Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 45
Tổng truy cập: 1363370
HÃY ĐỂ VIỆC LÀM MINH CHỨNG VỀ TA
HÃY ĐỂ VIỆC LÀM MINH CHỨNG VỀ TA
(Suy niệm của Lm. Ignatio Trần Ngà)
Chỉ có nếp sống yêu thương, phục vụ, hy sinh của các Kitô hữu mới chứng tỏ cho mọi người thấy họ thực sự là môn đệ của Chúa Giêsu.
Qua lời rao giảng của mình, ông Gioan đã từng loan báo về Đấng Cứu Thế sẽ đến như là vị thẩm phán uy nghi đáng sợ; Ngài đến để xét xử và trừng trị nghiêm khắc những lỗi phạm của con người. Ông gióng lên những lời răn đe nẩy lửa: “Chiếc rìu đã kề sẵn gốc cây, cây nào không sinh trái sẽ bị chặt đi và quăng vào lửa… Ngài cầm nia trong tay mà sẩy sân lúa của Ngài, lúa tốt thì cho vào kho, còn lúa lép thì đốt đi trong lửa không hề tắt” (Mt 3, 10.12).
Vậy mà từ bấy lâu nay, Gioan chưa từng thấy Chúa Giêsu trừng phạt bất cứ tội nhân nào; chưa thấy Ngài kê “rìu” để đốn hạ những “cây không sinh trái”; chưa từng thấy Ngài loại trừ phường gian ác như những thứ “lúa lép” và “thiêu đốt họ trong lửa không hề tắt”…
Ngoài ra, theo như mong đợi của dân Do-thái, khi Đấng Cứu Thế đến, Ngài sẽ tiêu diệt quân thù, giải thoát những ai bị giam cầm tù tội… Vậy mà Chúa Giêsu đâu có đánh đuổi quân xâm lược Rô-ma, chưa thấy Ngài giải thoát kẻ bị xiềng xích tù đày…
Thế là trong tâm tư của ông Gioan phát sinh một nghi vấn. Vì vậy, ông phái các môn đệ đến gặp và hỏi thẳng Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?”
Trước câu hỏi của Gioan, Chúa Giêsu không dùng lời nói nhưng dùng chính việc làm để minh chứng về mình, như có lần Ngài đã nói: “Công việc tôi làm nhân danh Cha tôi làm chứng về tôi (Gioan 5, 36).
Vì thế, Chúa Giêsu chỉ cho các môn đệ của Gioan thấy những việc Ngài đang làm và bảo họ: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng…”
Từ ngàn xưa, Ngôn Sứ I-sa-i-a đã tiên báo rằng khi Đấng Thiên Sai đến, Ngài sẽ cho “người mù được thấy, người điếc được nghe, người què sẽ nhảy như nai…” (Is 35, 10…).
Gioan là người am hiểu lời các lời ngôn sứ tiên báo về Đấng Thiên Sai và thấy rằng Chúa Giêsu đã thực hiện đúng như lời ngôn sứ I-sa-i-a đã tiên báo như trích dẫn trên đây, tất nhiên Gioan biết rằng Đức Giêsu chính là Đấng Thiên Sai mà ngôn sứ I-sa-i-a đã loan báo.
Như vậy, chính việc làm của Chúa Giêsu minh chứng cho biết Ngài là Đấng cứu thế.
Hôm nay, người đời cũng thường chất vấn chúng ta như xưa kia, môn đệ của Gioan đã từng chất vấn Chúa Giêsu. Họ hỏi chúng ta: “Bạn có phải là môn đệ của Chúa Giêsu không?”
Trước câu hỏi nầy, chúng ta không thể đáp gọn: “Phải, tôi chính là môn đệ của Thầy Giêsu”, vì một câu trả lời suông mà chẳng dựa trên cơ sở nào cả thì chẳng thuyết phục được ai.
Người khôn ngoan và thận trọng không dễ tin vào lời tự khẳng định của người khác nhưng căn cứ vào việc làm. Chính việc làm của từng người sẽ chứng tỏ cho người khác biết bản chất của người đó.
Thế thì, trước câu hỏi: “Bạn có phải là môn đệ của Chúa Giêsu không”, chúng ta cần dựa vào câu đáp của Chúa Giêsu trước thắc mắc của các môn đệ Gioan, (Ngài nói: “Hãy về thuật lại cho ông Gioan những gì tôi đã làm…”) để đáp lại như sau: “Các bạn hãy xem công việc tôi làm… Các bạn cứ nhìn vào lối sống của tôi thì biết…
Đúng vậy, chỉ có nếp sống yêu thương, phục vụ, hy sinh của các Kitô hữu mới chứng tỏ cho mọi người thấy họ thực sự là môn đệ của Chúa Giêsu, như Lời Ngài dạy: “Người ta cứ dấu nầy mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con yêu thương nhau” (Gioan 13, 35).
Lạy Chúa Giêsu,
Xin cho chúng con biết sống thế nào để cho việc làm của chúng con không tố cáo chúng con là người môn đệ giả, nhưng luôn minh chứng cách thuyết phục rằng chúng con đích thực là môn đệ chân chính của Chúa. Amen.
(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)
Bước vào Chúa nhật thứ I Mùa Vọng, Lời Chúa mời gọi chúng ta: «Hãy tỉnh thức» (Mt 24, 44). Sang Chúa nhật thứ II, tiếng hô lớn của Gioan Tẩy Giả vọng vang: “Hãy ăn năn thống hối, vì nước trời gần đến”. Chúa nhật thứ III hôm nay, Phụng vụ Giáo hội đang màu tím chuyển sang hồng như Chúa nhật IV Mùa Chay, đánh dấu một giai đoạn sám hối, nay nghỉ một chút để nhìn lại chặng được đã qua với niềm vui vì những gì đã đạt được, lấy thêm đà mới chuẩn bị mừng (Chúa Giáng Sinh), Giáo hội mời gọi con cái mình «Gaudete» Hãy vui lên.
Vui lên, vì theo tiên tri Ôsê loan báo: “Với Ít-ra-en Đức Giêsu sẽ như làn sương mai làm nó vươn lên như bông huệ” (Os 14, 6). Chúng ta tỉnh thức, làm việc lành chứng tỏ lòng thống hối nhưng không buồn rầu, trái lại vui tươi “anh em hãy vui luôn trong Chúa…vì Chúa đã gần đến” (Ph 4,4-5). Với những lời trên của Thánh Phaolô Tông Đồ làm tâm hồn chúng ta rạo rực hẳn lên. Niềm vui này nảy sinh từ cuộc gặp gỡ với con người sinh động là Chúa Giêsu.
“Gaudete” là chủ đề của Chúa nhật này; ” Anh em hãy vui luôn trong Chúa! Tôi nhắc lại một lần nữa: anh em hãy vui lên!” (Ph 4,4-5). Lời nguyện nhập lễ hôm nay đưa chúng ta vào chính niềm vui thiêng thánh ấy: “Lạy Chúa, xin đoái xem, này dân Chúa đem tất cả niềm tin đợi chờ ngày lễ Sinh Nhật Đấng Cứu Thế. Xin hướng niềm vui chúng con về chính nguồn hoan lạc của mầu nhiệm Giáng Sinh cao cả để tâm hồn chúng con hoàn toàn đổi mới mà họp mừng ngày cứu độ đã gần kề”.
Chúng ta bước vào mầu nhiệm của niềm vui ơn cứu độ: “Các tầng trời, hãy trổ hoa công chính, và ngàn mây hãy mưa ơn cứu độ! Hỡi ngươi là kẻ đưa tin mừng cho Sion, hãy trèo lên núi cao! Hỡi ngươi là kẻ đưa tin mừng cho Giêrusalem, hãy mạnh dạn cất tiếng! Hãy cất tiếng cao đừng sợ, hãy nói cho các dân thành thuộc chi họ Giuđa rằng: Đây Thiên Chúa các ngươi, đây Chúa là Thiên Chúa các ngươi sẽ đến trong quyền lực” (Is 40, 9).
Làm sao không thể không vui khi nghe những lời loan báo đầy niềm vui của Isaia: “Hãy nói với những kẻ nhát gan: “Can đảm lên, đừng sợ! Thiên Chúa của anh em đây rồi; sắp tới ngày báo phục, ngày Thiên Chúa thưởng công, phạt tội. Chính Người sẽ đến cứu anh em.” (Is 35, 4) Và làm sao không thể không mừng khi “nơi hoang địa cằn cỗi sẽ vui mừng, cõi tịch liêu sẽ hân hoan và nở bông dường như khóm huệ, sẽ nẩy chồi non và hoan hỉ vui mừng” (Is 35, 1). Lại nữa: “Bấy giờ mắt người mù sẽ nhìn thấy, và tai những người điếc sẽ được nghe. Bấy giờ người què sẽ nhảy nhót như nai, những người được Chúa cứu chuộc, sẽ trở về, và đến Sion với lời khen ngợi; và trên đầu họ mang hoan hỉ triền miên, họ sẽ được vui mừng khoái trá, họ sẽ không còn đau buồn; rên siết sẽ trốn xa” (Is 35, 6).
Đọc Trang Tin Mừng, chúng ta bắt gặp một nhân vật có vai trò đặc biệt trong việc chuẩn bị đón Chúa Giêsu giáng sinh đến với nhân loại là Gioan Tẩy Giả. Ngài xuất hiện trong tư cách là vị tiên tri cuối cùng của Cựu Ước, là hy vọng cuối cùng của một dân tuyệt vọng. Ngài được các tiên tri báo trước: “Này Ta sai sứ thần Ta đi trước mặt con, người sẽ dọn đường cho con đi” (Mt 11, 10). Chúng ta đang vui sẵn, sự xuất hiện của ngài làm cho chúng ta vui thêm, vì lời hứa đã trở thành hiện thực. Việc ngài sai các môn đệ đến hỏi Đức Giêsu có phải là Đấng phải đến không cho chúng ta câu trả lời đầy niềm vui vì Chúa đã đến thật rồi.
“Gaudete” Hãy vui lên, chúng ta lặp lại lời thánh Phaolô lần nữa: “Anh em hãy vui lên!” (Ph 4,4). Niềm vui chân thực không phải là kết quả sự vui chơi giải trí, nhưng gắn liền với một cái gì sâu xa hơn, đó là quan hệ với Thiên Chúa. Ai đã gặp được Chúa Kitô trong cuộc đời, người ấy sẽ cảm nghiệm sự thanh thản và niềm vui trong tâm hồn mà không một ai hoặc hoàn cảnh nào có thể tước mất. Thánh Augustinô đã hiểu điều đó rất rõ. Trong cuộc tìm kiếm của ngài đối với chân lý, an bình và mừng vui, sau khi đã kiếm tìm trong nhiều sự mà không có kết quả, thánh nhân đã kết luận với câu thời danh rằng: “Tâm hồn bất an của con người chỉ tìm được thanh thản và an bình cho đến khi được an nghỉ trong Chúa” ( Le Confessioni, I,1,1). Niềm vui đích thực không phải chỉ là một tâm trạng chóng qua, cũng chẳng phải là điều ta đạt tới bằng sức riêng của mình, nhưng là một hồng ân, nảy sinh từ sự kiện ta dành chỗ cho Chúa trong chúng ta, Trong mùa vọng này, chúng ta hãy củng cố xác tín Chúa đã đến giữa chúng ta và tiếp tục đổi mới sự hiện diện an ủi, yêu thương và vui mừng của Ngài. Chúng ta hãy tín thác nơi Chúa; như thánh Augustinô cũng đã quả quyết, do kinh nghiệm của ngài: “Chúa gần chúng ta hơn chúng ta gần chính mình” (Le Confessioni, III, 6,11).
Chúng ta hãy phó thác hành trình của chúng ta cho Đức Maria, thần trí của Mẹ đã vui mừng trong Chúa là Đấng Cứu Thế. Xin Mẹ hướng dẫn tâm hồn chúng ta trong sự vui mừng chờ đợi Chúa Giêsu đến, một sự chờ đợi đầy kinh nguyện và việc lành. Amen.
13. Vững tâm – Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Vào một ngày đẹp trời, có một ông cụ ngồi trên ghế xích đu vẻ đăm chiêu, lòng mong đợi Chúa đến. Tình cờ một bé gái tung banh rơi vào sân nhà ông. Cô bé chạy lại nhặt trái banh và mở lời làm quen: “Thưa ông, ngày nào ông cũng ngồi trên ghế này, ông đang chờ đợi ai vậy?” Ông nói: “Cháu còn quá nhỏ làm sao hiểu được điều ông mong đợi.” “Ông à, mẹ cháu nói rằng nếu có điều gì trong lòng, thì hãy nói ra mới hiểu rõ hơn.” Nghe cô bé nói thế, ông liền thổ lộ tâm tình: “Ông đang chờ đợi Chúa đến.” Cô bé kinh ngạc, ông già giải thích: “Trước khi nhắm mắt, ông muốn tin chắc rằng có một Thiên Chúa hiện hữu. Ông cần một dấu hiệu, cháu à.” Bấy giờ cô bé lên tiếng: “Ông chờ một dấu hiệu hả? Thưa ông, Chúa đã cho ông dấu hiệu rồi: Mỗi khi ông hít thở không khí, nghe tiếng chim hót, nhìn hạt mưa rơi… Chúa cho ông dấu hiệu trong nụ cười trẻ thơ và trong nước mắt người đau khổ. Ông ơi, Chúa ở trong ông. Chúa ở trong cháu. Chúa luôn hiện diện nơi đây.”
Thiên Chúa vô hình hiện diện mọi nơi và trong mọi lúc. Thiên Chúa luôn đồng hành với dân Ngài đã chọn để chuẩn bị đón nhận ơn cứu độ. Mầu nhiệm về Thiên Chúa Ngôi Hai được hé mở từng bước. Trải qua lịch sử cứu độ, dân chúng luôn khao khát mong chờ một chung cục được tự do giải thoát. Qua từng giai đọan, Thiên Chúa đã sai các tiên tri đến kêu gọi lòng trung tín, sự phấn chấn và khuyến khích hướng dẫn dân chúng. Tiên tri Isaia đã khơi dậy niềm hy vọng: “Nơi hoang địa cằn cỗi sẽ vui mừng, cõi tịch liêu sẽ hân hoan.” (Is 35,1). Hình ảnh cảnh hoang địa trơ trọi, khô cằn và cạn nguồn mong đợi suối nguồn sự sống. Isaia khơi lên tia hy vọng của sự vui mừng và hân hoan. Dân Chúa phải trải nghiệm nhiều thăng trầm khổ ải qua các thế hệ để mong chờ Đấng Cứu Thế đến. Isaia loan báo: “Hãy can đảm lên, đừng sợ hãi! Kìa Thiên Chúa các ngươi sẽ đem lại điều báo ứng; chính Thiên Chúa sẽ đến và cứu độ các ngươi.” (Is 35,4).
Trong bất cứ một dự kiến nào muốn đạt kết quả tốt, chúng ta đều phải kiên nhẫn đợi chờ mọi sự diễn tiến. Vấn đề niềm tin sống đạo cũng thế, chúng ta không thể cắt bớt thời gian. Sự gì đến ắt sẽ đến. Thánh Giacôbê nhắc nhở các tín hữu: “Anh em hãy kiên nhẫn chờ ngày Chúa đến. Kìa xem người nông phu trông đợi hoa màu quý báu của đồng ruộng, kiên nhẫn đợi chờ mưa xuân và mưa thu.” (Gc 5,7). Hình ảnh của bác nông phu nơi ruộng rãy cày bừa và trồng trọt là hình ảnh rất đẹp và chính xác. Chính xác cả về phẩm lẫn lượng, cả về thời gian và không gian. Kiên nhẫn đợi chờ là một đức tính tốt trong đời sống đạo. Mọi sinh họat của đời sống Giáo Hội trên trần thế cần phải được thử thách, tôi luyện để phát triển và trưởng thành. Thời gian là của Chúa. Mầu nhiệm ơn cứu độ được lồng vào đời sống của con người theo sự phát triển tự nhiên của xã hội loài người. Chúng ta không thể đi những bước nhảy vọt trong cuộc sống đạo nhưng phải kiên trì phấn đấu từng bước.
Sự kiên tâm sống đạo đòi hỏi mỗi tín hữu phải cố gắng không ngừng. Mời gọi tu tâm luyện tính và tập tành các nhân đức trong đời sống hằng ngày. Đời sống đạo, nếu chúng ta không gieo, lấy gì mà gặt. Trong Giáo Hội có biết bao nhiêu dòng tu, tu hội và hội đoàn, các tu sĩ nam nữ miệt mài thanh luyện đời sống trong cầu nguyện và tu thân để nên trọn lành. Là người tín hữu cũng thế, chúng ta cần trải nghiệm những thử thách, phấn đấu, kiên trì sống đạo và hành đạo. Không hy sinh khổ luyện, làm sao có thể vững bước trên đường nhân đức. Chúng ta đừng nhẹ dạ để rơi vào những hình thức kéo lôi phù phiếm và cảm xúc nhất thời. Muốn được lãnh nhận ân sủng của Chúa, chúng ta cần chuẩn bị tâm hồn thanh sạch, sống đời ngay thẳng và thực hành tin yêu. Nếu chúng ta chỉ cậy dựa vào những nghi thức bề ngoài thì không thể sinh hiệu quả biến đổi nội tâm. Trong hiện tại có nhiều khuynh hướng hành đạo giống như kiểu ‘mì ăn liền’. Họ nghĩ rằng cứ thực hành đủ các thủ tục nghi thức là đương nhiên sẽ nhận ân sủng nhãn tiền. Sự kiên trì tin đạo, sống đạo và hành đạo trưởng thành đòi hỏi niềm tin và cam kết nhiệt thành. Chúng ta cần vun xới và củng cố lòng tin qua mọi biến cố cuộc đời.
Ông Gioan Tẩy Giả đang bị giam giữ cũng nóng lòng muốn biết Chúa Giêsu có chính thật là Đấng Cứu Thế hay không. Ông sai môn đệ đến thưa Chúa Giêsu: “Thầy có phải là Đấng phải đến chăng, hay chúng tôi còn phải đợi Đấng nào khác?” (Mt 11,2). Ông Gioan muốn các môn đệ của mình nhận biết Chúa Giêsu. Câu trả lời của Chúa không chỉ cho riêng ông Gioan, nhưng cho các môn đệ của ông. Các ông đã an tâm nhận diện ra sứ mệnh và vai trò của Chúa Giêsu trong công cuộc cứu độ qua các dấu chỉ: Chúa Giêsu bảo họ: “Hãy về thuật lại cho Gioan những gì các ông nghe và thấy: người mù được thấy, người què đi được, người phong hủi được khỏi, người điếc được nghe, người chết sống lại, và tin mừng được loan báo cho kẻ nghèo khó.” (Mt 11,4-5). Chúa Giêsu đã hoàn tất mọi lời mà các tiên tri đã loan báo về Ngài.
Các dấu hiệu từ trời cao với quyền năng của Chúa đã đem lại hiệu qủa thực sự biến đổi môi trường và chữa lành toàn diện con người. Suốt dọc lịch sử nhân loại, từ tạo thiên lập địa, ngoài Chúa Giêsu Kitô, không có vị nào có thể trực tiếp thực hiện các phép lạ từ chính sức mạnh nội tâm của mình. Biết rằng đôi khi Thiên Chúa cũng trao ban các đặc sủng cho một số vị tổ phụ và các thánh như Thánh Gioan Vianney, Piô Năm Dấu quê ở Pietrelcina, Antôn Pađua, Vinh Sơn Ferrier…, các ngài có thể thực hiện một số việc lạ lùng trong giới hạn. Các thánh sống là những người có đời sống kết hợp sâu xa, chuyên tâm ăn chay, cầu nguyện và chìm đắm trong ân sủng của Chúa. Những trường hợp có sự lạ ngoại thường này cũng rất hiếm xảy ra trong đời sống Giáo Hội. Các phép lạ của Chúa Giêsu là dấu chỉ của Tin Mừng cứu độ. Tuy nhiên, qua mọi thời, đều có những người tự thần thánh hoá chính mình để chiêu hồn người khác. Họ cũng không khác gì các tiên tri giả và những nhà làm ảo thuật đại tài dùng kỹ xảo để dễ dàng qua mắt mọi người. Chúng ta phải luôn cảnh giác và tỉnh thức học hỏi kỹ lưỡng những hình thức mị dân này. Họ không phải là Chúa có uy quyền biến đổi chữa lành thân xác và linh hồn, mà chỉ có thể tạo gây cảm giác thân, sinh, lý và xúc động tâm linh nhất thời chóng qua.
Chúa Giêsu xác nhận Gioan Tẩy Giả là vị tiền hô dọn đường: “Phải, Ta bảo các ngươi, và còn hơn một tiên tri nữa. Vì có lời chép về ông rằng: ‘Này Ta sai sứ thần Ta đi trước mặt con, để dọn đường sẵn cho con.’” (Mt 11,10). Gioan được vinh dự giới thiệu Chúa Giêsu cho dân chúng: Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian. Biết bao người đã nghe Chúa giảng, gặp gỡ và nhận lãnh các dấu lạ nhưng có mấy người nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế. Trong đám đông theo Chúa, có người chỉ tò mò nhìn xem cho biết, có người chỉ muốn được nhận lãnh ân huệ và có người ùa theo đám đông vì hiếu kỳ. Đâu có mấy người thực sự muốn đi theo Chúa để thực sự đổi đời và canh tân cuộc sống. Xưa cũng như nay, tâm trạng của chúng ta cũng chẳng khác gì dân Dothái xưa. Chúng ta nghe, đọc, viết và suy gẫm thật nhiều lời của Chúa, các giáo huấn của Giáo Hội và chứng kiến biết bao sự lạ lùng trong cuộc sống nhưng mấy ai tin theo Chúa cho trọn.
Lạy Chúa, đời sống đạo của chúng con hầu như vẫn cứ dậm chân tại chỗ. Tinh thần thì nguội lạnh và mệt mỏi, còn thân xác nặng nề và yếu đuối kéo lôi chúng con lùi bước. Chúng con chỉ tìm kiếm sự hơn thua ở đời trọc này mà quên đi sứ mệnh cao cả là mong tìm ơn cứu độ. Thánh Giacôbê nhắc nhở: “Anh em đừng kêu trách lẫn nhau, để khỏi phải bị kết án. Này đây quan toà đã đứng trước cửa.” (Gc 5,9).
14. Bạn đang vui hay đang buồn?
(Trích “Tin Vui Xuân Lộc”)
Thưa quý OBACE
Cuộc sống xã hội ngày hôm nay đang quá ồn ào náo nhiệt, mọi hình thức vui chơi được bày ra để lôi kéo các tầng lớp trong xã hội, từ những trò chơi game show dành cho mọi lứa tuổi, đến các hình thức tụ điểm vui chơi thu hút giới trẻ, các khu du lịch, các câu lạc bộ… tất cả đểu muốn đem lại niềm vui cho con người. Nhưng điều đó lại chứng tỏ rằng cuộc sống ngày nay có quá đầy đủ vật chất, nhưng dường như con người vẫn cảm thấy buồn sầu, lo âu. Vì cuộc sống quá buồn tẻ trống rỗng nên dẫn đến tình trạng đánh bài cho vui, uống rượu cho vui và nhiều cách chơi bời tìm vui khác, thế nhưng sau những cuộc vui ấy, người ta lại càng cảm thấy mình trống rỗng và buồn chán hơn.
Hôm nay bước vào tuần lễ thứ ba Mùa Vọng Lời Chúa mời gọi mọi người: Hãy vui lên anh em, tôi nhắc lại một lần nữa anh em em hãy vui lên. Lời mời gọi này có dư thừa hay không?
Những niềm vui mà ngày nay xã hội đang tạo ra, nó chỉ là những thứ niềm vui ồn ào ở bên ngoài, đôi khi có một chút ảnh hưởng đến cảm giác và cảm xúc của con người, những niềm vui này sẽ mau chóng tan biến khi cuộc vui đã tàn. Còn niềm vui của của Chúa đem đến là niềm vui sâu xa phát xuất từ bên trong tâm hồn được lan tỏa ra bên ngoài và có ảnh hưởng trên hành động của con người. Với niềm vui phát xuất từ trong tâm hổn, nó sẽ làm cho con người được hạnh phúc và bình an, cho dù bên ngoài có đang gặp nghịch cảnh.
Tiên tri Isai giới thiệu cho chúng ta một niềm vui, đó là niềm vui được giải thóat, được cứu độ. Bằng rất nhiều hình ảnh, tiên tri Isai đã gợi lên cho chúng ta thấy, ngày Thiên Chúa đến, Ngài sẽ giải thoát và biến đổi chúng ta khỏi sư khô cằn chết chóc, như hoang địa đón được mưa trời, như cây cối vũ trụ mong chờ mùa xuân sau một mùa đông băng giá và nhanh chóng sẽ trổ sinh hoa lá mới và đem lại hương sắc và hồi sinh cho trái đất, thì ngày Thiên Chúa đến, Ngài cũng sẽ biến những tâm hồn khô cằn thành mảnh đất màu mỡ, biến cuộc đời héo tàn trổ sinh hoa lá mới.
Tiên tri còn cho thấy niềm vui sâu xa mà Thiên Chúa mang đến, đó chính là niềm vui vì có sự hiện diện của Chúa trong mỗi tâm hồn, có Ngài, Ngài sẽ ban sức mạnh để chúng ta không còn sợ hãi, Ngài sẽ giải cứu con người khỏi sự ràng buộc của đau khổ bệnh tật và chết chóc, là những thứ vốn gây lo âu buồn sầu cho con người. Thiên Chúa cũng sẽ tái lập lại sự công bình cho xứ sở, Ngài sẽ mở mắt cho người mù, mở tai cho người điếc, chân người què sẽ được chữa lành, và mọi người sẽ sung sướng hò reo, đó là niềm vì Thiên Chúa sẽ đổi mới mọi sự.
Bài Tin Mừng chỉ cho chúng ta một khía cạnh khác của niềm vui sâu xa trong tâm hồn đó là chúng sẽ cảm nhận niềm vui vì đã sống đúng với ơn gọi và hoàn tất sứ mạng của mình. Câu chuyện xảy ra là khi Gioan đang bị cầm tù, ông nghe nói về Đức Giêsu, ông sai các môn đệ đến hỏi Chúa: Thày có phải là Đấng phải đến hay chúng tôi phải đợi ai khác? Có lẽ không phải Gioan nghi ngờ về vai trò Chiên Thiên Chúa của Đức Giêsu, nhưng vì có lẽ vì ông sốt ruột muốn sớm nhìn thấy ngày Đức Giêsu tỏ vinh quang là một vị Thiên Chúa, và hơn nữa, ông cũng muốn cho các môn đệ của ông được gặp gỡ tiếp xúc với chính Đức Giêsu, để nhờ cuộc gặp gỡ này họ sẽ có kinh nghiệm và niềm vui gặp gỡ với Thiên Chúa. Đức Giêsu đã nói với các môn đệ của Gioan: Các anh hãy về và nói với Gioan những gì đã xem thấy: người què được đi người mù được sáng. Khi nói như thế, thì chắc chắn Gioan sẽ hiểu được lời tiên tri Isai nói về thời đại của Đấng Mêsia nay đã đến. Như thế, dù thân xác có bị cầm tù thì Gioan vẫn vui vì sứ mạng dọn đường của ông đã hoàn tất.
Nói về Gioan Tẩy giả, Chúa Giêsu đã ca ngợi ông và còn cho thấy nơi Gioan như một con người có một tâm hồn thật đẹp, một tâm hồn thanh thoát không bị dính bén lệ thuộc vào của cải vật chất và danh vọng. Gioan đã chọn một cuộc sống nhiệm nhặt nghèo khó, thay vì tìm kiếm sự xa hoa thì ông lai lui vào sống nơi hoang địa, Vì thế Gioan vui với nhiệm vụ của mình, với sứ mạng của mình. Ông vui vì ông biết điểm dừng của mình, cho dù có lúc dân chúng tuốn đến với ông rất đông, có lúc người ta đã coi ông như là đấng Mêsia, thế nhưng Gioan không ảo tưởng về mình, nên ông chấp nhận rút lui để nhường chỗ cho Ngài phải lớn lên còn tôi thì nhỏ lại. Gioan đã biết lui vào hậu trường và vui vì mình đã cống hiến, đã hoàn thành nhiệm vụ thay vì tìm kiếm danh vọng quyền lực; kể cả những môn đệ cuối cùng của mình Gioan cũng không muốn giữ lại để họ phục vụ ông, mà hôm nay ông đã giới thiệu họ đến gặp Đức Giêsu, và để họ có những kinh nghiệm về Đức Giêsu và nên môn đệ Đức Giêsu.
Thưa quý OBACE, như thế, giữa một cuộc sống buồn chán tẻ nhạt hôm nay, Lời Chúa mời gọi chúng ta vui, không chỉ vì những vẻ từng bửng bên ngoài, cũng không chỉ là những cảm xúc vì bầu khí lễ Giáng sinh đang tới, mà Giáo Hội muốn chúng ta vui với niềm vui phát xuất từ trong tâm hồn, niềm vui vì nhận ra sự hiện diện và đồng hành của Chúa, niềm vui vì chúng ta là những người được Chúa cứu độ, và vui vì chúng ta chu toàn nhiệm vụ Chúa trao. Đó mới là niềm vui đích thật và chỉ có niềm vui đích thật này mới làm cho cuộc sống chúng ta tươi vui, hạnh phúc.
Trong bầu khí của năm Gia đình sống và Loan báo tin Mừng, trước hết các bậc làm cha mẹ được mời gọi hãy sống vui trong bổn phận là vợ chồng, là cha mẹ của mình. Nhiều gia đình ngày nay đã trở nên nhàm chán buồn bã, để có thể tìm lại niềm vui thì cha mẹ sẽ phải là những người sống niềm vui mà hôm nay Lời Chúa đã chỉ cho chúng ta, và làm cho niềm vui này lan tỏa trong gia đình. Hãy vui vì chúng ta được làm con cái Thiên Chúa, hãy đem Chúa vào trong đời sống của gia đình qua các giờ kình sớm tối, qua những phút cầu nguyện trước bữa ăn mỗi ngày hãy làm việc hằng ngày trong sự hiện diện của Chúa, vì có Chúa luôn ở bên chúng ta. Rượu chè, cờ bạc, cá độ không thể giải sầu, không thể đem lại niềm vui, vì thế đừng tìm vui trong rựou, đừng giải sầu trong bài bạc, vì những thứ đó chỉ đem đến bất hòa và đổ vỡ, chứ không thể đem đến niềm vui và bình an. Hãy đem đến cho vợ chồng con cái những nụ cười thay những chửi bời, các người vợ hãy dùng sự hiền hòa khả ái của một người nữ mà đem lại hơi ấm niềm vui cho gia đình.
Cũng vậy nhiều bạn trẻ ngày nay đang lao vào những cuộc vui của xã hội bày ra, nhưng càng lao vào càng thấy mình trống rỗng, và mất phương hướng. Các tụ điểm vui chơi sẽ không bao giờ đem lại niềm vui đích thực trong tâm hồn, mà nó chỉ đem đến sự bất an và chán nản, nó sẽ làm cho các bạn mất phương hướng nếu cứ cắm đầu chạy theo nó. Các bạn hãy tìm kiếm niềm vui đích thật nơi Đấng Cứu thế là Đức Giêsu, hãy chọn Ngài và để Ngài lấp đầy sự trống rỗng trong tâm hồn trẻ của chúng ta. Hãy sống cho có ý nghĩa, đừng bỏ phí thời giờ và tuổi trẻ, các bạn chỉ có thể vui khi biết dùng tuổi trẻ của mình để phục vụ Chúa và giáo Hội, và mọi người, tức là sống chu toàn nhiệm vụ Chúa đang trao cho mỗi người.
Nhưng quan trọng hơn nữa chúng ta chỉ có thể vui và bình an khi tâm hồn chúng ta sạch tội, không bị sự ràng buộc của đam mê dục vọng, không bị cắn xé dày vò của lương tâm, hãy đến với lòng thương xót chúa qua Bí tích Giải tội, và hãy đón rước Chúa vào tâm hồn qua việc rước lễ thì tâm hồn chúng ta sẽ có một niềm vui đích thực dù bề mặt cuộc sống có nhiều phong ba thì tận đáy tâm hồn chúng ta vẫn vui và bình an.
Có người nói rằng tại sao bây giờ con người hay gây gỗ với nhau? Thưa vì tâm họ hồn họ bất an. Như thế chỉ khi tâm hồn chúng ta vui và bình an, thì chúng ta mới có thể trở thành người đem Tin Mừng Bình an đến cho người bên cạnh được, bằng không chúng ta chỉ có thể đem bất an và xung đột mà thôi. Amen.
(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)
Gioan Tẩy Giả là một nhân vật quan trọng của Mùa Vọng. Trong Tin Mừng Chúa Nhật trước, chúng ta đã nghe Gioan Tẩy Giả loan báo Đấng Cứu Thế sẽ đến là một Thẩm Phán chí công, thưởng phạt nghiêm minh. Ngày Đấng Cứu Thế đến sẽ là một ngày kinh hoàng đối với những người gian ác, tội lỗi, không chịu hối cải.
Nhưng rồi, khi Chúa Giêsu đến, Gioan Tẩy Giả đã thất vọng, vì ông chẳng thấy có gì là kinh hoàng như ông đã loan báo trước. Đang lúc đó chính Gioan Tẩy Giả lại phải ngồi tù, vì đã ăn ngay nói thẳng. Thật là trớ trêu!
– Gioan Tẩy Giả đã loan báo sai chăng?
– Hay là Chúa Giêsu chưa phải là Đấng Cứu Thế thực sự phải đến mà còn phải chờ đợi ai khác nữa?
Gioan sai các môn đệ đến hỏi Chúa Giêsu một lần cho rõ: Xin Thầy nói thật cho chúng tôi: “Thầy có phải là Đấng phải đến chăng, hay chúng tôi còn phải đợi Đấng nào khác nữa?”. Để trả lời Gioan và các môn đệ, Chúa Giêsu đã mượn lời Ngôn sứ Isaia loan báo về Đấng Cứu Thế: “Người mù được thấy, người què được đi, người phong hủi được sạch, người điếc được nghe, người chết sống lại…”.
Thì ra Chúa Cứu Thế đến “không phải để xét xử luận phạt, nhưng để tìm kiếm và cứu chữa những gì đã hư hỏng”. “Ngài đến không phải để kêu gọi người công chính, nhưng để kêu gọi người tội lỗi sinh hoạt ăn năn”. “Ngài đến để cho con người được sống và được sống dồi dào”. “Và Ngài còn đến không phải để được người ta hầu hạ phục vụ, nhưng để phục vụ và thí mạng sống cứu chuộc loài người”.
Bao lâu còn quan niệm như Gioan Tẩy Giả, còn chờ mong Chúa đến can thiệp kiểu vua chúa trần gian để áp đặt một quyền lực, chúng ta sẽ mãi mãi ảo vọng. Trong khi Gioan Tẩy Giả và dân Do Thái mong một Đấng Cứu Thế đến tái lập uy quyền và vinh quang Thiên Chúa, thì Thiên Chúa lại chỉ mãi lo cho vinh quang của con người, ưu tiên cho những con người bị coi rẻ nhất: người mù, người què, người điếc, là những hạng người phải ăn mày để sống, ăn mày sự sống với những người quyền thế giàu có vẫn coi thường khinh bỉ họ, và nắm quyền sinh tử trên họ. Ngài coi đó là trả lại sự sống cho hạng người sống mà như chết dở, những người cùi hủi, những người bị khinh tởm, bị xua đuổi khỏi xã hội, chỉ được sống trong những nấm mồ hoang giữa người chết.
Ngày xưa, khi Chúa Cứu Thế Giáng Sinh, các luật sĩ và cả vua Hêrôđê và dân thành Giêrusalem đã không nhận ra Chúa Cứu Thế, vì họ quan niệm Chúa Cứu Thế phải đến trong oai phong lẫm liệt, phải sinh ra ở lầu son gác tía, chứ không phải ở chuồng bò.
Chúa Cứu Thế phải xuất hiện trong cung cách như thế đó. Chúng ta ngày nay phải hết sức tỉnh táo mới khỏi đón hụt mất Chúa Cứu Thế. Bởi vì, vẫn như ngày nào, Chúa đang hiện diện ở giữa chúng ta; không ồn ào giữa hàng lũ người tuỳ tùng hầu hạ kiểu vua chúa phong kiến, mà ẩn mình trong thân phận những con người nghèo đói, ốm đau, bệnh tật… Vẫn như ngày nào và sẽ mãi mãi cho đến tận thế. Ngài không dạy chúng ta đón nhận Ngài bằng bất cứ một hình thức nào khác hơn là đón nhận chính con người anh em, những người bé nhỏ, đói khát, mình trần thân trụi, không nhà không cửa, ốm đau bệnh tật, tù đày… Vì vậy, nếu không hết sức tỉnh táo, chúng ta sẽ đón hụt mất Ngài.
Anh chị em thân mến, Hai ngàn năm rồi, Chúa đã đến, nhưng cũng còn những người vãn đang mong chờ một Chúa Cứu Thế khác sẽ đến, chứ Ông Giêsu này không phải là Chúa Cứu Thế. Thậm chí có cả những người Công Giáo cũng nghi ngờ Chúa Giêsu là Chúa Cứu Thế của họ. Bởi vì, tại sao Chúa cứ bắt tôi phải đói khổ, bệnh tật? Tại sao Chúa không trừng trị địch thù, những bọn gian ác? Chúng tôi phải chờ một Đấng Cứu Thế khác. Ngài sẽ đến thanh trừng với bạo lực, thống trị với quyền năng hiển hách như lời các ngôn sứ loan báo.
Chúa Giêsu Kitô chính là “Đấng phải đến”. Ngài đã đến rồi. Đó là niềm tin của chúng ta hôm nay như đã là niềm tin của Thánh Phêrô. Ngài nói: “Ngoài Đức Giêsu ra, dưới bầu trời này, ơn cứu độ chúng ta không có ở một người nào khác, không có một ai khác có khả năng cứu độ chúng ta” (Cv 4,12).
Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế đã đến, đã chết để cứu chuộc chúng ta, đã sống lại và đang sống ở giữa chúng ta. Ng đã giải phóng chúng ta và bao nhiêu con người khác đang bị giam cầm trong tội lỗi. Chúng ta hãy vui mừng vì chúng ta đã được Ngài cứu độ và được sống trong Ngài. Chúng ta không phải chờ đợi một ai khác nữa.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam