Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 61

Tổng truy cập: 1359343

GIA ĐÌNH NAZARET, MẪU GƯƠNG CỦA CÁC GIA ĐÌNH

GIA ĐÌNH NAZARET, MẪU GƯƠNG CỦA CÁC GIA ĐÌNH (*)-  Suy niệm chú giải của Lm. Inhaxiô Hồ Thông

 

Lễ Thánh Gia nhắc chúng ta nhớ đến những năm tháng Đức Giê-su sống thầm lặng trong suốt thời thơ ấu và trưởng thành dưới mái ấm gia đình Na-da-rét, mẫu gương của mọi gia đình.

Hc 3: 2-6, 12-14.

Hiền nhân Si-rác khuyên con cái phải có lòng thảo kính đối với cha mẹ, nhất là khi các ngài già yếu.

Cl 3: 12-21.

Thánh Phao-lô mời gọi các tín hữu Cô-lô-xê thực hành những đức tính như “thương xót, nhân hậu, khiêm nhu, hiền từ và nhẫn nại”, đặc biệt là “yêu thương” đó là mối dây tuyệt hảo liên kết mọi thành viên nên một trong đời sống gia đình và cộng đoàn.

Lc 2: 22-40.

Tin Mừng Lu-ca trước hết tường thuật lễ thanh tẩy Đức Ma-ri-a và lễ thánh hiến Hài Nhi Giê-su ở Đền Thánh, tiếp đó gợi lên một cách ngắn gọn thời thơ ấu của Đức Giê-su ở dưới mái ấm gia đình Na-da-rét.

BÀI ĐỌC I (Hc 3: 2-6, 12-15)

Ông Si-rắc là một hiền nhân Do thái vào đầu thế kỷ thứ hai trước Công Nguyên. Ông mở trường dạy học và ghi lại vốn kinh nghiệm cũng như những gẫm suy thế sự của mình. Tác phẩm của ông được viết bằng tiếng Híp-ri, sau đó được cháu nội của ông dịch sang Hy ngữ vào năm 130 trước Công Nguyên.

Tác phẩm của ông là sách dạy đạo đức về cách ăn nếp ở thực tiển. Ông viết tác phẩm nầy vì muốn trung thành với niềm tin của cha ông mình, đồng thời không muốn dân mình bị ảnh hưởng do văn hóa ngoại giáo chung quanh, đặc biệt do sức quyến rủ của sự khôn ngoan Hy lạp. Sách ông bàn đến nhiều đề tài rất đa dạng. Sách được điểm xuyết bằng những câu châm ngôn dễ nhớ và được Do thái giáo mến chuộng. Giáo Hội cũng xem sách nầy như Sách Thánh của mình.

Sách cho thấy ông nhất mực gắn bó với Lề Luật. Theo ông, việc thực hành Lề Luật là nguồn mạch khôn ngoan. Trong chương 3, hiền nhân Si-rắc khai triển phận làm con là phải có lòng thảo kính đối với cha mẹ mình, một trong Mười Giới Răn: “Ngươi hãy thảo kính cha mẹ, để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi” (Xh 20: 12; Đnl 5: 16).

*1.Thảo kính cha mẹ, đạo tự nhiên:

Bổn phận thảo kính cha mẹ nhất là vào lúc các ngài già yếu thuộc về những truyền thống rất lâu đời của các nền văn hóa, được các tôn giáo lẫn triết học ca ngợi. Chúng ta có thể sánh ví những lời khuyên bảo của hiền nhân Cựu Ước nầy với nhiều bản văn của Trung Quốc, Ấn Độ và Hy lạp xưa. Ở Trung Quốc cũng như ở Ấn độ, bổn phận làm con đối với cha mẹ trở thành đạo hiếu đòi buộc hết mọi người. Ở Hy-lạp, xin được trích dẫn mẫu gương của hiền nhân Socrate khuyên các con của mình phải bày tỏ tấm lòng hiếu thảo với mẹ của chúng, vì tình sâu nghĩa nặng của cha mẹ đối với mình (Xénophon, Les Mémorables, II, 2). Ở Việt Nam chúng ta, không ai không thuộc câu ca dao nầy:

“Công cha như núi Thái Sơn,

nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Một lòng thờ mẹ kính cha,

cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.

*2.Thảo kính cha mẹ, đạo Thiên Chúa.

Thảo kính cha mẹ không chỉ thuộc đạo tự nhiên, nhưng cũng còn chương trình của Đấng Tạo Hóa đối với con người. Cuộc sống gia đình ở Ít-ra-en được ghi khắc trong chiều kích siêu nhiên: không chỉ lưu truyền nòi gióng, mà còn truyền đạt từ thế hệ này đến thế hệ khác niềm tin của cha ông vào một Thiên Chúa duy nhất, Đấng đã tự mặc khải mình ra:

“Đức Chúa làm cho người cha được vẻ vang vì con cái,

cho người mẹ thêm uy quyền với con cái” (3: 2).

Chính Đức Chúa chúc phúc cho con cái nào giữ trọn đạo hiếu với cha mẹ của mình:

“Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ

Ai vâng lệnh Đức Chúa sẽ làm cho mẹ an lòng” (3: 6).

Đây là lời chúc phúc cổ truyền nhất. Cuộc sống trường thọ là phần thưởng dành cho con cái có tấm lòng đạo hiếu đối với cha mẹ được đánh giá cao nhất vào thời kỳ mà những niềm hy vọng ở bên kia nấm mồ chưa được biết đến (chỉ vào thế kỷ thứ hai trước Công Nguyên, viễn cảnh niềm tin vào cuộc sống mai sau mới xuất hiện).

  Chúng ta còn ngạc nhiên hơn nữa khi bậc hiền nhân hứa với những ai thờ cha kính mẹ sẽ được Thiên Chúa tha thứ tội lỗi của mình:

“Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm

Ai kính mẹ thì tích trữ kho báu” (3: 3-4).

Trong các lời khuyên, lời khuyên cảm động nhất, chính là kính trọng cha lúc người già yếu:

“Con ơi, hãy săn sóc cha con, khi người đến tuổi già;

bao lâu người còn sống, chớ làm người buồn tủi.

Người có lú lẫn, con cũng phải cảm thông,

chớ cậy mình sung sức mà khinh dể người” (3: 12-13).

Lý do được tác giả nêu ra:

“Vì lòng hiếu nghĩa đối với cha sẽ không bị quên lãng,

và sẽ đền bù tội lỗi cho con.

Thiên Chúa sẽ nhớ đến con, ngày con gặp khốn khó,

và các tội con sẽ biến tan

như sương muối biến tan lúc đẹp trời” (3: 14-15).

Trong Do thái giáo sau thời lưu đày Ba-by-lon, người ta rất nhạy bén trước tội lỗi và bận lòng thanh luyện nội tâm. Hiền nhân Si-rắc thuộc vào những thế hệ nầy: gẫm suy giáo huấn của các ngôn sứ. Đến phiên mình, ông ca tụng việc thực hành đức hạnh hơn việc tế tự thuần túy bên ngoài. Theo đường hướng nầy, ông khai triển rất xa như ở đây ông đánh giá việc thảo kính cha mẹ như hy tế xá tội. Tuy nhiên, chúng ta nhận ra một sự khác biệt ở đây: trong khi các ngôn sứ rất bận lòng đến ơn cứu độ của toàn thể dân chúng, thì các hiền nhân quan tâm nhiều hơn đến ơn cứu độ cá nhân.

Cuối cùng chúng ta ghi nhận rằng hiền nhân Si-rắc cẩn trọng trích dẫn “thờ cha” và “kính mẹ” gần như tương xứng với nhau. Điều nầy rất hiếm trong Cựu Ước ở đó người cha là gia trưởng thường chiếm vai trò gần như độc tôn.

BÀI ĐỌC II (Cl 3: 12-21)

Như thư gởi tín hữu Ê-phê-xô, thư gởi tín hữu Cô-lô-xê đã được thánh Phao-lô viết trong cảnh thánh nhân bị giam cầm ở Rô-ma vào khoảng những năm 61-63 sau Công Nguyên, vì thế nội dung của hai bức thư nầy rất gần nhau.

*1.Hoàn cảnh:

Thành phố Cô-lô-xê miền Tiểu Á đã khai sinh một cộng đoàn Ki-tô hữu. Cộng đoàn nầy được Epaphras, bạn đồng hành đồng thời cũng là môn đệ của thánh Phao-lô, thiết lập. Những sai lạc đạo lý, những biện luận về quyền năng của thiên thần, những thực hành khổ chế, những khuynh hướng Do thái giáo gây nguy hiểm cho đức tin của cộng đoàn non trẻ nầy. Thánh Phao-lô hiện đang bị giam cầm, nên không thể đến tận nơi được. Vì thế, thánh nhân gởi bức thư nầy cho các tín hữu Cô-lô-xê. Thánh nhân tập chú giáo huấn của mình vào Đức Ki-tô và quy chiếu cuộc sống Ki-tô hữu vào điều cốt lõi: sống hiệp nhất với Đức Ki-tô, noi gương Đức Ki-tô, thực hành các nhân đức, đặc biệt là đức ái.

*2.Nội dung:

Phụng vụ đề nghị cho chúng ta đoạn trích của thư này và mời gọi chúng ta đọc nó trong ý hướng của ngày lễ hôm nay: đời sống gia đình: “Anh em hãy có lòng thương xót, nhân hậu, khiêm nhu, hiền từ và nhẫn nại. Hãy chịu đựng lẫn nhau và tha thứ cho nhau”.

Đức ái Ki-tô giáo là nguồn mạch của sự hiệp nhất và bình an trong đời sống cộng đoàn, huống gì trong đời sống gia đình, ở đó tình yêu phải là mối dây liên kết tuyệt hảo. Theo thói quen của mình, thánh Phao-lô mời gọi tạ ơn và cầu nguyện, nhất là cầu nguyện chung: “Hãy đem hết lòng biết ơn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, những khúc thánh ca, do Chúa Thánh Thần linh hứng”, nghĩa là cầu nguyện tự phát.

Đoạn thư hoàn tất với vài lời khuyên bảo đặc thù về bổn phận giữa vợ và chồng, cha mẹ và con cái. Thánh nhân khai triển những điều nầy trong thư gởi tín hữu Ê-phê-xô 5: 21-32.

TIN MỪNG (Lc 2: 22-40)

Vào ngày lễ Thánh Gia, với đoạn Tin Mừng nầy, Giáo Hội tưởng niệm hai nghi thức được cử hành cùng một lúc trong Đền Thánh Giê-ru-sa-lem: lễ thanh tẩy người mẹ là Đức Ma-ri-a và lễ thánh hiến con trai đầu lòng là Hài Nhi Giê-su.

Chung quanh con trẻ sáu tuần lễ nầy, chúng ta thấy Đức Ma-ri-a và thánh Giu-se không chỉ “tuân theo Luật Chúa truyền”, nhưng họ còn ngạc nhiên bỡ ngỡ trước lời sấm của cụ già Si-mê-on về Hài Nhi. Điều nầy cho thấy thánh Giu-se đã nhận con trẻ nầy như đứa con ruột thịt của mình. Như vậy, thánh Lu-ca, vốn đã nhấn mạnh đức đồng trinh của Đức Ma-ria, không ngần ngại nói: “cha mẹ của Đức Giê-su”.

 Luật Mô-sê đòi buộc người mẹ, sau bốn mươi ngày sinh con trai và sau tám mươi ngày sinh con gái, dâng hy lễ thanh tẩy: một con chiên một năm tuổi, nhưng nếu người nghèo, một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non. Vì thế, của lễ của gia đình thánh là của lễ của một gia đình nghèo.

Lễ thánh hiến con trai đầu lòng là đòi buộc, nhưng không cần phải lặn lội xa xôi đem con lên Giê-ru-sa-lem để tiến dâng cho Chúa. Ở đây, thánh Lu-ca đề cao tấm lòng đạo đức tuyệt vời của Đức Ma-ri-a và thánh Giu-se.

Vào giây phút Đức Giê-su được trao ban hoàn toàn vào tay của con người và được dâng tiến lên Cha Ngài, Thánh Thần linh hứng cho hai nhân vật khả kính: cụ già Si-mê-on và bà ngôn sứ An-na, mặc khải sứ mạng của Hài Nhi nầy.

*1.Cụ già Si-mê-on (2: 25-35):

Cụ già Si-mê-on đang mong chờ “niềm an ủi của Ít-ra-en”, đây là tước hiệu chỉ Đấng Mê-si-a từ thời ngôn sứ I-sai-a đệ nhị, tức là cuối thời lưu đày (x. Is 49: 13). Cụ nhận ra Hài Nhi nầy là Đấng Cứu Độ không chỉ của dân Ít-ra-en nhưng của muôn dân nữa. Mặc Khải nầy làm cho Đức Ma-ri-a và thánh Giu-se ngạc nhiên và bỡ ngỡ. Bài thánh thi của cụ già Si-mê-on tiên báo về sứ mạng của Đức Giê-su đối xứng với bài thánh thi của ông Da-ca-ri-a tiên báo sứ mạng của con ông là Gioan Tiền Hô. Thánh Lu-ca thiết lập một sự đối xứng cuộc đời thơ ấu của hai con trẻ nầy.

“Ông Si-mê-on chúc phúc cha hai ông bà”, nhưng chỉ hướng về một mình Đức Ma-ri-a và nói với chỉ một mình Mẹ. Cụ già Si-mê-on báo trước cho Đức Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi, số phận bi thương đang chờ đợi Mẹ: Mẹ sẽ đau khổ vì dân Ít-ra-en bị chia rẻ về Con của Mẹ vì tin vào Ngài hay từ chối Ngài. Chúng ta có thể đọc thấy trong lời tiên báo nầy viễn cảnh thập giá.

*2.Bà ngôn sứ An-na (2: 36-38):

Bà ngôn sứ An-na cảm tạ Thiên Chúa và lớn tiếng thông báo cho những ai mong chờ ngày Thiên Chúa giải phóng Giê-ru-sa-lem qua con trẻ nầy.

Đây là sự ghi nhận mang đậm nét của thánh ký Lu-ca. Đối với thánh Lu-ca, Giê-ru-sa-lem là trung tâm Mặc Khải. Dung mạo của hai ông bà cao tuổi nầy đại diện rất rõ nét nỗi mong chờ dài lâu của dân Ít-ra-en. Thế nên, đây là hai người tôi tớ vĩ đại của Thiên Chúa đến chứng thực rằng việc dân Ít-ra-en chuẩn bị chờ đón Đấng Mê-si-a đã đến hồi kết thúc. Họ được sánh ví như thời Cựu Ước đã đến hồi hoàn tất để nhường chỗ cho thời Tân Ước, kỷ nguyên Mê-si-a. Trong số bốn tác giả Tin Mừng, thánh Lu-ca là thánh ký nhấn mạnh nhiều nhất những giai đoạn cứu độ.

*3.Lời kết (2: 39-40)

Thánh Lu-ca kết thúc đoạn Tin Mừng hôm nay với đời sống ẩn dật của Đức Giê-su trong mái ấm gia đình Na-da-rét. Thánh ký ghi nhận rất ngắn gọn cuộc đời thơ ấu của Đức Giê-su: “Còn Hài Nhi, ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh”. Lời nhận xét nầy được đặt đối xứng với lời nhận xét khác liên quan đến cuộc đời thơ ấu của Gioan Tiền Hô: “Cậu bé càng lớn lên thì tinh thần càng vững mạnh” (Lc1: 80) . Tuy nhiên, thánh ký còn nói thêm về Chúa Giê-su: “Đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Chúa”. Như vậy, Đức Giê-su vĩ đại hơn Gioan Tiền Hô ngay từ thời thơ ấu.

 (*) Tựa đề do BTT.GPBR đặt

CHÚA NHẬT LỄ THÁNH GIA THẤT- B

GIA ĐÌNH GƯƠNG MẪU- Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái

I. Dẫn vào Thánh lễ

Con Thiên Chúa đã sinh ra làm người và sống trong một gia đình. Gia đình của Ngài gồm có Thánh Giuse, Đức Mẹ Maria và Ngài. Một gia đình rất thánh thiện, gương mẫu. Hôm nay dâng lễ mừng kính Thánh Gia, chúng ta hãy học nơi các Ngài những đức tính cần có trong cuộc sống gia đình, và chúng ta xin các Ngài ban ơn cho gia đình chúng ta.

II. Gợi ý sám hối

Chúng ta hãy ăn năn sám hối vì những thiếu sót của chúng ta đối với những người trong gia đình mình.

Chúng ta hãy ăn năn sám hối vì chưa dành chỗ xứng đáng cho Chúa trong gia đình mình.

Chúng ta hãy ăn năn sám hối vì những gương xấu mà gia đình mình đã gây ra cho những gia đình chung quanh.

III. Lời Chúa

  1. Bài đọc I: Hc 3, 3-7. 14-17a

Huấn ca là một tập sách luận bàn về cách sống khôn ngoan trong nhiều lãnh vực. Trong đoạn này, tác giả, Ben Sira, đưa những lời khuyên về cách sống trong gia đình. Điều quan trọng nhất là con cái phải thảo kính cha mẹ. Tác giả kể ra những ích lợi của việc này:

Việc thảo kính cha mẹ sẽ đền bù được tội lỗi

Người thảo kính cha mẹ đến khi có con cái thì được con cái mình thảo kính.

Người thảo kính cha mẹ khi cầu nguyện sẽ được Chúa nhậm lời.

Phải thảo kính cha mẹ nhất là khi các ngài già yếu.

  1. Đáp ca: Tv 127

Tv này được hát lúc hành hương lên Đền thờ Giêrusalem. Người tín hữu hành hương tin chắc rằng ai sống công chính thì sẽ được Thiên Chúa ban phúc. Các ơn phúc Chúa ban trước hết là những ơn cho cuộc sống gia đình: việc làm ăn có kết quả, vợ con mạnh khoẻ, sống lâu v.v.

  1. Tin Mừng: Lc 2, 22-40

Tường thuật việc Thánh gia lên Đền thờ Giêrusalem để dâng con cho Thiên Chúa. Trong dịp này, cụ ông Simêon và cụ bà Anna nói những lời tiên tri về tương lai của Đức Giêsu.

Một số điều đáng lưu ý:

Thánh gia là một gia đình nghèo (lễ vật của người nghèo), nhưng giữ luật đạo rất chín chắn (luật thanh tẩy người mẹ sau khi sinh con, luật cắt bì cho con, luật dâng con đầu lòng cho Thiên Chúa).

Các phần tử của Thánh gia rất hiệp nhất với nhau: tất cả đều cùng nhau lên Đền thờ mặc dù luật không buộc như thế (chẳng hạn luật tẩy uế cho người mẹ chỉ buộc người mẹ lên đền thờ thôi).

Khi đó cha mẹ Đức Giêsu chưa hiểu hết mầu nhiệm con mình. Bởi vậy, khi nghe Simêon nói, hai ông bà “kinh ngạc”.

  1. Bài đọc II: Cl 3, 12-21

Thánh Phaolô giảng về “nếp sống mới” của những người đã cùng chết và cùng sống lại với Đức Giêsu. Nếp sống này gồm:

Những đức tính nhân bản: “Từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hòa, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau và tha thứ cho nhau”.

Nền tảng và nguồn gốc của những đức tính trên là chính Thiên Chúa: “Như Chúa đã tha thứ cho anh em, anh em cũng hãy tha thứ cho nhau. Trên hết mọi sự, anh em hãy có đức yêu thương”.

Bí quyết để sống được như trên là luôn suy gẫm Lời Chúa.

Và dịp tốt thường có để thực hành các đức tính ấy chính là trong gia đình.

IV. Gợi ý giảng

* 1. Gia đình Nadarét và gia đình chúng ta

Gia đình Nadarét vừa giống nhưng cũng vừa khác phần lớn gia đình chúng ta:

Như phần lớn gia đình chúng ta, gia đình Nadarét nghèo. Trong Tin Mừng ta tìm thấy hai dấu chỉ tình trạng nghèo của các ngài: Khi đến Bêlem, Thánh Gia không đủ tiền để thuê một chỗ trọ trong hàng quán nên phải ở tạm trong hang súc vật; khi đem con đầu lòng dâng trong đền thờ cùng với lễ vật theo luật định, Thánh Gia chỉ dâng một đôi chim câu, là thứ lễ vật của người nghèo.

Như phần lớn gia đình chúng ta, gia đình Nadarét phải sinh nhai bằng chính sức lao động của mình. Có lẽ các ngài không có vốn để đầu tư, buôn bán. Thánh Giuse và Đức Giêsu kiếm tiền sinh sống bằng nghề thợ mộc.

Như phần lớn gia đình chúng ta, vì nghèo và vì theo nghề lao động, nên gia đình Nadarét không được người ta coi trọng cho lắm. Mãi sau này khi Đức Giêsu đã thôi làm ăn để đi rao giảng, thế mà nhiều người vẫn nhắc với giọng mỉa mai “Ông ta là con bác thợ mộc”.

Nhưng gia đình Nadarét khác hầu hết gia đình chúng ta ở nhiều điểm: một là dù nghèo nhưng không gian tham trộm cắp; hai là dù nghèo nhưng không lục đục với nhau; ba là dù nghèo nhưng vẫn thu xếp công việc được để chu toàn mọi bổn phận trong đạo.

Những nét giống giữa gia đình Nadarét và gia đình chúng ta khiến chúng ta cảm thấy gần gũi với Thánh gia, và nhớ đó chúng ta biết mình có thể học với các ngài ở những điểm khác biệt với chúng ta.

* 2. Tương lai của đứa con gia đình

Trong ngày lễ đặt tên cho Gioan Tẩy giả, bà con lối xóm đã đặt câu hỏi “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào?” (Lc 1, 66). Đây là câu hỏi của mọi người làm cha mẹ. Càng thương con bao nhiêu, câu hỏi đó càng là mối băn khoăn cho cha mẹ bấy nhiêu, bởi vì cha mẹ thương con chỉ muốn cho con mình có một tương lai tốt đẹp, nhưng tương lai ấy lại không do cha mẹ hoàn toàn lo liệu cho con được.

Cha mẹ Đức Giêsu cũng thế. Bởi vậy, sau khi nghe cụ Simêon nói về tương lai của trẻ Giêsu bằng những lời rất khó hiểu, Tin Mừng viết, “Cha mẹ Ngài đều kinh ngạc”.

Nhưng tương lai của đứa con không hoàn toàn không có phần của cha mẹ. Điều này rất rõ trong trường hợp Đức Giêsu:

Người ta vẫn nói Ngài là “con bác thợ mộc” (Mc 6, 3).

Đức Giêsu có thói quen cầu nguyện và sống với Chúa Cha. Thói quen này hẳn là Ngài đã học được từ gia đình. Tin Mừng tuy nói rất ít về thời thơ ấu của Ngài, nhưng cũng đủ cho ta thấy Thánh gia rất quan tâm chu toàn những bổn phận tôn giáo.

* 3. Dung mạo Chúa cứu thế

Hoàng đế của một vương quốc hùng cường và thịnh vượng, một ngày kia đã triệu tập các nghệ nhân từ khắp các nước đến dự một cuộc tranh tài. Cuộc thi mô tả dung mạo hoàng đế.

Các nghệ nhân Ấn Độ đến với đầy đủ dụng cụ và các loại đá hoa cương quí hiếm. Các nghệ nhân Acmêni mang theo một loại đất sét đặc biệt. Các nghệ nhân Ai cập mang đủ loại đồ nghề và khối cẩm thạch hảo hạng.

Sau cùng, người ta hết sức ngạc nhiên vì phái đoàn nghệ nhân Hy Lạp chỉ mang đến vỏn vẹn một gói thuốc đánh bóng.

Mỗi phái đoàn thi thố tài năng của mình trong một phòng riêng. Khi thời gian ấn định đã hết, hoàng đế đến từng gian phòng để thưởng thức các tác phẩm. Vua hết lời khen ngợi bức chân dung của mình do các họa sĩ Ấn Độ vẽ. Ông càng thán phục hơn khi nhìn ngắm các pho tượng của chính ông mà các người Ai Cập và Acmêni điêu khắc.

Sau cùng, đến phòng trưng bày của người Hy Lạp, hoàng đế không nhìn thấy gì cả, duy chỉ có bức tường của căn phòng được đánh bóng đến độ khi nhìn vào ông thấy chân dung mình hiện ra từng nét.

Dĩ nhiên, giải nhất thuộc về các nghệ nhân Hy Lạp. Bởi vì họ đã hiểu rằng chỉ có hoàng đế mới họa được dung mạo của chính mình.

*

Muốn họa lại dung mạo Đức Kitô, chúng ta cần phải đánh bóng lòng mình cho sạch mọi vết nhơ, mọi tì ố của tâm hồn. Một khi đã nên sáng bóng như gương, chúng ta sẽ tiếp nhận khuôn mặt rạng ngời của Chúa.

Khi Đức Maria và Thánh Giuse dâng Chúa Hài Nhi trong đền thánh, có biết bao tư tế và luật sĩ thông thái, giỏi giang, am tường Kinh Thánh, nhưng họ đã không nhận ra Chúa. Duy chỉ có ông Simêon, và bà Anna đã nhận ra được dung mạo của Người.

Simêon và Anna đã dâng hiến trọn vẹn con người và cuộc đời, đã mài bóng đời mình bằng đạo hạnh và khiêm tốn, đã tôn thờ Chúa trong tin yêu và phó thác. Vì thế, dung mạo của Đấng Cứu Thế đã tỏ hiện sáng ngời trước mặt các ngài.

Simêon và Anna đã đón nhận Đấng Cứu Thế như những người nghèo hèn bé nhỏ. Các ngài đã được bồng ẵm Chúa, được thay mặt cho cả nhân loại nói lời đầu tiên tôn vinh Chúa đến cứu độ con người.

Lễ Thánh Gia mời gọi chúng ta nhìn vào các gia đình. Truyền thống gia đình ngày càng sút giảm. Ly thân, ly dị, trẻ em lang thang, thanh niên nổi loạn, phá thai, mại dâm, ma tuý ngày càng gia tăng. Gia đình là nền tảng của xã hội. Nếu không có những gia đình lành mạnh thì không thể có một xã hội tốt đẹp. Cuộc sống của gia đình phải tỏa hương thơm của thiên đường.

Hơn bao giờ hết, các gia đình chúng ta phải nhìn lên Thánh gia thất: một gia đình lý tưởng, đạo đức, yêu thương và chăm lo cho nhau. Thánh Luca đã ghi lại hình ảnh rất đẹp của Thánh Gia như sau: “Đức Giêsu đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nadaret và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. Còn Đức Giêsu ngày càng khôn lớn, và được Thiên Chúa cũng như mọi người thương mến” (Lc. 2, 51-52).

Xã hội chúng ta không thiếu các mẫu gương đạo hạnh: Louis Pasteur, nhà bác học thời danh, đã tâm sự khi đặt tấm bia kỷ niệm tại gia đình ông: “Kính thưa cha mẹ thân yêu của con đã khuất bóng, các ngài đã khiêm tốn sống trong nếp nhà bé nhỏ này. Con mắc nợ công ơn cha mẹ về hết mọi điều…”

Federic Ozanam, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng của Giáo hội Pháp cũng tâm sự: “Những lời khuyên nhủ dịu dàng của mẹ tôi, gương đạo đức, lòng nhiệt thành hâm nóng linh hồn nguội lạnh của tôi, khuyến khích nâng đỡ sức mạnh cho tôi. Chính nhờ giáo huấn của người mà tôi có đức tin”.

Có lẽ thế giới biết nhiều đến Thủ tướng Thái Lan, nhưng ít ai biết được cậu Chuam Leekpai còn là một người con giàu cảm xúc, hiếu thảo, và luôn nghĩ đến bậc sinh thành. Ông nói với mẹ: “Giờ đây, con đã là một chính trị gia và con không còn thời gian về thăm mẹ thường xuyên nữa. Điều này làm con cứ áy náy mãi. Tuổi mẹ càng cao thì nỗi lo của con càng nhiều. Do đó con cố gắng tìm mọi cơ hội về thăm mẹ”.

Đức Piô XI trong thông điệp về Giáo dục Kitô giáo có viết: “Nền giáo dục hữu hiệu nhất và bền bỉ nhất là nền giáo dục được nhận lãnh từ một gia đình Kitô giáo có qui củ và khuôn phép. Những gương lành của cha mẹ và của những người trong gia đình càng chiếu tỏa và bền bỉ, thì kết quả của giáo dục càng lớn lao”.

Lạy Đức Giêsu, xin dạy chúng con biết theo gương Chúa, luôn sống trung hiếu với Cha trên trời, thảo kính với ông bà cha mẹ, và sống hết tình với anh chị em chung quanh.

Xin cho chúng con luôn biết đánh bóng đời mình, bằng tấm lòng khiêm tốn và đạo hạnh, bằng việc tôn thờ Chúa trong tin yêu và phó thác, để dung mạo của Chúa ngày càng tỏ hiện sáng ngời trong cuộc đời chúng con. Amen. (Thiên Phúc, “Như Thầy đã yêu”)

* 4. Con cái

Con cái các bạn không phải là con cái của các bạn

Chúng đến qua các bạn chứ không phải từ các bạn.

Mặc dù chúng ở với các bạn nhưng chúng không thuộc về các bạn.

Các bạn có thể cho chúng tình thương nhưng không thể cho chúng ý tưởng, bởi vì chúng có những ý tưởng riêng của chúng.

Các bạn có thể lo nơi ăn chốn ở cho thân xác chúng chứ không thể cho linh hồn chúng, vì linh hồn chúng ở một nơi thuộc tương lai mà các bạn không thể đến thăm, ngay cả trong giấc mơ.

Các bạn có thể cố gắng để giống như chúng, nhưng đừng cố bắt chúng giống như các bạn.

Bởi vì cuộc sống không đi giật lùi và cũng không ngừng mãi ở ngày hôm qua.

Các bạn là những chiếc cung, và những mũi tên từ đó phóng đi chính là con cái của các bạn. (Kahil Gibran)

* 5. Đạo hiếu

Bài trích sách Huấn Ca (bài đọc I, được chỉ định đọc trong năm A, nhưng cũng có thể đọc trong năm B và C) có câu: “Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu”

Những từ mà Thánh Kinh dùng rất quen thuộc với người Việt Nam. Thí dụ như câu ca dao: “Một lòng thờ mẹ, kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.

“Thờ” và “kính” chính là những việc làm trong tôn giáo. Hiếu thảo với cha mẹ chính là Đạo.

Câu Huấn ca và câu ca dao trên giúp ta ý thức rằng hiếu thảo với cha mẹ không chỉ là một tình cảm, cũng không phải chỉ là một lẽ công bình, mà là một Đạo. Mà lỗi đạo tức là phạm tội chứ không chỉ là một sự thiếu sót.

V. Lời nguyện cho mọi người

Chủ tế: Anh chị em thân mến, Đức Giêsu đã làm cho Thánh gia trở nên đền thánh của sự sống, của tình thương, và của niềm vâng phục ý Chúa. Hôm nay mừng lễ Thánh Gia, chúng ta đặc biệt hướng về các gia đình và dâng lời cầu nguyện:

  1. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho mọi người trong Hội thánh là gia đình của Chúa / luôn cố gắng sống hiệp thông với nhau / để làm chứng cho tình yêu Chúa cho thế giới.
  2. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho các bậc làm cha mẹ và các nhà giáo dục / biết hướng dẫn và cộng tác với các con em mình / để xây dựng gia đình thành một tổ ấm đầy tình yêu thương.
  3. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho những người không gia đình / hoặc sống trong gia đình đang bị khủng hoảng xáo trộn / được ơn can đảm để nhẫn nhục chịu đựng / và tích cực góp phần hàn gắn lại những gì đã tan vỡ.
  4. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho những người làm cha mẹ cũng như làm con cái trong xứ đạo chúng ta / luôn ý thức trách nhiệm của mình đối với hạnh phúc gia đình / để biết cởi mở, đối thoại, thông cảm và cô#ng tác với nhau theo thánh ý Chúa.

Chủ tế: Lạy Chúa, xin chấp nhận những lời cầu chúng con dâng lên Chúa nhân dịp lễ Thánh Gia, để nhờ ơn Chúa giúp, mỗi người trong gia đình đều cộng tác làm cho gia đình trở nên Đền Thánh của sự sống của tình thương, và niềm vâng phục ý Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô.

VI. Trong Thánh lễ

– Trước kinh Lạy Cha: Ngoài gia đình tự nhiên, người kitô hữu chúng ta còn có được một gia đình siêu nhiên trong đó Thiên Chúa là Cha, mọi người là anh em với nhau, và Đức Giêsu là anh cả. Trong tình nghĩa gia đình ấy, chúng ta hãy dâng lên Thiên Chúa lời kinh Lạy Cha.

– Trước lúc Rước lễ: Thánh lễ là một bữa ăn gia đình. Chúa là gia trưởng, các tín hữu là con cái ngồi quanh bàn ăn. Phúc cho những ai được mời vào bàn ăn gia đình ấy.

VII. Giải tán

Sau khi được khuyến khích bởi tấm gương gia đình Nadarét, giờ đây anh chị em trở về sống với gia đình mình và các gia đình hàng xóm. Anh chị em hãy sống theo gương thánh gia. Chúc anh chị em bình an.

home Mục lục Lưu trữ