Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 49

Tổng truy cập: 1356437

Đức Tin. Chết, Khóc, Người Bạn

Đức tin

 

Chúng ta thường nghe nói:

 

- Chết là hết.

 

Những người chủ trương như thế là những kẻ mang nặng đầu óc vật chất, không tin ở đời sau, không hy vọng gì ở một tương lai vĩnh cửu. Còn chúng ta thì khác. Với cái chết, thì một cuộc sống khác được khởi đầu. Có thể là hạnh phúc mãi mãi, nhưng cũng có thể là khổ đau đời đời, tùy theo việc lành dữ chúng ta đã làm khi còn sống ở trần gian này.

 

Đây là một vấn đề đòi hỏi chúng ta phải tin, như đoạn Phúc âm sáng hôm nay đã diễn tả. Thực vậy, Martha và Maria, đã sai người đến báo tin cho Chúa Giêsu hay:

 

- Lagiarô, bạn thân Chúa đang đau nặng.

 

Thế nhưng cơn bệnh này lại được xử dụng để làm sáng danh Thiên Chúa. Cho dù Lagiarô đã chết nhưng Chúa Giêsu vẫn nói:

 

- Ta mừng vì không có mặt ở đó để các con được tin.

 

Chúa Giêsu và các môn đệ lên đường tới Bêtania. Martha đón Ngài và biểu lộ niềm tin tưởng tuyệt đối của mình:

 

- Lạy Thầy, nếu Thày có mặt ở đây thì em con không chết. Nhưng bây giờ vẫn còn kịp bởi vì con biết rằng: Tất cả những gì Thầy kêu xin thì Thiên Chúa sẽ ban cho Thày.

Lagiarô em nàng đã chết nhưng nàng tin tưởng chắc chắn Ngài có thể làm cho nó được sống bởi vì Ngài là Đấng quyền năng. Chúa Giêsu đã trả lời cho Martha:

 

- Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta thì dù có chết cũng sẽ sống, và bất kỳ ai sống và Tin Ta thì sẽ không phải chết bao giờ.

 

Với lời xác quyết vừa trang trọng, lại vừa lạ lùng này, Chúa Giêsu đòi hỏi mỗi người chúng ta phải xác tín như lời Ngài hỏi Martha:

 

- Con có tin điều đó không?

 

Và Martha đã tuyên xưng:

 

- Lạy Thầy con tin, Thày là Đức Kitô Con Thiên Chúa, là Đấng phải đến trong thế gian.

 

Nàng biết Chúa Giêsu là Đấng quyền năng, Ngài có thể truyền lệnh cho sự chết cũng như Ngài đã truyền lệnh cho sóng nước. Và Chúa Giêsu đã thực hiện phép lạ, Ngài truyền cho Lagiarô sống lại bước ra khỏi mồ, sau khi đã cầu nguyện và cảm tạ Chúa Cha. Trước sự thật hiển nhiên này, một số người đã tin theo Chúa, thế nhưng một số người khác, nhất là bọn Biệt phái và các thượng tế lại chống đối Ngài một cách quyết liệt hơn nữa. Họ hội họp với nhau và nhất trí kết án tử hình cho Chúa.

 

Cùng một sự kiện mà có người thì chấp nhận, nhưng có kẻ lại từ khước. Đức tin, dĩ nhiên là một ơn huệ của Thiên Chúa, thế nhưng nó không phải là một kho tàng được trao ban một lần thay cho tất cả vì sẽ không bao giờ bị mất đi. Trái lại, đức tin giống như một bông hoa quí nhưng lại dễ tàn và dễ héo, nếu chúng ta không biết chăm sóc cho nó.

 

Chúng ta nói nhiều về đức tin, nhưng thử hỏi được mấy người đã thực sự vun trồng cho đức tin trong cõi lòng của mình. Đức tin không phải là một món ăn được nấu chín và dọn sẵn cho chúng ta, nhưng là một cây được trồng nơi thửa đất là tâm hồn chúng ta.

 

Bởi đó, hãy vun trồng và chăm sóc cho cây đức tin của mình được đâm rễ sâu, vì rễ có sâu thì cây đức tin mới đứng vững được trước những phong ba và bão táp.
 


 

Khóc

 

Đức Kitô không phải chỉ là một vị Thiên Chúa uy quyền, mà còn là một người như chúng ta. Ngài cũng có một trái tim và trái tim ấy cũng biết rung động, cũng mang lấy những tình cảm dạt dào.

 

Thực vậy, trước sự ngoan cố của bọn biệt phái, Ngài đã nổi giận. Trước sự giả hình của họ, Ngài đã đe loi. Trước sự buôn bán nơi đền thờ, Ngài đã nổi nóng và xua đuổi. Trước cảnh bơ vơ của dân chúng, Ngài đã động lòng thương xót. Trước đám đông đang đói khát vì đã theo Ngài những ba ngày rồi, Ngài đã làm phép lạ cho bánh hóa nhiều để nuôi dưỡng họ. Ngài đã chúc lành cho các em nhỏ, đã chữa khỏi những bệnh hoạn tật nguyền để xoa dịu nỗi đớn đau của dân chúng.

 

Nơi vườn cây dầu, Ngài đã buồn sầu đến nỗi mồ hôi máu chảy ra nhỏ xuống đất. Đặc biệt hơn cả, đó là Ngài đã khóc. Khóc vì Giêrusalem sẽ bị đổ vỡ hoang tàn. Khóc vì thương xót Lagiarô.

 

Tuy nhiên, Ngài luôn giữ được thế quân bình trong đời sống tình cảm. Trước tình thế căng thẳng nơi vườn cây dầu, Ngài vẫn sẵn sàng vâng phục thánh ý Chúa Cha. Lúc phải đau khổ tới tột cùng, Ngài luôn nhớ tới mục đích mình theo đuổi. Ngài đã bình tĩnh trước phong ba bão táp, Ngài đã tha thứ cho kẻ thù trong cơn hấp hối.

 

Tóm lại, đời sống tình cảm của Ngài hoàn toàn khác xa chúng ta. Ngài luôn làm chủ được tình cảm của mình trong mọi hoàn cảnh. Những tình cảm ấy luôn hướng thiện và không bao giờ quên lãng mục đích. Luôn hòa hợp vâng phục lý trí và thúc đẩy cho việc làm.

 

Chẳng hạn khi Ngài khóc thương trước nấm mồ Lagiarô, thì người Do Thái đã coi đó là dấu chỉ Chúa yêu thương ông cách riêng. Chúa khóc vì thần chết đang khống chế loài người. Chúa khóc vì chính Lagiarô sẽ là dịp cho người Do Thái ghen tức và vấp phạm. Chúa khóc vì sự ngoan cố của bọn biệt phái, phủ nhận uy quyền của Thiên Chúa. Chúa khóc vì lòng tin của chị em Martha chưa được hoàn hảo.

 

Còn chúng ta, chúng ta đã khóc như thế nào? Trước một đám tang, có người khóc chỉ vì a dua, khóc mướn, khóc theo kiểu chặng đàng thứ tám. Khi một kẻ thân yêu chết đi, nhiều người trong họ hàng cũng đã khóc. Cái khóc ấy chưa hẳn đã là vì thương người nằm xuống, mà có khi chỉ vì thương chính bản thân mình, là kẻ còn lại phải đơn côi, phải bơ vơ không ai nương tựa. Ay là chưa nói đến những hoàn cảnh mượn tiếng khóc để chửi xéo lẫn nhau, nhất là đối với các bà các cô.

 

Thực vậy, người ta thường bảo nước mắt các bà các cô có thể là một đập nước, nhưng cũng có thể là một trận lụt. Và tệ hơn nữa, nhiều người đã đổ ra những giọt nước mắt cá sấu, tức là những giọt nước mắt giả dối và lừa đảo, có thể ăn sống nuốt tươi kẻ khác.

 

Trong đời này, người ta thường khóc khi vui cũng như lúc buồn. Ay là chưa nói đến những kẻ khóc trong lúc say xỉn, khóc không có lý do. Tuy nhiên, lại có những kẻ chẳng khóc bao giờ, bởi vì lương tâm họ đã chai lỳ, đã băng giá, không còn nhạy cảm trước những nỗi đau thương. Họ không khóc đã đành mà tệ hơn nữa còn làm cho người khác phải khóc vì họ.

 

Tóm lại, khóc là một nhu cầu, chúng ta khóc phần lớn là do kết quả của một nỗi khổ tâm hay một niềm đau đớn nào đó.

 

Thế nhưng, điều quan trọng đó là hãy biết khóc cho cuộc đời tội lỗi của mình. Chính cuộc đời tội lỗi này đã làm cho Chúa phải khóc và làm cho Giáo Hội đau buồn. Đó là những giọt nước lệ làm mờ nhạt đôi mắt nhưng lại làm sáng tâm hồn. Và hơn thế nữa, trong Mùa Chay, hãy biết khóc lóc ăn năn tội lỗi để được thứ tha.

 


 

Người bạn

 

Có một câu chuyện huyền thoại kể lại rằng: hàng năm bộ lạc kia phải hiến tế một người con gái cho thủy thần. Vị tộc trưởng của bộ lạc là một người rất yêu quý gia đình, có một người con gái duy nhất lại bắt trúng thăm phải làm vật hiến tế. Ông vô cùng đau khổ, nhưng không thể vi phạm tục lệ của bộ lạc được. Phải làm sao bây giờ khi ngày phận số đã gần đến và chính ông tộc trưởng cũng không thể nào chủ tọa nổi nghi thức hiến tế này. Những người có uy tín trong bộ lạc nghĩ rằng ông sẽ không đủ can đảm hoàn thành trách nhiệm của mình. Sau cùng, ngày đó đã đến, người ta đoán rằng hoặc là họ sẽ phải cử hành nghi thức hiến tế mà không có mặt của ông tộc trưởng, hoặc là truyền thống sẽ bị hủy bỏ. Họ đặt người con gái xinh đẹp của ông tộc trưởng vào một con thuyền nhỏ, rồi đẩy ra dòng sông. Khi con thuyền bồng bềnh trôi nổi trên dòng sông, với sự kinh ngạc, họ trông thấy một con thuyền khác ẩn nấp trong những bụi cây cũng từ từ trôi ra dòng sông. Và trong ánh sáng mập mờ, họ đã nhận ra người ngồi trong thuyền kia chính là ông tộc trưởng của họ, cha của cô gái. Ngay lập tức, cả hai chiếc thuyền bị cuốn hút mạnh mẽ vào dòng nước đang chảy xiết ra giữa sông. Cả hai cha con đã cùng rơi xuống con thác chung với nhau!

 

Thiên Chúa cũng không thể chịu được khi nhìn thấy con người chết trong tội lỗi. Bởi thế, Chúa Giêsu đã chấp nhận cùng chết với chúng ta, để chúng ta được sống như thánh Gioan đã nói: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”.

 

Hôm nay trong bài Phúc âm, Gioan đã diễn tả tình cảm của Chúa Giêsu đối với người bạn Lagiarô đã chết và thương cảm cho những người thân yêu trong cơn đau khổ muộn phiền: “Thấy Maria khóc, và những người Do Thái đi với cô cũng khóc, Đức Giêsu thổn thức trong lòng và xao xuyến”.

 

Với chủ đề “Thiên Chúa là Tình Yêu”, Gioan muốn cho người Hy Lạp thấy rằng Thiên Chúa của người Kitô hữu là một Thiên Chúa có trái tim biết rung động trước những phiền muộn, đau khổ và thất vọng của con người, nhất là đứng trước sự chết. Không có sự tuyệt vọng và đau khổ nào cho bằng cái chết của những người thân yêu của chúng ta. Maria và Mátta đang buồn phiền và đau khổ vì cái chết của em trai mình là Lagiarô. Họ nhắn tin cho Chúa Giêsu biết từ khi Lagiarô đang đau nặng với hy vọng sẽ được cứu khỏi bệnh, nhưng Ngài đã không về đúng lúc. Bà Mátta đến gặp Chúa Giêsu trên đường gần về tới Bêtania, đã thốt lên những lời trách móc có vẻ thất vọng: “Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết”.

 

Phải, cuộc sống nhân sinh bắt chúng ta phải nếm mùi đau khổ của sự chết. Nhưng qua câu chuyện làm cho Lagiarô sống lại, Chúa Giêsu đã hứa hẹn cho chúng ta niềm hy vọng: “Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết”. Có lẽ trong đau buồn vì mất mát, chúng ta chưa hiểu được chương trình và kế hoạch của Thiên Chúa, nhưng chúng ta phải hy vọng vào Người.

 

Vào thời Chúa Giêsu, những người Sađuxê không tin vào sự sống lại. Ngài đã mạnh mẽ nói với họ rằng: “Các người không biết Thánh Kinh và cũng không biết quyền năng của Thiên Chúa. Các người sai lầm rồi”. Niềm hy vọng vào sự sống lại của những người đã chết được Thiên Chúa mạc khải dần dần, dựa trên niềm tin vào Thiên Chúa. Ngài “không phải Thiên Chúa của những người chết, nhưng của những người sống”.

home Mục lục Lưu trữ