Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 52

Tổng truy cập: 1361946

GIA ĐÌNH BA NGÔI THIÊN CHÚA

GIA ĐÌNH YÊU THƯƠNG LÀ HÌNH ẢNH

GIA ĐÌNH BA NGÔI THIÊN CHÚA.

Trong đoạn Tông thư Thánh Phaolô có lời cầu chúc: "Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô Chúa Chúng ta và tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em" là một lời mạc khải xác quyết của Ngài về gia đình đầy ân sủng của Chúa Ba Ngôi, trong đó có Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Mầu nhiệm về Thiên Chúa duy nhất đồng một bản thể nhưng có Ba Ngôi riêng biệt và hành động khác nhau đã được các Thánh Tông Đồ tuyên tín ngay trong thời khơi dựng Giáo Hội qua kinh Tin kính. "Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng dựng nên trời đất muôn vật. Tôi tin kính Chúa Giêsu Kitô Con một Đức Chúa Cha, xuống thế làm người, chịu chết chuộc tội cho thiên hạ. Tôi tin kính Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa, là Đấng ban sự sồng...". Chúng ta cũng tin như thế vì thế giá của chính Chúa Giêsu Ngôi Hai Thiên Chúa đã nói cho chúng ta biết về Chúa Ba ngôi. Chúng ta cũng tin như thế vì thế giá của các thánh Tổ Phụ và các thánh khác đã được Chúa mạc khải cho. Thánh Augustinô dạy: "Màu nhiệm Chúa Ba ngôi chỉ có thể hiểu được khi chúng ta được hợp nhất với Chúa trên thiên đàng".

Thánh Augustinô là vị đại thánh Tiến Sỹ của Giáo Hội, ngài đã suy nghĩ và tìm hiểu để dạy cho mọi người biết về Chúa Ba Ngôi thế nào khi ngài đi bách bộ trên bờ biển. Chúa đã sai một Thiên Thần nhỏ đến nơi ngài đang suy niệm, lấy con sò múc nước biển đổ vào lỗ con dã tràng đào trên cát. Augustinô thấy em làm việc các thích thú, nhưng có vẻ kỳ ngộ đối với ngài, nên ngài đến hỏi em:

- Em làm việc gì mà ngộ thế? Em trả lời:

- Cháu có ước vọng tát cạn nước biển khơi bằng cách múc nước đổ vào lỗ con dã tràng này.

- Không được đâu em, biển thì rộng bao la, nước biển thì dạt dào mà lỗ dã tràng thì nhỏ bé, làm sao tát cạn được biển. Thiên thần nhỏ trả lời:

- Cháu nghĩ cháu có thể làm được việc này và tát cạn được nước biển cách dễ dàng hơn điều ngài đang suy luận trong lòng về Thiên Chúa Ba ngôi nữa.

Nói rồi Thiên Thần biến đi và lời đó đánh thức ngài về với thực tại con người. "Tát cạn nước biển còn dễ hơn việc suy về Chúa Ba ngôi", và ngài đã kết luận: "Thiên Chúa Ba ngôi là một màu nhiệm chỉ có thể hiểu đủ khi ta được về trời". Tuy nhiên ngài cũng dùng nhiều thí dụ cụ thể để giải đáp những thắc mắc theo trí óc loài người. Ngài diễn tả sự DUY NHẤT của Thiên Chúa Ba Ngôi như một hình tam giác đều với đầy đủ mọi đặc tính như nhau và bằng nhau của toán học.

Ngài cũng dùng ngọn đèn cầy để diễn tả TÁC ĐỘNG RIÊNG của mỗi Ngôi: Ngọn lửa nguồn chính, là Chúa Cha phát sinh ra ánh sáng là Chúa Con để cứu người ta khỏi ngồi trong bóng tối tội lỗi. Ngọn lửa cũng đem hơi ấm là Thánh Thần để thánh hóa, sưởi ấm mọi cõi lòng cô lạnh. Cả ba hành động khác nhau nhưng cũng do một nguồn là ngọn lữa.

Ta cũng có thể diễn tả sự NHẤT TRÍ và HÒA HỌP của Chúa Ba Ngôi trong tư tưởng và hành động như người chơi dương cầm: Cây đàn là Chúa Cha hợp với năng khiếu, tài khéo của đôi tay là Chúa Con để dệt lên những cung điệu nhịp nhàng thánh thót là sự sống động của Chúa Thánh thần, làm thỏa lòng người nghe. Tuy ba hành động khác nhau nhưng cả ba đều hợp nhất trong hành động, đều hòa hợp trong việc làm. Chính sự hợp nhất và hòa đồng ấy mà Thiên Chúa Ba Ngôi cảm thấy mình hạnh phúc không chi sánh bằng, một hạnh phúc bất tận và miên trường trong sự trường cửu của Ngài.

Thánh Phaolô đã cảm khoái được sự hợp nhất yêu thương này nơi Thiên Chúa nên ngài khuyên chúng ta: "Anh chị em hãy khuyến khích nhau, hãy đồng tâm nhất trí, hãy hòa thuận với nhau thì Thiên Chúa, nguồn sự bình an hạnh phúc sẽ ở với anh chị em" (2 Cr 13:12). Gia đình Chúa Ba Ngôi là một gương mẫu yêu thương, hòa thuận và nhất trí. Chúng ta cũng hãy gắng tạo cho gia đình chúng ta nên một gia đình nhất trí trong yêu thương và trong che chờ đùm bọc như vậy.

Một trong những ngăn trở dễ phá vỡ hạnh phúc gia đình, tôi muốn lưu ý anh chị em là sự khó chịu buồn bực do bạn bè, do chủ hãng, do sở làm, do nhà trường, do hoàn cảnh giao tế xã hội... Tạo nên cho mình rồi khi về nhà không gạt bỏ, không để nó ở ngoài cửa, mà đem về trút đổ trên con cái, trên vợ chồng... Gây khó khăn cho nhau, làm mất đi bầu khí hạnh phúc gia đình. Chớ gì khi về nhà chúng ta chỉ sồng cái bầu khí của gia đình: yêu thương, chia sẻ, nâng đỡ, an ủi nhau.... Đó là hình ảnh của gia đình Ba Ngôi Thiên Chúa, duy nhất, thánh thiện, nhất trí và yêu thương.

Nguyện xin Chúa Ba Ngôi soi dẫn trí lòng mỗi người trong gia đình chúng con, biết sồng đúng địa vị trong nhà, biết hợp lòng nhất trí với nhau trong tư tưởng và hành động để chúng con trở nên một gia đình hạnh phúc, nên hiện thân của Gia đình Ba Ngôi Thiên Chúa giữa trần gian. Amen.

 

18.Con đường sống

Chính Chúa Giêsu Kitô đã nhiều lần trong dạy chúng ta biết có Một Chúa Ba Ngôi như khi Ngài nói: “Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha,chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1,18). Và về Chúa Thánh Thần: “Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy” (Ga 15,26).

Mọi giáo huấn về Thiên Chúa đều chứa đựng nơi con người của Đức Giêsu Kitô, vì thế, tin vào Chúa Kitô cũng có nghĩa là tin vào Chúa Ba Ngôi. Ai đến với Chúa Kitô thì cũng đến với Chúa Cha, nhờ ơn Chúa Thánh Thần. Thật vậy, kẻ nào tin vào Đức Giêsu Kitô thì gắn bó cuộc đời mình với Người, là chia sẻ số phận tử nạn và phục sinh của Người, là bước vào đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Là Kitô hữu, chúng ta chỉ có một con đường để chọn lựa: tin hoặc không tin. Tin chính là đáp trả lại lời mời gọi của Thiên Chúa trong yêu thương. Trong khi mỗi người chúng ta không có khả năng tin Thiên Chúa, nếu Chúa Cha không lôi kéo chúng ta đến với Đức Giêsu Kitô, qua ơn trợ lực của Chúa Thánh Thần. Cần luôn cầu xin Chúa Thánh Thần ban ơn giúp sức cho chúng ta, trong mỗi quyết định được lập đi lập lại hằng ngày trong cuộc đời, vì sự yếu đuối của chúng ta. Quyết định nào cũng đòi hỏi phải có tự do mà đây chính là một sự chọn lựa sống còn của mỗi người. Và hệ luận của của sự chọn lựa nầy dẫn đến hạnh phúc hay án phạt muôn đời. Bởi vì Chúa Giêsu nói: “Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa” (Ga 3,18). Tin vào Chúa Giêsu Kitô, qua Hội Thánh của Người, đó chính là con đường sống cho mỗi người chúng ta.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta được ngoan ngùy theo ơn Chúa Thánh Thần soi sáng, để chọn cho mình con đường sống, là tin vào Đức Giêsu Kitô, sống gắn bó với Người, để được kết hợp bây giờ và mãi mãi với Chúa Ba Ngôi là Tình Yêu, là Nguồn Sống, là Bình an đích thực cho cuộc đời chúng ta. Amen.

 

19.Suối nguồn tình yêu

(Suy niệm của Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)

Có người nói rằng: Nếu có ai nói với tôi “xin hãy cho biết Thiên Chúa là thế nào?”, tôi sẽ bảo người đó: “Hãy yêu thương anh em nhiều hơn. Tình yêu sẽ nói cho bạn biết Thiên Chúa là thế nào?”

Thực vậy, Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu của Ngài được tỏ bày qua Ba Ngôi Vị: Ngôi Cha – Ngôi Con – Và Thánh Thần. Ba Ngôi trong một Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu ấy được tuôn chảy đến con người qua tạo dựng – cứu chuộc và thánh hóa con người. Tình yêu ấy mãi chung thủy với con người dù cho con người có yếu đuối, phản bội hay quay lưng lại với tình yêu của Ngài. Vì bản chất của Ngài là tình yêu. Bởi thế ai yêu thương thì có thể biết Thiên Chúa, có thể sống trong Nước Thiên Chúa và hưởng được hạnh phúc của Thiên Chúa. Càng yêu thương thì càng giống Thiên Chúa ; ngược lại càng ít yêu thương thì càng khác với Thiên Chúa.

Câu chuyện về thánh Maximilien Kolbe như là chứng tích cho tình yêu Thiên Chúa vẫn đang được hiện tại hóa qua các nhân chứng của Ngài.

Cha thánh Maximilien Kolbe thụ phong linh mục năm 1918 Cha bị Đức Quốc Xã bắt ngày 17.2.1941 và bị giam tại trại tập trung Auschwitz.

Đây là một nhà tù hãi hùng nhất bao gồm mọi hình phạt và kỷ luật sắt ghê gớm, độc ác dành cho các tù nhân. Mỗi tù nhân không còn được mang tên mình, thay vào đó là những con số. Cha Maximilien Kolbe mang số tù binh là 16.670. Tại nhà tù này, Đức quốc xã đưa ra một quy định hết sức oan nghiệt: Nếu có một tù nhân trốn trại, thì mười người khác phải chết thay. Rất nhiều tù nhân là nạn nhân của thứ luật lệ hãi hùng này. Cha Maximilien Kolbe cũng trở thành một trong những nạn nhân ấy.

Đó là một buổi chiều tháng 8.1941, một người tù đã vượt ngục thành công. Thế là mười người khác bị chỉ định chết thay cho anh. Trong số mười người này có anh lính Gajowniczek. Anh kêu khóc thảm thiết vì anh còn mẹ già, còn vợ, còn con thơ không ai nuôi dưỡng.

Trước thảm cảnh đó, vì lòng yêu mến Chúa, yêu thương con người, Cha Maximilien Kolbe đứng ra xin được chết thế cho anh lính tội nghiệp kia. Được chấp nhận, Cha cùng đoàn tử tù bước vào phòng hơi ngạt số 14.

Hôm sau, người ta mở cửa phòng để lôi xác ra ngoài, nhưng Cha Maximilien Kolbe còn thoi thóp, người ta chích cho Cha một mũi thuốc ân huệ. Cha tắt thở đúng vào chiều ngày áp lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời 14.8.1941.

Trong buổi đại lễ, Đức Thánh Cha Phaolô VI tôn phong chân phước Maximilien Kolbe lên bậc hiển thánh, có một cụ già đáng kính trong đoàn người dâng lễ vật, được Đấng đại diện Chúa ôm hôn. Đó chính là người tù được cha thánh chết thay. Trong giây phút trang trọng ấy, toàn thể cộng đoàn sốt sắng hát vang khúc tình ca: “không có tình yêu nào trọng đại cho bằng chết vì yêu”. Đây là một chứng tích tình yêu cao vời khiến mọi người hiện diện đều xúc động và rơi lệ.

Tình yêu sẽ làm nên muôn điều kỳ diệu. Tình yêu sẽ thúc bách con người thi thố cho nhau những nghĩa cử cao thượng. Nhất là tình yêu trong Thiên Chúa sẽ giúp con người đi đến cùng của yêu thương. Vì yêu Thiên Chúa mà con người đón nhận nhau trong tôn trọng và yêu thương. Vì yêu Thiên Chúa mà con người chẳng quản ngại hy sinh để chia sẻ buồn vui với nhau, để nâng đỡ và cảm thông với nhau. Vì yêu Thiên Chúa mà con người chấp nhận chung sống hòa bình với nhau.

Chấp nhận sống trong tình yêu là con người đang họa lại chân dung tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa cho anh em. Chấp nhận để cho tình yêu Thiên Chúa dẫn dắt là con người đang sống liên kết với tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa như cành liền cây để có thể đơm hoa kết trái.

Xin Chúa giúp chúng ta sau khi đã nhận ra tình yêu cả Ba Ngôi Thiên Chúa thì cũng biết sống tình yêu ấy cho anh em trong thế giới hôm nay. Amen.

 

20.Huyền nhiệm tình yêu – Lm Giuse Tạ Duy Tuyền

Thiên Chúa là tình yêu. Đó là chân lý, là lời khẳng định của thánh Gioan Tông đồ được ghi lại trong sách Tin Mừng. Thực vậy, sách Tin mừng được xem là lá thư mà Thiên Chúa đã tỏ tình với con người qua suốt dọc dài lịch sử của ơn cứu độ. Tình yêu đó được tỏ bày qua từng biến cố của dòng đời để dần dà với thời gian con người mới khám phá ra tình yêu của một vì Thiên Chúa nhưng được thực hiện qua 3 cách thức khác nhau. Ngài đã tỏ mình là một vì Thiên Chúa là Cha qua công trình sáng tạo vũ trụ vạn vật và Ngài còn tiếp tục thi thố tình thương đó qua sự quan phòng đầy kỳ diệu của quyền năng Thiên Chúa. Ngài đã tỏ tình yêu của mình qua Ngôi Hai Thiên Chúa mang lấy thân phận con người để có thể cùng chia sẻ những thăng trầm nổi trôi của cuộc sống con người. Ngôi Hai Thiên Chúa đã ghi dấu tình yêu vĩnh cửu của mình qua cái chết thập tự giá để nói lên một tình yêu vô bờ bến mà Ngài dành cho con người. Vì "không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người dám thí mạng sống vì người mình yêu". Với Ngôi Ba Thiên Chúa, tình yêu của Ngài luôn đầy tràn trong cuộc đời các tín hữu để thánh hoá con người làm con cái Thiên Chúa và trở thành đền thờ cho Ba Ngôi Thiên Chúa ngự trị.

Mừng lễ Chúa Ba Ngôi, là dịp để chúng ta tạ ơn tình thương của Chúa vẫn luôn bao phủ trên cuộc đời chúng ta. Chúa cho chúng ta được sinh ra làm người và làm con cái Thiên Chúa. Chúa luôn quan phòng gìn giữ chở che cuộc đời chúng ta "như con ngươi trong mắt Ngài". Chúa biết rõ từng cuộc đời chúng ta như mục tử biết từng con chiên. Chúa vẫn ngàn đời tín trung với tình yêu ban đầu, vì cho dầu "như người cha người mẹ có bỏ con cái, còn Ta cũng không bao giờ bỏ các ngươi". Tình thương đó Chúa muốn mời gọi chúng ta đón nhận với lòng tri ân và cũng biết trao lại tình yêu đó cho tha nhân. Vâng, có lẽ, điều Chúa muốn nơi chúng ta chính là hãy hoạ lại chân dung tình yêu của Chúa cho anh em. Vì con người là "hoạ ảnh của Chúa", nên con người phải biết sống yêu thương. Yêu thương sẽ làm chúng ta giống Chúa hơn. Yêu thương sẽ giúp chúng ta sống hoàn thiện con người mình hơn. Chính tình yêu phục vụ tha nhân sẽ là cách chúng ta đáp đền tình yêu mà Thiên Chúa đã dành cho chúng ta.

Người ta kể rằng: Ngày kia, tại một ngôi làng nhỏ ở Miền Nam Trung Quốc, một em bé gái tiều tụy, đói rách và mang bệnh phong hủi bị dân làng dùng gậy gộc và gạch đá xua đuổi ra khỏi nơi chôn nhau cắt rốn của em.

Giữa cảnh hỗn loạn ấy, một nhà truyền giáo xông ra ẵm em bé trên tay để bảo vệ em khỏi những trận đòn và những viên gạch đá ném bừa bãi vào tấm thân bé bỏng của em.

Thấy có người mang em bé đi, dân làng mới chịu rút lui, nhưng miệng vẫn còn gào thét: "Phong hủi! Phong hủi!"

Với những giọt nước mắt lăn tròn trên đôi má, lần này là những giọt nước mắt vui mừng chứ không phải là những giọt lệ sầu đau, em bé hỏi vị cứu tinh của mình:

- Tại sao ông lại lo lắng cho con?

Nhà truyền giáo đáp:

- Vì Ông Trời đã tạo dựng nên cả hai chúng ta. Và cũng vì thế em sẽ là em bé gái của ta và ta sẽ là người anh lớn của em bé.

Suy nghĩ hồi lâu, em bé cất tiếng hỏi:

- Con có thể làm gì để tỏ lòng biết ơn sự cứu giúp của ông?

Nhà truyền giáo mỉm cười đáp:

- Con hãy trao tặng cho những người khác tình yêu của con, càng nhiều càng tốt.

Kể từ ngày ấy cho đến ba năm sau, khi em bé gái tắt hơi thở cuối cùng, em đã vui vẻ băng bó các vết thương cho những bệnh nhân khác, ân cần đút cơm cho họ, nhất là em luôn tỏ ra dễ thương và yêu mến tất cả mọi người trong trại.

Lúc từ giã cõi đời, em bé chỉ mới tròn mười một tuổi. Các bệnh nhân đã từng chung sống với em kháo láo với nhau rằng:

- "Bầu trời nhỏ bé của chúng ta đã về trời!"

Vâng, con hãy trao tặng cho người khác tình yêu của con phải chăng cũng là sứ điệp mà lễ Chúa Ba Ngôi mời gọi chúng ta? Hãy sống cho tha nhân. Hãy trao tặng cho nhau một nụ cười cảm thông. Một cái bắt tay thân mật. Một nghĩa cử bác ái đầy tình người. Hãy sống cho anh em của mình một cách quảng đại. Hãy là chứng nhân cho tình yêu của Chúa giữa một thế giới mà con người đang xa dần nhau vì quyền lợi bản thân, vì bon chen và hưởng thụ. Hãy giới thiệu cho nhân thế một tình yêu tinh ròng không bị hoen ố bởi những toan tính ích kỷ, tầm thường. Hãy giới thiệu cho thế giới một tình yêu hy sinh đến quên cả chính mình cho người mình yêu được hạnh phúc.

Nguyện xin Chúa Ba Ngôi là suối nguồn tình yêu dẫn chúng ta đi sâu vào huyền nhiệm tình yêu của Chúa để chính chúng ta cũng biết thở ra hơi ấm tình thương cho anh em của mình. Amen.

 

21.Nguyên mẫu tình yêu Kitô hữu

(Suy niệm của Lm. Giuse Phạm Thanh Minh)

“Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ tôn vinh Thầy.

Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy”

Hôm nay, Giáo Hội mừng kính lễ Thiên Chúa Ba Ngôi, một mầu nhiệm trung tâm và nền tảng của đức tin Kitô giáo. Đây chính là nguồn mạch các mầu nhiệm khác của đức tin và là ánh sáng chiếu soi các mầu nhiệm ấy. Đây là giáo huấn căn bản nhất và chủ yếu nhất trong phẩm trật các chân lý của đức tin (GLCG, 234). Vì thế, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi vừa là mầu nhiệm đức tin, vừa là mầu nhiệm Tình yêu, và là nguyên mẫu Tình yêu của đời sống Kitô hữu.

I. Thiên Chúa Ba Ngôi - Mầu nhiệm đức tin:

Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm cao siêu, vô cùng sâu thẳm, vượt xa tầm hiểu biết của trí khôn con người. Bao nhiêu cắt nghĩa, bao nhiêu bài giảng, bao nhiêu cuốn sách viết về mầu nhiệm này, tất cả đều mang tính giới hạn.

Tuy rằng, Thiên Chúa Ba Ngôi không ai thấy, nhưng Ngài thật sự hiện hữu và hoạt động trong đời sống kiếp nhân sinh. Bởi vì, chắc chắn Thiên Chúa đã để lại những dấu vết nào đó về thực thể Ba Ngôi trong công trình tạo dựng và trong việc Ngài mặc khải suốt dòng lịch sử cứu độ.

Trong hành trình sáng tạo, Ba Ngôi luôn hiện diện: Thần Khí bay là là trên mặt nước, Chúa Cha phán một Lời thì vạn vật và con người được hoàn thành (x.St 1,1-2). Ba Ngôi còn đồng hành và hiện diện với dân của Người: Hình ảnh Ba vị viếng thăm tổ phụ Abraham và Sara (x.St 18,1-14) cuộc viếng thăm đã sinh hoa kết trái và tràn đầy ân sủng xuống trên nhân loại, như là sự ân cần của Thiên Chúa với con người.

Nhưng chúng ta chỉ có thể biết được mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi nhờ Chúa Giêsu mạc khải.

Sự hợp nhất của Ba Ngôi đã được các Tin Mừng ghi lại khi Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan bắt đầu sứ mạng, bầu trời mở ra với tiếng Chúa Cha phán cùng sự hiện diện của Chúa Thánh Thần dưới hình ảnh chim bồ câu: “Khi Đức Giêsu chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì kìa các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu ngự trên Người. Và kìa có tiếng từ trời phán: “Đây là con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (x.Mt 3,16-17; Mc 1,9-11; Lc 3,21-22). Đó là dấu chỉ mà Gioan Tẩy Giả phán quyết về Đấng Messia. Đấng đó được xác định nơi đầu Tin Mừng thứ tư: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta”.

Trong bữa Tiệc Ly, Chúa nói với các môn đệ là Ngài sẽ về với Chúa Cha, và có đi như vậy, thì Chúa Cha mới nhân danh Thầy sai Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần đến dạy dỗ anh em mọi điều để anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã truyền cho anh em, và hướng dẫn anh em đến chân lý vẹn toàn. Từ đó, các môn đệ khám phá và nhận ra chân lý sẽ là con đường sáng, là quy tắc nội tâm của cuộc đời.

Chính Chúa Thánh Thần không mang lại một mạc khải mới, nhưng chỉ liên tục giải thích mạc khải của Đức Kitô, để không ngừng soi chiếu các biến cố của thời đại. Ngài đón nhận tất cả từ Đức Kitô, cũng như Đức Kitô cũng đã đón nhận mọi sự từ Chúa Cha. Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Tất cả những gì Chúa Cha có đều là của Thầy. Chúa Thánh Thần sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan báo cho các con.”

Lời khẳng định này của Đức Giêsu Kitô giúp chúng ta hiểu phần nào mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Nơi Thiên Chúa Ba Ngôi luôn là duy nhất và hiệp nhất. Chúa Giêsu đón nhận từ Chúa Cha, không làm gì khác với ý định của Chúa Cha. Chúa Thánh Thần cũng không tự mình mà nói, nhưng nghe những gì thì nói như vậy. Ngài chỉ soi sáng để con người hiểu biết những gì Chúa Giêsu đã mạc khải. Ba Ngôi hiệp nhất và là một, từ trong ý định đến hành động.

Như thế, Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là nền tảng cản bản của niềm tin Kitô giáo. Chính vì thế, đời sống đức tin của mỗi Kitô hữu trong Giáo Hội phải quy chiếu về sự hiệp nhất của Thiên Chúa Ba Ngôi, mà Chúa Giêsu bày tỏ cho chúng ta biết là mầu nhiệm thẳm sâu của Thiên Chúa, để chúng ta tin trọn vẹn vào mối tương quan thẳm sâu giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh thần.

II. Thiên Chúa Ba Ngôi - Mầu nhiệm tình yêu:

Qua những lời mạc khải của Chúa Giêsu về Ba Ngôi Thiên Chúa, chúng ta nhận thấy mối dây liên kết mật thiết giữa Ba Ngôi là một mối tương quan tình yêu. Nên khi tông đô Philipphê tha thiết được xem thấy Chúa Cha, Chúa Giêsu trả lời: “Ai thấy Thầy là thấy Cha, anh không tin rằng Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em không phải tự Thầy nói ra, nhưng Chúa Cha, Đấng ở trong Thầy chính Người làm những việc của mình”.

Chúa Giêsu cũng báo trước về mối liên hệ mật thiết giữa Ngài với Chúa Thánh Thần: “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em đến sự thật trọn vẹn. Người sẽ tôn vinh Thầy vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em”.

Từ mạc khải ấy, chúng ta biết rằng Ba Ngôi hiệp nhất trong tình yêu và thông chuyển tình yêu tuyệt vời đó cho nhân loại. Như Đức Kitô đã mặc khải cho nhân loại khi Ngài nói với Nicôđêmô trong Tin Mừng hôm nay: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3,16-17).

Vì thế, cộng đoàn chúng ta phải biết đón nhận tình yêu trao hiến giữa Ba Ngôi Thiên Chúa, để chúng ta được chính Thiên Chúa đưa vào sống tình yêu ấy và biết mở lòng sống tình yêu ấy với Ba Ngôi Thiên Chúa.

III. Thiên Chúa Ba Ngôi – Nguyên mẫu tình yêu của Kitô hữu

Bản chất của Thiên Chúa là tình yêu cứu độ. Tất cả mạc khải được trình bày trong Kinh Thánh đều là các hình thức thể hiện khác nhau về duy nhất một tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại. Do đó, suy niệm mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa, chúng ta được mời gọi sống tham dự vào sự hiệp nhất của nguyên mẫu tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Đời sống của người Kitô hữu phải quy chiếu vào nguyên mẫu tình yêu của Thiên Chúa để sống niềm tin yêu của mình đối với Thiên Chúa và yêu mến tha nhân. Đối với Thiên Chúa, người Kitô hữu phải quyết tâm sống tương quan mật thiết với Chúa Giêsu nơi Bí tích Thánh Thể để Thánh Thần tình yêu Ngôi Ba đưa chúng ta vào sống mối hiệp nhất giữa Cha, Con và Thánh Thần. Chúng ta cũng để cho Thánh Thần tình yêu Ngôi Ba mở lòng chúng ta thể hiện tấm lòng hiếu thảo, tâm tình tạ ơn thờ phượng, mến yêu và tín thác vào Chúa. Vì Thiên Chúa Ba Ngôi là phần thưởng cánh chung cho người Kitô hữu, đồng thời chúng ta đi vào mối tương quan với anh chị em để yêu thương phục vụ và hòa giải với nhau để được hiệp thông nên một trong tình yêu Ba Ngôi: Cha, Con, Thánh Thần. Cụ thể như trong đời sống người tín hữu, sống mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi trong bối cảnh hôn nhân gia đình đó chính là tạo nên những mối tương quan thuận thảo, yêu thương, hiếu nghĩa giữa các thành viên. Một cộng đoàn giáo xứ sống mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là sống hiệp thông bác ái huynh đệ. Mặc dù, cộng đoàn bao gồm nhiều thành phần đa dạng nhưng đều là chi thể của thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô.

Nhờ Bí tích Thánh Tẩy, chúng ta được đi vào cung lòng Ba Ngôi Thiên Chúa, được bình an trong Chúa, được Chúa Thánh Thần ban tặng tình yêu của Thiên Chúa Cha. Nhờ đó, chúng ta được trở nên con cái Thiên Chúa và được hưởng gia nghiệp nước Trời mà Chúa hứa ban cho những tín hữu luôn tín thác vào tình yêu và lòng thương xót của Chúa. Amen.

 

22.Thiên Chúa đã ban Con Một

(Suy niệm của Lm. Trầm Phúc)

Hôm nay, Giáo Hội mời chúng ta tôn thờ Chúa Ba Ngôi cực thánh. Đó là mầu nhiệm lớn lao và căn bản của đạo Công giáo.Vì là mầu nhiệm, chúng ta không thể hỏi tại sao Ba Ngôi mà là một Thiên Chúa duy nhất. Đây là điều Thiên Chúa tỏ ra cho chúng ta qua Người Con Một là Chúa Giêsu. Đây là thực tại nơi Thiên Chúa, trí khôn loài người chúng ta không thể hiểu mà chỉ tin. Các nhà thần học đã tìm hết mọi cách để giải thích phần nào thôi nhưng cũng không thể nào thấu hiểu tường tận như chúng ta mong ước. Nhưng những cố gắng để giải thích cũng giúp chúng ta hiểu phần nào và nhờ đó chúng ta cảm thấy gần gũi hơn với mầu nhiệm chính yếu nầy.

Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi xem ra khô khan và không gợi lên trong chúng ta một tâm tình nào, nhưng nhìn chăm chú hơn, chúng ta mới nhận ra rằng đây là một mầu nhiệm của một mối tình thật thâm sâu.

Chính Chúa Giêsu, Đấng tự cung lòng Chúa Cha đã tỏ ra cho chúng ta biết. Mầu nhiệm nầy chính là mầu nhiệm của một tình yêu trên hết mọi tình yêu, tình yêu giữa Ba Ngôi Thiên Chúa và tình yêu giữa Ba Ngôi với chúng ta.

“Thiên Chúa là Tình Yêu“ thánh Gioan đã xác quyết như thế. Chúng ta chấp nhận như thế và chúng ta không thể hiểu. Những kinh nghiệm về tình yêu trần thế của chúng ta chỉ giúp chúng ta hiểu mập mờ về Chúa mà thôi. Chúa Giêsu, khi đến trong trần gian, Ngài dùng ngôn ngữ của chúng ta, Ngài cũng không giải thích mà chỉ cho chúng ta biết rằng Chúa Cha yêu Chúa Con và Chúa Con cũng yêu Chúa Cha thế thôi: “Chúa Cha yêu thương Người Con và giao mọi sự trong tay Người Con”, “Không phải đã có ai thấy Chúa Cha đâu, nhưng chỉ có Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến, chính Đấng ấy đã thấy Chúa Cha”. Chúa Giêsu đã cho chúng ta thấy rằng Ngài sống mật thiết với Chúa Cha đến nỗi mọi sự đều do Chúa Cha. Ngài thấy Cha làm gì, Ngài làm y như thế. Ngài đã vâng theo ý Chúa Cha cho đến chết và chết trên thập giá. Của ăn của Ngài là làm theo ý Chúa Cha, đến nỗi Ngài có thể nói: “Cha với Thầy là một. Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha”.

Chúa Giêsu cũng tỏ cho chúng ta biết Chúa Thánh Thần. Nhiều lần Ngài nhắc đến Thánh Thần, hứa ban Thánh Thần và chính Ngài trao ban Thánh Thần, Ngài sống mật thiết với Chúa Thánh Thần ngay từ khi mới xuống thai trong lòng Trinh nữ Maria, và suốt đời Ngài hoạt động trong Thánh Thần.

Đó là sơ lược những gì Chúa Giêsu đã tỏ ra cho chúng ta về Thiên Chúa. Nhưng chúng ta cần chú ý hơn đến tình yêu mà Chúa đã ban cho chúng ta.

“Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi ban Con Một”. Câu nói của Chúa Giêsu nói lên tất cả. Hạnh phúc của chúng ta chính là được Chúa yêu đến mức độ như thế. Chúng ta có biết được hạnh phúc đó không, hay chúng ta quá bận bịu với thế gian đến nỗi tình yêu Chúa bị chìm ngập trong lãng quên?

Chúa Cha yêu chúng ta qua Chúa Con và chúng ta nhìn thấy tình yêu của Chúa Cha qua tình yêu của Chúa Con, Đấng đã yêu thương chúng ta đến mức độ không thể tưởng tượng, Đấng đã đổ tràn Thánh Thần vào lòng chúng ta để chúng ta có thể kêu lên: “Abba, Cha ơi” như Ngài. Chính Thánh Thần đó đã chứng thật chúng ta là con Thiên Chúa, mà thật thế, chúng ta là con Thiên Chúa. Thánh Gioan còn nói: “Còn chúng ta, chúng ta đã biết tình yêu của Thiên Chúa nơi chúng ta, và đã tin vào tình yêu đó”. Nơi Chúa Con chúng ta không những chỉ biết mà thông phần vào tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi, thông phần vào sự sống sung mãn của Ngài. Vì Thiên Chúa là yêu thương, Ngài muốn ban cho chúng ta chính sự sung mãn của Ngài. Tại sao chúng ta có mặt nơi trần gian, tại sao chúng ta sống? Chỉ vì Chúa thương chúng ta, Ngài ban phát tràn trề sự sống của Ngài cho mọi loài và cho chúng ta. Kinh Thánh đã cho chúng ta thấy, Chúa tạo nên chúng ta “giống hình ảnh Ngài”. Chúng ta mang bản chất là tình yêu như Ngài. Vì thế,khi con người chối bỏ tình yêu, con người sẽ không còn bản chất nhân loại nữa. Chúng ta được tạo nên trong tình yêu, chúng ta phải sống bằng tình yêu. “Yêu mến Chúa hết lòng hết sức…” Đó là hồng ân trên hết mọi hồng ân. Chúng ta chỉ là những tạo vật nhỏ hèn thế nhưng Chúa đã cho chúng ta quyền làm con và được yêu mến Ngài như Chúa Con yêu Ngài. Hồng ân nầy chỉ có thể hiểu được khi chúng ta sống trong Người Con và trong ánh sáng của Thánh Thần.

Nhưng mấy người trong chúng ta biết được hạnh phúc được yêu mến Chúa? Chúng ta bị cuộc sống vật chất chi phối đến nỗi không còn thấy được hồng ân của Chúa. Chúng ta yêu trần gian đến nỗi quên đi tình yêu của Chúa.Chúng ta lại phản bội, chống lại tình yêu Chúa. Nhưng Chúa vẫn là Tình Yêu.

Chúa thương chúng ta đến nỗi, khi chúng ta phản bội, Chúa lại ban Người Con Một để cứu vớt chúng ta, cho chúng ta quyền làm nghĩa tử, và cho chúng ta hy vọng một ngày kia được hạnh phúc với Ngài. Đó là điều mà chúng ta không thể hiểu được. Đó chính là mầu nhiệm của tình yêu Chúa. Đứng trước tình yêu vô biên của Chúa, chúng ta chỉ biết tạ ơn, đó mới “thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.”

Tình yêu của Chúa quy tụ chúng ta lại trong một gia đình mà Thiên Chúa là Cha. Chúng ta vẫn cầu nguyện như Chúa Giêsu đã dạy chúng ta: “Lạy Cha chúng con ở trên trời”…Vì thế, chúng ta phải yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương chúng ta. Thiên Chúa Ba Ngôi là một gia đình, gia đình của Thiên Chúa, trong đó tình yêu luôn sung mãn vô biên. Và Chúa lại muốn cho chúng ta sống như Ngài, sống trong tình yêu. Trong gia đình đó tình yêu cũng phải chan hòa như nơi Chúa. Chúa Giêsu xuống thế để cho chúng ta biết Thiên Chúa là Tình Yêu như thế nào để chúng ta cũng yêu thương nhau như thế và Ngải đã cho chúng ta điều răn của Ngài: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Thánh Gioan lặp lại dưới một hình thức khác: “Nếu Thiên Chúa yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau.” “Ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng yêu thương anh em mình”.

Mầu nhiệm Ba Ngôi liên can đến hạnh phúc của chúng ta và có thể nói là chính hạnh phúc của chúng ta. Ở đâu có tình yêu chân thật, ở đó mới có hạnh phúc. Hãy sống trong tình yêu Chúa, chúng ta sẽ hạnh phúc hơn. Thế giới vô đạo hôm nay đã không biết Thiên Chúa cũng không biết tình yêu của Ngài, đã trở nên một tai họa cho mọi người và loài người hôm nay luôn tìm cách giết hại lẫn nhau. Chỉ khi nào chúng ta nhận biết Thiên Chúa và tình yêu của Ngài, chúng ta mới hạnh phúc và giúp mọi người hạnh phúc.

Chúa Giêsu,đến với chúng ta trong trần gian để tỏ cho chúng ta tình yêu của Chúa Cha, và Ngài vẫn tiếp tục hằng ngày tỏ rõ tình yêu đó qua Tấm Bánh Tình Yêu của Ngài. Ngài mời gọi chúng ta đến nhận lấy tấm bánh tình yêu đó để được thấm nhuần tình yêu và biết sống yêu thương hơn. Nguồn tình yêu vẫn tràn trề, chúng ta hãy đến múc lấy tình yêu và lan tỏa tình yêu. Đó chính là ước nguyện của Chúa Giêsu khi ban cho chúng ta của ăn thần linh nầy.

 

23.Suy niệm của Lm Trầm Phúc

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, đối với nhiều người, xem ra xa lạ và khô khan. Chúa Giêsu được nhắc đến gần như hằng ngày, Thiên Chúa Ba Ngôi cũng được nhắc đến thường xuyên, nhưng không mấy người để ý. Nhưng đây lại là một mầu nhiệm thật êm đềm, mầu nhiệm của tình yêu: “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”. Thánh Gioan cũng đã nói: “Thiên Chúa là Tình Yêu”. Tình yêu nầy không là một tình yêu giả tưởng hay chỉ có trên lý thuyết mà là một tình yêu thiết thực, là nguồn gốc mọi tình yêu. Thiên Chúa là tình yêu, Ngài dám ban cho chúng ta Người Con yêu quí của Ngài thì chúng ta còn đòi hỏi gì hơn? Người Con đó cũng yêu chúng ta đến nỗi dám chết cho chúng ta và ban Thánh Thần của Ngài cho chúng ta, chúng ta không cảm thấy đủ không? Chúng ta không cảm thấy ngỡ ngàng vì được yêu như thế sao?

Trong Cựu Ước, Thiên Chúa cũng đã tỏ tình yêu của Ngài đối với dân Do thái bằng những lời không thể quên được: “Từ đời đời Ta đã yêu ngươi… Ta sẽ đính hôn với ngươi mãi mãi, Ta sẽ đính hôn với ngươi trong công minh và chính trực, trong âu yếm và ân tình, và ngươi sẽ được biết Đức Chúa”. (Biết ở đây là yêu). Ngài luôn trung thành dù dân Ngài vẫn bất trung.

Trong sách Xuất Hành, Môsê được Chúa cho biết Ngài là ai, khi ông lên núi: “Thiên Chúa đi qua trước mặt ông và xướng “Đức Chúa, Đức Chúa! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín”. Đó là khuôn mặt của Chúa chúng ta.

Chúa Giêsu đến trong trần gian với chúng ta, Ngài tỏ lộ khuôn mặt nhân từ đó của Chúa Cha. Ngài đối xử với những người tội lỗi với tất cả sự tế nhị và tôn trọng. Chúng ta xem Ngài đối xử với người đàn bà ngoại tình, ông Giakêu, bà Maria Mađalêna, người phụ nữ Samari như thế nào? Ngài trao ban Thánh Thần của Ngài để mang ơn tha thứ: “Hãy nhận lấy Thánh Thần, anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha”. Tất cả những sự kiện đó chứng tỏ tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta thật tuyệt vời!

Chúng ta có cảm thấy hạnh phúc vì được Chúa yêu thương không? Chúng ta không thể hiểu được tình yêu Chúa nếu Thánh Thần Chúa không soi sáng tâm trí chúng ta. Hãy luôn cầu xin ơn Thánh Thần, vì chỉ có Ngài mới đưa dẫn chúng ta vào tình yêu, giúp chúng ta hiểu biết tình yêu của Thiên Chúa và cho chúng ta nếm được sự ngọt ngào của tình yêu đó.

Chúng ta thấy, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi không phải là một cái gì xa xôi mờ ảo mà là một sự thật hiển nhiên. Thiên Chúa hành động trong con người chúng ta và tỏ cho chúng ta thấy tình yêu của Ngài bằng những việc cụ thể rõ ràng, qua Chúa Giêsu Con Một của Ngài. Vì thế, Chúa Giêsu dạy chúng ta yêu mến Chúa Cha với Ngài, bằng những lời giảng dạy, bằng cả cuộc đời vâng phục của Ngài. Chúng ta sẽ làm gì?

Chỉ cần một điều là yêu mến Chúa chân thành. Kitô giáo không phải là một mớ lý thuyết, mà là một mối tình. Thiên Chúa đã đi trước và đã yêu chúng ta trước như thánh Gioan đã nói. Chúng ta đáp trả tình yêu của Ngài thôi. Đáp trả như Chúa Giêsu đã đáp trả: bằng một sự vâng phục thánh ý Ngài một cách toàn vẹn, dù phải mướt mô hôi máu. Chúng ta thường giả vờ yêu thôi. Đó là thảm kịch của tâm hồn muốn yêu mến Chúa mà không dám dấn thân vào con đường tình yêu. Chúng ta đòi hỏi Thiên Chúa theo ý chúng ta hơn là chúng ta theo ý Chúa. Chúng ta tính toán hơn thiệt và trả giá với Chúa. Chúa yêu chúng ta vô điều kiện, chúng ta không làm gì khác là phải trao trọn cuộc đời cho Chúa thôi.

Nếu Thiên Chúa là Tình Yêu, và chúng ta tin như thế thì chúng ta chỉ có một lối thoát là cứ yêu như Thầy đã yêu. Không có điều kiện nầy, kitô giáo chỉ là một lý thuyết trống rỗng. Hãy nhìn chung quanh chúng ta. Thế giới đang bị xâu xé vì hận thù tràn lan, chiến tranh khắp nơi, bất công, tàn ác trở thành cơm bữa. Người kitô hữu chỉ biết đứng nhìn thôi sao? Chúng ta là con cái của Thiên Chúa Tình Yêu mà khoanh tay không làm gì cho ai, thì chúng ta có thể là kitô hữu hay không? Anh chị em chúng ta đang bị đóng đinh hằng ngày trên khổ giá mà chúng ta ung dung đi nhà thờ và yên tâm, cảm thấy bình an thì chúng ta chỉ là trò cười cho thiên hạ thôi.

Chúa Giêsu biến thành của ăn cho chúng ta mỗi ngày, không phải chỉ để cho chúng ta yên tâm cảm thấy mình đạo đức, mà đòi buộc chúng ta phải làm một cái gì đó cho những anh chị em đau khổ nghèo đói, cơ cực của chúng ta. Chúng ta phải trở thành của ăn cho anh em chúng ta. Đó mới là đạo công giáo. Đó mới là đức tin có hành động như thánh Giacôbê đã nói.

Tin vào mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là tin vào một tình yêu sống động và không tàn phai trước làn sóng hận thù và vô cảm. Chúng ta phải mang lấy trong chúng ta những nỗi khổ của mọi người như chính Chúa Giêsu đã mang vào thân tội lỗi của chúng ta. Như thế chúng ta mới có thể gọi Chúa là Cha.

 

home Mục lục Lưu trữ