Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 81

Tổng truy cập: 1356320

ĐỨC TIN CỨU SỐNG

ĐỨC TIN CỨU SỐNG

 

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Văn hào Tu-ghê-nít của Nga có kể lại một giai thoại sau:

Thời chiến tranh ông bị cảm nặng. Người ta mang ông vào một quân y viện để chữa trị. Khi tỉnh dậy, ông thấy nhà thương đầy người, không có một chiếc giường trống nào, mà bệnh nhân mỗi ngày một thêm đông. Bác sĩ trực phòng của ông đi một vòng đến các giường. Đến bên cạnh ông, bác sĩ dừng lại và hỏi người y tế:

- Hắn vẫn còn sống ư?

Người y tế trả lời:

- Tôi chưa kiểm lại. Nhưng sáng nay thì hắn vẫn còn sống.

Bác sĩ cúi xuống và đặt ống nghe trên ngực ông. Nghe biết tất cả mọi sự, cho nên ông cố gắng thở thật mạnh. Sau khi nhấc ống nghe lên, bác sĩ thở dài và nói:

- Thiên nhiên thật ngu đần, lẽ ra người này phải chết, nhưng không hiểu sao hắn vẫn còn thở và như vậy là hắn chiếm mất chỗ của người khác

Tu-ghê-nít lắng nghe được tất cả những lời ấy. Ông tưởng số phận của ông đã được quyết định, nhưng không ngờ sau đó ông đã được khỏi bệnh một cách lạ lùng trước sự ngạc nhiên của viên bác sĩ trực và nhiều y tá khác trong quân y viện.

Những bệnh nhân biết được những gì người ta làm cho mình và còn sống sót để kể lại kinh nghiệm của mình như văn hào Nga trên đây không phải là hiếm. Một viên thuốc ngủ, một mũi thuốc mê cực mạnh, nhiều người đã bị cướp mất mạng sống dễ dàng. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã kêu goị con người ngày nay hãy xây dựng một nền văn minh của sự sống chứ không phải của sự chết. Tin Mừng hôm nay có thể được coi như một câu trả lời của lòng tin cho một vấn đề từng gây thắc mắc nơi con người thuộc mọi thời đại: vấn đề sự sống. Hai phép lạ: chữa lành bệnh người phụ nữ băng huyết và cho một bé gái 12 tuổi sống lại, đều minh chứng Đức Giêsu là chủ sự sống, là nguồn cội sự sống, vì Ngài là Đấng đã làm cho kẻ chết sống lại.

Theo quan niệm của người Do Thái xưa, thì máu huyết tượng trưng cho sự sống. Người phụ nữ bị băng huyết có nghĩa là sự sống nơi chị mất dần đi, tiêu hao đi, nên coi như chị là người đã chết. Nhất là trong hoàn cảnh của chị, đau khổ không chỉ vì bệnh kéo dài, tiền mất tật mang, mà còn khổ về mặt tinh thần, vì tập quán tôn giáo xã hội coi những người mắc chứng bệnh này, cũng như bệnh cùi, bệnh hủi, khinh khi. Phải nói là người phụ nữ bị băng huyết này coi như đã chết hai lần, cả về mặt sự sống thể xác lẫn về mặt đời sống tinh thần. Phép lạ Chúa Giêsu làm đã cứu thoát chị, đã đem lại cho chị một cuộc sống dồi dào, cả trong ý nghĩa được sát nhập lại vào trong lòng cộng đồng tôn giáo.

Còn trong phép lạ Chúa Giêsu làm cho em bé sống lại, thì chúng ta thấy hành động của Chúa Giêsu vượt xa điều mà gia đình ông Giairô, trưởng hội đường, mong đợi: khi con gái duy nhất của ông hấp hối, ông đã chạy đi cầu cứu với Chúa Giêsu, vì ông tin rằng Ngài có thể cứu con ông khỏi cái chết. Nhưng khi hay tin con đã chết rồi, thì ông không còn hy vọng nào nữa, không còn muốn làm phiền Chúa Giêsu đến nhà làm gì nữa. Chúa Giêsu phải nâng đỡ tinh thần và niềm tin của ông: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi”. Và phép lạ đã được thực hiện, trước nỗi kinh ngạc và hạnh phúc của gia đình ông. Trưởng hội đường, kinh ngạc và sung sướng đến nỗi ông và gia đình quên cả việc chăm sóc đến con gái của mình, khiến Chúa Giêsu phải nhắc khéo: “Hãy lo cho cô bé ăn đi!”.

Trong tất cả hai phép lạ, chúng ta đều thây nổi bật lên một yếu tố nối liền giữa Chúa Giêsu và người được phép lạ: đó là lòng tin. Người phụ nữ bị băng huyết, sau khi chạy thầy chạy thuốc không khỏi, mà lại nghe nói về quyền phép của Chúa Giêsu, thì dần dần trong lòng chị hình thành một niềm tin mạnh mẽ: “Tôi mà sờ được áo Ngài thôi, là sẽ được khỏi bệnh”. Chính lòng tin mạnh mẽ đó đã giúp chị vượt qua moị tập quán, mọi nếp suy nghĩ và quan niệm tôn giáo có tính trói buộc và cản trở con người, để mạnh dạn đến gần Chúa Giêsu. Chinh lòng tin mạnh mẽ đó đã như khiến quyền năng của Chúa Giêsu không thể từ chối được: “Chúa Giêsu thấy có một năng lực tự nơi mình phát ra”.

Lòng tin của ông Giairô cũng là yếu tố quan trong để Chúa Giêsu là cho con ông sống lại. Chắc chắn lòng tin của ông đã được hỗ trợ bằng chính câu chuyện người phụ nữ lành bệnh, cũng như đã được nâng đỡ bởi lời khuyên chủ của chính Chúa Giêsu: “Đừng sợ, ông ạ, cứ vững tin đi!”.

Qua hai phép lạ trên, Chúa Giêsu còn bộc lộ cho thấy thế nào là Thiên Chúa, thế nào là Đấng Kitô của Thiên Chúa và loan báo một thời đại mới, thời đại cứu độ mà các Ngôn Sứ đã loan báo. Trước hết, Thiên Chúa là chủ sự sống, ban phát sự sống cho con người và muôn loài vật. Riêng đối với con người, thì không chỉ là đời sống vật chất, tinh thần mà còn cả đời sống ân sủng, đời sống làm con cái Thiên Chúa. Để thực hiện chương trình sáng tạo và cứu độ, Thiên Chúa đã hiến dâng cho loài người tất cả, kể cả Người Con yêu dấu, Con Một của Ngài là Đức Giêsu Kitô.

Đức Giêsu có sứ mạng bộc lộ về Thiên Chúa, thực hiện chương trình của Thiên Chúa là ban sự sống, là cứu chữa những gì đã hư mất, là tìm đến với người đau ốm cần thầy thuốc. Ngài luôn quan tâm đến mọi nhu cầu cụ thể của con người. Ngài cúi mình ghé mắt nhì xem nhu cầu cụ thể của con người Ngài gặp: anh què, anh mù, chị phụ nữ bị băng huyết cũng như chị phụ nữ ngoại tình, người bị quỷ ám, con trai bà goá thành Naim, cũng như con gái ông Giairô. Tất cả những khổ đau, tật nguyền đều có âm hưởng mạnh mẽ trong tâm hồn Chúa Giêsu Kitô. Chính vì mang trong mình trái tim của Thiên Chúa, nguồn sống của Thiên Chúa, nên Chúa Giêsu đã cứu chữa người này, bình phục người kia, hồi sinh người khác, đem lại phẩm giá và sự tôn trọng cho những ai đang bị loại trừ, coi rẻ. Đối với Chúa Giêsu, không hề có một tiêu chuẩn nào để lại bỏ, vì tất cả thuộc về gia đình Thiên Chúa. Điều duy nhất ngài đòi hỏi là lòng tin của chúng ta nơi quyền năng và lòng thương của Ngài.

Lòng tin của chúng ta đối với Thiên Chúa là nguồn gốc, là chủ sự sống sẽ dẫn chúng ta đến một thái độ tất yếu này là: chúng ta phải biết tôn trọng sự sống, bảo vệ và phát triển sự sống. Không phải chỉ sự sống thể xác mà cả sự sống tinh thần và sự sống tâm linh nữa. Không chỉ sự sống nơi mình, mà còn sự sống nơi người khác, nơi dân tộc khác nữa.

Thế nhưng, chung quanh chúng ta không biết bao nhiêu sự sống con người đang bị xâm phạm, chà đạp, cách này hay cách khác. Bao nhiêu trẻ em không được quyền sinh ra, không có được những điều kiện thiết yếu nhất về vật chất, tinh thần, để sống một cuộc sống cho ra người.

Chúa Giêsu đã sinh ra làm người là để cho con người được sống và sống một cách dồi dào. Nhưng sự sống của chúng ta đón nhận từ nơi Chúa sẽ không trọn vẹn, nếu chúng ta chưa thực sự chia sẻ sự sống ấy cho những người chung quanh. Bao lâu nhiều người anh em chung quanh chúng ta chưa được sống xứng với phẩm giá con người, bao lâu niềm vui và quyền được sống như những con người vẫn còn bị khước từ nơi nhiều người đang sống bên cạnh chúng ta, thì có lẽ chính chúng ta cũng không thể nào hưởng được một cách dồi dào sự sống mà Chúa Giêsu mang lại cho chúng ta.

 

54.Chúa Giêsu tiếp tục làm phép lạ

(Suy niệm của AM Trần Bình An)

Trái bom nguyên tử nổ ra vào lúc 8 giờ 10 phút, sáng ngày mồng 6 tháng 8 năm 1945. Biến cả thành phố Hi-rô-shi-ma thành tro bụi và giết chết 80.000 người cùng một lúc. Ngôi nhà của chúng tôi là một trong những ngôi nhà chưa bị sụp đổ, nhưng ở trong một điều kiện hết sức tồi tàn: không còn cửa ra vào, các cánh cửa đã bị cơn gió cực mạnh tạo ra do vụ nổ, cuốn đi hết. Chúng tôi chuyển sang ở bệnh viện, nơi tiếp đón, chăm sóc và giúp đỡ cho 200 nạn nhân.

Ngày hôm sau, mồng 7 tháng 8, vào lúc 5 giờ sáng, tôi đang dâng thánh lở nhà, trước khi bắt đầu công việc cứu giúp những người bị thương và chôn cất những người chết. Trong những giây phút càng bi thảm, người ta càng gần Thiên Chúa hơn, người ta càng thấy cần thiết phải giúp đỡ nhau, khung cảnh thực không thích hợp cho việc sốt sắng thánh lễ. Nhà nguyện thì một nửa đã bị phá hủy, chật ních những người bị thương nằm chen chúc nhau trên mặt đất. Hđau khổ ghê gớm và quằn quại vì đau đớn. Tôi bắt đầu dâng lễ như tôi có thể, giữa đám người không có chút ý niệm về những gì diễn ra trên bàn thờ: họ là những người ngoại đạo chưa bao giờ tham dự thánh lễ. Tôi không thể nào quên được cái cảm giác bàng hoàng khi quay lại phía hđể chúc: “Chúa ở cùng anh chị em.” Hồi đó, các linh mục làm lễ quay mặt lên bàn thờ. Không thể cđộng được nữa, tôi đứng như người bất toại, hai tay dang ra, nhìn ngắm tấm thảm kịch này của nhân loại. Cảnh tượng thật hãi hùng! Vài phút sau, Đấng mà thánh Gio-an Tẩy Giđã nói: “Ở giữa anh em có một Đấng mà anh em không biết”, ngự xuống bàn thờ. Chưa bao giờ tôi cảm nhận được sự cô độc của những người không biết Chúa Giê-su Ki-tô như lúc ấy. Cứu Chúa của hđang hiện diện đó. Đấng đã hiến mạng sống cho h… nhưng họ lại không biết “Không biết Ngài ở giữa h” (Ga 1, 26). Lúc đó, chỉ có tôi biết Ngài. Tự nhiên tôi thốt lên lời nguyện cầu cho những kẻ tàn ác dã man đã ném bom nguyên tử: “Lạy Chúa, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”, và cho những người nằm xoài trước mặt tôi đang quằn quại vì đau đớn: “Lạy Chúa, xin ban cho họ niềm tin để họ thấy và xin ban sức mạnh để họ chịu đựng đau kh”. Khi nâng tấm bánh lên trước mặt những thể xác đầy thương tích và rách nát này, tôi kêu lên tđáy lòng: “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa Con, xin thương xót đoàn chiên không có chủ chăn này!” (Mt 9, 36; Mc 6, 34). “Lạy Chúa, để họ tin vào Chúa, xin hãy nhớ họ cũng là những người cần phải nhận biết Chúa” (1 Tm 2, 4).

Những dòng thác ân sủng chắc chắn đã tuôn chảy từ tấm bánh và bàn thờ. Sáu tháng sau, khi đã được chữa lành, tất cđã từ giã nhà dòng chúng tôi (chỉ có hai người đã chết đó), nhiều người trong số hđã lãnh nhận bí tích rửa tội. Tất cả hđều nhận ra đức ái Ki-tô giáo thì thông cảm, giúp đỡ, đem lại niềm an ủi vượt trên mọi nâng đỡ con người. (Phê-rô Arrupe, S.J, Thánh Thể trong đời tôi)

Tin Mừng Chúa nhật 13 thường niên hôm nay, thánh sử Máccô tường thuật người phụ nữ bị hoại huyết 12 năm, âm thầm chạm tay vào áo Đức Giêsu được chữa lành. Rồi con gái của ông Giaia, Trưởng hội đường đã chết, được Người cầm tay, truyền lệnh chỗi dậy, tức thì cô bé 12 tuổi sống lại. Cả hai phép lạ đều có chung mẫu số, đó là niềm tin vững chãi và mãnh liệt, niềm cậy trông hoàn toàn vào quyền năng Thiên Chúa.

Chạm tay

Giữa đám đông chen lấn đến với Đức Giêsu, biết bao người chạm tay vào vạt áo Người, thế mà chỉ có một mình người đàn bà đã chịu 12 năm băng huyết, vô phương cứu chữa, được khỏi bệnh tức thì. Trong khi biết bao người khác cũng có thể bị bệnh này chứng kia về thể xác hay tinh thần, cũng chạm tay vào áo Người, đều không được chữa lành. Chỉ vì người đàn bà bệnh hoạn đó đã hoàn toàn đặt niềm trông cậy, niềm hy vọng tột cùng vào Chúa: “ Tôi mà sờ được vào áo Người thôi, là sẽ được cứu.” Một sự khẳng định chắc nịch và dứt khoát, không mảy may cân nhắc, so đo, do dự, cũng không một chút nghi ngờ, lưỡng lự, cầu may.

Chạm tay vào áo Đức Giêsu là thể hiện công khai tâm tình phó thác, cùng tuyên xưng niềm tin, niềm cậy trông và tình mến vào Chúa. Không hề e ngại thế gian săm soi, dè bỉu, chê cười, không sợ những thế lực thù địch với Chúa hăm dọa, hãm hại, gây khó dễ, cấm cản, không lo sợ các thầy tư tế, luật sĩ, kinh sư, Biệt Phái mất lòng, kết án. Trước thái độ mau mắn khiêm nhường và cung kính của người đàn bà được chữa lành, Đức Giêsu hân hoan chứng nhận tấm lòng thành khẩn và ân cần chúc phúc: “Này con, lòng tin của con đã cứu con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh.”

Chạm tay vào áo Đức Giêsu, mỗi khi người Kitô hữu sốt sắng, chăm chú đọc và nghe Lời Chúa, mỗi khi kính cẩn đón rước Thánh Thể, hay tôn kính chầu Mình Thánh Chúa, mỗi khi thành khẩn lãnh nhận các phép Bí tích, mỗi khi thành tâm nghe giảng dạy Tin Mừng… Người Ki tô hữu cũng có thể noi gương người đàn bà bị bệnh kia, chủ động chạm vào áo Chúa Giêsu, khi cầm lòng, cầm trí cầu nguyện, suy gẫm, kinh nguyện, cảm tạ, ngợi khen, chúc tụng Lòng Thương Xót vô ngần của Thiên Chúa.

Tất cả những ai đặt trọn niềm tin vào Người đều được chữa lành khi cố gắng luôn gần gũi, tiếp cận bên Người. Có khi Người chữa lành thể xác, hay tâm hồn, hoặc nhiều khi cả hai. Điển hình, Chúa Giêsu vẫn còn đang phép lạ, đã cứu chữa cả thể xác lẫn linh hồn gần 200 nạn nhân bom nguyên tử kể trên, ban cho họ vinh hạnh trở nên con cái Thiên Chúa.

“Từng ngàn bệnh nhân trong nhà thánh Cottolengo có một nét đặc biệt trên khuôn mặt, lâu lâu máy vi âm lại dịu dàng nhắc: ”Chúng ta đang ở bên Chúa.” (Đường Hy Vọng, số 232)

Cầm tay

Đức Giêsu vừa chữa lành và đang an ủi người đàn bà hoại huyết, thì người nhà ông Giaia, Trưởng hội đường, báo tin con gái ông đã chết, đừng làm phiền Người nữa. Đức Giêsu liền trấn an: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi.” Người đến tận giường, cầm tay cô bé ra lệnh: “Talithakum,” nghĩa là: “Này bé, Thầy truyền cho con: Chỗi dậy đi.” Lập tức con bé đứng dậy và đi lại được, vì nó đã mười hai tuổi. Thoạt đầu, ông Giaia chỉ cầu xin Đức Giêsu đến đặt tay lên, cứu chữa cháu bé đang hấp hối. Nay Người còn làm hơn thế nữa, ân cần, chủ động và thân thương cầm lấy tay để hồi sinh cháu.

Trong ba phép lạ cho sống lại, như Lazarô (Ga 11, 43-44), con trai bà góa thành Nain (Lc 7, 12-15) và con gái ông Giaia, (Mc 5, 41) thì chỉ có duy nhất lần này, Người cầm lấy tay cô bé cho hồi sinh, y như Người đã cầm tay nhạc mẫu ông Phêrô, chữa khỏi cơn sốt, (Mc 1, 31) cầm tay dắt anh mù ra khỏi làng, rồi cho anh sáng mắt, (Mc 8, 23) cầm tay đứa trẻ chữa khỏi quỷ ám. (Mc 9, 27)

Chạnh lòng cầm tay người hoạn nạn, Đức Giêsu chứa chan yêu thương, tràn trề lòng thương xót, ân cần cứu thoát khỏi bệnh tật, khỏi ma quỷ, khỏi cái chết. Người vẫn cầm tay từng người dẫn dắt khỏi chốn nguy khốn, khỏi cám dỗ xác thịt, khỏi tội lỗi bùn nhơ, khỏi án phạt chết muôn đời, những ai tin vào Người, không phân biệt thân sơ, không giới hạn sang hèn, chẳng kỳ thị dân tộc.

“Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người. Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u, con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm. Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù. Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm, ly rượu con đầy tràn chan chứa. Lòng nhân hậu và tình thương Chúa ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời, và tôi được ở đền Người những ngày tháng, những năm dài triền miên” (Tv 23).

Đức Giêsu cầm lấy tay cứu giúp những ai trông cậy, tin tưởng vào Người khỏi cơn gian nguy, chết chóc. Người làm gương cho những ai theo Người, biết cầm tay tha nhân an ủi, cứu chữa, giúp đỡ và phục vụ. Người dạy Kitô hữu biết chủ động dấn thân phục vụ bằng hành động cụ thể, thân thiện và trịnh trọng cầm lấy tay những người khó khăn, gặp nạn, bị xã hội bỏ rơi, khinh khi, oán nghét để ân cần chia sẻ, quan tâm, giúp đỡ, tương thân, tương ái.

“Đây là bằng chứng để ta biết được lòng mến: Là Đấng ấy đã thí mạng vì ta. Và ta, ta cũng phải thí mạng vì anh em. (1Ga. 3,16). Con hỏi Cha: “Đâu là mức độ dấn thân?” “Hãy làm như Chúa Giêsu: Thí Mạng.” Nếu con tuyên bố rùm beng, hoạt động khơi khơi, sống đạo lè phè, con sợ cực, sợ nghèo, sợ tù, sợ chết… Nếu con dấn thân lối: “Cứu viện cho người thắng trận,” thì thôi, nên dẹp tiệm. Đó là “dấn thân trá hình,” “dấn thân thương mại.” (Đường Hy Vọng, số 612)

Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con luôn chạm tay vào áo Người, để được an ủi và cứu chữa. Cũng xin Chúa dạy chúng con biết chạm tay phục vụ tha nhân, chứ không chỉ nói suông, hay a dua làm từ thiện theo phong trào.

Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ cầu bầu, hướng dẫn chúng con noi gương Mẹ, luôn biết cần mẫn tìm đến Chúa, cũng như luôn sẵn sàng phục vụ tha nhân trong suốt cuộc đời. Amen.

 

home Mục lục Lưu trữ