Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 82

Tổng truy cập: 1357744

Gánh Nặng

Gánh nặng

Mt 11,25-30

Lm. Giacôbê Phạm văn Phượng, OP

“Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”. Đó là một lời kêu gọi, một lời nhắn nhủ, một lời khích lệ đầy an ủi và phấn khởi Chúa Giêsu nói với tất cả và từng người chúng ta.

Theo nguyên nghĩa Hy lạp, thì chữ “vất vả mang gánh nặng nề” Chúa Giêsu nói ở đây được hiểu là cái bao đựng vật dụng cá nhân như cái ba-lô người ta đeo trên lưng, còn theo nghĩa thông thường, đó là những vất vả, khó khăn, trách nhiệm mà người ta phải chấp nhận. Dù theo nghĩa nào thì chúng ta cũng hiểu ngay là mỗi người đều có những vất vả và đau khổ, được gọi chung là gánh nặng riêng cho đời mình.

Thực vậy, đời người giỏi lắm là được trăm năm trần thế. Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy ? Trăm năm nào có gì đâu ? Nhưng từ lúc trắng răng đến lúc bạc đầu, không lúc nào vất vả, đau khổ không theo đuổi chúng ta, đến nỗi ca dao tục ngữ đã nói : “Gánh khổ mà đổ lên non. Cong lưng mà chạy khổ còn chạy theo”. Đời là một bể khổ, đời là thung lũng nước mắt, không ai chối cãi, không ai phủ nhận, sinh ra và có mặt trên đời là khổ : “Hữu sinh hữu khổ” là thế. Với thời gian, lớn lên, đau khổ, vất vả hàng theo sát gót con người, dù ở đâu và làm gì, ai cũng có những vất vả và đau khổ của riêng mình.

Chúa Giêsu đã nhận thấy điều đó, Chúa đã hình dung bằng hai tiếng “vất vả và gánh nặng”, và Chúa động viên, khích lệ, kêu gọi : “Hãy đến với Chúa” để Chúa an ủi, nâng đỡ. Thực vậy, ở đời này có nhiều gánh nặng : gánh nặng bản thân, gánh nặng gia đình, gáng nặng xã hội, gánh nặng của bệnh tật, thất bại, mất mát, hiểu lầm của tình người và tình đời. Đã gọi là gánh nặng thì phải vất vả gánh vác : vất vả với cuộc mưu sinh, vất vả đêm ngày, phải đổ mồ hôi sôi nước mắt đổi lấy miếng ăn, thế mà có khi vẫn không đủ sống; vất vả sớm tối với bầy con, vất vả khi chúng còn nhỏ bé, vất vả khi chúng đã khôn lớn, nhất là khi chúng hư hỏng, quậy phá.

Ngoài ra, “gánh nặng còn được hiểu là những đau khổ của đời người. Đời người sống giỏi lắm là trăm năm, nhưng thử hỏi có ai là không đau khổ chăng ? Ai cũng có những đau khổ riêng mình : người trước người sau, người ít người nhiều, người tinh thần người thể xác, người đi tu hay sống đời gia đình…không ai dám nói đời mình không có đau khổ. Cuộc đời trần gian là thế.

Như vậy, chúng ta dễ dàng chấp nhận : vất vả và gánh nặng đời này thì nhiều thứ, nhiều cỡ, nhiều kiểu, và chúng ta cũng nhìn nhận rằng : trước những gánh nặng đó, nhiều khi tự sức chúng ta, chúng ta không làm gì được, chúng ta buông xuôi chán nản ư ? Thậm chí có những người khi gặp khó khăn, khủng hoảng thì bỏ cả việc đạo đức và chán cả cầu nguyện, như vậy là sai lầm lớn. Những lúc vất vả, khó khăn, đau khổ càng nhiều và càng nặng, chúng ta càng phải đến với Chúa mau hơn và nhiều hơn. Hãy đến với Chúa để cảm nhận được sự nâng đỡ và bổ sức của Chúa. Nhưng chúng ta nên nhớ : Chúa nói Ngài nâng đỡ và bổ sức cho chúng ta thôi chứ Ngài không cất gánh nặng cho chúng ta, Ngài làm cho nhẹ gánh chứ không cất gánh nặng đi. Có nghĩa là chính chúng ta phải cố gắng làm việc và tìm mọi cách để giải tỏa gánh nặng đời mình rồi Chúa sẽ giúp sức thêm, chứ đừng ngồi mà than.

Có một câu chuyện ngụ ngôn kể rằng : Có một bác tiều phu đi kiếm được một xe bò củi chất đầy, nhưng khi đi tới một khúc đường sình lội thì đôi bò khựng lại, vì xe của bác bị sụp lún xuống bùn, bác ta ngồi than vãn, rồi sực nhớ ra một vị thần và kêu xin cứu giúp. Vị thần hiện ra nói : “Thay vì ngồi than vãn thì hãy cố đẩy xem sao”, bác đứng lên cố sức đẩy, đang đẩy thì có hai thanh niên tình cờ đi qua, thương tình giúp đỡ bác, thế là xe bác vượt qua được.

Đó là một câu chuyện ngụ ngôn dạy chúng ta phải cộng tác với một sức mạnh hơn để làm việc, để giải quyết những khó khăn. Nếu trong cuộc sống chúng ta còn biết nhờ vả vào những người quyền thế hơn, tài năng hơn, thì tại sao chúng ta lại không cậy nhờ vào Chúa. Cho nên, lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta : trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời, nhất là những khi vất vả hay đau khổ, chúng ta hãy đến với Chúa, Chúa sẽ nâng đỡ, bổ sức cho chúng ta.


Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhượng

(Mt 11, 25-30)

Giuse Lê Xuân Hiệp, OP

Trong bài giảng trên núi Chúa Giêsu đã nói : “Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp” (Mt 5,4). Khi nói Chúa hiền lành, chúng ta liên tưởng đến hình ảnh Con Chiên bị đem đi xén lông, đem đi giết mà không kêu tiếng nào, thánh sử Mát-thêu đã nhắc lại lời ngôn sứ I-sa-i-a rằng : “Người sẽ không cãi vã, không kêu to, chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường. Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi” (Is 42,1-3 ; Mt 12,19-20).

Hiền lành và khiêm nhường là đức tính quan trọng của con người.Thường thì ai cũng thích người đơn sơ, hiền lành và từ tốn, hơn là một người cao ngạo, tự tôn, cái gì cũng cho mình hơn người, cái gì cũng cho là mình biết, mình giỏi khinh khi người khác. Người kiêu căng không biết chấp nhận giới hạn của mình, không biết nhận ra nhược điểm của mình , trái lại luôn lên mặt dậy đời, luôn muốn răn đe người khác. Tự cao, tự đại cũng là nguyên nhân làm cho con người không nhận ra ơn Chúa : "Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường" ( Lc 1, 51-52 ).

Để có một đức hiền lành và khiêm nhường như Chúa Giêsu, cần phải chiêm ngưỡng Chúa Giêsu toàn diện, nghĩa là cả con người, cả cuộc đời của Chúa đã được trình bày trong Tin Mừng.  Chúa xuống trần gian để mang tình yêu Thiên Chúa lại cho loài người, và làm cho loài người biết thương yêu nhau. Để thực hiện điều đó Chúa đã dạy loài người hãy học với Người để biết sống hiền lành và khiêm nhường.

Chúa Giêsu đã sinh ra, lớn lên trong cảnh khó khăn nghèo hèn. Ngài đã đến như một kẻ nghèo, sống giữa người nghèo, thâu nạp các môn đệ đầu tiên cũng đủ mọi thành phần xã hội, đặc biệt những người trong lớp lao động nghèo nàn. Chúa và các môn đệ của Ngài loan truyền Tin Mừng cho những người nghèo khó, cho lớp người thấp kém trong xã hội, những người bơ vơ vất vưởng. Nuớc trời, Chúa Giêsu rao giảng, loan báo mở ra cho những người nghèo : nghèo về vật chất, nghèo về tinh thần nghĩa là những kẻ khiếm khuyết, tội lỗi, cần nhận ơn tha thứ. Chính vì vậy, Chúa Giêsu đã yêu thương các trẻ nhỏ vì các em có tâm hồn đơn sơ, hiền từ.

Chỉ với trái tim yêu thương, con người mới nên đơn sơ, hiền từ và khiêm nhường. Thánh Phaolô đã nói : "Tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi…". Quả thực, con người chỉ có thể hiểu được mầu nhiệm Nước Trời khi họ không cậy dựa vào sự thông thái, khôn ngoan của loài người mà phải có Chúa Thánh Thần hướng dẫn, soi sáng và phải qua Chúa Giêsu, con người mới có thể đi vào sự thông hiệp mật thiết với Thiên Chúa và được cứu độ : "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, Con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng là mạc khải cho những kẻ bé mọn" (Mt 11, 25).

Ngày nay, dầu muốn hay không, con người vẫn cảm thấy mình bị giằng co, lôi kéo giữa hai sức mạnh là xác thịt và thần trí. Một đàng là sức mạnh và tiếng nói của sự dữ, nhưng tôi vẫn làm. Đàng khác là tiếng gọi của Thần Khí : tôi biết nhưng nhiều khi tôi không nghe theo. Vậy, nếu chúng ta sống theo xác thịt thì chúng ta sẽ chết. Nếu nhờ Thần Trí mà chúng ta diệt được hành động xác thịt thì chúng ta sẽ được sống. Đó là hai sức mạnh tương phản của con người.

Lạy Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường, Chúa kêu mời chúng con hãy học cùng Chúa, vì Chúa hiền lành và khiêm nhường. Chúa đã hạ mình xuống, sống thân phận người nghèo nàn, khiêm nhường và kêu gọi chúng con bắt chước. Chính thánh Phaolô đã thốt ra những lời thống thiết : “Người đã hủy mình đi, lãnh lấy thân phận tôi đòi… đem thân đội lốt người phàm. Ngài đã hạ mình thấp hèn, trở thành vâng phục cho đến chết và chết trên Thập giá” (Pl 2,7-8)

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,

Chúa đã ưu đãi kẻ bé mọn thấp hèn. Xin làm cho trái tim chúng con đừng bao giờ kiêu ngạo, nhưng vui vẻ sống đơn sơ, xin mở tâm hồn chúng con biết lắng nghe Lời Chúa với con tim rộng mở, với tâm hồn khiêm tốn và sẵn sàng để Chúa Thánh Thần soi sáng, hướng dẫn. Xin Chúa cho chúng con biết sống hiền lành và khiêm nhường như Chúa. Amen./.



Bí quyết hạnh phúc

(Mt 11:25-30)

Đỗ Lực, OP

Tháng Tám năm 2007, trước khi qua đời, bà tỷ phú Leona Helmsley đã quyết định trối lại đàn chó 8 tỷ Mỹ kim. Thực ra, số tiền đó có thể dùng để trả cho những toán cứu các con vật, trường thú y hay các cuộc nghiên cứu về bệnh tật loài thú.[i]

Ðó là một quyết định tự do của con người. Có lẽ nhiều người sẽ lên giọng kết án bà : chúc thư như thế có khôn ngoan không ? Sinh tiền, có lẽ bà đã sống cuộc đời cô đơn giữa đàn chó trong căn biệt thự vĩ đại. Người nghèo chắc chắn nằm xa tầm nhìn của bà.

Chúa Giêsu không có tiền của trối lại cho người nghèo, nhưng có cả một Tin Mừng dành cho họ. Trong Tin Mừng hôm nay, người nghèo hoàn toàn nằm trong tầm nhìn của Chúa. Chúa nói rõ  về ý Cha dành cho họ : “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn.” (Mt 11:25) Người bé mọn là người nghèo được nghe giảng Tin Mừng. Họ biết khiêm tốn mở rộng tấm lòng đón nhận chân lý Lời Chúa và lệ thuộc hoàn toàn vào Chúa. Ðó có phải là điều làm cho người nghèo hạnh phúc không ?

KHÔN NGOAN

Của cải, vinh hoa, thành công dẫn con người tới đâu ? Nếu những thành quả đó quyết định hạnh phúc con người, chắc chắn Chúa Giêsu đã không hướng về những người nghèo khổ. Hạnh phúc có một nguồn gốc sâu xa và một nền tảng vững chắc trong sự khôn ngoan Thiên Chúa. Nhưng giờ đây trong Tân Ước,  Chúa Giêsu nói đến mối liên hệ thân tình với Thiên Chúa (x. Mt 11:26-27), và điều kiện làm môn đệ Người (x. Mt 11:28-30). Chúa tự xưng là sự Khôn ngoan. Từ nay, không còn phải nhân cách hóa sự khôn ngoan như trong Cựu ước nữa. Nhưng sự khôn ngoan là một ngôi vị, là “Người Con” tuyệt hảo của “Chúa Cha.”[ii]

Từ ngày sự Khôn ngoan thành xác phàm, tất cả sự thật về lòng thương xót đã được mạc khải rõ ràng. Sự khôn ngoan quay hướng và tập trung vào một đối tượng vượt ngoài tầm mức hiểu biết của con người. Không phải là những nhà thông thái, nhưng những người hèn mọn mới được mạc khải những điều bí nhiệm về vương quốc hay bí quyết hạnh phúc. Người bé mọn chính là các môn đệ. Họ là những người nghèo về mọi phương diện. Ðể đón nhận được mạc khải đó, họ phải nhận ra tình trạng khó nghèo của mình và hoàn toàn cậy dựa vào lòng thương xót của Thiên Chúa, Ðấng vô cùng giàu có.

Không ai lâm vào ngõ cụt cuộc đời như người nghèo khó. Khi mạc khải những bí nhiệm Nước Trời, Thiên Chúa khai thông những bế tắc và giải thoát họ khỏi bước khốn cùng. Ðó là lý do tại sao Chúa Giêsu đưa ra lời kêu goi đầy hứa hẹn: "Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt 11:28) Ai là người “đang vất vả mang gánh nặng nề,” nếu không phải là những người đang bị đè bẹp dưới những cơ chế bất công ? Cuộc sống trở nên quá nặng nề, vì họ bị bóc lột tận xương tủy. Giữa hoàn cảnh đó, con người sẽ lâm cơn khủng hoảng tột độ. Giấc mơ duy nhất của họ là mong được giải thoát và an ủi.

Chúa Giêsu đã đến đúng lúc. Người đã kêu gọi họ và hứa đem đến cho họ sự nghỉ ngơi bồi dưỡng. Nhưng dựa vào đâu, Chúa dám hứa đem lại nguồn an ủi cho họ ? Nếu không tin Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, chúng ta không có câu giải đáp. Vì là sự khôn ngoan của Thiên Chúa, Người có thể hướng dẫn người nghèo thoát khỏi cơn bĩ cực. Hơn nữa, nếu “nhờ Người mà muôn vật được tạo thành,” chắc chắn Người có thể làm cho họ yên tâm và có đủ sức mạnh cần thiết tạo cuộc sống mới.

Ðể trả lại cho người nghèo sự bình an đích thực, Người kêu gọi mọi người, nhất là những người giàu có và quyền thế, hãy từ bỏ nếp sống gian ác và kiêu căng với những cơ chế bất công. Nếu những người đang nắm quyền lực biết sống “hiền lành và khiêm nhường,” chắc chắn người nghèo sẽ được đối xử tử tế và không còn chịu cảnh áp bức, không bị xô đẩy vào cảnh vất vả, lầm than, cơ cực nữa.

Sống trên đời, tin hay không, con người đều có ách để mang, gánh để vác. Ngay cả sau khi được Chúa giải thoát, người nghèo vẫn phải mang ách của Chúa (x. Mt 11:29). Như thế, con người luôn đứng trước một lựa chọn quyết liệt : “gánh nặng nề” của thế gian hay “ách êm ái và gánh nhẹ nhàng”của Chúa ? Nếu mang “gánh nặng nề” của thế gian, con người không thể được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Ngược lại, nếu đến với Chúa để mang “ách êm ái và gánh nhẹ nhàng,” con người sẽ hoàn toàn được giải thoát và bình an.

HẠNH PHÚC NGƯỜI BÉ MỌN

Hơn ai hết, những người bé mọn cảm thấy lối thoát duy nhất cho cuộc đời là Thiên Chúa. Quả thực, “Chúa Giêsu loan báo lòng từ bi của Thiên Chúa giải thoát những ai Người gặp trên đường, bắt đầu là người nghèo, người sống bên lề, người tội lỗi. Người mời gọi tất cả theo Người, vì Người là người đầu tiên tuân theo kế hoạch tình thương của Thiên Chúa, và như vị Ðại diện Thiên Chúa giữa trần gian, Người thực hiện điều đó một cách hết sức khác thường.”[iii] Như thế, thánh ý Thiên Chúa luôn hướng dẫn con người đến chỗ giải thoát. Chí có Thánh ý Chúa mới làm cho con người có sức mạnh phi thường. Bằng chứng, vâng theo thánh ý Chúa Cha, Chúa Giêsu đã giải thoát toàn thể nhân loại.

Khi còn nơi cung lòng Chúa Cha và cả khi sống nơi trần thế, “chính Chúa Giêsu đã sống và thông giao với Thiên Chúa tình yêu là Cha – “Abba” – và, bởi đó chúng ta có thể đi vào chính trung tâm sự sống Thiên Chúa.”[iv] Vì được ưu tiên nghe giảng Tin Mừng, người nghèo có thể đi sâu vào kinh nghiệm tình yêu và thánh ý Thiên Chúa. Càng đi sâu vào cung lòng Thiên Chúa, càng thấy Chúa quảng đại  và đầy lòng thương xót. Ðó là tất cả nguồn an ủi lớn lao cho người bé mọn.

Còn ai cảm nghiệm lòng thương xót và nguồn an ủi lớn lao của Thiên Chúa hơn Mẹ Maria, nữ tì hèn mòn của Chúa ? Quả thực, “nhìn vào trái tim Ðức Maria, tận nơi sâu thẳm của lòng tin Mẹ diễn tả qua những lời kinh Magnificat, các môn đệ Chúa Kitô được mời gọi canh tân nơi chính mình ‘ý thức sự thật về Thiên Chúa cứu độ, sự thật về Thiên Chúa là nguồn mọi ân huệ. Chân lý đó không thể tách biệt khỏi tình yêu Thiên Chúa dành ưu tiên cho người nghèo và hèn mọn.”[v]

Nếu “Thiên Chúa dành ưu tiên cho những người nghèo và hèn mọn,” ai dám khinh thường hay lãng quên họ ? Theo ý định Thiên Chúa, Giáo hội quan tâm đặc biệt tới người nghèo. Giáo Hội vạch ra đường hướng hoạt động : “Nguyên tắc phân phối thực phẩm khắp nơi đòi phải quan tâm đặc biệt tới những người nghèo, người bị gạt ra ngoài xã hội và những ai đang sống trong hoàn cảnh cản trở sự phát triển  của họ. Ðể đạt mục đích ấy, cần phải quyết liệt tái xác định người nghèo phải được dành ưu tiên. Ðây là một lựa chọn, hay một hình thức đặc biệt ưu việt trong công tác bác ái Kitô giáo, được toàn thể truyền thống Giáo Hội làm chứng. Lựa chọn đó ảnh hưởng tới đời sống mỗi Kitô hữu bao lâu họ còn tìm cách noi gương sống của Chúa Kitô, đồng thời cũng áp dụng vào những nghĩa vụ xã hội, vào cách sống của chúng ta, vào các quyết định hợp lý liên quan tới quyền tư hữu và việc xử dụng của cải. Hơn nữa, ngày nay, vì chiều kích toàn cầu của vấn đề xã hội, lòng bác ái ưu tiên dành cho người nghèo và những quyết định do lòng bác ái đó gợi lên, không thể không ưu ái đến quảng đại quần chúng nghèo khổ, khốn cùng, không nhà cửa, không được chăm sóc sức khỏe và trên hết, không chút hy vọng về một ngày mai tươi sáng hơn.”[vi]

Nếu theo đúng đường hướng đó, Giáo Hội làm chứng cho thế giới biết trong thực tế những bí quyết hạnh phúc Thiên Chúa mạc khải cho người hèn mọn là gì. Ði theo con đường của Chúa, Giáo Hội “hằng tái xác nhận nguyên tắc liên đới, học thuyết xã hội của Giáo Hội đòi chúng ta hành động để thăng tiến ‘hạnh phúc của tất cả và từng người, vì tất cả chúng ta đều có trách nhiệm với mọi người.’ Ngay cả trong việc tranh đấu chống lại nghèo đói, nguyên tắc liên đới bao giờ cũng phải kèm theo nguyên tắc bổ sung để có thể  nuôi dưỡng tinh thần sáng tạo, nền tảng căn bản của việc phát triển xã hội và kinh tế trong các nước nghèo. Nên coi người nghèo ‘không phải là một vấn đề, nhưng như người có thể nắm vai chính trong việc xây dựng một tương lai mới mẻ và nhân bản hơn cho mọi người.’”[vii]

Có nhìn người nghèo như thế, Giáo Hội mới có thể tìm cách làm nhẹ gánh cho người nghèo. Từ đó, Giáo Hội làm chứng cho mọi người biết Chúa Giêsu là vua “xét xử công bình và ghét điều gian ác (x. Kn 16:12), xử công minh cho kẻ nghèo hèn (x. Kn 29:14).”[viii] Nếu mọi người đều nhìn nhận Chúa Giêsu là vua, nhân loại sẽ sống trong công lý và hòa bình. Nhưng nhìn vào tình hình thế giới hôm nay, ai cũng thấy Giáo Hội còn phải nỗ lực nhiều mới có thể làm chứng và xoa dịu những đau khổ của người nghèo.

TỪ NẠN NHÂN TỚI VĨ NHÂN

Muốn làm chứng, Giáo Hội cần phải tìm đến thánh Phaolô, một vị tông đồ nhiệt thành hiếm có trong thời kỳ Giáo Hội sơ khai. Có ai trong Giáo Hội đã hiến cả cuộc đời làm chứng Chúa Giêsu là Chúa công bình và nhân ái bằng thánh Phaolô ? Quả thực, từ khi được mạc khải về những mầu nhiệm Nước Trời, thánh nhân đã nỗ lực cho mọi người thấy Chúa Giêsu là sự khôn ngoan thượng trí của Thiên Chúa.

Trước khi theo Chúa Kitô, thánh nhân đã mang ách lề luật Do thái rất nặng nề. Nhưng từ ngày ngã ngựa tại Damas, thánh nhân đã rũ bỏ được gánh nặng lề luật, để “mặc lấy Chúa Kitô,” sức mạnh của Thiên Chúa. Nhờ sức mạnh đó, thánh nhân đã ra tù vào khám nhiều lần, bị đánh đòn và thập tử nhất sinh. Năm lần thánh nhân bị đánh 39 roi, bị xỉ nhục 3 lần, ném đá 1 lần, bị chìm tàu, đói khát, lạnh buốt xương và trần truồng, bị mưu sát, bách hại và sau cùng bị chém đầu. Chỉ vì theo Chúa Kitô, thánh nhân đã phải trả giá quá mắc. Phải chăng thánh nhân đã “ném bùn sang ao” khi từ ách lề luật sang ách Chúa Kitô ? 

Thánh nhân cho biết lý do : “Tôi đành chịu mọi sự thiệt thòi để được biết Chúa Kitô.” Một khi đã biết Chúa Kitô, thánh nhân “coi mọi sự như rơm rác.” Thánh nhân tin rằng mọi sự đều do ân sủng của Thiên Chúa. Thiên Chúa là Ðấng Toàn năng đã ban sức mạnh cho thánh nhân. Thực thế, chính thánh nhân đã thú nhận : “Tôi có làm được gì đều do ân sủng Chúa.”  Cả cuộc đời thánh nhân chỉ để rao giảng “sứ điệp ân sủng.” Ân sủng Chúa Kitô vô cùng giá trị đến nỗi thánh nhân “có thể làm được mọi sự trong Ðấng ban sức mạnh cho tôi.”

Như thế, chính ân sủng đã khiến thánh nhân cảm thấy ách Chúa êm ái, gánh Chúa nhẹ nhàng. Nhờ vậy, thánh nhân đã có thể làm chứng cho Chúa Kitô trong những cơn khốn cùng nhất. Thánh nhân lao vào cuộc chiến chính nghĩa, mà không sợ bất cứ một quyền lực nào. Thánh nhân “không sợ những người chỉ giết được thân xác, nhưng “chỉ sợ Ðấng có thể ném cả thân xác và linh hồn vào hỏa ngục.”

Còn ngày nay, những nhà lãnh đạo Giáo Hội sợ gì ? Làm sao có thể kiếm một người như thánh Phaolô trong Giáo Hội hôm nay ? Nhiều người trong Giáo Hội quá khôn ngoan đến nỗi không dám xông pha làm chứng cho Chúa. Tính toán quá kỹ khiến cho khả năng dấn thân bị tê liệt. Giáo Hội đành nhìn công lý bị chà đạp và người nghèo rên siết dưới những cơ chế bất công. Nhiều nơi Giáo Hội trở thành thứ bình phong bao che hay tuyên truyền cho mọi quyền lực sự ác.

Tóm lại, sau khi được mạc khải về những bí nhiệm Nước Trời, các người bé mọn “nắm bắt” được sự khôn ngoan của Thiên Chúa là chính Chúa Giêsu Kitô. Càng trở nên bé mọn, càng được mạc khải về bí quyết hạnh phúc. Nhiều nơi trên thế giới, Giáo Hội đang nỗ lực làm chứng cho mọi người biết chỉ có Chúa Giêsu Kitô mới có thể giải thoát con người khỏi những ách nặng nề và đem lại sự nghỉ ngơi và bổ dưỡng cho tâm hồn. Nhưng nếu không tin Chúa Kitô là Con Thiên Chúa, con người không thể đón nhận ân sủng cần thiết cho cuộc đổi đời.

Lạy Chúa, giữa cuộc sống quá nặng nề vì đau khổ và áp bức hôm nay, xin Chúa mạc khải cho chúng con mầu nhiệm Nước Trời để chúng con có thể tìm được hạnh phúc đích thực. Amen.

home Mục lục Lưu trữ