Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 55

Tổng truy cập: 1364269

HÃY LÀ ĐẦY TỚ TRUNG THÀNH

HÃY LÀ ĐẦY TỚ TRUNG THÀNH

(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)

Chúa nhật thứ XIX thường niên C hôm nay, như một sự nối dài của Chúa nhật tuần trước, vì nếu kết thúc đoạn Tin Mừng tuần trước, Đức Giêsu nói: “Kẻ tích trữ của cải cho mình mà không làm giầu trước mặt Chúa” (Lc 12, 21). Vậy để trở nên giầu có trước mặt Thiên Chúa ta phải làm gì? Đức Giêsu mời gọi chúng ta: “Hãy sắm cho các con những túi không hư nát, và kho tàng không hao mòn trên Trời, là nơi trộm cướp không lai vãng và mối mọt không làm hư nát”. Tiên vàn, hãy tỉnh thức, trung tín và khôn ngoan. (x. Lc 12,32-48)

Vậy tỉnh thức như thế nào, có phải rằng cứ thức suốt không ngủ sao? Đức Giêsu khuyên chúng ta: “Các con hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay, và hãy làm như người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ về gõ cửa, thì mở ngay cho chủ. Các con hãy sẵn sàng”. (x. Lc 12, 36).

Đây không phải thức suốt không ngủ, càng không phải là chờ đợi cách thụ động: “Đầy tớ trung tính và khôn ngoan” là đầy tớ “khi chủ về còn thấy làm việc”, nghĩa là đang hăng say làm nhiệm vụ ông chủ đã trao phó cho, không gì khác là phục vụ trong yêu thương, theo gương của chủ mình . Vậy, “Ai là người quản lý trung tín khôn ngoan mà chủ đã đặt coi sóc gia nhân mình, để đến giờ phân phát phần lúa thóc cho họ? Phúc cho đầy tớ đó, khi chủ về, thấy nó đang làm như vậy” (x. Lc 12, 42-43).

Trong câu nói của Chúa Giêsu có hai người, ông chủ và người đầy tớ. Trước hết chúng ta tự hỏi, ai là chủ nhà ở đây? Chắc chắn là Đức Kitô rồi, vì Ngài đã chẳng nói với các môn đệ mình rằng: “Anh em gọi Ta là Thầy và là Chúa thì thật là phải, vì Ta đúng như thế” (Ga 13,13). Và gia đình này là gia đình nào? Hiển nhiên là gia đình đã được Chúa cứu chuộc. Gia đình Thánh này là Giáo hội Công giáo trải rộng trên toàn thế giới nhờ sự phong phú lớn mạnh của nó, và cả những ai lấy làm vinh dự đã được cứu chuộc nhờ máu châu báu của Chúa Giêsu. Vì chính Chúa Giêsu đã nói về chính mình rằng: “Con Người không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và trao ban mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người” (Mc 10,45). Người cũng là Mục Tử nhân lành, đã “trao ban mạng sống cho đoàn chiên” (Ga 10,11).

Thế còn người quản lý này là ai, mà phải vừa trung tín và khôn ngoan? Thánh Phaolô Tông đồ chỉ cho chúng ta khi nói cùng lúc về chính mình và các bạn hữu của ngài: “Chớ gì thiên hạ coi chúng tôi như những đầy tớ của Ðức Kitô, những người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa. Mà người ta chỉ đòi hỏi ở người quản lý một điều, là phải chứng tỏ lòng trung thành” (1Co 4,1-2). Nhưng ai trong chúng ta nghĩ rằng chỉ có các Tông Đồ mới là những người lãnh nhận trách nhiệm quản lý này; những người kế vị các thánh Tông Đồ cũng là những người quản lý, như Thánh Phaolô nói: “Thật vậy, giám quản, với tư cách là quản lý của Thiên Chúa, phải là người không chê trách được, không ngạo mạn, không nóng tính, không nghiện rượu, không hiếu chiến, không tìm kiếm lợi lộc thấp hèn” (Tt 1,7).

Những người Chúa chọn và đặt là những người tôi tớ của ông chủ nhà này, những quản gia của Thiên Chúa, những người lãnh nhận nhiệm vụ phân phát thóc lúa cho tha nhân.

Thật hợp tình hợp lý với Nước Trời do Đức Kitô loan báo: “Vua của các dân thì lấy quyền mà thống trị dân, và những ai cầm quyền thì tự xưng là ân nhân. Anh em thì không như thế, trái lại, ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người phục vụ. Bởi lẽ, giữa người ngồi ăn với kẻ phục vụ, ai lớn hơn ai? Hẳn là người ngồi ăn chứ? Thế mà, Thầy đây, Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ” (Lc 22, 25-27).

Với hình ảnh Ông Chủ, người Kitô hữu được mời gọi trở nên người đầy tớ trong đức ái, khi phục vụ anh em mình với lòng biết ơn và bằng tình yêu vô vị lợi, không tìm kiếm gì khác ngoài việc vâng lời Chúa làm cho triều đại Nước Thiên Chúa mau đến. Để giữ gìn lý tưởng sống giữa những lời mời gọi của thế gian, cần phải “hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới” (x.Col 3,1); “Vì mọi sự trong thế gian: như dục vọng của tính xác thịt, dục vọng của đôi mắt và thói cậy mình có của, tất cả những cái đó không phát xuất từ Chúa Cha, nhưng phát xuất từ thế gian” (1 Ga 2, 16)

Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết luôn tỉnh thức nội tâm; để chúng con có thể chờ đợi Chúa với sự kiên trì thánh thiện, như người ta mong đợi con cái, bè bạn, hôn phu trở về. Xin đốt lên trong lòng chúng con chính ngọn lửa hy vọng đang đợi Chúa không hề tắt, để chúng con tỉnh thức trong niềm tin, và nhiệt thành phục vụ anh em. Amen.

 

36.Tất cả các bạn

Tin mừng lớn lao nhất đã chấn động trong lịch sử của loài người đó là Tin Mừng về Tình Yêu của Chúa. Một Thiên Chúa đã tạo dựng nên chúng ta và còn tiếp tục bảo tồn chúng ta toàn vẹn trong cuộc sống. Chúng ta cùng nhau vui sướng tán dương tình yêu của Chúa cho chúng ta và mong muốn chúng ta trở nên hoàn mỹ và trọn vẹn.

Một buổi sáng, sau khi bà mẹ đã chuẩn bị điểm tâm sáng xong thì sai hai người con gái của bà chạy lên lầu nói với ông bố xuống dùng. Người con gái lớn chạy nhanh hơn nên đã lên lầu trước, và cô nũng nịu chạy vô lòng bố và nói, "Mời bố xuống dùng điểm tâm." Người con thứ hai cũng đến, và cô bị người chị lớn chọc, "Chị đã chiếm hết tình thương của bố rồi!" Thế nhưng ông bố lại nhìn người con thứ hai với ánh mắt trìu mến và cũng đưa cánh tay kia ra để ôm lấy cô. Người con thứ hai quay sang chị nó nói, "Có lẽ chị đã chiếm hết tình thương của bố, nhưng bố lại chiếm hết tình yêu của em!" (You may have all there is of daddy, but daddy's got all there is of me!)

Thiên Chúa tốt lành đã tạo dựng nên chúng ta thì Ngài cũng muốn chúng ta thuộc trọn về Ngài. Khi các bạn biết chọn Ngài làm kho tàng, Ngài sẽ chiếm hết con người của các bạn.

Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu nói: "Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em...Hãy sắm lấy những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể nào hao hụt ở trên trời... Vì kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em ở đó" (Lc 12:32-34).

Đôi lúc, đó là một điều khó để tìm lời mà diễn tả cái cảm nghiệm sâu xa về con người nói chung. Thí dụ ai trong chúng ta có thể diển tả nổi cái kho tàng lớn lao nhất: Chúa Giêsu ngự đến trong tâm hồn bạn, hoặc cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa trong Chúa Giêsu Kitô.

Nền tảng đức tin, nền tảng tôn giáo chân chính, nền tảng của sự cảm nghiệm lòng sốt sắng chúng ta là những gì mà Cựu Ước gọi là "yêu Chúa hết lòng", và Tân Ước thì gọi là "Ơn thánh của Chúa." Điều đó có nghĩa là cho dù chúng ta có nghĩ hoặc cảm thấy điều gì về Thiên Chúa, hoặc là thần học có dạy cho chúng ta điều gì đi nữa, thì điểm cốt yếu của đức tin chúng ta vẫn là Thiên Chúa là cùng đích của chúng ta. Thiên Chúa yêu thương săn sóc cho chúng ta. Nếu điều đó được chúng ta cất giữ và suy niệm trong tận đáy thâm tâm của mình thì chúng ta sẽ được biến đổi. Đó là lý do tại sao Thánh Phaolô luôn luôn bắt đầu thư của Ngài bằng lời chào "Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta chúc lành cho anh em." Ngài có ý làm như vậy là để cho chúng ta phải biết biến đổi ý tưởng trước khi lắng nghe lời ngài bởi vì đó là tâm điểm của đức tin.

Đó là do ơn thánh của Chúa mà Ngài đã đến với chúng ta qua Chúa Giêsu Kitô, và trở nên một với chúng ta hầu chỉ cho chúng ta biết sống thế nào cho phải lẽ.

Đó là do ơn thánh, sự tốt lành của Ngài, mà Ngài đã trở nên một trong chúng ta qua Chúa Thánh Thần, và làm cho chúng ta lớn lên.

Đó là do ơn thánh, sự tốt lành của Ngài, mà chúng ta được gọi để hiệp nhất trong tình yêu của Ngài, điều mà Chúa Giêsu gọi là tối hảo cần thiết của con người.

Đó là do ơn thánh, sự tốt lành của Ngài, mà chúng ta đón nhận món quà sự sống và hy vọng trong tương lai và sức mạnh để yêu thương kẻ khác với đức ái.

Trong ngày Chúa Nhật hôm nay, khi chúng ta tụ họp lại nơi đây để lắng nghe Lời Chúa, không phải chỉ là nghe lại, nhưng tôi xin các bạn hãy nghe và hãy suy nghĩ với lòng chân thành và giữ trong lòng chúng ta.

Một điều quan trọng chúng ta cần phải hỏi mình: chúng ta có ôm ấp Tin Mừng của Chúa ở tận đáy tâm hồn của mình nơi mà chúng ta thường hay làm những quyết định cho những gì chúng ta muốn làm? Chúng ta có đứng vững trên nền đá của đức tin hay trên nền cát?

Nếu một người đến Hoa Kỳ từ một nước khác, họ thật ngạc nhiên khi nhìn thấy đủ loại thực phẩm ở các cửa hàng: sữa bột, chỉ cần pha với nước là có sữa, nước cam bột, chỉ cần pha với nước là có một ly nước cam, rồi fast food (đồ ăn liền), xe đủ loại, máy điện toán... Chúng ta có thể kể ra đủ mọi thứ loại hàng mà chúng ta có thể nhìn thấy. Thế nhưng nếu cuộc sống của chúng ta chỉ để tâm đến những thứ này thì là một điều đáng tiếc.

Tôi cầm thử những thứ thế gian, ôi chúng chỉ là kho tàng chóng qua, chúng có lợi ích gì? Tôi cầm thử những thứ thuộc về tôi, lạy Chúa, xin cho con cầm lấy thật chặt tất cả những gì thuộc về Ngài.

Khi các bạn biết chọn Chúa Giêsu làm kho tàng, Ngài sẽ là phần thưởng cho các bạn.

 

37.Suy niệm của Lm. Nguyễn Hưng Lợi

Tỉnh thức vẫn là thái độ quan trọng của mỗi người trong cuộc đời. Tỉnh thức để khỏi mất trộm, khỏi bị té ngã, khỏi mắc nạn vv…Đó là thái độ cần có của những con người khôn ngoan, biết đắn đo, suy nghĩ trong đời sống của mình. Thánh Luca trưng ra hai dụ ngôn trích đọc trong Chúa Nhật XIX thường niên, năm C, mang hình ảnh rất thực tế, gần gũi với cuộc sống của mỗi người chúng ta: hình ảnh của người đi dự tiệc cưới và kẻ trộm đào ngạch, khoét vách, chỉ ra tính bất ngờ mà mọi người không hề hay biết trước ngày giờ Thiên Chúa đến kêu gọi con người. Đối đầu với sự bất ngờ này, Chúa nhắc nhở mọi người phải tỉnh thức. Nhưng tỉnh thức cần có theo đòi hỏi của Tin Mừng là” Hãy về bán hết của cải đang có mà bố thí, vì kho tàng anh em ở đâu thì lòng trí anh em cũng ở đó”.

ANH EM HÃY THẮT LƯNG CHO GỌN, THẮP ĐÈN CHO SÁNG:

Trong đời sống hằng ngày, con người vẫn lấn cấn trong việc kiếm miếng cơm manh áo, làm ra của cải vật chất cho nhiều, thu tích lợi tức cho đầy kho, đầy bồ. Con người dễ bị ru ngủ bởi của cải vật chất, bởi tiền tài, danh vọng, bởi phù hoa, phú quí. Con người làm ra một lại muốn hai, rồi ba, rồi bốn…Quả lòng tham của con người thì không có đáy. Có của, có tiền nhiều, đi đâu con người cũng không yên trí, vì của cải ở đâu thì lòng trí con người ở đó. Lời của Chúa quả thực không sai:” Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sáng “hoặc “Anh em không thể làm tôi hai chủ hoặc yêu này thì ghét chủ khác". Làm ra của cải nhiều là điều quí hóa, nhưng phải biết xử dụng sao cho phù hợp mới là điều quan trọng.

Coi của cải là phù vân, là mau qua dễ gây bi quan cho con người. Tuy nhiên, tỉnh thức để xử dụng của cải đúng nghĩa, sẽ giúp cho con người vui tươi và hạnh phúc, sẽ làm ích cho nhiều người nghèo, những trẻ em mồ côi, những người già nua, neo đơn và bất hạnh. Vâng, có lẽ nhiều người rất tỉnh thức trong kinh nguyện, trong các nghĩa vụ đạo đức, nhưng lại rất mê ngủ trong những đòi hỏi của Tin Mừng. Nếu, con người biết tỉnh thức, biết lưu tâm đến những nhu cầu của người khác thì xã hội chung quanh ta đã khác đi nhiều rồi. Một sự quan tâm đến nhu cầu của người nghèo: một số tiền nhỏ đối với hoàn cảnh của một người nghèo có thể biến đổi cuộc sống của họ và gia đình họ khi họ chỉ cần một số tiền nhỏ để làm vốn. Đạo Kitô giáo không phải là đạo mê hoặc, ru ngủ người khác mà luôn thức tỉnh con người. Nếu con người trên thế giới luôn biết tỉnh thức, luôn biết quan tâm đến người khác thì hai phần ba nhân loại không phải rơi vào tình trạng nghèo nàn. Chúa mời gọi con người tỉnh thức để nhận ra Nước Trời đang đến trong từng phút giây. Hãy sống công bình, bác ái và chia sẻ. Hãy làm những công việc tỏa sáng để ánh sáng đức tin được chiếu tỏa nơi nhiều người.

CHÚA MỜI GỌI NHÂN LOẠI, MỜI GỌI CON NGƯỜI:

Chúa cảnh tỉnh con người phải thức tỉnh, phải tỉnh táo để nhận ra những dấu chỉ của thời đại. Sự thức tỉnh đích thực của người Kitô hữu là phục vụ. Phục vụ sẽ giúp con người tìm được hạnh phúc và bình an. Như một Phanxicô khó khăn, đã sống nghèo để phục vụ con người và nên giống Chúa, như một Têrêsa Calcutta đã sống cho tha nhân, đã phục vụ hết mình cho những người đau khổ. Mẹ đã viết, đã dậy và đã sống những tâm niệm thật thiết thực: ”Hoa trái của thinh lặng là cầu nguyện. Hoa trái của cầu nguyện là đức tin. Hoa trái của đức tin là đức ái. Hoa trái của đức ái là phục vụ. Hoa trái của phục vụ là bình an “.

Rõ ràng Mẹ Têrêsa và các nữ tu bác ái của Mẹ đã không cho người ta tiền nhưng sự phục vụ trong yêu thương của Mẹ và của các nữ tu bác ái đã làm cho nhiều người nghèo nhận ra Nước Trời. Tiền của cần thật nhưng nó chỉ là phương tiện, chứ không phải là mục đích, là cứu cánh của con người. Biết xử dụng của cải không phải cho riêng mình mà cho nhu cầu của người khác. Thực hiện được như vậy, con người sẽ thoát ra được sự kiềm tỏa của vật chất và mau mắn sắm cho mình túi tiền chẳng bao giờ hư nát, chẳng bao giờ tàn lụi, đó là kho tàng vô cùng quí giá ở trên trời.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết luôn tỉnh thức để nhận ra dấu chỉ của Nước Trời.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ:

1. Tỉnh thức là gì?

2. Tại sao bạn phải tỉnh thức?

3. Sự tỉnh thức đích thực của người Kitô hữu là gì?

 

38.Tỉnh thức trong phục vụ

(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi, DCCT)

Khuynh hướng của con người thường thích tích trữ cho nhiều của cải, bôn ba để kiếm sống và lo thụ hưởng càng nhiều càng tốt, họ làm như không bao giờ họ phải chết. Song song với đa số lớp người ham sống, thích hưởng thụ, thích dễ dãi, rất ít người luôn ngẫm nghĩ về cái chết của chính mình và coi của cải trần gian chỉ là tạm bợ, chóng qua, mau tàn. Tin Mừng Lc 12, 32 - 48 nhắc nhở mọi người: “Tỉnh thức và sẵn sàng ".

HÃY TỈNH THỨC: Chúa Giêsu luôn mời gọi mọi người tỉnh thức: “Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn" ( Lc 12, 35 ). Tỉnh thức như năm cô trinh nữ khôn ngoan, mang đèn mà lại mang cả dầu; như người đầy tớ trung tín đợi chủ về; như người khôn ngoan canh chừng tên ăn trộm; như người quản lý khôn ngoan làm theo ý chủ. Tỉnh thức không có nghĩa la ngủ no say, ngủ li bì nhưng mà là tỉnh thức trong khi ngủ. Tỉnh thức cũng có nghĩa là luôn khôn ngoan, chóng vánh làm theo ý của chủ mình. Thường người Kitô hữu rất tỉnh thức trong các kinh nguyện, trong những nghĩa vụ đạo đức như giữ các ngày thứ sáu đầu tháng, như đi lễ,sáng chiều, nhưng lại rất mê ngủ trong những đòi hỏi của Tin Mừng. Đạo Kitô giáo không phải là đạo ru ngủ con người. Đạo là tình thương, là con đường, đạo luôn luôn thức tỉnh mọi người. Đã là con đường đi, người Kitô hữu phải tỉnh thức, không được ngủ, không ngủ gà ngủ gật, bởi vì có tỉnh thức, có mở to mắt, họ mới thấy hướng đi, thấy bến bờ, mục đích để đến đích bình an. Tỉnh thức để nhận ra Nước Trời đang hiện diện. Tỉnh thức để không gây ngộ nhận cho người khác, không bóp méo Tin Mừng và Giáo Hội. Tỉnh thức chính là phục vụ. Và phục vụ càng nhiều, người Kitô hữu sẽ nhận ra Nước Trời đang đến, càng phục người Kitô hữu càng trở nên giống Chúa trong cung cách phục vụ yêu thương của Ngài. Ai làm lớn phải phục vụ anh em. Đây là cung cách phục vụ khiêm tốn của Chúa. Phục vụ như người tôi tớ. Phục vụ bằng cách rửa chân cho các môn đệ. Ân huệ người Kitô hữu nhận được nơi phép rửa là để san sẻ. Tình yêu nhưng không người Kitô hữu nhận được trong đức tin là để trao ban vì "Sống là để yêu thương và phục vụ ".

CHÚA ĐẾN CÁCH BẤT NGỜ: Con người sống trên thế gian đâu có biết trước được lúc nào, giờ nào, phút nào họ sẽ chết? Có những con người vẫn tưởng rằng chẳng bao giờ họ phải chết. Do đó, họ vẫn bám víu thế gian, sống để hưởng thụ, sống để vui chơi vv...Tuy nhiên, đa số con người rất đỗi hoang mang, lo âu, xao xuyến vì Chúa sẽ đến thật bất ngờ: “Vì chính giờ phút anh em không ngờ thì Con Người sẽ đến " ( Lc 12, 40 ). Chúa sẽ đến không ai ngờ được. Kẻ trộm bao giờ cũng đột nhập cách thật bất ngờ và vũ khí sắc bén nhất của anh ta là bất ngờ. Chúa cũng đến cách rất bất ngờ và Ngài chỉ nhắc nhở mọi người phải tỉnh thức. Đừng quá bám víu, miệt mài trong những của cải chóng tàn, chóng phai của đời tạm này mà quên đi đời sống vĩnh cửu, sự sống đời đời mai sau. Chúa đến bất ngờ nhưng lại rất thú vị và hạnh phúc cho những người biết tỉnh thức như năm cô trinh nữ khôn ngoan, như người quản lý luôn biết khôn ngoan làm theo ý chủ của mình. Chẳng ai biết mình sẽ chết lúc nào, chết khi nào, nhưng cái chết sẽ trở nên hạnh phúc cho những ai luôn biết thức tỉnh. Chỉ sợ, con người cứ tưởng mình còn ngày mai, còn giờ để chuẩn bị, nhưng kỳ thực giờ chết sẽ đến một cách rất đột ngột phũ phàng. Do đó, Chúa luôn nhắc nhở con người hãy tỉnh thức. Tỉnh thức để chiêm ngắm, trân trọng và khám phá sự hiện diện của Thiên Chúa và những ơn lành Người ban, làm cho đời con người sáng hơn, tươi hơn, có ý nghĩa hơn.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết sống thế nào để đạo lý của Chúa và Hội Thánh không bị hoen ố, không gây ngộ nhận cho những người ngọai giáo, nhưng được trình bầy bằng những hình ảnh cao đẹp của Tin Mừng: "Công bằng, bác ái và yêu thương".

 

39.Thức tỉnh chờ đón cuộc sống thật

Ai trong chúng ta cũng công nhận cuộc sống của con người trên trần gian này chỉ là tạm bợ và chóng qua. Dù muốn dù không một ngày nào đó tất cả con người chúng ta cũng phải lìa bỏ cuộc sống trần gian này. Cho dù người ta có giàu sang hay nghèo khó, sinh sống nơi thành thị hay vùng thôn quê hẻo lành, có quyền cao chức trọng hay chẳng có địa vị nào trong xã hội thì tất cả đều phải chấp nhận sự thật này. Sự thật là sau cuộc sống tạm bợ này chúng ta sẽ còn có một cuộc sống thật bền vững và chắc chắn nếu chúng ta biết sống thức tỉnh.

Tuần trước Chúa Giêsu đã nhắc nhở chúng ta: "Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu." (Lc 12, 15). Vì con người chúng ta thường dễ bị cám dỗ để gắn bó quá nhiều với những gì thuộc thế giới này - vào của cải vật chất. Thế nhưng, những của cải vật chất đó không thể bảo đảm cho chúng ta cuộc sống thật mai sau.

Cũng trong những lời nhắc nhở đó, hôm nay Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta hãy sống thức tỉnh như thái độ của người đầy tớ luôn trong tư thế sẵn sàng chờ đón chủ đi ăn cưới về. "Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay. Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. (Lc 12, 35 - 37)

Mỗi người chúng ta từ Thiên Chúa mà đến. Vì "lá rụng về cội" nên chúng ta đ ược kêu mời sống làm sao để được trở về với Thiên Chúa là Cha yêu thương. Trở về với Thiên Chúa để được hưởng lại cuộc sống thật do tội nguyên tổ đã đánh mất. Điều đáng nói là không biết ngày giờ nào hay lúc nào Chúa mời gọi chúng ta trở về.

Nếu thật sự tin vào cuộc sống thật sau cuộc sống tạm bợ này chúng ta sẽ sống rất tích cực và lạc quan. Ngược lại, chắc hẳn chúng ta sẽ sống rất uể oải và không chút hy vọng gì vào tương lai. Nếu như vậy thì cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên hết sức vô nghĩa, chẳng có giá trị gì.

Như vậy, sống thức tỉnh trong hy vọng vào cuộc sống thật mời gọi chúng ta phó thác trọn vẹn đời ta cho Chúa. Phó thác trọn vẹn cho Chúa bằng cách gắn bó với Người qua việc siêng năng lãnh nhận các Bí tích. Đồng thời, hằng ngày chúng ta biết chu toàn tốt bổn phận của mình - bổn phận trong gia đình, trong Giáo hội hay ngoài xã hội.

 

40.Tin là sống - Lm. Bùi Quang Tuấn

"Các con hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay" (Lc 12,35).

Bản thống kê mới nhất của Liên Hiệp Quốc cho hay cứ trung bình mỗi ngày trên thế giới có khoảng 270 ngàn người chết: chết vì bệnh tật, bom đạn, hoạn nạn, thiên tai... Có lắm người chết vì bị hạ sát, nhưng cũng không thiếu người chết vì tự sát. Có nhiều kẻ chết do người khác gây ra như vụ nổ bom toà đại sứ Mỹ ở Nairobi, Kenya, vụ tàn sát tập thể tại Nam Tư, song cũng không thiếu kẻ chết vì tai hoạ thiên nhiên như lũ lụt tại Trung quốc, sóng thần tại New Guinea, đất động tại Ấn độ.

Mỗi ngày có 270 ngàn người chết. Như thế mỗi giờ có trên 10 ngàn người, và mỗi phút có gần 200 người phải rời khỏi thế gian. Nhưng thử hỏi: "Rời thế gian để đi đâu?" Đi vào cõi nửa thực nửa hư như người Do thái hằng quan niệm? Đi vào cõi thinh không hư vô, hoặc đi đầu thai ở một kiếp khác? Hay chết là hết?

Nếu nói chết rồi sẽ đi đầu thai kiếp khác thì e rằng người ta chẳng cần phải quan tâm lo lắng về đời sống ăn ngay ở lành làm gì. Vì có kẻ cho rằng: "Tại sao không ăn chơi hưởng thụ cho thoải mái để bù lấp những ngày cơ cực. Nếu không may sau này có bị đầu thai làm kiếp trâu bò lừa ngựa, thì cũng không thành vấn đề, bởi vì hiện nay cũng từng phải vất vả quần quật, ‘cày bừa’ tối ngày nên có kinh nghiệm rồi." Có người còn tâm sự: Ở Việt nam còn được sinh ra trong tuổi con rồng, con gà hay con rắn..., chứ qua bên Mỹ, dường như ai cũng cầm tinh giống nhau: tinh con trâu. Vì ai cũng phải đi cày tối ngày. Thế nên nếu có đầu thai làm kiếp trâu bò, tưởng cũng không đáng ngại ngùng.

Thành ra nếu chết rồi đi đầu thai kiếp khác thì không công bằng và đáp ứng xứng hợp với nhân phẩm cao cả của con người chút nào. Với lại thú vật thì đâu có tri thức để phân biệt đúng sai, lành dữ, và như thế làm sao chúng có dịp chọn lựa hay từ khước, lập công hay phạm tội? Làm sao có cơ may để đi đến một kiếp tốt hơn hay xấu hơn?

Còn nếu nói chết là hết thì càng bất công và xúc phạm đến phẩm giá con người cách khủng khiếp. Chính chủ nghĩa vô thần, những triết thuyết cộng sản và chủ nghĩa hưởng thụ đã đưa con người đến với khái niệm chết là hết đầy bất nhân kia.

Nếu chết là tận tuyệt thì tội tình chi người ta phải hy sinh hãm mình, ăn ngay ở lành, quảng đại tha thứ, hay từ tâm nhân ái? Nếu chết là hết thì dại gì người ta phải dấn thân tu hành, đi lễ giữ luật cho vất vả?

Nếu chết là hết thì đúng là con người đang sống trước một ngõ cụt vô cùng bất công. Bởi vì rồi đây người lành kẻ ác cũng như nhau, người dấn thân phục vụ yêu thương nhân loại cũng chẳng hơn gì kẻ gây tang thương khốn khổ cho bao người.

Nếu chết là hết thì tôi phải tỉnh thức làm chi, ngày Chúa đến hay không nào có quan hệ gì.

Nhưng không. Ngàn lần không! Chết không phải là hết. Niềm tin Kitô giáo xác quyết chết là bước vào một cuộc sống mới và đời đời. Trong cuộc sống đó tôi sẽ khổ đau ngàn thu hay hạnh phúc đời đời tùy thuộc vào cung cách sống niềm tin hiện nay của tôi. Như thế tôi cần phải tự vấn: niềm tin của mình đang ngủ vùi, chìm đắm, hay tỉnh thức hoạt động? Nó đang sống hay đã chết tiệt rồi?

Cách đây không lâu, trên chương trình truyền hình Public Eye có trình chiếu một vụ xử án rất cảm động. Số là cách đây 19 năm, một tài xế xe truck say rượu đã gây ra tai nạn và làm cho em bé tên Josehp V. mới được một tuổi phải mang thương tật suốt đời.

Suốt 19 năm qua, bé Joe, nay là một thanh niên 20 tuổi, đã phải sống trong cay đắng tủi hờn. Đi đâu cũng bị kinh tởm ruồng rẫy. Gia đình cũng đã phải chia sẻ nỗi đau khổ không kém.

Mới đây, người tài xế, sau thời gian dài lẩn trốn, đã bị bắt lại và đem ra xét xử. Tại toà, trước khi vị chánh án buộc tội, các nạn nhân và những người liên hệ được phép tiến lên phát biểu cảm tưởng, trong đó có anh Joe. Nhiều tâm tư—căm thù, uất hận, thương cảm—đã được phát biểu, nhưng có ba tâm tư đã làm cho tôi khó quên.

Người bố của anh Joe tiến lên trước toà và nói: "Trong suốt 19 năm qua, tôi không biết nên cầu cho con tôi sống hay xin cho nó chết. Cầu cho sống thì quả là đau khổ cho nó quá, bởi vì sau khi tại nạn xảy ra hai cánh tay con tôi bị cắt cụt, chỉ có khúc xương và cục thịt lủng lẳng ở hai đầu cánh tay. Gương mặt bị phỏng nặng và biến dạng. Môi cũng như mí mắt không còn nữa. Da thì chảy ra nên không còn hình thù của một gương mặt con người, đến nỗi các đứa bé khác khi nhìn vào thì tưởng là nó đeo mặt nạ. Bước đến đâu con tôi cũng bị kinh tởm hất hủi. Cho nên tôi không biết có nên cầu cho nó sống không. Còn cầu cho chết thì tôi không thể, vì tôi là người tin Chúa, nên tôi không thể cầu cho ai chết được hết".

Đến phiên người mẹ của Joe bước lên trước máy vi âm. Bà nói: "Trong suốt 19 năm qua tôi đã phải đau cái nỗi đau của con tôi. Ví dụ lúc được 5 tuổi Joe hỏi tôi: ‘Mẹ ơi khi nào thì các ngón tay của con mọc ra hả mẹ?’ Hay lúc được 8 tuổi, bé đã thắc mắc: ‘Mẹ ơi, sao da của con không được trơn như của mẹ hay của mấy em vậy?’" Người mẹ vừa thổn thức vừa nói tiếp: "Tôi không biết phải trả lời thế nào chỉ biết ôm lấy con tôi mà khóc, mà thương nó thôi."

Cuối cùng anh Joe cũng tiến lên để nói những lời có tính cách quyết định cho bản án. Anh hướng về phía người tài xế và nhẹ nhàng nói: "Thưa ông, nếu không có đức tin thì có lẽ tôi đã kết thúc đời mình từ lâu rồi. Đời tôi sẽ bị kết thúc bởi sự chối từ kinh tởm của người khác, hoặc khi tôi chợt nhìn vào trong gương và thấy được nét mặt kinh khủng của mình. Nhưng tôi không muốn hủy diệt đời mình trong sự thù hận ghen ghét. Tôi không thù ông, không giận ông và cũng không kết án ông. Tôi chỉ xin nói với ông một điều cuối cùng này: bất cứ chuyện gì có xảy đến thì cũng hãy biết rằng ơn phúc của Thượng đế vẫn hằng tràn đầy trên chúng ta, vì Ngài yêu thương chúng ta."

Tôi tự hỏi: Do đâu mà một chàng thanh niên đầy bất hạnh lại có thể nói lên được những lời đầy khích lệ, yêu thương và tha thứ như vậy? Nhờ đâu mà cha mẹ anh Joe có thể can đảm cảm thông và gánh vác nổi đau khổ của đời mình và đời con như vậy? Tựa vào đâu mà họ có được sức mạnh để yêu thương và duy trì sự sống chứ không tận diệt hay khước từ như vậy?

Câu trả lời duy nhất chính là nhờ vào đức tin—một đức tin tỉnh thức và sống động, một đức tin được tôi luyện qua năm tháng và những bước thăng trầm trong cuộc đời. Những câu nói của ba con người trên kia đã xác quyết điều đó.

Thế giới, gia đình và lương tâm của nhiều người đang ngủ vùi trong hận thù, chôn sâu trong chiến tranh, sa đoạ trong các đam mê hưởng thụ trần tục. Chính vì sự hưởng thụ thiếu ý thức và vô trách nhiệm của người tài xế kia đã gây nên bao khổ đau cho người khác, nhưng chính nhờ niềm tin vào chân lý yêu thương mà người ta đã tồn tại để xoa dịu bao nhiêu u sầu và đem lại hạnh phúc cho nhiều tâm hồn.

Hạnh phúc và sự sống phát xuất từ niềm tin tỉnh thức như vậy chắc chắn không bị chấm dứt với cái chết, không bị đi vào hư không trống rỗng, cũng chẳng phải đầu thai kiếp này hay kiếp khác, nhưng sẽ tồn tại đến muôn đời trong tình yêu cua Thiên Chúa.

 

41.Phải sẵn sàng

(Suy niệm của Lm. Trầm Phúc)

Trong đời sống của người tín hữu, có một điều nghịch lý là “đầu đội trời, chân đạp đất”. Sống trong trần gian mà quê hương là Nước Trời. Chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta như thế và Ngài đã từ trời đến với chúng ta trong trần gian này để nói cho chúng ta biết điều đó và Ngài đã về trời, “ngự bên hữu Chúa Cha”, chứng minh cho chúng ta thấy, quê hương thật của chúng ta là nơi Ngài chứ không ở trong quả đất khổ lụy này.

Nếu quê hương thật của chúng ta là Nước Trời thì trần gian này là gì? Là một nơi sống tạm, một đoạn đường phải vượt qua. Thân phận chúng ta là lữ hành. Chúng ta không bám vào cái gì được cả, vì mọi sự đều mau qua, chóng tàn và luôn thay đổi. Không có gì bảo đảm cho chúng ta cả.

Là lữ hành, chúng ta không thể dừng chân, dù muốn dù không chúng ta cũng phải đi thôi.

Nhưng đi về đâu?

Đi về miền ánh sáng diệu huyền mà Chúa Giêsu là người dẫn đường về “Nước mà Cha chúng ta đã vui lòng ban cho chúng ta”.

Thời nay, muốn đi đâu, chúng ta có đủ phương tiện xe cộ và có thể chở theo tất cả những gì mình muốn. Nhưng chuyến đi về Đất Hứa không có phương tiện nào cả, phải đi bộ. Đường dài, đi bộ, thì chúng ta mang theo được gì? Vì thế, Chúa Giêsu căn dặn chúng ta trước: “Hãy bán tài sản của anh em mà bố thí. Hãy sắm sẵn những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt, nơi kẻ trộm không bén mãng, mối mọt không đục phá”.

Chúng ta luộm thuộm đủ thứ ở trần gian: tiền bạc, tiện nghi… Chúa bảo: muốn đạt đến Nước Trời phải đi tay không, bố thí tất cả.

Chúa đưa ra điều kiện quá gắt gao, không thể thực hiện được! Bố thí thì phần nào thôi chứ! Cần phải sống nữa chứ!

Chúa muốn nói rằng Nước Trời quí báu hơn bất cứ cái gì ở trần gian, hơn của cải, tiền bạc, hơn cả mạng sống. Ngài cũng đã nói: “Ai liều mạng sống mình vì Nước Trời thì sẽ tìm được mạng sống…”

Chúng ta dám liều cho đi tất cả để được Nước Trời không?

Chắc không mấy người dám liều, nhưng nhiều người đã dám. Thánh Matthêu là một người thu thuế, tham nhũng, giàu có nhờ bóc lột thiên hạ, nhưng khi nghe tiếng gọi mời của Chúa, ông không ngần ngại, bỏ ngay mọi sự: bỏ cả tiền bạc, tương lai và đi theo Ngài.

Thánh Phanxicô Assisi, một thanh niên con của một đại gia giàu nhất thành Assisi, ngày ngày vui chơi với bạn bè, nhậu nhẹt, ca hát, tiền luôn đầy túi, nhưng khi đã nghe tiếng gọi trong tâm hồn, anh đã bỏ hết mọi sự để đi theo Chúa và sống hoàn toàn nghèo khó.

Nhìn vào các thánh, chúng ta thấy biết bao nhiêu người đã từ bỏ tất cả để theo Chúa.

Các thánh tử đạo dâng hiến cả mạng sống mình cho Chúa.

Đó chỉ là một vài ví dụ. Tại sao các ngài có can đảm để làm như thế? Vì họ có một túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không hao hụt”…

Kho tàng đó là gì? Và ở đâu? Nơi trần gian này hay ở chốn trời cao?

Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta biết, kho tàng tồn tại không ai cướp được, đó chính là Ngài. Phải buông bỏ mọi sự để gắn bó với Ngài, chúng ta mới hạnh phúc, chỉ có Ngài thôi. Ai trong chúng ta không biết điều đó, nhưng thường chúng ta hay bắt cá hai tay. Chúng ta muốn đoạt cả kho tàng trần gian và cả kho tàng thiên quốc. Chúa Giêsu không thể chấp nhận thái độ nước đôi đó. Ngài đòi hỏi tuyệt đối.

Trong tình yêu, người yêu chỉ có một. Không thể yêu hai người một lượt được. Đó chỉ là tình yêu giả dối thôi.

Kho tàng không hư nát của chúng ta chỉ có một và không có gì có thể thay thế. Phải buông bỏ của cải trần gian để chọn một mình Chúa. Những người dám theo Chúa sẽ không bao giờ thất vọng, nhưng tràn đầy bình an và hạnh phúc.

Chúa Giêsu cho chúng ta một dụ ngôn khác nhấn mạnh hơn bài học của Ngài: người đầy tớ tỉnh thức chờ chủ về. Nếu Chúa là niềm vui và hạnh phúc của chúng ta thì chờ đợi Ngài là một điều tất nhiên.

Một cô dâu hay chàng rể có thể ngủ được không khi ngày mai là đám cưới? Họ sẽ tỉnh thức và mong trời mau sáng.

Chúa Giêsu đòi buộc chúng ta tỉnh thức vì không có hẹn trước. Ông chủ về có thể là nửa đêm hay sau nửa đêm. Nếu người đầy tớ vẫn tỉnh thức thì phúc cho y. Chủ sẽ thưởng công bằng cách đãi cho đầy tớ ấy một chầu và chính ông chủ sẽ dọn đồ ăn, rót rượu cho đầy tớ.

Ông chủ nào tốt đến thế?

Nhưng chúng ta có một ông chủ tốt hơn bội phần. Ngài sẽ đãi chúng ta một bữa tiệc đặc biệt hơn, Ngài đãi chúng ta bằng chính Thịt máu Ngài: “Này là mình Thầy, hãy cầm lấy mà ăn…”

Bữa tiệc này là phần thưởng lớn lao dành cho những đầy tớ luôn sẵn sàng phục vụ: “Ông chủ sẽ đặt người đầy tớ ấy coi sóc tất cả gia sản mình”, tài sản ấy chính là Ngài.

Ăn lấy Ngài, chúng ta sẽ chiếm lấy Ngài, làm một với Ngài. Đó là kho tàng quí báu mà thế gian không thể có được.

Nhưng Thiên Chúa của chúng ta là Đấng mà chúng ta không thể nắm trong bàn tay. Ngài đến với chúng ta một cách thiết thực như thế, nhưng chúng ta vẫn không thể chiếm lấy Ngài. Ngài sống trong chúng ta, làm một với chúng ta, nhưng chúng ta vẫn khao khát Ngài, vẫn cảm thấy mối tình của chúng ta chưa trọn vẹn.Vì thế, càng ăn lấy Ngài, chúng ta càng cảm thấy cần Ngài hơn, vẫn tiếp tục đợi chờ Ngài. Tổ phụ Abraham đã nhận được lời hứa sẽ là cha nhiều dân tộc. Ông vẫn đợi chờ cho đến khi rời bỏ trần gian mới thấy lời hứa được thực hiện.

Chúa Giêsu đãi chúng ta bữa tiệc Mình Máu Ngài ở trần gian, Ngài vẫn chưa thỏa mãn được ước mơ của chúng ta. Ngài muốn khơi lên trong chúng ta một khao khát triền miên, cho đến khi chúng ta dự tiệc Chiên Con trên trời.

Sự khao khát này là khao khát của tình yêu, thúc giục chúng ta luôn tìm kiếm, tỉnh thức, không chểnh mãng, không chạy theo những yến tiệc trần gian luôn mời gọi.

Chỉ có Ngài mới thỏa mãn con tim của chúng ta. Trần gian vẫn mời gọi. Yến tiệc trần gian chỉ đem lại nhàm chán. Chỉ có Chúa Giêsu mới mang lại sự sung mãn tuyệt vời thôi: “Ai uống nước này sẽ còn khát, còn ai uống nước Ta ban sẽ không bao giờ khát nữa”. Đừng tìm nơi đâu hạnh phúc ta khao khát. Hãy tỉnh thức chờ Ngài qua đêm tối trần gian, Ngài sẽ trở lại như Ngài đã hứa… Và chúng ta sẽ cùng Ngài hát khúc tạ ơn bất tận.

 

42.Chúa Nhật 19 Thường Niên

(Suy niệm chú giải Lời Chúa của Lm. Inhaxiô Hồ Thông)

Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật XIX Thường Niên năm Ca mời gọi mỗi người chúng ta trung tín với niềm tin, trung tín với niềm hy vọng, trung tín với sự phục vụ.

Kn 18: 6-9

Tác giả sách Khôn Ngoan nêu lên đêm giải phóng khỏi cảnh đời nô lệ bên Ai-cập, đó là đêm dân Do thái, trung tín với tôn giáo tổ tiên mình, cử hành lễ Vượt Qua. Nhờ lòng tin, họ được vào Đất Hứa.

Dt 11: 1-2, 8-19

Thư gởi cho các tín hữu Do thái nhắc lại những mẫu gương đức tin của các thánh nhân thời Cựu Ước: họ đã xác tín rằng những lời hứa Thiên Chúa ban có liên quan đến những thực tại tinh thần và đã cảm thấy mình là những lữ khách trên đường về Thiên Quốc.

Lc 12: 32-48

Tin Mừng Lu-ca cho người tín hữu bí quyết gia nhập Nước Trời: trung tín phụng sự Thiên Chúa cho đến cùng. Những tôi trung sẽ được dự phần vào Bàn Tiệc cánh chung, ở đó Thiên Chúa sẽ đích thân phục vụ họ.

BÀI ĐỌC I (Kn 18: 6-9)

Sách Khôn Ngoan là sách muộn thời nhất trong số những sách Cựu Ước. Sách được soạn thảo ở thành phố A-lê-xan-ri-a, Ai-cập, vào giữa thế kỷ thứ nhất trước Công Nguyên.

1. Bối cảnh:

Vào lúc đó, thành phố A-lê-xan-ri-a là chiếc nôi rực rỡ nhất của nền văn minh Hy-lạp. Thành phố này cũng là thành phố quan trọng bậc nhất của kiều bào Do thái Hải Ngoại vì số lượng người Do thái đông đúc cư ngụ ở đây. Tác giả sách Khôn Ngoan ngỏ lời với đồng bào của ông bằng Hy-ngữ, họ không còn biết tiếng Híp-ri. Ông bận lòng về sức quyến rũ mà nền văn hóa Hy-lạp ảnh hưởng trên đồng bào của ông. Ông muốn cho họ thấy rằng Đức Khôn Ngoan phát xuất từ Thiên Chúa trổi vượt tất cả mọi khôn ngoan phàm nhân.

Tội bội giáo còn có chiều hướng gia tăng vì chính sách tôn giáo của chính quyền. Đây là sự kiện hiếm hoi trong lịch sử Ai-cập vào thời nhà Pơ-tô-lê-mai cai trị. Pơ-tô-lê-mai VII (146-117 tCn) và nhất là Pơ-tô-lê-mai VIII (117-81 tCn) đã từ bỏ chính sách tự do tôn giáo trước đây mà quay ra quấy nhiễu và bách hại người Do thái. Vì thế, tác giả kêu gọi người Do thái hãy trung tín với tôn giáo tổ tiên của mình. Đó là ý nghĩa bản văn mà chúng ta đọc vào Chúa Nhật này.

2. Đêm Vượt Qua, đêm giải phóng:

Tác giả đã công kích đa thần giáo và thờ ngẫu tượng của dân Ai-cập, vào thời kỳ dân Do thái ở giữa họ. Cuối cùng đêm giải phóng vĩ đại đã đến. Sau khi đã vội vả cử hành lễ Vượt Qua tại tư gia, dân Do thái đã có thể trốn thoát khỏi đất nô lệ này, trong khi Thiên Chúa giáng phạt trên những kẻ áp bức họ. Cuộc xuất hành khỏi Ai-cập, dưới dấu chỉ của lễ Vượt Qua, đã luôn luôn được xem như biến cố tái sinh dân Ít-ra-en, biến cố sinh thành dân Chúa chọn. Vào giờ phút đó, họ ý thức về căn tính tôn giáo đặc thù của mình. Tác giả thắp sáng niềm tin của các bậc tiền nhân, họ đã tin vào những lời hứa ban cho tổ phụ Áp-ra-ham và đã thấy chúng được ứng nghiệm ở nơi việc họ được giải thoát khỏi ách nô lệ bên Ai-cập.

Niềm vui cứu độ và sự tác động của ân sủng quy hướng về Thiên Chúa, Đấng tôn vinh dân Ngài và giáng phạt kẻ thù của họ; nhưng nhất là, tác giả nhấn mạnh đức trung tín của những người công chính này đối với tôn giáo tổ tiên:

“Con lành cháu thánh của những người lương thiện,

âm thầm dâng lễ tế trong nhà” (Kn 18: 9a).

Câu này ám chỉ đến sự kiện theo đó lễ Vượt Qua là một ngày lễ được âm thầm cử hành tại tư gia, nhưng cũng ám chỉ đến việc Pha-ra-ô cứ lần lữa từ chối để dân Ít-ra-en ra đi cử hành “lễ của họ” trong sa mạc. Vì thế, những người Ít-ra-en trung tín này đã âm thầm cử hành lễ Vượt Qua trong nhà để Pha-ra-ô không hay biết.

Thật kỳ lạ, ngay tự bây giờ, tác giả đặt quyết định phân chia đất Ca-na-an giữa các bộ tộc vào thời chinh phục:

“Họ đồng tâm nhất trí về luật sau đây của Thiên Chúa,

là trong dân thánh, có phúc cùng hưởng, có họa cùng chia” (Kn 18: 9b)

Đồng thời, ngay tự bây giờ, tác giả cũng mô tả diễn tiến việc cử hành lễ Vượt Qua vào thời sau này:

“Và ngay tự bấy giờ,

họ đã xướng lên những bài ca của cha ông truyền lại” (Kn 18: 9c).

Quả thật, chỉ sau này mà việc cử hành lễ Vượt Qua sẽ được kết thúc với việc hát “Hallel”, nghĩa là xướng lên các bài thánh vịnh ngợi khen.

3. Sứ điệp:

Tác giả sách Khôn Ngoan mời gọi đồng bào của ông “ôn cố tri tân”, nhớ lại những việc đã qua mà hiểu biết những việc hiện tại. Chính họ cũng đang sống ở đất Ai-cập ngoại giáo, ở đó việc thờ ngẫu tượng diễn ra hằng ngày. Chính họ cũng đang sống ở đất Ai-cập, ở đó chính quyền cũng quấy nhiễu và áp bức họ. Thật ra, không cốt rời bỏ đất nước này, nhưng noi gương các bậc tiền nhân của mình về lòng mộ đạo và trung tín của các ngài đối với tôn giáo tổ tiên. Họ cũng phải là “con lành cháu thánh của những người lương thiện”. Họ đừng quên đêm giải phóng vĩ đại đem lại ý nghĩa như thế nào trong Lịch Sử Thánh của họ, đêm đã làm cho Ít-ra-en thành một dân biệt phân, dân được Thiên Chúa cam kết rằng Ngài ân cần chăm sóc họ một cách đặc biệt.

BÀI ĐỌC II (Dt 11: 1-2, 8-9)

Trong bốn Chúa Nhật liên tiếp, phụng vụ đề nghị cho chúng ta những đoạn trích Thư gởi tín hữu Do thái. Trong suốt năm phụng vụ trước, năm B, chúng ta đã đọc những đoạn trích dài của thư này. Trong năm phụng vụ này, năm C, khởi đi từ Chúa Nhật XIX chúng ta đọc phần cuối, phần liên quan đến đức tin.

1. Bối cảnh:

Xin nhắc lại rằng Thư gởi tín hữu Do thái đã được một tác giả vô danh, chắc chắn là một môn đệ của thánh Phao-lô, soạn thảo vào năm 65. Có nhiều tư tưởng rất thân cận với tư tưởng của thánh Phao-lô, nhưng chủ đề trọng tâm: hy tế của Đức Ki-tô, không là tư tưởng của thánh Phao-lô. Người nhận thư là những người Ki-tô hữu gốc Do thái, họ phải hứng chịu những cuộc quấy nhiễu và bách hại. Đoạn văn trước đoạn văn của chúng ta ám chỉ đến điều này: “Xin anh em nhớ lại, những ngày đầu: lúc vừa được chiếu sáng, anh em đã phải đối phó với bao nỗi đau khổ dồn dập. Khi thì anh em bị sỉ nhục và hành hạ trước mặt mọi người, khi thì phải phải liên đới với những người cùng cảnh ngộ. Quả thật, anh em đã thông phần đau khổ với những người bị tù tội, và đã vui mừng để cho người ta tước đoạt của cải, bởi biết rằng mình có những của vừa quý giá hơn vừa bền vững” (Dt 10: 32-34). Bị trục xuất, bị tước đoạt của cải, họ nao núng; thậm chí vài người, vì nỗi luyến nhớ những phụng tự xưa, toan tính bỏ cuộc, vì thế tác giả đã khuyên bảo: “Chúng ta đừng bỏ các buổi hội họp, như vài người quen làm” (Dt 10: 25) và “Phần chúng ta, chúng ta không phải là những người bỏ cuộc để phải hư vong, nhưng là những người có lòng tin để bảo toàn sự sống” (Dt 10: 39).

2. Bản chất của đức tin:

Đối với các Ki-tô hữu xuất thân từ Do thái giáo này, quen thuộc với Kinh Thánh, tác giả gởi đến họ những lời khuyên nhũ của mình bằng ngôn từ Kinh Thánh. Ông phác họa bức tranh về những chứng nhân đức tin mà Cựu Ước xem như những vị anh hùng. Trước hết, ông định nghĩa bản chất của đức tin một cách ngắn gọn nhưng súc tích: “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng của những điều ta không trông thấy”.

Câu này, được các nhà thần học lấy lại nhiều lần, đã trở thành một trong những định nghĩa kinh điển về đức tin. Đức tin hoàn toàn hướng về tương lai, nghĩa là, về những thực tại không trông thấy được. Câu này được cấu trúc theo thể loại “đối xúng đồng nghĩa”, nghĩa là hai vế đối xứng với nhau và diễn tả hai khía cạnh của cùng một thực tại. Như vậy, “những điều ta hy vọng” được xác định ở về thứ hai: “những điều ta không trông thấy”. Cũng một cách như vậy, sự “bảo đảm” được xác định bởi “bằng chứng” mà niềm tin vào những điều không trông thấy ban cho.

3. Gương của các tiền nhân:

Quả thật, tác giả không nhằm định nghĩa đức tin cho bằng giải thích thái độ của các tiền nhân. Nguyên lý hướng dẫn cuộc sống của họ là niềm tin vào những lời hứa mà họ đã biết nhận ra những thực tại tinh thần. Ông Áp-ra-ham, người mà Thiên Chúa đã hứa ban cho ông đất làm gia nghiệp vẫn là một kiều cư, vì ông biết rằng lời hứa này là niềm hy vọng về một quê hương không trông thấy được. Thiên Chúa hứa với vị tổ phụ hiếm muộn này ban cho ông một hậu duệ đông đúc không kể xiết là để cho ông hiểu rằng bên kia đứa con của mình, lời hứa nhắm đến một hậu duệ thuộc trật tự tinh thần, vân vân.

Tác giả dẫn chứng nhiều mẫu gương. Như vậy, tác giả muốn giúp những ai đang chao đảo trong đức tin hiểu rằng trong đêm thử thách của họ, đức tin là ánh sáng nuôi dưỡng niềm hy vọng, và với tư cách những người lữ khách trên cõi trần này, sự kiên tâm bền chí của họ sẽ dẫn đưa họ đến Thiên Quốc.

TIN MỪNG (Lc 12: 32-48)

Trong sách Tin Mừng của mình, thánh Lu-ca nhiều lần bày tỏ khuynh hướng và mối quan tâm của mình đối với Giáo Hội, thái độ này thúc đẩy thánh nhân sau này viết sách Công Vụ. Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, thánh ký tập hợp những lời nói khác nhau của Đức Giê-su với bốn dụ ngôn: “các đầy tớ tỉnh thức” (12: 35-38), “tên trộm ban đêm” (12: 39-40), “viên quản gia trung tín hay bất trung” (12: 41-46) và “đầy tớ bị phạt nhẹ hay nặng tùy mức độ hiểu biết ý chủ” (12: 47-48). Giáo huấn này Đức Giê-su ngỏ lời đặc biệt đến các môn đệ, “đoàn chiên bé nhỏ” này, họ được hứa ban Nước Trời và sẽ là nhân tố của Giáo Hội Ngài (12: 32-34). Giữa những lời này, chúng ta đọc thấy một trong những lời khác thường nhất của Chúa Giê-su mà các thánh ký khác đã không bao giờ trích dẫn: “Chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến tận bên mà phục vụ”. Hạt trân châu này ở trung tâm bản văn và chiếu sáng bản văn một cách rực rỡ.

Thánh Lu-ca luân phiên nhắm đến Giáo Hội tại thế và Giáo Hội của những người được tuyển chọn.

1. Lời hứa ban Nước Trời:

“Hỡi đàn chiên nhỏ bé, đừng sợ”. Đây là những lời thân thương trìu mến, vì quả thật các môn đệ còn quá nhỏ bé về tầm cở, về số lượng, về quyền thế, về học thức… Đây cũng là những lời Kinh Thánh, vì lẽ hình ảnh mục tử trong Kinh Thánh thường có cung giọng Mê-si-a, như Mk 2: 12-13: “Ta sẽ quy tụ cả nhà Gia-cóp, sẽ tập hợp số còn sót của nhà Ít-ra-en, sẽ góp chúng lại như đàn chiên trong chuồng, như đàn vật giữa đồng cỏ, khiến chúng không còn sợ ai nữa. Người mở đường đưa chúng tiến lên, chúng chọc một lỗ hỗng, đi qua cổng và ra ngoài. Đức Chúa, Vua của chúng đi qua trước, chính Người sẽ dẫn đầu”, hay Ed 34: 31: “Phần các ngươi, hỡi các chiên của Ta, các ngươi là đàn chiên trong đồng cỏ của Ta. Các ngươi là phàm nhân, còn Ta là Thiên Chúa các ngươi”.

Đàn chiên nhỏ bé này đón nhận lời hứa ban sự sống đời đời: “Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em”. Những điều kiện gia nhập Nước Trời được xác định liền ngay: đức nghèo khó và tư thế tỉnh thức.

2. Đức khó nghèo:

Đàn chiên nhỏ bé phải nêu gương về đức nghèo khó: “Hãy bán tài sản của mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời”. Bản văn theo sau giống với bản văn Mát-thêu (6: 19-21), tuy nhiên thánh Mát-thêu lại đưa bản văn này vào “bài giảng trên núi”. Tại thánh Lu-ca, lời nhắc nhở về đức nghèo khó này đến như lời kết của dụ ngôn người phú hộ dại khờ và những lời khuyên tín thác vào ơn Quan Phòng (Lc 12: 16-32).

3. Tư thế tỉnh thức:

“Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn….”. Để tiện làm việc, người Do thái thường thắc lưng áo choàng lên cho đỡ vướng víu. Thánh Mác-cô và thánh Mát-thêu đặt những lời khuyên này vào trong cái khung diễn từ của Đức Giê-su về thời cánh chung (Mt 24: 42), trong khi thánh Lu-ca đặt chúng vào trước diễn từ này, nhưng cùng theo cùng một hướng nhắm: lịch sử và cuộc sống của Giáo Hội diễn ra giữa thời gian ông chủ ra đi và trở lại.

4. Phúc cho những đầy tớ trung tín:

“Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ”. Với đàn chiên nhỏ bé, họ sẽ lan truyền sứ điệp của Ngài cho đến chấp nhận hy sinh mạng sống mình, Đức Giê-su đề cập đến lòng tín trung: lòng tín trung của họ sẽ được thưởng thật bất ngờ nhất, ngoài sức tưởng tượng của mọi người: “chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến từng người mà phục vụ”. Còn hình ảnh nào bạo dạn hơn khi trình bày Thiên Chúa đích thân phục vụ chư thánh. Dụ ngôn này thuộc riêng của thánh Lu-ca.

Chắc chắn, Chúa Giê-su đã tự nhận mình là người phục vụ. Vào buổi ăn cuối cùng với các môn đệ, trong khi các môn đệ còn bàn cãi sôi nổi với nhau xem ai là người lớn nhất, Đức Giê-su từ tốn nói với họ: “Bởi lẽ, giữa người ngồi ăn với kẻ phục vụ, ai lớn hơn ai? Hẳn là người ngồi ăn chứ? Thế mà, Thầy đây, Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ” (Lc 22: 27). Những cử chỉ và lời nói này của Chúa Giê-su, trong suốt cuộc sống tại thế của Ngài, là một cuộc đời phục vụ một cách khiêm tốn và tình bạn mà Ngài muốn đưa ra làm gương: “Con Người đến không để được phục vụ, nhưng phục vụ”. Nhưng việc trình bày Thiên Chúa đích thân phục vụ bàn tiệc thiên quốc thật khó mà tưởng tượng được, tuy nhiên phù hợp với mặc khải Tin Mừng về việc Thiên Chúa cúi xuống mà phục vụ môn đệ Ngài với trọn tấm lòng yêu thương của Ngài.

5. Giáo Hội phục vụ:

Thánh Phê-rô không hiểu rõ ý nghĩa của dụ ngôn; thánh nhân đoán rằng dụ ngôn này nhắm đến các môn đệ. Vì thế, thánh nhân nêu vấn đề: “Lạy Chúa, Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất cả mọi người?”.

Chúa Giê-su không trả lời trực tiếp câu hỏi, nhưng câu trả lời của Ngài rõ ràng là một cách thức tấn phong dành cho chính thánh nhân: “Vậy thì ai là người quản gia trung tín, khôn ngoan, mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc?... Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình”.

Chính Giáo Hội, qua thánh Phê-rô, được ủy quyền quản lý gia sản của Thầy và được ủy nhiệm nuôi dưỡng tất cả các gia nhân và cung cấp lương cho họ. Đây là một ân ban nhưng cũng mối nguy hiểm, vì dựa vào công việc này mà Thiên Chúa sẽ xét xử họ. Trách nhiệm thì đa dạng, nhưng có một mẫu số chung: mỗi người sẽ chịu hình phạt hay nhận phần thưởng tùy theo cách hành xử của mình và tùy theo mức độ hiểu biết ý Chủ: “Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn”.

home Mục lục Lưu trữ