Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 36

Tổng truy cập: 1359414

GIA ĐÌNH THÁNH

GIA ĐÌNH THÁNH (*)- Chú giải của Noel Quession

 

Khi đã đến ngày phải làm lễ tẩy uế theo luật Môsê… tiến dâng như Luật Chúa quy định… để chu toàn nghi thức theo Luật Chúa truyền…theo như những gì đã ghi trong luật… khi họ chu toàn nghi lễ, như thiên hạ thường làm theo luật.

Chắc chắn, đây không phải là ngẫu nhiên mà Luca nhấn mạnh tới 5 lần (các câu 22, 23, 24, 27, 39) về việc chu toàn lề luật. Dù là “Con Thiên Chúa” Đức Giêsu đã tuân theo lề luật của con người. Đó là nét thâm sâu và sự thật về mầu nhiệm nhập thể. Ngài không tự coi mình như “có đặc quyền”. Người hành xử “như mọi người” không có gì phân biệt Người với kẻ khác. Tôi dùng thời giờ để suy niệm lâu hơn về sự khiêm hạ phi thường này, rnà Thánh Phaolô gọi là: một “cuộc làm cho mình hóa ra không”, một “kénose” (Pl 2,7). Đừng tự đặt mình vào số ngoại lệ. Không nên đòi hỏi những đặc quyền. Nên thực tế chấp nhận những nghịch chướng thường có trong cuộc sống, những dịch vụ không vinh dự của thân phận chúng ta.

Cha mẹ Đức Giêsu đem Người lên Giêrusalem… vào Đền thờ.

Cuộc lên đường này mang đầy ý nghĩa. Đó là đỉnh cao của “hai chương” Luca dành cho tuổi thơ của Gioan Tẩy Giả và của Đức Giêsu. Nhưng Luca hữu ý tạo cho bước đường của Đức Giêsu sự ngược với Gioan. Việc báo tin cho Dacaria diễn ra trong khung cảnh trang trọng và huyền diệu của buổi lễ tế tự nơi Đền Thánh (Lc 1,0) nhưng Gioan con trai của ông lại ẩn mình “trong hoang địa” (Lc l,80). Còn việc truyền tin cho Maria xảy ra tại làng Nagiarét nhỏ bé tầm thường (Ga l,46), nhưng Giêsu con trai của bà lại được nhận biết như Đấng “Mêsia” trong thành thánh Giêrusalem; tại Đền thờ, giữa trung tâm thành phố, nơi hiện diện kỳ diệu của Thiên Chúa (Lc 2,27; 2,37). Như thế là chúng ta dang dừng lại trước ” trang cuối cùng”… kết thúc Cựu ước! Những người Do Thái, đôi vợ chồng trẻ, đang “chu toàn lề luật Môsê”. Một cách tượng trưng, lề luật được chấm dứt với cử chỉ này sẻ không cần tới Đền thờ nữa: người ta cũng sẽ phá hủy Đền. thờ, đó là “cuộc trở lại đầy Vinh quang của Thiên Chúa giữa Dân Người” như vị ngôn sứ loan báo (Ml 3, 1-4). Nhưng Thiên Chúa đến cách đột xuất, bất ngờ biết bao “! Không khi nào Người đến như người ta chờ đợi.

Có một người tên là Simêon. Ông là người công chính và sùng đạo… Lại cũng có một bà ngôn sứ tên là Anna.. Bà ở góa, đến nay đã 84 tuổi, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa trong Đền thờ”.

Không phải ngẫu nhiên mà ta thích thú nhận ra rằng, theo Luca, không phải giới có thẩm quyền như các thầy tư tế các kinh sư nhận biết Đức Giêsu.. mà là những con người tầm xoàng, nhưng kẻ nghèo khó? Qua hai người tiêu biểu cho những kẻ “bé mọn” trên đây, thì toàn thể dân chúng thuộc “nhóm người nghèo Thiên Chúa yêu thương” đã đến gặp gỡ Đấng Cứu độ của họ. Đằng khác, điều đó cũng đã được các ngôn sứ loan báo: “Ta sẽ chừa lại giữa ngươi một dân khiêm nhu hèn mọn..:” một số nhỏ “còn sót lại (Xp 3,12; Is 16.14 + 30, 17,37.4; Gr 6,9; Ge 3,5) Simêon và Anna tiêu biểu cho những người nghèo. Họ đều đã già cả; thuộc hạng người mà toàn thể xã hội muốn quên bỏ không mấy trân trọng “(Kn 3,13). Hơn nữa, Anna lại là cụ già “góa bụa”, nghĩa là theo ngôn ngữ Kinh thánh, là cái nghèo hiện thân, vì cụ đã mất đi tất cả những gì đảm bảo cho mình chỗ đứng trong một xã hội mà chỉ người chồng mới có quyền pháp lý. Lạy Chúa, xin biến trái tim chúng con trở nên những tâm hồn của người nghèo, để chúng con biết nhận ra Chúa, trong những dạng bề ngoài khó nghèo mà Chúa thường ẩn dấu…

Simêon ẵm lấy hài nhi trên tay… Đấng Mêsia của Chúa… ơn cứu độ dành sẵn cho muôn dân… ánh sáng soi đường cho dân ngoại… vinh quang của Israel…

Thiên Chúa ưa đột xuất, dễ gây ngỡ ngàng! Người ta mong chờ “vinh quang”, “quyền lực”! Thì Ngài lại xuất hiện trong thân phận một “trẻ nhỏ”, một bé thơ thật sự khóc oe oe, chưa biết đứng thẳng, phải bồng ẵm trên tay! Chỉ có cụ già đó, tự để cho Đức tin và Thánh Thần mở mắt mình! Ba lần gọi tên trong bản văn, mới có thể nhận thấy được sự khám phá ra được điều đó, cần phải trở nên khó nghèo, Đức tin là một thứ nghèo khó: người ta nhìn mà không nhận biết (Ga 20,29). ấy thế mà dưới lớp vẻ bề ngoài nghịch thường bé bỏng của em nhỏ (ta nghĩ đến “hình dạng bề ngoài” của bánh mà ta lãnh nhận…), lại chính là lễ tấn phong cách công khai của Đức Giêsu “trong Đền thờ của Người”: Những tước hiệu mà hai người nghèo khó trên đây tặng cho Người, thật là ngời sáng! Đức Giêsu – gói thịt đáng thương này (và Ngôi lời đã mặc xác phàm) lại chính là Đấng Mêsia của Thiên Chúa… “ơn cứu độ của muôn người “… “ánh sáng”… “Vinh quang”… “Sự giải thoát” Giêrusalem… Lạy Chúa, xin ban cho chúng con đức tin.

Những lời ông Simêon nói về Hài nhi làm cho cha mẹ Người ngạc nhiêm bỡ ngỡ.

Như thế, đây cũng là lời xác nhận rằng, “đức tin của cha mẹ” cũng cần phải tiến triển! Không biết lòng tin của họ ra sao, nhưng Maria và Giuse đều rất đỗi ngạc nhiên và bỡ ngỡ trước những “tước hiệu” mà ngời ta gán cho con mình. Biến cố này gợi lên lòng tin của ông bà. Mười hai năm sau, tại Đền thờ này, ông bà cũng sẽ không hiểu gì (Lc 2,48-50) và vẫn còn ngạc nhiên. Lạy Chúa, chúng con cầu xin Chúa giúp chúng con luôn được ngạc nhiên bỡ ngỡ như thế.

Ông bà đem con lên Giêrusalem để tiến dâng cho Chúa… và dâng của lễ theo luật định.

Đó là hai kiểu nói Luca đã sử dụng để trình bày “nghi thức” mà đôi vợ chồng trẻ trên đây đã thi hành. Động từ Hy-lạp được dùng ở đây là (“parastènai”: “dâng hiến”), cũng chính là từ mà Phaolô sẽ dùng để nói lên thái độ căn bản của Kitô hữu. Đừng quên rằng, Luca là thư ký của Phaolô, và các bức thư đều được viết trước các Tin Mừng. Thế nên, Luca đã chủ ý dùng một ít mang ý nghĩa. “Anh em đừng hiến thân xác anh em phục vụ tội lỗi nữa, nhưng anh em hãy hiến toàn thân để phục vụ Thiên Chúa” (Rm 6,13). “Anh em hãy hiến thi thể anh em để phục vụ sự công chính, để trở nên thánh thiện” (Rm 6,19). “Thưa anh em, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thực xứng hợp để anh em thờ phượng Người” (Rm 12,1.).

Như vậy, Maria và Giuse đến thi hành trước, điều mà sau này chính Đức Giêsu sẽ thực hiện trong bữa tiệc ly và trên thập giá… và mọi Kitô hữu được mời gọi thể hiện trong mọi thánh lễ: hiến dâng mạng sống của mình! “Đây là mình Thầy sẽ bị nộp vì các con”. Lạy Chúa, khi thông hiệp với Chúa, chớ gì con biết hiến mạng sống mình vì yêu. Để làm nổi bật hai sự việc trên chỉ là một (“tiến dâng con” và “hiến dâng của lễ”), Luca trích dẫn hai đoạn văn Kinh Thánh, khi cần vẫn có thể tăng cường chiều kích “vượt qua” của trình thuật này: “Tất cả các con trai đầu lòng đều được thánh hiến dành cho Thiên Chúa” (Xh 13,2.12.15). Chúng ta hãy nhớ lại nguồn gốc của nghi thức này. Dân tộc Israel làm nô lệ bên Ai Cập. Để chấp nhận việc giải phóng vượt qua, vua Pharaô đã phải chứng kiến mọi con trai đầu lòng thuộc xứ sở mình đều chết hết. Một của lễ chiên vượt qua ghi dấu máu nơi cửa nhà Do Thái. Và để “ghi nhớ” ngày cứu độ giải phóng này, mọi con trai đầu lòng người Israel đều thuộc về Thiên Chúa! Muốn dẫn chúng trở lại gia đình, cần phải “chuộc lại”. Đó là biểu tượng lạ thường. Một vật thuộc về Thiên Chúa? Muốn dân chúng trở lại gia đình, cần phải “chuộc lại”. Đó là biểu tượng lạ thường. Một vật thuộc về Thiên Chúa: là một vật được hiến thánh!

Chính Đức Giêsu cũng được “hiến thánh” cách trọn vẹn! Và việc đó được diễn ra vào “ngày thứ bốn mươi”, thời gian tròn đầy.. và sau này còn có một “ngày thứ bốn mươi” nữa, để kết thúc mùa phục sinh dẫn tới biến cố lên trời làm cho sự hiện diện hữu hình của Đấng phục sinh biến khỏi. Đúng vậy, toàn bộ Tin Mừng đang nằm ở trang này. Và một cảnh vượt qua khác cũng sẽ diễn ra “ở Giêrusalem” (Lc 24, 47-52).

Phép rửa đã thánh hiến tôi cho Chúa. Biến cố đó có ý nghĩa gì đối với tôi không?

Của lễ là một đôi chim gáy, hay một cặp bồ câu non…

Thật là cảm động, phải không? Nhưng coi chừng, ta có thể biến toàn thể trình thuật trên đây của Luca thành giai thoại mất thôi! Một lần nữa, ta cần ghi nhận rằng, Luca đã không thêm bớt gì. Rõ ràng ông chỉ dựa vào những thực hành tôn giáo Do Thái hiển nhiên. Nhưng ta cũng có thể nhìn ra, tại sao Đức Giêsu lại không được miễn chước khỏi việc tuân giữ những tập tục đó. Mà thôi, đối với Luca, điều quan trọng thực sự đó là “nội dung” thần học, là “ý nghĩa” thâm sâu của các sự kiện lịch sử. Vậy ta cứ chấp nhận quan điểm của người thuật chuyện. Nào ta sẽ đọc toàn bộ bản văn mà Luca đã trích dẫn một đoạn nơi sách Lêvi (12,8): “Nếu người mẹ không đủ khả năng kiếm đủ tiền mua con vật, thì có thể dùng đôi phim gáy hay một cặp bồ câu. Đó! đúng là lễ vật của người nghèo. Maria đã không thể làm gì hơn được. Bà không thể trả tiền cao hơn! Đó là điều mà Luca nhằm gợi lên cho ta, nếu ta biết đoán ra ý người viết, và ta biết rằng toàn bộ Tin Mừng của ông sẽ là “tin vui cho người nghèo (Lc 4,18). Phải, toàn bộ Tin Mừng đã nằm ở trang này, bề ngoài xem ra đầy hình ảnh dân gian. Phúc thay những người nghèo, vì nước trời là của họ.

Được “thánh hiến” cho Thiên Chúa… điều đó không đòi hỏi những dấu hiệu huy hoàng. Mọi người nghèo trên thế giới với áo quần rách rưới, lại “xứng đáng” với Thiên Chúa và được thánh hiến… Những người nghèo được “thánh hiến”! Tôi có kính trọng họ không?

Cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel phải hư vong hay được ơn cứu độ, cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng.

Đức Giêsu cũng là một “dấu hiệu”, một “dấu hiệu bị chống báng”, một “dấu hiệu mà người ta có thể phủ nhận”. Thiên Chúa không muốn áp đặt. Người đã trao ban tự do. Người chấp nhận ” dấu chỉ tình yêu của Người có thể bị người đời chối bỏ! Péguy sẽ nói: “Những khúm núm lụy phục của kẻ nô lệ không nói lên cho Người điều gì cả”. Như thế mỗi người phải tự quyết định trước trường hợp “Giêsu” Ta có thể từ chối Ngài, nghĩa là phải hy vọng, phải quỳ xuống… ta có thể đón nhận Người, nghĩa là được ơn cứu độ được nâng lên…

Ngay tại trang này, ta đã có Đấng “Thẩm phán vũ trụ”, Đấng phân chia loài người ra làm hai trong Ngày cánh chung (Mt 25-31). Lạy Chúa xin nâng con lên. Xin giúp con biết chọn Chúa.

Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là thành Nagiarét, miền Galilê, còn hài nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh… tiến triển…

Cuộc hành trình lên thủ đô đã kết thúc. Đôi vợ chồng trẻ lại trở về miền quê tăm tối của mình. Nhưng giờ đây, chính Thiên Chúa luôn ở cùng. Người sắp sống tại xưởng thợ nơi gia đình. Dần dần, Người sẽ tập sống làm người. Người sẽ học đời, học đi (ban đầu có thể lao đao, rồi té xuống). Người sẽ học đọc tại trường, học nghề thợ mộc… ôi thôi! kéo cưa của cậu mới ‘tập sự’ chưa giúp được việc gì. Những, Người cứ tập tành… Người sẽ tiến bộ.

 (*)Tựa đề do BTT.GPBR đặt

 

CHÚA NHẬT LỄ THÁNH GIA THẤT- B

DÂNG CHÚA GIÊSU TRONG ĐỀN THÁNH- Chú giải của Lm. FX. Vũ Phan Long

1.- Ngữ cảnh

Chương 1–2 của Tin Mừng Luca có ý tưởng chủ đạo là sự hoàn tất lời Thiên Chúa hứa ban Đấng Mêsia. Các truyện kết cấu nhịp nhàng và đạt tới đỉnh điểm khi Đức Giêsu được dâng trong Đền Thờ. Trong biến cố này, tác giả đã nhìn thấy Đức Giêsu tỏ mình công khai. Ngài diễn tả được điều đó khi dùng Đanien 9–10 trong các lời loan báo cho Đức Maria và Dacaria, cũng như khi dùng Malakhi 3 trong lời loan báo cho Dacaria, trong bài ca “Chúc tụng” (Benedictus) và trong truyện Dâng con trong Đền Thờ. Được quy tụ lại quanh khái niệm “sự hoàn tất các ngày” (= đã mãn: 1,23.57; 2,6.21-22), các bản văn thiên sai này nêu bật ý tưởng là thời thiên sai đã đến. Vậy các chương này thuộc lịch sử tôn giáo được viết theo ngôn ngữ Kinh thánh.

Lc 1,5–2,22 là một chuỗi các thời điểm. Tác giả đã muốn nối kết biến cố sứ thần Gabriel hiện ra ở Đền Thờ với việc Đức Giêsu tỏ mình ra cũng tại đấy bằng một con số huyền bí (70 tuần 7 ngày):

– 6 tháng (Lc 1,26.36) kể từ khi Dacaria được báo tin tới khi Đức Maria được báo tin: 30 ngày x 6 = 180 ngày

– 9 tháng kể từ khi Đức Maria được truyền tin đến khi Đức Giêsu chào đời: 30 ngày x 9 = 270 ngày

– 40 ngày kể từ khi Đức Giêsu chào đời cho đến khi được tiến dâng: = 40 ngày

Tổng cộng: = 490 ngày = 70 tuần 7 ngày.

Thế mà theo lời sấm Đn 9,21-24, sau 70 tuần, Israel sẽ được thanh tẩy khỏi các tội và Đền Thờ Giêrusalem sẽ được tái cung hiến (thời vua Antiôkhô IV Êpiphanê / Giuđa Macabê). Tác giả Lc muốn cho thấy rằng việc Đức Giêsu được tiến dâng trong Đền Thờ đã khởi sự việc “Vinh quang” của Thiên Chúa (x. cụ Simêôn gọi Đức Giêsu là “vinh quang của Israel”) đến cư ngụ vào thời cánh chung để thanh tẩy Đền Thờ và Israel. Việc này cũng làm ứng nghiệm lời ngôn sứ Ml (3,1).

2.- Bố cục

Nên đọc bản văn này từ câu 21, để duy trì được sự song đối giữa Gioan và Đức Giêsu. Do đó, chúng tôi xác định bố cục có cả c. 21. Đoạn này gồm hai phần chính và một kết luận:

1) Hai khúc dạo đầu (2,21-24):

– cắt bì và đặt tên (c. 21),

– thanh tẩy Đức Maria và dâng Đức Giêsu (cc. 22-24).

2) Hai cuộc tỏ mình (2,25-38):

– tỏ mình cho cụ Simêôn (cc. 25-35),

– tỏ mình cho bà Anna (cc. 36-38).

3) Kết: Nhắc lại điệp khúc của bài tường thuật về Thời thơ ấu (2,39-40).

3.- Vài ghi chú về chú giải

– Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài (22): “Các ngài” là Đức Maria và Giuse? hay là Đức Maria và Đức Giêsu? Luật không buộc thanh tẩy người chồng hoặc đứa con trai sơ sinh. Tuy vậy, “các ngài” phải được hiểu là quy về Giuse và Đức Maria, bởi vì các ngài là chủ từ của động từ “đem [con] lên”. Các nhà chú giải nhìn nhận rằng tác giả Lc, vì không phải là một Kitô hữu gốc Do Thái Paléttina, nên đã không được hiểu biết chính xác về tập tục thanh tẩy một phụ nữ sau khi sinh con. Và đây cũng là một dấu cho thấy rằng thông tin ngài có được không phát xuất từ những kỷ niệm hay ghi nhớ của Đức Maria.

– theo Luật Môsê(22): Theo Lêvi 12,2-8, một phụ nữ sinh một con trai bị coi là ô uế trong vòng 40 ngày: sau 7 ngày, đứa bé phải được cắt bì (vào ngày thứ tám), và người mẹ còn phải chờ ở nhà 33 ngày nữa, “cho đến khi mãn thời gian thanh tẩy của bà” (Lv 12,4), trước khi bà được đụng chạm vào bất cứ vật thánh nào hoặc đi vào các sân Đền Thờ. Sau ngày thứ bốn mươi (hoặc thứ tám mươi), bà phải đem đến cho vị tư tế phục dịch tuần ấy tại Lều Hội Ngộ hay Đền Thờ một con chiên một tuổi làm lễ toàn thiêu và một bồ câu non hay một chim gáy làm lễ tạ tội. Nếu không thể dâng con chiên, bà phải dâng hai chim gáy hoặc hai bồ câu non.

– để tiến dâng cho Chúa (22): Chi tiết này mô phỏng truyện bà Anna dâng Samuen ở 1 Sm 1,22-24. Tuy vậy, đến câu sau, tác giả Lc nối kết việc dâng Đức Giêsu với luật về đứa con đầu lòng. Đức Giêsu được gọi là “con trai đầu lòng” ở 2,7, và việc chuộc lại Người là nhiệm vụ của cha mẹ Người. Trong Xh 13,1-2, chúng ta đọc: “Đức Chúa phán với ông Môsê: ‘Hãy thánh hiến cho Ta mọi con so, mọi con đầu lòng trong số con cái Israel, dù là người hay là thú vật: nó thuộc về Ta”. Sự thánh hiến này sẽ bảo đảm phúc lành cho những đứa con đến sau. Đứa con đầu lòng được chuộc lại bằng cách trả năm sê-ken (= mười lăm chỉ bạc), tính theo đơn vị đo lường của thánh điện (Ds 3,47-48; 18,15-16), nộp cho một thành viên của gia đình tư tế, khi đứa bé đã được một tháng. Tác giả Lc không nhắc gì đến việc trả số bạc; thay vào đó, ngài diễn tả việc chuộc con như là việc dâng con vào Đền Thờ Giêrusalem, một tập tục không có chỗ nào trong Cựu Ước hoặc sách Mishnah nói cả.

– để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền (24): Hy lễ không phải là cho việc chuộc con đầu lòng, nhưng là cho việc thanh tẩy bà mẹ.

– công chính và sùng đạo (25): Các chi tiết mô tả cụ Simêôn đã đặt ông cùng với Dacaria và Êlisabét, Giuse và Đức Maria, và bà Anna, vào số những đại diện của những người Do Thái trung thành đang sống tại Paléttina vào thời gian sát ngay trước khi Đức Giêsu chào đời.

– niềm an ủi của Ít-ra-en (25): Ta hiểu đây là niềm hy vọng hậu Lưu đày: dân trông chờ Thiên Chúa khôi phục lại chế độ thần quyền tại Israel (x. Is 40,1; 61,2).

– ra đi (29): Ông Simêôn dùng ngôn ngữ của người canh đêm, sau khi đã hoàn tất công việc, xin được nghỉ ngơi.

– một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà (35): Có những tác giả cho rằng “thanh gươm” đây là nỗi ngờ vực về chân tính sâu xa của Con mà Đức Maria sẽ cảm nghiệm khi nhìn Đức Giêsu bị đóng đinh (chẳng hạn Origiênê, Reuss, Bleek…). Cách giải thích này không tương ứng với TM Lc, và có vẻ là một cách giải thích theo tâm lý không có cơ sở. Cách giải thích truyền thống (kể từ Paulin de Nole và thánh Âutinh) đã coi “thanh gươm” này là nỗi đau đớn đồng cảm Đức Maria cảm nhận khi chứng kiến Con mình bị đóng đinh. Tuy nhiên, cách giải thích này cũng không phù hợp với TM Lc, bởi vì Đức Maria chỉ xuất hiện dưới chân thập giá trong TM Ga mà thôi (Ga 19,25-27) và cũng chỉ trong Ga, cạnh sườn của Đức Giêsu mới bị một ngọn giáo đâm thâu (Ga 19,34). TM Lc không bao giờ nói rằng Đức Maria ở trong số các phụ nữ đã đi theo Người từ Galilê (Lc 23,49.55; 24,10). Cách giải thích này lại cắt ngang chuyển động của bản văn và dường như đưa vào đó một ngoặc đơn (x. bản dịch Bible de Jérusalem, CGKPV) hơi lạ. Cách giải thích này cũng giới hạn quá đáng vào cá nhân Đức Maria, điều này dường như trái với cái nhìn của tác giả Lc: đối với ngài cũng như đối với tất cả các tác giả Tân Ước, tâm lý của các nhân vật không đáng kể bằng vai trò của họ trong Lịch sử cứu độ (ta thấy điều này trong các bản văn về Thời thơ ấu: Đức Maria chỉ luôn đóng một vai trò lệ thuộc vào vai trò của Đức Giêsu). Đã thế, lối giải thích này lại chỉ ưu tiên chú ý đến Núi Sọ. Cần phải tìm ý nghĩa của lời này của ông Simêôn trong nhãn quan của tác giả Lc về Đức Maria.

(1) Ở trong Cựu Ước, hình ảnh “thanh gươm” là biểu tượng của sự “chia rẽ” và “mâu thuẫn” (x. Ed 12; 14;…). Ở Is 49,2, Thiên Chúa đã làm cho miệng lưỡi Người Tôi Trung nên như một “lưỡi gươm sắc bén”. Sách Khải huyền đã lấy lại hình ảnh này và áp dụng cho Đức Kitô (1,16; 2,12.16; 19,15.21). Khi ta thấy rằng viên Kỵ sĩ trong Kh được gọi là “Lời của Thiên Chúa” và “từ miệng Người phóng ra một thanh gươm sắc bén” (Kh 19,13.15), đàng khác, ta lại nhận thấy rằng Is 49,2 chỉ đi trước Is 49,6 một chút, trong đó Người Tôi Trung được gọi là “ánh sáng muôn dân”, tức khắc ta nghĩ rằng hai câu này hiện diện trong tâm trí tác giả Lc khi ngài viết cc. 32.35a, và thanh gươm phân rẽ giữa lòng Israel chính là Lời mạc khải của Thiên Chúa là chính Đức Giêsu, Lời mang lại ơn cứu độ, nhưng cũng là Lời sẽ phán xét (x. Dt 4,12). Thế mà dọc theo hai chương đầu, ta thấy tác giả Lc giới thiệu Đức Maria như là Thiếu nữ Sion, nghĩa là Israel được nhân-cách-hóa (đọc Lc 1,28 dưới ánh sáng của Xp 3,14-15 và Dcr 2,14). Theo hướng này, ta hiểu tác giả đang vận dụng một kiểu nhân-cách-hóa tiên trưng để trình bày hoạt cảnh Dâng Con trong Đền Thờ, và như vậy, ngài đã đặt vào miệng ông Simêôn c. 35a để ngỏ lời với Đức Maria trong tư cách là Thiếu nữ Sion: nơi Mẹ, chính là Israel sẽ bị thanh gươm của Đức Chúa đâm thâu.

Cách giải thích này (được gợi ý bởi Sahlin, Black, Laurentin, Boismard, Benoýt…) có điểm thuận lợi là làm cho c. 35a ăn khớp hài hòa với ngữ cảnh. Thay vì đưa vào đó một ngoặc đơn, chi câu này trở thành một mắt xích của một phần triển khai, trong đó tư tưởng trước được nối tiếp và tư tưởng sau được chuẩn bị. Các câu 34 và 35a mô tả cuộc khủng hoảng gây ra nơi Israel bởi “dấu hiệu gây chống báng” được ngôn sứ Êdêkien coi như một thanh gươm của Thiên Chúa đâm thâu tâm hồn dân Chúa; còn c. 35b là kết luận: sự thử thách gây ra bởi việc Đức Giêsu đến, do việc đòi hỏi phải chọn lựa theo hay chống Người, sẽ đưa tới chỗ thâm tâm của người ta phải lộ ra.

Hiểu như thế, cc. 34-35 hoàn toàn di theo và minh họa cc. 30-32. Lời sấm của ông Simêôn được phân phối thành hai cánh của một bức tranh bộ đôi: một cánh thì cho thấy Dân Ngoại được ánh sáng soi đường và muôn dân được cứu độ, và đây phải là vinh quang cho Israel; cánh kia cho thấy khủng hoảng của chính Israel này, khiến nhiều con cái của Dân Chúa chọn phải vấp ngã. Vậy đây chính là toàn thể tấn bi kịch của Lịch sử cứu độ được ông Simêôn trình bày cô đọng, và sẽ được tác giả Luca tiếp tục trình bày trong Tin Mừng cũng như trong Công vụ.

(2) Có một cách giải thích khác cũng có thể chấp nhận như một tầng ý nghĩa khác của câu này, và như một cách chứng minh kiểu tiêu cực cho cách trên đây. Trong Ed 14,17 (Hy Lạp), có nối kết “thanh gươm” với “đâm thâu (= xuyên qua)”. Theo hình ảnh này, thanh gươm phân biệt ra (chọn ra) một số người để bị tiêu diệt và một số người để được cứu độ (x. Ed 5,1-2; 6,8-9). Trong ngữ cảnh của Lc, hình ảnh này phát xuất từ ý tưởng nói rằng vai trò của Đức Giêsu là làm duyên cớ cho nhiều người Israel phải vấp ngã hay được chỗi dậy. Đức Maria, là thành viên của Israel, cũng sẽ phải chịu ảnh hưởng. Trong Lc, chính Đức Giêsu sẽ được mô tả như một người gây chia rẽ trong các gia đình (12,51-53). Như vậy, với hình ảnh thanh gươm đâm thâu Đức Maria, ông Simêôn gợi đến khó khăn mà Mẹ sẽ gặp thì mới học ra rằng việc vâng phục Lời Thiên Chúa phải vượt lên trên cả những dây liên hệ gia đình (x. 8,21; 11,27-28).

4.- Ý nghĩa bản văn

* Hai khúc dạo đầu (21-24)

Cũng như việc cắt bì và đặt tên cho Gioan là cơ hội để con trẻ tỏ mình ra và để Dacaria nói lên một lời sấm, ở đây cũng vậy, việc cắt bì và đạt tên cho Đức Giêsu là cơ hội để Người tỏ mình ra. Cũng như Gioan, Đức Giêsu được ghi dấu ấn là dấu chỉ của giao ước (St 17,11) và tháp nhập vào Israel (x. Gs 5,2-9). Ngài cũng được đặt tên là Giêsu, một tên được chính Thiên Chúa ban cho. Bản văn nhấn mạnh trên việc đặt tên hơn là trên việc cắt bì.

Trong cc. 22-24, có hai biến cố được kể lại nhân dịp Đức Giêsu tỏ mình ra: (a) việc thanh tẩy Đức Maria, 40 ngày sau khi sinh Đức Giêsu (cc. 22a.24); và (b) việc chuộc lại Đức Giêsu, một tháng sau khi sinh (cc. 22b.23). Dường như Luca đã mô phỏng truyện dâng Samuel (1 Sm 1,22-24) mà tả cảnh này. Bản văn nhấn mạnh trên sự trung thành của Đức Maria và ông Giuse, như là những người Do Thái đạo đức, khi thi hành những điều buộc của Luật Môsê. Trong các câu này, Luật được nhắc đến 3 lần (cc. 22a.23a.24a) và trong truyện tỏ mình ra cho ông Simêôn (c. 27) và trong phần kết (c. 39). Hình thái cứu độ mới của Thiên Chúa đến với việc vâng phục Luật này.

* Hai cuộc tỏ mình (25-38)

Hình ảnh ông Simêôn gợi nhớ đến tư tế Êli trong 1 Sm 1–2 cũng như Dacaria trong truyện Gioan Tẩy Giả. Cũng như Dacaria đã tiên báo sự cao cả của Gioan Tẩy Giả trong bài ca “Chúc tụng”, nay sự cao cả của Đức Giêsu được ông Simêôn ca tụng. Do có sự song đối như thế, đến đây ông Simêôn nói hai lời tuyên bố, một là bài thánh ca ở cc. 29-32 và một là lời sấm ở cc. 34-35. Bài thánh ca công bố hình thái cứu độ mới của Thiên Chúa. Lời sấm được ngỏ với Đức Maria để nói về sứ mạng của Đức Giêsu và thân phận của Mẹ.

Tác giả luôn luôn viết một truyện về phái nam đi song song với một truyện về phái nữ, ở đây cũng vậy: bà Anna song đối với ông Simêôn. Sự cao cả của Gioan được Dacaria công bố trong bài ca của ông; nhưng sự cao cả của Đức Giêsu lại không chỉ được ông Simêôn công bố mà được cả bà Anna giới thiệu nữa. Tuy nhiên, bà Anna không nói một tuyên bố nào; vai trò của bà là phổ biến tin mừng về hài nhi mà ông Simêôn đã nhận biết.

* Nhắc lại điệp khúc của bài tường thuật về Thời thơ ấu (39-40)

Hai câu kết làm vọng lại điệp khúc đã có trong bài tường thuật về Thời thơ ấu (1,80; 2,52). Câu này nhắc lại từng chữ bản mô tả Gioan (1,80). Toàn c. 40 gợi lại truyện Samuen, nhất là 1 Sm 2,21c.26.

+ Kết luận

Câu truyện này là một lễ mừng các cuộc gặp gỡ trong niềm vui. Truyện được kể cho chúng ta ở đây cho thấy nhiều tương quan khác nhau. Chúng ta thấy Đức Giêsu trong dây liên hệ có một không hai với Thiên Chúa. Chúng ta cũng thấy cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và ông Simêôn, Đức Maria và bà Anna. Gặp gỡ Đức Giêsu đưa lại niềm vui vô biên, nhưng cũng tạo nên một quan hệ buộc người ta phải rảo qua trọn con đường với Người và phải luôn luôn ở gần kề với Người.

5.- Bài học

  1. Hôm nay, trong bản thân hài nhi Giêsu, chính Thiên Chúa trở lại với thánh điện của Ngài lâu nay bị bỏ hoang. Cho dù tọi lỗi của Israel có thế nào, Thiên Chúa vẫn trung thành giữ những lời đã hứa. Vào dịp chúng ta chịu phép rửa tội, Thiên Chúa đã nhận chúng ta làm con. Cho dù chúng ta có bất trung thế nào, Người vẫn không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Cho dù các tội lỗi của chúng ta đã xua đuổi Người ra khỏi thánh điện là trái tim chúng ta, Người vẫn tìm mọi cách để đưa chúng ta đến chỗ hoán cải. Hãy mở rộng thánh điện tâm hồn mà đón Đức Kitô.
  2. Chúa Thánh Thần luôn luôn có mặt và làm việc. Chúng ta cũng có thể sống thường xuyên dưới tác động của Người nếu chúng ta ở trong ơn nghĩa với Thiên Chúa và chăm chú đi theo những gợi ý của Người trong lòng. Khi đó, Chúa Thánh Thần có thể trở thành một nguồn ánh sáng giúp chúng ta hiểu niềm tin của chúng ta rõ hơn cũng như hiểu bổn phận của chúng ta chính xác hơn, một nguồn sức mạnh thiêng liêng giúp chúng ta can đảm sống đời môn đệ của Đức Kitô, một nguồn gợi hứng trong khi chúng ta cầu nguyện cũng như sống nếp sống hằng ngày.
  3. Ông Simêôn và bà Anna là gương mẫu cho chúng ta về cách sống hy vọng và trung thành. Sự trung thành của họ đã được ban thưởng. Mỗi khi chúng ta rước lễ, chúng ta cũng được nhận ân huệ ấy. Do đó, cần chuẩn bị với thái độ chờ đợi trung thành và nhận Thánh Thể với những tâm tình biết ơn.
  4. Tất cả cuộc sống của Đức Maria và ông Giuse tập trung vào Đức Giêsu, trong khi Người lớn lên bình thường như mọi trẻ em khác. Nhưng “ơn nghĩa của Thiên Chúa vẫn ở trên Đức Giêsu” (c. 40) đã tạo nên trong gia đình này một bầu khí hiệp nhất, êm đềm, yêu thương. Bí quyết của hạnh phúc đơn giản và siêu nhiên ấy, chính là sự hiện diện phong phú của Đức Giêsu. Đây là điển hình hoàn hảo cho mọi gia đình Kitô hữu. Nếu Đức Kitô thật là trung tâm của gia đình, thì mặc dù có những thử thách của cuộc đời, chúng ta vẫn sẽ cảm nhận được hạnh phúc lớn lao là được yêu thương người khác và được người khác yêu thương, dưới cái nhìn của Thiên Chúa.
  5. Nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa đã đi vào Đền Thờ của Người. “Đó mãi mãi là cách Thiên Chúa đến viếng thăm …” sự thinh lặng, sự bất ngờ dưới mắt thế gian, mặc dù có những lời tiên báo mà mọi người đều biết … Không thể khác được. Các lưu ý của Thiên Chúa thì rõ ràng, nhưng thế giới vẫn tiếp tục dòng lưu chuyển của nó; khi đã dấn thân vào các hoạt động của họ, loài người không biết biện phân ra ý nghĩa của lịch sử. Họ coi các biến cố lớn là những sự kiện không quan trọng và do lường giá trị các thực tại theo một tầm nhìn hoàn toàn loài người… Thế giới vẫn mù lòa, nhưng sự Quan phòng ẩn tàng của Thiên Chúa thì tự thể hiện ngày qua ngày” (Hồng Y John Henry Newman, 1801-1890).

home Mục lục Lưu trữ