Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 75

Tổng truy cập: 1356312

ĐỪNG SỢ HÃY CỨ TIN

ĐỪNG SỢ HÃY CỨ TIN

 

(Suy niệm của Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy)

Tin Mừng Mc 5: 21-24.35-43 Tin khi đời sống yên ổn, thuận buồm xuôi gió thì chưa phải là một đức tin đích thực. Đức tin phải được tôi luyện trong đau khổ. Trong gian nan thử thách mà vẫn kiên trì, thì đức tin ấy mới có thể làm nên những phép lạ.

Chúa Giêsu nói với ông Trưởng Hội Đường: "Đừng sợ, hãy cứ tin”.

Câu chuyện trong Tin Mừng cho chúng ta biết đôi điều về ông Trưởng Hội Đường này. Ông là Chủ Tịch Ban Quản Trị Hội Đường và là Chủ Tịch Hội Đồng Kỳ Mục và có trách nhiệm điều hành mọi công việc trong Hội Đường. Ông có trách nhiệm trong việc chỉ đạo các buổi hội họp, có trách nhiệm phân phối công việc và xem xét mọi việc thực hiện cho đúng như luật định. Ông là nhân vật quan trọng trong cộng đồng, nhưng khi con gái ông ngã bệnh, ông nghĩ ngay đến Chúa Giêsu.

Ông đã quên đi các thành kiến. Trước kia có thể ông đã coi Chúa Giêsu như một người xa lạ, một người giảng tà giáo, bị các hội đường cấm cửa, một người mà bất luận người nào coi trọng chính thống giáo cũng phải xa tránh.

Ông quên đi vị thế của mình. Ông là Trưởng Hội Đường đầy quyền lực thế mà lại đến hạ mình dưới chân Đức Giêsu.

Còn một điều lạ lùng nữa là ông đã đích thân đến với Chúa Giêsu chứ không sai người nhà đi. Có lẽ sở dĩ ông ta phải đi vì không còn ai chịu đi. Người nhà ông đều tỏ ra nghi ngờ và bảo ông rằng đừng đi tìm ông Giêsu làm gì cho mất công. Theo tinh thần câu chuyện, nếu ông không đi tìm Chúa Giêsu để xin Ngài giúp đỡ, họ còn hài lòng hơn, nhưng ông đã bất chấp dư luận và thách đố cả những lời khuyên bảo của người nhà khi ông ta đến kêu cầu Chúa Giêsu.

Ông đã đến với Chúa Giêsu và Chúa Giêsu cùng đi với ông …nhưng đang khi đi đường thì có người nhà đến báo: “Con gái ông chết rồi, còn làm phiền Thầy làm chi nữa!" Nhưng Chúa Giêsu bảo ông: “Đừng sợ, hãy cứ tin”…chính nhờ lòng tin mà ông đã được một điều ngoài cả sự mong ước của mình.

“Đừng sợ, hãy cứ tin”…thế là đứa bé được sống lại. Một người chết rồi mà Chúa còn cho sống lại, phương chi làm cho một người bệnh, dù bệnh nặng như người phụ nữ bị loạn huyết 12 năm thì có gì là khó đối với Chúa Giêsu.

Chúng ta trở lại diễn tiến của câu chuyện: Theo luật Do Thái, người nào mắc chứng bệnh này thì đương nhiên bị liệt vào hàng ô uế, cho nên không được vào Đền Thờ, không được tham dự các lễ nghi phụng tự, và cũng không được đụng tới ai vì hễ ai mà bị người ô uế đụng phải thì cũng trở thành người ô uế luôn.

Trong đau khổ, bà đã nảy ra một ý tưởng táo bạo là tìm cách đụng vào gấu áo Đức Giêsu. Ý định này táo bạo ở chỗ là việc đó trái lề luật, và cũng chẳng ai chịu cho bà ta đụng vào mình vì sợ bị lây nhiễm sự ô uế, vì thế mà bà ta phải làm một cách lén lút. Dù vậy Đức Giêsu vẫn biết.

Khi Đức Giêsu hỏi "Ai đã đụng đến ta?" thì bà ta sợ hãi vì thấy việc làm của mình đã bị bại lộ. Nhưng bà ta ngạc nhiên hết sức vì Đức Giêsu không hề quở trách, trái lại đã chữa bà khỏi bệnh, và còn an ủi bà "con hãy đi bình an".

Chúa chỉ cần đức tin. Đức tin của ông Trưởng Hội Đường: “Đừng sợ, hãy cứ tin”.

Chúa chỉ cần đức tin, một đức tin vững mạnh của người phụ nữ bị bệnh loạn huyết: “Hỡi con, đức tin của con đã chữa con, hãy về bình an”.

Qua thái độ của người phụ nữ bị bệnh loạn huyết và của ông Trưởng Hội Đường Giairô, ta thử nhìn lại đức tin của chúng ta xem như thế nào.

Tin khi đời sống yên ổn, thuận buồm xuôi gió thì chưa phải là một đức tin đích thực. Đức tin phải được tôi luyện trong đau khổ. Trong gian nan thử thách mà vẫn kiên trì, thì đức tin ấy mới có thể làm nên những phép lạ.

Cuộc đời của chúng ta không bao giờ hết đau khổ. Chúng ta có thể cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa ngay trong đau khổ. Sự hiện diện của Thiên Chúa không nhất thiết lấy đi đau khổ, nhưng là cho chúng ta một năng lực để chuyển hoá đau khổ như ông Francois Mauriac đã phát biểu:”Ngài đến không phải để cất đi sự đau khổ mà để hiện diện với đau khổ”. Nghĩa là Thiên Chúa đến ban đức tin cho chúng ta để chúng ta biết chịu đựng đau khổ, biết chuyển hoá đau khổ, biến nó thành phương tiện để đạt tới ơn cứu độ. Bằng không thì chúng ta chịu đau khổ một cách vô ích và những đau khổ trở nên vô nghĩa.

Những ai không có đức tin thì gặp nhiều bất lợi trước đau khổ. Họ chịu đựng đau khổ gấp ba lần: họ phải chịu đựng bệnh tật, họ phải chịu đựng sự vô nghĩa của bệnh tật và phải chịu đựng đau khổ vì cuộc sống của họ bị ngưng trệ. Trái lại, đối với những người có đức tin thì đau khổ lại là một cơ hội để đức tin lớn mạnh và trưởng thành hơn.

Trường hợp của người phụ nữ bị loạn huyết và của ông Trưởng Hội Đường, cả hai hầu như bị dồn vào đường cùng, nhưng đường cùng có thể làm chúng ta tuyệt vọng nhưng đường cùng cũng có thể là một cơ hội làm cho đức tin của chúng ta nên mạnh mẽ như trong bài Tin Mừng hôm nay:

Chúa chỉ cần đức tin, đức tin của ông Trưởng Hội Đường: “Đừng sợ, hãy cứ tin”.

Chúa chỉ cần đức tin, một đức tin vững mạnh của người phụ nữ bị bệnh loạn huyết: “Hỡi con, đức tin của con đã chữa con, hãy về bình an”. Amen.

 

9.Đức tin.

Đoạn Tin Mừng sáng hôm nay được chia thành hai màn nhưng cùng chung một khung cảnh, đó là bên bờ hồ với đông đảo dân chúng. Màn thứ nhất đó là ông chủ hội đường đến, phủ phục dưới chân Chúa mà van xin: Lạy Thầy, con bé nhà tôi gần chết xin Ngài đến đặt tay lên cháu để cháu được qua khỏi và được sống. Trước một nguy cơ đang đe doạ nghiêm trọng sự sống của con gái ông, ông đã khước từ hy vọng vào loài người để chỉ trọn vẹn tin vào Đức Kitô. Thế nhưng, cái tin đau đớn về cái chết của cô bé ập xuống trên đầu ông. Tức khắc Chúa Giêsu an ủi ông: Đừng sợ, chỉ cần tin mà thôi. Điều ông xin lúc mới gặp Chúa Giêsu thì bây giờ đã bị vượt qua. Có lẽ nhờ đó mà ông có được một niềm tin lớn hơn, đúng như Chúa Giêsu đã mời ông thực hiện. Ngài đem ba môn đệ thân tình nhất cùng với cha mẹ cô bé ra riêng mà nói với họ: Con bé không chết đâu, nó ngủ đấy, trong khi đó đám đông cười nhạo Ngài. Là người Kitô hữu hôm nay chúng ta hiểu được ý nghĩa sâu xa của câu nói đó. Khi Chúa Giêsu đến thì cái chết không còn là cái chết, mà đó chỉ là giấc ngủ. Xuyên qua niềm tin của Giairô, chúng ta thấy thấp thoáng niềm tin của ông vào Đấng sẽ làm cho kẻ chết sống lại.

Đang khi Chúa Giêsu gặp ông Giairô thì một người đàn bà đến từ phía sau và lén động tới gấu áo của Ngài. Lén, là bởi vì bà ta đang trong tình trạng ô uế, vì bị băng huyết. Ở đây, chúng ta thấy nổi bật lên hai nét: Một thứ tín ngưỡng tin vào sức mạnh thể lý nào đó của người làm phép lạ và quyền năng của Đức Kitô trước thất bại của các lương y khác. Hai ghi nhận đó được diễn tả trong câu: Tức khắc máu cầm lại và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh. Đó là niềm tin dưới dạng thức sơ khai của người đàn bà được một thứ tính toán vụ lợi hướng dẫn, nhưng cuối cùng đã được toại nguyện, với cái giá phải trả là chạm mặt với Đức Kitô. Nhưng đó mới là màn một, còn màn hai thì như thế nào.

Màn hai này mang lại cho câu chuyện một tầm vóc khác xa những gì đã diễn ra trước đó. Bởi vì Đức Kitô muốn con người đã lén động đến Ngài vượt ra khỏi cảnh vô danh. Ngài bắt bà ta phải tự giới thiệu công khai và cùng bà ta đi vào một quan hệ cá nhân, một cuộc trực diện có thể soi sang chúng ta. Khi đó, bà ấy đã trình bày sự thật và khi nhấn mạnh tới niềm tin của bà, Chúa Giêsu cho bà ta lui về bình an: Này con, đức tin của con đã chữa con, con hãy đi bình an và khỏi bệnh. Từ một niềm tin sơ khai, người đàn bà đã bước sang một niềm tin trọn vẹn, mang sâu đậm một mối quan hệ của bà với Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế. Và ông Giairô đã trông thấy điều đó khi ông đứng cạnh Chúa Giêsu, cho nên chúng ta dễ hiểu tại sao chính ông cũng đã đạt được đức tin trọn vẹn như chúng ta vừa mới chứng kiến ở trên.

Hãy tự hỏi xem coi long chai đá của chúng ta có thể đi từ sợ sệt đến đức tin, có thể vượt qua mọi e dè để từ từ khai mở cho một đức tin đầy tin tưởng hay không?

 

10.Đừng sợ.

Sợ hãi có lẽ là tâm trạng chung của con người, ngày xưa cũng như hôm nay. Qua đoạn Tin Mừng vừa nghe, chúng ta thấy: Trong khi các môn đệ và Chúa Giêsu vượt biển, thì bỗng dưng cuồng phong nổi lên, sóng gió ập vào đến nỗi thuyền đầy nước và sắp chìm. Các môn đệ ra sức chèo chống và tát nước, còn Chúa Giêsu vẫn đang ngủ say. Các ông sợ hãi đánh thức Ngài dậy. Chỉ với một lời đầy quyền năng: Hãy im đi, hãy lặng đi. Lập tức sóng liền yên, biển liền lặng và các ông đem thuyền vào bến bình an.

Với chúng ta cũng vậy, cuộc đời người Kitô hữu nói riêng, hay Giáo Hội nói chung, vẫn không thiếu những sóng to và gió lớn. Nó làm cho con thuyền cuộc đời chúng ta bị chao đảo và dường như muốn chìm xuống đáy nước. Trong những giờ phút đen tối, chúng ta hãy nhớ lại lời Chúa Giêsu: Đừng sợ.

Đây cũng là lời Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, Đấng kế vị thánh Phêrô, đã lặp lại để động viên chúng ta, ngay từ những ngày đầu lãnh nhận sứ vụ thay mặt Chúa ở trần gian. Và từ đó, Đức Thánh Cha đã không mệt mỏi lặp lại lời này. Nó có giá trị trấn an thế giới đang sẵn sàng bước vào ngàn năm thứ ba.

Tại sao lại đừng sợ? Vì bên trên chiến tranh, tàn khốc, bên trên những xung khắc kinh tế và xã hội, bên trên tính bất khoan dung và sự nghèo đói mà nhân loại đang phải gánh chịu, còn có Tin Mừng mang lại sự sống và sự bình an. Đó chính là nguồn hy vọng cho thế giới ngày mai. Tuy nhiên bản thân chúng ta cần phải làm gì để không còn sợ hãi?

Trước hết chúng ta phải biết làm chủ cảm xúc của mình. Thực vậy, cây cỏ tuỳ vào thời tiết để sinh trưởng, nhưng chúng ta thì khác, chúng ta phải tạo ra thời tiết chung quanh chúng ta. Trong giao tiếp hằng ngày, nếu chúng ta chỉ đem đến mưa bão, gió lạnh và bóng tối, thì những người chung quanh chúng ta cũng sẽ đáp trả lại bằng những mưa bão, gió lạnh và bóng tối. Trái lại, nếu chúng ta đem đến cho họ niềm vui, tiếng cười, lòng hăng say và ánh nắng rực rỡ, thì sọ sẽ phản ứng với niềm vui mừng và hy vọng chan chứa. Cái thời tiết chúng ta đã tạo ra sẽ mang đến cho chúng ta một mùa gặt sung mãn. Gieo gì thì gặt nấy. Nếu chúng ta gieo rắc sự bình an, thì chúng ta cũng sẽ gặt lấy được sự bình an và chúng ta sẽ không còn phải sợ hãi.

Tiếp đến, chúng ta phải xây dựng cuộc đời chúng ta trên nền tảng đức tin. Bởi vì đức tin luôn chiến thắng sợ hãi, đức tin là một sức mạnh mà nỗi sợ hãi không thể nào chống đỡ được. Nếu cõi lòng chúng ta chất đầy niềm tin, thì chắc chắn sẽ không còn chỗ cho sợ hãi nữa. Và như thế, chúng ta chỉ còn một nỗi lo sợ duy nhất đó là lo sợ không mến Chúa và yêu người cho đủ mà thôi.

 

11.Đức Kitô là nguồn sống

(Suy niệm của Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

A. DẪN NHẬP

Sách Thánh dạy chúng ta:”Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài” để con người được tham dự vào sự sống vĩnh cửu, nhưng chương trình ấy đã bị phá vỡ bởi tội lỗi con người, và từ đó sự chết đã nhập vào thế gian, khiến con người phải chết (Kn 1,13-15). Ngoài ra, con người còn phải chịu nhiều đau khổ như bệnh tật, thiên tai, hận thù, chiến tranh, chém giết nhau... Chúng rình rập chúng ta như săn đuổi con mồi, hòng chộp bắt chúng ta, đánh qụy chúng ta và sớm đẩy chúng ta xuống mồ.

Nhưng sách Khôn ngoan hôm nay dạy chúng ta:”Thiên Chúa không tạo dựng sự chết, chẳng vui mừng khi kẻ sống phải chết”(Kn 1,13). Ngài muốn cứu sống chúng ta, đem lại hạnh phúc và bình an cho chúng ta. Vì thế, nếu chúng ta biết tin tưởng và kêu cầu Ngài thì được Ngài cứu sống (Đáp ca:Tv 29).

Chúa sẽ nghe lời chúng ta kêu cầu nhưng đòi hỏi chúng ta phải đặt hết niềm tin vào Ngài và cộng tác với ơn Ngài theo gương người đàn bà băng huyết và ông trưởng hội đường Giairô trong bài Tin mừng hôm nay. Ngoài ra, chúng ta cần có thái độ tích cực và khôn ngoan trước những đau khổ, trước những gian nan thử thách mà Chúa gửi đến cho chúng ta:”Ông đừng sợ, hãy vững tin”(Mc 5,36).

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.

+ Bài đọc 1: Kn 1,13-15; 2,23-24.

Sách Khôn ngoan được soạn vào khoảng thế kỷ I trước công nguyên. Tác giả là một người rất ư lạc quan. Dưới con mắt của ông, Tạo hoá mong muốn mọi sự tồn tại và danh dự của Ngài không cho phép cái chết thắng sự sống. Mọi sự có lẽ sẽ hài hoà nếu tội lỗi không xen vào chương trình sáng tạo để làm nó bị lạc hướng và dẫn nó đến cái chết, bởi vì con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, để cho loài người được sống vĩnh viễn.

Để giải quyết vấn đề do cái chết đặt ra, tác giả bèn liên kết cái chết thể xác với cái chết tinh thần: sở dĩ có sự chết là do tội lỗi mà ra. Tuy nhiên, cái chết thể xác nằm trong viễn tượng Phục sinh, vì nó sẽ khai mở tới sự sống đời đời.

+ Bài đọc 2: 2Cr 8,7-9.13-15.

Lúc ấy cộng đoàn Giêrusalem đang gặp nạn đói, thánh Phaolô đang tổ chức một cuộc lạc quyên để giúp đỡ cộng đoàn này. Để thuyết phục tín hữu tích cực tham gia đóng góp, Ngài đã đưa ra gương sáng của Đức Giêsu Kitô, Đấng giầu sang vô cùng, đã tự ý trở nên nghèo khó để làm cho loài người được nên giầu có.

Cuộc lạc quyên này sẽ chứng tỏ sự bình đẳng giữa người Do thái và Hy lạp: người Do thái đã chia sẻ cho người Hy lạp những đặc ân tinh thần, thì cũng là điều bình thường khi người Hy lạp chia sẻ cho người Do thái những may mắn của họ về vật chất trong lúc này. Như thế, sự dư dả của người này bù đáp sự thiếu thốn của người kia. Có như thế,”Kẻ được nhiều cũng không dư, mà kẻ có ít thì cũng không thiếu”.

+ Bài Tin mừng: Mc 5,21-43.

Thánh Marcô thuật lại cho chúng ta hai phép lạ có liên quan đến nhau: phép lạ làm cho con gái ông trưởng hội đường Giairô sống lại và phép lạ làm cho người đàn bà bị băng huyết đã 12 năm được khỏi. Hai phép lạ này gợi cho chúng ta hai điều:

1. Trước hết, hai phép lạ này mạc khải cho chúng ta về lòng nhân hậu của Đức Kitô, khiến không bao giờ cho Ngài được dửng dưng trước đau khổ của người khác. Đồng thời cũng hé mở cho chúng ta về quyền năng phát xuất từ Đức Giêsu: Ngài có thể làm cho khỏi bệnh dễ dàng, nhất là làm cho kẻ chết sống lại.

2. Những phép lạ này đòi hỏi đức tin nơi người muốn kêu xin. Đức tin cần thiết biết bao:”Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi”(Mc 5,36). Đức tin của ông Giairô và người đàn bà băng huyết rất lớn: đặt hết tin tưởng vào Đức Kitô. Ngài dùng quyền năng cứu chữa và ban sự sống Ngài mang trong mình cho những ai, dù bề ngoài thất bại cách nào đi nữa, xin thì sẽ được như ý.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA.

Sống trong niềm tin và hy vọng.

I. TIN THÌ ĐƯỢC SỐNG.

Bài đọc 1 hôm nay nhắc cho chúng ta tư tưởng lạc quan về cuộc sống. Khi tạo dựng con người, Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài, để con người được tham dự vào sự sống vĩnh cửu, được hạnh phúc đời đời, nhưng con người đã phá vỡ kế hoạch của Thiên Chúa vì phạm tội. Tuy nhiên, Thiên Chúa giầu lòng thương xót sẽ nhận lời những ai thành khẩn kêu xin Ngài (Đáp ca:Tv 29). Tư tưởng này được minh chứng bằng hai phép lạ dưới đây:

1. Chữa người đàn bà băng huyết.

Bỏ địa hạt Cêsarê, Đức Giêsu lại trở về Capharnaum. Thấy Ngài trở lại, dân chúng đến đón Ngài rất đông để được nghe giảng và xin phép lạ. Trong số đó, ông trưởng hội đường Giairô có đứa con gái bệnh nặng gần chết. Ông đến xin Ngài đến chữa cho con ông. Ngài nhận lời đi ngay.

Đang trên đường đi đến nhà ông Giairô thì dọc đường có một người đàn bà bị bệnh băng huyết đã 12 năm, không dám đến gần Ngài một cách công khai vì luật lệ cấm ky, vì bệnh băng huyết là một thứ bệnh nhơ nhớp, bệnh nhân không được công khai giao thiệp với dân chúng. Bà lén lút đến đàng sau Đức Giêsu với ý nghĩ rằng miễn sao chạm được vào gấu áo Ngài là khỏi bệnh ngay. Bà đã sờ vào được gấu áo Chúa nên bà cảm thấy lập tức trong mình đã được khỏi bệnh. Đức Giêsu biết rõ sự việc đã xẩy ra và hỏi xem ai đã động đến gấu áo Ngài? Bà thành thật thú nhận việc đã làm, Đức Giêsu đã yên ủi và khích lệ bà:”Hỡi con, đức tin của con đã chữa con”.

2. Cứu sống con gái ông Giairô.

Vừa chữa bệnh cho một người đàn bà bị băng huyết, Đức Giêsu vừa tiếp tục đi tới nhà ông Giairô. Tình cờ người nhà ông đến báo tin con ông đã chết rồi, đừng phiền đến Thầy nữa. Nhưng Đức Giêsu khích lệ ông:”Đừng sợ, hãy cứ tin”.

Quang cảnh nhà đứa bé thật nhộn nhịp: tiếng khóc của thân nhân cũng như của những người khóc mướn, tiếng trống tiếng kèn , cùng với lời báo tin của người nhà cũng như thái độ cười nhạo của những người chung quanh không tin vào quyền năng của Đức Giêsu cho thấy cô bé đã chết thật. Nhưng ở đây Đức Giêsu lại bảo:”Cô bé không chết đâu, nó ngủ đấy”. Ngài nói thế là vì Ngài muốn tỏ ra rằng Ngài làm cho kẻ chết sống lại dễ dàng như người ngủ thức dậy, để người khó tin được dễ hiểu.

Trước mặt 5 nhân chứng là cha mẹ cô bé và 3 môn đệ là Phêrô, Giacôbê và Gioan, Đức Giêsu cầm lấy tay cô bé và nói:”Hỡi em bé, Ta truyền cho em hãy chỗi dậy”. Và em bé chỗi dậy mạnh khỏe. Ở đây Đức Giêsu tỏ ra có quyền trên sự chết và sự sống. Ngài làm chủ của kẻ sống và kẻ chết.

II. THIÊN CHÚA MUỐN ĐỨC TIN CỦA CHÚNG TA.

1. Phép lạ và đức tin.

Tất cả các phép lạ Đức Giêsu làm đều có ý khơi dậy lòng tin cho người ta. Không ai có thể chối cãi được những phép lạ Ngài đã làm như chữa bệnh, trừ qủi, dẹp yên sóng gió, làm cho kẻ chết sống lại... Vì những phép lạ này làm công khai trước mặt nhiều người và làm ngay tức khắc nên mọi người phải công nhận. Khi chữa bệnh xong, Đức Giêsu hay nói với bệnh nhân:”Đức tin của con đã chữa con”.

Còn những nơi người ta không tin Ngài thì Ngài không làm phép lạ, như trường hợp ở quê hương Ngài vì “gần chùa gọi bụt bằng anh”; còn đối với những luật sĩ và liệt phái chống đối Ngài thì Ngài cũng không làm phép lạ cho họ. Họ không thật lòng xin Ngài làm phép lạ mà chỉ thách thức Ngài thôi. Nếu không tin, không kêu xin Ngài thì làm gì có phép lạ?

Người đàn bà bị băng huyết này không dám công khai trực tiếp xin Chúa chữa bệnh cho bà, nhưng bà tự nhủ:”Tôi chỉ cần sờ vào gấu áo Ngài thì tôi sẽ được khỏi”. Nghĩ thế và bà đã dám làm, bất chấp luật lệ cấm đoán phiền phức và khắt khe. Điều đó chứng tỏ bà đã có đức tin vững mạnh, và thúc đẩy Chúa làm phép lạ. Kết quả là bà đã được như ý khi Chúa nói với bà:”Đức tin của con đã chữa con”.

Trường hợp ông trưởng hội đường Giairô cũng thế. Ông là một người có địa vị và thế giá trong dân. Điều này nói lên việc ông làm có ý thức và có thế giá. Thái độ khiêm nhường của ông trước mặt Đức Giêsu diễn tả niềm tin sâu xa của ông, ông đã qùy mọp xuống dưới chân Chúa và khẩn khoản van xin:”Con bé nhà tôi gần chết rồi, xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu chữa và được sống”. Như vậy ông này phải tin Đức Giêsu là ai, có quyền phép thế nào ông ta mới có cử chỉ và thái độ khiêm nhường và kêu xin như thế. Qua thái độ tin tưởng và lời cầu xin ấy, ông đã được toại nguyện.

2. Phép lạ có còn hợp thời không?

Đứng trước những dữ kiện “phép lạ” Chúa làm mà Tin mừng kể lại, (1/3 của Tin mừng Marcô) chúng ta thấy ngày nay có hai khuynh hướng trái ngược nhau. Một số khoa học gia cho rằng phép lạ chỉ gây rắc rối cho đức tin, dần dần khoa học sẽ giải quyết nhiều bệnh lý. Trái lại, ngày nay, phong trào Thánh Linh đang phát triển mạnh làm cho người ta tin tưởng rằng trong một cộng đoàn có Chúa Thánh Thần hoạt động, phép lạ không còn là một sự phi thường. Kinh nghiệm bản thân và sự quan sát khách quan đã minh chứng điều đó (Theo Sr Briege Mckenna, O.S.C, Des Miracles d’Aujourd’hui).

Sống trong không khí thực nghiệm và duy vật, người ngày nay, cả trong Kitô hữu, có khi là cả tu sĩ hay giáo sĩ, có khuynh hướng muốn phủ nhận phép lạ và chối bỏ các điều mầu nhiệm của đạo.

- Đối với phép lạ, họ cho là nghịch công lệ tự nhiên, trái với sự bất di dịch của Thiên Chúa. Không nghịch, không trái gì hết. Tin phép lạ là tin Thiên Chúa có thể làm được những việc mà không loài thọ tạo nào tự sức mình có thể làm được. Ta hãy nghe nhà văn hào J.J Rousseau nói:”Thiên Chúa có làm được phép lạ không? Nghĩa là Ngài có thể làm khác với các định luật Ngài lập không? Câu hỏi ấy mà có ý đặt ra thực, thì quả là ngạo mạn, nếu không là vô lý. Đối với kẻ trả lời rằng không, thì phạt nó còn là quá hân hạnh cho nó, hạng ấy cứ giam vào ngục là xong”.

- Đối với các mầu nhiệm, họ bảo người tin có mầu nhiệm nghĩa là tin cái không hiểu được, là mê tín. Không phải là mê tín. Tin mầu nhiệm chỉ là công nhận rằng sự thông minh của Thiên Chúa vượt hẳn trí khôn ta. Ông Charles Nicolle, một bác học có hạng, khi trở lại Công giáo nói:”May mà còn có những mầu nhiệm của tôn giáo! Nếu không, thì thật là khả nghi, vì tôi sợ rằng đó chỉ là sản phẩm giả tạo của trí óc loài người. Mầu nhiệm của tôn giáo làm tôi an tâm. Nó là biểu hiệu của Thiên Chúa” (Trần văn Khả, Phúc âm Chúa nhật năm B, tr 151-152).

Truyện: Phải chăng là phép lạ?

Trong chương trình “The Extraordinary” có kể câu chuyện lạ, xẩy ra tại Melbourne, Australia vào năm 1987. Buổi sáng đẹp trời, một bà bẹ chở đứa con gái 7 tuổi đến trường. Đang lúc mẹ con trò chuyện vui vẻ, bất chợt một chiếc xe trọng tải đâm thẳng vào hông xe, nơi em bé ngồi. Em bé bị ngất xỉu. Sau khi cứu sống, hội đồng bác sĩ cho biết là em sẽ không bao giờ có thể đi lại được nữa! Em sống, nhưng mất nhiều khả năng tri giác và cảm xúc. Thật là tin buồn cho người mẹ. Tuy nhiên bà ngoại vẫn điềm tĩnh và có linh cảm rằng cháu của bà sẽ được ơn đặc biệt. Bà thường đến bệnh viện thăm và giúp cháu đọc kinh và cầu nguyện. Những ai thấy bệnh trạng của em bé đều thương hại cho em. Nhiều người ngạc nhiên là trên khuôn mặt của em luôn hiện lên sự bình an từ trong tâm hồn và niềm vui siêu nhiên. Sau khi rời bệnh viện, dần dần em đi học lại và theo kịp các bạn cùng lớp (Hà ngọc Đoài).

Câu chuyện em bé hôm nay và con gái ông trưởng hội đường hôm xưa cũng tương tự. Xưa và nay cũng chỉ là một Thiên Chúa. Ngài luôn tươi trẻ với thời gian và luôn gần gũi trong không gian để an ủi và nâng đỗ những ai tìm đến Ngài.

III. ĐỨC TIN VÀ HÀNH ĐỘNG.

1. Phải cộng tác với Chúa.

Thánh Giacôbê đã khẳng định về sự cần thiết của việc làm song song với đức tin:”Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết. Đàng khác, có người sẽ bảo: “Bạn, bạn có đức tin; còn tôi, tôi có hành động. Bạn thử cho tôi thấy thế nào là tin mà không có hành động, còn tôi, tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là tin”(Gc 2,17-18).

Tin là cộng tác với ơn Chúa, và muốn sống đời đời cũng phải đồng hành với Chúa như người đàn bà băng huyết, bà nghĩ mình phải làm cái gì đó chứ không chỉ tin suông, nên bà đã đến với Chúa chớ không chờ Chúa đến với mình.

Ông Giairô cũng vậy, ông tin Đức Giêsu có thể cứu sống con ông, ông vội vã đến với Chúa. Cả hai đều tin tưởng vào Chúa và nỗ lực cộng tác với Ngài. Vì thế, chúng ta không thể cứ thụ động chờ Chúa làm phép lạ, nhưng hãy xử dụng hết những phương tiện Chúa ban, còn phần kia tùy Chúa định liệu.

Truyện: Hãy tự cứu mình trước

Câu chuyện xẩy ra vào mùa thu, có một vùng quê bị một trận lụt dữ dội tàn phá, khiến cho một bà già bị kẹt trong căn nhà bà. Đang khi bà ta đứng tựa cửa sổ nhà bếp nhìn ra thì một chiếc thuyền xuất hiện, người lái thuyền bảo bà:”Hãy leo lên thuyền để thoát nạn”. Bà lão đáp lại:”Không, cám ơn, tôi tin vào Chúa, Ngài sẽ cứu tôi”. Người lái thuyền lắc đầu rồi bỏ đi.

Ngày hôm sau, cơn lụt dâng cao đến tầng hai của căn nhà. Đang lúc bà lão đứng tựa cửa sổ tầng hai ngắm nhìn con nước thì một chiếc thuyền khác lại xuất hiện. Người lái thuyền bảo bà:”Hãy lên thuyền để thoát nạn”. Bà già đáp lại:”Không, cảm ơn, tôi tin vào Chúa. Ngài sẽ cứu tôi”. Người lái thuyền lắc đầu rồi bỏ đi.

Ngày kế tiếp cơn nước dâng lên tận nóc nhà. Đang khi bà lão ngồi trên nóc nhà nhìn con nước dâng, một chiếc trực thăng lại hiện ra. Viên phi công dùng loa gọi vọng xuống:”Tôi sẽ thả một chiếc thang dây cho bà, hãy leo lên và bà sẽ thoát nạn”. Bà già lại nói:”Không, cảm ơn, tôi tin vào Chúa, Ngài sẽ cứu thoát tôi”. Viên phi công nhìn bà lắc đầu, rồi bỏ đi.

Ngày sau đó, cơn lụt nhận chìm ngôi nhà và bà lão bị chết đuối. Khi được đưa về trời, bà ta nói với thánh Phêrô:”Trước khi vào đây, tôi xin được phàn nàn một điều. Tôi đã tin chắc Chúa sẽ cứu tôi thoát khỏi trận lụt, thế mà Ngài lại để tôi bị chết chìm”. Thánh Phêrô bối rối nhìn bà lão đoạn lên tiếng:”Tôi chả hiểu Chúa có thể làm thêm điều gì được cho bà nữa, vì Ngài đã gửi tới cho bà những hai chiếc thuyền và một chiếc trực thăng rồi còn gì” (M. Link, Giảng lễ Chúa nhật, năm B, tr 254-255)?

Bà lão trong trận lụt này quá lầm lẫn. Bà quên rằng Chúa thường hoạt động trong đời sống chúng ta xuyên qua những phương tiện bình thường. Bà quên rằng chúng ta phải làm hết phận vụ mình và hợp tác với Chúa bằng cách xử dụng những phương tiện bình thường Ngài ban cho ta. Nói cách khác, chúng ta không thể ngồi thụ động chờ Chúa làm phép lạ, mà phải dùng tất cả mọi phương tiện thông thường Chúa ban để tự giúp mình trước đã.

Tục ngữ Việt nam đã nói lên chân lý này:”Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”: con người phải bắt đầu làm đã, còn thành bại thế nào thì sẽ do Trời định liệu. Nhưng về phía Trời thì chắc chắn:”Thiên thượng bất phụ hảo tâm nhân”, Trời sẽ giúp cho những ai biết cố gắng dùng mọi phương tiện Chúa đã ban cho, đúng như tục ngữ Pháp có câu: Aide-toi, le Ciel t’aidera: anh hãy tự giúp mình trước, Trời sẽ giúp mình sau.

2. Xét lại đức tin của mình.

Qua thái độ của người đàn bà băng huyết và của ông trưởng hội đường Giairô, ta thử xét lại đức tin của chúng ta xem sao: Tin khi đời sống bình an, thuận buồm xuôi gió thì chưa hẳn là đức tin thật, nó phải được tôi luyện trong đau khổ, trong khó khăn, trong gian nan thử thách mà vẫn kiên trì, thì đức tin ấy mới có thể làm nên phép lạ.

Hay nói đúng hơn, lúc ấy Thiên Chúa mới trợ giúp, mới cứu chữa, vì khi đó chúng ta không tin vào sức riêng mình mà tin vào Chúa, thì Chúa phải thực hiện thôi. Như Abraham xưa, như Phêrô đi trên mặt biển, như người đàn bà và ông Giairô trong bài Tin mừng hôm nay, chúng ta hãy tin tưởng.

Cuộc đời của chúng ta không bao giờ hết đau khổ. Chúng ta có thể cảm nghiệm tình yêu của Thiên Chúa cả trong đau khổ. Sự hiện diện của Thiên Chúa không nhất thiết lấy đi đau khổ, nhưng cho chúng ta năng lực chuyển hoá đau khổ. Chúng ta cần Thiên Chúa giúp đỡ để linh hồn chúng ta không bị thu hẹp vào sự thụ động hoàn toàn, gần giống như những đồ vật, bị tác động nhưng không bao giờ hoạt động.

Thấu hiểu chân lý này, ông Francois Mauriac đã phát biểu:”Ngài đến không phải để cất sự đau khổ mà để hiện diện với đau khổ”. Như vậy nghĩa là Ngài đến ban đức tin cho chúng ta để chúng ta biết chịu đựng đau khổ, biết chuyển hoá đau khổ, biến nó thành phương tiện để đạt tới ơn cứu độ. Bằng không thì chúng ta chịu đau khổ một cách vô ích và những đau khổ trở nên vô nghĩa.

Những ai không có đức tin thì gặp nhiều bất lợi trước đau khổ. Họ chịu đựng đau khổ gấp ba lần: họ chịu đựng bệnh tật, họ chịu đựng sự vô nghĩa của bệnh tật (vì đối với họ, bệnh tật chỉ là phiền toái, kết quả của một số phận mù quáng) và họ chịu đựng đau khổ vì cuộc sống của họ bị ngưng trệ. Họ coi bệnh tật của họ như một việc phải chịu đựng thay vì một việc phải sống. Đời sống của họ như bị giữ chặt lại vì họ chờ đợi thụ động cho đến khi mọi việc trở lại bình thường để họ có thể bắt đầu cuộc sống trở lại.

Mặt khác, các bệnh nhân có đức tin ở trong một tình thế tốt hơn. Dù đức tin không giải thoát họ khỏi bệnh tật, hoặc làm giảm bớt đau khổ do bệnh tật gây ra, người có đức tin tiếp tục sống một cách mãnh liệt như trước đây, có khi còn mãnh liệt hơn. Họ có thể tìm thấy Thiên Chúa trong bệnh tật cũng như trong lúc khỏe mạnh, và bệnh tật của họ có thể sinh ra kinh nghiệm có lợi là họ sẽ xin Chúa chữa lành cho bệnh tật ấy (Flor McCarthy).

 

home Mục lục Lưu trữ