Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 66

Tổng truy cập: 1361889

ĐƯỜNG VỀ NHÀ CHA

ĐƯỜNG VỀ NHÀ CHA- Lm. Trịnh Ngọc Danh

 

Sau biến cố Chúa Giêsu chịu chết và đã sống lại như một số môn đệ đã thấy, đa số các môn đệ vẫn còn bàng hoàng, buồn bã, chua thực sự an tâm: một sự kiện quá sức hiểu biết của con người! Một Đấng Tiên Tri đầy uy lực trong cả lời nói và hành động mà lại chịu chết cách nhục nhã đến thế! Tin Chúa đã sống lại cũng chưa làm cho họ an tâm và tin tưởng thực sự; và Thánh Phêrô đã phải nhiều làn lên tiếng để trấn an và củng cố đức tin: “Vinh dự cho anh em là những kẻ tin… anh em là dòng giống được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân tộc thánh thiện, dân riêng của Chúa, để rao giảng quyền năng của Đấng đã gọi anh em ra khỏi tối tăm mà vào ánh sáng kỳ diệu của Người.” (1 Pr. 2, 7.9)

Tin Mừng hôm nay, Chúa nhật V mùa Phục sinh năm A (Ga. 14,1-12), Giáo Hội muốn chúng ta sống lại những giây phút cuối cùng giữa Thầy Giêsu và các môn đệ, và những gì Thầy trăn trối trước khi chia tay.

Chia ly nào chẳng ít nhiều gây buồn rầu, nuối tiếc! Hiểu được tâm trạng ấy, trong bữa ăn cuối cùng Chúa Giêsu đã phải lên tiếng trấn an các môn đệ:

– “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở” (Ga. 14,1-2)

Ông Simon Phêrô hỏi lại Thầy: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu vậy?”

Thầy Giêsu trả lời: “Nơi Thầy đi, bây giờ anh không thể theo đến được; nhưng sau này anh sẽ đi theo.” (Ga. 13,36) “Thầy đi để dọn chỗ cho anh em. Và khi Thầy đã ra đi và dọn chỗ cho anh em rồi, Thầy sẽ trở lại đem anh em đi với Thầy, để Thầy ở đâu anh em cũng ở đó. Thầy đi đâu, anh em đã biết đường rồi” (Ga 14, 2-4)

Ông Tôma hỏi lại: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường đi!” (Ga. 14,5)

Thầy Giêsu đáp: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy.”…

Như thế Chúa Giêsu là ĐƯỜNG VỀ NHÀ CHA

Điều chúng ta cần khẳng định trước tiên là chúng ta cùng ANH EM một nhà, chúng ta có một người CHA và có chung một mái NHÀ. Để về NHÀ CHA, chúng ta không có con đường nào khác hơn là CON ĐƯỜNG GIÊSU: Thầy là đường, là sự thật và là sự sống.

Nhiều lúc, con người thắc mắc không biết mình là ai? Từ đâu tới? Có mặt trên thế gian này để làm gì? Tại sao lại phải sống và chết? Tại sao phải bệnh hoạn, đau khổ…? Và nhiều vấn nạn khác nữa mà không biết bao nhiêu triết gia, bác học, khoa học… chưa tìm được lời giải thích thỏa đáng. Còn chúng ta, chúng ta tin con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa. Chúng ta là con cái Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu thương chúng ta và đã làm mọi cách để cho chúng ta được hiển vinh như  Cha chúng ta ở trên trời, ngay cả việc cho Ngôi Hai, người con yêu dấu duy nhất của Ngài xuống thế gian chịu mọi cực hình khốn khổ để tìm cách cứu vớt chúng ta khỏi sự hủy diệt…

Chúng ta là anh em có một Cha chung. Người Cha nhân hậu ấy vẫn hằng mong mỏi những người con lưu lạc trở về như hình ảnh người cha nhân từ mà Chúa Giêsu đã một lần ám chỉ.

Và có lẽ cũng như Philiphê, chúng ta muốn biết hình dáng người Cha chung của chúng ta: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha và như thế là đủ cho chúng con.”

Và Thầy Giêsu đã trả lời: “Ai thấy Thầy là xem thấy Cha… Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy.” (Ga. 14: 8-9). Thầy Giêsu và Người Cha chung của chúng ta là một.

Sống và chết đối với chúng ta không phải không phải là đi vào cõi hư không, nhưng chỉ là một biến đổi từ trạng thái này qua trạng thái khác, là giã từ trần gian để về nhà Cha, là chờ ngày đoàn tụ với Người Cha nhờ sự sống của Anh Cả Giêsu.

Chúng ta sẽ về Nhà Cha bằng con đường nào?

Đường có nhiều loại: Có đường quanh co, thẳng tắp; có đường gồ ghề, trơn tru; có đường một chiều hai chiều; có xa lộ không đèn; có lối mòn yên tĩnh… CON ĐƯỜNG GIÊSU hẹp mà rộng, trơn tru mà sỏi đá.

CON ĐƯỜNG GIÊSU có Tin Mừng hướng dẫn chỉ đường để đi về sự sống trường sinh. Đi trên con đường đó, phải biết lách mình mà đi, phải chống chọi với nhiều thú dữ, phải canh chừng thức tỉnh với những phù phiếm xa hoa bên đường, phải vững tin bước đi theo những hướng dẫn của Tin Mừng, phải biết “vác thánh giá mỗi ngày” mà đi, phải biết gạt bỏ những dục vọng, đam mê cuốn hút… Con đường ấy rộng thênh thang nhưng có rất nhiều cạm bẫy. Mất cảnh giác là gặp phải tai nạn. Con đường thênh thang nhưng gồ ghề khúc khuỷu là thế.

Nếu có bị lạc đường, lấy đèn sáng đức tin mà đọc lại bản Tin Mừng hướng dẫn. Con đường đến với Thiên Chúa gây nhiều trở ngại và bối rối cho nhiều người. Có người vì quá bối rối mà mất cả niềm hy vọng, mất phương hướng, lạc đường. Những lúc mất phương hướng và lạc đường như thế, hãy tìm lại CON ĐƯỜNG GIÊSU, vì “Thầy là đường, là sự thật, và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy.” Con đường Giêsu là con đường sự thật, là con đường dẫn đến sự sống.

Như thế, Chúa Giêsu muốn cho chúng ta hiểu rằng không kết hợp với Ngài, không đi theo đường lối hướng dẫn của Ngài, con người sẽ khó đi đến cùng đích, sẽ khó đạt được vinh quang vĩnh hằng, sẽ khó mà vào được nhà Nhà Cha.

Chỉ khi nào chúng ta khám phá ra gương mặt của Chúa Giêsu trong mọi biến cố của cuộc đời mình, lúc đó chúng ta mới thực sự hiểu thế nào là Con đường Giêsu.

Cuộc sống của chúng ta hiện nay là một cuộc hành trình đi về Miền Đất Hứa, là một cuộc hành trình đi về Nhà Cha, một cuộc hành trình Đức tin.

Trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, có những lúc chúng ta gặp khủng hoảng về đức tin. Chính những lúc như thế, cần có đức tin nâng đỡ, thì chúng ta lại buông xuôi; và cũng chính những như thế, chúng ta mời thấy lòng tin vào Thiên Chúa ở mức độ nào.

Khi gặp khủng hoảng về đức tin, điều duy nhất mà chúng ta có thể làm là bước đi trong sự kiên quyết tín nhiệm nơi Thiên Chúa.

Lòng tin đích thực giúp chúng ta xác tín rằng Thiên Chúa luôn ở với chúng ta. Đó là điểm tựa, là niềm hy vọng cho cuộc sống chúng ta. Ai có đức tin đều có nguồn an ủi và niềm cảm hứng ấy, đặc biệt khi gặp cảnh bối rối.

Chúa Giêsu là đường, là sự thật và là sự sống. Trong Ngài và với Ngài, chúng ta nhận ra thân phận, ý nghĩa cuộc đời mình. Ngài là phần thưởng và là cùng đích của mỗi Kitô hữu chúng ta. Chúng ta hãy bước đi trên con đường của Chúa Giêsu đã vạch ra. Sống chân lý tình yêu của Ngài. Và sống sức sống thần linh của Ngài mỗi ngày trong cuộc sống chúng ta.

Lạy Chúa, chúng con tin rằng: “ Lời Chúa là lời chân chính, bao việc Chúa làm đều đáng cậy tin. Chúa yêu chuộng điều công minh chính trực, địa cầu đầy ân sủng Chúa. Chúa để mắt trông coi những kẻ kính sợ Chúa, nhìn xem những ai trông cậy ân sủng của Chúa để cứu giúp họ khỏi tay thần chết và nuôi dưỡng họ trong cảnh cơ hàn.” (Tv.32: 18-19). Nhờ Chúa, chúng con được cứu chuộc và trở nên nghĩa tử, xin Chúa đoái nhìn đến chúng con, những kẻ tin vào Chúa Giêsu Kitô, cho được hưởng tự do thật sự và phần gia nghiệp muôn đời nơi nhà cha trên trời.

Câu hỏi:

– Tại sao Chúa Giêsu nói: “Trong nhà Cha thầy có nhiều chỗ ở.” Nhiều chỗ ở có ý nghĩa gì?

– Chúa nói: “Ai tin vào Thầy, người ấy sẽ làm những việc Thầy đã làm.” Câu nói ấy ám chỉ gì?

– Thánh Phêrô đã nói: “Chính anh em là như những tảng đá sống động”. Tảng đá sống động biểu tượng cho vấn đề gì?

CHÚA NHẬT V PHỤC SINH- A

ĐỨC GIÊSU: DUNG NHAN CỦA THIÊN CHÚA CHA-  Lm. Antôn Hà Văn Minh

Sách xuât hành tường thuật việc Ông Môsê xin được thấy tôn nhan Thiên Chúa. Chúa liền nói với ông: “Ngươi không thể xem thấy tôn nhan Ta, vì con người không thể thấy Ta mà vẫn sống.”(Xh 33, 20), thế mà hôm nay qua Đức Giêsu Thiên Chúa đã tỏ tôn nhan Ngài cho chúng ta: Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha.

Khi tạo dựng con người Thiên Chúa muốn con người làm bạn, nên Ngài đã tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài, và sách thế đã diễn tả mối tương quan bằng hữu giữa Thiên Chúa với con người qua việc Thiên Chúa  đi dạo trong vườn cây Eden và nói chuyện với con người, thế nhưng mối tương giao này gẫy đổ khi con người phạm tội, và tự con người lánh trốn Thanh nhan “Nghe thấy tiếng ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa đi dạo trong vườn lúc gió thổi trong ngày, con người và vợ mình trốn vào giữa cây cối trong vườn, để khỏi giáp mặt ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa” (St 3, 8), không những con người chạy trốn Thanh nhan, nhưng chính tội cũng làm cho con người không còn có khả năng chiêm ngưỡng Tôn Nhan.

Kể từ khi bị đuổi ra khỏi mối tương giao bằng hữu, con người không thể nào nhìn thấy được Chúa. Nhưng vì là Cha nhân ái, Thiên Chúa luôn mong ước được gần gũi với con cái, lòng thương xót của Chúa luôn thôi thúc Ngài đến với con người, gặp gỡ con người, và tỏ cho con người biết Ngài luôn yêu thương họ. Vì yêu thương Ngài đã sai con chí ái đến với con người, và với sáng kiến bởi tình yêu nhiệm lạ, Con Thiên Chúa đã mạc lấy thân xác con người để biểu tỏ tôn nhan trong cách thế mà con người có thể nhìn thấy. Đức Thánh Cha Phanxicô trong tông thư “Thiên Chúa giàu lòng thương xót” một lần nữa minh định điều Chúa Giêsu đã mạc khải: “Dung mạo lòng thương xót của Chúa Cha chính là Đức Kitô Giêsu. Mầu nhiệm đức tin Kitô giáo như đã được tóm tắt đầy đủ trong mệnh đề này.” (số 1).

Một cuộc tỏ bày tôn nhan quá ư nhiệm mầu. Tại sao Thiên Chúa hành động như thế? Thưa bởi vì quá yêu thương con người nên Thiên Chúa đã quay lại chống đói chính mình”, nói như Đức Benđíctô XVI. Phải, Ngài đã quay lại chống đối với điều Ngài đã làm, đó là đuổi con người ra khỏi Tôn Nhan, nay Ngài lại cho con người nhìn thấy Dung nhan, Ngài đã luận phạt con người, nay Ngài lại ra tay cứu vớt con người, Ngài đã loại trừ con người nay lại giao hoà với con người bằng chính cái chết của Người Con dấu ái. Vâng, vì là Thiên Chúa tình yêu nên Ngài không báo giờ bỏ rơi công trình do tay Ngài tạo thành.

Tinh yêu Thiên Chúa là thế đấy, nhưng con người vẫn chứng nào tật ấy, vẫn tỏ ra cao ngạo, và chẳng nhận ra Tôn Nhan Chúa qua Người Con, Đức Giêsu Kitô. Ngay từ những thế kỷ đầu của lịch sử Giáo Hội có nhiều người đã không nhận ra Đức Kitô là dung mạo của Chúa Cha, và chỉ coi Người như là “người con nuôi” của Thiên Chúa. Họ không nhận ra bởi quá dựa vào lý luận của lý trí con  người mà không để cho Thần Khí Chúa can thiệp. Rồi trôi theo dòng lịch sử của nhân loại, tinh thần thế  tục ngày càng lan toả trong lối sống, càng ngày người ta càng bóp méo dung nhan của Đức Kitô, để rồi coi Người đơn giản như một lãnh tụ khởi nghĩa nhằm giải phóng dân tộc, chống lại Đế Quốc Roma, hoặc Đức Kitô chỉ như một Rabbi trình bày giáo huấn về đối nhân xử thế như Khổng Tử, Lão giáo, hoặc Phật Thích Ca. Và để loại trừ bản tính Thiên Chúa ra biến mất nơi con người Đức Kitô, người ta tô vẽ Người chỉ còn là một con người bình thường như bao người khác qua những bộ phim mang tính phỉ báng như “cơn cám dỗ cuối cùng của Giêsu”, hay “Mật mã da Vinci”.

Không nhận ra tôn nhân Thiên Chúa nơi con người Đức Kitô, cũng có nghĩa là không nhận ra tình thương và lòng thương xót của Ngài, nên con người mãi mê lầm trong bóng tối của sự chết. Thế giới luôn tràn ngập hận thù, con người càng ngày càng trở nên vô cảm nỗi khổ của người khác, giết chóc, hãm hiếp, buôn bán nô lệ dưới mọi hình thức, cướp bóc… và cuộc sống càng ngày càng trở nên bất an.

Để tìm lại niềm vui của cuộc sống và bình an trong xã hội không gì khác ngoài việc tìm  đến vàdung mạo của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô. Quả thật, Nói như Đức Phanxicô: “Tình yêu Thiên Chúa giờ đây trở nên hữu hình và được tỏ bày trong cả cuộc sống của Chúa Giêsu. Bản thân Người không gì khác hơn là tình yêu, một tình yêu được ban tặng cách vô điều kiện. Các mối liên hệ giữa Người và những ai tìm đến với Người, là một tương quan đặc thù duy nhất và không thể tái diễn. Những dấu lạ Người thực hiện, nhất là cho các tội nhân, cho những người nghèo khổ, những người bị gạt ra bên lề xã hội, cho các bệnh nhân và những người đau khổ, tất cả đều mang dấu ấn của lòng thương xót. Tất cả mọi sự nơi Người đều tỏ bày cho thấy lòng thương xót. Không có gì nơi Người lại thiếu vắng lòng thương xót’’ Dung mạo long thương xót số 8).

Lạy Chúa Giêsu, còn gì hạnh phúc hơn khi được chiêm ngưỡng dung nhan Chúa, bởi từ đó chúng con thấu hiểu Chúa yêu thương chúng con là dường nào. Xin cho chúng con cũng trở thành dung mạo của Chúa để qua đó người ta nhận ra tình thương Chúa,  họ nhận được ơn cứu độ . Amen.

home Mục lục Lưu trữ