Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 24

Tổng truy cập: 1360593

GIỚI RĂN YÊU THƯƠNG

GIỚI RĂN YÊU THƯƠNG

 

Tuần báo Newsweek số ra ngày 10/8/1993 đã ghi lại một sáng kiến mới lạ tại Nhật, đó là "Sư máy". Vị sư máy này, mới nhìn qua, không khác gì vị tu hành thực thụ: đầu cúi xuống, mắt khép lại, môi và các cơ bắp trên gương mặt cử động theo nhịp cầu kinh ghi sẵn, một tay cầm chuỗi đưa lên, một tay thì gõ mõ. Mỗi vị sư máy có thể cầu kinh không biết mỏi mệt, và có thể thuộc toàn bộ kinh kệ của mười giáo phái Phật giáo khác nhau tại Nhật. Sáng kiến này được đưa ra nhằm đáp ứng cho nhu cầu ơn gọi sư sãi ngày càng khan hiếm trong các Giáo hội Phật giáo tại Nhật. Tuy nhiên, như tác giả bài báo ghi nhận: những cái máy làm được mọi sự, duy chỉ một điều chúng không thể làm được, đó là chúng không biết yêu thương.

Yêu thương là đặc điểm của con người. Thú vật có thể có cảm giác, nhưng đó không hẳn là yêu thương. Chỉ có con người được tạo dựng theo và giống hình ảnh Thiên Chúa tình yêu mới thực sự được mời gọi yêu thương mà thôi.

Tin Mừng hôm nay nhắc lại cho chúng ta ơn gọi cao cả của con người. Trả lời cho thắc mắc của luật sĩ, Chúa Giêsu đã thu tóm tất cả lề luật thành một giới răn duy nhất là mến Chúa và yêu người. Hai mệnh lệnh này là một giới răn duy nhất, bởi vì không thể kính mến Chúa mà lại ghét bỏ hình ảnh của Ngài là con người, cũng như không thể yêu thương con người mà lại không nhận ra và yêu mến Thiên Chúa là nguồn mạch tình yêu chân thật. Tách biệt hai mệnh lệnh ấy là chối bỏ tình yêu. Các luật sĩ và các biệt phái thời Chúa Giêsu quả là những người đạo đức: họ ăn chay, cầu nguyện và tỏ ra yêu mến Thiên Chúa hơn ai hết; thế nhưng Chúa Giêsu đã điểm mặt họ là những kẻ giả hình, bởi vì lòng yêu mến Chúa nơi họ không được thể hiện bằng tình yêu đối với tha nhân. Chúa Giêsu còn gọi họ là những mồ mả tô vôi, bên ngoài thì bóng loáng, nhưng bên trong thì thối rữa. Có thể so sánh thái độ giả hình ấy với một người máy: người máy có thể làm được nhiều cử chỉ ngoạn mục, nhưng không có một tâm hồn để yêu thương thực sự.

Yêu thương là kiện toàn lề luật; yêu thương là cốt lõi, là linh hồn của Đạo. Đi Đạo, sống Đạo, giữ Đạo, xét cho cùng chính là yêu thương; không yêu thương thì con người chỉ còn là một thứ người máy vô hồn. Thánh Gioan Tông đồ, người đã suốt đời sống và suy tư về tình yêu, vào cuối đời, ngài đã tóm gọn tất cả thành một công thức: "Thiên Chúa là Tình Yêu", và ngài dẫn giải: "Ai nói mình yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em thì đó là kẻ nói dối, bởi vì kẻ không yêu thương người anh em nó thấy trước mắt, tất không thể yêu mến Đấng nó không thấy".

Nguyện xin cho cuộc sống của chúng ta ngày càng được thanh luyện và gần gũi hơn với cốt lõi của Đạo là Yêu Thương.

 

30.Chúa Nhật 30 Thường Niên

PHẢI YÊU MẾN THIÊN CHÚA TRÊN HẾT MỌI SỰ

(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)

Lại một bẫy khác do con người đặt ra để thử lòng Thiên Chúa. Thay vì một nhóm người như trước, họ chọn ra một đại diện cho cả nhóm. Vì muốn thử thách Chúa, họ chọn một vị thông luật, đã là thông luật nên chắc ông này phải thuộc nằm lòng 613 điều luật ghi trong sách Luật Do thái, trong đó 365 điều luật cấm và 248 điều luật truyền làm, chưa kẻ các điều luật phụ nữa. Ông cũng biết các điều trên được chia thành hai vế trọng luật và khinh luật. Phạm khinh luật thì chịu phạt đền tội, nhưng phạm trọng luật như giết người, thờ tà thần, gian dâm... thì bị tử hình. Vì là viên thông luật, hiển nhiên ông biết rõ mỗi nhóm thích giữ một điều luật và cho rằng điều ấy đối với họ là quan trọng hơn cả, có thể Chúa Giêsu đưa ra điều này trọng đối với nhóm này nhưng lại thường đối với nhóm kia, đó là lý do ông đặt ra câu hỏi với Chúa Giêsu hòng nắm chắc phần thắng về mình: “Thưa Thầy, trong lề luật điều răn nào trọng nhất”?

Hai Điều răn

Thật không dễ để trả lời. Nếu Chúa trả lời điều luật này trọng, điều luật kia không trọng thì thế nào Người cũng bị qui lỗi là về phe nhóm này, chống nhóm kia, và như vậy Người sẽ mắc bãy của họ.

Chúa Giêsu là Thiên Chúa thấu hiểu lòng người, nhưng Chúa vẫn trả lời. Chúng ta cũng cám ơn vị thông luật này đã hỏi thử Chúa để chúng ta co được chỉ dẫn rõ ràng, xác thực về thứ tự các giới răn.

Chúa Giêsu phán cùng người ấy rằng: "Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi" (Mt 22, 37). Câu luật này trích trong sách Đệ nhị luật 6,5 có đổi một chút, thay vì “hết sức” thì Chúa nói là “hết trí khôn”. Song cốt yếu không có gì đổi.

Nhưng giới răn thứ hai cũng giống giới răn ấy là: "Ngươi hãy yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi" (Mt 22, 39). Luật này trích ở sách Lêvi 19,18 có khác ở chỗ thay vì yêu kẻ khác thì yêu đồng loại: "Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình".

Ba đối tượng yêu thương

Chúa Giêsu kết luận: "Toàn thể Lề luật và sách các Tiên tri đều tóm lại trong hai giới răn đó" (Mt 22, 38). Điều răn thì có: thứ nhất mến Chúa, thứ hai yêu người, nhưng gồm ba đối tượng yêu thương: Thiên Chúa, kẻ khác và bản thân.

Đối tượng thứ nhất là Thiên Chúa, Đấng là Tình Yêu "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn trọng nhất và điều răn thứ nhất" (Mt 22, 37-38).

Thiên Chúa không đòi hỏi chúng ta nhiều điều, bởi "yêu mến là chu toàn cả Lề luật" (Rm 13, 10). Nhưng tình yêu có hai vế: Yêu mến Thiên Chúa và yêu thương kẻ khác... Khi dạy chúng ta yêu mến Thiên Chúa, Chúa đòi hỏi chúng ta phải yêu hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn. Còn yêu thương kẻ khác, Chúa Giêsu không bảo ta phải yêu hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn; nhưng "yêu kẻ khác như chính mình. Tại sao vậy? Vì Thiên Chúa "là dũng lực, là Đá Tảng, chiến luỹ, cứu tinh, là sơn động, là khiên thuẫn, là uy quyền cứu độ, là sức hộ phù chúng ta" (x. Tv 17, 2-3), nên chúng ta phải yêu mến Thiên Chúa không những hết… mà còn trên hết mọi sự, hơn cả chính mình, vì theo lời Chúa Giêsu thì: "Đó là giới răn thứ nhất và trọng nhất" (Mt 22, 38).

Đối tượng thứ hai là "kẻ khác" Chúa phán: "Giới răn thứ hai cũng giống giới răn ấy là: Ngươi hãy yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi" (Mt 22, 39).

Theo quan niệm của Người Do thái lúc bấy giờ thì "tha nhân" là những người đồng chủng, đồng hương, đồng xứ (x. Lv 19, 18). Còn “kẻ khác” được hiểu là hết mọi người, (x. Mt 25, 40). Khi Chúa Giêsu bảo người thông luật "hãy yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi", Người có ý dạy phải thương yêu mọi người chứ không giới hạn trong những người đồng hương với nhau (Mt 25, 40), không những thế mà lại còn phải yêu thương cả địch thù nữa (Mt 5, 43), và yêu như thế nào? "Yêu như chính mình ngươi".

Chúa có truyền dạy chúng ta yêu chính mình không? Thưa: Thiên Chúa xét thấy không cần buộc con người phải yêu chính mình, vì không ai ghét mình bao giờ. Nhưng cũng có nhiều người tự đánh mất mình khi yêu mến sự ác.. Chúa dạy chúng ta yêu mến Thiên Chúa hết lòng, Người truyền cho chúng ta giới luật phải yêu chính mình. Chắc chắn ai trong chúng ta cũng muốn yêu mình. Thiên Chúa là Tình Yêu, chúng ta là kẻ có tình yêu. Tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Thiên Chúa đã dành cho chúng ta một tình yêu khác với chúng ta nghĩ. Tình yêu ấy nuôi dưỡng và củng cố các mối quan hệ của tình yêu chúng ta dành cho bản thân và kẻ khác. Trong thực tế, chúng ta phải yêu bản thân mình trong tình yêu Thiên Chúa đã ban cho chúng ta, và chúng ta có thể bước vào trong tình yêu. Vậy, hãy yêu mến Thiên Chúa hết mình, thì trong Thiên Chúa chúng ta sẽ tìm được chính mình, và tránh được nguy cơ tự đánh mất mình… Nên, theo nguyên tắc, ta yêu kẻ khác như chính mình, yêu Thiên Chúa hết mình và yêu chính mình.

Yêu kẻ khác như chính mình

Khi truyền dạy "Ngươi hãy yêu thương kẻ khác như chính mình", Chúa Giêsu như đặt một tấm gương để tự chúng ta soi xem mình có yêu "kẻ khác" hay không? Chúa Giêsu xem tình yêu " kẻ khác " như "mệnh lệnh của Người," mệnh lệnh tóm tắt toàn thể lề luật. "Đây là mệnh lệnh của Thầy, là anh em hãy yêu nhau như Thầy đã yêu anh em" (Ga 15, 12). Nhiều người có khi đồng hóa toàn thể Kitô giáo với luật yêu người.

Chúng ta cố gắng đi xa hơn một chút bề mặt của nsự việc. Khi nói về tình yêu kẻ khác, người ta nghĩ ngay tới những "việc làm" như bác ái, hay "phải làm" cho kẻ khác như: cho họ ăn, uống, thăm viếng họ, nói tóm tắt là giúp đỡ kẻ khác. Nhưng đó là hậu quả của tình yêu, chứ chưa phải là tình yêu. Lòng từ tâm tới trước sự làm phúc. Trước khi làm phúc, người ta phải muốn làm phúc.

Thánh Phaolô nói rõ: Đức bác ái phải là "không giả vờ," tức là, phải chân thật, nghĩa đen, "không giả hình," (Rm 12, 9); người ta phải yêu "với một con tim trong sạch" (1 Pr 1, 22). Trên thực tế, người ta có thể làm việc bác ái và bố thí vì nhiều lý do không dính dáp gì với tình yêu: tô điểm chính mình, để ra vẻ là một người làm điều thiện, được lên thiên đàng, và có khi để trấn an một lương tâm xấu.

"Như chính mình" Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh người được yêu đồng hóa với người yêu, vì vậy, phải yêu thương kẻ khác bằng chính tình yêu đối với bản thân, nhưng tiên vàn phải yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự. Amen.

 

31.Con người hay Robot?

(Suy niệm của Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)

Trong bài luận văn về bệnh vô cảm của em Phan Hoàng Yến, học sinh lớp 9A2 trường trung học Chu Văn An, Hà Nội, đã gây ấn tượng mạnh trong xã hội hôm nay. Bài văn được cô giáo cho 9,5 điểm với nhận xét: "Em có những phát hiện và suy nghĩ sâu sắc về hiện tượng đáng buồn này. Một người có trái tim nhân hậu, đa cảm và tư duy sắc sảo như em thật đáng quý."

Bài văn được viết như sau: “Có được một xã hội văn minh, hiện đại ngày nay một phần lớn cũng là do những phát minh vĩ đại của con người. Một trong số đó chính là sự sáng chế ra rô-bốt, và càng ngày, rô-bốt càng được cải tiến cao hơn, tỉ mỉ hơn làm sao cho thật giống con người để giúp con người được nhiều hơn trong các công việc khó nhọc, bộn bề của cuộc sống.Chỉ lạ một điều: Đó là trong khi các nhà khoa học đang "vò đầu bứt tóc" không biết làm sao có thể tạo ra một con chip "tình cảm" để khiến "những cỗ máy vô tình" biết yêu, biết ghét, biết thương, biết giận thì dường như con người lại đi ngược lại, càng ngày càng vô tình, thờ ơ với mọi sự xung quanh. Đó chính là căn bệnh nan y đang hoành hành rộng lớn không những chỉ dừng lại ở một cá nhân mà đang len lỏi vào mọi tầng lớp xã hội - bệnh vô cảm.Nhìn thấy cái xấu, cái ác mà không thấy bất bình, không căm tức, không phẫn nộ. Nhìn thấy cái đẹp mà không ngưỡng mộ, không say mê, không thích thú. Thấy cảnh tượng bi thương lại thờ ơ, không động lòng chua xót, không rung động tâm can. Vậy đó còn là con người không hay chỉ là cái xác khô của một cỗ máy?

Một tháng trước, tôi đọc được một bài báo trên mạng có đưa tin về vụ một đứa bé Trung Quốc hai tuổi bị xe tải cán.

Thương xót, đau lòng làm sao khi nhìn cô bé đau đớn nằm trên vũng máu mà không một người nào qua đường để ý, cuống cuồng gọi cấp cứu. Họ nhìn thấy rồi đấy nhưng họ lại cố tình như không thấy, đi vòng qua cô bé để tiếp tục con đường nhạt thếch, sáo mòn của mình. Càng chua xót, đau lòng, phẫn nộ hơn khi chiếc xe tải tiếp theo nhìn thấy cô bé nằm đó, vẫn thoi thóp thở, bám víu lấy cuộc đời lại vô tình chẹt cả bốn bánh xe nặng trịch đi qua người cô bé, thản nhiên đi tiếp. Người qua đường vẫn thế, vẫn bình thản như không có chuyện gì xảy ra.

Cô bé xấu số chỉ được cấp cứu khi một người phụ nữ nhặt rác đi qua, thấy cảm thông, đau lòng nên đã bế cô đi bệnh viện. Có những con người ích kỷ, vô tâm, tàn nhẫn như vậy đấy! Không những thế, bây giờ ra đường gặp người bị cướp, bị trấn lột, bị đuổi chém nhưng lại không thấy anh hùng nào ra can ngăn, cứu giúp hay chỉ một việc nhỏ nhoi thôi là báo công an. Đó là những con người "không dại gì" và cũng chính "nhờ" những người "không dại gì" đó mà xã hội ngày càng ác độc, hỗn loạn. Chính lẽ đó mà căn bệnh vô cảm càng được thể truyền nhiễm, lây lan.

Quả thực, nếu con người sống không có tình yêu thì cũng chỉ là một Robot cô độc lạnh lùng mà thôi. Nhân loại ngày nay có thể sáng chế ra Robot để làm thay con người nhưng đáng tiếc Robot thì không có tình yêu, vì nó chỉ là cái máy không hồn. Phải chăng nó cũng là phản ảnh lối sống vô cảm không hồn của con người thời đại hôm nay? Có mọi sự nhưng thiếu tình yêu.

Robot ngày nay có thể đọc kinh, hát thánh ca nhưng không có tình yêu trong hành động của mình.

Robot ngày nay có thể đi chợ, quét nhà, ru em nhưng vô cảm với công việc của mình.

Nói đúng hơn, Robot có thể nói, có thể làm nhưng vô hồn, vô cảm, lạnh lùng vì thiếu tình yêu.

Đạo Công Giáo đặt nền tảng trên tình yêu. Yêu Chúa, yêu người. Yêu Chúa không dừng lại ở việc máy móc đi lễ hay đọc kinh nhàn chán mà phải đặt tình yêu của mình vào hành vi thờ phượng Chúa hết lòng. Yêu người không dừng lại ở đầu môi chóp lưỡi mà phải biết chạnh lòng xót thương trước những đau thương mà anh chị em mình đang trải qua.

Như thế tình yêu là lẽ sống, là vẻ đẹp của đời ky-tô hữu. Không có tình yêu thì mọi hành vi thờ phượng của người tín hữu chỉ là Robot. Không có tình yêu thì người ky-tô không thể sống chứng nhân cho tình yêu của Chúa giữa dòng đời. Cuộc đời cần tình yêu như trái đất cần mặt trời để tạo nên vẻ đẹp của vạn vật muôn màu. Cuộc đời thiếu tình yêu như đêm tối lạnh lùng cô liêu. Cách đây mấy hôm tôi đi thăm một trại tâm thần. Tôi nghe thấy họ đang đọc kinh. Họ hát. Họ đứng yên lặng cả gần 200 con người mặc dù họ bị bệnh tâm thần. Tôi ngạc nhiên sao họ lại thuộc kinh đến thế! Nhưng nhìn kỹ tôi thấy họ vô hồn. Họ đứng đó môi mấp máy chỉ ú ớ theo lời kinh của máy ghi âm phát ra mà thôi!

Lời Chúa hôm nay nhấn mạnh với chúng ta phải mến Chúa trên hết mọi sự và yêu tha nhân như chính mình. Mến Chúa trên hết mọi sự là đặt việc thờ phượng Chúa và thi hành ý Chúa trên mọi giá trị của cuộc sống. Yêu tha nhân như chính mình là “nếu mình muốn người khác làm cho mình điều gì thì hãy làm cho họ như vậy”. Đây là hai mệnh đề trong một giới răn yêu thương mà Chúa đòi buộc chúng ta phải thi hành. Vì khi tạo dựng Chúa đã không tạo dựng chúng ta thành những Robot mà tạo dựng chúng ta có trái tim, có tự do để thăng tiến về hành vi yêu thương.

Xin cho chúng ta biết thăng tiến bản thân khi biết nồng vào những công việc của mình bằng tình yêu nồng nàn. Một tình yêu với Chúa nồng nàn để có thể kính mến Chúa trên hết mọi sự. Một tình yêu với tha nhân thẳm sâu để có thể chia sẻ, cảm thông với nhau trong mọi vui buồn. Amen.

 

32.Giới luật tình yêu

Thiên Chúa là Tình Yêu và Ngài đã tỏ tình yêu đó cho con người qua chương trình cứu độ nhất là qua việc ban Con Một của mình là Đức Giêsu Kitô cho nhân loại. Ngài đến để làm chứng cho tình yêu nhưng không của Thiên Chúa. Chính Ngài đã dạy cho loài người biết giới luật quan trọng nhất là kính mến Chúa trên hết mọi sự và yêu tha nhân như chính bản thân mình.

Người Do thái có tới 613 điều luật, có 365 điều cấm và 248 điều truyền, các phe nhóm không thống nhất với nhau về việc coi giới luật nào là quan trọng nhất, nên họ giữ các điều luật gần như ngang nhau. Hôm nay họ hỏi Chúa Giêsu vừa để có ý thử Người. Nếu Chúa Giêsu nói điều này quan trọng, điều kia không thì thế nào cũng bị qui lỗi là về phe nhóm này, chống nhóm kia và như vậy Người thiên vị, không còn được kính nể nữa. Đối với họ thì câu này rất khó, nhưng Chúa Giêsu thấu biết mọi sự. Để trả lời họ, Chúa Giêsu đã trích dẫn ngay điều luật thứ nhất trong Thập giới mà Thiên Chúa đã truyền cho Môsê: "Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em" (Đnl 6,5). Chính người Do thái cũng đã thấy tầm quan trọng của điều luật này nên kết thành kinh để đọc một ngày 2 lần. Song song với Giới răn đó, Giới răn thứ hai cũng quan trọng không kém: hãy yêu tha nhân như chính mình. Tất nhiên xét về đối tượng thì việc yêu Chúa có giá trị hơn hẳn so với yêu tha nhân, nhưng lòng yêu tha nhân bắt nguồn từ lòng mến Chúa và cũng khẩn thiết như việc yêu mến Chúa vậy. Yêu tha nhân là dấu chứng tỏ chúng ta yêu mến Chúa và biết thi hành lời Chúa dạy. Chúng ta yêu tha nhân vì Chúa nhưng đồng thời tha nhân cũng là đối tượng để chúng ta yêu mến trong tinh thần huynh đệ có chung một người Cha.

Trước khi dạy cho con người giới luật yêu thương, Chúa đã tỏ lòng nhân ái trước, đã hứa ban ơn cứu độ, chuẩn bị dân Israel, và thể hiện tình yêu đối với loài người cách quyết liệt nơi Đức Giêsu Kitô. Thánh phaolô đã diễn tả tình yêu tự huỷ của Chúa Giêsu Kitô đối với loài người trong thư gởi tín hữu Philipphê như sau: Đức Giê-su Ki-tô vốn là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: "Đức Giê-su Ki-tô là Chúa". (Pl 2, 6-11) Đức Giêsu là một con người trong thế giới loài người được thiên chúa rước đưa vào vinh quang Thiên quốc trong danh dự của một Thiên Chúa. Ngài đã đem biết bao người phàm lên nơi Thiên Chúa ngự và được thông phần vinh quang của Thiên Chúa.

Thật hạnh phúc biết bao cho loài người chúng ta, được tạo dựng bởi vị Thiên Chúa đầy quyền năng, công bằng và nhân từ vô cùng. Ngài đối xử với con người quá khoan dung, nhân hậu. Đáp lại tình thương ấy, chúng con nguyện yêu mến Chúa hết lòng và thực thi giới luật Chúa với hết sức lực con, con sẽ đối xử tốt với anh em đồng loại như Chúa đã đối xử tốt với bản thân con.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con yêu mến Chúa, chúng con cảm tạ Chúa về tình yêu bao la của Ngài, về giới luật yêu thương của Ngài. Xin Chúa cho chúng con luôn biết sống cho tình yêu Chúa và thể hiện rõ bằng hành động cụ thể trong cuộc sống chúng con.

 

33.Chúa Nhật 30 Thường Niên

(Suy niệm của Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa)

LÀM SAO ĐỂ YÊU THƯƠNG THA NHÂN NHƯ CHÍNH MÌNH

“Là Kitô hữu, chúng ta không ít lần được nghe diễn giải về giới luật yêu thương là mến Chúa và yêu người. Đã từng có nhiều vị, vì muốn nhấn mạnh đến mối liên hệ hổ tương giữa đạo mến Chúa và việc yêu thương tha nhân nên đã dùng hình ảnh hai mặt của một đồng tiền. Là hình ảnh minh hoạ dĩ nhiên vẫn có đó sự khập khiễng cần chấp nhận. Tuy nhiên cái hình ảnh hai mặt của một đồng xu xem ra không chỉ khập khiễng mà còn lệch chuẩn.

Chúa Kitô đã khẳng định: Người hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn trọng nhất và điều răn thứ nhất” ( Mt 22,38 ). Đã là điều răn đứng đầu và trọng nhất thì chỉ có một. Xét như loài thụ tạo thì nghĩa vụ thờ phượng Đấng tạo thành là nghĩa vụ hàng đầu và không có gì có thể thay thế. Nếu nhìn nhận mọi sự ta đang có, mọi sự đang là, đều do bởi lãnh nhận từ trên cao, thì việc thần phục đấng tạo Thành là chuyện mang tính sống còn. Nếu Chúa rút hơi lại thì không có loài nào được tồn tại.

Thiên Chúa ta thờ không chỉ là Đấng tạo thành mọi sự mà còn là Cha chí ái. Người không chỉ nhận ta làm con theo nghĩa được dựng nên giống hình ảnh của Người mà còn nhận chúng ta làm nghĩa tử trong Con Một chí ái của Người làm người là Đức Giêsu Kitô. Con người là chi mà Chúa đoái trông. Loài người là gì mà Chúa lại phó ban Con Một. Tất thảy chỉ vì Chúa muốn thông phần hạnh phúc cho chúng ta mà thôi. Như thế bổn phận yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực là bổn phận liên hệ đến phần phúc loài người chúng ta.

Điều răn thứ hai là yêu thương tha nhân như chính mình. Chúa Kitô nói điều răn thứ hai “cũng giống” điều răn thứ nhất. Cái từ “giống” rất dễ bị hiểu lầm là tương đương, là ngang bằng. Tuy nhiên khi nói đến trạng thái “giống” là nói đến một sự phản ánh có điểm quy chiếu. Người ta nói cái hình, cái ảnh giống với người, với vật, với cảnh, chứ không nói ngược lại rằng người, vật, cảnh giống với hình, với ảnh. Tương tự như thế, người ta nói đứa con giống người cha chứ không bao giờ nói người cha giống đứa con. Như thế người cha là nguồn, là điểm quy chiếu của sự được gọi là “giống”.

Với hệ luận như trên thì điều răn thứ nhất là yêu mến Thiên Chúa chính là nguồn, là điểm quy chiếu cho giới răn thứ hai là yêu người. Chính nhờ yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết sức, hết trí khôn, vì Người là Cha toàn năng chí ái nên ta mới có thể yêu mến nhau như anh chị em. Trong tình yêu mến Thiên Chúa, nhờ lòng yêu mến Thiên Chúa và bởi việc yêu mến Thiên Chúa, chúng ta mớ có thể yêu thương tha nhân cho dù họ dễ thương hay đáng ghét, cho dù làm ơn, làm phước cho ta hay làm hại và thù ghét ta…( x. Mt 5,43-48 ).

Điều răn thứ nhất là nguồn, là nền tảng của điều răn thứ hai. Sư thường, trên nguồn đầy nước thì hạ lưu sẽ có nước chảy. Dòng sông không bị ngăn chặn, nếu hạ lưu không có nước chảy thì chắc chắc trên nguồn đang thiếu nước hay không có nước. Theo lôgich này thì ta hiểu được lời của Thánh Gioan Tông đồ: Khi ta không giữ giới răn thứ hai là yêu người thì chắc chắn ta không giữ giới răn thứ nhất là mến Chúa ( x.1Ga 4,20 ).

Có thể có nhiều người diễn giải rằng tuân giữ giới răn thứ nhất là mến Chúa thì dễ còn giữ giới răn thứ hai là yêu người thì rất khó. Một sự diễn giải như gần đời thường và có vẻ mang tình hiện sinh nhưng lại hơi lệch chuẩn. Sự lệch chuẩn ở đây là nơi cách hiểu về đạo mến Chúa, vì người ta những tưởng rằng tuân giữ một vài hành vi tế tự, một vài nghi lễ thờ phượng bên ngoài là giữ đạo mến Chúa. ( vd: đọc kinh, tham dự Thánh Lễ…)

Quả thật, trong thực tế, sống đạo yêu người không phải dễ dàng. Ta có thể không ngược đãi và áp bức khách ngoại kiều, mẹ goá, con côi. Ta có thể cho vay mượn mà không kiếm lãi. Ta có thể trả áo choàng người nghèo cầm cố trước khi đêm về để họ có cái mà đắp ấm. Ta cũng có thể gặt lúa, hái cà phê mà không mót phần rơi vải, nhằm để cho người nghèo mót lượm. Tuy nhiên, để yêu thương người không mấy dễ thương, yêu thương người hành khổ, thù ghét, làm hại chúng ta thì không dễ chút nào. Người ta độc chiếm quyền lực, nguời ta ra sức vơ vét của cải cách bất công, người ta không màng chi đến người nghèo, không nghĩ chi đến tương lai dân tộc, người ta lại còn gian xảo bôi nhọ các Đấng bậc trong Hội Thánh và qua đó phỉ báng đạo thánh Chúa…, thì làm sao ta có thể yêu thương họ như chính mình đây? Ngay cả những người cùng chung niềm tin, cùng một Hội Thánh mà vẫn không thiếu người thú nhận rằng đạo thì con giữ đạo nhưng con không thể làm hoà hay tha thứ cho mấy cái người làm hại con, làm hại gia đình con…Thử hỏi có bao nhiêu bà mẹ sẵn sàng nhận người giết con trai của mình làm con nuôi? Thử hỏi số vị thánh Tử đạo sẵn sàng cầu nguyện và chúc lành cho kẻ giết mình có đến con số một vài triệu? Vậy thì đại đa số người tín hữu Kitô có thực sự giữ giới răn thứ hai là yêu người chưa? Thật khó trả lời. Nhưng ta có thể khẳng định rằng nếu ta cố tâm giữ giới răn thứ nhất thì sẽ có khả năng thực thi giới răn thứ hai. Vấn đề là giữ giới răn thứ nhất như thế nào.

Thiên Chúa là Đấng không ai thấy bao giờ. Nhưng Người đã nên hữu hình nơi Đức Giêsu Kitô. Ai thấy Chúa Kitô là thấy Chúa Cha ( x. Ga 14,9 ). Và yêu mến Chúa Kitô là yêu mến Thiên Chúa. Yêu mến Chúa Kitô là hãy ở lại trong tình yêu của Người và hãy giữ giới răn của Người ( x. Ga 14 23-24 ).

Ở lại trong tình yêu của Chúa Kitô nghĩa là hãy để cho Chúa Kitô yêu thương ta. Ở lại trong tình yêu của Chúa Kitô là kết hiệp nên một với Người, là nên đồng hình đồng dạng với Người. Một trong những phương thế tuyệt hảo để ở lại trong tình yêu của Chúa Kitô đó là liên lĩ cầu nguyện. Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên để kết hiệp với Chúa, nên một với Chúa, để nhận biết Chúa mà yêu mến Chúa, để biết thánh ý Chúa mà thực thi ý Người. Nên một với Chúa Kitô, nên đồng hình đồng dạng với Người thì ta sẽ biết cách yêu thương nhau như Người đã yêu thương chúng ta ( x. Ga 15,12 ). Và đây là giới răn mới mà Chúa Kitô đã truyền lại cho chúng ta ngay đêm Tiệc Ly, trước khi Người chịu khổ nạn.

Vì biết cùng chung cha mẹ nên người ta nhận nhau là anh chị em., chứ không phải vì đã nhận nhau làm anh chị em nên mới biết mình cùng chung một mẹ cha. Tuy nhiên trong tình yêu, nhiều điều như nghịch lý vẫn hiện hữu. Dù không thể đòi hỏi và không có quyền đòi hỏi rằng khi anh chị em thương nhau là đã yêu cha mẹ, nhưng chính cha mẹ tự nhận lấy việc con cái yêu thương nhau là cách thế tốt đẹp mà chúng tỏ bày lòng hiếu thảo với mình. Cũng thế, là Tình Yêu, Thiên Chúa đã nhận việc loài người chúng ta yêu thương nhau là một phương thế yêu thương Người cách tốt đẹp. Chúa Kitô đã nói rõ chân lý này trong dụ ngôn ngày cánh chung ( x. Mt 25,31-46 ).

Mến Chúa và yêu người là trọng tâm sứ điệp Kitô giáo. Là Kitô hữu, chúng ta thuộc lòng chân lý này. Tuy nhiên để thực thi đạo mến Chúa - yêu người thì cần phải biết Chúa, một sự “biết” theo nghĩa Thánh Kinh đó là gắn bó nên một với Chúa. Ngoài các giờ kinh nguyện, ngoài các buổi tham dự Phụng vụ, thì việc giữ tỉnh lặng khoảng năm, mười phút hay lâu hơn trong một ngày sẽ giúp ta can đảm và nhiệt thành mến Chúa trên hết mọi sự và yêu thương tha nhân như chính mình cách hữu hiệu.

 

34.Lý do của tình yêu

"Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa ngươi, và yêu người thân cận như chính mình".

Tác giả Lovasik trong quyển "Dụ ngôn đời thường" của Rev. Frank Mihalie - SVD có kể câu chuyện về đại văn hào người Nga Tolstoy như sau:

Nạn đói lan tràn lãnh thổ. Một người ăn xin nơi góc phố tiến tới gần Tolstoy. Tolstoy dừng lại, sờ khắp mọi túi nhưng không tìm được đồng nào. Thật lòng thương cảm, ông nói: "xin đừng giận tôi, người anh em ạ, tôi không có đồng nào ở đây". Người ăn xin ngước mặt đáp: "ông gọi tôi là người anh em thì cũng là món quà lớn lắm rồi".

Vâng, yêu thương không nhất thiết phải được đánh giá bằng những tài sản vật chất lớn lao mà hơn thế đó là lòng thương cảm của chúng ta dành cho nhau. Nhưng đôi lúc bạn sẽ hỏi - sao phải yêu thương người khác trong khi họ không có quan hệ thân thuộc nào với mình? Hay tại sao phải yêu? Chẳng phải đó là một trong những thất tình sao? Giữa một xã hội kim tiền này mà còn yêu hết lòng thì dễ bị thua thiệt lắm. Nghĩ như vậy quả là thiển cận. Tôi sẽ cho bạn thấy có hai lý do để chúng ta phải yêu thương nhau như bài học của đoạn Kinh Thánh hôm nay.

Thứ nhất, vì chúng ta là con người. Tình yêu chỉ có duy nhất nơi con người. Ở các loài động vật tất cả hoạt động của chúng là do bản năng. Hơn nữa, hành động gọi là yêu thương của chúng chỉ xảy ra ở những thời điểm nào đó. Khi nhìn thấy cảnh tượng gà mẹ ủ con mình dưới cánh rất mẫu tử ấy, nhưng chỉ một thời gian ngắn. khi gà con đã đủ lông đủ cánh thì đường mẹ, mẹ đi, đường con, con đi. Các loài khác thì cũng không có gì lạ hơn. Còn ở con người, tình yêu bao hàm nhiều góc độ và ngữ cảnh. Tình yêu gia đình, dân tộc, quê hương, vợ chồng, anh em, bạn hữu..., bao trùm lên tất cả các quan hệ tình cảm trên là tình yêu của con người dành cho nhau. Yêu tới cùng, yêu mãnh liệt, yêu đến hy sinh bản thân cho đối tượng yêu thương của mình. Đó là một tình yêu thật phát xuất từ khối óc có lý trí, biết suy tư, chọn lựa, từ trái tim biết rung cảm. Khi con người không còn biết yêu thương thì không còn là con người nữa. Chẳng vậy mà khi có ai đó làm chuyện bất nhân người ta kết luận "nó mất hết tính người". Chỉ nơi con người tình yêu mới được thực hiện phong phú nhất, đẹp nhất và trọn vẹn nhất. Cho nên, không sống yêu thương tức là phủ nhận nhân tính của mình.

Thứ hai, chúng ta phải yêu thương nhau vì "tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa" (1 Ga 4,7). Thiên Chúa đã yêu thương ta trước và tự trở nên gương mẫu của tình yêu cho chúng ta. Ngài đã để máu và nước từ cạnh sườn mình đổ ra để nuôi dưỡng tình yêu nơi trái tim con người, cũng như gội rửa hận thù nơi lương tâm nhân thế. "Thật vậy, chính Đức Giêsu là bình an của chúng ta. Người đã hy sinh thân mình để phá vỡ bức tường ngăn cách là sự thù ghét (Eph 2,14). Mong ước và hy vọng duy nhất của Đức Giêsu không gì khác hơn là "các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương"(Ga15,12). Khi sống yêu thương tức là chúng ta thực hiện chúc thư và nguyện ước ấy, là đáp trả lời mời gọi yêu thương của Ngài, là hoạ lại hình ảnh của Thiên Chúa nơi trần gian, "với dấu này mà người ta sẽ nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là các con hãy yêu thương nhau"(Ga 13,35), là bày tỏ lòng tin tưởng vào Thiên Chúa - là đường, là sự thật, và là sự sống.

Tóm lại, yêu thương là một hoạt động tự nhiên mà Thiên Chúa đã ban tặng cho con người, và nơi tình yêu ấy ta còn thấy đó là một huyền nhiệm. Bởi không ai có thể sống mà không yêu. Do vậy, khi sống yêu thương chính là lúc ta bày tỏ rực rỡ nhất nhân tính và phẩm giá của một người con Chúa - Đấng yêu thương.

 

home Mục lục Lưu trữ