Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 52

Tổng truy cập: 1356435

HẠT GIỐNG ÂM THẦM

HẠT GIỐNG ÂM THẦM

 

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Một hôm, cha Petitjean đến giảng đạo tại Nagasaki cho một số đông người Nhật. Nghĩ rằng họ đều là người ngoại giáo, nên sau bài giảng cha tươi cười hỏi:

- Anh chị em có thắc mắc gì không?

Một người đưa tay đặt câu hỏi:

- Chúng tôi muốn được hỏi ông ba điều, yêu cầu ông trả lời có hay không? Câu hỏi thứ nhất, các ông có Đức Mẹ đồng trinh không?

- Có.

- Câu hỏi thứa hai: Các ông có vâng lời và hiệp thông với Đức Giáo Hoàng không?

- Có.

- Câu hỏi thứ ba: Là linh mục, các ông có giữ mình khiết tịnh và sống độc thân không?

- Có.

- Vậy thì mấy trăm người chúng tôi đây với ông là đồng đạo. Chúng tôi là người Công Giáo cả.

Cha Petijean bàng hoàng như từ cung trăng rơi xuống. Cha con âu yếm ôm cổ nhau. Nhà truyền giáo hỏi:

- Bây lâu nay, có ai giảng dạy cho anh em không?

- Thưa cha, không có ai suốt hai thế kỷ rồi! Đó là nhờ ông bà tổ tiên chúng con truyền lại, rồi chúng con âm thầm cầu nguyện, dạy giáo lý cho con em, đoàn kết đùm bọc nhau từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ông bà chúng con trước khi chết có nhắn nhủ: Sau này có ai đến giảng đạo, hãy cảnh giác, phải lấy ba tiêu chuẩn ấy mà nhận xem họ có phải là các cha đích thực, là người của Hội Thánh sai đến không.

Kể từ đó, Giáo Hội Nhật Bản được tái sinh sau 200 năm cấm đạo. Hạt giống Lời Chúa đã được gieo vào lòng đất Nhật Bản từ 200 năm trước vẫn âm thầm nẩy mầm, mọc lên và sinh hoa kết quả.

Sự kiện lịch sử này đưa chúng ta đến hai dụ ngôn về hạt giống trong Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu nói: “Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện người gieo giống trong đồng ruộng. Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nảy mầm và mọc lên bằng cách nào, thì người ấy không biết. Nước Thiên Chúa cũng giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại hạt nhỏ nhất trên thế giới. Nhưng gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng”.

Hai dụ ngôn đều cho thấy đây là Nước của Thiên Chuá, chứ không phải nước của con người, nên hạt giống Nước ấy lớn lên và sinh hoa kết quả là do sức tăng trưởng của nội tại của mình, do quyền năng của Thiên Chúa chứ không do tại sức của của con người. Và vì thế, chắc chắn kết quả chung cuộc sẽ lớn lao bất ngờ hơn so với hạt giống bé nhỏ ban đầu.

Có những loại phong lan ủ rễ trong lòng đất hàng chục năm trước khi nở ra những cành lá xanh và bông hoa xinh đẹp, quý hiếm. Bộ rễ của cây to thường phát triển chậm, nhưng có thể mọc xuyên qua vách đá hoặc xi măng, không có gì có thể ngăn cản nổi. Cũng vậy, Nước Thiên Chúa có thể tăng trưởng chậm, lâu dài và âm thầm. Loài người có thể không nhận ra sự tăng trưởng của Nước ấy, nhưng chắc chắn Nước Thiên Chúa vẫn luôn tăng trưởng không ngừng, âm thầm nhưng mãnh liệt, không có gì có thể ngăn chặn được. Nước của Thiên Chúa vẫn luôn phát triển cả bề trong lẫn bề ngoài, cả chất lượng lẫn số lượng. Nước Thiên Chúa hôm nay vẫn chỉ nhỏ bé, nhưng Thiên Chúa đang làm cho Nước ấy lớn lên, trở thành nơi nương náu cho muôn dân muôn nước.

Anh chị em thân mến,

Chúa Giêsu đến rao giảng sự tăng trưởng của Nước Thiên Chúa, thế mà hơn 2000 năm đã trôi qua, dường như Nước Thiên Chúa vẫn còn quá xa. Hội Thánh nỗ lực xây dựng Vương quốc của tình yêu, công lý và hoà bình. Nhưng biết đến bao giờ vương quốc ấy mới đến? Đôi khi xem ra lịch sử thay vì tiến lên thì lại thụt lùi tụt dốc. Tội lỗi vẫn còn đó, lòng hận thù, bất công vẫn còn đó. Hội Thánh là dấu chỉ của Nước Chúa trên trần gian, nhưng cho tới hôm nay, Hội Thánh vẫn chỉ là “đoàn chiên bé nhỏ” (Lc 2,32) giữa cộng đoàn nhân loại. Dân số thế giới vẫn gia tăng với những bước nhảy vọt, còn các Kitô hữu không tăng bao nhiêu, thậm chí ở một vài nơi lại sụp đổ từng mảng lớn và tỉ lệ lại càng chênh lệch lớn hơn.

Trong bối cảnh đó, đôi lúc chúng ta không khỏi ưu tư và nôn nóng. Càng nhiệt tình và thiện chí thì càng dễ thất vọng và mất kiên nhẫn. Phải chăng Thiên Chúa không còn can thiệp vào lịch sử này nữa? Phải chăng sự im lặng của Thiên Chúa chứng tỏ Ngài bất lực? Tin Mừng là một giải pháp vô ích và phải chăng Thiên Chúa đã chết?

Lời Chúa công bố hôm nay chính là Tin Mừng cho Hội Thánh lữ hành. Hội Thánh là bí tích của Nước Thiên Chúa, tức là dấu chỉ và là tôi tớ phục vụ cho Nước Chúa, nên Hội Thánh nghe được từ Lời Chúa hôm nay một sứ điệp quan trọng: tín thác và kiên nhẫn. Vì Nước Thiên Chúa là công trình của Thiên Chúa, nên Hội Thánh luôn tín thác vào sự tác động quyền năng của Thiên Chúa. Hội Thánh – tức là mọi Kitô hữu- không được tự hào về thánh tích của mình, không được quyền nghĩ rằng Nước Chúa sẽ đến là do khả năng của mình, do nỗ lực hay sáng kiến của mình.

Thánh Vinh Sơn – Phaolô nói: “Công việc của Chúa được thực hiện từ từ không hay biết”. Chúng ta không được sốt ruột, đừng ai tự cho mình là cần thiết: “Không có ta mặt trời sẽ không mọc, sau ta là lụt đại hồng thuỷ”. Cũng đừng quá vội vã, quay cuồng, lo lắng vì thấy hoạt động của mình như không đi đến đâu! Ngày cũng như đêm, hạt giống gieo vào lòng đất cứ âm thầm đâm chồi nẩy mộng. Cũng đừng thất vọng khi không thấy kết quả trước mắt. Lỗi lầm của người tông đồ là dựa trên tài sức của mình hơn là vào sức mạnh của Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa không thể xây dựng trong một ngày, nhưng trường kỳ từ ngày này sang ngày khác. Thái độ nôn nóng đôi khi là dấu hiệu của sự kiêu hãnh vì nghĩ rằng sự tiến bộ là do công lao của mình. Không biết kiên nhẫn đợi chờ có thể dẫn Hội Thánh đến những chọn lựa nghịch với Tin Mừng để tìm sức mạnh của quyền lực, giàu sang và chắc chắn không sớm thì muộn sẽ gặp phải thất bại.

Thưa anh chị em,

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta cộng tác trong niềm tin. Tin vào quyền năng của Thiên Chúa. Tin vào sự hướng dẫn của Chúa đối với với lịch sử, để tất cả vũ trụ đi tới sự viên mãn chung cuộc của mùa gặt phong phú cuối cùng. Niềm tin mời gọi chúng ta tiến bước, bền chí lên đường reo rắc hạt giống Lời Chúa, vì biết rằng: “Tôi trồng, Apôlô tưới, còn Thiên Chúa mới là người làm cho mọc lên” (1Cr 3,6). Tôi chỉ góp phần rất bé nhỏ, con Thiên Chúa mới làm cho hạt giống Nước Chúa lớn lên theo cách của Thiên Chúa. Có khi chính trong lúc ta tưởng ngờ- như Giáo Hội Nhật Bản đã phải trải qua 200 năm âm thầm và kiên nhẫn chờ đợi ngày tái sinh.

Trong Thánh lễ chúng ta được đón nhận Lời Chúa và Thánh Thể. Chúa Giêsu chính là hạt giống Nước Trời được gieo vào lòng ta. Hạt giống ấy hôm nay nhỏ bé nhưng sẽ âm thầm lớn lên trong chúng ta. Có Chúa sống trong ta, cuộc đời ta sẽ trổ sinh hoa trái, xanh tươi, hoa lá cành, đem lại bóng mát, niềm tin và hạnh phúc cho mọi người.

 

18.Hạt Giống Thiên Quốc

(Suy niệm của Alphonse Marie Trần Bình An)

Bạn tôi đến Trung Quốc làm ăn cũng đã hơn 10 năm, và do nhu cầu công việc, tình cờ anh đến thăm một làng nọ, chuyên trồng tre làm hàng xuất khẩu. Khi anh đến thăm làng, ông chủ làng dẫn anh đi thăm khu vực đang trồng tre. Để cung ứng tre, họ trồng đủ cả: tre mới trồng, tre 1 năm tuổi, tre 2 năm tuổi, tre 3 và 4 năm tuổi, rồi tre 5 năm tuổi. Vào lúc 5 tuổi, những cây tre đã xanh, bự, cao ngất. Thế nhưng điều kỳ lạ là nếu bạn quan sát những mảnh đất trồng tre của 4 năm trước đó, thì bạn sẽ thấy… không gì cả.

Khi đó, anh bạn của tôi tưởng rằng do mất mùa, hoặc do làng không đủ vốn nên hỏi lại ông chủ làng: “Mất mùa thế kia, thì làng ta có thể cung cấp nguyên liệu đủ cho tôi nếu chúng ta ký hợp đồng nhiều năm không?”

Ông chủ làng cười và nói: “Anh có điều chưa hiểu. Tôi chắc khi anh nhìn vào các mảnh đất không gì cả ở đằng này của chúng tôi, anh nghĩ rằng chúng tôi sẽ không đủ khả năng cung ứng tốt những cây tre 5 năm tuổi cao, xanh và khỏe giống như đằng kia, đúng không? Thực ra không phải vậy. Cây tre ở làng chúng tôi đã được trồng nhiều đời theo cùng một cách… Nó là một giống tre khá lạ, chúng tôi gọi nó là giống tre Lã Vọng.”

Năm đầu tiên, khi những người nông dân của chúng tôi đem những cây giống của loại tre này trồng xuống, họ rất chăm chỉ làm cỏ, tưới nước, xới đất, bón phân với một niềm tin rằng cây tre sẽ phát triển nhanh, và mang lại nguồn thu nhập nuôi sống gia đình họ. Thế nhưng vào cuối năm ấy cái họ nhìn thấy là… không gì cả. Nhưng đến năm thứ 5, những cây tre này đã tự vọt cao một cách kinh khủng không ai hình dung nổi, lên tới hơn 24 mét.

Thực ra, trong những năm đầu, mọi tăng trưởng đều được dồn xuống dưới gốc tre. Sau đó khi đã có đủ bộ rễ, tất cả sự tăng trưởng của cây tre liền trồi lên mặt đất và mọi người lúc ấy mới có thể nhìn thấy được.” (Phùng Lê Sơn Hải, Câu chuyện cây tre Lã Vọng)

Trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, Đức Giêsu ví Nước Trời như hạt giống gieo vào lòng đất âm thầm lớn lên thành cây lúa, hoặc như hạt cải nhỏ bé mà lớn thành cây cao bóng cả. Hình ảnh Nước Trời hoàn toàn trái ngược với các nước thế gian, thậm chí chẳng có lãnh thổ, chẳng có cơ cấu chính quyền và lẫn thần dân. Điều đó được Đức Giêsu công khai xác nhận với quan Tổng trấn Philatô:"Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do-thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này." (Ga 18, 36)

Tuy vô hình với thế gian, nhưng Nước Chúa vẫn hiện hữu, vẫn tồn tại trong lòng người thiện tâm, công dân Nước Trời với hiến chương Bát Phúc. Khi Nước Chúa được ví như hạt giống gieo xuống đất, chính là Lời Chúa gieo vào lòng mọi người. Nếu mảnh đất được chăm sóc, tưới nước, bón phân, diệt cỏ, thì hạt giống Lời Chúa mới có cơ hội phát triển, mặc dầu rất âm thầm, rất khiêm nhượng, nhưng sức sống hạt giống dồi dào, vô cùng mãnh liệt, mà chẳng ai có thể ngờ được, vì cây phát triển, lớn mạnh sau này.

Âm thầm & Phát triển

Giống tre Lã Vọng kể trên có lẽ phản ảnh phần nào hạt giống Nước Trời, vốn khiêm nhu, hiền lành, mộc mạc, sẽ âm thầm phát sinh sức sống mới trong tâm hồn những ai nghe và thực hành Lời Chúa. Họ đều được vinh hạnh sẽ trở nên huynh đệ, là người anh, chị, em của Đức Giêsu trong Thiên Quốc. “Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em, chị em tôi, là mẹ tôi.” (Mc 3, 35)

Với đất tốt, phì nhiêu, lòng chân thành, đạo đức, với sự chăm sóc, diệt trừ cỏ dại, ăn năn, sám hối, từ bỏ thói mê tật xấu, với sự đầu tư phân bón thích hợp, những việc lành phúc đức, bác ái, yêu thương, dấn thân phục vụ tha nhân, cùng hy sinh, chịu khổ cực, chịu chết đi tính xác thịt, thì hạt giống Nước Trời mới có cơ hội biến chuyển, nảy mộng, đâm chồi, bén rễ, tăng trưởng vượt bậc.

“Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết.” (Mc 4, 27) Làm sao ai thấu đáo nổi sức sống thần linh của Lời Chúa? Chính Thánh Phaolô cũng đã chứng thực, đó là quyền năng tuyệt hảo: “Tôi trồng, Apollô tưới, nhưng Thiên Chúa cho mọc lên.” (1Cr 3, 6)

Không cần xảo ngôn, không cần tuyên truyền, không cần phô trương, diễu võ dương oai, không phức tạp những kỹ năng tiếp thị, Nước Chúa luôn chân chất bình dị, không cầu kỳ, màu mè, hương sắc, chỉ đơn sơ, hiền lành như hạt giống lúa, chỉ nhỏ nhắn, khiêm hạ như hạt giống cải, chỉ nhu mì, giản dị như nắm men làm dậy cả đấu bột, nhưng lại vô cùng phát triển, vô cùng vững mạnh, nhất là lại vô cùng cao quý hiếm hoi, tựa như kho báu chôn giấu kỹ dưới ruộng, hay viên ngọc đẹp nhất vô giá, vô song. Bất cứ ai ngay lành, công chính, có lương tri, cũng đều thao thức, trăn trở làm sao sở hữu được báu vật trường cửu viên mãn đó.

Quảng đại và thử thách

Hạt Giống Thiên Quốc không chỉ hạn hẹp gieo vãi vào những mảnh đất phì nhiêu, bờ xôi ruộng mật, đệ nhất đẳng điền, nhưng còn quảng đại gieo vào khắp nơi, không phân biệt xấu tốt, như nắng mưa đổ xuống mọi người lành cũng như kẻ dữ. Có hạt rơi bên vệ đường, hạt rơi trên sỏi đá, hạt rơi vào bụi gai, hạt rơi vào đất tốt. (Mt 13, 3-9) Thiên Chúa luôn giàu lòng từ bi, yêu thương tất cả tạo vật, tất cả loài người, nên rộng lượng ban phát Lời Chúa cho tất cả mọi người. Nhưng chỉ có những ai thiện tâm, được hồng phúc, mới ươm trồng được Hạt Giống Thiên Quốc nảy chồi trong tâm hồn, mới hội nhập vào Nước Chúa, mới hoàn tất được hồ sơ xin chiếu khán vào Thiên Quốc.

Tuy nhiên, nhập cảnh vào Thiên Quốc không hề dễ dàng chút nào, lẽ đương nhiên còn phải chịu bao thử thách, bao gian khổ, bao công lao khó nhọc, thậm chí có khi phải hiến cả mạng sống, để xứng đáng làm công dân Thiên Quốc. Bởi vì Hiến Chương Nước Trời đã quy định tám điều luật cần thiết và ắt đủ để được cứu xét quyền lưu trú, quyền định cư vĩnh viễn vào Thiên Quốc.

Không thể như thế gian, cứ bon chen chạy chọt, cứ lải nhải xin xỏ, bẻm mép là được cứu xét, vì Đức Giêsu đã tuyên bố điều kiện gia nhập Nước Trời rất cụ thể và hữu lý: "Không phải tất cả những ai nói với Thầy: "Lạy Chúa, Lạy Chúa", là được vào Nước Trời, nhưng chỉ có người thực hiện ý Cha Thầy ở trên trời, kẻ ấy mới được vào Nước Trời. (Mt 7, 21)

Thực hiện Ý Thiên Chúa chính là làm những điều Đức Giêsu đã phán dạy, cũng như những điều Người đã vâng theo Thánh Ý Chúa Cha, mà chịu khổ nạn vả chịu chết. “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta. Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Phúc Âm, thì sẽ cứu được mạng sống mình. Vì chưng được lời lãi cả thế gian mà mất mạng sống mình, thì nào được ích gì?”(Mc 8, 34-36)

“Hạt lúa gieo xuống đất không chết, trong nó sẽ phát xuất sự sống phong phú mới mẻ hơn. Hạt lúa nấu thành cơm nuôi nhân loại cũng không chết, nó tươi nở trong một cuộc sống khác đẹp hơn, cao quý hơn.” (Đường Hy Vọng, số 688)

Lạy Chúa Giêsu, xin gieo vào lòng chúng con Hạt Giống Thiên Quốc, xin Chúa ban cho hạt giống nảy nở, đâm chồi, phát lộc vững mạnh, phát triển bền đỗ, tránh được hiểm họa sâu bệnh, lẫn phong ba, bão táp, lũ lụt, vẫn một lòng trung kiên, trung thành với Nước Trời.

Lạy Mẹ Maria từ bi nhân hậu, xin Mẹ cầu bầu chở che chúng con được ở trong Nước Chúa, dù có sa ngã, lỗi lầm, vấp phạm, vẫn được Mẹ thương yêu sửa dạy, ân cần dìu dắt, chỉ đường dẫn lối cho chúng con can đảm dấn bước về quê Trời. Amen.

 

19.Nước Cha Trị Đến

(Suy niệm của Alphonse Marie Trần Bình An)

Chúa Giêsu chính là Người Đi Gieo Hạt Giống Tin Mừng, khởi sự mở cửa Nước Trời cho nhân loại. Tiếp đến, các Tông Đồ, các mục tử và cả đoàn chiên cũng đã và đang tiếp nối sứ vụ Đi Gieo, mà Chúa Giêsu đã trao phó.

Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ, nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế. (Mt 28, 19-20)

1. Đi Gieo

Trước khi về trời, Chúa Giêsu ân cần trao cho các Tông Đồ sứ vụ Đi Gieo Hạt Giống, rao giảng Tin Mừng đến muôn dân, mở mang Nước Chúa. Nhờ ơn Đức Chúa Thánh Thần, các ngài đã can đảm và tích cực phát triển Nước Chúa ngoạn mục, ngay từ những giây phút đầu tiên.

Anh em hãy sám hối và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô, để được ơn tha tội; và anh em nhận được ân huệ là Thánh Thần…Và những ai đón nhận lời ông (Phêrô), đều chịu phép rửa. Và hôm đó đã có thêm khoảng ba ngàn người theo đạo. (Cv 2, 38-41)

2. Chim trời, đất sỏi và gai góc

Nhưng sứ vụ Đi Gieo không hề dễ dàng thuận lợi, mà trái lại, gặp vô vàn gian nan, thử thách, thậm chí chịu bức bách, tù tội và hành hình. Như chim chóc, ác điểu lạnh lùng kéo nhau đến tiêu diệt, như đất sỏi đá, môi trường khắc nghiệt, từ chối, chống đối, áp bức, như bụi gai, những thế lực đen gian ác uy hiếp, cấm đoán, bót nghẹt.

Trong khi gieo, có hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất. Có hạt rơi trên sỏi đá, chỗ không có nhiều đất, nó mọc ngay, vì đất không sâu; nhưng khi nắng lên, nó liền bị chết cháy. Có hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt và không sinh hoa kết quả. (Mc 4, 4-8)

Vào Tháng 8 năm 64, Hoàng đế Nero bắt đầu bách hại Kitô hữu. Cuộc bắt đạo diễn ra đến tận năm 313. Lúc ấy, Thánh Phêrô, viên đá tảng của Hội Thánh, là Đức Giám Mục Roma và là Đức Giáo Hoàng đầu tiên của Hội Thánh Công Giáo, được vinh dự làm chứng nhân Đức Tin, chịu tử vì đạo. Rồi Thánh Phaolô cũng chịu xử trảm.

Tại Việt Nam, vào thời Trịnh Nguyễn, Giáo Hội Công Giáo ước tính có đến hàng trăm ngàn người đã làm chứng nhân Chúa Kitô. Bây giờ cơn thử thách vẫn còn tiếp diễn, nhưng tinh vi, xảo quyệt hơn.

Khắp nơi lan tràn tinh thần thế tục, nếp sống hưởng thụ, chủ thuyết duy vật và các tà thuyết vô thần, đang hiệp đồng hăm hở đánh phá Nước Chúa, cùng ngăn chận những bước chân Đi Gieo.

3. Hạt Giống nhiệm mầu

Nhưng Hạt Giống vẫn âm thầm đâm chồi, nấy lộc, mọc lên. Tin Mừng vẫn tiếp tục được rao truyền. Nhờ Đức Chúa Thánh Thần vẫn âm thầm, che chở và tác động trên Dân Chúa, mọi nơi và mọi lúc, Nước Thiên Chúa vẫn phát triển mạnh mẽ không ngừng, mà chẳng ai có thể ngờ hay hiểu nổi.

Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nảy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết. (Mc 4, 27)

4. Bội thu

Mặc cho mưa sa, bão táp, mặc cho bạo quyền cấm đoán, bách hại, Nước Chúa vẫn lặng lẽ phát triển cho đến khi hoàn thành mỹ mãn.

Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nó mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả: Hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi, hạt thì được một trăm. (Mc 4, 9)

Đất tự động sinh ra hoa màu: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt. (Mc 4, 28)

Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại nhỏ nhất trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên, lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá sum suê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng. (Mc 4, 30-32)

Trong số 118 vị tử đạo ở Việt Nam, đã có 117 vị đã được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong thánh vào ngày 19, tháng 6, năm 1988. Và Thầy Giảng Anrê Phú Yên được phong Chân Phước ngày 5 tháng 3, năm 2000. Những Hạt Giống ấu chiu6 mục nát đi, để cho Giáo Hội Công Giáo Việt Nam hôm nay xum xuê, tươi tốt, nhiều hoa thơm, trái ngọt. Dù bị cấm đoán, bách hại ngay từ thuở sơ khai, nhưng đến nay Nước Chúa vẫn mãi trường tồn và phát triền vững bền.

Lạy Chúa, xin gìn giữ, bảo vệ và an ủi, ban muôn hồng ân cho Dân Chúa trước những khó khăn, cấm đoán, bách hại, để Danh Cha luôn cả sáng, Nước Cha trị đến muôn đời.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã từng trải qua bao cơn bĩ cực, qua cơn bách hại của Hêrôđê ngày xưa, xin giúp con vượt qua hiểm nguy và cám dỗ, để vẫn mãi là con chiên trung thành của Nước Trời. Amen.

home Mục lục Lưu trữ