Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 64

Tổng truy cập: 1363637

ĐỨC GIÊSU SINH RA Ở BÊLEM

ĐỨC GIÊSU SINH RA Ở BÊLEM…-  Chú giải của Fiches Dominicales

VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI

*1). Bóng tối của một sự ra đời…

Trong phần mở đầu của tác phẩm mình, thánh sử Luca không muốn làm công việc của một sử gia – lẽ tất nhiên không theo nghĩa hiện đại của từ ấy – nhưng như một nhà thần học đặc biệt nhạy cảm với lịch sử cứu độ.

Thánh sử muốn đưa việc Đức Giêsu sinh ra vào lịch sử chung, bằng cách nối kết sự giáng sinh của Người với “sắc lệnh của hoàng đế Augustô ra lệnh kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ.” J. Potin suy diễn thêm: “ở Syria việc kiểm tra dân số thường diễn ra 12 năm một lần. Flavius Joseph cho hay, vào năm thứ 6 của kỷ nguyên chúng ta, dưới thời Quirinius có cuộc kiểm tra dân số điều này trong hợp với cuộc kiểm tra dân số Luca đã đề cập đến. Như vậy, năm thứ sáu trước kỷ nguyên chúng ta, rất có thể là năm Đức Giêsu sinh ra” (“Đức Giêsu, lịch sử có thật”, Centurion tr. 93).

– Vì muốn nhấn mạnh sự nối tiếp của lịch sử cứu độ và lịch sử ấy hoàn tất với Đức Kitô, nên Luca đề cập đến dòng dõi Đavid của Đức Giêsu:

Bỏ Nadarét ở Galilê, Giuse đi về Bêlem “thành của Đavid” để khai hộ khẩu, bởi lẽ ông thuộc nhà và dòng dôi Đaviđ”.

Chính tại Bêlem “ Maria vợ ông đang có thai” sẽ hạ sinh con trẻ. Biến cố được diễn tả cách giản dị lạ thường. Trong chuyến đi về Bêlem, tuy đóng vai trò quyết định, nhưng Giuse tự xoá mờ trước Maria. Mẹ mới là người quan trọng: Ngài sinh con đầu lòng, bọc trong tã và đặt nằm trong máng cỏ ” ( cảnh này gợi lên cảnh đặt vào mồ: Lc 23,53 họ lấy khăn liệm bọc Ngài và đặt vào mồ), vì không có chỗ cho họ trong “phòng tập thể”: (sau này chúng ta sẽ gặp lại “phòng tập thể” trong Luca, đó là phòng tiệc ly: Lc 22,11).

*2). Sẽ soi sáng mọi đêm tối”.

Trái với sự thanh vắng, bóng tối và sự nghèo nàn của cảnh ra đời, này đây “trong vùng lân cận”, đêm tối rạng ngời và tiếng hát vang dội, nói lên ý nghĩa của biến cố vừa mới hoàn thành: trời và đất gặp nhau, những người đầu tiên được lãnh nhận ơn mạc khải là những người hèn mọn nhất của thời đại: các mục đồng, một lớp người trong xã hội bị khinh chê nhất, được xếp với hạng người tội lỗi và bọn thu thuế. H.Cousin giải thích: “ở Palestin, chăn chiên là lớp người mang tiếng xấu, thường được người ta coi là bọn bất lương và trộm cắp. Sách Talmud ở Babylone xếp họ vào hạng người đáng chú ý: dân mục tử, bọn thu thuế, thật khó mà ăn năn trở lại”. những người bị khinh chê và được xếp vào bậc thang cuối cùng của xã hội lại là những người đầu tiên được đoái đến bởi Đấng vừa sinh ra, con của một người mẹ “hèn hạ ” (Lc 1,48: phận nữ tỳ hèn mọn); chính Ngài sẽ đem Tin Mừng cho người nghèo khó (4, 18). Đấng vừa sinh ra là Đấng để cho người tội lỗi đến với mình và đồng bàn với họ ” (15, 2) (“Tin Mừng thánh Luca”, Centurion tr. 38-39).

– Sứ điệp mà “các thiên thần của Chúa” mang đến cho họ là một “Tin Mừng” (Evangile), một niềm vui lớn. Tin vui ấy là tin vui cho “Toàn dân”. Sứ điệp ấy liên can tới sự giáng sinh của một hài nhi, nơi Người các tước hiệu: “Đấng cứu độ”, “Đấng Mêsia “, “Chúa ” đạt được sự viên mãn bởi lẽ chính Ngài là sự mạc khải sống động về lòng nhân từ của Thiên Chúa. “Đấng cứu độ “, “Đấng Mêsia” (Kitô), “Chúa”, ba tước vị phát xuất từ việc Giáo Hội tuyên xưng đức tin phục sinh, mà chúng ta sẽ thấy trên môi miệng của Phêrô (Cv 2,36…) và của Phaolô (Cv 13,33…).

– “dấu chỉ” cho các mục tử vùng Bêlem: một trẻ sơ sinh, “bọc tã nằm trong máng có”, để nói vòi những ai biết đón nhận rằng Thiên Chúa ban ơn cứu độ như người đã hứa theo cách thế không ai ngờ tới. R.Meynet dẫn giải: “ Kẻ trước hết sẽ nên sau hết. Con người được coi là Đấng Cứu độ, là Vua, là Đấng Mêsia và được thừa kế ngai vàng Đavid tổ phụ Người, lại nằm trong máng cỏ của súc vật, bọc tã, nằm trong cái nôi tạm bợ, cũng như sau này, Người sẽ được bọc trong khăn liệm và nằm trong ngôi mộ không phải dành cho mình. Dù mâu thuẫn, đó vẫn là dấu chỉ cho các mục tử và cho Kitô hữu của mọi thời. Dấu chứng cho sự cao sang của Thiên Chúa lại là sự nhỏ bé, và cho quyền năng của Người lại là sự hèn yếu (“Tin Mừng theo thánh Gioan: phân tích tu từ học”, Cerf, tr. 36).

– Lời tạ ơn “đột nhiên” vang lên. Trên trời, biến cố được diễn tả với chiều kích rộng lớn và trong bầu khí trang trọng. Cùng lúc, dưới đất, là cuộc tổng kiểm tra dân số của Augustô: với thiên sứ, một cơ binh trên trời đông vô số ngợi khen Thiên Chúa rằng: Sáng danh Thiên Chúa trên các tầng trời, bình an dưới thế cho người Chúa thương. Cả trời đất đều mừng vui: kỷ nguyên cứu rỗi đã mở đầu Thiên Chúa, Đấng lấy việc ban hồng ân làm vinh quang, sẽ đổ xuống trên dân Ngài sự “bình an” mà Ngài đã hứa trong ngày cứu độ: không phải sự đảm bảo vật chất của nền “hoà bình Rô-ma” Mà Con người chờ đợi ở Augustô, nhưng là sự tràn đầy sự sống là chỉ mình Ngài có thể ban cho. Trong đêm tối, trở về với cảnh thanh vắng, từ cánh đồng quê Bêlem, mục tử lên đường để xem sự việc đã xảy ra? Họ tìm thấy Maria, Giuse và Hài nhi mới sinh nằm trong máng cỏ. Sau đó, họ trở về và ca ngợi tạ ơn về những gì họ đã thấy và đã nghe, họ là gương mẫu cho các nhà truyền giáo mà thánh Luca sẽ trình bày trong cuốn sách thứ hai: Sách Công Vụ Tông Đồ.

BÀI ĐỌC THÊM

*1).Từ Bêlem đến Phục Sinh” (A.George, trong “Assemblées du Seigneur”, số 10, tr. 6f’ 67).

“Thánh Luca muốn diễn tả một sự kiện diễn ra tại Bêlem thời César Augustô mà ông đã nghe kể và hiểu theo truyền thống của Giáo Hội. Ông chú ý đến sự kiện này như một biến cố rõ ràng, xảy ra ở một nơi nhất định, nhưng ông tỏ ra không mấy chú ý đến các chi tiết. Điều đáng ông lưu ý trong sự kiện này là ý nghĩa của lịch sở cứu độ. Đó chính là tính hiện tại của ơn cứu độ. Nó diễn ra trong suốt cuộc đời của Đức Giêsu, từ Bêlem đến Phục sinh. Khi ông định nghĩa Đức Giêsu như Đấng cứu chuộc, như Kitô Đức Chúa, ông không muốn nói những gì người ta đã hiểu về Đức Giêsu ngày Ngài sinh ra, nhưng Ngài vẫn là như thế cho đến muôn đời. Khi ông kể lại câu chuyện các mục tử, ông nghĩ đến tất cả những ai đã rao truyền sứ điệp thời các tông đồ, nghĩ đến tất cả những ai đã đón nhận sứ điệp ấy. Vì thế ngày nay, câu chuyện đó liên quan đến chúng ta. Đối với ông, mầu nhiệm kết hợp cách bất khả phân ly với lịch sử. Ông tin rằng ơn cứu rỗi đã được ban trong biến cố Đức Giêsu. Và vì thế ông đã viết cuốn sách này.

Đức tin của ông, cũng như của chúng ta, không chỉ dựa trên câu chuyện ấy. Đức tin ấy phát xuất từ việc biết Đức Giêsu trong tất cả mầu nhiệm của Ngài, trong nhân cách huyền nhiệm được mặc khải dần dà, trong sứ điệp cứu rỗi muôn đời, trong việc Ngài luôn toả sáng. Bởi lẽ sự mặc khải về Đức Giêsu là một sự kiện duy nhất đã xảy ra trong thời Đức Giêsu và kéo dài cho đến chúng ta, thời của Giáo Hội. Mỗi người chúng ta đều được mời gọi đưa ra một chọn lựa trước sự kiện này. Quyết định như thế thật khó khăn vì nó đòi chúng ta phải hoàn toàn dấn thân. Sự quyết định đó cũng không bao giờ hoàn tất, bởi vì Đức Kitô vượt xa hơn bất kỳ ai khác, nên sự hiểu biết về Người là một khám phá của tất cả cuộc đời.

Câu chuyện giáng sinh ở Bêlem chỉ có ý nghĩa đối với những ai đã nhận ra Đức Giêsu là Đấng Cứu độ, là Kitô Đức Chúa. Sự Giáng Sinh làm lộ rõ điều nghịch lý nơi con người giàu: sự nghèo hèn song hành với vinh quang. Điều nghịch lý này làm cho người Do Thái thời Ngài cũng như mọi người chưng hửng: một bên là sự trần trụi của một Hài nhi yếu ớt, từ lúc mới sinh đã phải tùng phục sắc lệnh của một hoàng đế ngoại giáo, và trong cảnh xa nhà, chỉ được một người mẹ tứ cố vô thân, một bác thợ mộc và mấy người chăn chiên tiếp đón… bên kia là sự xuất hiện của cả một đạo binh ngời sáng trên trời, vinh quang Thiên Chúa tỏ hiện và lời tung hô Đấng Cứu thế, Kitô Đức Chúa. Sự gặp nhau giữa nỗi khốn cùng của loài người và vinh quang của Thiên Chúa chính là sự kiện Thiên Chúa đến trong lịch sử chúng ta: một sự hiệp thông với cả nhân loại, để dấy lên niềm hy vọng, một sự hiện diện trong tình yêu cho đến muôn đời.

Cuộc gặp gỡ này không chỉ diễn ra trong mầu nhiệm của đêm Giáng Sinh mà còn kéo dài trong tất cả cuộc đời Đức Giêsu, từ những phép lạ và thử thách của cuộc sống trần gian cho đến vinh quang phục sinh, toàn thắng mà thế gian không biết đến. Suốt dòng thời gian, sự hiện diện của Thiên Chúa giữa nhân loại chính là Giáo Hội. Giáo Hội này tuy còn đầy dấy sự yếu hèn của chúng ta nhưng lại là nguồn mạch ơn cứu độ muôn đời của Thiên Chúa. Trong Giáo Hội, trong chúng ta, cũng như trong đêm Giáng Sinh và Phục sinh, “chính trong sự yếu hèn mà quyền năng được toả lan ” ( 2 C r 12, 9 ) .

*2). “Đã 2000 năm” (Mgr. F.Favreau trong “Mùa Vọng năm 2000″, Documents ” épiscopat, số 14, tháng 10, 1 996).

(Tạm dịch)

Hai ngàn năm đã trôi qua,

Giêsu, Chúa đã sinh ra giữa đời.

Kỷ niệm bất diệt đầy vơi,

Mừng cùng Giáo Hôi khắp nơi, vũ hoàn.

Niềm vui cảm tạ tri ân,

Chúa đã thăm viếng cõi trần chúng con.

Lời xưa Chúa hứa vẫn còn:

Ở cùng nhân loại chúng con mỗi ngày.

Chúng con cảm nghiệm giờ đây,

Chúa đang hiện diện mọi ngày đời con

Ban ơn trông cậy trường tồn,

Một niềm phó thác, con luôn vững bền.

Trên vùng Đất Hứa nửa đêm,

Chúa đến mặc khải êm đềm tình Cha.

Chúa yêu ta, chết vì ta.

Chúa ơi! Xin dẫn con và anh em

Vào trong nguồn suối êm đềm

Của tình yêu Chúa ở trên cõi đời.

Tình Cha bí mật tuyệt vời

Chính là ơn gọi con nơi thế trần.

Tibêriat dừng chân,

Tám mối phúc, Chúa ân cần dạy con.

Biến con thành sử giả luôn

Loan truyền mối phúc cho muôn muôn người.

Thánh Thần xin gởi đầy vơi,

Trên Hội Thánh Chúa ở nơi thế trần:

Ngài ban sức mạnh hồng ân

Giúp con lướt thắng tinh thần cứng tin.

Dắt con vững bước đăng trình,

Anh em, đến với mối tình tri âm.

Biến con thành thợ Phúc Âm.

tháp nhập vào Ngài.

 LỄ GIÁNG SINH 2022- LỄ ĐÊM

HÔM NAY ĐẤNG CỨU ĐỘ ĐÃ ĐẾN VỚI CHÚNG TA- Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái

Sợi chỉ đỏ

– Bài đọc I (Is 9,1-6) : “Vì Chúa đã cho một trẻ thơ chào đời”

– Đáp ca (Tv 95) : “Hôm nay Đấng cứu độ chúng ta đã ra đời”

– Tin Mừng (Lc 2,1-14) : “Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con rồi đặt nằm trong máng cỏ”

– Bài đọc II (Ti 2,11-15) : “Ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ”

*I. Dẫn vào Thánh lễ

Đêm nay chúng ta cử hành Thánh lễ mừng Con Thiên Chúa giáng sinh làm người. Giáo Hội cử hành Thánh lễ ban đêm không phải chỉ để sống lại cảm nghiệm của các mục tử xưa đã đến thờ lạy Chúa lúc ban đêm, mà còn muốn làm nổi bật ý nghĩa Đức Giêsu chính là Ánh sáng xóa tan đêm tối trần gian. Nguyện xin ánh sáng Đức Giêsu cũng xóa tan mọi tối tăm u ám trong lòng mỗi người chúng ta.

*II. Gợi ý sám hối

– Nhiều khi chúng ta đã chuộng bóng tối của tội lỗi hơn là ánh sáng của Chúa.

– Cuộc sống của chúng ta chẳng có gương sáng gì tỏa chiếu trước mặt trần gian.

– Đức Giêsu đã muốn làm Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Nhưng nhiều khi chúng ta thờ ơ không tiếp đón Ngài để cho Ngài ở cùng.

*III. Lời Chúa

*1. Bài đọc I : Is 9,1-6

Bối cảnh lịch sử của đoạn này là sau khi quân đội Assyria đã xâm chiếm vương quốc Israel và bắt một phần dân xứ đó đi lưu đày. Họ là “dân tộc bước đi trong u tối”, chốn lưu đày đối với họ chính là “miền thâm u của sự chết”, những khổ nhục họ phải chịu là “cái ách nặng nề đè trên người, cái gông nằm trên vai và roi vọt của kẻ áp bức”…

Nhưng ngôn sứ Isaia đã tiên báo là họ sẽ được giải thoát : “Dân tộc bước đi trong u tối sẽ nhìn thấy sự sáng chứa chan”, những gông ách và roi vọt bị bẻ gãy… Ngôn sứ tin chắc vào tương lai ấy đến nỗi những động từ thay vì ở thì tương lai (“sẽ”) đã được ông đổi thành quá khứ (“đã”).

Nhân tố tạo nên sự thay đổi tuyệt vời ấy là “Một hài nhi đã sinh ra cho chúng tôi, một người con đã được ban tặng cho chúng tôi”. Hài nhi hay người con ấy thời đó là vua Êdêkias. Nhưng Êdêkias không thực hiện được tất cả nội dung của lời tiên tri này : ông không phải là “Cố vấn kỳ diệu, Thiên Chúa huy hoàng, người cha muôn thuở, ông vua thái bình…”. Nội dung của lời tiên tri này sẽ chỉ được thực hiện nơi Đức Giêsu mà thôi.

*2. Đáp ca : Tv 95

Tv này là một khúc hoan ca mang chiều kích hoàn vũ : “Các tầng trời hãy hoan lạc, trái đất hãy nhảy mừng, biển và muôn loài dưới biển hãy chuyển động, cây cối trong rừng xanh hãy nhảy mừng”. Lý do hân hoan là Thiên Chúa đã đến xét xử trần gian và mọi dân tộc trong công bình và chân lý.

*3. Tin Mừng : Lc 2,1-14

Đoạn Tin Mừng này giống như một bộ tranh gồm hai bức đối chọi hẳn nhau :

– Phần đầu là bức tranh u tối : đất nước đang sống dưới ách đô hộ của đế quốc Rôma, thánh gia nghèo nàn phải sinh Đức Giêsu trong máng cỏ…

– Phần sau là bức tranh sáng ngời : đoàn thiên sứ báo tin vui, ánh hào quang của Chúa tỏa chiếu, hài nhi được gọi là Đấng cứu tin, tiếng hát thiên thần “vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm”.

Với biến cố Đức Giêsu sinh ra, tất cả đã được thay đổi từ tối tăm thành tươi sáng.

*4. Bài đọc II : Ti 2,11-15

Đoạn này là một suy tư của Thánh Phaolô về cuộc đời kitô hữu :

– Nguồn gốc của đời kitô hữu là những ân sủng mà Thiên Chúa đã tuôn ban, nhất là qua việc Đức Giêsu nhập thể và cứu độ loài người.

– Mục đích là hướng tới cuộc xuất hiện vinh quang của Đức Giêsu Kitô sau này.

– Giữa hai cực đó là trong hiện tại, kitô hữu phải cố gắng từ bỏ sự gian tà và những dục vọng trần tục, để sống tiết độ, công minh và đạo đức.

  1. Gợi ý giảng

* 1. Hang đá Noel

Dịp lễ Giáng sinh, nhà thờ nào cũng có hang đá. Ở một xứ đạo kia, đa số giáo dân đều giàu, năm nào họ cũng làm một hang đá rất đẹp : Đức Mẹ, Thánh Giuse và nhất là Chúa Hài đồng được trang điểm bằng những bộ y phục rất sang trọng ; ngay cả các mục đồng cũng thế. Nhưng năm nay Cha Xứ là một Linh mục mới được đổi đến. Ngài dọn một hang đá khác hẳn : từ Đức Mẹ, Thánh Giuse, Đức Giêsu cho đến các mục đồng đều ăn mặc rất nghèo nàn. Giáo dân vừa tiếc nuối những hang đá xinh đẹp những năm trước, vừa chưa quen với cảnh nghèo nàn của hang đá năm nay nên không được vui. Tuy nhiên Cha Xứ vẫn giữ nguyên ý định của mình.

Nguồn gốc làm hang đá Giáng sinh xuất phát từ sáng kiến của Thánh Phanxicô Assisi, năm 1223. Mục đích Ngài nhắm là làm cho câu chuyện Giáng sinh trở nên gần gũi với dân chúng, làm sao cho họ hiểu rằng Chúa giáng sinh là để đến gần họ và sống với họ. Bởi thế, gần đến lễ Giáng sinh, Ngài đặt những tượng Chúa, Đức Mẹ, Thánh Giuse v.v. vào một hốc đá trên sườn đồi. Tới ngày áp lễ, dân chúng trong vùng – đa số là nông dân và mục tử – cầm nến hoặc đuốc tập trung trước hang đá. Rồi Thánh Phanxicô giảng cho họ nghe về việc Con Thiên Chúa đến với loài người để dạy cho loài người biết họ là con của Thiên Chúa và Thiên Chúa dành sẵn cho mọi người một số phận vĩnh cửu. Sau đó mọi người trở về nhà, lòng tràn đầy bình an và vui sướng vì cảm thấy mình gần gũi hơn với Chúa và với nhau. (Viết theo Flor McCarthy)

* 2. Vui vì đã tin

Có lẽ chúng ta phân bì với các mục tử vì họ được nhìn thấy Chúa Hài đồng bằng cặp mắt của họ, và đụng chạm Chúa Hài đồng bằng đôi tay của họ. Bởi vậy họ tin cách dễ dàng quá. Và chúng ta nghĩ rằng đức tin của chúng ta cũng dễ dàng như vậy nếu như chúng ta được thấy và được chạm tới Chúa như họ.

Tuy nhiên, đừng vội tưởng rằng các mục tử không phải vận dụng tới đức tin. Đành rằng họ có thấy đó, nhưng họ thấy gì ? Họ thấy “một trẻ sơ sinh bọc tã nằm trong máng cỏ”. Một đứa trẻ “sơ sinh” nghĩa là rất yếu ớt ; “bọc tã” nghĩa là rất lạnh lẽo ; và “nằm trong máng cỏ” nghĩa là rất nghèo. Họ còn thấy gì nữa ? Thấy “Bà Maria và ông Giuse”, hai con người bình thường, hai người lữ hành nghèo không thể tìm được chỗ trong quán trọ đến nỗi phải sinh con trong hang súc vật. Tất cả những cái họ thấy chỉ có thể cho biết đó là một gia đình nghèo vừa mới sinh con. Thế thôi. Vậy mà họ tin rằng đứa bé đó là Đấng cứu thế.

Đức tin của các mục tử không phải do những điều họ thấy, mà do lời thiên sứ nói với họ. Thiên sứ đã bảo họ đứa bé yếu ớt và nghèo nàn ấy chính là Đấng cứu thế. Vì họ tin như thế nên khi thấy Ngài yếu ớt và nghèo nàn thì họ càng mừng rỡ hơn nữa, bởi vì Đấng cứu thế đã làm một người nghèo như họ, gần gũi họ, chia xẻ thân phận của họ. Bởi vậy, khi họ ra về, họ “vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa vì mọi điều họ đã được tai nghe mắt thấy theo như họ đã được loan báo”.

Vui mừng là dấu chỉ của Kitô giáo. Niềm vui này tuôn trào trước tiên từ những sự thiện hảo của chính Thiên Chúa, kế đó từ ý thức Thiên Chúa đã yêu thương đối xử nhân lành với chúng ta. Nếu không có Thiên Chúa thì cuộc sống sẽ không thể hiểu nỗi và không thể chịu nỗi. Khi con người tách lìa khỏi Thiên Chúa thì con người sẽ bị mất mát rất nhiều, phải rơi vào một khoảng trống mênh mông.

Phúc cho những ai cảm nếm được niềm vui của đức tin. Trong ngày lễ Giáng sinh, chúng ta cảm nhận được sự gần gũi thân thiết của Chúa, chúng ta biết rằng Ngài sống với chúng ta, chia xẻ những khổ cực của chúng ta và cứu độ chúng ta. Thế thì còn niềm vui nào bằng ? (Viết theo Flor McCarthy)

* 3. Cô đơn trong ngày lễ Giáng sinh

Đôi khi nghe người ta nói : “Tôi luôn cảm thấy cô đơn trong ngày lễ Giáng sinh”.

Có hai lý do chính làm cho người ta thấy cô đơn là “trống” và “vắng”.

Hãy dành một chút suy nghĩ, một lời cầu nguyện, và có thể là cuộc thăm viếng cho ai đó đang sống ngày lễ Giáng sinh một mình.

Và nếu sau những việc đó mà chúng ta vẫn còn cảm thấy cô đơn thì chúng ta hãy biết rằng mình đang khao khát một cái gì đó hơn nữa, hay đúng hơn là chúng ta đang khao khát một Đấng nào đó.

Trong con tim mỗi người có một khoảng trống vắng đang chờ một vị khách. Vị khách ấy chính là Thiên Chúa. (Viết theo Flor McCarthy)

* 4. Thiên Chúa tìm kiếm con người.

Chuyện kể rằng, có hai người bạn chia tay nhau đi tìm điều quí giá nhất trên đời. Họ hẹn sẽ gặp nhau lại sau khi đã tìm thấy.

Người thứ nhất đi tìm viên ngọc quí. Bất cứ nơi nào bán đá quí, anh đều tìm đến. Cuối cùng, anh cũng mãn nguyện vì đã tìm được viên ngọc quí, anh trở lại quê hương chờ bạn.

Người thứ hai đi tìm Chúa. Anh đi khắp nơi thọ giáo các bậc thánh hiền, cặm cụi đọc sách, nghiền ngẫm nhưng vẫn không tìm được Chúa.

Nhiều năm trôi qua, đang lúc tuyệt vọng, anh nhìn dòng sông lững lờ : một đàn vịt con đang bơi lội tung tăng. Trong khi vịt mẹ tìm con, thì bầy con lại cứ muốn rời mẹ tìm ăn riêng. Vịt mẹ chẳng hề tỏ vẻ giận dữ, cứ lẽo đẽo theo bầy con và gom chúng lại. Thấy cảnh vịt mẹ mãi mê tìm con như thế, anh mỉm cười trở về quê hương.

Khi người bạn hỏi điều quí mà anh đã tìm được là gì khiến gương mặt anh rạng rỡ như thế. Lúc đó, con người trở về với hai bàn tay trắng, nhưng tâm hồn tràn ngập niềm vui mới thốt lên :

– Điều quí giá mà tôi đã tìm thấy, đó là trong khi tôi đi tìm Chúa, thì chính Người đã đi tìm tôi.

*

“Ngôi Lời Nhập thể, và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga.1,14). Nhiều khi chúng ta tưởng mình đi tìm Chúa, nhưng thật sự là chính Chúa đi tìm chúng ta trước.

Ngay khi con người sa ngã phạm tội, Thiên Chúa đã lên kế hoạch cứu chuộc.

Ngay khi con người phản bội bất trung. Thiên Chúa đã mở lối cho họ quay bước trở về.

Ngay khi con người vô phương cứu lấy chính mình, Thiên Chúa đã sai Con Một đem thân cứu độ.

Đêm nay là đêm giao duyên đất trời, đêm hội hoa đăng, đêm đầy ánh sáng, đêm Thiên Chúa viếng thăm con người. Đúng như thông điệp chứa chan hy vọng của tiên tri Isaia : “Một Hài Nhi đã sinh ra cho chúng ta và một Người Con đã được ban tặng cho chúng ta” (Is.9,5).

Con người không thể lên tới Thiên Chúa, nên Thiên Chúa đã xuống với con người. Chúa xuống trần gian để cho trần gian biết đường về trời. Chúa mặc lấy bản tính con người để cho con người trở nên con cái Chúa. Thánh Gioan viết : “Những ai tin ở Người thì Người ban cho quyền được làm con Thiên Chúa” (Ga.1,12).

Giáng sinh là mùa tặng quà : “Đức Giêsu là quà tặng quí giá nhất Thiên Chúa trao gởi cho con người” (x.Ga.3,16). Đến lượt mình, chúng ta cũng hãy trao tặng cho anh em những gì họ cần thiết nhất, với tất cả lòng yêu quí, trân trọng như chúng ta đang tặng cho chính Hài Nhi Giêsu. Những kẻ nhỏ bé nhất, những người cô độc nhất, những kẻ chịu nhiều đau khổ nhất lại chính là những con người cần được tặng quà nhất. Chúng ta cần chứng tỏ rằng họ đáng kể đối với chúng ta, rằng tên họ chiếm một vị trí trong quả tim chúng ta. Đó chính là quà tặng mà Hài Nhi Giêsu đang mong đợi.

Một cách nào đó, khi tặng quà, chúng ta muốn trao ban vô vị lợi, trao ban không tính toán, trao ban trọn vẹn. Mẹ Têrêxa Calcutta định nghĩa : “Kitô hữu là người trao ban chính bản thân mình”.

*

Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã tìm kiếm chúng con, đã cứu chuộc chúng con, và đã cho chúng con được làm con Chúa.

Xin cho chúng con mau mắn đáp lại tình yêu bao la của Chúa bằng cách yêu thương anh em với tất cả trái tim nồng cháy của chúng con. Amen. (Thiên Phúc, “Như Thầy đã yêu”)

* 5. Nguồn gốc Lễ Giáng sinh

Chúng ta quen kỷ niệm việc Đức Giêsu sinh ra vào ngày 25 tháng 12. Thực ra Chúa sinh ra ngày nào người ta vẫn chưa biết rõ. Ngày 25 tháng 12 chỉ được Giáo Hội Rôma chọn làm lễ Giáng sinh từ năm 300. Lý do như sau :

Ngày xưa, khi nhân loại chưa khám phá ra lửa, mùa đông rất dài và rất tối, bởi vì trong mùa này mặt trời như đi vắng. Tuy nhiên người ta biết rằng tới một ngày nào đó mặt trời sẽ trở lại và cảnh vật sẽ tươi sáng hơn. Thế là người ta đặt ra một Lễ để mừng ngày đó, gọi là Lễ Kính Thần Mặt Trời Vô địch (Sol Invictus).

Để thánh hóa ngày lễ ngoại giáo ấy, Giáo Hội đã chọn chính ngày 25 tháng 12 này làm lễ kỷ niệm Đức Giêsu giáng sinh. Giáo Hội thấy việc Đức Giêsu giáng sinh làm trọn lời tiên tri của ngôn sứ Isaia : “Đoàn dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng” (Bài đọc I). Chính Đức Giêsu cũng tự giới thiệu mình : “Tôi là ánh sáng thế gian”.

Sự thật là như vậy. Nếu Đức Giêsu không đến thì thế giới tối tăm biết chừng nào. Những lời Ngài dạy đúng là một nguồn sáng cho những ai tiếp nhận. Những việc Ngài làm và những cuộc gặp gỡ của Ngài đã đưa vô số người ra khỏi tối tăm bước vào ánh sáng.

Ánh sáng Đức Kitô không chỉ loé lên một lần ở Bêlem rồi tắt ngúm, bởi vì không giống như mặt trời chỉ chiếu sáng trong một khoảng thời gian hạn định, ánh sáng Đức Kitô vẫn tiếp tục tỏa chiếu mãi trong tâm hồn những ai tin Ngài và đi theo Ngài.

* 6. Đấng cứu độ cho tôi

Thiên thần đã loan báo cho các mục tử rằng : “Hôm nay một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em“.

– Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, là Ngôn sứ vĩ đại, là Vua v.v. nhưng trên hết và trước hết Ngài là Đấng cứu độ. Ngài giảng dạy, Ngài làm phép lạ, Ngài sống nêu gương, nói tóm lại tất cả những gì Ngài làm cũng đều nhằm cứu độ.

– Một Đấng Cứu Độ như thế được Thiên Chúa dùng làm quà tặng cho chúng ta, cho chính tôi.

Người ta, có người là bác sĩ, có người là luật sư, có người là kiến trúc sư v.v. Nhưng mặc kệ họ, họ có liên quan gì tới tôi đâu. Tôi không có bệnh nên không cần bác sĩ, tôi không kiện cáo ai và cũng không bị ai kiện cáo nên cũng chẳng cần luật sư, tôi không có nhiều tiền nên kiến trúc sư không xây nhà cho tôi…

Nhưng tôi cần được cứu và Đức Giêsu là Đấng cứu độ được Thiên Chúa gởi đến cho tôi. Tôi cần Ngài và Ngài lúc nào cũng sẵn sàng cứu tôi.

  1. Lời nguyện cho mọi người

Chủ tế : Anh chị em thân mến, đêm Noel là đêm thánh vô cùng, là đêm thanh bình, là đêm tình thương giáng thế. Chúng ta hãy vui mừng dâng lên Chúa những lời nguyện cầu đêm Noel.

-Xin cho Hội thánh và mọi Kitô hữu biết dùng đem Noel này / để loan báo tin vui hòa bình và cứu độ cho mọi người trên thế giới.

-Xin cho những người có trách nhiệm quốc gia hay quốc tế / biết dùng dịp lễ Noel này để tìm kiếm và duy trì những giải pháp đem lại công lý và hòa bình cho mọi dân tộc.

-Xin cho những đôi vợ chồng đang chia rẽ, những gia đình bị phân ly, những người đang đau khổ vì chiến tranh huynh đệ tương tàn / được ánh sáng đêm Noel soi / để tìm về hòa giải và sống hiệp thông với nhau.

-Xin cho anh chị em trong cộng đồng xứ đạo chúng ta đang mừng lễ Noel đêm nay / biết sống một đêm Noel trọn tình nghĩa với Chúa / và chia sẻ niềm vui cho mọi người chung quanh.

Chủ tế : Lạy Chúa, chúng con cảm tạ ơn Chúa vì đang được hưởng đêm thánh huyền diệu này, xin cho ánh sáng đêm Noel chiếu soi vào mọi người chưa biết Chúa, và dẫn lối đưa đường cho họ tìm về hiệp thông với Hội thánh Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô…

*VI. Trong Thánh lễ

– Trước kinh Lạy Cha : Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta đến nỗi ban Con Một của Ngài sinh xuống làm người ở với chúng ta. Chúng ta hãy lấy hết tình con thảo dâng lên Ngài lời kinh Lạy Cha.

– Sau kinh Lạy Cha : “… cho những ngày chúng con đang sống được bình an, sự bình an mà Cha đã hứa và đã thực sự ban cho loài người trong đêm Con Cha giáng trần… và được an toàn khỏi mọi biến loạn. Xin Cha gìn giữ chúng con luôn sống trong tình nghĩa gia đình với Đức Giêsu là Con Cha và là Anh Cả của chúng con đang khi chúng con đợi chờ ngày hồng phúc…”

*VII. Giải tán

– Dùng công thức long trọng trong Sách Lễ Rôma.

– Thiên Chúa đã làm người để loài người được làm Chúa. Anh chị em hãy sống xứng đáng với hồng ân cao cả này. Chúc anh chị em bình an.

home Mục lục Lưu trữ