Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 61

Tổng truy cập: 1360644

ĐƯỢC VÀ MẤT

ĐƯỢC VÀ MẤT

Chuyện ngụ ngôn “Lừa và Sói” kể rằng: Một hôm, lừa đang gặm cỏ, bỗng thấy Sói phi nước đại phóng tới. Lừa giả bộ đi khập khiễng. Khi Sói đến gần, hỏi nó vì sao bị thọt chân, thì Lừa trả lời:

– Vừa nãy tôi nhảy qua hàng rào bị xóc gai.

Rồi Lừa đề nghị Sói trước khi ăn thịt mình hãy nhổ gai ra đã, để khỏi bị gai đâm.

Sói tin lời, Lừa giơ cao chân để Sói soi mói kỹ lưỡng các móng chân Lừa. Lừa thừa cơ đạp mạnh vào mõm Sói rồi bỏ chạy.

Sói bị gẫy hết răng ôm đầu kêu la.

– Đáng đời ta! Cha mẹ nuôi ta thành kẻ chuyên ăn thịt, chứ đâu dạy ta làm thày lang!

Nếu chuyện ngụ ngôn nào cũng cho chúng ta một bài học, thì chuyện ngụ ngôn “Lừa và Sói” muốn nói với chúng ta: Kẻ nào không làm đúng công việc của mình sẽ lãnh hậu quả bi thảm.

Tin Mừng hôm nay thuật lại dụ ngôn “Những người thợ làm vườn nho”. Mỗi người chúng ta là một tá điền mà Thiên Chúa giao phó cho một vườn nho, là những tài năng tinh thần, của cải vật chất, để chúng ta đem hoa lợi về cho Người. Thiên Chúa còn tôn trọng chúng ta, Người để cho chúng ta hoàn toàn tự do sắp xếp công việc, theo sáng kiến riêng của mỗi người. Thánh Matthêu viết: “Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa”. Người không ở đó để kiểm soát, canh chừng.

Khốn thay, có những tá điền đã không làm đúng công việc của mình, họ đã lạm dụng tự do chủ ban cho để tìm lợi lộc riêng. Họ đã phụ lòng tín nhiệm của ông. Những tá điền ấy đã ngược đãi và sát hại các đầy tớ mà chủ sai đến. Thậm chí, đến lần thứ ba chúng giết luôn cả con trai ông. Họ làm như thế là để chiếm lấy gia tài của chủ. Hậu quả là: “Ác giả ác báo, ông sẽ tru diệt bọn chúng, và cho các tá điền khác canh tác vườn nho, để cứ đúng mùa, họ nộp hoa lợi cho ông”.

Thiên Chúa ban muôn hồng ân, là để chúng ta phục vụ Chúa và anh em, chứ không phải để chúng ta tìm tư lợi, danh vọng, và khoái lạc cho bản thân.

Thiên Chúa kiên nhẫn trước những xúc phạm, lầm lỗi của chúng ta, là để chúng ta có cơ hội hoán cải, chứ không phải để chúng ta ngày càng sa lầy trong tội lỗi.

Thiên Chúa trao phó cho chúng ta các tài năng là để chúng ta sinh lợi cho phần rỗi mình. Nếu chúng ta không biết sử dụng ơn lành Chúa ban, thì Người sẽ cất đi và trao cho kẻ khác. Nỗi bất hạnh ấy chỉ mình ta gánh chịu mà thôi!

Sẽ đến ngày chúng ta phải tường trình về công việc vườn nho mà Chúa đã trao phó. Sẽ đến ngày chúng ta phải dâng lên Chúa những thu hoạch hoa lợi mà Người trông đợi. Bội thu hay mất trắng là hoàn toàn do công việc chúng ta đang làm hôm nay. Đức Hồng Y Suhard đã nói: “Chúng ta chịu trách nhiệm về những điều chúng ta đã làm, đã không làm, hay đã cản trở không cho người khác làm”.

 

42. Công trình cứu độ kỳ diệu

Công trình cứu độ của Thiên Chúa kỳ diệu biết bao. Từ trước khi tạo dựng, Thiên Chúa đã dự liệu cho loài người được hạnh phúc vĩnh cửu và Ngài đã lo cho loài người đến cùng, Ngài không hề tiếc chi với con người. Ngài đã tạo dựng lại còn cứu chuộc. Khi con người phản nghịch cùng Chúa, Ngài đã chuẩn bị một chương trình để Con Một Ngài là Đức Kitô đến với loài người, tỏ mình và dạy dỗ nhân loại cho biết về mầu nhiệm Ba Ngôi tình yêu, về bổn phận của con người đối với Thiên Chúa và đồng loại.

Thiên Chúa đã chọn dân Do thái làm dân riêng để chuẩn bị cho việc cứu độ mọi người mọi thời. Ngài đã sai các tiên tri đến dạy dỗ họ, Ngài giữ gìn, ban ơn, tỏ ra ưu ái họ hơn những dân tộc khác. Tuy nhiên, có nhiều lúc họ không lo đáp trả tiếng Chúa, không tuân giữ lời Chúa dạy, không trả phần huê lợi mà Chúa đã đầu tư vào rất nhiều. Chúa đã thể hiện bao nhiêu là tình thương, nhẫn nại đối với dân tộc Israel nhưng nhiều kẻ vẫn cứng lòng, không đáp ứng lời mời gọi của Chúa. Nhất là khi thời gian viên mãn đã đến, Thiên Chúa đã sai Con Một ngài xuống thế vì nhân loại. Đấng Emmanuel đầy tình yêu thương, rất nhân từ với mọi người lại bị kẻ cầm quyền trong dân ganh ghét và giết đi. Tuy nhiên, sự cứng lòng cố chấp của họ không phá được chương trình cứu độ kỳ diệu của Thiên Chúa. Tuy không phải toàn dân Do thái tin theo Chúa Giêsu, nhưng từ dân tộc Do thái, Chúa chọn được một số người làm nền tảng xây dựng dân tộc mới là Hội thánh Chúa. Cả dân Do thái và dân ngoại đều được hưởng ơn cứu chuộc nhờ tin vào Đức Kitô và những tín hữu này trở nên chứng nhân cho Chúa giữa mọi người.

Chúa Giêsu muốn các kỳ lão và thượng tế nhận thức được dụ ngôn mà biết lỗi và sửa đổi, nhưng sau khi nghe dụ ngôn, họ vẫn tiếp tục sai lầm và còn chống đối muốn giết Chúa Giêsu. Tuy nhiên, chương trình của Chúa không vì thế mà bế tắc. Lúc Chúa Giêsu chết trên thánh giá lại là lúc Ngài chiến thắng Ác thần và sự chết, tự nơi Ngài có sức mạnh cứu độ muôn dân. Hòn đá mà những người thợ xây loại ra, đã trở nên viên đá góc tường, là nền tảng của Hội thánh. Những người cầm quyền dân Do thái từ chối Chúa Giêsu, nhưng Thiên Chúa đã cho Người trở nên Đá Tảng xây nên toà nhà của Chúa. Đó là việc kỳ diệu trong công trình cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Sau khi Chúa sống lại, Chúa đã giao vườn nho lại cho người xứng đáng hơn canh tác. Những người tin vào Ngài hợp thành dân riêng là Hội thánh Chúa, họ được thừa hưởng lời Giao Ước Chúa ban cho con cháu Abraham, được trở nên con Chúa trong Đức Giêsu Kitô Phục sinh.

Những sai phạm và cố chấp của các vị lãnh đạo do thái xưa là lời cảnh tỉnh cho chúng ta hôm nay. Chúng ta có cộng tác với ơn chúa chưa? Nhiều lúc chúng ta nhận ra ý chúa nhưng vì không muốn khổ cực nên chúng ta từ chối, thoái thác. Chúng ta có biết cậy trông, phó thác vào Chúa hay cứ làm theo kế hoạch riêng nhằm đem lại lợi lộc trần gian mà thôi. Mỗi người đều được Chúa mời vào một vị trí trong chương trình của Ngài. Chúng ta nên ý thức về nhiệm vụ của mình, ra sức phát triển khả năng Chúa ban và phục vụ theo ý Chúa muốn. Nén bạc chúa trao, tôi có sử dụng đúng mức không, có nộp đủ phần hoa lợi cho Chúa không? Có khi nào tôi chôn giấu nén bạc Chúa trao mà không sinh lợi, hay có sinh lợi nhưng quên nguồn gốc của nén bạc đó, không biết ơn chúa đúng mức! Thiên Chúa là Đấng nhân hậu, kiên nhẫn vẫn chờ đợi tôi, nhắc nhở và ban ơn thêm. Nhưng đến một lúc nào đó, Ngài sẽ gọi tôi đi trình diện và thưởng phạt công minh.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con hết lòng tin tưởng vào chương trình của Chúa thực hiện mỗi người chúng con, chúng con sẽ luôn vâng theo thánh ý Chúa để cuộc đời chúng con luôn gắn bó mật thiết với Chúa. Chúng con sẽ sống khiêm tốn, biết tìm dịp lắng đọng tâm hồn nhiều hơn để có thể nhận ra tiếng Chúa trong cuộc sống. Xin Chúa cho chúng con biết luôn tỉnh thức, không tự mãn với những việc đạo đức của mình nhưng tin tưởng, trông cậy, phó thác vào chương trình của Chúa. Chúng con nguyện sống theo gương Chúa về lòng tin yêu phó thác và phục vụ để mọi người nhìn vào chúng con có thể nhận ra tình thương của Chúa mà được ơn cứu độ.

 

43. Tá điền vườn nho

Nhân cơ hội các thượng tế và các kỳ lão chất vấn Chúa Giêsu về việc Người lấy quyền nào mà đánh đuổi những kẻ buôn bán ra khỏi đền thờ, Chúa Giêsu đã dùng ba dụ ngôn để nói với các ông như những lời cảnh giác về sự cứng lòng của họ. Dụ ngôn tá điền gian ác là một trong ba dụ ngôn ấy.

Như đã nói ở trên, câu chuyện dụ ngôn Đức Giêsu kể trực tiếp nhắm vào các thượng tế và kỳ lão. Họ là những người được Thiên Chúa trao phó trách nhiệm chăm sóc vườn nho là dân riêng của Chúa. Nhưng thay vì mang hoa lợi về cho chủ là Thiên Chúa, họ lại muốn chiếm đoạt hoa lợi ấy cho mình. Vì thế, những sứ giả được Thiên Chúa sai đến là các ngôn sứ đều bị họ giết chết. Cuối cùng ngay cả Người con duy nhất của Thiên Chúa là Đức Giêsu cũng bị họ đóng đinh và treo Người trên cây thập giá. Họ nghĩ rằng chỉ khi làm như thế họ mới chiếm đoạt được trọn quyền thừa kế và hưởng lợi lộc từ vườn nho.

Ý nghĩa cụ thể của dụ ngôn là như thế. Nhưng chúng ta cần nội tâm hóa câu chuyện để có thể lắng nghe được tiếng gọi của Thiên Chúa dành cho chính mình chứ không phải chỉ cho những người xa lạ ở vào những thời đại xa xưa.

Như ông chủ trao phó vườn nho cho các tá điền, Thiên Chúa cũng tín nhiệm trao phó cho ta chăm sóc những vườn nho của Người. Vườn nho ấy là chính cuộc đời của riêng ta, là những cộng đoàn mà ta phải phục vụ, là những trách nhiệm mà ta phải hoàn thành.

Như ông chủ vườn nho đã dựng hàng rào, đã xây tháp canh để bảo vệ vườn nho, đã lắp đặt máy ép nho để giúp cho công việc của tá điền được dễ dàng, nhờ đó họ có thể hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt đẹp. Khi trao cho ta những nhiệm vụ, Thiên Chúa cũng ban cho ta phương tiện là những ân huệ cần thiết để chúng ta thực hiện tốt công việc được trao.

Trao vườn nho rồi, ông chủ đi xa một thời gian. Ông tin tưởng các tá điền sẽ làm cho vườn nho sinh hoa kết trái. Thiên Chúa cũng tin tưởng ở chúng ta khi trao cho chúng ta những trách nhiệm. Người không trực tiếp giám sát chúng ta như những anh công an. Người cũng không phải là một ông chủ chuyên chế áp đặt tự do và giết chết sáng kiến của chúng ta. Người tôn trọng chúng ta như những người trưởng thành và để chúng ta tự do làm việc. Người tin tưởng ở tinh thần trách nhiệm của chúng ta.

Sau một thời gian vắng nhà, khi trở về, ông chủ sai các đầy tớ đến thu hoa lợi của vườn nho. Sẽ tới ngày chúng ta cũng phải tính sổ với Thiên Chúa về những công việc được trao phó. Người hỏi chúng ta về hoa trái của những công việc đã được trao. Người hỏi chúng ta về tinh thần trách nhiệm.

Những người tá điền đã giết chết các tôi tớ của ông chủ. Hành vi này tượng trưng cho sự khước từ Thiên Chúa của chúng ta. Có thể chúng ta đã từng loại trừ Thiên Chúa vì nghĩ rằng Người là một ông chủ hà khắc, hay đòi hỏi, hay quấy nhiễu con người.

Thay vì tiêu diệt các tá điền, ông chủ lại sai thêm các đầy tớ khác. Điều này nói lên lòng nhân từ và sự kiên nhẫn của Thiên Chúa. Người không trừng phạt chúng ta khi chúng ta phản nghịch và chống lại Người, nhưng Người ban cho ta nhiều cơ hội để sửa chữa những lỗi lầm và để trả lời cho tiếng gọi của Người.

Không nhận ra được lòng nhân từ của ông chủ, những người tá điền lại giết chết cả những anh đầy tớ này. Đó chính là thái độ cố chấp sống trong tội lỗi của chúng ta. Tội lỗi là sự bất tuân lệnh của Thiên Chúa, là cố ý chống lại Thiên Chúa, cố ý đi ra khỏi con đường của Người.

Không ngã lòng, ông chủ còn sai con trai mình đến với những người tá điền. Và họ cũng giết chết luôn cả anh con trai này. Họ bàn bạc với nhau rằng: Phải giết anh con trai thừa tự này đi để chúng ta chiếm lấy vườn nho. Thì ra tội lỗi của những người tá điền không phải là không làm cho vườn nho sinh hoa kết trái mà là muốn chiếm đoạt vườn nho của ông chủ. Thiên Chúa đã dùng mọi phương cách để cứu vớt con người. Người đã chơi ván bài chót là liều hy sinh chính Con Một của Người để thức tỉnh con người. Nhưng con người luôn muốn loại trừ Thiên Chúa ra khỏi đời mình để có thể sử dụng cuộc đời, để định đoạt mọi sự theo ý mình muốn. Chúng ta làm việc này việc khác không phải vì quyền lợi của Thiên Chúa mà chỉ vì ích lợi của bản thân mình. Chúng ta muốn chiếm đoạt những gì thuộc về Thiên Chúa để làm của riêng mình.

Chính trong ý nghĩa nói trên mà câu chuyện dụ ngôn cũng là câu chuyện của đời thường và câu chuyện của ngày xưa cũng là câu chuyện của ngày hôm nay. Hàng ngũ lãnh đạo Do thái giáo ngày xưa đã loại trừ và đã giết chết Con Thiên Chúa, Đấng đã đến trần gian để chỉ cho họ con đường về Trời. Vụ án giết Con Thiên Chúa vẫn còn kéo dài qua mọi thời cho tới ngày hôm nay. Và lý hình giết con Thiên Chúa có thể là mỗi người chúng ta. Điều đó thật là đáng sợ.

 

44. Siêng năng làm việc

(Suy niệm của Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng)

Bài Tin Mừng là một dụ ngôn và cũng là một ám ngôn, vì vừa hình dung vừa diễn tả sự thật, vừa có tính cách lịch sử vừa có tính cách tiên tri. Vườn nho ám chỉ nước Chúa. Những người làm vườn nho là giới lãnh đạo, là những người đứng đầu trong dân. Các đầy tớ là hàng loạt các ngôn sứ được Thiên Chúa phái đến đều bị ngược đãi hoặc giết chết. Trước thái độ bất nhân bất nghĩa đó, nước Chúa được chuyển sang cho một quốc gia khác là Hội Thánh, một dân phổ quát và Công Giáo, sẽ lan tràn đến tất cả mọi quốc gia.

Chúng ta thấy dụ ngôn vừa có tính cách lịch sử vừa có tính cách tiên tri, nghĩa là một đàng diễn tả những biến cố có thực, là những can thiệp của Thiên Chúa trong lịch sử dân Do Thái, và thái độ của dân Do Thái đối với những ngôn sứ Chúa sai đến với họ. Đàng khác, nói tiên tri về đạo Chúa sẽ lan tràn khắp các dân không phải dân Do Thái. Hơn nữa, dụ ngôn cũng cho chúng ta thấy rõ thân thế và sứ mạng của Chúa Giêsu. Những người được sai đến trước Ngài, dù nổi tiếng đến đâu như Ê-li-a, Ê-li-sa, I-sa-i-a,

Giê-rê-mi-a, Gio-an Tiền Hô… cũng chỉ là đầy tớ, còn Ngài mới là con trai duy nhất của Chúa Cha. Như vậy, bài Tin Mừng hôm nay có nhiều điều đáng lưu ý và ghi nhớ. Sau đây chúng ta tìm hiểu một điều thôi, đó là các tá điền làm vườn nho.

Bài Tin Mừng cho biết: ông chủ vừa trồng xong vườn nho, lẽ ra ông phải chăm bón để kiếm hoa lợi, nhưng ông lại cho các tá điền canh tác để đến mùa thu hoa lợi. Điều này nói lên ông chủ tín nhiệm các tá điền. Nhưng có những tá điền đã không làm đúng công việc của mình, họ đã lạm dụng tự do ông chủ ban cho để tìm lợi lộc riêng. Họ đã phụ lòng tín nhiệm của ông chủ. Chúng ta có thể áp dụng như sau: mỗi người chúng ta là một tá điền mà Thiên Chúa trao phó cho một vườn nho, là những ơn phúc và chúng ta có bổn phận phải đem hoa lợi về cho Chúa. Ngài để cho chúng ta hoàn toàn tự do sắp xếp công việc theo sáng kiến riêng và chịu trách nhiệm về những việc chúng ta làm.

Thực vậy, những ơn phúc Chúa ban như những tài năng tinh thần, những của cải vật chất, chúng ta phải biết sử dụng chúng để sinh lợi tối đa, tức là chúng ta phải làm việc và làm lợi cho Chúa. Mỗi người được Chúa trao ban cho một vốn liếng khác nhau về nơi chốn, thời gian, khả năng, dịp tiện. Mỗi người, không ai giống ai cả, nhưng ai cũng phải làm lợi ra với số vốn liếng Chúa ban. Chúng ta không giống nhau về khả năng, nhưng có thể giống nhau về cố gắng. Thà cố gắng mà không có tài còn hơn có tài mà không cố gắng làm lợi cho Chúa.

Vậy mọi người chúng ta đều có một điều giống nhau, đó là đời sống để làm việc: việc lớn, việc nhỏ. Đa số chúng ta ai cũng muốn làm việc lớn, được nhiều lợi, được người khác biết đến. Nhưng Chúa bảo chúng ta hãy làm việc nhỏ. Chúng ta cần trung tín trong việc nhỏ bé trước đã. Chỉ khi nào chúng ta làm được những việc nhỏ bé, chúng ta mới có khả năng làm những việc lớn lao hơn. Những việc nhỏ chính là nấc thang đưa tới thành công lớn. Không ai có thể làm việc lớn cho Chúa nếu trước hết họ không làm được những việc nhỏ cho Ngài. Nếu chúng ta không trung thành trong việc nhỏ thì không ai tin tưởng trao cho chúng ta việc lớn hơn. Chúng ta hãy nhớ: không có việc gì quá nhỏ mà không đáng làm, và cũng không có việc gì quá nhỏ mà không đem lại lợi ích. Vấn đề là chúng ta có chịu làm hay không.

Có một câu chuyện ngụ ngôn, với tựa đề là “vị thiên thần dễ tính” kể lại như sau: Ngày kia, có hai người xin vị thiên thần cho họ được tham dự vào quyền vạn năng của Thiên Chúa. Vị thiên thần đồng ý. Người thứ nhất xin cho có khả năng làm được những công việc vĩ đại. Vị thiên thần gật đầu ưng thuận, nhưng lại ra điều kiện: “Ngươi sẽ được quyền lực để hoàn thành những kỳ công. Nhưng ngươi lại không có sức làm những việc thông thường”. Chàng ta đọc được ý nghĩ của kẻ khác, và không ngừng chế tạo ra những phát minh vĩ đại. Ít lâu sau chàng đã trở thành tỉ phú nhờ kinh doanh những phát minh của chàng. Chàng ta rất hài lòng với những thành công đã đạt được. Nhưng chẳng bao lâu, từng người một, các bạn bè lần lượt xa lánh chàng mà chàng lại không làm gì được để giữ họ lại. Sau đó cả người vợ cũng thầm giũ áo ra đi. Chàng cũng không làm gì được để nối lại mối tình xưa. Rồi sau cùng sức khỏe cũng giả biệt chàng, thân thể trở nên bạc nhược, đến nỗi chàng không còn đi đứng được nữa, chàng bất lực, chẳng làm gì được để phục hồi sức khỏe ngoài việc ngồi trên xe lăn để đếm từng ngày cô đơn.

Ngược lại, người thứ hai chỉ xin được có khả năng làm tốt những việc bình thường. Vị thiên thần cũng đồng ý và nhắn thêm: “Thiên Chúa sẽ không cho ngươi quyền lực nào đặc biệt để hoàn thành những việc phi thường đâu”. Chàng bình thản tiếp tục sống cuộc đời của mình, hàng ngày chàng vui vẻ chu toàn nghĩa vụ của một công dân lương thiện, một người chồng chung thủy, một người cha hiền tận tụy với con cái, một người bạn, một người láng giềng quảng đại, hào hiệp, vị tha. Chàng cảm thấy đời mình thật ý nghĩa, thât vui tươi hạnh phúc. Chàng không còn ước muốn gì hơn là được tiếp tục sống trọn cuộc đời mình cho Thiên Chúa và tha nhân trong những gì bình thường nhất với một niềm tri ân sâu thẳm.

Biết nhìn ra những giá trị của những điều bình thường trong cuộc sống, con người mới có khả năng khám phá được sự cao cả phi thường mà Thiên Chúa cất giấu trong đời họ. Từ đó con người cũng sẽ kín múc được sức mạnh dồi dào để phát huy những giá trị của bản thân, của cuộc sống để phụng sự Thiên Chúa và phục vụ tha nhân.

Tóm lại, chúng ta hãy siêng năng làm việc để chu toàn bổn phận của mình. Chúng ta hãy tận dụng tài năng, sức lực, thời giờ, của cải Chúa ban để xây dựng sự nghiệp đời này và sự nghiệp đức tin trên Nước Trời.

 

45. Chúa Giêsu đứng trên mọi quyền lực

(Suy niệm của P. Trần Đình Phan Tiến)

Thưa quý vị, thưa các bạn, Tin Mừng Chúa Nhật 27 TN A hôm nay (Mt 21, 33-43) rất thú vị, dù nội dung dụ ngôn thật bất nhân, mang tính bất lương, mất nhân tính. Nhưng câu kết của Đoạn Tin Mừng hôm nay là một đoạn kết có hậu, đầy tràn sự nhân đạo, ôn hòa. Vì sao, thưa quý vị? Thưa vì, “Chúa Giêsu- Đấng Cứu Thế, đứng trên mọi quyền lực”.

Theo đó, Đoạn Tin Mừng hôm nay, tuy có 11 câu, nhưng có thể chia làm 3 phần:

Phần 1: Nội dung dụ ngôn “ Dụ ngôn vườn nho và những tên tá điền ác nhân “ (Mt 21, 33- 39)

Phần 2: Vấn đề Chúa Giêsu đặt ra và sự trả lời của người Do-thai. (Mt 21, 40 – 41)

Phần 3: Sự trả lời của Chúa Giêsu và ý nghĩa nhân hậu của vấn đề. (Mt 21, 42 -43)

Như vậy, ý nghĩa đoạn Tin Mừng hôm nay cho chúng ta một bài học vô cùng cao siêu từ Thiên Chúa là Cha nhân hậu, giàu lòng xót thương, nhưng không nhu nhược. Bởi vì, Người đứng trên mọi quyền lực. Điều đó được biểu lộ tại câu 43 của Tin Mừng thánh Mat-thuê.

Qua đoạn nầy, chúng ta xem lại các đoạn (Mc 12, 1- 12); (Lc 20, 9-19), sẽ thấy điểm khác biệt của Tin Mừng Matthuê, thánh Mat-thuê thường sử dụng từ “Gia Chủ” để chỉ về Thiên Chúa. Đây là từ ngữ được đặc trưng cho Matthuê, hầu đề cập đến một Nước Thiên Chúa siêu nhiên.

Khởi đi từ bài đọc I (Is 5, 1- 7), chúng ta thấy Thiên Chúa nhân từ yêu thương dân tộc Israel, chi họ Giu-đa. Hình ảnh vườn nho là một sự thân thương, một hoạt cảnh thiết thực trong đời sống dân Do-thai, được Thiên Chúa yêu thương, săn sóc, vỗ về.

Bài đọc II thánh Phao-lô (Pl 4, 6 – 9) chỉ dạy cho chúng ta biết, chúng ta đừng lo lắng, nhưng hãy cậy trông tin tưởng vào Thiên Chúa, vì bình an của Thiên Chúa vượt lên trên tất cả, sẽ dẫn đưa chúng ta đến với Đức Kitô – Giêsu. Vì những điều tốt là những điểm cần chú ý và đã được nhìn thấy từ thánh nhân thì nên thực thi.

Trở về Đoạn Tin Mừng hôm nay, tại câu 34, thánh Matthuê cho chúng ta thấy, Nước Thiên Chúa đang đến gần: “Gần đến mùa hái nho, ông cho đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi” (c34). Qua câu nầy, thánh Matthuê đã dùng một mệnh đề tạo hình dáng cho người đọc thấy được đặc tính Nước Thiên Chúa sắp đến gần. Điều nầy sẽ xuất hiện ở câu 43 là câu mấu chốt của vấn đề. Ở câu 35; Đánh đập các đầy tớ, đánh người nầy, giết người kia, thật là sát nhân. Điều nầy theo nghĩa bóng là giết hại các tiên tri, bất chấp sự giáo huấn của họ. Nhưng theo nghĩa đen, thì cảnh tượng nầy chính là nằm ở lòng tham của phàm nhân. Chúng ta thấy, hình ảnh nầy, theo nghĩa đen thì không xa lạ gì với tâm trạng tội lỗi của nhân loại. Người làm công và tá điền cũng thường dấy lên để chống lại chủ. Tuy nhiên cũng có những chủ nhân bất công, hà khắc, nhưng cũng có những chủ nhân tốt. Dù sao, tâm lý tá điền và người làm công, nếu như không có nhân đức, thì lòng tham dễ nổi lên. Thánh Matthuê đã đưa thêm vào so với Mc và Lc, là giết người và ném đá điểm nầy. Câu 36 -37, chúng ta thấy thánh Matthuê đã tóm tắt cảu Mc, loại bỏ tính từ “được yêu thương” dành cho “Người Con” của ông chủ. “… Ông sai chính con trai mình đến gặp chúng, vì nghĩ rằng: “chúng sẽ nể con ta”. (c 37). Nhưng khi bọn tá điền vừa trông thấy người con trai thì hè nhau nói: “Nào đây, là đứa thừa tự đây rồi!”. “Chúng ta giết quách cho xong, và chiếm đoạt gia tài nó.” (c 38). Và rồi chúng cũng giết luôn người con trai của ông chủ. (c 39). Như vậy, chúng ta thấy sự tàn ác theo nghĩa đen là do của cải vật chất, sự ganh tỵ, sự ích kỷ, sự tàn ác chính là hệ quả của lòng tham.

Ở câu 39 thánh Matthuê đã đưa vào một ngụ ý là Chúa Giêsu sẽ chịu “tử nạn” ở bên ngoài thành Giêrusalem “quăng ra bên ngoài vườn nho và giết đi”.

Câu 40-41, Matthuêu cho thấy cuộc đối thoại mà trong đó sự trả lời gay gắt, mạnh mẽ của các kinh sư, nhằm lên án sự ác nhân, thất đức của các tá điền bất lương. Chính là những hành động của dân Israel đã hành động đối với Thiên Chúa là Ông Chủ của họ. Về mặt nhân bản tự nhiên, khi nghe câu chuyện như vậy, con người vẫn tỏ thái độ phán xét vội vàng, tưởng chứng như một quan tòa chí công.Khi phàm nhân nghe thấy, hoặc chứng kiến một sự thiếu công bằng nào đó, họ dễ nổi giận ngay và đưa ra một “phán quyết”, nhưng Thiên Chúa thì không “trả đũa”.

Nhưng ở câu 42, được trích từ Thánh Vịnh 118, 22- 23, được Chúa Giêsu dùng để bảo họ. Các ông chưa từng bao giờ đọc câu nầy trong Kinh Thánh sao?: “Tảng đá bị thợ xây nhà loại bỏ, lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta”. Nhưng quan trọng là ở câu 43. “Bởi đó, Tôi nói cho các ông hay: Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi” (c 43).

Ý nầy chính là sự đóng góp quan trọng của thánh Matthue, làm cho phần giải thích của dụ ngôn “vườn nho và những tá điền bất nhân” nầy thêm phong phú, nhằm hé mở ra một ngụ ý về lịch sử cứu độ của Thiên Chúa qua Đấng Cứu Thế. Những người được sai đến là các tiên tri, ngôn sứ, nhưng đều bị người Israel giết hại, cuối cùng lên đến cực điểm là chính Chúa “GIÊSU”, với tư cách là “người con trai”.

“Nước Thiên Chúa” có thể được hiểu như là một điều gì đó như một sở hữu hiện tại của sự bảo bọc và ân sũng bởi Thiên Chúa, nhưng những động từ ở quá khứ và tương lai có thể làm cho câu nầy trở nên một ý nghĩa như một “Lời Hứa” ban phước vào ngày thế mạt hco mọi dân tộc. Theo đó, nơi Thiên Chúa không có sự trừng phạt nào, bởi đã có Chính Đấng Cứu Chuộc. Điều nầy có thể được minh định bởi câu nói của Chúa Giêsu: “Ta đến không phải để lên án thế gian. Nhưng để cứu chuộc thế gian. Hầu thế gian nhờ Ta mà được sống. Sống dồi dào và sung mãn” (Ga 3, 17); (Ga 12, 47); (Ga 10, 10).

Từ “dân” (c 43) ở đây chỉ Giáo Hội, được Mattheu đưa lên như là sự mở màn cho những người Israel có lòng tin và những người cải tà qui chánh, qui hồi về niềm tin, thức tỉnh, giác ngộ. Nhận ra Đức Kitô là Đấng Cứu Chuộc duy nhất. Những ai mà cùng nhau xây dựng dân tộc mới của Thiên Chúa. Như vậy, Giáo Hội Công Gíao là một tiêu biểu, một sự cứu độ phổ quát cho hết mọi người, đó là dân Do-thái thực thụ.(không hiểu như nghĩa đen).

Theo đó, sự kết luận của đoạn Tin Mừng hôm nay, thì ôn hòa hơn là nội dụng dụ ngôn. Nói cách khác là đoạn kết có hậu. Thiên Chúa không tiêu diệt kẻ gian ác, nhưng “Lời Hứa” bị lấy đi ban cho người khác. Đó là cách xử lý của Thiên Chúa, còn chúng ta thì sao?

Lạy Chúa Giêsu, Đấng cứu độ trần gian,là Đấng chính Chúa Cha sai đến, Chúa là Đấng đứng trên hết mọi quyền lực. Nơi Chúa không có sự thua cuộc, không có hận thù, chỉ có tha thứ và yêu thương, vì đó là NƯỚC THIÊN CHÚA, nhưng Chúa sẽ lấy lại, nếu như kẻ lãnh nhận bất xứng, chứ Chúa không tiêu diệt. Vì sự trừng phạt của Chúa, chính là thu hồi “ân sủng” là “Lời Hứa” yêu thương ngọt ngào như sữa và mật ong. Xin thương ban cho con người biết nhận ra chân lý ấy mà sám hối ăn năn, hầu đáng lãnh nhận ơn tha thứ./. Amen.

home Mục lục Lưu trữ