Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 143
Tổng truy cập: 1350208
HÃY DỌN SẴN MỘT CON ĐƯỜNG CHO THIÊN CHÚA
HÃY DỌN SẴN MỘT CON ĐƯỜNG CHO THIÊN CHÚA
1. Tóm Lược Các Bài Đọc
Bài Đọc 1: Br 5, 1- 9
Bài đọc một hôm nay cho chúng ta hai ý chính:
- Thứ nhất: Mời gọi Israel hãy cởi bỏ áo tang khổ nhục, mặc lấy vinh quang vĩnh cửu của Thiên Chúa, khoác áo choàng công chính và đội triều thiên vinh quang Thiên Chúa ban tặng.
- Thứ hai: Niềm vui của Israel là từ Đông sang Tây sẽ được quy tụ về theo lệnh của Thiên Chúa. Ngài ra lệnh phải bạt núi cao, lấp đầy thung lũng để Israel tiến bước an toàn. Thiên Chúa sẽ dẫn Israel đi trong hoan lạc, dưới ánh sáng của Thiên Chúa, cùng với lòng từ bi và sự công chính của Người.
Bài Đọc 2: Pl 1, 4- 6. 8- 11
Chúng ta thấy bốn điểm chính trong bài đọc hai:
- Thứ nhất: Niềm vui của thánh Phaolô có được là khi cầu nguyện cho người khác, sống bác ái và tích cực góp phần rao giảng Tin Mừng.
- Thứ hai: Thánh nhân hết lòng quí mến các tín hữu với tình thương của Đức Kitô Giêsu.
- Thứ ba: Ước nguyện của thánh nhân là cho lòng mến các tín hữu ngày thêm dồi dào, ơn hiểu biết và tài trực giác siêu nhiên để nhận ra cái gì là tốt hơn.
- Thứ tư: Thánh nhân cầu xin cho người tín hữu được nên tinh tuyền, không làm gì đáng trách trong khi chờ đợi Đức Kitô quang lâm.
Bài Đọc Tin Mừng: Lc 3, 1- 6
Chúng ta rút ra ba điểm chính trong bài đọc Tin Mừng hôm nay:
- Thứ nhất: Nhắc lại những người lãnh đạo xã hội và tôn giáo thời thánh Gioan.
- Thứ hai: Ông Gioan rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa để được ơn tha tội.
- Thứ ba: Nhắc lại lời Cựu ước ám chỉ về Gioan: Có tiếng người hô trong hoang địa hãy dọn sẵn con đường cho Thiên Chúa, mở lối cho thẳng để Người đi. Rồi hết người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.
2. Suy Niệm
Có nhiều con đường khác nhau, và mỗi con đường là lối dẫn tới một hướng đích. Con đường của đam mê dẫn con người tới hưởng thụ và thõa mãn các nhu cầu hạ đẳng. Con đường quyền lực đưa đẩy con người đến việc tranh dành địa vị và chức tước. Con đường hận thù, ghen ghét dẫn con con người tới chia rẽ, loại trừ lẫn nhau. Con đường yêu thương nối kết tình liên đới, xây dựng sự bình an và vun đắp cuộc sống hạnh phúc. Con đường phục vụ giúp con người quyên đi bản thân để hướng tới lợi ích tha nhân. Con đường hòa bình thúc đẩy con người xây dựng cuộc sống chung an vui, hiệp thông và thăng tiến.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Gioan Tiền Hô chỉ cho ta một con đường mới: Con đường cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện qua Đức Kitô Giêsu. Ai bước đi trên con đường này sẽ loại trừ được những lối dẫn đưa tới hận thù, tranh chấp ích kỷ, tham quyền cố vị; đồng thời làm tăng tiến và củng cố con đường yêu thương, phục vụ, con đường xây dựng hòa bình. Đức Giêsu là con đường dẫn tới sự thật và sự sống viên mãn; con đường dẫn tới Chúa Cha: “Chính Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14, 6).
Ông Gioan không phải là đường, nhưng ông đến để dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Nơi ông đã ứng nghiệm điều mà ngôn sứ Isai loan báo từ trước: “Hãy dọn sẵn một con đường cho Đức Chúa, mở lối cho thẳng để người đi. Mọi thung lung hãy lấp cho đầy, mọi núi đồi phải bạt cho thấp, khúc quanh co phải uốn chon gay, đường lồi lõm phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” (Lc 3, 4- 6). Vậy con đường mà Gioan an kêu gọi sửa sang là con đường nào đây?
Con đường mà Gioan muốn dân chúng dọn là tâm hồn mỗi người: Phải lấp đầy những hố sâu tham lam ích kỷ, phải uốn cho gay những lối nghĩ gian tà, lầm lạc; san cho phẳng những đồi cao của kiêu căng với cái nhìn khinh thị và lối sống tự mãn; san cho phẳng những gồ ghề của bất công, của chủ nghĩa cá nhân. Những chướng ngại này chẳng khác nào cánh cửa khép kín mà Thiên Chúa khó có thể bước vào cuộc đời mỗi người để cùng đồng hành và chung chia những vui buồn sướng khổ của kiếp đời chứng nhân. Hãy cộng tác với ơn Chúa để dẹp bỏ những chướng ngại này và mở toang cánh cửa tâm hồn để Thiên Chúa bước vào và ở mãi nơi đó. Thiên Chúa chỉ có thể gặp được con người trên những con đường ngay thẳng, chân thành và quảng đại; ơn cứu độ của Chúa cũng chỉ ban cho những ai sẵn sàng mở rộng vòng tay đón nhận.
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con sự can đảm và lòng quảng đại để chúng con biết đối diện và nhận ra con người tội lỗi của mình, nhờ đó, chúng con không ngừng sửa sang tâm hồn mình hầu kiến tạo một đời sống mới, một lối nhìn mới phù hợp với giá trị Tin Mừng.
88.Gioan tiền hô
Hài nhi nhảy mừng trong lòng bà.
Hài nhi ở đây chính là Gioan Tẩy giả, cũng được gọi là Gioan Tiền hô. Sở dĩ chúng ta gọi ngài là Gioan Tẩy giả, vì ngài trao ban phép rửa sám hối. Còn gọi ngài là Gioan Tiền hô, bởi vì ngài có nhiệm vụ đi trước để hô hào mọi người chuẩn bị đón mừng Chúa đến.
Nhìn vào cuộc đời của ngài, chúng ta nhận thấy được bàn tay yêu thương của Chúa luôn hướng dẫn. Thực vậy, Phúc âm kể lại rằng:
Bà Êlisabeth và ông Giacaria sống chung với nhau trong bậc vợ chồng đã già rồi mà vẫn chưa có con. Một hôm ông vào đền thờ làm nhiệm vụ tư tế của mình. Thiên thần Chúa đã hiện ra cùng ông và cho biết: bạn ông sẽ sinh con. Ông không tin bởi vì cả hai đã cao niên, nên yêu cầu một bằng chứng. Thiên thần Chúa trả lời: Kể từ nay ông sẽ bị câm và sự thực đã xảy ra như thế.
Được tin bà Elisabeth, người chị họ của mình, đã có mang, Đức Maria liền vội vã lên đường thăm viếng. Trước sự hiện diện của Mẹ Maria và Chúa Giêsu, dù mới chỉ là một thai nhi, Gioan cũng đã nhảy mừng.
Rồi sau khi Gioan đã mở mắt chào đời, người ta hỏi ý kiến ông để đặt tên cho con trẻ, và ông đã trả lời bằng chữ viết: tên con trẻ là Gioan…Và cũng từ lúc ấy ông nói được và không còn câm nữa.
Lớn lên, Gioan vào trong hoang địa, sống một cuộc sống khắc khổ. Mặc áo da thú, ăn châu chấu với mật ong rừng. Tiếng tăm về sự thánh thiện của ngài được loan truyền, thế là người ta kéo đến với ngài. Ngài khuyên mọi người sám hối ăn năn, dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Lúc nào ngài cũng tỏ ra khiêm nhường, tự xưng mình chỉ là một tiếng kêu trong sa mạc và không xứng đáng cởi dây giày cho Đấng Cứu Thế.
Ngày kia Chúa Giêsu trà trộn với đám đông dân chúng đến xin Gioan làm phép rửa. Lúc đầu Gioan đã từ chối vì ngài biết Chúa Giêsu là ai. Nhưng sau cùng ngài cũng vui lòng trao ban phép rửa. Và lúc đó một sự kiện lạ lùng đã xảy ra: Chúa Thánh Thần lấy hình chim bồ câu đậu xuống trên Đức Kitô và từ trời có tiếng phán: Này là Con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng.
Sau đó Gioan đã long trọng giới thiệu Chúa Giêsu cho các môn đệ và đám đông: Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian. Ngài vui mừng khi thấy các môn đệ và dân chúng tin theo Đức Kitô. Chính ngài đã nói: Đức Kitô cần phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi. Có lần ngài đã sai hai môn đệ thân tín đến hỏi Chúa Giêsu: có phải là Đấng sẽ đến hay là còn phải chờ đợi một Đấng nào khác. Thâm ý của Gioan là muốn để cho các môn đệ của mình được nghe chính Chúa Giêsu xác quyết. Chúa Giêsu đã nói với họ: Hãy về nói với Gioan những điều các ngươi đã ghi nhận: người mù được thấy, kẻ què được đi, người phong cùi được lành sạch và kẻ nghèo túng được đón nhận Tin Mừng.
Với một tính tình ngay thẳng, Gioan đã lên tiếng can ngăn Hêrôđê không được phép lấy vợ của anh mình. Chính vì thế mà ngài đã bị tống ngục và sau cùng đã bị lấy đầu.
Nhìn thoáng qua cuộc đời của Gioan Tiền hô, chúng ta thấy ngài đã chu toàn sứ mạng Chúa trao phó, đó là chuẩn bị mọi người đón nhận Chúa đến, và khi Chúa đến, ngài đã giới thiệu Chúa cho mọi người được nhận biết.
Với chúng ta cũng thế, trong mùa vọng, chúng ta phải uốn nắn sửa đổi lại những thói hư tật xấu để Chúa đến trong tâm hồn chúng ta, đồng thời hãy biết dùng lời nói và việc làm, nhất là những hành động bác ái yêu thương, để giới thiệu Chúa cho những người chung quanh.
Lời hay ý đẹp:
Bài giảng phải biểu lộ tốt ý nghĩa cử chỉ phụng vụ phù hợp để dẫn dắt giáo dân tham dự đầy đủ vào việc thờ phượng đức tin. Sửa soạn tâm hồn họ thấm nhuần phụng vụ, ngõ hầu hiệu quả của Thánh Thể vượt qua việc cử hành hiện tại mà vươn tới mọi lãnh vực của cuộc sống và của toàn thể Hội Thánh.(Fr. John Burke, op. trong Gospel Power tr.79.)
89.Dọn đường tâm hồn
(Suy niệm của Lm. Gioan M. Nguyễn Thiên Khải, CRM)
Trong Mùa vọng, có lẽ một nhân vật được nhắc đến nhiều nhất trong các bài đọc đó là Gioan Tẩy Giả, và có thể nói ông là một trong những mẫu gương sống Mùa Vọng tuyệt vời nhất.
Tuổi đời chỉ sống hơn 30 năm, nhưng ông từ bỏ gia đình mà vào trong sa mạc để tìm thánh ý Chúa, và sống liên kết mật thiết với Chúa. Nhờ đó ông trở thành vị tiền hô cho Đấng Cứu Thế, kêu gọi dân chúng đổi mới tâm hồn, để đón mừng Đấng Cứu Độ trần gian.
Chúng ta biết, hoang địa là nơi vắng bóng người ở, một nơi trơ trụi, thiếu sự sống, khí hậu khắc nghiệt, nhưng chính nhờ môi trường thanh vắng này, mà Gioan đã lớn lên và trưởng thành hơn trong sự gặp gỡ thâm trầm với Thiên Chúa. Càng lúc ông càng ý thức về sứ mạng tiền hô của mình, nhưng ông vẫn kiên nhẫn chờ đợi cho đến thời, đến buổi ông nghe thấy tiếng Chúa ngỏ lời với ông.
Tiếng Chúa thúc đẩy ông ra khỏi hoang địa, để đi trước Chúa mở lối cho Ngài.
Tiếng Chúa ông nghe trong hoang địa, đã trở thành Lời Chúa ông công bố nơi phố thị.
Tiếng Chúa gọi ông nghe trong thầm lặng, nay trở thành tiếng hô lớn, mời gọi dân chúng hoán cải, thay lối đổi đường.
Ông kêu gọi dân chúng sám hối sửa lại con đường tâm hồn, để chào đón Vua Giêsu ngự đến.
Việc sám hối không chỉ là một vài giờ tĩnh tâm, hay đi xưng tội qua loa, nhưng là dẹp bỏ tận căn những tính hư tật xấu, để Chúa có thể dễ dàng ngự đến và ở lại với chúng ta.
Thật ra Chúa đã đến trần gian từ lâu rồi, nhưng nhiều khi chúng ta chưa đón nhận được Ngài, bởi vì con đường tâm hồn chúng ta có những đỉnh đồi kiêu ngạo thích nâng mình lên, tự hào về khả năng của mình, luôn cho mình là tài giỏi hơn người khác, không bao giờ chịu thua kém bất cứ ai. Nếu có ai khen thì vui vẻ, còn ngược lại ai chê một chút thì tự ái khó chịu. Xin hãy hạ mình uống với lòng khiêm tốn như Gioan Tẩy Giả.
Để Chúa được vinh quang, Gioan phải khiêm nhường. Để Chúa được nhận biết, Gioan phải quên mình. Để Chúa được nổi lên, Gioan phải chìm xuống. Gioan hiểu rõ điều đó, nên ông không ngừng hạ mình khiêm nhường trong lời nói cũng như trong cách ứng xử.
Khi uy tín của ông lan rộng, người ta tưởng là Đấng Cứu Thế, nhưng ông khiêm tốn nhìn nhận: “Tôi chỉ là tiếng kêu trong sa mạc. Đấng đến sau tôi uy quyền hơn tôi. Tôi không đáng xách dép cho Ngài; Ngài phải lớn lên còn tôi phải nhỏ bé đi”.
Tâm hồn chúng ta có những hố sâu ích kỷ, chỉ lo vun đắp cho mình, mà không hề biết quan tâm giúp đỡ người khác. Chúng ta không phải là “đấng toàn năng”, làm được mọi sự. Do đó chúng ta cần sự giúp đỡ của người khác. Không ai dám vỗ ngực là mình không cần đến ai. Vì thế, nhu cầu cần được người khác giúp đỡ đó là nhu cầu của mọi người.
Noi gương Gioan Tẩy Giả, chúng ta biết nhỏ đi mỗi ngày trong cái tôi ích kỷ, trong những tính hư tật xấu; biết quên mình khi phụng sự Chúa và quảng đại giúp đỡ nhau.
Tâm hồn chúng ta đôi khi có những khúc quanh co dối trá, trong lời ăn, tiếng nói và việc làm, sống không thành thật với Chúa; không thành thật với nhau. Xin hãy uốn lại với lòng thành thật theo Tin Mừng Chúa dạy.
Tâm hồn chúng ta có những lượn sóng gồ ghề, khó tính khó nết, khó sống với người khác, hay than thân trách phận, không bằng lòng với số phận của mình. Xin hãy noi gương Gioan Tẩy Giả đã bỏ thành phố ồn ào náo nhiệt, vào sống trong sa mạc thanh vắng thiếu thốn mọi sự, để sống thân mật với Chúa.
Mùa Vọng, chúng ta cũng cần vào trong sa mạc tâm hồn, nghĩa là sống nội tâm hơn, để sống kết hiệp với Chúa qua đời sống cầu nguyện và siêng năng lãnh nhận các Bí Tích.
Gioan Tẩy Giả đã khước từ những thức ăn cao lương mỹ vị, ông chỉ dùng những thức ăn đơn sơ đạm bạc của núi rừng. Ngài từ bỏ quần áo lụa là, chỉ khoác trên mình tấm da thú che thân.
Noi gương ông, chúng ta cũng phải vui lòng chấp nhận mọi hoàn cảnh mà Chúa an bài gửi đến, như bị bệnh tật, bị con cháu bỏ rơi, bị thiếu thốn cách này, cách khác, để nên giống Chúa Giêsu Đấng là giàu có nhưng đã trở nên nghèo khó vì chúng ta.
Gioan Tẩy Giả là vị tiền hô chuẩn bị cho Chúa đến lần thứ I. Chúng ta phải là những tiền hô thời đại mới chuẩn bị cho Chúa đến lần thứ II. Làm tiền hô cho quê hương của mình, cho môi trường mình đang sinh sống, đó là nhiệm vụ của mọi Kitô hữu chúng ta. Ơn cứu độ đã đến từ hơn hai ngàn năm nay rồi, nhưng vẫn thiếu vắng những con đường phẳng phiu, ngay thẳng, để Thiên Chúa có thể đến gặp gỡ con người. Vì thế, chúng ta cầu nguyện cho nhau, và xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta nỗ lực sửa lại mọi sự trong ngoài chúng ta. Biến chúng ta thành những con đường mới bằng phẳng trong tâm hồn, để Chúa dễ dàng đến ở cùng chúng ta, đồng thời chúng ta cũng dễ dàng đến với nhau.
90.Chúa Nhật 2 Mùa Vọng
(Suy niệm của Lm. Giuse Phạm Ngọc Khuê)
THIÊN CHÚA MUỐN MỌI NGƯỜI NHẬN BIẾT CHÂN LÝ VÀ ĐƯỢC CỨU ĐỘ
Kính thưa quý anh chị em,
Ơn cứu chuộc là ân huệ cao quý, kì diệu nhất, Thiên Chúa ban tặng cách nhưng không, để con người hiệp thông với Chúa và với nhau, nhờ đó họ được sống và sống dồi dào.
Kinh Thánh dùng nhiều hình ảnh diễn tả ý muốn cứu độ phổ quát của Chúa, khi thì áp dụng cho cá nhân, khi thì dành cho số đông, cho cộng đoàn. Tất cả đều muốn diễn tả về sự đổi mới tận căn, từ tình trạng xưa cũ sang mới mẻ, từ tội lỗi sang công chính, từ sự chết sang sự sống muôn đời.
Bài đọc I, trích sách Ba-rúc, diễn tả niềm vui cứu độ Chúa dành cho Israel. Chúa kêu gọi dân bỏ miền thâm u sự chết, bước vào vùng ánh sáng ban sự sống.
Ngôn sứ dùng những hình ảnh rất mạnh mẽ mô tả sự biến đổi quyết liệt, mau lẹ và bền vững khi Lời Thiên Chúa tác động trên dân: cởi áo tang chế, mặc lấy áo công chính, áo vinh quang vĩnh cửu Chúa tặng ban.
Nhờ Chúa ban ơn trợ giúp, số phận dân Chúa đổi thay: xưa kia dân không được xót thương, nay được Chúa xót thương đem lòng sủng ái ; xưa kia bị phân tán lưu đày, khổ cực, nay được đón rước vào thành vĩnh cửu trong cờ hoa lộng lẫy ; xưa kia phải chịu sưu thuế, cống nạp ngoại bang, nay mọi nguồn phú túc chư dân hội về tràn lan như thác lũ ngập tràn.
Chúa bạt núi đồi, lấp hố sâu, nắn thẳng con đường cong queo để dân Chúa tiến bước an toàn...
Những lời loan báo bởi các ngôn sứ được ứng nghiệm nơi Chúa Giê-su và thời đại cứu thế của Người là “Bình an xây dựng trên công chính” (Br 5, 4). Bấy giờ chiên nằm chung với dã thú, trẻ em còn măng sữa vui đùa kề hang rắn lục và trên khắp núi thánh không còn ai oán, khóc than, vì sự hiểu biết Thiên Chúa tràn ngập như nước bao phủ khắp các đại dương.
Vâng! Chúa Cha đã không chậm trễ, hay trì hoãn, thực hiện lời hứa cứu độ trong và nhờ Chúa Giê-su. Ngôi lời nhập thể là sự bình an, liên đới, hiệp thông đã đạt tầm vóc viên mãn, thập toàn, trong sự vâng phục tuyệt đối, trọn vẹn thánh ý Cha, được Cha tuyên là: Con chí ai, Con đẹp lòng Cha mọi đàng.
Bởi vậy, hồng ân phục sinh từ trong cõi chết, không chỉ là vinh quang dành riêng cho người con ấy, mà còn được áp dụng rộng rãi cho tất cả những ai tin hết lòng, để được tháp nhập vào thân mình mầu nhiệm Chúa Giê-su, cũng được hưởng vinh quang của “Đầu” như vậy.
Bài Tin Mừng vừa tuyên đọc chỉ rõ cách thức dọn đường đón Chúa.
Gio-an Tẩy Giả xuất hiện như người dọn đường. Bằng lời nói và hành động, ông kêu gọi và làm phép rửa sám hối để dân được hưởng ơn tha tội.
Hãy dọn đường cho Đức Chúa, sửa lối cho phẳng để Người đi. Thung lũng hãy lấp cho đầy, núi đồi phải bạt xuống, khúc quanh co phải uốn cho ngay, đường lồi lom, phải san cho phẳng và như thế, mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.
Dọn đường là công việc ai cũng có kinh nghiệm. Và từ hình ảnh dọn con đường, Gio-an áp dụng cho con đường thiêng liêng, con đường tâm hồn cũng phải được dọn dẹp như thế!
Đồi cao là tính tự phụ, tự cao tự đại, kiêu ngạo, hống hách. Nó biến nạn nhân thành kẻ bất cần đời: khinh thường Thiên Chúa, cũng chẳng coi ai ra gì. Người tự cao, tự đại là kẻ đánh cắp ơn Chúa làm của riêng mình, vì thế, Chúa vung tay quyền lực, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
Hố sâu là tính tham lam muốn sở hữu thật nhiều mọi mặt. Loại người này không có điểm dừng, họ sử dụng mọi thủ đoạn kể cả bất công, gian ác để đạt được mục đích. Họ là hạng người keo kiệt, hà tiện trong mọi sự. Kẻ tham lam thường thích ăn mày tiếng khen, tôn thờ của cải làm chúa trong cuộc đời mình.
Đường quanh co được ví với người gian dối trong lời nói, việc làm, chuyên thói lường gạt, lừa đảo, đong đầy bán vơi. Người hành động gian dối có cội rễ là ma quỷ. Chúa Giê-su cũng đã cảnh báo: “Có thì nói có, không thì nói không, thêm điều bớt chuyện là bởi ma quỷ mà ra” (Mt 5, 37).
Bạt nơi cao, lấp hố sâu, nắn thẳng con đường tâm hồn là những việc làm đòi nhiều cố gắng, hy sinh và bền tâm, vững chí. Tất cả đều phải cậy trông ơn Chúa.
Do vậy, thánh Phao-lô, trong bài đọc II, tha thiết cầu xin Chúa ban ơn sủng, để người tín hữu sống trọn vẹn, sống đẹp ơn gọi thừa sai Tin Mừng đã lãnh nhận ngày chịu phép rửa tội.
Đối với Phao-lô, Chúa mới là tác giả giúp chúng ta thực hiện hoài bão tông đồ và thực hiện tốt công việc Chúa trao, giúp bền tâm thực thi mọi việc lành cho đến ngày Chúa giáng lâm vinh hiển.
Cách duy nhất giúp nhận diện vị thừa sai Tin Mừng là đức ái. Càng mến Chúa, người môn đệ càng yêu mến tha nhân. Cũng vậy, lòng mến càng dồi dào phong phú, người môn đệ càng thêm hiểu biết và thêm trực giác siêu nhiên, nghĩa là: rất mau mắn biên phân chính tà, tốt xấu và có sức làm những điều tốt đẹp hơn.
Thưa anh chị em,
Giáo huấn Lời Chúa hôm nay dạy chúng ta:
Một là: Ơn cứu độ phổ quát Chúa ban tặng thế gian cách nhưng không. Chúng ta phải có tư tưởng và việc làm bồi đắp nền văn minh tình thương. Luôn tâm niệm: “Chúa muốn mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1Tm 2, 4), để không nói gì hay làm gì tổn hại đến tình hiệp thông phổ quát, góp phần tích cực vào việc hội nhập văn hóa và đối thoại liên tôn dựa trên nền tảng Tin Mừng.
Hai là: Tích cực hoán cải và canh tân, theo lời dạy của thánh Gio-an: bạt nơi cao: bỏ tính tự kiêu, tự đại ; lấp hố sâu là tính tham lam, ích kỷ ; nắn thẳng con đường quanh co là sự gian dối, lường gạt, lừa đảo...
Thực hành những điều kể trên, chúng ta đang làm phải, chúc anh chị em vạn an và dư đầy ơn Chúa để hoàn tất thời gian chuẩn bị, dọn lòng đón Chúa đến, chúng ta sẽ được Chúa ban thưởng hạnh phúc bây giờ và luôn mãi. Amen.
91.Đại lượng đón Chúa
(Suy niệm của Lm. Phạm Quốc Hưng)
Đón tiếp người khác hay tiếp khách là một trong việc chúng ta vẫn thường làm trong đời sống hàng ngày. Điều này xảy ra trong mọi lãnh vực của xã hội từ việc đón tiếp một người thân yêu, một ân nhân hay bằng hữu trong sinh hoạt cá nhân hay gia đình, cho đến việc đón tiếp các bậc vị vọng trong đạo hay ngoài đời trong các đoàn thể xã hội hay tôn giáo, trong phạm vi quốc gia hay quốc tế. Cách thức chúng ta chuẩn bị để đón tiếp một người tùy thuộc rất nhiều vào yếu tố người ấy là ai, người ấy liên hệ thế nào với chúng ta, người ấy đã làm gì cho chúng ta, và việc đón tiếp của chúng ta dành cho người ấy sẽ ảnh hưởng thế nào đến liên hệ giữa người ấy và chúng ta.
Một trong những chủ đề nổi bật trong Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay là lời mời gọi Dân Chúa phải chuẩn bị đón Chúa. Đây cũng là chủ đề then chốt của Mùa Vọng. Thật vậy, ngày xưa Dân Chúa trong Cựu Ước được các ngôn sứ kêu mời để trông mong Đấng Thiên Sai, Đấng nhân danh Chúa sẽ đến để giải phóng họ. Bài đọc một trích sách Ngôn Sứ Barúc nhắc cho chúng ta biết một chân lý thật cảm động: đó là khi mời gọi Dân Chúa chuẩn bị dọn đường mừng đón Chúa nơi Đấng Thiên Sai thì chính Chúa đã thương yêu và dọn đường cho Dân Chúa đi đến vinh quang: “Hỡi Giêrusalem, hãy chỗi dậy, đứng nơi cao, và nhìn về hướng đông. Hãy nhìn con cái ngươi từ đông sang tây tập họp lại theo lệnh của Đấng Thánh, họ hân hoan thấy Chúa nhớ đến họ. Họ bị quân thù dẫn đi xa ngươi, nhưng Chúa đã đưa họ về cho ngươi trong vinh dự như những hoàng tử.
Vì Chúa đã ra lệnh triệt hạ mọi núi cao và mọi đồi từ ngàn xưa, lấp đầy những hố sâu, để trái đất được bằng phẳng, hầu Israel vững vàng bước đi cao rao vinh quang Thiên Chúa. Theo lệnh Chúa, những cánh rừng, những cây có hương thơm đã cho Israel núp bóng, vì Chúa sẽ hân hoan lấy lòng từ bi và công bình của Người dẫn dắt Israel đến ánh vinh quang” (Br 5:5-9).
Cũng vậy, trong Thánh Vịnh 125 được trích dẫn để dùng trong phần đáp ca của Phụng Vụ hôm nay, Thánh Vịnh Gia đã diễn tả niềm vui lớn lao của Dân Chúa khi Chúa đưa dẫn họ từ chốn lưu đầy về quê cha đất tổ, đã thay đổi số phận của họ, đã cư xử với họ một cách hết sức quảng đại và đầy tình thương. Câu điệp ca tóm gọn lý do đem lại niềm vui của Dân Chúa như sau: “Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan” (Tv 125:3).
Chúa Giêsu Kitô-Đấng Cứu Chuộc Nhân Thế mà các tổ phụ và ngôn sứ hàng trông mong -đã đến và hoàn tất công cuộc cứu chuộc nhân loại bằng việc nhập thể, giáng sinh, cuộc đời rao giảng, cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Người. Như vậy, nơi Chúa Kitô lòng thương yêu đại lượng của Thiên Chúa dành cho nhân loại đã được thể hiện cách trọn vẹn. Vì vậy, tin vào lời Chúa hứa ngày nay Hội Thánh tiếp tục nhắc nhở và mời gọi chúng ta phải tha thiết trông mong và nỗ lực chuẩn bị đón Chúa Giêsu trở lại lần thứ hai trong vinh quang.
Chúng ta phải đón tiếp Chúa Giêsu như thế nào? Người là vị khách cao cả và quyền uy trên mọi vị khách, Đấng hằng thi ân cho chúng ta hơn mọi ân nhân khác, Đấng luôn yêu thương chúng ta hơn mọi người thân yêu khác, và Đấng sẽ có thể làm cho chúng ta những điều tốt lành quý giá hơn cả những gì chúng ta có thể mơ ước và cầu xin!
Chính Thiên Chúa đã giúp chúng ta thực hiện việc đón tiếp Chúa Cứu Thế một cách xứng hợp như lòng Người mong muốn qua ơn gọi và sứ mạng của Thánh Gioan Tiền Hô. Tin Mừng hôm nay tóm gọn ơn gọi và sứ mạng của Gioan bằng những lời sau của ngôn sứ Isaia: “Có tiếng kêu trong hoang địa: Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng; hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng. Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” (Lc 3:4-6).
Lời mời gọi chuẩn bị đón Chúa ở đây không gì khác hơn là lời mời gọi sám hối và hoán cải. Lời mời gọi này sẽ được chính Chúa Giêsu lập lại trong lời rao giảng công khai đầu tiên của Người: “Thời kỳ đã mãn. Nước Thiên Chúa đã đến gần! Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1:15).
Việc hoán cải này được ngôn sứ Isaia diễn tả cách cụ thể bằng những hình ảnh với những ý nghĩa sau:
1. “Hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng” và “đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng”: phải chấm dứt lối sống tà vạy, gian dối, quanh co, hai lòng để sống với lòng đơn sơ ngay thật.
2. “Hãy lấp mọi hố sâu”: phải lấp đầy hố sâu của lòng tham lam bằng tinh thần nghèo khó và chia sẻ; lấp đầy hố sâu của lòng ganh ghét hận thù bằng lòng yêu thương chân thật; lấp đầy hố sâu của thành kiến và chia rẽ bằng tinh thần đối thoại và hiệp nhất.
3. “Hãy bạt mọi núi đồi”: phải bạt mọi núi đồi của tính tự kiêu tự đại và những tham vọng bất chính bằng tinh thần khiêm nhu tự hạ của Chúa Giêsu, để ta có thể gặp gỡ Thiên Chúa và tha nhân.
4. “Con đường gồ ghề hãy san cho bằng”: phải san bằng con đường gồ ghề của ý riêng và lòng tự ái, để ta có thể sống bình an với Thiên Chúa và tha nhân qua việc chuyên chăm thực thi Thánh Ý Chúa với tinh thần xả kỷ vị tha.
Con đường phải sửa chữa ở đây để đón Chúa chính là tâm hồn, con người và cuộc sống của mỗi người chúng ta. Con đường ấy phải được sửa chữa lại theo khuôn mẫu của chính Chúa Giêsu, Đấng đã tuyên ngôn: “Ta là Đường là Sự Thật và là Sự Sống”(Jn 14:6). Điều đó cũng có nghĩa là chúng ta phải hoán cải tâm hồn để chúng ta có được nơi mình “tâm tư như đã có nơi Đức Kitô” (Pl 2:5). Đó là con đường duy nhất đưa đến sự sống thần linh của tình yêu và sự thật.
Vì thế, tất cả nỗ lực chuẩn bị đón Chúa phải được thực hiện trong tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân. Đây chính là lý do khiến Thánh Phaolô trong bài đọc hai của Phụng Vụ hôm nay đã tha thiết cầu xin cho các tín hữu của người. Thánh nhân viết:
“Vì Thiên Chúa làm chứng cho tôi rằng: tôi yêu mến tất cả anh em với tâm tình của Đức Giêsu Kitô. Điều tôi cầu nguyện cho anh em là lòng bác ái của anh em ngày càng gia tăng trong sự thông biết và am hiểu, để anh em xác định những điều quan trọng hơn, để anh em được trong sạch và không có gì đáng trách cho đến ngày của Đức Kitô, anh em được Đức Giêsu Kitô ban cho dư đầy hoa quả công chính, hầu tôn vinh và ngợi khen Thiên Chúa” (Pl 4:8-11).
Cũng vậy, một tác giả trong thứ kỷ thứ hai xác quyết rằng lòng yêu thương giúp đỡ tha nhân kèm với tinh thần cầu nguyện hãm mình luôn gắn liền và chiếm chỗ nhất trong việc hoán cải để dọn đường cho Chúa đến: “…bố thí là một cách sám hối rất tốt.
Ăn chay tốt hơn cầu nguyện, nhưng bố thí tốt hơn cả hai. Lòng yêu thương che phủ muôn vàn tội lỗi, nhưng lời cầu nguyện phát xuất từ lương tâm ngay lành sẽ giải thoát cho khỏi cái chết. Phúc cho ai được coi là hoàn hảo trong những việc ấy, vì bố thí sẽ làm cho cho gánh tội nhẹ đi” (Kinh Sách Thứ Sáu tuần XXXII thường niên).
Tóm lại, Thiên Chúa đã tỏ ra đại lượng vô cùng trong việc đối xử với chúng ta trong việc đã ban tặng chúng ta Con Một Người là Chúa Giêsu Kitô. Cũng vậy, Người cũng muốn chúng ta noi gương Người trong việc đại lượng chuẩn bị đón Chúa Giêsu trở lại lần thứ hai qua việc tận tình hoán cải để trở nên giống Chúa Giêsu, bằng cách chuyên chăm cầu nguyện hãm mình và thực thi bác ái với tha nhân. Đó chính là cách chuẩn bị đón Chúa tốt đẹp nhất. Và đó cũng là cách thức để đón nhận niềm vui ơn cứu độ mà Chúa Cứu Thế đã mang lại cho chúng ta.
Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ dạy con biết quảng đại và nồng nhiệt trong việc chuẩn bị đón Chúa Giêsu Con Mẹ trở lại trong vinh quang, bằng đời sống chuyên chăm cầu nguyện, hy sinh xả kỷ và yêu thương phục vụ tha nhân. Amen.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam