Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 69

Tổng truy cập: 1352354

Gặp Gỡ: Thành Sự Tại Nhân

GẶP GỠ : “THÀNH SỰ TẠI NHÂN”

 

Gặp gỡ là cùng có mặt tại một không gian, là sự giáp mặt, tiếp xúc giữa những người thân quen hay cùng có một mối liên hệ nào đó. Vào Chúa Nhật IV Mùa Vọng C này, giáo hội khi dọn cho chúng ta bàn tiệc Lời Chúa, đặc biệt qua bài Tin mừng, muốn giới thiệu hai cuộc gặp gỡ. Một là giữa hai chị em Isave và Maria và hai là giữa Thai Nhi Giêsu với bà Isave và Thai nhi Gioan Tẩy giả. Đã nói đến sự gặp gỡ thì hàm ý có những hiệu quả tốt đẹp phát sinh. Qua cuộc gặp gỡ giữa hai bà mẹ cũng như hai thai nhi trên, hiệu quả tốt đẹp đã xảy ra. Bà Isave đầy ân sủng Thánh Thần, xác nhận sự diễm phúc của cô em Maria cũng như nói lên hồng ân mà trẻ bé Gioan Baotixita trong dạ của bà đang hưởng nhận. Chúng ta đừng quên cuộc gặp gỡ ấy cũng đem niềm vui cho cả nhà Giacaria, vì nay đã có người góp sức cho việc hạ sinh trẻ Gioan. Điều này được hé lộ khi Tin mừng tường thuật rằng Maria ở lại với gia đình Giacaria – Isave độ ba tháng mới trở về nhà mình ( Lc 1,56 ).

 

“Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ. Vô duyên đối diện bất tương phùng”. Câu đối của người xưa nhấn mạnh đến cái duyên, tức là phần số đã được trời sắp đặt, chuẩn bị, an bài từ trước, như là nguyên nhân chính làm nên sự gặp gỡ hay không gặp gỡ. Theo viễn kiến này, thì người ta cũng có thể nói như người xưa : “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên” hoặc như tác giả Thánh Vịnh : “Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công” ( Tv 126,1). Thế nhưng dưới cái nhìn của mạc khải thời Tân Ước, thì phải chăng chúng ta cũng có thể nói ngược lại : Mưu sự tại thiên. Thành sự tại nhân.

 

 

Mưu sự tại thiên : Thiên Chúa đã yêu thương, chọn gọi loài người từ ngàn xưa để ban cho con người hạnh phúc vĩnh cửu là thông phần sự sống với Người trong Con Một của Người là Đức Kitô. Thánh Phaolô đã trình bày ý định nhệm mầu này bằng bản thánh ca: “…Trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã chọn ta trước khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người. Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử, nhờ Đức Giêsu Kitô, để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Người ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu. Trong Thánh Tử, nhờ máu Thánh Tử đổ ra, chúng ta được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi, theo lượng ân sủng rất phong phú của Người…”( Eph 1,3-14).

 

Thánh ý của Thiên Chúa là ban cho thế gian chính Con Một dấu yêu, trong một thân xác cụ thể, làm dấu chỉ và làm phương thế cho sự gặp gỡ giữa Thiên Chúa với con người. Tác giả thư gửi tín hữu Do Thái đã nói : “Khi vào trần gian, Đức Kitô nói : Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa : Lạy Thiên Chúa, này đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con.” ( Dt 10,5-7 ).

 

Khi ban Người Con Một vào trần gian, Thiên Chúa muốn mạc khải cho biết nguồn gốc đích thực của mọi loài, cách riêng loài người chúng ta chính là Người, vị Thiên Chúa duy nhất đầy quyền năng đáng tôn thờ và cũng là người Cha đầy lòng thương xót đáng mến yêu trên hết mọi sự, đồng thời qua đó, mạc khải cho chúng ta biết mình là anh chị em với nhau, bất phân màu da, sắc tộc, ngôn ngữ…( x.Mt 5,9; 43-48  ). Nói một cách không sợ sai lầm rằng chúng ta đã biết một trong những nội hàm của “mưu sự tại thiên” : Đó là Thiên Chúa muốn mọi người gặp gỡ Người để được hạnh phúc và gặp gỡ nhau để sống tình huynh đệ.

 

 

Thành sự tại nhân : Chúng ta vốn quen với câu nói của thánh giáo phụ Augustinô : “Thiên Chúa dựng nên tôi không cần có tôi, nhưng Người không thể cứu tôi mà không cần có tôi.” Thánh giáo phụ vừa nói lên quyền năng cao cả của Thiên Chúa, vừa nói lên đường lối của Người, Đấng là Tình Yêu ( x.1Ga 4,8 ). Thiên Chúa đã thương ban cho loài người, hình ảnh của Người, có lý trí và ý chí tự do. Đây là hệ lụy tất yêu của tình yêu. Tình yêu đòi hỏi có sự ý thức và tự nguyện. Có thể dễ bị hiểu lầm là kiêu ngạo khi đề cao vai trò của nhân loại. Thế nhưng đó là một cách thế hành động của Thiên Chúa. Dù rằng đầy quyền năng và không có sự gì là không thể, nhưng Thiên Chúa lại muốn có sự tự do cộng tác của con người trong việc thi ân, cứu độ con người.

 

Để chuẩn bị một dân tuyển lựa, Thiên Chúa không bắt ép, nhưng mời gọi Abraham, một người chăn nuôi súc vật đã khá cao niên lên đường ( x. St 12,1-5 ). Để cho Ngôi Lời Nhập thể cứu đời, Thiên Chúa không ra chỉ thị mà lại ngỏ ý, đề nghị Maria, một thiếu nữ thôn dã cộng tác ( x. Lc 1,26-38 ). Khi công khai rao giảng tin mừng Chúa Giêsu thường lặp đi lặp lại câu nói : “Ai có tai để nghe thì hãy nghe !” ( Mt 11,15 ).

 

Điều gì cần có nơi phía loài người để thánh ý Thiên Chúa được thành sự ? Chúng ta có thể nhận ra đó là lòng thành và sự khiêm nhu trong một tâm hồn đầy lửa mến, khát khao sự thiện. Để cho thánh ý Thiên Chúa được thành hiện thực, nghĩa là có sự gặp gỡ thực sự giữa Thiên Chúa với con người, giữa con người với nhau, thì phía con người không thể thiếu :

 

 

-Một sự hướng thiện trong tình mến : Biết bao cuộc họp mặt giữa người với người, giữa vị đại diện quốc gia này với quốc gia kia mà vẫn chưa trở thành sự gặp gỡ, nghĩa là chưa mang lại kết quả. Trong nhiều lý do rất có thể có lý do là một trong hai phía chưa thực sự có tình yêu thương nhau hoặc chưa thực sự hướng thiện, nghĩa là tìm kiếm điều tốt trong chân lý.

 

-Một tấm lòng thành đầy sự khiêm nhu : Khi sinh thời, cách riêng trong quảng đời rao giảng công khai, Chúa Giêsu đã tiếp xúc rất nhiều người nhưng vẫn có đó không ít người chưa gặp gỡ Người mà trong số đó có nhiều người biệt phái, luật sĩ. Lý do chính yếu mà tin mừng tường thuật, đó là vì họ thiếu lòng thành và sự khiêm hạ. Họ là những người có tai mà không nghe, đúng hơn là không thèm nghe; có mắt mà không thấy, đúng hơn là không muốn thấy. Làm sao có sự gặp gỡ khi một phía cố tình bịt tai, che mắt ?

 

Trở lại với hai bà mẹ đang mang thai, một trẻ, một già là Isave và Maria. Tình yêu của của hai bà mẹ dành cho Thiên Chúa, cho con người đã quá rõ. Một người tuy như là bất hạnh trước người đời vì son sẻ mà vẫn kiên trung trong sự công chính trước mặt Thiên Chúa và không ai chê trách được điều gì ( x.Lc 1,6 ),  một người thì tràn trề ân sủng ( x. Lc 1,28 ), và cả hai đều đầy ơn Thánh Thần ( x. Lc 1,35; 41 ). Lòng thành và sự khiêm hạ của Maria đã rõ nét qua lời thưa xin vâng và lời ca Magnificat “Chúa đã đoái thương phận hèn tớ nữ…”( x. Lc 1,48 ). Bà Isave đã nhìn nhận tất cả là ơn Chúa “khi Người đã thương cất nỗi hổ nhục bà phải chịu trước mặt người đời.” ( Lc 1,25 ).

 

Thiên Chúa không chỉ muốn mà còn tìm mọi cách để gặp gỡ con người, đồng thời giúp con người gặp gỡ nhau. Thế nhưng trong vấn đề này, chúng ta có thể nói rằng “mưu sự tại thiên mà thành sự tại nhân” vậy.

 

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Thuận Hiếu – Ban Mê Thuột

 

 

 

 

SAO  VỘI  THẾ

 

Hồi ấy, bà Maria lên đường, vội vã đi lên miền núi.

Đố ai biết, tại sao Đức Maria lại vội vã đi lên miền núi?

 

Nhiều người sẽ cho rằng: Đức Maria là một người luôn nồng nàn tình bác ái trong tim. Khi hay tin, bà Isave,một cụ già ở cái tuổi thất thập, đã gần đến ngày sinh, Maria đã vội vã lên đường, tìm đến viếng thăm;

 

Nhưng cũng còn một giải đáp khác nữa, giải thích cho lý do vội vã này:

Nhận được lời mời truyền tin của sứ thần, cũng như sau lời fiat xin vâng của mình, có lẽ trong lòng Maria rộn rã lắm. Niềm hạnh phúc lạ lùng của một người phụ nữ lần đầu được làm mẹ. Sự lạ lùng ở đây, còn được tăng gấp đôi: Bởi Mẹ được thụ thai không phải như người thường, mà bởi quyền phép Đức Chúa Thánh Thần. Người Con mà Mẹ đang mang trong lòng, lạ lùng thay lại là Ngôi Hai  Thiên Chúa. Một niềm hạnh phúc lớn lao, không sao mà diễn tả. Niềm sướng vui phủ kín tâm hồn.

 

Có Chúa ở với mình là niềm hạnh phúc to lớn vô bờ. Với người phụ nữ, nắm giữ một niềm vui to lớn đến thế, thật khó có thể giấu kín. Hơn nữa, lại được nghe tin, người chị em lớn tuổi Isave sắp sinh, niềm vui càng dâng cao. Cái xu hướng được chia sẻ, càng mạnh mẽ thúc đẩy.

Maria muốn đưa Chúa đến với người chị em. Muốn đưa sự bình an đến cho người chị em.

Và quả thực đúng như thế. Vừa khi Đức Maria bước chân vào nhà và cất tiếng chào, thì thai nhi trong lòng bà Isave liền nhảy mừng rộn rã. Được Chúa đến thăm là niềm hạnh phúc vĩ đại nhất trong kiếp sống làm người.

Đã hết ba tuần chuẩn bị và đợi chờ. Chỉ còn một tuần lễ nữa là tới ngày kỷ niệm ngày Chúa Giáng sinh. Ngày Chúa đến thăm để cứu chuộc chúng ta.

Bào thai Gioan đang còn trong lòng mẹ đã rộn rã nhảy mừng, khi được Chúa viếng thăm. Chúa cũng đang muốn đến viếng thăm ta, lòng ta có thấy dạt dào sung sướng? Phận làm người của ta, chỉ là phận bụi tro yếu đuối, có nghĩa gì đâu trong đôi mắt Chúa. Vậy mà sao Chúa lại muốn đến viếng thăm. Niềm hạnh phúc không chỉ dừng lại có thế. Không chỉ đến viếng thăm, mà Ngài còn có ý đến để Cứu Độ, giải thoát chúng ta khỏi ách tội tình.

Chúa đang đến gần. Chúa đang đứng ngay trước cửa nhà bạn, ngay trước lối đi của linh hồn bạn, sao bạn cứ nhắm mắt, sao bạn cứ ngủ mê; Sao trái tim bạn vẫn cứ khô khốc vô tình; Không nhận ra sự thật to lớn sừng sững ấy? Hay mắt bạn đã mù lòa? Tâm hồn bạn đã chết khô?

Vui lên đi, rộn rã lên đi. Hãy bắt chước Gioan mà nhảy mừng. Nhảy kiểu nào cũng được. Bởi Chúa đang đến, không phải với ai khác, mà Chúa đến với bạn. Chúa đến thăm bạn, và để cứu độ linh hồn và thân xác bạn. Vui lên nhé.

 

1- Tại sao Đức Mẹ lại vội vã ra đi?

2- Bạn đang chuẩn bị gì, khi Chúa sắp viếng thăm?

 

Lm. Đỗ Xuân Thiêm

 

 

 

 

MARIA, MẪU GƯƠNG CAO QUÝ

 

Lễ Giáng Sinh đã gần kề, bốn tuần đợi chờ và chuẩn bị của Mùa Vọng đã đến hồi kết thúc. Nội dung các bài đọc hôm nay chứa đựng một ‘mầm sống’ thật cao quý diệu kỳ, khiến phàm nhân được phấn khởi mừng vui: Đấng Cứu Thế đang ngự đến! “Phần ngươi, hỡi Bêlem Ep-ra-tha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giuđa; từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống trị It-ra-en” (Mika 5, 1).

 

Để đón nhận mầu nhiệm Thiên Chúa làm người với lòng xác tín, phụng vụ hôm nay cho chúng ta cơ hội gặp gỡ một nhân vật vô cùng quan trọng trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa dành cho loài người. Đó là Maria, một người thiếu nữ Do Thái khiêm nhu, được Thiên Chúa chọn làm mẹ Đấng Cứu Thế - vì ngoài Mẹ ra, không một ai có thể giúp chúng ta hiểu thấu được mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa giáng trần như Mẹ. Chuyến viếng thăm bà chị họ Êlizabeth không chỉ là một sự gặp gỡ bình thường giữa hai người đàn bà đang thời kỳ thai nghén – để cùng chia vui và thông cảm với nhau; nhưng đây là một cuộc gặp gỡ có tính cách lịch sử, vừa nói lên niềm tin đầy xác tín của hai chị em và vừa nói đến tình bằng hữu và yêu thương giữa hai người. Hơn thế nữa, cuộc gặp gỡ đặc biệt này tiên báo một cách công khai cho mọi người về Ngôi Hai Cứu Thế và vị Tiền Hô của Ngài sẽ xuất hiện để dọn đường cho Người. Khi chào đón Maria, Êlizabeth đã xác tín rằng: bào thai trong lòng người em họ của mình chính là Giêsu, hình ảnh của Thượng Đế vô hình, khiến bà phải thốt lên: “Tại sao tôi được diễm phúc khi được Mẹ của Thiên Chúa đến viếng thăm tôi” (Luca 1, 43). Từ trong lòng mẹ, hài nhi Giêsu được đón tiếp tại nhà của Êlizabeth một cách nồng ấm, trịnh trọng và thân thương – hoàn toàn trái ngược với bầu khí lạnh lẽo, đơn hèn và cô quạnh giữa đêm khuya nơi đồng vắng, không một ai ngó ngàng và ngay cả quán trọ cũng khước từ  và chính vì thế, Con Thiên Chúa đành phải hạ sinh chốn hang lừa giữa đêm đông giá rét.

 

Cuộc hành trình dương thế của Mẹ Maria đã trải qua muôn màu muôn vẻ của kiếp người và đã để lại cho chúng ta một tấm gương trong sáng và một bí quyết trọn hảo nhất – để chuẩn bị cho Chúa Cứu Thế ngự đến. Mẹ đã cưu mang Ngài như ấp ủ một món quà quý báu linh thiêng để ban tặng cho nhân loại đang bị quằn quại trong khổ đau và cần được giải cứu. Chúng ta cũng vậy, hãy noi theo tấm gương của Mẹ và thực  hành bí quyết của Mẹ để đón nhận Con Thiên Chúa và mang Ngài đến cho trần đời như vậy. Cuộc sống của chúng ta chính là biểu tượng sống động nhất để chứng minh về sự hiện diện hữu hình của Thiên Chúa giữa lòng đời – đặc biệt khi chúng ta thánh hiến cuộc sống của mình để phụng sự Thiên Chúa, đồng thời dấn thân để yêu thương và phục vụ anh chị em đồng loại.

 

Mùa Giáng sinh là thời điểm thuận lợi nhất để thực hiện sứ mạng đó – bắt đầu từ mái ấm gia đình của chúng ta. Cha mẹ và con cái cùng chung chia niềm vui thánh thiện này với tình thương yêu tha thứ, cầu nguyện cho nhau trong Thánh lễ Giáng sinh, hầu mọi người có cơ hội giao cảm với nhau và với Thiên Chúa. Được như thế, chắc chắn Hài nhi Giêsu sẽ đón nhận của lễ chúng ta dâng và chúc lành cho mọi người và từng người trong ngày Sinh nhật của Ngài. Đây cũng là cơ hội để mọi người sum họp với nhau quanh bàn tiệc gia đình, thức ăn của uống và bầu khí rộn rã tươi vui của ngày lễ sẽ lôi kéo mọi người xích lại gần nhau hơn - để thương mến nhau hơn. Lễ Giáng sinh phải là ngày trọng đại có sức mạnh đốt lên ngọn lửa yêu thương – để liên kết mọi người nên một, hiệp thông với nhau trong sự hiển hiện của Đấng Cứu độ trần gian… Khi mừng Sinh nhật của Ngài, chúng ta không thể quên được hoàn cảnh thiếu thốn khổ đau mà Đấng Cứu Thế phải đối đầu ngay khi lọt lòng mẹ. Ngài đã sinh ra trong một thế giới đầy hỗn loạn và khổ đau… hơn nữa, Vị Cứu Tinh nhân loại đã phải sinh ra trong một túp lều hôi hám nghèo nàn – nơi chiên bò trú ngụ và được xếp vào hạng bần cùng của xã hội loài người vì chúng ta.

 

Mọi sự chuẩn bị bên ngoài trong dịp đại lễ này sẽ trở nên hoàn toàn trống rỗng và vô ích, nếu Đấng Cứu Chuộc không được sinh ra nơi tâm hồn của mỗi người chúng ta. Tất cả mọi của lễ chúng ta dâng lên Thiên Chúa và chia sẻ với đồng loại sẽ trở thành vô nghĩa, nếu chúng ta chỉ làm để phô trương và chiếu lệ! Xin đừng quên rằng mọi việc phụng thờ phải được cử hành một cách khiêm cung và sốt sắng – sự hiện diện của mỗi chúng ta trong cộng đồng phụng vụ phải phản ánh được mọi chiều kích của lòng bác ái yêu thương, và những việc làm đó phải được chứng minh cụ thể bằng hành động trong cuộc sống hàng ngày với tha nhân.

 

Như Mẹ Maria, tất cả chúng ta được mời gọi để chu toàn Thánh ý của Thiên Chúa qua việc hiến thân trọn đời mình để phục vụ… Chẳng hạn vào dịp lễ Giáng sinh năm nay, một người láng giềng hoặc một người bạn thân của chúng ta phải vào bệnh viện, không có cơ hội để đoàn tụ với gia đình, hoặc một người thân bị tai nạn bất ngờ… hãy cầu nguyện cho họ và dành thời gian để viếng thăm chăm sóc; cũng có thể sẽ có những kẻ khốn cùng xin ở trọ qua đêm dưới mái hiên nhà của bạn… hãy đón tiếp và giúp đỡ an ủi họ! Trong những hoàn cảnh đó, một lời cầu nguyện, một chuyến viếng thăm, một câu an ủi hỏi han được biểu lộ trong tình thân thương mến của Mẹ Maria dành cho Elizabeth, chắc chắn sẽ  sưởi ấm được nỗi cô đơn của đêm dài bệnh viện, xoa dịu được niềm đau mất mát một người thân và trở nên chỗ dựa cho kẻ khốn cùng… Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta, chúng ta hãy noi gương Ngài để yêu mến và chăm sóc lẫn nhau.

  

Món quà Giáng Sinh của năm nay tuy nhỏ bé đơn sơ, nhưng chắc chắn sẽ được Thiên Chúa chấp nận và thánh hóa. Món quà đó chính là trái tim đầy nhựa sống yêu thương và phục vụ để chu toàn Thánh ý của Thiên Chúa giữa lòng đời – như Mẹ Maria đã thực hiện một cách vuông tròn trong suốt cuộc đời của Mẹ: “Lạy Chúa, này con đây, con xin đến để thực thi ý Chúa!” (Do Thái 10, 7-9)

 

Lm. Francis Trần Phương

home Mục lục Lưu trữ