Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 27
Tổng truy cập: 1363350
ĐỪNG NGẠI
ĐỪNG NGẠI
(Trích từ ‘Manna’)
Suy Niệm
Tin Mừng Luca nói đến việc truyền tin cho Đức Mẹ, còn Tin Mừng Mátthêu lại nói đến việc truyền tin cho Giuse. Sứ thần Chúa giải tỏa nỗi lúng túng và bối rối của ông, khi báo cho ông hay thai nhi nơi người vợ chưa cùng ông chung sống là do quyền năng Thánh Thần. Sứ thần mời gọi ông cứ đón nhận Maria làm vợ, và chấp nhận thai nhi như con mình.
Giuse đã nói tiếng Xin Vâng. Ông đón lấy những mầu nhiệm mà ông không hiểu hết.
Maria là một mầu nhiệm. Người con sắp sinh ra bởi Thánh Thần cũng là mầu nhiệm. Giuse đã để cho các mầu nhiệm vây bọc mình.
Cả cuộc đời Giuse là chiêm ngắm các mầu nhiệm diễn ra một cách bình thường, sát bên ông. Và chính cuộc đời của ông cũng là một mầu nhiệm.
Giuse chấp nhận ý định của Thiên Chúa dù nó phá vỡ ước mơ ông ấp ủ từ lâu. Ông muốn làm chồng cô Maria, người ông yêu mến, nhưng Thiên Chúa lại muốn ông làm bạn của cô thôi. Ông muốn là cha của một đàn con đông đúc, nhưng ông chỉ là cha nuôi của Đức Giêsu.
Bề ngoài, Giuse vẫn gánh trách nhiệm làm chồng, làm cha, nhưng căn tính sâu xa của ông, ít ai biết.
Ông sống một mình mầu nhiệm đời ông trước Thiên Chúa.
Giuse đã mau mắn nói tiếng Xin Vâng.
Ông luôn bị đánh thức vào lúc đang an nghỉ. Sứ thần Chúa bảo ông chỗi dậy để làm điều gì đó. Ông bỏ dở giấc ngủ và lên đường giữa đêm khuya. Từ Nadarét lên Bêlem, từ Bêlem đi Ai cập, rồi lại trở về. Giuse chịu trách nhiệm về những kho báu Chúa giao.
Vâng phục một cách đơn sơ: đó là thái độ của Giuse.
Hôm nay có thể Chúa không nói với tôi qua giấc mơ, nhưng qua bao con đường khác, rất riêng tư, mà chỉ mình tôi cảm nhận được. Nếu tôi mau mắn nói tiếng Xin Vâng như Giuse, tôi sẽ góp phần vào việc cứu độ cả thế giới.
Để Con Thiên Chúa làm người, cần tiếng Xin Vâng của Maria, nhưng cũng cần tiếng Xin Vâng khiêm tốn của Giuse. Nhận Maria đang mang thai về nhà mình, và đặt tên cho Hài Nhi trong tư cách một người cha: những hành động ấy đã cho Giuse một chỗ đứng đặc biệt trong lịch sử cứu độ. Chúng ta không thể đoán được điều gì sẽ xảy ra, nếu như Giuse cứ cương quyết bỏ Đức Maria.
Nhờ Giuse, Đức Giêsu đã là người thuộc nhà Đavít. Những lời hứa của Thiên Chúa đã ứng nghiệm (x. 2Sm 7,13).
Cùng với Giuse, xin được gọi tên Con Thiên Chúa là GIÊSU.
Cùng với cả vũ hoàn, xin gọi tên Ngài là EMMANUEL. GIÊSU là Thiên-Chúa-ở-với-ta cho đến tận thế.
Gợi Ý Chia Sẻ
Theo kinh nghiệm của bạn, Thiên Chúa thường nói với bạn bằng những cách thức nào? Có khi nào bạn xin vâng khi dự tính của bạn bị tan vỡ không?
Con Thiên Chúa được gọi bằng nhiều tên: Giêsu, Kitô, Con vua Đavít, Emmanuel. Bạn thích tên nào hơn cả? Tại sao?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu, sống cho Chúa thật là điều khó. Thuộc về Chúa thật là một thách đố cho con.
Chúa đòi con cho Chúa tất cả để chẳng có gì trong con lại không là của Chúa.
Chúa thích lấy đi những gì con cậy dựa để con thực sự tựa nương vào một mình Chúa.
Chúa thích cắt tỉa con khỏi những cái rườm rà để cây đời con sinh thêm hoa trái.
Chúa cương quyết chinh phục con cho đến khi con thuộc trọn về Chúa.
Xin cho con dám ra khỏi chính mình, ra khỏi những bận tâm và tính toán khôn ngoan để sống theo những đòi hỏi bất ngờ của Chúa, dù phải chịu mất mát và thua thiệt.
Ước gì con cảm nghiệm được rằng trước khi con tập sống cho Chúa và thuộc về Chúa thì Chúa đã sống cho con và thuộc về con từ lâu. Amen.
2.Đừng ngại... thực thi ý Chúa - Dã Quỳ
Tám ngày trước Đại Lễ Giáng Sinh, Giáo Hội cho chúng ta chiêm ngắm chân dung của Thánh Giuse và Mẹ Maria. Trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, vai trò của Thánh Giuse và Mẹ Maria rất quan trọng. Chính nhờ lòng vâng phục của Thánh Giuse và Mẹ, mà Đấng Emmanuel đã nhập thể, nhập thế và hiện hữu trong một dòng tộc giữa trần thế để thực hiện lời hứa của Thiên Chúa trong sứ mạng cứu độ nhân loại.
Vai trò của Mẹ Maria thật lớn lao. Mẹ luôn hiện diện trong những tường thuật của Tin Mừng mà chúng ta sẽ đọc cho tới ngày Noel "Đây là gốc tích Đức Giêsu Kitô: bà Maria, mẹ Người..." Những lời kể về Mẹ thật giản dị nhưng lại mang nặng chiều sâu nhân loại và mầu nhiệm. Chúng ta chiêm nghiệm hình ảnh của Mẹ Maria, một thôn nữ đang ở độ tuổi mười lăm đôi mươi.
Mẹ Maria theo tập tục của Phương Đông thời ấy, đính hôn và thành hôn với một người nam "Maria, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giuse." Với kinh nghiệm của nhiều người, chắc hẳn chúng ta biết trong thời gian sau khi đính hôn, người ta rất hạnh phúc để chờ đợi ngày được ở bên nhau. Thế nhưng, với Mẹ Maria, một biến cố mầu nhiệm khác đã diễn ra trong cuộc hôn nhân của Mẹ "Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần." Người con Mẹ đang cưu mang là do quyền năng Thiên Chúa thực hiện sau lời xin vâng và niềm xác tín của Mẹ vào chương trình của Ngài. Con trẻ này không là một trẻ thơ như bao đứa trẻ khác. Người là "Thiên Chúa ở cùng chúng ta." Người sẽ được gọi là "con người và Thiên Chúa". Nhưng làm sao Giuse, hôn phu của Mẹ hiểu được và đón nhận?
Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể. Thiên Chúa đã quan phòng chuẩn bị cho Ngôi Hai một người cha trần thế. Người cha ấy chắc chắn cũng được đầy tràn ân sủng "Ông Giuse, chồng bà là người công chính." Vì công chính nên khi gặp điều trái ý, đối diện với những biến cố khó khăn hay sai phạm của người, Giuse chỉ âm thầm suy nghĩ và tìm cách cư xử tốt nhất cho người khác, nhất là người mà mình yêu thương "không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo." Làm sao có thể hiểu được ý Chúa nhiệm mầu? Làm thế nào để thực hiện được chương trình của Thiên Chúa, nếu không lắng nghe và mở lòng vâng phục tín thác?
Có thể nói giấc mộng và lời báo mộng của Thiên Thần Chúa cho Thánh Giuse được gọi là một biến cố "Truyền Tin", một loan báo về cuộc sinh hạ của Chúa Giêsu Kitô- Đấng Cứu Độ "Này ông Giuse, là con cháu Đavít, đừng ngại ...Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ." Lời sứ thần mà Giuse lắng nghe đã thay đổi mọi suy nghĩ và quyết định của ngài. Giờ đây thực thi ý Chúa và cộng tác với chương trình cứu độ của Chúa là chọn lựa hàng đầu của thánh Giuse. Từ đây, ngài đã đón nhận Đấng Cứu Thế và Mẹ Người bằng hành động cụ thể và cuộc sống hy sinh tận tụy trong suốt cuộc đời.
Tạ ơn Thiên Chúa về lời hứa kỳ diệu Ngài đã thực hiện "Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là ‘Thiên Chúa ở cùng chúng ta.’” Một Đấng Cứu Độ mặc lấy xác phàm để thực hiện lời hứa của Thiên Chúa. Một Giao Ước mới với nhân loại được thực thi "Emmanuel-Thiên Chúa ở cùng chúng ta". Thật hạnh phúc cho chúng ta đã được Thiên Chúa yêu thương khi sai Ngôi Hai Thiên Chúa đến ở cùng và cứu độ chúng ta. Vậy chúng ta có ước muốn Thiên Chúa ở cùng và sẵn lòng đón Người không? Mẹ Maria và Thánh Giuse đã là mẫu gương cho chúng ta về việc rộng mở tâm lòng và cuộc đời để Chúa đến, ở cùng và cứu độ.
Ta hãy chiêm ngắm sự dâng hiến trọn vẹn cuộc đời và chương trình riêng của Mẹ Maria để xin vâng và cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Cung lòng Mẹ đã trở nên đền thờ cho Chúa ngự. Mẹ đã cưu mang, dưỡng nuôi Con Thiên Chúa trong chính lòng dạ mình và Mẹ được gọi là "Thân Mẫu Chúa Giêsu". Chúng ta cũng hãy học nơi Thánh Giuse sự khéo léo tế nhị khi đối xử với anh chị em và lòng vâng phục tín thác vào thánh ý Thiên Chúa qua mọi biến cố, qua tiếng nói lương tâm chân chính và trong sáng. Sự công chính đã giúp ngài có khả năng tham dự vào mầu nhiệm của Thiên Chúa và sẵn sàng dấn thân cộng tác thực thi chương trình của Chúa dẫu cho khó khăn vất vả.
Thiên Chúa muốn chúng ta cộng tác với Ngài. Chúng ta, từng Kitô hữu hay những đôi bạn trẻ sắp, đang và đã bước vào đời hôn nhân. Hôm nay, mỗi chúng ta cũng có một trách nhiệm: lắng nghe, thực thi thánh ý Chúa, làm cho Chúa sinh ra trong tâm lòng mình, trong anh chị em và nhất là để Chúa ở cùng, lớn lên và cứu độ chúng ta. Ước gì trong thời gian cuối của Mùa Vọng này, chúng ta biết noi gương Mẹ Maria và Thánh Giuse, biết hăng hái thưa xin vâng và sẵn sàng chọn lựa theo ý Chúa để dâng trọn cuộc đời thực hiện những phương cách cứu độ trong thế giới hôm nay qua đời sống yêu thương, công bằng, bác ái, sẻ chia cụ thể. Có như thế, cuộc đời chúng ta mới thực sự có Thiên Chúa ở cùng và chính chúng ta là cánh tay nối dài của Chúa vươn đến anh chị em.
Lạy Đấng Emmanuel, xin đến và ở cùng chúng con. Xin dạy chúng con biết mở rộng tấm lòng chờ đón Chúa và dấn thân thực thi thánh ý Chúa. Amen.
3.Thiên thần báo tin cho Giuse - ViKiNi
(Trích trong ‘Xây Nhà Trên Đá’ của Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm)
Vua Akhab, người làm chủ một đất nước, không tin Chúa nên đã đưa cả dân tộc đến chỗ diệt vong. Một gia trưởng, hết lòng tin vào Chúa, đã đưa muôn dân đến ơn cứu độ. Gia trưởng đó là ai? Thưa là Giuse, một người chồng lý tưởng trầm tĩnh sáng suốt, luôn luôn biết cầu nguyện bàn hỏi Chúa về mọi vấn đề, để hành động hợp với đức mến Chúa yêu người và luật lệ xã hội. Trước vấn đề gay cấn nhất của bậc vợ chồng là Maria đã mang thai ngoài ý của mình, Giuse đã cư xử thế nào?
1- Giuse đã rất tế nhị hiền lành: theo luật, Giuse được tố cáo Maria để ném đá. Nhưng Giuse đã không nói một lời nào làm phiền Maria, không một cử chỉ nhỏ nào làm Maria phải ngượng ngùng, e ngại, không một cái nhìn nhỏ nào làm cho Maria phải khó chịu. Giuse đã tỏ lòng trọng kính chân thành hết sức mình đối với Maria. Nếu chỉ tỏ một tí nghi ngờ, mặt nặng mặt nhẹ thôi, đủ gây đau khổ dai dẳng ngậm ngùi cho giới liễu yếu đào tơ đến chừng nào! Gia đình sẽ bị đổ vỡ lập tức.
2- Giuse đã cư xử rất thánh thiện và công chính: cứ theo nhận xét bề ngoài thì không thể biết được ơn phúc mang thai của Maria, nên Giuse không thể tự cho phép mình chung sống bất chính với Maria. Ông đã quyết định xa bà cách âm thầm. Quyết định đó rất công chính vì hôn phối của Giue và Maria chưa thành sự, mới đính hôn, chưa về chung sống với nhau, bỏ là rất hợp pháp và hợp lý cho đời sống trong sạch thanh tịnh của ông. Quyết định đó chứng tỏ Giuse rất nhân từ và thánh thiện. Thánh thiện vì Giuse thấy cái gì có dáng vẻ tội lỗi thì ông cương quyết tránh xa. Nhân từ vì ông đã hành động thật êm ái, kín đáo, không để lộ việc gì làm bà sợ hãi trong lúc mang thai. Ông còn hết sức giữ gìn danh thơm tiếng tốt của bà. Sự công chính của Chúa là biểu lộ lòng thương xót của Ngài đối với tội nhân. Giuse đã biểu lộ được lòng thương xót của Chúa, nên Kinh thánh đã đặc biệt gọi thánh Giuse là Đấng công chính. Nhờ đó, Chúa giải quyết những vấn đề gây cấn nhất cho gia đình nhân loại để nhân loại được tràn đầy vinh phúc lãnh nhận ơn cứu độ.
“Hãy đến cùng Giuse” - Xin cho hết mọi gia trưởng biết đến cùng Giuse thấm nhuần được lòng từ bi nhân hậu, thực thi đức mến Chúa yêu người như Thánh Cả để làm cho gia đình được sống trong tình thương hạnh phúc và chúc lành muôn thuở của Chúa Giáng Sinh.
4.Trời can thiệp
Maria biết rằng mình đang mang thai khi chưa về chung sống với chồng sẽ đem lại nhiều hậu quả không hay: Cha mẹ sẽ buồn, người chồng sẽ nghi ngờ, thiên hạ sẽ dị nghị, bản thân sẽ bị chê cười, nhưng Maria luôn tin vào Chúa và mọi sự đều do sự an bài của Ngài, vì thế Maria luôn bình tĩnh, âm thầm để mặc cho Chúa tự do hành động.
Còn Giuse cũng vậy, thấy người bạn của mình như thế, Giuse không vội vã tức giận, hành động mù quáng và buộc tội gắt gao. Vì không được Maria giải thích, Giuse không hiểu ra làm sao, mặc dù thế Giuse vẫn trao phó mọi sự trong tay Chúa, còn mình thì sẽ trở lại cuộc sống độc thân cao đẹp thuở trước. Nhưng Chúa đã can thiệp, khiến cho Giuse và Maria đều hài lòng, trở lại đời sống vợ chồng và không còn thắc mắc chi nữa.
Nhìn vào lịch sử Giáo Hội chúng ta thấy, nhiều khi Giáo Hội cũng lâm vào những hoàn cảnh đen tối, những trường hợp khó khăn, nhưng rồi bàn tay Chúa cũng đã can thiệp, để Giáo Hội thoát khỏi những hiểm nguy mà phát triển, mà vươn lên. Tôi xin đưa ra những thí dụ điển hình.
Giáo Hội thuở ban đầu rất cần người lãnh đạo và Phêrô đã là người lãnh đạo, đã là vị Giáo hoàng đầu tiên, thế nhưng ngay từ khi bắt tay vào sứ mạng, Phêrô đã bị gông cùm, xiềng xích và tù đày. Ai cũng nghĩ rằng, làm sao Phêrô có thể thoát nổi. Nhưng rồi Chúa đã can thiệp, sai thiên thần xuống tháo rời xiềng xích, dẫn qua đám lính canh và Phêrô được giải thoát.
Tiếp đến là những thế kỷ đầu, Giáo Hội đã phải trải qua những cơn bách hại khủng khiếp dưới thời những bạo vương Lamã. Ai cũng tưởng con thuyền Giáo Hội sẽ bị vùi dập dưới những trận cuồng phong dữ dội nhất của lịch sử. Nhưng rồi kết cuộc ra sao? Hoàng đế Constantinople đã hoán cải, bóng cờ thánh giá đã tung bay và Giáo Hội bước vào một thời đại hoàng kim. Còn những bạo vương Lamã đã phải rơi vào một số kiếp bẽ bàng: Valerio thì thua trận, bị bắt làm tù binh và bị nhục nhã cho đến chết. Diocletiano thì bị bắt giam và bị nhịn đói cho chết. Maxilino thì thắt cổ tự tử, còn Galerio thì bị chứng lở lói đau đớn, không một vị lang y nào chữa nổi.
Qua những chứng tích kể trên, chúng ta hãy thêm tin tưởng vào quyền năng của Chúa, như tục ngữ ca dao vốn diễn tả: Thiên bất dung gian, ác giả ác báo, Trời xanh con mắt là gương, người ghét ít ngó người thương ngó hoài.
Hãy tin tưởng và phó thác cho Chúa vì mọi sự đều do sự an bài đầy quyền năng và tình thương của Chúa.
5.Emmanuel
Đối với người Do Thái, thì có con là một sự chúc lành của Thiên Chúa, còn son sẻ là dấu của kẻ bị Thiên Chúa bỏ rơi. Hơn thế nữa, son sẻ còn là một tình trạng tương đương với sự chết chóc. Thực vậy, chết là hết sống. Son sẻ là hết dòng sự sống. Tên tuổi sẽ bị dứt khỏi trần gian.
Quan niệm về đời sau của người Do Thái lúc bấy giờ còn rất mù mờ. Mọi hy vọng của họ là cuộc sống trần gian. Phần thưởng chính là dòng dõi nối tiếp mãi trên mặt đất này. Bởi đó việc tiếp tục có dòng dõi sau tai ương khốn quẫn đã được diễn tả bằng sức sống lại.
Thế nhưng, như lời Kinh Thánh đã xác quyết về Thiên Chúa: Tư tưởng của Ta không giống với tư tưởng của các ngươi và đường nẻo của Ta cũng không giống với đường nẻo của các ngươi. Như trời cao hơn đất bao nhiêu thì tư tưởng và đường nẻo của ta cũng cao hơn tư tưởng và đường nẻo các ngươi bấy nhiêu.
Chính vì thế, Thiên Chúa thường ghé mắt nhìn đến sự yếu hèn và bất lực, bởi đó mới nảy sinh những điều đáng ngạc nhiên trong hành động của Thiên Chúa. Ngài đã tỏ lộ quyền năng của Ngài trong sự bất lực. Đúng thế, sự đồng trinh của Đức Mẹ cũng là một cái chết, nhưng cái chết đó đã được Thánh Thần Chúa đem lại một sự sống mới. Đó cũng là điều diễn ra nơi thập giá với cái chết của Chúa Giêsu. Bởi vì sự phục sinh và sự sống mới, một sự sống dồi dào đã nẩy sinh từ cái chết đau thương của Ngài trên thập giá.
Đã từ lâu, Thánh Thần vẫn được giới thiệu như là nguyên nhân của sự sống. Khởi đầu, khi Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ, thì thần khí đã bay lượn trên nước và làm cho mọi sự được thành hình. Adong được nặn từ bùn đất, nhưng nhờ Thần Khí của Thiên Chúa mà có sự sống. Thần Khí cũng trở thành sự sống của Adong mới. Một trinh nữ thụ thai bởi quyền phép Chúa Thánh Thần đã nói lên sự can thiệp của Thiên Chúa.
Phụng vụ ngày Chúa nhật hôm nay cho chúng ta cải cảm tưởng rằng Chúa Giêsu đang đi vào lịch sử nhân loại. Ngài chính là Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Ngài ở giữa chúng ta để cứu chuộc, để giải phóng, để dẫn chúng ta ra khỏi ách nô lệ tội lỗi.
Giáo Hội hôm nay chính là sự nối tiếp sự hiện diện hữu hình của Chúa giữa con người trong thế giới, một sự hiện diện cứu chuộc và giải thoát không phải chỉ về mặt thiêng liêng bằng cách trao ban các bí tích, mà hơn nữa một sự giải thoát toàn diện, khỏi tất cả những gì cản trở sự phát triển của con người và xã hội bằng sự dấn thân và liên đới với mọi nỗ lực xây dựng tình thương và công lý.
6.Chúa ở cùng chúng ta
Tại Việt Nam và nhất là tại Trung Hoa, người ta có tục tảo hôn, cha mẹ định liệu việc vợ chồng cho con cái từ khi chúng còn nhỏ. Trong tác phẩm “Vượt khỏi Đông và Tây”, tác giả John Wu đã mô tả như sau: “Trước đám cưới, vợ tôi và tôi chả bao giờ thấy mặt nhau. Cả hai chúng tôi đều được giáo dục theo đường lối cổ xưa của người Trung Hoa. Bố mẹ đã đính hôn chúng tôi với nhau khi chúng tôi mới lên sáu. Đến năm mười mấy tuổi tôi mới biết được nhà nàng ở đâu. Tôi khao khát được thoáng nhìn nàng thử xem, nên thỉnh thoảng lúc tan học về, tôi cố tình đi ngang qua nhà nàng, thế nhưng chả bao giờ tôi được may mắn nhìn thấy nàng”.
Từ đoạn văn trên chúng ta sẽ dễ dàng hiểu được mối liên hệ giữa thánh Giuse và Mẹ Maria trước lúc Chúa chào đời. Theo tập tục Do Thái, mỗi cuộc hôn nhân thường trải qua ba giai đoạn:
Giai đoạn thứ nhất là đính hôn. Việc này thường do cha mẹ hay người mai mối thực hiện, còn đôi bạn trẻ thường chẳng hề biết trước về cuộc đính hôn này.
Giai đoạn thứ hai là hứa hôn. Giai đoạn này thường kéo dài một năm để đôi bạn có dịp quen biết nhau... Khi đã hứa hôn, thì mọi người đều xem đôi bạn như là vợ chồng, mặc dù họ chưa thực sự chung sống với nhau. Lễ hứa hôn này được tổ chức rất long trọng, nên chỉ có sự ly dị mới xoá bỏ được nó.
Giai đoạn thứ ba là kết hôn theo đúng nghĩa. Thánh Giuse hay tin Mẹ Maria có thai khi hai người ở trong giai đoạn thứ hai, tức là đã hứa hôn với nhau.
Tuy nhiên tôi muốn chia sẻ về một điểm khác quan trọng hơn, đó là việc Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Thánh Matthêu đã khởi đầu Phúc Âm bằng việc trích dẫn lời tiên tri Isaia: Một trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên Con Trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Đồng thời thánh Matthêu cũng đã kết thúc Phúc Âm bằng lời hứa của Chúa Giêsu: Này đây Ta sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế. Vậy thì Thiên Chúa, Ngài đã ở cùng chúng ta như thế nào?
Trước hết, Ngài hiện diện giữa chúng ta qua việc sáng tạo, và đặc biệt qua quyền năng nâng đỡ của Ngài, bởi vì Ngài không phải chỉ tạo dựng mà còn gìn giữ nó được tồn tại trong một trật tự lạ lùng cho đến ngày hôm nay.
Tiếp đến, Ngài còn hiện diện giữa chúng ta qua lời Ngài trong Kinh Thánh. Chúng ta có thể sánh ví Kinh Thánh như là một bức thư của người cha gởi cho con cái mình. Người cha biểu lộ ý nghĩ của mình cho con cái trong bức thư như thế nào thì Thiên Chúa cũng mạc khải ý nghĩ của Ngài cho chúng ta trong Kinh Thánh như vậy.
Cuối cùng Ngài hiện diện giữa chúng ta một cách đặc biệt qua Đức Kitô, Con Một của Ngài. Cùng với việc giáng sinh của Đức Kitô, Thiên Chúa đã bước thêm một bước khổng lồ để đến và cư ngụ giữa chúng ta. Đồng thời nhờ đó chúng ta có thể nhìn ngắm, lắng nghe chính Thiên Chúa. Hay nói một cách khác với mầu nhiệm Giáng Sinh, Thiên Chúa hiện diện giữa chúng ta qua một cách cụ thể và sống động qua một con người bằng máu thịt của Đức Kitô.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam