Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 102

Tổng truy cập: 1349881

Đức tin sống dộng

ĐỨC TIN SỐNG ĐỘNG

 

Sống trong thế giới hôm nay, bất cứ ai được các bác sĩ dán cho tấm bảng hiệu “ung thư” – cancer trên phần thân thể nào là kể như “tiêu tùng” phần thân thể đó, và cơ nguy tiêu mạng cũng gần kề. Chính vì thế mà nhiều người đã khóc thét lên, ngất xỉu đi, hoặc mất ăn mất ngủ luôn vì hai chữ ung thư quái ác.

Ung thư, phong cùi, tai biến mạch máu não, đau tim, và AIDS, những chứng bệnh bên trong cũng như bên ngoài cơ thể đã khiến cho con người dù văn minh, tiến bộ đến đâu cũng đành phải bó tay. Nói một cách môn na, những bác sĩ, những nhà khoa học khi đứng trước những triệu chứng vừa kể cũng tựa như những anh mù đi xem voi trong câu truyện được kể trong giáo khoa thư. Mỗi bác sĩ một chẩn đoán, và mỗi bác sĩ đều kê toa na ná giống nhau, hoặc khác nhau chút đỉnh. Và khi đến lượt mình, những bác sĩ ấy cũng đành bó tay trước huyền nhiệm của Thượng Đế.

Nhưng những chứng bệnh về tấm lý và tâm linh nếu đem so sánh với những chứng bệnh về thể lý thì còn ghê gớm hơn nhiều. Điên loạn, ảo tưởng, ảo giác, ảo ảnh, tự kỷ, lú lẫn, và mất trí nhớ là những căn bệnh mà cho đến nay khoa học vẫn chưa tìm được thuốc chữa. Khủng khiếp nhất là người đánh mất niềm tin. Vì khi con người đánh mất niềm tin là mất tất cả. Mất bình an trong tâm hồn. Mất mối liên hệ với Thiên Chúa là nguồn mạch hạnh phúc. Và nếu không hồi tâm thống hối, họ sẽ đánh mất luôn cơ hội để được vào Nước Trời.

Tuy nhiên, những gì mà con người không làm được thì Thiên Chúa lại làm được, miễn là con người tin vào Ngài. Câu truyện người đàn bà loạn huyết mà Thánh Ký Máccô kể lại trong Tin Mừng hôm nay đã cho thấy sức mạnh của đức tin và quyền lực của Thiên Chúa. Thánh Ký ghi nhận, một người đàn bà bị bệnh hoạn huyết mười hai năm. Tốn tiền chữa chạy và đau đớn. Bà đã cố gắng len lỏi giữa đám đông đang vây quanh Chúa Giêsu. Với lòng tin tưởng và khiêm tốn, bà chỉ mong được chạm đến áo Ngài, vì bà cho rằng chừng ấy đã đủ để bà được khỏi bệnh. Ngay khi bà vừa chạm vào áo Chúa Giêsu bà liền biết mình đã khỏi bệnh (x. Mac 5:25-34).

Chúng ta tất cả bằng cách này, hay cách khác đều mang trong mình những mầm mống hay những căn bệnh khác nhau; bệnh thể lý, bệnh tâm lý, và bệnh tâm linh. Và tất cả đều mong được chữa lành, được khỏi bệnh. Tâm trạng của chúng ta cũng giống như tâm trạng của người đàn bà mắc chứng loạn huyết, là mong mình được chữa lành. Mong được Chúa thi ân ban cho một phép lạ. Nhưng kết quả lại rất khác biệt. Người đàn bà trong Tin Mừng được chữa lành, còn lại phần đông chúng ta thì không. Vậy đâu là sự khác nhau đó. Có phải Chúa thương người này mà không thương người khác? Và đâu là điều mà chúng ta có thể học hỏi qua câu truyện chữa lành của thiếu phụ loạn huyết đó.

Chúa yêu thương tất cả: Đây là một chân lý rất thực tế và hết sức quan trọng. Bởi vì chúng ta không thể nào tồn tại cho đến hôm nay mà không có sự quan phòng, thương yêu và săn sóc của Thiên Chúa. Muốn tìm một chứng minh về chân lý này, nhiều người trong chúng ta cứ nghĩ lại những ngày lênh đênh trên biển cả tìm tự do, gặp gió to, sóng lớn cũng đủ hình dung ra bàn tay quan phòng của Thiên Chúa ở với chúng ta như thế nào. Tuy nhiên, chúng ta phần đông cũng vẫn nghĩ rằng Thiên Chúa không yêu thương tôi; hoặc có thì không bằng người này, người khác, bởi một lẽ đơn giản là chúng ta không được những gì mà chúng ta xin, hoặc chúng ta muốn.

Quan niệm này là một cám dỗ có thể đem chúng ta đến chỗ phủ nhận tình thương Thiên Chúa, hoặc ít nhất cũng làm cho chúng ta mất đi sự bình an là món quà cực quí báu mà Chúa Giêsu đã mang từ trời xuống cho nhân loại và cho mỗi người chúng ta: “Bình an dưới thế cho người Chúa thương” (Luca 2:14)). Vì ai mà chả được Chúa thương.

Đức tin sống động: Trở lại trường hợp người đàn bà trong Tin Mừng, Thánh ký diễn tả như một người có đức tin mạnh, đức tin sống động đến nỗi làm ngạc nhiên Chúa Giêsu: “Chúa Giêsu nhận biết có sức mạnh đã xuất phát tự mình, Người liền quay lại đám đông mà hỏi: “Ai đã chạm đến áo của Ta?” (Mc 5: 30).

Giữa đám đông đang chen lấn mong được gặp Chúa, được xem mặt Ngài, nói với Ngài; nhất là mong Ngài thi ân, giáng phúc. Phần bà, bà không mong được trực tiếp bắt tay, hoặc nói với Chúa. Bà cũng không xin Ngài chữa cho mình khỏi bệnh. Bà chỉ ao ước, thầm nghĩ mình có thể được chạm đến áo Chúa là đủ. Và trong cái chen lấn, giữa đám đông bao quanh Chúa hôm ấy, bà đã cố đến gần và chạm vào áo Ngài. Đây là một hình thức thực hành đức tin, một đức tin hành động và sống động. Nhờ đức tin ấy bà đã được khỏi bệnh: “Đức tin con đã chữa con. Hãy đi bình an và được khỏi bệnh” (Mc 5: 34).

Giữa dòng đời và trong cuộc sống thường ngày chúng ta đã bao nhiều lần vây quanh Chúa. Đôi lần tưởng cũng đã đến gần Chúa, động vào áo Chúa với ước mong được Ngài chữa lành. Đó là những lúc chúng ta buồn khổ, chán chường, gặp gian nan và thử thách. Trước những thử thách và đau khổ, chúng ta chợt nghĩ mình cần phải chạy đến với Chúa. Rồi chúng ta cầu xin tha thiết, hoặc khóc lóc thảm thiết. Nhiều người còn ăn chay, dâng cúng chỗn này chỗ kia, bố thí người này người khác. Và trong những xúc động nhất thời ấy, chúng ta tưởng như mình đã gặp và chạm vào được Chúa. Nhưng rồi Chúa đã không chữa lành chúng ta như đã chữa lành người đàn bà trong Tin Mừng.

Thật vậy, nếu nhìn lại những lần chúng ta tưởng như đã gặp Chúa, đã động chạm được đến Chúa ấy, chưa bao giờ thật sự có được một cái động chạm khiến Chúa phải ngạc nhiên, khiến sức mạnh của Ngài phát ra và Ngài phải quay lưng lại để tìm xem ai đã làm việc ấy. Mà vì Chúa không cảm được sự đụng chạm của chúng ta, nên sức mạnh của Ngài đã không phát ra để đem lại cho chúng ta sự chữa lành. Một cách đơn giản là vì chúng ta chưa hoặc rất ít khi đến với Chúa bằng một đức tin sống động, đức tin mạnh, và đức tin thực hành.

Đi vào thực hành, chúng ta đã không để tùy Chúa định đoạt, nhưng là chen lấn và giành giật, xin xỏ cốt mong làm Chúa phải ngạc nhiên, và để Ngài buộc lòng phải thi ân cho chúng ta. Chúng ta đã không đến với Chúa vì yêu mến, tin tưởng, và hoàn toàn phó thác cho quyền năng và tình yêu thương Ngài.

Đức tin hành động: Người đàn bà trong Tin Mừng đã làm tất cả những gì bà cần làm dưới ánh mắt tâm linh và bằng một đức tin sống động.

  • Bà đã vất vả, cố gắng, và chen lấn để được đến bên Chúa. Trong ánh mắt tâm linh, chúng ta cũng phải chen chúc, phải xô lấn và phải chiến đấu với những ảo tưởng, ảo giác, ảo mộng, với tiền tài, lạc thú, và vinh quang, phú quý để đến gần được với Chúa là nguồn chân, thiện, mỹ. Là đời sống công bằng, bác ái, và khiêm tốn. Là chấp nhận những khó khăn, thử thách của cuộc đời với ý hướng cứu độ và thánh hóa.
  • Bà đã chạm vào áo Chúa. Như bà, sau khi đã vượt được qua những thử thách, những cám dỗ, chúng ta phải có can đảm chạm vào áo Chúa, tức là phải có can đảm dứt khoát với tội lỗi, với những bất chính, và những cám dỗ vẫn hằng đưa chúng ta đến sự sa ngã, và cái chết tâm linh. Sự động chạm này phải mãnh liệt, phải làm cho Chúa cảm thấy có sự va chạm, tức là có sự hiểu biết, thông cảm và thân tình giữa ta và Chúa.
  • Bà đã nghĩ thầm trong lòng miễn sao mình chạm vào áo Chúa. Tức là bà hoàn toàn khiêm tốn, và phó mặc cho quyền năng Thiên Chúa. Điều này dạy chúng ta mỗi khi cầu nguyện và mỗi khi mong muốn một điều gì nơi Chúa là chúng ta phải tin tưởng mãnh liệt rằng, Chúa thấu hiểu chúng ta và Ngài luôn ở đó để yêu thương, và nâng đỡ chúng ta. Như vậy, chúng ta đến với Ngài và chạm vào trái tim tình thương Ngài thay vì chạm vào áo Ngài.

Đức tin sống động. Đức tin thực hành. Đức tin đem chúng ta lại gần và dụng chạm vào được Thiên Chúa, khiến Ngài nhận ra chúng ta, và sửng sốt nhìn chúng ta. Đây là cốt lõi và ý nghĩa thực hành của đời sống tâm linh. Không suy ngắm, và không tìm hiểu điều này chúng ta cũng như đám đông chen lấn, vây quanh Chúa, đám đông chỉ gây huyên náo, ồn ào nhưng không gây được sự chú ý của Chúa, mặc dù quyền năng Ngài và tình thương Ngài vẫn luôn sẵn sàng để thi ân, giáng phúc. Bởi vì họ đã không đụng chạm vào áo Ngài. Mà nếu có đụng chạm thì những đụng chạm ấy lại không phát xuất từ một đức tin mạnh mẽ, đức tin sống động, đức tin khiến Chúa phải ngạc nhiên và không thể từ chối chúng ta mặc dù chúng ta rất bất xứng.

 

T.s. Trần Quang Huy Khanh

home Mục lục Lưu trữ