Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 36
Tổng truy cập: 1360607
ĐÚNG VÀ ĐẸP
ĐÚNG VÀ ĐẸP
Lm . Giuse DĐH. Gp. Xuân Lộc
Bằng đôi mắt tinh tường, người ta có thể nhìn xa trông rộng để có lợi nhuận kinh tế, để có những liên minh cần thiết và các tương quan chặt chẽ trước xã hội. Cùng với kiến thức sâu rộng, người ta không khó để xử trí vấn đề có liên hệ đến bản thân, gia đình. Trí óc vượt trội, trái tim nhạy bén, vẫn được xem là chỗ dựa cho thân nhân, bè bạn. Người ta sử dụng công cụ để đo độ dài và chiều sâu của “sự việc”, nhưng mọi người đều “mông lung” khi phải nhận định về phẩm chất của một tâm hồn. Hoa đẹp hệ tại hương sắc, người chuẩn mực tuỳ thuộc ở tâm sáng hồn an. Đâu phải tình cờ mà người xưa nhắc nhớ con cháu: đừng lấy dạ tiểu nhân để đo lòng người quân tử. Vâng, giá trị của tình yêu, trí lớn tài cao, tất cả đều cần được minh chứng bằng thời gian, với những giới hạn của tình người, tình hiệp thông, nơi cuộc sống này.
Xuất phát từ nét đẹp hình thức, nội dung, từ sự rực rỡ bên ngoài, cùng hương thơm toả ngát trinh trong, người kitô hữu chúng ta luôn tự tin cho rằng, đó là “hoa mân côi”, là sự thiện hảo một tâm hồn. “Trinh nữ đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng trinh nữ”, mãi mãi là “điểm nhấn”, đụng chạm đến tâm hồn đầy chất tin yêu. Tiêu chí đẹp người đẹp nết, hồn an xác mạnh, xã hội thời nào chẳng mơ ước nét đẹp đó. Xưa nay gì cũng thế, có được nét đẹp toàn diện không chỉ nâng cao giá trị sống cho mình, mà còn là nét đẹp làm phong phú tương quan gia đình, xã hội, xứng tầm với sự kỳ diệu hết sức linh thiêng. Sứ thần đến với Trinh nữ không phải do nét đẹp ngây thơ trong trắng, nhưng đến với một tâm hồn đầy tràn nhân đức sẽ bao bọc Con Thiên Chúa: “này đây Trinh nữ sẽ thụ thai, sinh một con trai và đặt tên là Giêsu…”.
Cùng với sự hoà hợp muôn muôn tâm hồn suy gẫm và chiêm ngắm vẻ đẹp của tháng mười, “tháng mân côi”. Lời Sứ thần chào “đầy ơn phúc” không khách sáo, nhưng thật nghiêm túc, thức tỉnh: hãy tin yêu. Một Trinh nữ đơn sơ, trung thực, ngoài việc sống mến Chúa yêu người, làm sao có thể hiểu việc cao siêu trọng đại: “Thiên Chúa ở cùng Trinh nữ, Trinh nữ được chúc phúc giữa các người nữ” ? Quan niệm chung của xã hội là giầu kiến thức, giầu tiền lắm của, đẹp như tiên, đẹp như hoa hậu, đẹp như diễn viên điện ảnh … Vâng, giầu đẹp ơn Chúa, giầu đẹp tình người, nhạy bén trước thánh ý Chúa, phong phú trước tinh thần quảng đại dấn thân, sẽ còn mãi là sự kỳ bí của muôn tâm hồn. Tính vĩ đại của tâm hồn có Chúa vẫn cho thấy: tình yêu như một cơn gió, bạn không thể thấy, nhưng bạn chắc chắn cảm nhận được.
Đúng và đẹp sẽ còn mãi là sự tìm kiếm của muôn tâm hồn hướng thiện, thao thức có được tình yêu và hạnh phúc thật. Trinh nữ Maria đã phản ánh đúng và đẹp theo tinh thần đơn sơ, tín thác: biết thì thưa thớt, không biết thì dựa cột mà nghe. Trinh nữ Maria không khỏi bỡ ngỡ và bối rối bằng một phản ứng tự nhiên: “việc đó xảy ra thế nào được, vì tôi không biết đến người nam” ? Thiên thần thưa: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với Trinh nữ và uy quyền Đấng Tối Cao sẽ bao trùm Trinh nữ…”. Tính chất xinh đẹp, duyên dáng, lời nói ngọt bùi, việc làm minh bạch, hiệu quả, hẳn thời nào cũng có. Người đời luôn cho rằng: một trăm câu nói hay không bằng một việc làm thiết thực, chúng ta đã từng biết đến câu thành ngữ: sợ người nói phải, hãi người cho ăn. Thiên Chúa thấu biết tâm hồn xinh đẹp của Trinh nữ Maria, và Thiên Chúa vẫn mời gọi chúng ta hãy mặc lấy tình yêu và phong cách sống của Trinh nữ Maria.
Kinh mân côi rất quen thuộc với người tín hữu, lời kinh lạy Cha, kính mừng, sáng danh, chúng ta vẫn thân thưa hàng ngày, nhưng sống tình Chúa, tình người, hoà cùng lời thưa vâng thì quả là phức tạp. Có những thứ trên đời này không thể mua, không thể giành dựt, mà người ta chỉ có thể tặng, hoặc ban phát, đó là sự kỳ diệu của tình yêu. Với đôi mắt tự nhiên, chúng ta có thể nhìn, và phân biệt việc tốt nên làm, bằng đôi mắt đức tin, người kitô hữu sẽ cảm nhận được tâm hồn mình bình an khi sống hiệp thông cầu nguyện. Đẹp như tiên, lo phiền cũng xấu, ít nhiều gì thì cha ông ta cũng muốn con cháu biết đến cái đẹp tinh thần, dẫu rằng người trẻ hôm nay đọc trại đi: cái đẹp đè bẹp cái nết ! Đức Mria đầy ơn phúc, hay Đức Maria đầy tràn tình yêu thương, vẫn mãi là lời quả quyết mà Sứ thần mời gọi hãy đọc và suy để nhận ra thế nào là đúng là đẹp.
Đúng và đẹp, nghe để hiểu, biết để sống, chính là lời kinh mỗi người tín hữu đang sử dụng tự do minh chứng và tín thác vào tình yêu và ơn ban. Kinh mân côi, tháng mân côi, luôn thôi thúc mỗi người hãy đến với Đức Maria, để được phản chiếu gương nhân đức của “Đấng đầy ơn phúc”, để cảm nhận rõ hơn về tâm tình thưa vâng của mình nơi hiện tại này. Trinh nữ Maria được gọi là “đầy ơn phúc”, được trở nên Mẹ Đấng cứu thế không phải do đẹp người đẹp nết. Đức Trinh nữ Maria sống đúng sống đẹp, không phải do một lần thưa vâng khi Sứ thần truyền tin. Lời kinh mân côi không thể gọi là đẹp, khi mỗi người chưa đặt tình Chúa tình người, trước ơn gọi và sứ vụ riêng của mình. Đúng và đẹp, chuẩn và dễ thực hành, không thể lơ mơ như vẫn ví von: yêu ai yêu cả đường đi. Đúng và đẹp luôn phản ánh một tình yêu chân thật, một tâm hồn bén nhạy với thánh ý Chúa: “này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Sứ thần truyền”. Amen.
.
2. Suy Niệm Lễ Đức Mẹ Mân Côi
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Qua Lời Tổng Nguyện của Lễ Đức Mẹ Mân Côi, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã dùng lời thiên sứ truyền tin mà cho chúng ta biết: Đức Kitô, Con Chúa, đã xuống thế làm người, và chúng ta xin Chúa đổ ơn thánh đầy lòng chúng ta, để nhờ công ơn Con Chúa chịu khổ hình thập giá, và nhờ lời Mẹ chuyển cầu, chúng ta sẽ được sống lại hiển vinh. Qua Lời Tổng Nguyện, chúng ta thấy: các nhà phụng vụ muốn đưa dẫn chúng ta đi vào mầu nhiệm cứu độ: từ biến cố truyền tin, qua thập giá, và cuối cùng là phục sinh vinh hiển, theo tiến trình của các mầu nhiệm mà chúng ta hằng chiêm ngắm qua Kinh Mân Côi.
Trong biến cố Truyền Tin, Mẹ đã thưa xin vâng, khi trao dâng cung lòng trinh trong để đón nhận Ngôi Lời Nhập Thể, và Mẹ đã được lãnh nhận: thiên chức làm Mẹ Thiên Chúa. Trong biến cố Thập Giá, Mẹ cũng đã thưa xin vâng, khi trao dâng cõi lòng tan nát để đón nhận cả nhân loại, và Mẹ đã được lãnh nhận: thiên chức làm Mẹ toàn thể chúng sinh. Trong biến cố Mẹ được đưa về trời cả hồn lẫn xác, Mẹ đã thưa lời xin vâng cuối cùng khi hoàn tất sứ mạng, và Mẹ đã được lãnh nhận: thiên chức làm Nữ Hoàng Thiên Quốc, trở nên niềm hy vọng tràn trề cho chúng ta, là khởi đầu và là hình ảnh Hội Thánh sẽ được thành toàn trên Nước Trời mai sau.
Ca Nhập Lễ và câu Tung Hô Tin Mừng của ngày lễ hôm nay cho thấy Mẹ là Đấng Đầy Ân Sủng, Mẹ được chúc phúc nhất, giữa những người phụ nữ. Mẹ luôn ý thức được đặc ân cao trọng mà Chúa đã dành cho Mẹ, và Mẹ đã luôn quảng đại đáp lại hồng ân cao cả đó bằng một tâm hồn đơn sơ, khiêm hạ, được diễn tả qua lời Kinh Magnificat của bài Đáp Ca mà các nhà phụng vụ đã cho cho ngày lễ hôm nay: Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả.
Tất cả những gì chúng ta tin về Mẹ đều quy hướng về đức tin của chúng ta đặt nơi Đức Giêsu, Con của Mẹ, bởi vì, hơn ai hết, Mẹ đã theo sát Đức Giêsu từ khi Ngôi Lời nhập thể trong cung lòng Mẹ cho đến tận chân thập giá. Lời “xin vâng” của Mẹ được lấy mẫu từ lời “xin vâng” của Đấng Vâng Phục, Đấng mà Mẹ hằng dõi bước theo, và liên lỉ bắt chước để trở nên đồng hình đồng dạng với Con của Mẹ trong vâng phục tuyệt đối thánh ý Chúa Cha. Bài đọc một được trích từ sách Công Vụ Tông Đồ đã cho thấy: Khi Chúa về trời, Mẹ vẫn tiếp tục sứ mạng “vâng lời” làm Mẹ của toàn thể chúng sinh, cùng đồng hành với Hội Thánh, chuyên cần cầu nguyện với các môn đệ trong khi chờ đợi Chúa Thánh Thần đến.
Cùng với Mẹ, chúng ta chiêm ngắm các mầu nhiệm của Kinh Mân Côi, chiêm ngắm Mầu Nhiệm Vâng Lời của Đấng Vâng Phục. Trong bài đọc hai, thư gửi tín hữu Galát, thánh Phaolô đã cho thấy: Đấng Vâng Phục đã chấp nhận sinh vào trần gian làm con một người phụ nữ và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử, nghĩa là, đồng thừa kế với Đức Kitô.
Cả cuộc đời Mẹ luôn kết hiệp khăng khít với Đấng Vâng Phục: Mở đầu bằng lời thưa “xin vâng” gián tiếp qua sứ thần để làm Mẹ Thiên Chúa trong Mầu Nhiệm Nhập Thể, và kết thúc bằng lời thưa “xin vâng” trực tiếp với Đấng Vâng Phục để làm Mẹ toàn thể nhân loại trong Mầu Nhiệm Thập Giá. Ước gì khi chiêm ngắm Mầu Nhiệm Vâng Lời của Đấng Vâng Phục qua các mầu nhiệm của Kinh Mân Côi, chúng ta cũng bắt chước Mẹ can đảm thưa “xin vâng”, như lời cuối cùng của bài Tin Mừng hôm nay: Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.
Đấng Vâng Phục đã vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết trên thập giá để cứu độ chúng ta. Con đường vâng phục là con đường cứu độ, Đấng Vâng Phục đã đi con đường đó, và Mẹ của Đấng Vâng Phục cũng đã tiếp bước Con của Mẹ, đến lượt chúng ta, nếu chúng ta muốn được cứu độ, chúng ta cũng không có con đường nào khác, ngoài con đường vâng phục. Mẹ được gọi là Đấng Đầy Ân Sủng, Đấng Toàn Phúc, bởi vì, Mẹ hoàn toàn buông mình trong tay Thiên Chúa, như chiếc lá khô hoàn toàn bay theo làn gió Thánh Thần, hoàn toàn để Chúa làm cho Mẹ; còn chúng ta, nếu chúng ta cứ giành làm với Chúa, và không để Chúa làm cho chúng ta, thì đừng trách: sao cuộc đời chúng ta toàn là tai họa. Ước gì chúng ta biết ngoan ngùy như Mẹ, như cục đất sét trong tay người thợ gốm, để chúng ta cũng được như Mẹ, trở thành một kiệt tác tuyệt vời của Chúa. Ước gì được như thế!
.
3. Đức Mẹ Mân Côi Và Truyền Giáo
Lm Giuse Hoàng Kim Toan
Mân côi và truyền giáo tuy cách xa nhau lịch sử của ngày lễ, nhưng gắn liền với nhau về nội dung: Lòng yêu mến Chúa của Mẹ Maria và sứ vụ ra đi đều xuất phát từ Chúa Thánh Thần.
Tình yêu đáp trả tình yêu.
Với Mẹ Maria lòng yêu mến Chúa đã được hun đúc từ trong gia đình. Khi là thai nhi đến khi lớn lên trong gia đình với ơn nuôi dưỡng của cha mẹ là Thánh Gioakim và Anna. Gia đình là môi trường ươm mầm tình yêu, là trường học tình yêu dẫn con người ra khỏi chính mình để gặp gỡ Đấng siêu việt và người khác. Nơi gia đình sum họp cầu nguyện, Chúa Thánh Thần như ngọn lửa giữ đầm ấm, yên vui, và đốt nóng ngọn lửa mến yêu.
Khi Sứ thần Gabriel chào kính Mẹ Maria đã nói lên tác động của Chúa Thánh Thần: “Thánh thần sẽ đến trên người, và quyến năng Ðấng Tối cao trên người rợp bóng” (Lc 1, 35). Tình yêu của Thiên Chúa đặt trong tâm hồn là một năng lực tích cực vừa đón nhận vừa cho đi một cách quảng đại nhất. Mẹ Maria đã lãnh hội từ Thiên Chúa điều trọng đại và trở nên niềm vui cho Mẹ: “Hồn tôi tôn dương Chúa và thần khí tôi nhảy mừng Thiên Chúa, Cứu Chúa của tôi, vì người đã đoái nhìn thân phận mọn hèn tớ nữ của Người. Này từ đây mọi người sẽ khen tôi có phúc” (Lc 1, 46 – 48).
Tình yêu là năng lực khơi nguồn cho hành động và yếu tính của tình yêu là quan tâm, trách nhiệm, kính trọng và hiểu biết. Trong cuộc đời chiêm niệm của Mẹ Maria được tóm tắt lại: “Còn Maria thì bà giữ kỹ mọi điều ấy và hằng suy đi nghĩ lại trong lòng.” (Lc 2, 19) và hoạt động trong cuộc đời của Mẹ được kể lại: “Maria đon đả ra đi lên miền sơn cước, đến một thành xứ Yuđa” (Lc 1, 49). Sự kiên vững khi đứng dưới chân Thánh Giá của Con (Ga 19, 25).
Niềm vui truyền giáo.
Niềm vui đích thực luôn là niềm vui xuất phát từ Thiên Chúa. Trong niềm vui, Chúa đã dựng nên con người để chia sẻ niềm vui với Chúa. Trong sa ngã con người đánh mất niềm vui ở với Chúa, Chúa đã đi tìm con người để sống lại trong niềm vui. Niềm vui được trao ban và con người khiêm nhường đón nhận. Mẹ Maria, sống trong niềm vui của người bé nhỏ thuộc về Thiên Chúa để luôn thưa tiếng “Xin vâng”.
Niềm vui thúc đẩy ra đi đến với người khác. Niềm vui là chính Chúa cư ngụ trong lòng Mẹ Maria, niềm vui của ngày đón nhận, niềm vui của ngày vội vã lên đường. Mẹ mang niềm vui đến cho anh chị em mình. Không có niềm vui, truyền giáo chỉ là sứ mệnh buồn chán.
Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, số 288:
“Có một “kiểu” Maria trong hoạt động truyền giáo của Hội Thánh … Ðức Mẹ Maria biết làm thế nào để nhận ra bước chân của Thần Khí Thiên Chúa trong những biến cố lớn và ngay cả trong những biến cố dường như không thể nhận thấy được. Ðó là chiêm niệm về mầu nhiệm của Thiên Chúa trong thế gian, trong lịch sử và trong đời sống hàng ngày của mỗi người và mọi người. Chính Mẹ là người phụ nữ cầu nguyện và làm việc ở Nadareth, và cũng là Ðức Mẹ Giúp Ðỡ, một người “vội vã” rời làng mình để đi giúp đỡ người khác (Lc 1, 39). Ðộng năng này của công lý và sự dịu dàng, chiêm niệm cùng đi đến với những người khác, là những gì làm cho Mẹ trở nên một mô hình cho việc truyền giáo của Hội Thánh. Chúng ta hãy cầu xin Mẹ để qua lời cầu nguyện từ mẫu của Mẹ, Mẹ giúp cho Hội Thánh trở nên một nhà cho nhiều người, một người mẹ cho tất cả các dân tộc, và làm cho có thể phát sinh một thế giới mới. Chính Ðấng Phục Sinh đã nói với chúng ta, bằng một quyền năng, đổ đầy chúng ta với lòng tin tưởng và niềm hy vọng không gì có thể lay chuyển nổi: “Này, Ta làm mọi sự ra mới” (Kh 21, 5).
Lạy Ngôi Sao của Tân Phúc Âm hóa,
xin giúp chúng con tỏa sáng qua việc làm chứng nhân của sự hiệp thông,
của phục vụ, của đức tin nhiệt thành và quảng đại,
của công lý và tình yêu dành cho người nghèo,
để cho niềm vui của Tin Mừng
có thể đi đến tận cùng của trái đất
và không có ngoại vi nào mà không có ánh sáng của nó.”
.
4. Tình Mẹ Thật Tuyệt Vời
Jos Tạ duy Tuyền
Nói đến tình mẫu tử là chạm đến nơi sâu thẳm nhất trong trái tim mỗi người. Một tình yêu thật thiêng liêng và thật tuyệt vời. Mẹ sinh con ra, nuôi con trưởng thành. Mẹ sẵn sàng hy sinh cả tính mạng mình để con hạnh phúc. Mẹ thường sẵn sàng hy sinh nhiều thứ vì con cái (thời gian, tiền bạc, sức khỏe, tuổi trẻ… ) và cũng tự hào rằng đã trao cho con những điều đó. Đượcsống trong tình mẹ thì ta mới hiểu hết được ý nghĩa của tình yêu không điều kiện và biết rằng không phải lúc nào yêu thương cũng cần đáp trả.
Tại Hà Nam, mọi người đã chứng kiến một mẹ không màng đến sự nguy hiểm của bản thân, cố gắng nén sự đau đớn khi bị ngọn lửa thiêu đốt, ôm chặt lấy con trai, lấy thân mình che chắn cho con trong đám cháy.
Ngày xảy ra sự việc, cô Dương dậy rất sớm. Sau khi đánh thức con gái, cô vào bếp chuẩn bị bữa sáng. Đang dở tay, cô đột nhiên nghe thấy có người dưới tầng hô to: “Cháy rồi!”. Hoảng sợ, cô Dương kéo luôn cô con gái đã thức dậy chạy ra ngoài. Sau khi con gái đã an toàn, cô Dương quyết định chạy ngược trở lại tầng 5 để cứu con trai.
Thế nhưng khi đánh thức được con trai và chuẩn bị chạy ra ngoài, lửa đã bốc lên dữ dội, chặn đứng lối thoát của hai mẹ con.
Rơi vào đường cùng, cô Dương không thể làm gì khác, ôm chặt lấy con trai, dùng thân thể của mình như lá chắn, chắn những lưỡi lửa đang liếm vào cơ thể con trai. Lúc này, biết con trai vừa đau vừa sợ, cô Dương cố nén sự đau đớn khi bị bỏng toàn thân, dỗ dành con trai, trấn an cậu bé rằng “Đừng sợ! Mẹ ở đây rồi!”.
Khi các nhân viên cứu hỏa đến nơi, đem hai mẹ con cứu ra ngoài, cô Dương đã bị bỏng nặng. Con trai bỏng nhẹ. Rất may cả hai mẹ con đều sống sót.
Tháng Mân Côi, Giáo hội mời gọi chúng ta hướng về Mẹ Maria là Mẹ của Chúa Giê-su cũng là mẹ của chúng ta. Xưa bên cây thập giá Chúa đã trao phó thánh Gioan cho Mẹ. Qua Gioan, Mẹ Maria đã nhận làm mẹ của cả nhân loại. Từ nay Mẹ là mẹ của từng người chúng ta. Từ nay Mẹ sẽ bao bọc chúng ta như mẹ đã từng bao bọc hài nhi Giê-su. Từ nay Mẹ Maria sẽ chăm sóc chúng ta như xưa đã chăm sóc cho Chúa Giê-su con Mẹ. Từ nay Mẹ Maria sẽ đứng bên cuộc đời chúng ta như Mẹ đã đứng kề bên thánh giá Chúa. Từ nay cái đau của chúng ta cũng là nỗi đau của Mẹ. Vì tình mẹ mãi mãi là thế. Hết mình vì con. Chấp nhận khổ vì con. Một tình yêu quên cả chính mình để hết lòng chăm sóc đoàn con như tình mẹ trần thế mà ca dao đã từng nói: “Đêm mùa thu mẹ ru con ngủ – Năm canh dài thức trọn năm canh”.
Mẹ Maria cũng đang nói với chúng ta: hãy yên tâm, ở bên Mẹ con sẽ quên hết mọi ưu phiền. Hãy phó thác nơi Mẹ. Có Mẹ mọi sự dữ sẽ bị đẩy lùi. Mọi khó khăn sẽ tan biến. Lịch sử đã từng chứng minh nhiều lần Giáo hội rơi vào khủng hoảng tưởng chừng như sẽ bị nghiền nát trước sự dữ. Thế mà, khi con cái phó thác nơi Mẹ thì bình an đã trở về, sóng gió cũng qua đi.
Giáo hội không bao giờ quên ngày 7-10-1571. Khi mà vua Hồi Giáo mang đại quân hướng về La Mã và thề hứa sẽ biến đền thờ Thánh Phêrô thành một “chuồng ngựa”. Đạo binh Công giáo ít ỏi với vũ khí thô sơ ra nghênh chiến trong khi ở hậu phương giáo dân lần chuỗi Mân Côi cầu xin với Đức Mẹ. Nhưng đạo quân Hồi giáo đã không thể tiến tới thành Roma. Một cơn giông tại vịnh Lepant, đã quật ngã tất cả đạo quân chìm sâu dưới biển. Mẹ Maria đã chặn đứng sức tiến vũ bão của đạo quân Hồi giáo. Và để ghi ơn Đức Mẹ, Đức Giáo Hoàng Piô V đã thiết lập lễ kính Đức Mẹ Mân Côi vào ngày 07/10 hằng năm.
Cuộc đời hôm nay vẫn còn đó những khó nguy, vẫn còn đó sức mạnh của sự dữ khiến chúng ta cảm thấy bất lực và sợ hãi. Hãy phó thác cho Mẹ. Hãy cầm lấy vũ khí chiến đấu là tràng chuỗi Mân Côi để phó thác nơi Mẹ. Chắc chắc Mẹ có dư khả năng thay đổi tình thế cho chúng ta, vì Mẹ là Mẹ Thiên Chúa quyền năng. Ước gì chúng ta luôn trân trọng tình mẹ, luôn gắn bó với mẹ, luôn cậy dựa vào mẹ để nhờ Mẹ và qua Mẹ chúng ta lãnh nhận được muôn vàn ơn lành hồn xác của Chúa. Và chắc chắn khi đó chúng ta cũng được nghe câu nói thật thân thương của Mẹ: “Mẹ sẽ luôn ở bên con đừng lo nhé con của Mẹ”. Amen
.
5. Mừng Vui Lên
Bông hồng nhỏ
Cuộc sống thật tươi đẹp! Hãy mừng vui lên vì ta được sống và được làm con của Chúa. Mỗi ngày, nếu được nghe ai đó khích lệ: “Hãy mừng vui lên!” thì lòng ta sẽ đầy phấn khởi và hân hoan. Hôm nay, khi chăm chú đọc trình thuật Truyền Tin theo Tin Mừng Luca, lòng ta cũng vui mừng khôn xiết trước lời “xin vâng” của Mẹ Maria. Noi gương Mẹ, ta cũng đáp lời xin vâng với Thiên Chúa mỗi ngày.
Cuộc sống của Mẹ Maria trôi qua trong tiếng kinh nguyện cầu thấm đẫm ân sủng của Chúa. Mỗi ngày, Mẹ đều khát khao được sống trọn vẹn cho Thiên Chúa. Điều đó càng được diễn tả rõ ràng và xác quyết hơn qua việc Mẹ đáp lời “xin vâng” trong biến cố Truyền Tin hôm nay. Trước lời chào của sứ thần, thoạt đầu, Mẹ rất bối rối và sợ hãi. Mẹ không hiểu lời chào “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà” (Lc 1, 28), có nghĩa gì. Đó là phản ứng dễ hiểu. Nếu là ta, mỗi ngày ta có chuẩn bị tâm thế để sẵn sàng lắng nghe Lời Thiên Chúa phán, Lời sẽ dành riêng cho ta không? Mẹ Maria đã lắng nghe tất cả những lời Thiên Chúa phán qua miệng sứ thần và Mẹ bày tỏ nỗi băn khoăn của mình. Lời Thiên Chúa không phải lúc nào ta cũng có thể hiểu và phải nhờ ân sủng cùng sự soi dẫn của Chúa Thánh Linh, ta mới từng ngày hiểu hơn một chút. Hãy cầu nguyện với Thiên Chúa để Ngài ban cho ta lòng khao khát lắng nghe và thực hành Lời Chúa như Mẹ Maria.
Nhờ chăm chú lắng nghe Lời Chúa, Mẹ Maria đã khám phá ra ơn gọi của mình. Từng ngày Mẹ đón nhận thánh ý Thiên Chúa trong sự vâng phục của đức tin và lòng yêu mến tha thiết. Lời “xin vâng” của Mẹ được trải dài qua từng ngày sống, nhất là qua những biến cố gắn liền với cuộc đời của Chúa Giêsu, con của Mẹ: Từ biến cố Truyền Tin, sinh con trong hang đá Bêlem đến việc đưa con trốn qua Aicập, cùng con sống ẩn dật suốt ba mươi năm trường và cuối cùng là lời “xin vâng” đầy thử thách khi đứng dưới chân thập giá. Có ai đã tận hiến cho Thiên Chúa trong cuộc chọn lựa Thiên Chúa cách chín chắn cũng như bằng một sự đáp trả tình thương quyết liệt như Mẹ đã nêu gương? Có ai đã từng trải qua kinh nghiệm đứng dưới chân thập giá như Mẹ và có thể thưa tiếng “xin vâng” trọn vẹn như thế? Mỗi ngày, ta hãy chạy đến với Mẹ để nhờ Mẹ dẫn ta đến với Chúa Giêsu. Thật tuyệt vời nếu ta cũng khám phá ra ơn gọi của mình qua việc noi gương Mẹ sống vâng phục thánh ý Thiên Chúa.
Khi suy niệm về hành trình đáp trả lời “xin vâng” của Mẹ, ta thấy sáng lên một niềm hy vọng trong ta. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhắn nhủ ta qua Tông thư gửi tất cả những người tận hiến thuộc các Dòng Tu và Tu Hội Đời nhân dịp năm Thánh Mẫu rằng: “Chúng ta hãy học với Mẹ về ơn gọi của mình”. Việc lần hạt Mân côi là cách hữu hiệu để ta có thể suy niệm về hành trình đáp trả lời “xin vâng” của Mẹ, đặc biệt hơn là lời “xin vâng” tuyệt vời của Chúa Giêsu, Đấng đã tự thánh hiến chính mình cho nhân loại. Để nhờ Người, nhân loại cũng được thánh hiến trong chân lý (x. Ga 17, 19).
Lạy Chúa Giêsu! Cảm tạ Chúa đã thánh hiến chính mình vì con. Cảm tạ Chúa đã gửi gắm con cho Mẹ Maria, để nhờ Mẹ, con được đến với Chúa nhiều hơn. Xin ban ơn cho con mỗi ngày biết theo gương sáng của Mẹ mà đáp lời xin vâng trước thánh ý của Thiên Chúa, để cùng với Mẹ, con khám phá ra ơn gọi mà Chúa đã dành cho con. Ước chi mỗi ngày con có thể mừng vui lên trước lời mời gọi mà Chúa dành cho con. Amen.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam