như các thực khách đã khước từ lời mời tham dự bữa tiệc, là những hình ảnh để Kitô hữu chúng ta tự vấn về đời sống và ơn gọi của mình. Chúng ta có tham dự vào bàn tiệc do Thiên Chúa thỉnh mời với tấm lòng biết ơn, hay ngược lại, bằng với thái độ bất kính. Một thái độ đưa đến kết quả là bị loại ra khỏi Nước Thiên Chúa, và bị tước đoạt quyền làm con Ngài. Và đó chính là:
1. Những kẻ thuộc về thế gian: Thiên Chúa đã gửi thiệp mời đến tất cả mọi người chúng ta. Ngài đã mời gọi tất cả. Nhưng xem như thiệp hồi âm quá ít. Những người được mời tham dự đã không hồi báo. Lý do, người thì bận đi thăm trang trại, hoặc bận lo làm ăn buôn bán. Đối với thành phần thực khách này, lời mời gọi của Nước Trời. Hạnh phúc được tham dự tiệc cưới Nước Trời – tức sự sống đời đời - không quan trọng so với những của cải vật chất và thế gian. Và do đó, họ đã không thèm đếm xỉa tới.
2. Những kẻ thù ghét Thiên Chúa: Không những không coi việc được mời là quan trọng, danh dự và là niềm hãnh diện, một số khác còn tỏ ra đối nghịch và trở thành kẻ thù đối với lời mời tham dự. Những hình thức bách đạo, ngăn cấm, tra tấn, tù đầy và giết hại các Kitô hữu qua các thời đại đã cho biết là có những kẻ hết sức ác cảm và hận thù Thiên Chúa. Sự độc ác, dã tâm của họ đã được Thánh Ký phác họa như những kẻ “bắt bớ đầy tớ vua mà hạ nhục và giết đi”.
3. Những kẻ coi thường và khinh xuất: Họ là những thành phần đã nhận lời tham dự tiệc cưới, có hồi báo, nhưng lại tỏ ra khinh xuất và coi thường. Họ vào tiệc cưới mà “không mang y phục cưới”.
Trước lời mời gọi tham dự bàn tiệc Lời Chúa, bàn tiệc Thánh Lễ, bàn tiệc Thánh Thể, và bàn tiệc cứu độ của Thiên Chúa, chúng ta phải có thái độ nào: Dửng dưng, khước từ, hay thù ghét? Và liệu chúng ta có bị loại ra ngoài vì thái độ bất xứng hoặc dửng dưng coi thường của chính mình? Xin Mẹ Maria, Mẹ của Thánh Thể, giúp chúng ta yêu mến và sốt sắng tham dự lời mời của Thiên Chúa bằng cuộc sống chứng nhân đích thực trong chính ơn gọi của mỗi người.
89.Hãy chuẩn bị áo cưới hằng ngày
(Suy niệm của Pt. Trần Văn Luận)
Bậc làm cha mẹ khi có con đến tuổi lập gia đình rất lo lắng về bữa tiệc cưới, vì đây là dịp vui xum họp gia tộc, bạn bè của hai họ. Các món ăn được chọn lựa kỹ lưỡng sao cho hợp với khẩu vị của mọi người. Những người được mời là những thượng khách của gia đình, họ được mời đến không chỉ để chung vui cùng gia đình có con dâu hay con rể mới, nhưng họ còn là một vinh dự cho gia chủ.
Phúc Âm hôm nay sánh ví nước Trời giống như ông vua mở tiệc cưới cho hoàng tử. Nếu tiệc cưới của người dân thường còn bận rộn, lo lắng sửa soạn nhiều tháng trời thì tiệc cưới của con vua phải sửa soạn như thế nào! Nhưng ở đây Chúa muốn nói đến tiệc cưới Nước Trời và chúng ta là những người được mời tham dự.
Chúa đã chuẩn bị tiệc cưới cho chúng ta ngay từ khi chúng ta được tạo dựng. Khi lãnh nhận bí tích rửa tội, Chúa đã mặc cho mỗi người chiếc áo trắng dự tiệc cưới, và Chúa đã nói qua Thừa Tác Viên: “Con đã trở nên tạo vật mới và đã mặc lấy Chúa Kitô. Chiếc áo trắng này chỉ tước vị của con... Con hãy mang nó tinh tuyền mãi cho đến cõi trường sinh”. Mỗi người chúng ta đã mặc lấy Chúa Kitô, mặc lấy Đức tin Công Giáo. Nhưng điều quan trọng là chúng ta có đáp lại lời Chúa mời gọi vào tiệc cưới trên Thiên Đàng hay không?
Trong một lần hành hương nơi đất Thánh, khi đến bức tường than khóc, cũng là bức tường của Đền Thờ Giêrusalem xưa còn xót lại. Chúng tôi đã cùng nhau nghe Thánh Vịnh 122:
Tôi vui mừng khi người ta nói cùng tôi:
“Nào! Ta đi nhà Giavê!”
Chân ta dừng nơi cửa thành ngươi
Hỡi Giêrusalem!
Nhiều người đã sung sướng rơi lệ vì không thể tưởng tượng được mình đang đi đứng trên những nơi ngày xưa Chúa đã đi qua. Đúng như một giấc mơ, vì nhiều người mơ ước trong đời được viếng thăm Đất Thánh một lần. Chuyện mơ ước được viếng thăm Đất Thánh thật khó khăn đối với nhiều người vì không đủ phương tiện, hay hoàn cảnh không cho phép, phải cố gắng lắm mới có thể thực hiện được. Như thế chúng ta thấy rằng việc mơ ước về Thiên Đàng sẽ khó khăn gấp bội. Nhưng đây không phải là chuyện không làm được mà tùy thuộc vào chính bản thân ta có quyết chí làm hay không.
Chúng ta hãy tô diểm cho chiếc áo cưới mỗi ngày thêm đẹp hơn khi lãnh nhận các Bí Tích. Chúng ta làm cho chiếc áo trở nên sáng chói bằng cách tuyên xưng đức tin qua những việc thánh thiện, bác ái, những gương sáng, tránh xa các dịp tội, nhất là siêng năng cầu nguyện vì ma quỷ luôn rình rập để cám dỗ ta. Con người càng văn minh càng bận rộn kiếm tiền trả cho những tiện nghi được hưởng, do đó không có giờ với Chúa, có khi quên không còn nhớ Chúa là ai vì những của cải vật chất hữu hình xóa mờ trong tâm trí chúng ta những gì linh thiêng vô hình. Người được mời vào tiệc cưới mà không mặc áo cưới là làm nhục gia chủ. Cũng vậy, người Công Giáo không sống xứng đáng là người Công Giáo cũng làm sỉ nhục cho Chúa.
Giấc mơ về Thiên Đàng sẽ thành sự thật nếu chúng ta đáp lại lời mời gọi của Chúa là mỗi ngày hãy chuẩn bị cho bữa tiệc cưới trên Thiên Đàng, để khi sứ thần đến chúng ta sẽ sẵn sàng vào bàn tiệc trong vui mừng vì được Chúa đón tiếp.
90.Chuẩn bị sẵn sàng y phục lễ cưới
(Suy niệm của Huệ Minh)
Kính thưa cộng đoàn,
Kỳ vừa rồi, có dịp đi ra Bà Rịa, thì đứng nói chuyện với một Sơ dòng Phaolo. Sau đó mới biết được Sơ là bạn của Tân giám mục phó Giáo Phận Đà Lạt. Thế là Sơ đưa ra những tấm hình, mà ngày xửa ngày xưa, thời Đức Cha và sơ còn nhỏ học chung ai cấp 2 cấp 3 với nhau. Mà bây giờ, bỗng nhiên người bạn của mình được thụ phong Giám Mục thì: bạn mời bạn, khăn gói quả mướp lên đường để mà đi dự lễ.
Có mấy người bạn bảo: Làm sao mà có thể chen được vào ngồi! Nhưng mà Sơ nói rằng: bạn mà! Thế là vui lắm! Đi dự lễ, không những dự lễ, mà còn ở lại dự tiệc nữa. Bởi vì, đó là ngày vui của bạn mình!
Và một cái câu chuyện hôm nay, Chúa Giêsu kể một cái dụ ngôn mà chúng ta thấy nó có cái gì đó nó mâu thuẫn. Thực sự ra, nó không có đúng trong thực tế đâu. Nhưng mà qua đó, Chúa lại mời gọi chúng ta suy nghĩ về vụ khác.
Cái chuyện là: Có một nhà vua kia, mở tiệc cưới cho con. Chỉ là một cái tiệc mà Tân giám mục, tân linh mục thôi! Bao nhiêu người trang điểm, phải chuẩn bị hành trang đi để mà dự lễ, để mà dự tiệc. Ấy vậy mà, tiệc cưới của nhà vua, con của nhà vua, vậy mà người ta khước từ, khách không tới!
Nó có cái gì đó, nó khó hiểu, nó mâu thuẫn, làm cho chúng ta suy nghĩ.
Nhưng mà, Chúa Giêsu muốn kể cái dụ ngôn này để mà nói với chúng ta về: Cái đời sống tôn giáo của chúng ta, về tương quan của chúng ta với Thiên Chúa như thế nào?
Nếu mà, chúng ta thật sự bận tâm với Thiên Chúa, chúng ta bận tâm với Nước Thiên Chúa: sẽ sẵn sàng và từ bỏ tất cả mọi sự, để mà chỉ đi tìm Nước Thiên Chúa mà thôi!
Có hai ông: một ông là thương gia, một ông là nhà sinh vật học đi dạo với nhau. (tức là đang đi dạo với nhau). Nhưng mà, bỗng nhiên cái nhà sinh vật học chạy vào cái bụi cây và bắt được cái con côn trùng. Ông cảm thấy vui, bởi vì, ông bắt được cái con ông cần bắt, để mà nghiên cứu.
Lại đi tiếp tục với nhau một quãng đường, thì cái ông thương gia cúi xuống, thì cái ông nhà nghiên cứu sinh vật học ngạc nhiên nói tại sao bạn mình dừng lại! Thì ra, nhà thương gia cúi xuống lượm được đồng tiền.
Bởi vì, chỉ cần một cái bóp nhỏ thôi! Ông nhận ra dưới chân của ông đó là tiền. Bởi vì sao?
Mỗi người có một cái mối bận tâm riêng của mình. Nhà nghiên cứu sinh vật học đó Chỉ cần nghe tiếng, hay chỉ cần nghe cái tiếng con vật mà mình đang nghiên cứu, thì biết nó đang ở đâu, và đi tới để mà tìm. Còn cái người thương gia, chỉ cần một cái đạp nhẹ thôi, biết ở dưới chân đó là có tiền.
Rõ ràng cuộc đời của chúng ta, một khi chúng ta bận tâm một cái điều gì đó! Thì chúng ta sẽ chăm chú, chúng ta sẽ đi tìm nó và tìm bằng mọi giá, chứ không thể nào mà không tìm được.
Thì Nước Trời cũng như thế, Chúng tôi cảm thấy nó là như thế nào trong cuộc đời của mình.
Thì có người chạy tới nói với con: Cha ơi, ngày xưa thì con đã đi theo chồng con. Con bỏ tất cả mọi sự, con học đạo, con đi theo chồng. Rồi con làm đám cưới, ban đầu thì cũng rất hạnh phúc lắm!
Sau đó rồi anh đánh đập con. Bây giờ anh bỏ con, không những bỏ con, anh còn đi lấy một người khác. Và anh bỏ người vợ đó! Giờ anh đi lấy người khác nữa!
Và bây giờ, Giáo Hội cảm thấy ràng buộc con, không cho con đi lấy chồng khác có nghĩa là sao? Lẽ ra Giáo Hội phải giải thoát cho con, phải mang đến niềm vui cho con! Nhưng tại sao, giáo hội lại ràng buộc con như thế!
Kính thưa Cộng đoàn khi mà người ta không hiểu người ta không đoán những cái luật của đời sống hôn nhân Công giáo thì họ cảm thấy bực mình và khó chịu lắm.
Và có một người kia, chạy đến nói với con: Cha ơi, cha cầu nguyện cho con! Bởi vì, kỳ này con sẽ thụ thai. Con sẽ thụ thai trong ống nghiệm, sẽ kiếm một đứa con. Bởi vì con không muốn lập gia đình, lập gia đình chán lắm! Hôm nay, người ta lập gia đình xong rồi, chồng con ăn ở lung tung hết, nên con muốn có một đứa con mà chỉ thụ tinh trong ống nghiệm.
Nghe xong thì thôi biết gì cầu nguyện bây giờ. Làm sao mà cầu nguyện được khi mà: Luật Giáo hội cấm không cho phép người phụ nữ có thai, nếu nhưkhông có quan hệ vợ chồng. Bởi vì, đối với Giáo Hội: đứa con chính là hoa quả của tình yêu, đứa con chính là hoa quả của đời sống hôn nhân, chứ không thể nào đơn phương mà có con được!
Và rồi khi người ta không cảm nhận được Tin Mừng, người ta sẽ cảm thấy Tin Mừng nó đắng đó! Như Lời Chúa, đôi khi con đọc Tin Mừng, con không dám nói gì cả! “khốn cho các ngươi là những đồ biệt phái và luật sĩ, như mồ mã tô vôi.”
Chúa nói những luật sĩ và biệt phái đó! nhưng man mác trong mình, cũng có đó: những luật sĩ và biệt phái. Mình không sống đúng những gì mà Chúa dạy! Nghe những lời đó mình cảm thấy đắng đót lắm! Và chính đời mình mình có bận tâm vào Nước Trời mình có bận tâm vào Thiên Chúa hay không?
Và rồi trong Tin Mừng đó! Chúng ta thấy, ngoài ra không những là không đi dự tiệc cưới mà còn giết tôi trai, tớ gái của Thiên Chúa nữa!
Mà điều đó có thật trong Kinh Thánh. Chúng ta thấy: tại sao mà Saulê, lẽ ra là phải yêu thương và quý mến Đavít, bởi vì Đavit là sứ giả của Thiên Chúa, được sai đến để cứu Ítraen.
Thế nhưng mà, khi Saulê thấy dân chúng ta ca tụng Đavít và cảm thấy ngai vàng của mình bị đe dọa. Bằng mọi cách Saulê đã khước từ cái tình nghĩa anh em mà giết hại bằng được David. Và cũng thế, chúng ta thấy Hêrôđê đã giết Gioan Tẩy giả, Gioan Tẩy giả như một người ngôn sứ mà Thiên Chúa sai đến! Để mà loan báo sự xuất hiện của Chúa Giêsu, cũng như Gioan Tẩy giả đã can đảm lên tiếng Hêrôđê. Bởi vì, Hêrôđê đã lấy vợ của anh mình. Nhưng vì ông không cảm nhận được Lời của Thiên Chúa, nên Hêrôđê đã tìm mọi cách chặt đầu Gioan Tẩy giả.
Chúng ta thấy đó, những con người ác đức là hiện thân cuộc đời của Chúa Giêsu, Chúa Giêsu không phải là một vị ngôn sứ mà là ngài là Con Thiên Chúa nhưng người ta cũng không đón nhận Chúa Giêsu trong tư cách là một ngôn sứ. Và hơn thế nữa, không đón nhận Ngài trong tư cách là Con Thiên Chúa.
Và nhìn vào cuộc sống ngày hôm nay chúng ta thấy, nhân loại người ta sát hại nhau rất là dễ dàng.
Người ta bận tâm vào Nước Trời thì người ta sẵn sàng từ bỏ tất cả những gì không dính líu vào cuộc đời này. Khi mà mối bận tâm của họ trở thành niềm đam mê và dục vọng, thì họ sẵn sàng hủy diệt sứ giả của Thiên Chúa.
Khi đó họ không thấy cái tình thương của Thiên Chúa nơi cái luật: một vợ, một chồng. Nơi cái luật không có con ngoài cái chuyện quan hệ vợ chồng. Mà người ta chỉ thỏa mãn cái lòng dục của người ta và khi đấy cái nỗi bận tâm về vật chất, về hưởng lợi, về quyền lực nó lại làm mờ mắt chúng ta để chúng ta không còn bận tâm đi tìm cái đám cưới, chúng ta không đi tìm Nước Trời nữa.
Chúng ta không can đảm để đón nhận Chúa là Tin Mừng, Chúa là Đấng là Chủ tể cuộc đời chúng ta. Bởi vì, tất cả những ràng buộc của vật chất nó nặng nề, nó đã che lấp cuộc đời chúng ta.
Thế nhưng có điều đáng nói rằng: phần đông chúng ta, thì không phải là như thế đâu!
Bởi vì, chúng ta là những người đã được đón nhận Chúa, chúng ta thấy Chúa, chúng ta nghe Chúa, nhưng rồi chúng ta đã nhận lời mời, nhưng chúng ta không mặc y phục cho xứng đáng để mà dự tiệc cưới.
Có nhiều người đi lễ trang điểm rất đẹp, có nhiều hơn 2, 3 tiếng đồng hồ để đi lễ. Và đặc biệt, đi ăn cưới thôi, người ta trang điểm rất là lâu và đẹp
Nhưng mà rồi, chúng ta thấy cái phần 2 trong cái dụ ngôn này, phát hiện ra một người đi vào ăn cưới. Nhưng mà không y phục lễ cưới, để rồi bị đuổi ra ngoài, vì không mặt đúng y phục lễ cưới.
Về chuyện này ở người Do Thái thì họ có một cái, nghe kể lại là có một cái hành lang để mà treo áo, để mà vào dự tiệc thì họ mặc áo vào, để mà đi dự tiệc cưới.
Nhưng mà điều mâu thuẫn mà chúng ta thấy là chủ điểm ở đây là những người khách được mời, nhưng mà họ đi vào, họ đâu có chuẩn bị trước đâu.
Ví dụ như những người bán vé số, những người lao động ngoài đường khi mà được mời đi ăn đám cưới, họ đâu có chuẩn bị quần áo đâu để mà mặc mà chủ đi bắt họ để mà nhốt tù họ.
Chủ điểm ở đây mà chúng ta nhắn tới, để chúng ta hiểu được đó là: những người Do Thái bởi vì họ đã được nghe lời Chúa, họ đã được đón nhận lời Chúa đón nhận sự hiện diện của Chúa thế nhưng rồi họ đã khước từ, và rồi Chúa đã mời, Chúa đã sai Con Thiên Chúa làm người để cứu độ cho tất cả mọi người. Ơn cứu độ phổ quát cho mọi người, chứ không có dành riêng cho một người nào cả!
Nhưng mà chỉ có điều chúng ta quan tâm đó là khi vào dự tiệc cưới, chúng ta phải mặc cái lễ phục của tiệc cưới đó, không phải là cái quần là áo lụa bên ngoài mà đó chính là cái trang phục nội tâm của mọi người chúng ta. Trang phục nội tâm mà mỗi người chúng ta có đó, khi mà chúng ta lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy.
Thì nói tới đây mà xét cho cùng mà nghiên cứu đã cho thấy ở bên sông Giođan, nó có cái hay lắm! Người ta đi rửa tội ngay tại sông Giođan, và người ta bước xuống dòng sông Giođan với quần áo cũ và khi lên dìm mình ở trong cái dòng sông Giođan, bước lên thì: cha mới thay cho họ, một cái y phục mới. Một cái y phục trắng tinh, một cái y phục rất là đẹp! Nó giống như cái y phục lễ cưới, mà như chúng ta đã lãnh nhận từ ngày chúng ta nhận bí tích rửa tội.
Thế nhưng rồi nhiều khi chúng ta vô tình, chúng ta không có bận tâm, chúng ta không có chú ý. Nhiều khi cái áo mà chúng ta lãnh nhận bí tích Rửa Tội cách đây 2,30 năm, 40 năm. Bây giờ nó vàng, nó ngà mà nhiều khi nó đen nữa.
Bởi vì, cái lòng của chúng ta nó không còn trong trắng như ngày xưa!
Và khi ấy, chúng ta không có đủ để xứng đáng để đi vào dự tiệc cưới và khi chúng ta được mời gọi rằng chúng ta có một y phục lễ cưới.
Chúng ta thấy quần áo mà chúng ta cần giặt, thì chúng ta phải cởi bỏ cái áo cũ và chúng ta lấy cái áo cũ đó đi giặt.
Cũng vậy, những cái đam mê, tính hư, nết xấu, những cái ý tưởng xấu trong con người chúng ta. Nếu chúng ta can đảm, chúng ta tin nhận Chúa là Chúa đời ta, chúng ta cảm nhận Tin Mừng là Tin Mừng, thì tất cả những gì mà lột bỏ nơi chúng ta, là chua xót đó: tính hư, nết xấu.
Có nhiều khi: chúng ta bỏ đi một ý tưởng xấu không phải dễ, chúng ta bỏ đi một cái hành vi xấu không phải dễ đâu! Nhưng nếu, chúng ta cảm nhận được Nước Trời là cùng đích của cuộc đời chúng ta, chúng ta cảm thấy được là chúng ta phải cần có một cái bộ y phục lễ cưới!
Đi ra ngoài đi mua 5, 7 triệu bạc, 20 triệu, có người mặc bộ đồ 3, 400 triệu như là các minh tinh màn bạc. Chúa không bắt chúng ta phải mặc những quần là, áo lụa đó! Nhưng Chúa mời gọi mỗi người chúng ta, có y phục trong tâm hồn: phải trắng, phải xứng hợp với tiệc cưới Nước Trời.
Cái y phục đó là gì? Y phục đó là tình yêu thương, đó là lòng bác ái, đó là sự vị tha.
Chúa mời gọi mỗi người chúng ta, ngày mỗi ngày, trước khi đi ngủ, chúng ta đặt mình trước mặt Chúa. trước khi nhắm mắt.
Xin Chúa thanh tẩy lòng chúng ta, xin Chúa tha thứ cho chúng ta. Và đặc biệt xin Chúa cho chúng ta mau chạy đến với bí tích Hòa Giải, nơi Bí tích Hòa Giải chúng ta được dìm mình trong Chúa. Và chúng ta được thanh tẩy, để tâm hồn chúng ta trắng.
Cuộc đời này không biết ngày nào chúng ta ra đi. Ngày nào mà chúng ta ra đi chính là ngày mà chúng ta được mời vào dự tiệc cưới. Và khi đó, Chúa lại hỏi chúng ta, chúng ta có mặc trang phục lễ cưới, hay là chúng ta mặc một cái bộ đồ bẩn thỉu vào dự tiệc cưới!
Xin Chúa thêm ơn cho mỗi người chúng ta, để ngày mỗi ngày, chúng ta biết thanh luyện tâm hồn chúng ta luôn luôn mặc lấy một lấy chiếc áo trắng, áo mới, mà ngày chúng ta lãnh Bí tích Thanh Tẩy. Để chúng ta đón Chúa, để chúng ta được vào dự tiệc cưới Nước Trời như Chúa mời gọi chúng ta. Amen.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam