Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 89

Tổng truy cập: 1364208

GIÁO HỘI, MỘT DÂN TỘC TỈNH THỨC CHỜ CHÚA TRỞ LẠI

GIÁO HỘI, MỘT DÂN TỘC TỈNH THỨC CHỜ CHÚA TRỞ LẠI

VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI:

1. Một con tim gắn liền với một giá trị duy nhất...

Đang trên đường lên Giêrusalem, có người cầu khẩn Đức Giêsu phân xử một cuộc tranh chấp về gia tài. Nhân dịp này, Người cảnh báo đám đông thính giả, khuyên họ giữ mình khỏi: "mọi thứ tham lam", và lập tức Người minh họa bằng dụ ngôn người giàu có khờ dại (12, 16-21) để đi đến kết luận: "Kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như vậy”. Rồi quay sang các môn đệ mà Người thường gọi là "đoàn chiên nhỏ bé", Đức Giêsu kêu gọi hãy biết từ bỏ. Chúa Cha đã cho họ tất cả, đến lượt họ, tại sao họ lại không thể cho đi tất cả? Người nói với họ: "Hãy bán của cải mình đi mà bố thí".

H. Cousin bình luận: "Cho người nghèo của cải mình có (dù là tất cả hay chỉ một phần nhỏ để chia sẻ), chính là làm giàu trước mặt Chúa (12,21), là xây dựng cho mình một kho tàng vô tận nơi Chúa; tóm lại, là bảo đảm cho mình một phần thưởng đời dời. Tuy nhiên, đó không phải là phần thưởng cuối cùng, nhưng biên cố Nước Chúa đến phải động viên các Kitô hữu và giúp họ dấn thân với cả tâm hồn, đó chính là giá trị duy nhất. (Tin Mừng theo thánh Lc. Centurion, trg 184)

2. Tích cực đón chờ Đức Giêsu trở lại.

Tiếp tục câu chuyện với các môn đệ, Đức Giêsu đề cập đến một đề tài mới: tỉnh thức và trung tín. Người đang trên đường lên Giêrusalem, nơi Người sẽ được "đưa lên cao"; bởi vậy Người cần chuẩn bị cho các bạn hữu của mình sống trong một hoàn cảnh mới mà họ sẽ biết sau cuộc Phục Sinh của Người: Chúa của họ sẽ vắng mặt về thể lý, họ sẽ phải đón chờ Người trở lại trong vinh quang.

Ba dụ ngôn sẽ minh họa cho giáo huấn của Đức Giêsu: Trước hết là dụ ngôn những người đầy tớ sẵn sàng trong bộ đồ phục vụ, nghĩa là thắt lưng gọn gàng, vạt áo được săn lên và xiết chặt bằng dây thắt lưng như mọi người thường làm trong bữa tiệc vượt qua mà bài đọc thứ nhất đã thuật lại. Họ còn thắp đèn sẵn đợi chủ về. Họ tỉnh thức.

Cũng như những người đầy tớ trong dụ ngôn, các môn đệ của Đức Giêsu sẵn sàng đón chờ ngày trở lại của Thầy mình, và họ sẽ kinh ngạc khi thấy Đấng họ trông đợi ‘thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ’.

Liền sau đó là dụ ngôn ông chủ nhà tỉnh thức, biết đề phòng kẻ trộm đến bất ngờ.

Cũng vậy, các môn đệ của Đức Giêsu phải sẵn sàng vì Chúa trở lại thật bất ngờ.

- Dụ ngôn viên quản lý trung tín và viên quản lý bất trung kết thúc toàn bộ đoạn Tin Mừng này. Qua câu hỏi của Phêrô, dụ ngôn này giúp nhận rõ Chúa muốn nói với ai: “Lạy Chúa, Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất cả mọi người?"

Trong khi hai dụ ngôn trước nhắm đến tất cả các môn đệ, thì dụ ngôn thứ ba nhắm đến những ai có trách nhiệm riêng trong cộng đoàn và vì trách nhiệm này, họ phải xử sự như những đầy tớ của Đức Kitô và như những người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa.

H. Cousin kết luận: "Câu hỏi của Phêrô khiến Đức Giêsu phải đề cập đến một điểm đặc biệt. Sau khi cảnh báo tất cả mọi Kitô hữu qua các câu 36-40, thì ở đây, Người đòi hỏi thái độ trung tín nơi một số các môn đệ là những người thi hành trách nhiệm mục vụ trên các anh em khác trong cộng đoàn. Vì những phận vụ được trao phó trước mặt mọi người, họ phải luôn sẵn sàng hơn những Kitô hữu khác để trả lời trước mặt Thầy mình, về những thái độ xử sự của họ khi Người bất ngờ đến (sđd, tr. 187).

BÀI ĐỌC THÊM

1. “Một đức tin đâm rễ trong quá khứ, hướng về tương lai và thể hiện trong hiện tại như một bước tiến”.

Nói đến hiện hữu của người Kitô hữu là nói đến đức tin. Đức tin hướng về quá khứ, dựa vào một lời nói, chỉ một lời, một lời hứa.

Đức tin cũng hoàn toàn hướng về tương lai, vì chờ đợi lời hứa được thực hiện dù lời hứa ấy chỉ được bảo đảm bằng một lời nói. Người tín hữu tin rằng Thiên Chúa có thể thực hiện điều Ngài đã nói nhưng đức tin là tiến bước từ lời hứa này đến lời hứa khác mà không nắm giữ hoặc chiếm hữu điều gì.

Trong giây phút hiện tại, đức tin là một cuộc lữ hành, một bước đi, giống như Abraham và các tổ phụ là những di dân, khách lữ hành và những người rày đây mai đó.

Như vậy, phải chăng chúng ta bị kết án là chẳng có gì, chúng nắm giữ được gì? Đây chính là điều nghịch lý của đức tin: đức tin là "phương tiện giúp chiếm hữu được điều chúng ta mong đợi."

Sự chờ đợi đã có đầy tràn tương lai rồi. Đức Kitô, Đấng sẽ đến, Đấng chúng ta đón chờ, đã hiện diện rồi. Người ở giữa chúng ta qua những ai phục vụ. Như vậy, công việc của đức tin là loại trừ khỏi chúng ta những gì chúng ta tin là đã nắm vững và đặt trong tay chúng ta giá trị duy nhất của tương lai. Chúng ta tiến về giá trị đó và trông đợi nó: giá trị đó là phục vụ và chia sẻ. Đó là cách thế tốt để đón chờ, để tỉnh thức trong đức tin.

2. "Hãy thắt lưng sẵn sàng phục vụ

Thiên Chúa gõ cửa nhà tôi. Người tỏ lộ qua các biến cố và lời khẩn nài của mọi người. Người còn tỏ lộ cho tôi qua lời kêu gọi của những người chung quanh và bè bạn. Người ước mong được ở với tôi. Và tôi có nguy cơ không quan tâm đến những ước muốn của Người. Người gọi tôi nhưng tôi không có mặt để trả lời. Tôi thuộc loại những kẻ thuê bao vắng mặt.

Đúng, từ lâu lắm, có thể nói là suốt cả cuộc đời, tôi đã là loại người như thế? Thiên Chúa không ngừng đi qua nhà tôi để chỉ thấy nơi tôi sự trống vắng và bóng tối.

Phải chăng chúng ta đã đánh mất sở thích chờ đợi và ước ao? Chúng ta muốn tất cả mọi sự và muốn chúng phải có ngay lập tức. Toàn bộ cuộc sống của chúng ta đã được hoạch định.

Điều bất ngờ khó có chỗ đứng.

Chính Thiên Chúa ước ao đến nhà chúng ta. Vào bất cứ giờ nào. Ngay cả buổi tối khi chúng ta đã chuẩn bị lên giường. Hoặc thậm chí ban đêm khi chúng ta muốn được yên ắng nghỉ ngơi sau một ngày lao động mệt nhọc.

Thiên Chúa không để ý đến giờ giấc. Người luôn hiện diện. Người can thiệp thường xuyên, bất cứ lúc nào. Khi thấy chúng ta tỉnh thức và chờ đợi, Người sẽ sung sướng và vui mừng chia sẻ của ăn và những phương diện tết đẹp nhất trong đời sống của chúng ta.

Nếu thấy chúng ta vì ao ước mà săn sàng. Người sẽ "đốt lên” trong ta ngọn lửa sự sống. Người sẽ trao cho chúng ta Lời của Người. Người sẽ liên kết chúng ta với sứ mạng loan báo Nước Thiên Chúa của Người.

Chúng ta phải thắt lưng sẵn sàng, đó là thái độ của người sẵn sàng tham dự. Không phải một giờ mỗi tuần. Cũng không phải vài phút mỗi ngày, nhưng luôn luôn, thường xuyên. Đến nỗi Chúa đến bất cứ giờ phút nào cũng không bao giờ có thể làm chúng ta bất ngờ. Người sẽ thấy chúng ta luôn thắt lưng sẵn sàng. Và ngọn đèn của chúng ta luôn thắp sáng để nhận ra Đấng đang đến mà đón tiếp Người, mọi lúc. Một thái độ như vậy không có nghĩa là chúng ta không bao giờ kịp thở. Không có nghĩa là chúng ta không ngừng lại, không nghỉ ngơi. Nhưng có nghĩa là đôi mắt chúng ta luôn dò xét đôi tai luôn lắng nghe. Con tim luôn sẵn sàng. Tinh thần luôn tỉnh thức.

 

64.Chú giải mục vụ của Hugues Cousin

NHỮNG DỤ NGÔN VỀ SỰ TỈNH THỨC

Tiếp tục trò chuyện riêng với các môn đệ, Chúa Giêsu bàn về một đề tài mới, sự tỉnh thức và lòng trung thành. Trên đường hướng về Giêrusalem nơi mà Ngài sắp thực hiện cuộc xuất hành của mình, Ngài phải chuẩn bị cho các người thân thuộc sống trong tình trạng mà sau ngày Phục Sinh họ phải sống: trông đợi Chúa của họ Đấng sẽ vắng mặt. Trình thuật về cuộc thăng thiên (Cv 1,9-11) ý nghĩa đặc biệt rằng thời kỳ của Giáo Hội là giai đoạn vắng bóng Chúa Kitô, Đấng mà người ta kêu cầu:”Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến!”. Trong thời kỳ này, mọi tín hữu phải sẵn sàng (cc.35-40); nhưng các môn đệ, được gọi để thi hành nhiệm vụ đặc biệt của những người có trách nhiệm trong các cộng đoàn được mời gọi cách đặc biệt phải sống trung thành (cc.41-48). Để được vậy, Chúa Giêsu sắp kể những dụ ngôn để tức thời trao ban cho một thái độ mà họ phải bắt chước.

1. Những đầy tớ tỉnh thức.

Người chủ nhà tỉnh thức (12,35-40)

Chúa Giêsu bắt đầu mời gọi các môn đệ trong tư thế đang làm việc; sau ngày thăng thiên, chính trong lúc không ngừng lo lắng thi hành nhiệm vụ mà họ phải đợi chờ giây phút mở cửa cho Chúa của họ (c.35). Họ được so sánh (cc. 36-38) với các đầy tớ mà ông chủ đi ăn cưới có thể trở về bất cứ lúc nào trong đêm; như thế việc áp dụng dụ ngôn thứ nhất lại được nói trước dụ ngôn (đây không phải là điều thường xảy ra). Hai lần Chúa Giêsu tuyên bố phúc cho những đầy tớ mà chủ thấy tỉnh thức: họ sẽ được ngồi ăn với ông. Việc ám chỉ bàn tiệc cánh chung mà Thiên Chúa đã dự kiến cho dân Ngài (x.Is 25,6-8) sẽ được sáng tỏ với 13, 29 và, rõ hơn nữa, với 22,30 nơi đó Chúa Kitô loan báo rằng những kẻ thuộc về Ngài sẽ ăn uống với Ngài trong Vương Quốc của Ngài. Hơn nữa, phần thưởng được diễn tả trong việc đảo ngược các vai trò: chính ông chủ sẽ phục vụ để tiếp đãi họ. Ở đây nữa, một lời của Chúa Giêsu mang đến ánh sáng cần thiết: Ngài ở giữa họ như một người phục vụ (22,27).

Để minh hoạ cũng đề tài tỉnh thức này, dụ ngôn thứ hai nhắc lại rằng một ông chủ nhà không bao giờ biết được khi nào kẻ trộm đến. Không thể tỉnh dậy đúng lúc! Bài học được rút ra từ đó –phải không ngừng canh gác- lần này rõ ràng được áp dụng cho những thành viên của Giáo Hội trong việc họ chờ đợi ngày Quang lâm, ngày Con Người đến lần cuối cùng. Nếu ở đây Chúa Giêsu tự xưng mình bằng tước hiệu này chứ không dùng tước hiệu Chúa chẳng hạn, chính là để nhấn mạnh đến vai trò thẩm phán hoàn vũ của Ngài (x.21-36) và nhấn mạnh đến tính chất hoàn toàn bất ngờ của việc Ngài đến (x.17,23-26).

2. Người quản gia trung thành (12,41-48)

Một câu hỏi của Phêrô làm cho việc áp dụng dụ ngôn được tinh tế hơn: dụ ngôn này được nói cho ai? Cho mọi người –kể cả đám đông dân chúng- hảy chỉ nói cho các môn đệ (c.41)? Bằng một cách thức có ý nghĩa, Luca ghi chú rằng chính Chúa, người chủ của Giáo Hội, sẽ trả lời bằng dụ ngôn thứ ba. Tình trạng mà dụ ngôn nêu ra rõ rằng là ở vào sau ngày Phục Sinh: các động từ ở thì tương lai, đặc biệt động từ kể lại việc đặt định của người quản qua. Những câu 42-44 nhắc lại một phần các câu 36-38: Chúa Giêsu đưa vào hoạt cảnh một người đầy tớ mà khi trở về ông chủ gặp thấy đang làm việc và Ngài tuyên bố phúc cho anh ta. Nhưng có điều mới ở đây: đó là một đầy tớ-quản gia có nhiệm vụ cung cấp lương thực cho kẻ ăn người ở. Thi hành đúng mức nhiệm vụ này đó là trung thành đáng tin cậy và khôn ngoan – biết rằng đời sống vĩnh cửu có liên quan tới công việc hằng ngày. Để thưởng công, người đầy tớ này được giao phó một nhiệm vụ đáng kể hơn, coi sóc tất cả tài sản của chủ mình.

Khi phác hoạ một trường hợp ngược lại, các câu 45-46 nêu lên một chi tiết khá rõ. Nghĩ bụng rằng chủ về muộn, người đầy tớ quản gia lợi dụng cơ hội để hống hách. Đó là một ám chỉ khá rõ về thời hạn, trong Giáo Hội, kéo dài từ ngày Chúa thăng thiên đến khi Chúa quang lâm, khi Chúa đến vào thời cuối cùng (x.Cv 1,6-8; 2Pr 3,8tt). Không những không thi hành nhiệm vụ –anh ta chè chén say sưa- anh ta lại còn hành hạ tôi trai tớ gái những kẻ mà anh ta có nhiệm vụ phải nuôi dưỡng. Sau khi nhắc lại việc trở về bất ngờ, là đến hình phạt: ông chủ cách chức anh ta và bắt phải chung số phận với những kẻ bất trung, trường hợp của một sự chểnh mảng cố ý; một sự bất tuân phục như thế sẽ bị trừng trị nghiêm khắc. Còn kẻ nào chểnh mảng, vô tình, vô ý, vì thiếu khả năng, sẽ bị phạt ít hơn (c.48a).

Như thế câu hỏi của Phêrô đã khiến Chúa Giêsu bàn đến một điểm riêng biệt. Sau lời cảnh cáo các câu 36-40 nói cho tất cả mọi tín hữu, ở đây Ngài đòi hỏi một thái độ trung thành nơi một số môn đệ, những người có trách nhiệm mục vụ đối với những anh em khác trong cộng đoàn. Tuy nhiên ta đừng quên rằng ở đây Chúa Kitô nói bằng dụ ngôn: tất cả mọi chi tiết đều được coi là phóng dụ, chẳng hạn việc đánh đòn (cc.47-48a). tuy nhiên giáo huấn không vì thế mà kém phần trong sáng: Chúa Kitô trông đợi rất nhiều ở các vị lãnh đạo cộng đoàn, điều đó được biểu lộ qua câu châm ngôn bình dân mà Người đưa ra (c.48b). vì được Thiên Chúa trao phó những chức vụ ở giữa dân Ngài, họ phải luôn luôn, hơn tất cả các tín hữu khác, sẵn sàng trả lẽ, bằng cách hành xử của họ, với vị Tôn Sư khi Ngài đến bất ngờ.

 

65.Chú giải của Noel Quesson

Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: "Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em".

Luca đã cân nhắc khi đặt những lời này của Đức Giêsu trong cuộc hành trình dài lên Giêrusalem mà chúng ta cùng đi theo: từ mấy Chúa nhật qua. Đức Giêsu tiến lên cái chết của Người, sự "xuất phát" của Người (Lc 9,51). Không cần phải là một thầy bói để đoán trước tương lai. Trong một số trường hợp, người ta biết rất rõ điều gì sẽ xảy ra. Đối với Đức Giêsu và các bạn hữu Người, trong những tuần lễ cuối cùng trước lễ Vượt qua, điều đó rõ ràng và đáng ngại: Người sắp đối đầu với sự thù nghịch cứng rắn và không nao núng của những vị đứng đầu tôn giáo... giữa sự ác cảm của quần chúng không còn chút quan tâm đến con người đã từ khước trở thành Đấng Mêsia "của họ", Đấng Mêsia công thành danh toại và chiến thắng tất cả. Cứ bề ngoài mà xét, thất bại chung cuộc đang đến gần: Một dự án thất bại, một cuộc đời thất bại.

Vả lại chính trong bối cảnh đó mà Đức Giêsu nói: “Hỡi đoàn chiên bé nhỏ, đừng sợ!". Thật vậy, nhóm các môn đệ ít ỏi ấy nhỏ bé và mong manh làm sao! Đức Giêsu cố động viên họ khi gọi họ bằng từ thân ái ấy: "Đoàn chiên bé nhỏ".

Nhưng từ ngữ ấy cũng là một cách diễn tả của Thánh Kinh mang một ý nghĩa thần học. "Đoàn chiên" có "chủ chiên" dẫn dắt, hình ảnh này muốn nói rằng Thiên Chúa yêu mến và bảo vệ dân được chọn của Người (St 48,15; Gr 31,10; Ed 34). “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ" (Tv 22).

Thế là một lần nữa, chính miệng con người Giêsu Nadarét đưa ra một khẳng định đầy táo bạo: Nhóm nhỏ này, yếu ớt và nghèo khổ, không quyền thế, không văn hóa, không chỗ dựa, không có lòng can đảm là "Israel mới", dân mới của Thiên Chúa. Hỡi đoàn chiên bé nhỏ, đừng sợ!

Ngày nay, Đức Giêsu nói với tôi cũng lời đó, trong những lúc tôi gặp thử thách. Ngày nay, Đức Giêsu nói lại điều đó với Giáo Hội hiện nay, trong những lúc Giáo Hội gặp khủng hoảng.

Tôi lắng nghe. Tôi lắng nghe.

Theo Đức Giêsu vì sao chúng ta phải xua tan sự sợ hãi? "Bởi vì Cha anh em coi việc ban cho anh em Nước của Người là điều tốt lành". Đời sống anh em có một ý nghĩa trong Thiên Chúa, cho dù vì lý do này hay lý do khác, đời sống ấy có một bề ngoài thất bại, cho dù bạn bè bỏ rơi anh em, kẻ thù đè bẹp anh em, mọi người không hiểu anh em, cho dù anh em đến phải nói rằng: Lạy Chúa con, lạy Chúa con, tại sao Chúa lại bỏ con? Toàn bộ cuộc đời Đức Giêsu công bố rằng Thiên Chúa ban Nước của Người cho những "người nghèo khó", cho những người khốn khổ, sa cơ thất thế. Cả người làm kinh doanh đã phá sản, cả người chồng bị ly dị hoặc bị tổn thương trong tình yêu, cả gái giang hồ đã tàn phai hương sắc, cả phạm nhân bị kết án tử hình, cả người tội lỗi đã chối bỏ thầy mình, cả nhưng Người đã bỏ rơi Thầy vì một lý do nào đó. Tất cả đều có thể vượt qua nỗi tuyệt vọng trong Đức Giêsu. Nước của Thiên Chúa không phải là một cuộc chinh phục đang thắng lợi nhưng là một ơn của Chúa Cha. Khi đổ đầy ơn ấy cho anh em Chúa Cha thấy điều đó là tốt lành.

“Hãy bán của cải mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền chẳng bao giờ cũ rách, một kho tàng chẳng thế hao hụt ở trên trời, nơi trộm cắp không bén mảng, mối mọt cũng không đục phá. Vì kho tàng của anh em ở đâu thì lòng anh em cũng ở đó".

Đây là kết luận đơn giản của tất cả những gì chúng ta vừa nghe. Chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện ông, phú hộ mà chúng ta đã nghe Chúa nhật vừa qua. Đối với người đã đặt mọi sự an toàn trong Thiên Chúa, các "của cải trần gian" không quan trọng gì mấy! Vậy thì, chúng ta hãy chia sẻ, hãy cho và hãy yêu thương không đòi đáp lại, dù chịu thiệt. Bạn hãy bố thí bằng tấm lòng thời gian và tài sản của bạn. Tất cả đều là hư vô, không có gì thật trừ tình yêu?

Trái tim của bạn ở đâu? Bạn có yêu không?.

“Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về để khi chủ vừa về tới và gõ cửa là mở ngay".

Tách rời khỏi những giá trị và những thành công ảo tưởng, lòng chúng ta có thể tìm thấy kho tàng của nó, xua đuổi mọi sợ hãi, trở thành sung sướng Vậy bí quyết của sự triển nở đích thực ấy là gì dù trong những hoàn cảnh bất lợi nhất? Đức Giêsu gợi ý để chúng ta quan niệm cuộc đời mình như một cuộc hẹn gặp của tình yêu: Hãy chuẩn bị lòng mình cho một Người đang đến. Thiên Chúa "đến". Người tới gần. Người ở đây rồi.

Đức Giêsu đã loan báo Người sẽ trở lại vào thời sau rốt, trong ngày Quang Lâm. "Maranatha" "Xin Chúa hãy đến" Đối với mỗi người, cái chết không thể tránh khỏi có thể được xem như cuộc gặp gỡ mặt đối mặt với Đấng Chí ái: "Chính vì thế mà thánh nữ Têrêxa Avila nghĩ đến giây phút cuối cùng của đời bà như lúc mà "dải lụa của cuộc gặp gỡ êm dịu ấy được tháo tung". Nhưng Thiên Chúa, dưới dải lụa: "trong bóng đêm" ẩn giấu, không ngừng đi đến. Vậy, trang Tin Mừng này nói về vô số lần Thiên Chúa đến mà chúng ta thường lỡ hẹn, bởi vì chúng ta ở chỗ khác và chúng ta không "tỉnh thức".

“Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: Chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ. Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về, mà còn thấy họ tỉnh thức như vậy thì thật là phúc cho họ!"

Thêm một mối phúc thật nữa: “Phúc cho những ai tỉnh thức" "Thật là phúc cho họ!"

Trái tim của chúng ta được tạo ra là vì Chúa. Làm sao chúng ta lại ngạc nhiên nếu chỉ mình Chúa, sau cùng mới có thể làm cho tim ta no thỏa? Trái tim này rất lớn! Bạn không thể chỉ làm đầy nó bằng các tình yêu trần thế. Chỗ trũng ước vọng của bạn lớn như Thiên Chúa. Hãy yêu thương! Hãy yêu thương? Bạn chớ bao giờ ngừng yêu thương? Bạn sẽ không bao giờ hết yêu thương bởi vì thanh Thiên Chúa muốn đổ đầy cho bạn. Dĩ nhiên, bạn phải sống những yêu thương nơi gian trần với sự mạnh mẽ như một biểu tượng và sự thực hiện ban đầu của tình yêu cao cả.

"Người làm chồng, hãy yêu thương vợ mình, và người làm vợ, hãy yêu thương chồng mình… Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội thánh" (Ep 5,32). Hôn nhân là một "bí tích", một "dấu chỉ": Thiên Chúa đã cưới nhân loại trong Đức Giêsu Kitô. Nếu bạn có may mắn yêu thương và được yêu thương, bạn hãy sung sướng và không ngừng sống tình yêu thương của bạn "trong Chúa". Nhưng cả khi bạn có cảm tưởng làm hỏng tình yêu thương ấy; Bạn hãy đặt tình yêu thương ấy "trong Chúa". Bạn được "mời gọi đến bàn ăn của Thiên Chúa". Chính Người muốn phục vụ bạn? làm cho bạn no thỏa. "Này đây, Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và: mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta (Kh 3,20). Có người gõ cửa! Chúng ta hãy ra mở nhanh lên, chính là Người.

Anh em hãy biết điều này: Nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã không để nó khoét vách nhà mình đâu. Anh em cũng vậy hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.

Hình ảnh mới lạ này, hình ảnh kẻ trộm rất táo bạo và đúng kiểu của Đức Giêsu. Giờ đây khi nói về: giờ kẻ trộm đến, Đức Giêsu nhấn mạnh đến khía cạnh hoàn toàn bất ngờ, làm hoang mang, thoạt đầu không thể hiểu được nhiều lần Người đến. Đức Giêsu cũng gợi ý rằng chúng ta thật sự "lâm nguy", nếu chúng ta không tỉnh thức: Phải lay động sự đờ đẫn, sự ngủ thiếp của chúng ta. Lúc đang chờ đợi lâu dài, trong đêm tối, ngọn gió gay gắt của buồn chán như muốn dập tắt ngọn lửa trong lòng chúng ta. Tôi đang "ngủ quên" hoặc đang "tỉnh thức".

Bấy giờ ông Phêrô hỏi: "Lạy Chúa, Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất cả mọi người?". Chúa đáp: "Vậy thì ai là người quản gia trung tín, khôn ngoan, mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ, đúng lúc? Khi chủ, về mà thấy đầy tớ ấy đang làm như vậy, thì thật là phúc cho anh ta. Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình".

Vậy là ở đây trên cùng một chủ đề về sự tỉnh thức là một dụ ngôn mới, lần này gởi cho những người có trách nhiệm về các cộng đoàn Kitô hữu; họ là những người "quản lý" họ không phải là những "ông chủ”. Họ phải có hai đức tính: Sự trung tín và lương tri! Họ chỉ có một vai trò duy nhất: nuôi sống mỗi người! Tôi muốn cầu nguyện cho họ, xuất phát từ đoạn Tin Mừng này. Tôi cũng có thể nhìn thấy ở đấy một định nghĩa tốt về mọi người "có trách nhiệm" trong tất cả các lãnh vực.

Nhưng nếu người đầy tớ ấy nghĩ bụng: "Chủ ta còn lâu mới về", và bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa, chủ của tên đây tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra, bắt hắn phải chung số phận với những tên thất tín”.

Như trong ba dụ ngôn khác nói về sự mong đợi, Đức Giêsu nêu lên sự chậm trễ và sự bất ngờ. Ong chủ lâu về quá ông trễ nải. Có lẽ ông ấy sẽ không bao giờ về? Có lẽ việc Thiên Chúa đến là một ảo tưởng? Thế thì, chúng ta cứ ăn, cứ uống, cứ vui chơi; cho dù điều đó có dẫn chúng ta đến chỗ đàn áp, thống trị và đánh đập ngược đãi những người khác. Cơn cám dỗ ấy của "người có trách nhiệm", chúng ta hãy ghi nhận điều này, có thể: là của Phêrô và các Tông đồ. Chúng ta đã được cảnh báo rõ ràng. Các nghệ sĩ thời Trung cổ không ngần ngại chạm hình các giám mục và các Giáo hoàng xếp hàng cùng với đoàn người bị kết án trong ngày phán xét trên mặt dựng của các nhà thờ. Và sau này, các họa sĩ cũng làm như thế trong các bục họa. Điệu nhảy tư thần. Lời lảnh báo đáng sợ cho tất cả mọi người: Không ai có đặc quyền trước mặt Thiên Chúa.

“Đầy tớ nào đã biết ý chủ mà không chuẩn bị sẵn sàng hoặc không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. Còn kẻ không biết ý chủ mà làm những chuyện đáng phạt, thì sẽ bị đòn ít. Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn”.

Luôn luôn là chủ đề về trách nhiệm. Sự phán xét tùy thuộc vào mức độ ý thức và hiểu biết mà người ta có. Trách nhiệm của chúng ta có thể chỉ là một phần. Đức Giêsu đã nói như thế với biết bao tinh tế! Khi áp dụng nguyên tắc này chúng ta thường phải phán xét người khác với lòng khoan dung và phán xét chính mình với sự thật.

 

66.Chú giải của Lm FX. Vũ Phan Long

TỈNH THỨC ĐỂ SẴN SÀNG ĐÓN CHÚA

1.- Ngữ cảnh

Cuộc hành trình lên Giêrusalem đang tiếp diễn. Đến Lc 12,22, Đức Giêsu lại ngỏ lời với các môn đệ trong đám đông. Đề tài của những lời Người nói nhắm đến các của cải trần thế (12,22-32). Có thể nói phân đoạn 12,22-32 là bài bình luận Dụ ngôn Ông phú hộ. Bản văn Phụng vụ đọc hôm nay giữ lại c. 32: ta thấy Đức Giêsu gọi các “môn đệ” là “đoàn chiên nhỏ bé” và trấn an họ. Điều này hé cho thấy ý thức của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi về bản thân qua cuộc đấu tranh để được nhìn nhận, để sống hiệp nhất với nhau.

Lời khuyến khích ngỏ với các môn đệ lại được tiếp nối bằng mộtlời khuyên triệt để về cách sử dụng của cải trần thế hầu có được một kho báu trên trời (12,33-34).

Sau đó, trong bản văn Lc, Đức Giêsu thay đổi đề tài. Từ mối quan tâm đến các của cải trần thế, Người chuyển sang đề tài sự tỉnh thức và trung thành (12,35-46). Sự tỉnh thức và trung thành liên hệ với kho báu trên trời và ý nghĩa của cuộc sống ở chỗ chính những thái độ này giúp đạt tới kho báu ấy. Để nêu bật đề tài sự tín nhiệm và trung thành, Đức Giêsu lại nói đến biện pháp được đề ra để xử những tôi tớ không chu toàn nhiệm vụ.

2.- Bố cục

Bản văn có thể chia thành hai phần:

1) Lời khuyến khích của Đức Giêsu về cách sử dụng của cải (12,32-34);

2) Những dụ ngôn của Đức Giêsu về tỉnh thức và trung thành (12,35-48):

a) Dụ ngôn 1 (cc. 35-38),

c) Dụ ngôn 2 (cc. 39-40),

d) Dụ ngôn 3 (cc. 41-48).

3.- Vài điểm chú giải

- đoàn chiên nhỏ bé (32): Hình ảnh này có thể là mộtgợi ý tới Is 41,14 LXX. Ở c. 32, có mộtsự đối lập giữa cộng đoàn nhỏ bé gồm các môn đệ Đức Giêsu và ân huệ lớn nhất Thiên Chúa hứa ban cho họ (“Nước của Người”).

- Hãy bán tài sản của mình đi (33): Xem Lc 18,22; Mt 19,21. Lý do của hành vi này được diễn tả ở 12,21, hầu trở nên “giàu có trước mặt Thiên Chúa”.

- bố thí (33): Xem Lc 11,41; Tb 4,7-11; Hc 35,2.

- một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời (33): Xem Lc 16,9c; 18,22e.

- Vì kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em ở đó (34): Câu này có nghĩa là: Nếu anh em đặt kho tàng của anh em trên trời, thì lòng (trái tim) của anh em cũng sẽ hướng về những sự trên trời.

- Anh em hãy thắt lưng cho gọn (35): Lời huấn thị này có thể gợi tới lệnh được ban cho con cái Israel khi cử hành lễ Vượt Qua đầu tiên (Xh 12,11.22-23). Nhưng sau này, ở trong Cựu Ước, công thức trở thành một lời huấn dụ quen thuộc về sự sẵn sàng hoặc về việc phục vụ (x. 1 V 18,46; 2 V 4,29; 9,1; G 38,3; 40,7).

- thắp đèn cho sẵn (35): Xem Lc 8,16; 11,33. Hình ảnh các đèn cháy sáng nói lên sự tỉnh thức.

- canh hai hoặc canh ba (38): Đây là cách chia thời gian của đêm (từ 6g chiều đến 6g sáng) theo người Rôma: thành bốn khoảng (“canh”, phylakai) đều nhau (6-9, 9-12, 12-3, 3-6); mà cũng có thể là cách chia của người Hy-lạp và Do-thái: thành ba canh (6-10, 10-2, 2-6). Theo Cv, tác giả Lc dường như xác định bốn canh (Cv 12,4).

- khoét vách nhà mình (39): Các vách nhà Paléttina được trét đất, nên trộm có thể khoét thủng.

- ông sẽ loại hắn ra (46): dịch sát là “ông sẽ xẻ đôi hắn ra” (dichotomeô, “xẻ đôi, cắt đôi; trừng phạt dữ tợn”). Có lẽ sự trừng phạt này liên hệ đến hai đòi hỏi nơi người quản lý, “trung tín và khôn ngoan”.

4.- Ý nghĩa của bản văn

* Lời khuyến khích của Đức Giêsu về cách sử dụng của cải (12,32-34)

Đức Giêsu gọi các “môn đệ” là “đoàn chiên nhỏ bé”. Điều này hé cho thấy ý thức của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi về bản thân qua cuộc đấu tranh để được nhìn nhận, để sống liên kết và hiệp nhất. Đức Giêsu trấn an họ: “Đừng sợ!”, cho dù họ chỉ là mộtnhóm bé nhỏ. Điều này khiến độc giả nhớ lại những đoạn tóm rất lý tưởng về đời sống của cộng đoàn tiên khởi trong sách Cv (2,42-47; 4,32-35).

Sau đó, Đức Giêsu nêu ra mộtcách sử dụng triệt để các của cải vật chất. Các môn đệ phải “bán” chúng đi và cho đi như “của bố thí”. Chỉ bằng cách đó, họ mới sắm được cho mình “những túi tiền” không hề cũ rách và tích lũy được “một kho tàng” không thể hao hụt ở trên trời. Đức Giêsu sẽ trở lại với đề tài này ở 16,13.

Trong bài Lc 12,13-21, chúng ta đọc truyện Nhà phú hộ. Ông này phạm hai sai lầm: ông đã không làm giàu cho mình “trước mắt Thiên Chúa” và ông để cho cái chết bắt chợt ông. Đức Giêsu đã giải thích cho các môn đệ cách trở nên giàu có trước mắt Thiên Chúa: chia sẻ những gì mình có với những người kém may mắn hơn. Còn để tránh bị cái chết bắt chợt, Người kể ba câu truyện (cc. 35-38; cc. 39-40; cc. 41-48).

* Những dụ ngôn của Đức Giêsu về tỉnh thức và trung thành (35-48)

Sự ẩn mình và vẻ bề ngoài vắng mặt hoàn toàn của Thiên Chúa luôn luôn là mộtgánh nặng và mộtthử thách cho các tín hữu. Thiên Chúa có vẻ xa vời và yếu đuối. Từ đó, chúng ta sống buông thả, vô trách nhiệm. Với các dụ ngôn sau đây, Đức Giêsu gây ý thức cho các môn đệ về những mối nguy đang rình rập họ, và cho thấy là Người vẫn đang có đó, Người biết và Người sẽ ban thưởng.

Yếu tố chung của các dụ ngôn là sự vắng mặt của ông chủ. Các bản văn này dạy các tôi tớ biết phải làm gì khi ông chủ đi vắng. Bổn phận dầu tiên của họ là tỉnh thức và sẵn sàng. Theo phong tục thời ấy, ai đã tháo dây lưng và cởi áo khoác, là ngưng làm việc để đi nghỉ. Còn ai thắt áo khoác bằng dây lưng thì sẵn sàng làm việc hoặc sẵn sàng lên đường. Với ngọn đèn cháy sáng, người ta có thể làm mộtcông việc đột xuất ngay ban đêm. Như thế, người ta được yêu cầu là phải sẵn sàng mọi giờ. Đoạn văn kế tiếp so sánh chuyện Chúa đến cũng đột xuất và bất ngờ như là việc trọm đến; nghĩa là không có lúc nào mà ta không phải sẵn sàng tính sổ với Người.

Các dụ ngôn đặc biệt cho thấy rằng giữa người đi vắng và những người có mặt có mộttương quan bậc trên – lệ thuộc. Những người hiện diện không phải là những chủ nhân tự do của chính mình. Họ phải điều chỉnh cách sống và cư xử theo ý của ông chủ. Để cho quan hệ giữa ông chủ và các tôi tớ không bị buông lỏng, các dụ ngôn yêu cầu phải luôn tỉnh thức và sẵn sàng, tức là luôn ra sức quy hướng về Chúa. Cho dù Người có xa cách theo tầm nhìn, Người vẫn phải luôn ở trong tim các tôi tớ.

Bản văn lại cho thấy phản ứng lạ lùng của ông chủ khi trở về mà thấy các tôi tớ sống như vậy. Ông sẽ thế chỗ họ. Ông đảm nhận nhiệm vụ tôi tớ và xử với họ như với các ông chủ: cho họ ngồi vào bàn ăn và phục vụ họ. Cách xử sự của ông chủ khiến các môn đệ Đức Giêsu hiểu rằng ông chủ đánh giá cao cách sống của họ, ông thât sự vui mừng và ông diễn tả ra lòng biết ơn đối với họ. Dĩ nhiên ông vẫn là ông chủ – nhưng chính vì thế, việc phục dịch của ông mới đáng kể – và họ vẫn là các tôi tớ – nhưng chính vì thế, vinh dự ông chủ ban cho họ thật là to lớn. Nhưng ta thấy rằng tương quan chủ–nô này không có gì là bất nhân và phi ngã cả. Ông chủ ước mong các tôi tớ của ông liên kết bền vững với ông theo cách riêng tư và thân tình và ông biết đánh giá cách sống này theo cách rất riêng tư. Các tôi tớ phải luôn mang ông chủ vắng mặt trong tim và phải để cho ý muốn của ông luôn hướng dẫn mình. Nhưng họ cũng có thể tin chắc rằng ông chủ cũng dành trái tim cho họ.

Tất cả các tôi tớ đều phải tỉnh thức khi ông chủ trở về. Nhưng sau câu hỏi của Phêrô, ta thấy có những tôi tớ có mộttrách nhiệm đặc biệt. Ông chủ đã giao cho những người này mộtnhiệm vụ điều hành và lãnh đạo các tôi tớ khác. Điều này hàm chứa mộtnguy cơ đặc biệt và do đó, họ có trách nhiệm đặc biệt. Họ chỉ là những người quản lý, chứ không phải là những lãnh đạo theo đúng lý. Họ phải trung thành làm theo những bố trí của ông chủ và phải tỏ ra bén nhạy. Họ phải coi sóc và phục vụ các tôi tớ khác. Họ không được tìm cách thoát ra khỏi dây liên kết với ông chủ vắng mặt, nhưng phải sống dây liên kết này mộtcách đặc biệt mạnh mẽ. Nếu họ lạm dụng địa vị và cư xử với các bạn cách độc tài, họ sẽ bị trừng phạt đặc biệt (“xẻ đôi”); còn nếu họ tỏ ra trung tín, ông chủ sẽ bày tỏ lòng biết ơn và sự tín nhiệm của ông đối với họ.

+ Kết luận

Chính vì Chúa Cha đã sẵn sàng ban sự sống đời đời (Nước Ngài) cho chúng ta, chúng ta phải biết cách sống theo chiều hướng đó. Vì thế Đức Giêsu dạy chúng ta vừa phải biết sử dụng của cải vừa phải biết điều hành cuộc sống của chúng ta theo chiều hướng đó. Đức Giêsu chính là Đấng đến bày tỏ cho chúng ta biết ý muốn đó của Thiên Chúa và giúp chúng ta thi hành. Rồi ngày nào đó, Người sẽ thay mặt Thiên Chúa đến kiểm chứng về cách sống của chúng ta. Đến đây chúng ta phải ghi khắc rằng không thể nào phủ nhận dây liên kết với Đức Giêsu và sự trung thành phải có đối với nhiệm vụ Người đã giao phó. Các đòi hỏi trong các dụ ngôn thật ra không phải là những mệnh lệnh độc đoán. Chúng cho thấy những điều dứt khoát phải làm, phải sống, để chuẩn bị đón Chúa đến và sống với Người, để đi vào hiệp thông trọn vẹn với Người.

5.- Gợi ý suy niệm

1. Mãi mãi Giáo Hội của Đức Kitô là một “đoàn chiên bé nhỏ”. Do đó, Giáo Hội phải luôn tin tưởng vào Vị Mục Tử của mình là Đức Kitô cũng như vào Chúa Cha. Sự tin tưởng đó phải được diễn tả ra bằng việc kiên trì sử dụng của cải vật chất mà tậu cho mình kho tàng đích thực trên trời.

2. Những con người, những tương quan, những sức mạnh thiên nhiên, các bệnh tật, các biến cố trong lịch sử… can thiệp dứt khoát vào cuộc sống của chúng ta và tìm cách chế ngự chúng ta. Đứng trước những sức mạnh và thế lực mà chúng ta cảm nhận rất rõ ấy, Thiên Chúa dường như ở xa và lại yếu đuối nữa. Chúng ta dám có thể cảm thấy mệt mỏi; dây liên kết chúng ta với Ngài ngày càng nên mong manh hơn, ngày càng ít ảnh hưởng trên đời sống chúng ta hơn. Chúng ta rất có thể để sang mộtbên nhiệm vụ mà Ngài đã giao phó cho ta và xử sự vô trách nhiệm theo tính ngẫu hứng. Hôm nay, Đức Giêsu lưu ý về những mối nguy ấy và cho biết Người sẽ ban gì cho những ai tỉnh thức và trung thành.

3. Tục ngữ có câu: “Xa mặt, cách lòng”. Chúng ta luôn cần có sự hiện diện của người khác, cần liên tục gặp gỡ người khác, để có mộttương quan bền chặt và sống động với người ấy. Để sống trong tương quan mật thiết với Chúa Giêsu, chúng ta phải luôn hướng về Người bằng sự tỉnh thức và sẵn sàng. Cuộc sống của chúng ta phải luôn là mộtnỗ lực quy hướng về Người. Người có “xa mặt”, nhưng Người vẫn ở với “lòng” chúng ta; trái tim chúng ta phải “đầy” Người.

4. Hôm nay, bằng nhiều cách, Chúa Giêsu vẫn hiện diện: trong bánh và rượu là Mình và Máu Người; trong Lời Người; trong những người túng quẫn (x. Mt 25,31-46); trong mọi con người mà Người đã nắn đúc nên theo hình ảnh Người, mà càng ngày họ càng nên như thế do gặp gỡ sống động với Người. Chúng ta có thể và phải sống gắn bó mật thiết với Người. Khi đó, chúng ta đang tỉnh thức và sẵn sàng.

5. Chúa Giêsu không bắt chúng ta gắn bó với Người như những tên nô lệ, dù tư cách chúng ta đúng là như thế. Sự gắn bó với Người sẽ đưa tới niềm vui và hạnh phúc Người ban cho sau này. Người muốn chúng ta sống theo ý Người chỉ là để ban cho chúng ta tất cả.

6. Các thủ lãnh của cộng đoàn cũng được mời gọi suy nghĩ về cách mình đang chu toàn trách nhiệm. Các ngài phải “trung tín và khôn ngoan” trong khi thi hành bổn phận: Chúa Giêsu đã đặt các ngài lên coi sóc những người ở dưới quyền của Chúa để phục vụ họ. Đây là mộttrách nhiệm nặng nề vì đòi hỏi luôn luôn đúng giờ và trung tín; nếu họ lạm quyền, họ sẽ bị trừng phạt nặng nề. Chúng ta cầu nguyện nhiều cho các ngài.

 

67.Hãy sẵn sàng - William Barclay

Qua dụ ngôn phú nông khờ dại Chúa cảnh cáo các môn đệ đừng để cho tâm trí bận bịu với việc lo làm giàu cách ích kỷ, rồi phải đặt niềm tin nơi Chúa quan phòng mà quên đi lo âu về cơm ăn áo mặc hàng ngày, nhưng phải quan tâm hết sức về Nước Thiên Chúa sẽ hiện ra khi gặp Ngài trở lại.

Về những biến cố trước khi Ngài trở lại, cùng những tình hình và hậu quả của sự trở lại ấy, Ngài sẽ dạy họ rõ ràng hơn trước khi Ngài qua đời; ở đây Ngài chỉ dạy họ giữ thái độ canh thức, ngụ ý rằng nếu lúc nào tâm trí họ cũng hướng về sự trở lại của Chúa, thì họ sẽ ở ngoài vòng cương tỏa của trần thế, của lo âu, để cần mẫn phục vụ Ngài.

Ngài minh họa thái độ canh thức ấy bằng dụ ngôn ông chủ trở về và kẻ trộm đến. Trong dụ ngôn đầu: ông chủ đi dự tiệc cưới, tôi tớ ở nhà ăn mặc tươm tất, chong đèn thức đợi, sẵn sàng đợi ông chủ về. Về đến nhà, ông hân hoan thấy họ kiên tâm như vậy, ông biểu lộ niềm vui bằng cách cho họ đồng bàn trong bữa tiệc họ đã dọn cho ông.

Dụ ngôn thứ hai biểu lộ chân lý việc đến bất ngờ của kẻ trộm. Trộm đến không bao giờ báo trước, nên chỉ còn một cách là lúc nào cũng rình chờ hắn đến. Chúa thêm: “Cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến”.

Tại đây cũng như nhiều chỗ khác, Chúa cho biết còn lâu nữa Ngài mới trở lại. Thời gian Ngài vắng mặt sẽ như một đêm dài, còn nhiều điều cần phải được biểu lộ, còn nhiều điều cần thiết trước khi Ngài trở lại. Thế nhưng họ không phải chờ đợi trong bồn chồn lo âu, hoặc ngày Ngài đến đã gần kề, nhưng chỉ cần họ đứng tại vị trí của bổn phận, trung thành thi hành công việc đã được trao phó cho.

Chúng ta có thể dựa vào thái độ canh thức, chú tâm đến sự trở lại của Chúa, mà đón định tư cách của các giáo sư và những người lãnh đạo Giáo Hội. Đó là động lực khiến Phêrô đưa ra câu hỏi. Ông hỏi rằng mọi người sẽ cùng hưởng phước hạnh về sự của Chúa ngang nhau hay những người như các tông đồ, đã phục vụ Chúa nhiều hơn sẽ lãnh phần thưởng lớn hơn. Chúa trả lời cho thấy đặc quyền lớn bao nhiêu thì thử thách lớn về trách nhiệm nặng hơn.

Như vậy đoạn Kinh Thánh này có hai ý nghĩa: nghĩa hẹp chỉ sự trở lại của Chúa vào ngày thế mạt, nghĩa rộng chỉ về thời điểm mà mỗi người chúng ta được gọi trình diện Thiên Chúa. Có lời khen ngợi là dành cho người đầy tớ biết sẵn sàng. Chiếc áo dài lướt thướt của Đông phương gây trở ngại khi làm việc. Vì thế để làm việc, người ta vén áo cao lên, buộc vào thắt lưng để hoạt động thoải mái. Chiếc đèn ở Đông phương chỉ là một sợi tim (bấc) thả trên một đĩa dầu. Tim đèn phải luôn luôn được cắt tỉa và đèn phải luôn luôn đầy dầu, nếu không đèn sẽ tắt. Không ai có thể nói ngày giờ nào cõi đời đời sẽ xâm nhập vào thời gian và khi nào tiếng gọi của Chúa sẽ đến.

Vậy chúng ta muốn Chúa gặp chúng ta trong tình trạng thế nào?

1. Chúng ta muốn Chúa gặp chúng ta lúc đã chu toàn bổn phận của mình.

Biết bao người trong chúng ta có đời sống dở dang, có những việc chưa làm và những việc mới làm một nửa. Có những việc bỏ bê và có những việc chưa bắt đầu. Các bậc vĩ nhân bao giờ cũng nghĩ đến bổn phận phải làm trọn. Chính Chúa Giêsu đã nói: “Con đã làm xong công việc mà Cha đã trao ban cho con”. (Ga 17,4). Không ai được coi thường, bỏ bê công tác mà mình phải chu toàn, hay có thể hoàn tất trước khi đêm đến.

2. Chúng ta muốn Chúa gặp chúng ta đang sống hòa thuận cùng mọi người.

Thật đáng sợ nếu ta lìa khỏi thế gian này mà lòng còn cay đắng với một người nào. Không ai được để cho mặt trời lặn trên cơn giận của mình (Ep 4,26), nhất là khi mặt trời lặn lần cuối cùng trong đời mình, và ai có thể biết được ngày nào mình nhìn thấy mặt trời lặn lần cuối.

3. Chúng ta muốn Chúa gặp chúng ta đang bình an với chính Ngài.

Trong giờ cuối cùng, chúng ta cảm thấy mình sắp phải gặp một người xa lạ, một kẻ thù, hay sắp được nằm yên trong vòng tay êm ái của Cha lành, đó là tất cả sự khác biệt.

Trong phần thứ hai của đoạn Kinh Thánh này, Chúa Giêsu cho biết thế nào là người quản gia khôn ngoan và không khôn ngoan. Bên Đông phương, người quản gia có quyền hạn rất rộng. Bản thân là nô lệ, nhưng anh ta có quyền điều khiển các nô lệ khác. Một quản gia tín nhiệm được coi sóc mọi việc trong nhà và điều hành gia tài của mình. Người quản gia không khôn ngoan đã phạm hai lỗi lầm:

1. Anh ta nói: “Ta sẽ làm theo ý thích của ta trong khi chủ ta đi vắng”, vì anh ta quên rằng ngày tính sổ phải đến. Chúng ta thường chia đời sống ra nhiều phần. Trong phần này của đời sống thì chúng ta nhớ Chúa hiện diện, trong phần khác thì chúng ta chẳng nghĩ đến Chúa chút nào. Chúng ta có khuynh hướng vạch một đường ranh giới giữa những hoạt động thiêng liêng và những hoạt động thế tục. Nhưng nếu hiểu rõ Kitô giáo là gì? Chúng ta hẳn biết rằng không có phần nào trong đời sống chúng ta khuất mắt của Chúa được. Chúng ta đang làm việc và sống động mãi dưới cái nhìn thấu suốt của Chủ Lớn của chúng ta.

2. Anh ta nói: “Ta có đủ thời giờ sắp xếp mọi công việc trước khi chủ đến”. Không có gì nguy hiểm cho bằng cảm tưởng là chúng ta có đủ thời giờ. Chính Chúa Giêsu phán: “Ta phải làm công việc của Đấng đã sai Ta đang khi còn ban ngày, đêm đến thì không ai còn làm việc được nữa” (Ga 9,4). Một trong những chữ rất nguy hiểm trong đời sống con người là chữ “ngày mai”.

Đoạn Kinh Thánh chấm dứt với lời cảnh cáo rằng sự nguy hiểu biết và đặc ân bao giờ cũng mang theo trách nhiệm. Tội trở nên nặng gấp đôi cho người nào hiểu biết mà cứ phạm. Thất bại sẽ đáng trách gấp đôi cho người nào có điều kiện để thành công mà lại không chịu lợi dụng các điều kiện ấy.

 

68.Tỉnh thức và đón Chúa đến thế nào?

(Suy niệm của Lm. Đan Vinh)

I. HỌC LỜI CHÚA

Ý CHÍNH: Trong bài Tin mừng hôm nay, Đức Giê-su dạy các môn đệ phải sẵn sàng đón Người lại đến, bằng thái độ luôn tỉnh thức và sẵn sàng:

- Tỉnh thức sẵn sàng như người đầy tớ trung tín, thức canh chờ mở cửa đón chủ về vào lúc ban đêm (c 35-38).

- Tỉnh thức sẵn sàng như người chủ nhà biết giờ kẻ trộm đến, sẽ canh phòng không cho nó đào ngạch khoét vách nhà mình (c 39-40).

- Tỉnh thức sẵn sàng như người quản lý trung tín và khôn ngoan, luôn chu toàn bổn phận phát lương thực cho gia nhân theo lệnh của ông chủ (c 42-48).

CHÚ THÍCH:

- C 32-34: + Hỡi đoàn chiên bé nhỏ, đừng sợ: Các môn đệ được gọi là đoàn chiên bé nhỏ vì số lượng ít, không địa vị quyền hành và sống khó nghèo, đang khi kẻ thù của các ông thì vừa đông vừa mạnh lại vừa giàu có. Nhưng Đức Giê-su đã trấn an các ông: đừng vì thế mà tỏ ra khiếp nhược sợ hãi, vì “Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33), vì có Thầy luôn ở bên và vì Thiên Chúa sẽ ban phần thưởng thiêng liêng là Nước Trời đời đời cho các ông sau này. + Hãy bán của cải mình đi mà bố thí: Đức Giê-su khuyên các môn đệ phải có tinh thần siêu thoát và từ bỏ, thể hiện qua hành động sẵn sàng bán đi những của cải mình có mà phục vụ tha nhân.+ Hãy sắm lấy những túi tiền chẳng bao giờ cũ rách: Cần phải tích trữ của cải thiêng liêng không bị hư nát, không sợ bị kẻ trộm lấy mất... Những của cải thiêng liêng ấy có được nhờ làm các việc từ thiện và bố thí cho những kẻ nghèo. + Vì kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em cũng ở đó: Nếu xác định kho tàng của mình là các của cải thiêng liêng, thì các môn đệ sẽ liệu sao để có được nhiều thứ của cải ấy.

- C 35-37: + Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn: Đây là thái độ Mô-sê yêu cầu dân Do thái phải có khi ăn bữa tiệc chiên Vượt qua trước giờ xuất hành ra khỏi Ai-cập (x. Xh 12,11). Đây cũng là thái độ của các tín hữu hôm nay chờ đợi giờ Đức Giê-su lại đến vào ngày thế mạt (x. Lc 12,37; 17,8). + Hãy làm như người đợi chủ đi ăn cưới về: Ông chủ đi ăn cưới là hình ảnh tiên báo Đức Giê-su sắp lên trời trước khi Người sẽ trở lại lần thứ hai vào ngày tận thế. + Để khi chủ vừa về tới và gõ cửa là mở ngay: Chúa sẽ đến bất ngờ trong giờ chết của mỗi người, cũng như trong ngày tận thế chung của nhân loại. Mọi người đều phải sẵn sàng mở cửa đón rước Người. + Thật là phúc cho họ!: Ở đây Đức Giê-su đã thêm một mối phúc nữa là: “Phúc cho những ai tỉnh thức sẵn sàng”. + Chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn...: Việc này khó xảy ra trong thực tế, nhưng được dùng để diễn tả một thực tại thiêng liêng: Chúa sẽ ưu ái phục vụ lại các đầy tớ trung tín. Họ sẽ được no thỏa ân tình của Chúa như lời sách Khải huyền: “Này đây, Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa tối với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa tối với Ta” (Kh 3,20).

- C 38-40: + Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về: Người Do thái thường chia thời gian ban đêm làm bốn canh là: Chập tối, nửa đêm, gà gáy và tảng sáng (x. Mc 13,35). Canh hai hay canh ba tức là khoảng từ 9 giờ tối đến 3 giờ sáng là lúc người ta buồn ngủ nhất. Ở đây nhấn mạnh đến thái độ phải có của các môn đệ là luôn tỉnh thức để sẵn sàng đón Chúa đến bất cứ giờ nào. + Nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến...: Đây là dụ ngôn về ông chủ nhà cũng phải luôn tỉnh thức. Dụ ngôn nhấn mạnh đến khía cạnh bất ngờ của giờ chết mỗi người. Muốn khỏi bị bất ngờ thì người ta phải luôn tỉnh thức canh phòng. +Khoét vách nhà mình: Các vách tường nhà của người Do thái thường được xây bằng gạch sơ sài, nên dễ bị kẻ trộm khóet vách đột nhập vào nhà.

- C 41-44: + Phê-rô hỏi: “Lạy Chúa, Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất cả mọi người?: Câu hỏi của Phê-rô là câu chuyển tiếp giữa lời khuyên chung cho tất cả các môn đệ (các câu 35-40) và lời khuyên riêng dành cho các Tông đồ là những người được ủy thác nhiệm vụ lãnh đạo cộng đoàn Ki-tô hữu (các câu 42-48). + Ai là người quản gia trung tín khôn ngoan mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở: Hai đức tính mà người lãnh đạo cộng đoàn phải có là khôn ngoan và trung tín. Nếu người quản lý cấp phát phần thóc gạo cho gia nhân đúng giờ, thì mới chứng tỏ mình là một con người trung tín. Anh ta sẽ được ông chủ tín nhiệm trao nhiệm vụ coi sóc tất cả gia sản của ông.

- C 45-48: + Nhưng nếu người đầy tớ ấy nghĩ bụng: “Chủ ta còn lâu mới về...”: Đức Giê-su nêu lên sự trở về chậm trễ và bất ngờ của ông chủ, như là một cách thế để thử thách lòng trung thành của các Tông đồ và những người lãnh đạo cộng đoàn.+ Đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa: Đây là tội thiếu tinh thần trách nhiệm, sa đà vào thói ăn chơi mà bỏ bê nhiệm vụ quản lý của người đầy tớ. + Chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra: Đức Giê-su sẽ đến bất ngờ và sẽ cô lập, ra vạ tuyệt thông cho những kẻ bất trung ấy. + Đầy tớ nào biết ý chủ...: Sự phán xét tùy thuộc vào mức độ ý thức và sự hiểu biết ý chủ của các đầy tớ. + Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều...: Thiên Chúa sẽ đòi mỗi người phải trả lẽ về những ơn đã nhận được và về các trách nhiệm đã được Chúa trao phó.

CÂU HỎI: 1) Tại sao các môn đệ của Đức Giê-su không nên sợ hãi giờ chết? 2) Đức Giê-su khuyên các môn đệ phải có thái độ thế nào để đón chờ Người lại đến? 3) Các người lãnh đạo cộng đoàn cần có thái độ nào để đón chờ Chúa? 4) Tại sao các môn đệ của Chúa lại bị phán xét nặng hơn thường dân?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa là mở ngay” (Lc 12,36).

2. CÂU CHUYỆN:

1) Tại chùa Tô Châu, có một nhà sư tên là Viên Thủ Trung. Ông là một nhà chân tu. Nhà sư thường đặt trên bàn làm việc của mình một chiếc quan tài nhỏ làm bằng gỗ quí, có một cái nắp có thể mở ra đóng vào được. Khách đến chơi trông thấy chiếc quan tài thường hỏi nhà sư rằng: “Ngài chế tạo ra cái này để làm gì vậy?” Nhà sư trả lời: “Người ta sống tất nhiên sẽ có lúc phải chết. Mà chết rồi là sẽ được đặt vào nằm trong cái hòm này. Tôi thực lấy làm lạ: người đời ai cũng chỉ biết đi tìm phú quí, công danh, tài sắc... mà chẳng hề nghĩ đến cái chết. Phần tôi, mỗi khi có điều gì không vừa ý, tôi liền ngồi vào bàn và nhìn ngắm chiếc quan tài một hồi lâu. Sau đó tôi cảm thấy tâm hồn mình được bình an.

2)Một nhóm bạn đang chơi đá bóng ngoài sân trường. Trong lúc nghỉ ngơi sau hiệp thi đấu, thầy quản giáo hỏi các em rằng: “Giả như Chúa cho các em biết các em chỉ còn sống được 15 phút nữa là sẽ phải chết. Vậy các em sẽ làm gì trong thời gian còn lại này? Em thì trả lời sẽ về từ giã cha mẹ và những người thân. Em khác cho biết sẽ đi gặp cha linh hướng và xin xưng tội. Em khác nữa thì nói mình sẽ vào nhà nguyện chầu Thánh Thể thật sốt sắng. Còn một cậu bé vốn có lòng đạo đức nhất la Lu-y Gông-gia-ga thì lại thưa: “Thưa Thầy, còn em cứ tiếp tục chơi ạ!” Khi được hỏi lý do tại sao lại cứ chơi khi biết mình sắp chết, thì cậu bé đã trả lời: “Vì mỗi sáng thức dậy em đều dâng ngày mới cho Chúa. Và trong ngày em năng nói với Chúa những lời nguyện tắt. Em nghĩ Chúa cũng chỉ cần em làm như vậy”.

3. SUY NIỆM:

1) Phải tỉnh thức và sẵn sàng luôn: Tin mừng hôm nay nhắc nhở mọi người muốn được hưởng ơn cứu độ của Đức Giê-su thì cần có thái độ “Tỉnh thức và sẵn sàng”:

- Như người đầy tớ trung tín (c 35-38): Tỉnh thức không phải là không ngủ, nhưng là ngủ trong tình trạng tỉnh thức, giống như người đầy tớ trung tín đợi chủ đi ăn cưới về vào bất cứ giờ nào trong đêm để khi chủ về gõ cửa là mở ngay.

- Như người chủ nhà có trách nhiệm (c 39-40): Một người chủ nhà có tinh thần trách nhiệm sẽ luôn canh thức để tránh cho trộm khỏi đến đào ngạch khoét vách nhà mình. Một người làm việc có tinh thân trach nhiệm cao sẽ được hưởng hoa trái là hạnh phúc và sự bình an trong tâm hồn như người ta thường nói: “Cẩn tắc vô ưu”. Mẹ Têrêsa Calcutta cũng khuyên các tu sĩ dưới quyền rằng: “Hoa trái của thinh lặng là cầu nguyện. Hoa trái của cầu nguyện là đức tin. Hoa trái của đức tin là đức ái. Hoa trái của đức ái là phục vụ. Hoa trái của phục vụ là bình an “.

- Như người quản gia trung tín và khôn ngoan (c 42-48): Sự trung tín khôn ngoan được biểu lộ qua việc anh quản gia luôn chu toàn công việc bổn phận là cứ đúng giờ cấp phát lương thực cho gia nhân. Nhưng nếu anh ta “nghĩ bụng: Chủ ta còn lâu mới về, và bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa”, thì số phận của anh ta sẽ “phải chung số phận với những tên thất tín”. Vào thời Hội Thánh sơ khai, các tín hữu Tê-sa-lô-ni-ca vì nghĩ lầm rằng ngày tận thế đã gần kề, nên có lối sống buông thả không chịu làm việc gì cả. Do đó, thánh Phao-lô đã phải viết thư để chấn chỉnh lối sống lười biếng ấy như sau: “Khi còn ở với anh em, chúng tôi đã chỉ thị cho anh em: Ai không chịu làm thì cũng đừng ăn. Thế mà chúng tôi nghe nói: Trong anh em có một số người sống vô kỷ luật, chẳng làm việc gì, mà việc gì cũng xen vào. Nhân danh Chúa Giê-su Ki-tô, chúng tôi truyền dạy và khuyên nhủ những người ấy: hãy ở yên mà làm việc, để có của nuôi thân” (2 Ts 3,10-12).

2) Cụ thể chúng ta phải tỉnh thức và sẵn sàng đón Chúa đến thế nào?:

- “Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn”:

Mỗi tín hữu chúng ta phải tỉnh thức và sẵn sàng chu toàn các bổn phận đạo đức hằng ngày như dâng lễ cầu nguyện sớm tối để đón nhận ơn Chúa. Tỉnh thức và sẵn sàng bằng cách tay luôn cầm cây đèn là đưc Tin, chứa đầy dầu ân sủng là đức Cậy, để luôn cháy sáng là đức Mến giữa cuộc sống đời thường.

- Phải làm gì để đón Chúa đến ngay từ bây giờ?: Hãy luôn ý thức sống tốt giây phút hiện tại bằng việc chu toàn bổn phận hằng ngày. Tránh chỉ lo tích trữ của cải cho mình, đừng quá bám víu vào những của cải trần gian như Lời Chúa dạy: “Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em. Hãy bán của cải mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền chẳng bao giờ cũ rách, một kho tàng chẳng thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm cắp không bén mảng, mối mọt cũng không đục phá” (Lc 12,32-34).

- Chu toàn công việc bổn phận: Đối với những ai được Chúa trao quyền quản lý một gia đình, một hội đoàn, một cộng đoàn dòng tu hay giáo xứ... Hãy nhớ rằng: Mọi quyền bính đều bắt nguồn từ Thiên Chúa. Quyền bính là phương tiện để phục vụ tha nhân. Người ta có thể lạm dụng quyền bính để phục vụ bản thân và làm khổ kẻ khác như tên quản lý trong bài Tin mừng đã “Đánh đập tôi trai tớ gái”, “chè chén say sưa” vì nghĩ rằng còn lâu chủ mới về. Người quản lý sẽ bị phạt nặng hơn vì đã biết ý Chúa mà còn cố tình bỏ việc bổn phận của mình.

- “Hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến”:

Sẵn sàng để biết sử dụng của cải đúng theo ý Chúa: Cụ thể là chia cơm sẻ áo cho những người nghèo đói, góp phần nuôi dưỡng các trẻ mồ côi, người già neo đơn và động viên an ủi nhưng người đau khổ bất hạnh... Hiện nay nhiều người tuy rất tỉnh thức đọc kinh cầu nguyện, nhưng lại đang mê ngủ trước những đòi hỏi phải chia sẻ bác ái của Tin Mừng. Nếu các tín hữu luôn tỉnh thức bằng việc quan tâm giúp đỡ người bên cạnh thì hai phần ba nhân loại sẽ không còn nghèo đói nữa. Bắt đầu từ hôm nay chúng ta hãy tập quảng đại cho đi những gì mình có. Hãy “làm những công việc bình thường bằng một cách thức phi thường” noi gương thánh nữ Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su, để chiếu ánh sáng tin yêu giúp cho nhiều người nhận biết Thiên Chúa như lời Chúa dạy: “Cũng vậy ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh emlàm mà tôn vinh Cha của anh em” (Mt 5,16).

- Phải sẵn sàng phục vụ để loan báo Tin Mừng: Những ai không có tiền vẫn có thể làm việc tông đồ băng việc phục vụ. Mẹ Têrêsa Can-quýt-ta và các nữ tu Thừa Sai Bác Ái đã không cho người nghèo đói bệnh tật tiền bạc vật chất, nhưng cho sự ân cần phục vụ trong yêu thương. Đây cũng là một phương cách loan báo Tin Mưng hữu hiệu. Hiện nay có nhiều tín hữu vẫn đang mê ngủ khi chỉ lo hưởng thụ tiện nghi vật chất va các đam mê thấp hèn... mà không ưu tiên tìm kiếm Nước Trời bằng việc chia sẻ phục vụ tha nhân. Thánh Phao-lô đã khuyên tín hữu chúng ta như sau: “Tỉnh giấc đi, hỡi người còn đang ngủ! Từ chốn tử vong, trỗi dậy đi nào! Đức Ki-tô sẽ chiếu sáng ngươi!” (Ep 5,14).

4. THẢO LUẬN: 1)Bạn đã thấy một người bị chết cách bất đắc kỳ tử chưa? 2)Bạn có cần chuẩn bị cho giờ chết của mình không? 3)Bạn cần làm gì để đón cái chết sẽ đến cách bất ngờ?

5. NGUYỆN CẦU:

Lạy Chúa Giêsu. Xin cho con biết tỉnh thức để đừng bao giờ ngủ quên trong những đam mê lạc thú giả tạo. Xin cho lòng trí con hiểu rằng: đồng tiền chỉ là phương tiện giúp con nên hoàn thiện hơn, giúp con có điều kiện thực thi bác ái là chia sẻ cơm áo cho người nghèo. Xin cho con xác tín rằng: Khi giờ chết đến, con sẽ không thể mang theo được tiền của mà con đã ky cóp bấy lâu. Chính những đồng tiền cho đi, đồng tiền quảng đại chia sẻ cho kẻ khác, sẽ trở nên kho tàng quý giá không bao giờ bị hư nát cho con ở đời sau. Xin giúp con luôn biết hướng lòng trí về những sự trên trời.

X) Hiệp cùng Mẹ Maria. Đ) Xin Chúa nhậm lời chúng con.

 

69.Tỉnh thức và sẵn sàng đón Chúa đến thế nào?

(Suy niệm của Lm. Đan Vinh)

1. LỜI CHÚA: "Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa là mở ngay" (Lc 12,36).

2. CÂU CHUYỆN:

1)Tại chùa Tô Châu, có một nhà sư tên là Viên Thủ Trung. Ông là một nhà chân tu. Nhà sư thường đặt trên bàn làm việc của mình một chiếc quan tài nhỏ làm bằng gỗ quí, có một cái nắp có thể mở ra đóng vào được. Khách đến chơi trông thấy chiếc quan tài thường hỏi nhà sư rằng: "Ngài chế tạo ra cái này để làm gì vậy?" Nhà sư trả lời: "Người ta sống tất nhiên sẽ có lúc phải chết. Mà chết rồi là sẽ được đặt vào nằm trong cái hòm này. Tôi thực lấy làm lạ: người đời ai cũng chỉ biết đi tìm phú quí, công danh, tài sắc... mà chẳng hề nghĩ đến cái chết. Phần tôi, mỗi khi có điều gì không vừa ý, tôi liền ngồi vào bàn và nhìn ngắm chiếc quan tài một hồi lâu. Sau đó tôi cảm thấy tâm hồn mình được bình an.

2)Một nhóm bạn đang chơi đá bóng ngoài sân trường. Trong lúc nghỉ ngơi sau hiệp thi đấu, thầy quản giáo hỏi các em rằng: "Giả như Chúa cho các em biết các em chỉ còn sống được 15 phút nữa là sẽ phải chết. Vậy các em sẽ làm gì trong thời gian còn lại này? Em thì trả lời sẽ về từ giã cha mẹ và những người thân. Em khác cho biết sẽ đi gặp cha linh hướng và xin xưng tội. Em khác nữa thì nói mình sẽ vào nhà nguyện chầu Thánh Thể thật sốt sắng. Còn một cậu bé vốn có lòng đạo đức nhất la Lu-y Gông-gia-ga thì lại thưa: "Thưa Thầy, còn em cứ tiếp tục chơi ạ!" Khi được hỏi lý do tại sao lại cứ chơi khi biết mình sắp chết, thì cậu bé đã trả lời: "Vì mỗi sáng thức dậy em đều dâng ngày mới cho Chúa. Và trong ngày em năng nói với Chúa những lời nguyện tắt. Em nghĩ Chúa cũng chỉ cần em làm như vậy".

3. SUY NIỆM:

1) Phải tỉnh thức và sẵn sàng luôn: Tin mừng hôm nay nhắc nhở mọi người muốn được hưởng ơn cứu độ của Đức Giê-su thì cần có thái độ "Tỉnh thức và sẵn sàng":

- Như người đầy tớ trung tín (c 35-38): Tỉnh thức không phải là không ngủ, nhưng là ngủ trong tình trạng tỉnh thức, giống như người đầy tớ trung tín đợi chủ đi ăn cưới về vào bất cứ giờ nào trong đêm để khi chủ về gõ cửa là mở ngay.

- Như người chủ nhà có trách nhiệm (c 39-40): Một người chủ nhà có tinh thần trách nhiệm sẽ luôn canh thức để tránh cho trộm khỏi đến đào ngạch khoét vách nhà mình. Một người làm việc có tinh thân trach nhiệm cao sẽ được hưởng hoa trái là hạnh phúc và sự bình an trong tâm hồn như người ta thường nói: "Cẩn tắc vô ưu". Mẹ Têrêsa Calcutta cũng khuyên các tu sĩ dưới quyền rằng: "Hoa trái của thinh lặng là cầu nguyện. Hoa trái của cầu nguyện là đức tin. Hoa trái của đức tin là đức ái. Hoa trái của đức ái là phục vụ. Hoa trái của phục vụ là bình an ".

- Như người quản gia trung tín và khôn ngoan (c 42-48): Sự trung tín khôn ngoan được biểu lộ qua việc anh quản gia luôn chu toàn công việc bổn phận là cứ đúng giờ cấp phát lương thực cho gia nhân. Nhưng nếu anh ta "nghĩ bụng: Chủ ta còn lâu mới về, và bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa", thì số phận của anh ta sẽ "phải chung số phận với những tên thất tín". Vào thời Hội Thánh sơ khai, các tín hữu Tê-sa-lô-ni-ca vì nghĩ lầm rằng ngày tận thế đã gần kề, nên có lối sống buông thả không chịu làm việc gì cả. Do đó, thánh Phao-lô đã phải viết thư để chấn chỉnh lối sống lười biếng ấy như sau: "Khi còn ở với anh em, chúng tôi đã chỉ thị cho anh em: Ai không chịu làm thì cũng đừng ăn. Thế mà chúng tôi nghe nói: Trong anh em có một số người sống vô kỷ luật, chẳng làm việc gì, mà việc gì cũng xen vào. Nhân danh Chúa Giê-su Ki-tô, chúng tôi truyền dạy và khuyên nhủ những người ấy: hãy ở yên mà làm việc, để có của nuôi thân" (2 Ts 3,10-12).

2) Cụ thể chúng ta phải tỉnh thức và sẵn sàng đón Chúa đến thế nào?:

- "Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn":

Mỗi tín hữu chúng ta phải tỉnh thức và sẵn sàng chu toàn các bổn phận đạo đức hằng ngày như dâng lễ cầu nguyện sớm tối để đón nhận ơn Chúa. Tỉnh thức và sẵn sàng bằng cách tay luôn cầm cây đèn là đưc Tin, chứa đầy dầu ân sủng là đức Cậy, để luôn cháy sáng là đức Mến giữa cuộc sống đời thường.

- Phải làm gì để đón Chúa đến ngay từ bây giờ?: Hãy luôn ý thức sống tốt giây phút hiện tại bằng việc chu toàn bổn phận hằng ngày. Tránh chỉ lo tích trữ của cải cho mình, đừng quá bám víu vào những của cải trần gian như Lời Chúa dạy: "Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em. Hãy bán của cải mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền chẳng bao giờ cũ rách, một kho tàng chẳng thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm cắp không bén mảng, mối mọt cũng không đục phá" (Lc 12,32-34).

- Chu toàn công việc bổn phận: Đối với những ai được Chúa trao quyền quản lý một gia đình, một hội đoàn, một cộng đoàn dòng tu hay giáo xứ... Hãy nhớ rằng: Mọi quyền bính đều bắt nguồn từ Thiên Chúa. Quyền bính là phương tiện để phục vụ tha nhân. Người ta có thể lạm dụng quyền bính để phục vụ bản thân và làm khổ kẻ khác như tên quản lý trong bài Tin mừng đã "Đánh đập tôi trai tớ gái", "chè chén say sưa" vì nghĩ rằng còn lâu chủ mới về. Người quản lý sẽ bị phạt nặng hơn vì đã biết ý Chúa mà còn cố tình bỏ việc bổn phận của mình.

- "Hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến":

Sẵn sàng để biết sử dụng của cải đúng theo ý Chúa: Cụ thể là chia cơm sẻ áo cho những người nghèo đói, góp phần nuôi dưỡng các trẻ mồ côi, người già neo đơn và động viên an ủi nhưng người đau khổ bất hạnh... Hiện nay nhiều người tuy rất tỉnh thức đọc kinh cầu nguyện, nhưng lại đang mê ngủ trước những đòi hỏi phải chia sẻ bác ái của Tin Mừng. Nếu các tín hữu luôn tỉnh thức bằng việc quan tâm giúp đỡ người bên cạnh thì hai phần ba nhân loại sẽ không còn nghèo đói nữa. Bắt đầu từ hôm nay chúng ta hãy tập quảng đại cho đi những gì mình có. Hãy "làm những công việc bình thường bằng một cách thức phi thường" noi gương thánh nữ Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su, để chiếu ánh sáng tin yêu giúp cho nhiều người nhận biết Thiên Chúa như lời Chúa dạy: "Cũng vậy ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh emlàm mà tôn vinh Cha của anh em" (Mt 5,16).

- Phải sẵn sàng phục vụ để loan báo Tin Mừng: Những ai không có tiền vẫn có thể làm việc tông đồ băng việc phục vụ. Mẹ Têrêsa Can-quýt-ta và các nữ tu Thừa Sai Bác Ái đã không cho người nghèo đói bệnh tật tiền bạc vật chất, nhưng cho sự ân cần phục vụ trong yêu thương. Đây cũng là một phương cách loan báo Tin Mưng hữu hiệu. Hiện nay có nhiều tín hữu vẫn đang mê ngủ khi chỉ lo hưởng thụ tiện nghi vật chất va các đam mê thấp hèn... mà không ưu tiên tìm kiếm Nước Trời bằng việc chia sẻ phục vụ tha nhân. Thánh Phao-lô đã khuyên tín hữu chúng ta như sau: "Tỉnh giấc đi, hỡi người còn đang ngủ! Từ chốn tử vong, trỗi dậy đi nào! Đức Ki-tô sẽ chiếu sáng ngươi!" (Ep 5,14).

4. THẢO LUẬN:

1)Bạn đã thấy một người bị chết cách bất đắc kỳ tử chưa?

2)Bạn có cần chuẩn bị cho giờ chết của mình không? 3)Bạn cần làm gì để đón cái chết sẽ đến cách bất ngờ?

5. NGUYỆN CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin cho con biết tỉnh thức để đừng bao giờ ngủ quên trong những đam mê lạc thú giả tạo. Xin cho lòng trí con hiểu rằng: đồng tiền chỉ là phương tiện giúp con nên hoàn thiện hơn, giúp con có điều kiện thực thi bác ái là chia sẻ cơm áo cho người nghèo. Xin cho con xác tín rằng: Khi giờ chết đến, con sẽ không thể mang theo được tiền của mà con đã ky cóp bấy lâu. Chính những đồng tiền cho đi, đồng tiền quảng đại chia sẻ cho kẻ khác, sẽ trở nên kho tàng quý giá không bao giờ bị hư nát cho con ở đời sau. Xin giúp con luôn biết hướng lòng trí về những sự trên trời.

X) Hiệp cùng Mẹ Maria. Đ) Xin Chúa nhậm lời chúng con.

home Mục lục Lưu trữ