Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 77

Tổng truy cập: 1356355

Giếng Nước Giacop

GIẾNG NƯỚC GIACOB

Một người đàn ông nói chuyện với một người đàn bà không quen biết ở nơi công cộng. Một người Do Thái nói chuyện với một người Samaria. Một người tội lỗi nói chuyện với một đại tiên tri. Đó là những điều mà Thánh Ký đã ghi nhận về cuộc đàm thoại giữa Chúa Giêsu và thiếu phụ Samaria. Và câu truyện đã diễn ra ngay bên giếng nước Giacob.

Nhưng nước của giếng Giacob thì cũng chỉ giãn khát cho ông, con cháu ông và đoàn vật của họ. Nước ấy không thể rửa sạch một truyền thống bắt nguồn từ xa xưa của người Do Thái thời ấy, là cấm không cho người đàn ông nói truyện với người đàn bà nơi công cộng. Một hình thức coi như miệt thị và coi thường nữ giới. Nước giếng ấy cũng không xóa bỏ mối hận thù đã trải qua hằng trăm năm sau ngày Salômôn qua đời giữa người Do Thái và Samaria, khiến họ trở thành thù địch và không muốn nhìn mặt nhau, nói truyện với nhau. Nó càng không thể xóa sạch tội khiên để đem một người đàn bà vốn đã qua 5 người đàn ông trong đời nàng và hiện người đang sống với nàng cũng không phải là chồng nàng đến gần với một Đấng Thánh của Thiên Chúa rất tinh trong và không mang tỳ vết. Chính vì thế, chị cũng như nhân loại sau này cần phải uống một thứ nước khác: nước yêu thương và tha thứ. Nước hiền lành và khiêm nhường. Nước đơn sơ và trong sạch. Nước này chỉ có ở nơi giếng Giêsu. Ngài vừa là giếng, vừa là nước, và vừa là người ban phát.

Giếng Giacob, do đó, chỉ là một hình bóng của giếng nước sẽ vọt ra từ cạnh sườn Con Thiên Chúa. Và nước của giếng Giacob chính là tượng trưng cho một thứ nước hòa máu được trào ra khi Trái Tim rất yêu thương của Chúa Cứu Thế bị lưỡi đòng của Longchinô đâm thủng. Đây mới là giếng và nước hằng sống. Thứ nước mà như Chúa Giêsu đã nói, ai uống nó sẽ không còn khát. Ngược lại, sẽ có một mạch nước ban sự sống vọt lên tự nơi họ: “Ai uống nước Ta ban sẽ không còn khát nữa. Nước ta ban sẽ trở thành một mạch nước hằng sống vọt lên trong người ấy” (Gio 4:14).

Đúng vậy, với tất cả những ai đến và xin Ngài, đều được Ngài ban tặng một thứ nước mà không có một mạch nước nào, nguồn nước nào, ngay cả nước của giếng Giacob có khả năng làm được. Đó là nước ấy sẽ làm cho tâm can con người không còn khao khát và bị thiêu đốt bởi cơn khát của cải, danh vọng, chức quyền và dục vọng. Thứ nước làm thư dãn tâm linh, thư dãn linh hồn và thể xác người uống nó. Thứ nước mà uống vào rồi thì không còn khát như tất cả mọi thứ nước vật chất.

Phải chăng nhiều Kitô hữu chúng ta cũng đã mau mắn xin với Chúa Giêsu như thiếu phụ Samaria: “Xin Ngài ban cho tôi nước ấy để tôi không khát nữa, và để tôi không phải ra đây kín nước nữa” (Gio 4:15). Trong thực tế, chúng ta cũng đã nhiều lần xin Ngài ban cho thứ nước ấy. Nhưng tại sao nhiều người vẫn khát. Không những khát mà còn chết khát nữa. Chính là vì họ đã không bắt chước thiếu phụ kia, bỏ lại vò nước, chạy về, và gọi chồng chị. Thánh ký ghi nhận: “Chị đã bỏ vò nước lại, chạy vào thành” (Gio 4:28). Mà vì không có chồng, nên chị đã nói với mọi người và mời gọi họ ra gặp Chúa Giêsu. Hành động của thiếu phụ Samaria đã trở thành một mẫu mực cho tất cả mọi Kitô hữu chúng ta khi đối diện với Thiên Chúa. Nhất là khi chúng ta muốn đến gần Ngài, muốn được chia sẻ mạch nước hằng sống do Ngài ban tặng.

Bỏ lại vò nước, là bỏ lại quá khứ. Bỏ lại những hành vi tội lỗi, ám muội. Bỏ lại những việc làm sai trái. Thánh ký đã không ghi rằng chị về nói với bạn trai, với bồ của chị, cho chúng ta một cảm nhận rằng chị đã không muốn liên lụy tới con người ấy, hay không muốn nhắc lại quá khứ, hoặc lập lại những việc làm sai trái. Ngược lại, Thánh ký ghi là chị đã đi gặp và nói với mọi người rằng: “Ra mà xem người đã nói cho tôi về mọi việc tôi đã làm” (Gio 4: 29). Chị nói với mọi người, nhưng không nói với chồng chị, vì như chị đã thưa với Chúa Giêsu, và chính Ngài cũng đã xác nhận rằng: “Thật ra chị đã có năm người, và người đàn ông đang sống với chị cũng không phải là chồng chị” (Gio 4:18).

Không dám đối diện với sự thật. Không dám nhận mình có tội. Và không dám can đảm sửa sai quá khứ, đó là lý do tại sao nhiều lần và nhiều trường hợp chúng ta thật sự cảm thấy khát và bị nung nấu bởi cơn khát tâm linh mà Chúa Giêsu đó, giếng nước trường sinh đó, nhưng chúng ta vẫn không có nước để uống, và vẫn không được giãn khát.

Thiếu phụ Samaria đã làm được điều mà nhiều Kitô hữu chúng ta đã không làm nổi. Chị không những đã cho Chúa Giêsu điều mà Ngài xin với chị là “Cho ta uống với” (Gio 4:7). Hơn thế, chị còn làm cho Chúa cảm thấy no, đến nỗi các Tông Đồ mua thức ăn về mời Ngài, thì Chúa đã bảo với các ông: “Ta đã ăn thức ăn mà các anh không biết” (Gio 4:32). Đó là một mùa gặt phong phú các tâm hồn, trong đó ít nhất cũng đã có một người là thiếu phụ Samaria và những người mà chị đã mời gọi, đã quảng cáo để họ ra gặp Ngài.

Chúa khát và khát Chúa. Khát Chúa và làm cho người khác nhận biết Chúa. Đó là hai việc quan trọng của ơn gọi người Kitô hữu. Nhưng trước khi làm cho người khác nhận biết Chúa, thì Kitô hữu chúng ta phải thực sự khát Chúa, và được Ngài giải khát trước. Tuy nhiên, để được Ngài giải khát, chính chúng ta cũng phải làm cho Ngài khỏi khát, đó là rộng mở cõi lòng mình đón nhận Ngài, lắng nghe tiếng Ngài, và biết bỏ lại sau lưng con đường tội lỗi và đam mê của mình. Giếng nước Giacob là điểm hẹn và một sự trao đổi hỗ tương giữa Chúa Giêsu và người thiếu phụ Samaria. Giếng nước Giêsu cũng là nơi linh hồn gặp gỡ Thiên Chúa. Nhưng mỗi Kitô hữu chúng ta có dám bỏ lại sau lưng tất cả để xin với Ngài như thiếu phụ Samaria: “Lậy Ngài xin cho tôi thứ nước ấy, để tôi không còn khát và phải ra đây kín nước nữa” (Gio 4: 15). Và có dám giãn khát Ngài bằng cách làm chứng nhân cho Ngài trước mặt anh chị em mình: “Ra mà xem người đã nói cho tôi mọi việc tôi đã làm” (Gio 4: 29) hay không?

T.s. Trần Quang Huy Khanh

home Mục lục Lưu trữ