Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 56

Tổng truy cập: 1355800

Giây Phút Thiêng Liêng - Thánh Lễ Giao Thừa

Giây phút thiêng liêng - Thánh Lễ Giao Thừa

THÁNH LỄ GIAO THỪA
Mt 5, 1-10

Cứ mỗi giao thừa, tôi lại có những cảm nghiệm về giây phút linh thiêng, giây phút bàn giao giữa năm cũ và năm mới. Mà sao không lạ lùng và hồi hộp khi năm cũ nhường bước cho những giây phút linh thiêng nhất, giây phút đẹp nhất cho một năm mới khởi đầu. Và Hàn Mạc Tử đã không ngần ngại viết những câu thơ thật truyền cảm, nhẹ nhàng như đưa hồn cao người vào chốn linh thiêng, tuyệt diệu: ” Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu. Trời mơ trong cảnh thực huyền mơ ! Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt. Như đón từ xa một ý thơ “.

GIÂY PHÚT LINH THIÊNG CỦA MỘT ĐÊM KHAI MÀO NĂM MỚI:

Sự linh thánh của đêm giao thưa như gợi trong trí của mỗi người về giây phút hết sức huyền diệu, giây phút hết sức linh thánh, giây phút đong đưa giữa cái cũ và cái mới. Lời thánh vịnh: ” Cúi xin Đấng tạo thành trời đất, xuống cho đoàn con muôn ngàn phúc cả từ núi thánh Sion “ ( Tv 133, 3 ).

Lời thánh vịnh này là lời khẩn cầu Thiên Chúa tưới xuống muôn hồng ân để con người, mỗi người được sống trong niềm vui, hạnh phúc và sự an bình.Giây phút giao thừa vẫn là giây phút đẹp, giây phút thiêng liêng, giây phút mà mỗi người đều cảm thấy như có một cái gì đó thôi thúc, như có một cái gì đó níu kéo con người và làm cho con hướng tâm hồn lên cao, hướng tâm hồn lên Thiên Chúa để xin Thiên Chúa gia ân giáng phúc cho cho mọi người, mọi nhà hầu con người được sống trong hòa bình và sống trong yêu thương. Đêm giao thừa, người ta vẫn có tục lệ khấn vái cầu xin ơn trên đổ muôn ơn hồng phúc xuống cho con người.Đối với với người công giáo, đêm giao thừa sẽ là đêm người Kitô hữu ngước mặt lên Chúa và cầu khẩn nguyện xin: ” Trong giờ phút giao thừa này, chúng con hướng tâm hồn lên Chúa. Cúi xin Chúa rộng ban cho chúng con một năm dồi dào phúc lộc, và đầy lòng hăng hái làm việc lành để tôn vinh Danh Thánh “. Giây phút giao thừa là giây phút trời đất giao hòa: Năm cũ nhường cho năm mới. Một năm mới đã mở ra và mọi người sống giây phút này trong niềm tin, trong hy vọng và sống trong sự yêu thương bởi chính Thiên Chúa là tình yêu.

GIÂY PHÚT GIAO HÒA GIỮA THIÊN CHÚA VÀ CON NGƯỜI:

Trong đêm giao thừa, trong giây phút linh thiêng, con người đứng trước bàn thờ, dâng lên Thiên Chúa lời cảm tạ tri ân vì muôn vàn hồng ân Thiên Chúa đã ban cho con người, đã ban cho từng người trong suốt một năm qua. Giây phút giao hòa trời đất là giây phút con người gặp gỡ Thiên Chúa, con người gặp gỡ Đấng vô cùng thánh thiện. Thiên Chúa đang ở với con người, sống với con người và sống vì con người.Trong giây phút Thiên Chúa gặp con người và con người đối diện với Thiên Chúa. Con người hiệp với Hội Thánh ca tụng tình thương vô biên của Thiên Chúa: ” Lạy Cha Chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Cha mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con. Trong Cha chúng con được hiện hữu, được sống và hoạt động. Ngay trên cõi đời này, chẳng những chúng con hằng nghiệm thấy hiệu quả tình thương của Cha, mà còn nhận bảo chứng sự sống muôn đời. Quả vậy, chúng con được nhận lãnh ân huệ mở đầu là Chúa Thánh Thần, nhờ Người, Cha đã cho Đức Kitô sống lại từ cõi chết; do đó, chúng con hy vọng, muôn đời được sống lại từ cõi chết” (Lời Tiền Tụng Chúa Nhật IV thường niên ). Giây phút Thiên Chúa và con người là giây phút thánh thiêng, giây phút hạnh phúc nhất vì Thiên Chúa là Tình Yêu, là Mùa Xuân vĩnh cửu.

MUÔN ĐỜI VẪN LÀ LỜI CẢM TẠ:

Cảm tạ là một hồng ân. Chính vì thế, con người, mỗi người luôn phải nói lời tri ân cảm tạ. Bởi vì, Thiên Chúa không cần lời cảm tạ của chúng ta, nhưng nói lên lời cảm tạ lại là một hồng ân Chúa ban.

Chúng ta cảm tạ Chúa vì Chúa ban sự sống cho chúng ta.

Chúng ta cảm tạ Chúa vì phép lạ lớn nhất Thiên Chúa đang làm cho chúng ta là cho chúng ta còn sống tới giờ phút này.

Chúng ta cảm tạ Chúa vì Chúa còn cho chúng ta thấy ngày khởi đầu của một năm mới.

Chúng ta cảm tạ Chúa vì Chúa còn cho chúng ta gặp gỡ mọi người.

Tình thương của Chúa đời con ca tụng (Tv 88 ). Lời Thánh vịnh này luôn thúc bách chúng ta hãy tạ ơn tình thương vô biên, tình thương tuyệt vời của Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, trong giây phút giao thừa linh thiêng đêm nay, xin củng cố đức tin cho chúng con, để chúng con luôn nhìn ra tình thương tuyệt vời của Chúa và để chúng con nhận ra những giây phút mở đầu của ngày mới là giây phút quý hóa nhất cho một năm mới tốt đẹp và trong lành. Amen.
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

Hãy tìm nước Thiên Chúa - Ngày Mồng Một Tết
THÁNH LỄ MINH NIÊN: CẦU BÌNH AN NĂM MỚI

Mt 6, 25-34

Lại một mùa xuân qua đi nhường chỗ cho những ngày mới khai mởmột năm mới với biết bao ước vọng, với biết bao dự kiến, biết bao mơ ước và những kế hoạch, dự phóng cho một năm mới. Ngày xuân với bao lời chúc tụng cho nhau, chúc nhau an bình, thịnh vượng, may mắn. Đối với người Công giáo, ngày xuân ngoài những lời nguyện chúc bình thường mà bất cứ người nào cũng có thể chúc tụng nhau được thì người Kitô hữu còn chúc cho nhau được tràn đầy ơn Chúa, giữ vững đức tin và luôn sống đời sống của Chúa như Thầy đã yêu ( Ga 15, 12 ).

ĐỔI MỚI VÀ MÃI MÃI ĐỔI MỚI:

Năm cũ đã qua: năm con chuột đi vào quá khứ với những niềm vui, nỗi buồn. Năm con chuột có nhiều biến cố tốt đẹp nhưng cũng có những điều chưa được đối với từng người, đối với mọi người. Nhưng phải công nhận năm Mậu tý qua đi bình dị và vui tươi, hạnh phúc.Năm mới hy vọng với những ước mơ, với những dự tính xem ra sáng sủa và tốt đẹp hơn. Con người sẽ đẹp nếu họ biết quay trở về với chính mình để sửa đổi, để vươn tiến. Cuộc đời chỉ đẹp khi con người biết vươn lên, biết sửa đổi, biết làm cho cuộc đời sáng tươi, trong sáng. Năm con trâu với sự cần cù của loài vật đã có nhiều thập kỷ trở thành công cụ lao động quí hóa và mang lại nhiều lợi ích cho con người khi con người biết dùng sức lao động của con vật này trở nên bạn với người nông dân. Đã có một thời “ Con trâu đi trước, cái cầy đi sau “ luôn luôn gần gũi với người lao động Việt Nam. Bây giờ với thời đại khoa khoa, văn minh đi lên, con trâu không còn là công cụ duy nhất để cùng với người nông dân làm ra của cải. Ngày nay đã có máy móc, đã có khoa học kỹ thuật, người ta luôn đổi mới và luôn mãi mãi đổi mới để làm cho việc lao động mang lại nhiều của cải cho con người, cho loài người.

HÃY TÌM KIẾM NƯỚC TRỜI:

Bài Tin Mừng của thánh Mathêu 6, 25-34 trình bầy cho mọi người một quan niệm. một tư tưởng, một lối đi chúng ta phải chọn lựa: “ chọn Chúa hay tiền của “. Đã chọn rồi, chúng ta phải sống theo điều đã chọn lựa. Nếu chúng ta chọn Chúa, chúng ta phải lo phụng sự Chúa, lo lắng làm những điều Chúa dạy, Chúa làm. Tuy nhiên, nếu đã chọn tiền của, con người sẽ làm tôi ma quỉ, làm tôi Mammôn và như thế con người sẽ xa Chúa và mất Chúa. Con người chọn Chúa sẽ được hai phần: được Chúa và Chúa ban cho con người tùy theo nhu cầu của con người. Do đó, suốt bài Tin Mừng, Chúa dạy con người đừng lo lắng thái quá về những điều phụ thuộc, không chính yếu lắm như của ăn, của mặc, nhưng phải tin tưởng và phó thác nơi Chúa. Để làm nổi bật ý tưởng này, Chúa dùng hai hình ảnh rất thực tế như chim trời và hoa huệ ngoài đồng. Chim trời và hoa huệ ngoài đồng không lo lắng gì cả nhưng Thiên Chúa vẫn luôn chăm sóc chúng. Chúa dạy chúng ta hãy nhìn vào chim trời và hoa huệ để bắt chước, để học bài học quan phòng của Thiên Chúa. Chúa minh chứng và xác nhận con người cao quý hơn chim trời hơn hoa huệ nhiều vì con người có trí khôn, lý trí, có lương tâm, có đạo đức để phân biệt lành và dữ, biết phân biệt hạnh phúc và sự xấu số vv…Chim trời, hoa huệ vẫn làm việc vì không bay đi để kiếm ăn, không hút nước, hút tinh hoa trong lòng đất, hoa huệ sẽ chết. Chính vì thế, Chúa không khuyên chúng ta đừng làm việc, nhưng Ngài dạy chúng ta phải cần mẫn làm việc và phó thác tất cả cho Chúa để Chúa hướng dẫn và chỉ bảo.

NĂM MỚI VỚI NHỮNG ƯỚC MƠ MỚI :

Năm mới mở ra cho con người, cho mỗi người hãy sống và hãy phục vụ với tình yêu, với đức tin. Chúa luôn yêu thương con người và dạy con người phải yêu thương như Ngài đã yêu. Bởi vậy, năm mới ai cũng có dự phóng, cũng có những ước mơ nhưng tất cả còn tùy thuộc nơi sự quan phòng của Chúa. Điều gì Chúa thấy cần, Ngài sẽ ban cho con người chúng ta. Chúa bảo”đừng lo “ không có nghĩa là Chúa bảo đừng làm việc, đừng lao động, đừng lo cho nhu cầu phần xác và trần gian, nhưng Ngài nói hãy cần cù lao động theo ý Chúa và phó thác thành công và thất bại nơi Chúa.Ước mơ luôn là mơ ước nhưng chính Chúa mới là người định đoạt: ” Bạn hãy ký thác đường đời cho Chúa. Chúa, Chúa chính Chúa Ngài sẽ ra tay “.

ÁP DỤNG VÀO THỰC TẾ:

Xuân đem lại những gì tốt đẹp cho con người nếu con người biết thánh hóa những ngày xuân và năm mới.Tuy nhiên, còn nhiều người chưa chắc đã được hưởng một ngày xuân ấm áp, đẹp tươi: những mảnh đời tang thương, những mảnh đời rách nát. Chúng ta được diễm phúc hơn những hạng người nghèo khổ.Chúng ta hãy mở lòng để giúp đỡ những mảnh đời đau thương và cố gắng sưởi ấm tâm hồn họ.Năm mới, chúng ta cầu xin Chúa ban bình an để cuộc đời mỗi người, mỗi gia đình luôn đầy ắp tình thương và ân huệ của Chúa.

Lạy Chúa Giêsu là Mùa Xuân vĩnh cửu, xin ban cho chúng con luôn biết phó thác nơi bàn tay yêu thương của Chúa. Amen.
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT


Thảo kính Cha Mẹ: Ngày Mồng Hai Tết
KÍNH NHỚ ÔNG BÀ TỔ TIÊN
Mt 15, 1-6

Mỗi năm vào ngày mồng hai tết, Giáo Hội luôn dành một ngày để con cái cháu chắt có dịp báo hiếu tưởng nhớ tới ông bà tổ tiên.Đây là hình thức rất có ý nghĩa, Giáo Hội giúp mỗi người còn được diễm phúc sống dưới trần gian này hiểu được thế nào là công lao của ông bà tổ tiên. Có tổ tiên, có ông bà mới có cha mẹ rồi mới có chúng ta: đây là một điều hiển nhiên ai cũng phải hiểu và cảm nghiệm một cách sâu sắc công ơn trời biển của tổ tiên ông bà, của cha mẹ vv…” Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra “, ca dao Việt Nam quả có lý khi đề cập tới nghĩa vụ của con cái đối với mẹ cha. Do đó, hôm nay, mọi người dâng thánh lễ này cầu nguyện cho các bậc sinh thành rất hợp với truyền thống đạo đức của dân tộc Việt Nam chúng ta, đồng thời cũng rất thực tế với dạy của Chúa Giêsu trong đoạn Tin Mừng của thánh Matthêu.

CUỘC TRANH LUẬN GIỮA CÁC NGƯỜI PHARISÊU, CÁC KINH SƯ VÀ CHÚA GIÊSU:

Trong đoạn Tin Mừng thánh Matthêu xoay quanh cuộc tranh luận của Đức Giêsu với các người Pharisêu, các Kinh sư về bổn phận của con cái đối với cha mẹ. Đối với các người Pharisêu, các kinh sư họ cho rằng theo lời của tiền nhân thì tất cả những gì họ làm cho cha mẹ đều là tế phẩm dâng lên Thiên Chúa, do đó, họ làm như thế là vừa đủ rồi, không cần phải thờ cha kính mẹ nữa. Người Pharisêu và Kinh sư giới hạn bổn phận con cái dựa trên hoàn toàn vật chất, một nghĩa vụ vật chất được họ gán cho nghĩa vụ đạo đức. Đối với Đức Giêsu, Ngài nhắc nhở cho các Pharisêu, các Kinh sư và mọi thế hệ, mọi người chúng ta rằng: ” Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, và kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử “.Ngay trong điều răn thứ bổn của thập giới cũng viết:” Thảo kính cha mẹ “. Như thế rõ ràng Thiên Chúa dạy con người phải thảo hiếu với mẹ cha không chỉ dừng ở của cải vật chất nhưng phải hiếu thảo bằng cả tấm lòng yêu thương, tôn kính, mến yêu đến nỗi ai nguyền rủa cha mẹ tức là đụng đến nhân phẩm, đụng đến quyền làm người của cha mẹ, thì phải bị xử tử. Chính vì thế, lập trường của Chúa Giêsu hoàn toàn khác với người Pharisêu và các Kinh sư. Chúa Giêsu mở ra một giá trị mới, một đạo hoàn toàn dựa trên tình thương.

VẤN ĐỀ HIẾU THẢO BỊ LUNG LAY :

Nếu lược qua các nơi, các nước chúng ta như nhận ra được cái yếu của nhiều gia đình. Bởi vì đời sống của nhiều gia đình hiện nay đang vấp phải khủng hoảng về đức tin, về đạo lý, Nhiều con cái chỉ dừng trên nghĩa vụ, bổn phận lo lắng cho cha mẹ của cải vật chất, mà quên đi cha mẹ còn phải được kính trọng và yêu mến. Vật chất chỉ là giá trị bề ngoài nhưng chính giá trị tinh thần, giá trị đạo đức mới quan trọng cho đời sống cha mẹ. Ngày nay có nhiều gia đình con cái đối với cha mẹ không ra làm sao cả. Nên, giá trị đạo đức bị đảo lộn, con cái coi vật chất là trên hết, có nhiều đứa con đặt tiền tài trên nghĩa vụ làm con.Ở nhiều nước văn minh có nhiều gia đình con cái sẵn sàng gửi cha mẹ vào các nhà dưỡng lão đầy đủ tiện nghi nhưng lại thiếu thái độ”thờ cha kính mẹ “ theo ý của Thiên Chúa là “ Hãy thảo kính cha mẹ “.Các Giám mục Việt Nam trong năm 2007 và 2008 đã ra hai thư mục vụ nói về gia đình. Điều này nói lên sự quan trọng của nền tảng gia đình. Thư mục vụ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam năm 2008 viết về gia đình Nagiarét: ” Các Ngài là những bậc cha mẹ gương mẫu, luôn biết đón nhận thánh ý Chúa và đem ra thực hành. Trong gia đình Nagiarét mọi thành viên đều tôn trọng nhau, mong muốn cho nhau điều tốt và cùng nhau thực hiện ý của Cha trên trời. Thánh Giuse và Đức Maria là những nhà giáo dục tài giỏi đã chu toàn sứ mạng được trao phó trong sự khôn ngoan và trung tín. Xin các Ngài chuyển cầu và luôn phù trợ cho các gia đình chúng ta”.Gia đình thánh gia là gia đình gương mẫu cho mọi gia đình bởi vì Chúa luôn hiếu thảo đối với thánh Giuse và mẹ Maria.

ÁP DỤNG VÀO ĐỜI SỐNG :

Cha mẹ là người sinh ra chúng ta, chúng ta phải hết lòng tôn kính, yêu thương cha mẹ. Ai cũng có cha có mẹ. Cha mẹ sinh ra chúng ta, cha mẹ nuôi dưỡng chúng ta, chúng ta phải hết lòng hiếu thảo với cha mẹ. Chúa nói: “ Hãy thảo kính cha mẹ “. Bổn phận của con cái là nuôi dưỡng, thăm hỏi khi cha mẹ còn sống, lúc qua đời phải xin lễ, cầu nguyện cho cha mẹ.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con hiểu được rằng Chúa cũng có một gia đình, có cha có mẹ, Chúa đã hiếu thảo với cha mẹ, xin cho chúng con luôn biết báo đáp mẹ cha. Amen.
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

home Mục lục Lưu trữ