Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 62
Tổng truy cập: 1361842
ĐỨC KITÔ PHỤC SINH LÀ ĐƯỜNG DẪN TA VỀ CÕI SỐNG
Lm. Đaminh Trần đình Nhi
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (Cv 2:14, 22b-33; 1 Pr 1:17-21; Lc 24:13-25)
Theo dõi sinh hoạt của Hội Thánh sơ khai tại Giê-ru-sa-lem, chúng ta thấy tông đồ Phê-rô đã giữ một vai trò quan trọng. Qua lời giảng mộc mạc mạnh dạn nhưng đầy xác tín của ngài và nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần, Hội Thánh đã mau chóng phát triển. Chủ đề của các bài giảng đều xoay quanh sứ mạng của Chúa Giê-su mà đỉnh điểm là đề cao sự chết và sống lại của Chúa là “đường về cõi sống đời đời” (bài đọc 1). Sau đó, trong thư thứ nhất, thánh Phê-rô đã nhắc nhở tín hữu rằng ta được cứu chuộc khỏi tội lỗi là nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn là Đức Ki-tô (bài đọc 2). Tuy nhiên, sứ mệnh của Chúa Ki-tô còn được Người đích thân dùng Kinh Thánh Cựu Ước mà giải thích và minh chứng khi Người đồng hành với hai môn đệ trên đường họ trở về làng Em-mau (bài Tin Mừng). Sứ mạng của Chúa Ki-tô được kiện toàn qua biến cố Phục Sinh, để từ nay Người trở thành con đường dẫn ta về hưởng vinh phúc quê trời.
Bài giảng của Phê-rô về sứ mạng Đức Ki-tô. Ngay sau khi lãnh nhận sức mạnh Chúa Thánh Thần hiện xuống trong ngày lễ Ngũ Tuần, Phê-rô cùng các anh em tông đồ đã thi hành sứ vụ rao giảng. Phê-rô không rao giảng một mình, nhưng ông “đứng chung với Nhóm Mười Một” và thay mặt anh em mà giảng. Vì nói với cư dân Giê-ru-sa-lem, ngài đã dựa trên Kinh Thánh để minh chứng việc Chúa Giê-su sống lại là điều đã được Kinh Thánh và nhất là Thánh Vịnh chứng thực. Những lời chứng của Thánh Vịnh là chắc chắn, bởi vì vua Đa-vít, tác giả Thánh Vịnh, là vị ngôn sứ đã được Thiên Chúa “cho thấy trước và loan báo sự phục sinh của Đức Ki-tô”. Ngoài ra, Phê-rô còn dựa vào biến cố vừa xảy ra là Chúa Thánh Thần hiện xuống, để khẳng định việc phục sinh của Chúa Giê-su là đích thực. Thánh Thần chân lý không hề lừa dối ai. Các nhân chứng là các tông đồ đã nhận lãnh Thánh Thần và dân chúng Giê-ru-sa-lem cũng quy tụ lại sau khi họ nghe “từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi các ông tụ họp”. Do đó, khi chứng kiến hoạt động của Thánh Thần và nghe Phê-rô giảng, họ phải nhìn nhận chứng từ của các tông đồ về sứ mạng của Đức Ki-tô là xác thực. Bài giảng của Phê-rô đem lại những kết quả vô cùng tích cực. Sách Công vụ kể: “Nghe thế, họ đau đớn trong lòng, và hỏi ông Phê-rô cùng các Tông Đồ khác: ‘Thưa các anh, vậy chúng tôi phải làm gì?’ ” Ông Phê-rô đáp: “Anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, để được ơn tha tội; và anh em sẽ nhận được ân huệ là Thánh Thần” (Cv 2:37-38).
Chúa Giê-su giải thích sứ mệnh của Người dựa trên Kinh Thánh. Trên đường về Em-mau, hai môn đệ Chúa tâm sự với nhau về biến cố vừa xảy ra: Chúa Giê-su đã chịu chết và tin nói Người đã sống lại. Họ đã tin Chúa Giê-su là “một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân”. Nhưng hiện thời niềm tin ấy lung lay vì họ chứng kiến Chúa đã chết trên thập giá, rồi họ hoang mang khi nghe tin Chúa đã sống lại. Nghe họ kể lể, Chúa Giê-su nhận định một cách khá khôi hài: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ!” Rồi Chúa dạy họ một bài học Kinh Thánh, dựa vào Lề Luật và các ngôn sứ, “Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh”. Người giải thích để dẫn họ tới niềm tin cốt lõi, là “Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người”. Quả thực là một bài học Kinh Thánh quý giá và đầy đủ ý nghĩa. Tuy nhiên với đầu óc u mê và lòng chậm tin, họ phải chờ tới lúc Chúa “cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ”, thì họ mới “mở mắt và nhận ra” Chúa Phục Sinh! Khi ấy, Chúa biến đi, để họ tiếp tục suy nghĩ và lên đường quay lại Giê-ru-sa-lem mà loan báo Tin Mừng Chúa sống lại. Tin vui Chúa sống lại dồn dập, từ các tông đồ và các bạn hữu đang tụ họp tại Giê-ru-sa-lem kể lại cho đến câu chuyện hai môn đệ được Chúa dạy Kinh Thánh!
Sống sứ điệp Lời Chúa
Cùng với bài giảng trong ngày Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, sau này thánh Phê-rô không ngừng nhắc nhở tín hữu về sứ mạng của Chúa Giê-su là đã đổ máu để cứu chuộc ta. Ngài khẳng định với chúng ta rằng “Anh em đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tỳ tích, là Đức Ki-tô”. Tuy nhiên việc cứu chuộc không đơn phương về phần Thiên Chúa, mà đòi sự đáp trả và cộng tác của chúng ta, vì “Thiên Chúa là Đấng không vị nể ai, nhưng cứ theo công việc mỗi người mà xét xử”. Chúa Giê-su cứu chuộc ta khỏi tội lỗi, đó là bước đầu để giúp ta “đặt niềm tin và hy vọng vào Thiên Chúa”. Còn chúng ta, bổn phận của ta là “hãy đem lòng kính sợ mà sống cuộc đời lữ khách này”. Đem lòng kính sợ mà sống cuộc đời lữ khách nghĩa là gì nếu không phải là hãy sống đích thực như con cái của Đấng mà chúng ta gọi là Cha? Đức Ki-tô đã dạy ta cách “gọi Thiên Chúa là Cha” khi Người đã hoàn tất vai trò làm Con Chiên vẹn toàn để cứu chuộc nhân loại. Vậy thì chúng ta cũng phải học cách ấy, không chỉ “gọi” bằng miệng lưỡi, nhưng bằng chính cuộc sống của một Ki-tô hữu tin vào tình yêu cứu độ của Thiên Chúa và tin vào Chúa Ki-tô Phục Sinh là Đường đưa ta về nhà Cha, để hưởng hạnh phúc vĩnh cửu cùng Ba Ngôi Thiên Chúa.
CHÚA PHỤC SINH AN ỦI NHỮNG NGƯỜI THẤT VỌNG
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
Khi con người rơi vào chán nản thất vọng, người ta thường đặt câu hỏi: Chúa ở đâu? Chúa ở đâu trong lúc tôi đau khổ? Chúa ở đâu khi thế giới chìm ngập trong cơn đại dịch này? Chúa có thấy nhân loại đang chết chóc, sợ hãi như thế này không? Chúa có thấy hàng ngàn người chết vì dịch mỗi ngày không? Tại sao Chúa không can thiệp? Đây là những câu hỏi muôn thuở mỗi khi con người gặp tai ương thử thách. Thiên Chúa vẫn luôn trả lời mọi chất vấn của con người, nhưng vì con người quen sống trong âm thanh ồn ào, luôn để lòng bị xáo động nên họ chỉ biết đặt câu hỏi mà không muốn lắng nghe câu trả lời.
Hôm nay, câu chuyện hai môn đệ trên đường Emaus đã cho thấy: Thiên Chúa luôn thấu cảm với nỗi đau của con người và của từng người. Thiên Chúa luôn hiện diện ở bên và đồng hành với con người, nhưng chỉ có ít người nhận ra Ngài, ít người muốn mời Ngài vào nhà và ép Ngài ở lại dùng bữa với gia đình mình.
Hai môn đệ trên đường Emaus là hình ảnh của những con người chán nản vì thất vọng, sợ hãi vì thảm họa và đau khổ vì mất người thân. Tuy không phải là một trong số mười hai tông đồ, nhưng chắc chắn hai ông này cũng ở trong nhóm thân hữu của Chúa. Các ông đã bỏ lại tất cả gia đình, vợ con, sự nghiệp để đi theo Chúa Giêsu. Có thể các ông cũng nuôi trong lòng một kỳ vọng trần tục nào đó, khi Thầy Giêsu khởi nghĩa thành công, các ông sẽ được chia sẻ vinh quang, quyền lực với Chúa. Nhưng giờ đây, với cái chết kinh hoàng của Thầy, bầu trời tương lai của các ông như tan vỡ. Các ông hoàn toàn mất hết hy vọng vì Thầy các ông đã chết. Cái chết của Thầy khiến các ông hoàn toàn suy sụp. Hai môn đệ này đã tháo lui bằng cách trở về quê cũ, với con người cũ, công việc cũ.
Thấu hiểu được tâm trạng của hai người học trò đáng thương này, Chúa Giêsu Phục Sinh đã hiện ra với các ông. Ngài không hiện ra theo cách Ngài đã hiện ra với các phụ nữ hoặc với các tông đồ, nhưng Ngài hiện ra trong hình ảnh của một người bạn đồng hành cùng đi với họ. Ngài chủ động bước đến, gợi chuyện với hai ông: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?” Câu hỏi của Chúa là dịp để các ông trải lòng với Ngài, nhưng trên gương mặt họ chưa hết vẻ buồn rầu. Một trong hai người tên là Cleophat đã giãi bày tâm trạng của họ về chuyện ông Giêsu Nazareth bị bắt, bị giết, bị đóng đinh trên cây thập giá. Ông cũng nói lên nhận định và tâm trạng của mình đối với Thầy Giêsu: “Ngài là một ngôn sứ đầy uy thế trong lời nói cũng như việc làm, trước mặt Thiên Chúa cũng như toàn dân… Chúng tôi vẫn hy vọng Ngài là Đấng sẽ cứu chuộc Israel.” Điều làm các ông hoang mang hơn nữa là: “Có mấy bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ và không thấy xác Người. Các bà còn bảo rằng, các thiên thần bảo: Người đang sống. Vài người chúng tôi chạy ra xem mộ thì thấy đúng như vậy, còn Ngài thì họ không thấy.”
Chúa Giêsu Phục Sinh đã lắng nghe những lời tâm sự, chia sẻ của các ông, Chúa thấu hiểu nỗi lòng còn ngổn ngang nhiều thứ của họ. Chúa nói với hai ông: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh chậm tin vào lời các ngôn sứ. Đức Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” Qua câu trả lời, Chúa Phục Sinh mời gọi hai môn đệ này trước hết cần đọc, lắng nghe và suy gẫm những lời ngôn sứ, tức là những lời được chép trong Kinh Thánh. Vì tất cả những việc liên quan đến Chúa Giêsu đều đã được các ngôn sứ báo từ trước. Những ai siêng năng đọc và suy gẫm sách Kinh Thánh, thì sẽ đón nhận được niềm tin vào Chúa Phục Sinh. Để khơi lại đức tin cho hai môn đệ này, Chúa Giêsu dùng chính những lời đã chép trong sách ngôn sứ, bắt đầu từ Môsê để giải thích cho các ông hiểu về sứ mạng của Người. Có thể vì trước đây các ông đi theo Chúa, nhưng vẫn để lòng mình quá ồn ào về những sự kiện bên ngoài mà bỏ quên việc đọc và suy gẫm Kinh Thánh, nên lòng các ông bị mù tối.
Để thử lòng các ông, khi gần đến làng, Chúa Giêsu làm như còn phải đi tiếp nữa. Hai ông lúc này mời, ép, Người: “Mời ông ở lại với chúng tôi vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn.” Sau một hành trình đi bên Chúa Phục Sinh, dù chưa nhận ra Ngài, nhưng hai môn đệ này đã cảm nhận được sự ấm áp, an toàn, sức sống như được phục hồi. Giờ đây, khi “trời về chiều và ngày sắp tàn” các ông cảm thấy phải đối diện với một sự bất an trong tâm hồn. Hai ông đã cố nài ép vị khách: “Mời ông ở lại với chúng tôi.” Trước sự khao khát của hai ông, Chúa Giêsu Phục Sinh đã ở lại với họ, vào trong nhà của họ, và cùng dùng bữa tối với các ông.
Khi cùng các ông dùng bữa tối, “Người cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất.” Hình ảnh “bữa tối” này nhắc lại hình ảnh bữa tối Thứ Năm Tuần Thánh, Chúa Giêsu cũng làm cùng một cử chỉ như vậy và truyền cho các môn đệ: “Các con hãy cầm lấy mà ăn, hãy nhận lấy mà uống vì này là mình, máu Thầy.” Thấy cử chỉ và nghi thức quen thuộc này, đón nhận tấm bánh từ người khách đồng hành, hai môn đệ nhận ra đó chính là Chúa Giêsu, Thầy của mình. Các ông đã nhớ lại suốt một hành trình dài Chúa đã đồng hành với các ông, đã làm cho tâm hồn các ông ấm lại và hồi sinh. Giờ đây, với một tinh thần mới, một sức mạnh mới, một con người hoàn toàn mới, các ông phấn khởi, chỗi dậy trở lại Giêrusalem ngay trong đêm để gặp nhóm Mười Một. Các vị này đã làm chứng cho hai ông về việc Chúa sống lại, còn hai ông thì kể lại những gì đã xảy ra cho mình lúc đi đường và khi bẻ bánh. Họ cùng nhau phấn khởi vui mừng.
Chúa Giêsu đã chết thật và Người đã sống lại thật và đang sống, đang hiện diện, đang đồng hành với chúng ta. Đó cũng là những lời minh chứng của các tông đồ, đặc biệt là của Phêrô trong sách Công Vụ hôm nay. Phêrô quả quyết với mọi người: “Chúa Giêsu Nazareth đã bị anh em đóng đinh Ngài trên thập giá, nhưng Thiên Chúa quyền năng đã làm cho Ngài chỗi dây từ cõi chết.” Chính Ngài sẽ giải thoát chúng ta khỏi đau khổ và cái chết, khỏi sợ hãi và thất vọng.
Thưa quý OBACE, như đã gợi ý ở trên, mỗi khi gặp tại ương thử thách, con người thường quay lại trách móc Thiên Chúa và kể cả thách thức Ngài, chất vấn Ngài. Thiên Chúa vẫn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu và luôn trả lời cho từng người. Tuy nhiên, vì con người quen sống trong âm thanh ồn ào, luôn để lòng bị xáo động, tránh né sự thinh lặng, khiến họ chỉ biết đặt câu hỏi mà không muốn lắng nghe câu trả lời từ nơi Chúa.
Chúa đã nghe thấy tiếng khóc than của cả thế giới trong cơn đại dịch; Chúa thấu hiểu nỗi đau từ vị giáo hoàng cao tuổi, cho đến một thiếu nhi nhỏ bé; nỗi lo lắng của những người có trách nhiệm và sự hy sinh vất vả của những y bác sĩ; nỗi sợ hãi của nhân loại, của các bệnh nhân và gia đình. Chúa nghe và Chúa biết. Chúa vẫn đang đồng hành với chúng ta để an ủi nâng đỡ, chia sẻ, cảm thông. Tuy nhiên, có thể mắt chúng ta bị che phủ hoặc chúng ta chỉ mải đặt câu hỏi mà không nhận ra Ngài. Chúa vẫn đang nói, nhưng có thể chúng ta chưa quan tâm để nghe. Chúa đang nói với chúng ta qua Kinh Thánh mà đã lâu nay, chúng ta tránh né, chúng ta không đọc, không suy. Chúa rất muốn vào nhà chúng ta dùng bữa, nhưng chúng ta không thiết tha mời Ngài, vì thế Ngài lại phải đứng ở ngoài cửa chờ đợi.
Tiệc Thánh Thể, thánh lễ là bữa ăn mỗi ngày, nơi đây chúng ta sẽ nhận ra sự hiện diện của Chúa, lòng chúng ta được ấm lên nhờ lời Chúa, nhưng nhiều khi chúng ta đã quá coi thường. Chúng ta lấy nhiều lý do để biện minh cho sự từ chối đến gặp Chúa mỗi ngày nơi thánh lễ. Những ngày này, khi không được đến với thánh lễ, ta mới cảm thấy mình đã từng coi thường những điều quan trọng nhất. Tuy nhiên, Chúa vẫn có cách của Ngài. Hơn khi nào hết, trong hoàn cảnh này, nhiều người đã biết quan tâm hơn đến việc tham dự thánh lễ và đọc Kinh Thánh. Các thánh lễ online tuy không phải là cách tốt nhất, nhưng lúc này, cũng là cách Chúa dùng để quy tụ cả gia đình, để mọi người đem thánh lễ về với cuộc sống, đem nhà thờ về với gia đình.
Xin Chúa cho chúng ta không ngừng nhận ra Chúa Phục Sinh đang hiện diện trong cuộc đời mình, qua các biến cố đang xảy ra cho thế giới để chúng ta không rơi vào chán nản thất vọng. Xin cho chúng ta để cho tâm hồn mình tĩnh lặng để nghe được những câu trả lời từ Thiên Chúa, thay vì kêu ca oán trách Chúa. Xin cho chúng ta biết tận dụng những ngày này để xây dựng bầu khí đạo đức của gia đình, mà bấy lâu ta đã xem nhẹ, và xin cho các cuộc xum họp trong gia đình: cầu nguyện, hiệp thông thánh lễ và các bữa cơm luôn có Chúa Phục Sinh hiện diện nâng đỡ. Amen
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam