Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 74

Tổng truy cập: 1356305

Đức Giêsu Là Ai ?

Đức Giêsu là ai ?

Không ít các nhà chú giải Thánh Kinh đã có cùng nhận xét: Đức Giêsu đã đặt ra cho các môn đệ một câu hỏi vô cùng căn bản: "Các con bảo Thầy là ai?" Tính chất tồn vong hay tiến lùi của đạo Kitô đều dựa vào yếu tố trả lời cho câu hỏi đó. Không phải chỉ có trong thời của Đức Giêsu người ta mới nói: "Ngài là Êlia, Gioan Tẩy giả, hay một tiên tri nào đó", nhưng sau hơn 20 thế kỷ, tức sau một thời gian dài của nghe biết, học hỏi, và suy tư, vẫn không ít người, như anh em Hồi giáo, cho Ngài là một tiên tri lớn, hay dân Hy lạp xem Ngài là một hiền triết rất đáng kính trọng, hoặc dân Do thái chỉ coi Ngài như một con người siêu việt, không hơn không kém.

Nếu cùng một câu hỏi "Đức Giêsu là ai?" được đặt ra cho bạn và tôi, chúng ta sẽ trả lời thế nào?

Phải chăng Ngài là một thủ kho để khi khổ đau túng thiếu, ta chạy đến Ngài nài van khấn hứa? Rồi nếu lời ta cầu được như ý thì mình hăng hái tin Chúa hơn một tí, yêu Chúa hơn một tí. Còn nếu không được gì thì ta chán Chúa, chán nhà thờ, và chán đạo thêm một chút chăng?

Hay Đức Giêsu là một ông "kẹ", một quan án nghiêm khắc, để hễ ta phạm tội là Ngài giáng xuống ít điều xui xẻo cho sáng mắt ra? Không chừng vì xem Chúa như ông kẹ, nên việc giữ đạo hay sống đạo của tôi cứ mãi chìm ngập trong sợ hãi, cốt sao cho khỏi sa hỏa ngục là mừng lắm rồi.

Hay có phải Đức Giêsu là một tượng thạch cao vô tri vô giác, chẳng đụng chạm gì đến con người, cuộc đời, và thế giới của tôi?

Thiết tưởng, nêu lên vấn đề qua việc nhìn lại câu hỏi căn bản của Chúa Giêsu, hầu tái khám phá chân dung đích thật của "Con Người" mà mình đang tin theo, hẳn không phải là chuyện vô bổ.

Chắc chắn ai cũng công nhận Đức Giêsu là một nhân vật lịch sử: sinh ra trong xã hội Do thái, lớn lên dưới sự đô hộ của đế quốc Rôma, chết trong thời quan Philatô làm tổng trấn Giuđêa. Ngài có những tính chất rất người. Ấy là ngài cũng buồn, vui, sướng, khổ, khóc than, mệt nhọc... và đồng thời là một người rất hiểu biết, cảm thông, và nhân ái.

Ngài hiểu rằng là con người, ai cũng khát khao hạnh phúc. Trong câu chuyện bên giếng Giacóp với người phụ nữ xứ Samari, những mẫu đối thoại đã nêu lên điều đó. Chúa Giêsu nói với người đàn bà: "Cô nói cô không có chồng là đúng lắm. Nhưng đúng hơn là cô đã có 5 đời chồng, và người đang sống với cô lại không phải là chồng cô". Đức Giêsu nói thế không phải để vạch trần hay lên án tình trạng vô luân của người đàn bà, song là tỏ bày một sự hiểu biết về niềm khao khát hạnh phúc nơi con người: con người tìm kiếm liên lỉ, tìm kiếm đến 5, 6 đời chồng mà vẫn thấy chưa thoả.

Đức Giêsu cũng rất cảm thông trước nỗi khổ đau của nhân loại. Ngài từng dừng lại bên cửa thành Naim, thổn thức và chia sẻ nỗi niềm của một người đàn bà góa có đứa con trai qua đời. Niềm an ủi và chỗ tựa nương duy nhất không còn nữa. Nỗi đau thương đã đến tận cùng!

Đức Giêsu cũng từng rơi nước mắt, xót xa cho sự mất mát của hai chị em Matta và Maria khi Lazarô bị thần chết chế ngự.

Nhưng Đức Giêsu không dừng lại nơi đó. Ngài không dừng lại với việc tỏ bày vai trò của một tiên tri khi biết hết chuyện đời người ta, hay một tâm lý gia đại tài khi biết lắng nghe, chia sẻ, và cảm thông với người khác. Song Ngài đã bộc bạch vai trò và chân dung của một Vị Thiên Chúa, một Đấng Cứu Độ - Đấng Giải Thoát.

Chúa Giêsu không chỉ chứng tỏ sự hiểu biết của mình về nhu cầu hạnh phúc của con người với những khắc khoải kiếm tìm mà qua 6 đời chồng vẫn bế tắc, uống mấy vẫn còn khát. Trái lại, Ngài còn chỉ ra mạch nước mà khi uống vào sẽ không còn khát nữa. Mạch nước đó phát sinh từ chính Ngài. "Ai uống nước Ta ban sẽ không hề khát... Ai tin vào Ta sẽ sống muôn đời".

Chúa Giêsu không dừng lại với những cảm thông mất mát, chia sẻ khổ đau, và khóc than cái chết của con người. Nhưng Ngài còn chứng tỏ sức mạnh của một Thiên Chúa khi phục sinh kẻ chết, thánh hoá khổ đau, và mang lại niềm vui cứu độ cho thế giới.

Đó là tất cả những gì cần nói về chân dung của Đức Giêsu. Đó là tất cả những gì thánh Phêrô đã tuyên xưng: "Thầy là Đức Kitô con Thiên Chúa hằng sống" (Mt 16:16). Đó là lời xác tín của dân làng Samari sau khi được Chúa ghé thăm: "Chúng tôi biết Người thật là Đấng Cứu Thế" (Ga 4:42) Và đó cũng là tất cả những gì thánh Cyrilliô, một trong những nghị phụ nổi bật của Công dồng Êphêsô đã xác định: "Chúa Giêsu phải là con người toàn hảo để hiểu thấu và cảm thông tất cả những yếu đuối, tội lỗi, bất toàn của chúng ta. Và Chúa Giêsu phải là Thiên Chúa để cứu chuộc chúng ta". Bởi vì hiểu mà không cứu thì ăn thua gì, và cứu mà không hiểu thì cũng chỉ cứu nửa vời.

Thế nhưng, cái sức mạnh cứu chuộc - nguyên lý khiến cho Thiên Chúa hiểu thấu, cảm thông, và cứu độ - lại nằm trong một yếu tố duy nhất. Đó là Tình Yêu. Như vậy, nói cô đọng, chân dung của Chúa Giêsu là chân dung của Tình Yêu. Và như thế đọc lại Thánh Kinh bạn sẽ chỉ thấy hình ảnh của một Tình Yêu đau khổ, một Tình Yêu cảm thông, một Tình Yêu tha thứ, một Tình Yêu hiểu biết, một Tình Yêu khoan dung, một Tình Yêu chịu đóng đinh, một Tình Yêu cứu độ, một Tình Yêu mang lại sự sống.

Khám phá ra dung mạo của Chúa Giêsu là yêu thương như thế thì tìm Chúa và theo Chúa nghĩa là gì nếu không phải là tiến đến với cội nguồn yêu thương đó. Đành rằng trong yêu thương cũng có muôn lối đi, ngàn phương đến, nhưng đích điểm vẫn là để bước vào cuộc tình sâu thẳm với Đức Kitô, và đồng thời làm sáng tỏ dung nhan Ngài qua đời sống thân ái với tha nhân.

Lm Bùi Quang Tuấn, CSsR
NS Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp

home Mục lục Lưu trữ