Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 44

Tổng truy cập: 1361146

HÃY LÀM MỌI SỰ ĐỂ CÓ NƯỚC TRỜI

HÃY LÀM MỌI SỰ ĐỂ CÓ NƯỚC TRỜI

 

 

(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)

Đoạn Tin Mừng hôm nay giúp chúng ta nhìn vào bên trong để khám phá ra cái được cất giấu là Nước Trời: “Nước trời giống như kho báu chôn giấu trong ruộng” (Mt 13,44). Nói đến kho báu là chúng ta nói đến một cái gì đó có giá trị đặc biệt. Kho báu mà Chúa Giêsu nói đây được chôn giấu kỹ lưỡng trong tâm hồn của chúng ta, nơi sâu thẳm của mỗi người. Kho báu đó chính là Nước Trời. Nước Trời thôi thúc chúng ta vui vẻ đi tìm kiếm Nguồn Nước Hằng Sống, Chân, Thiện, Mỹ, và khi đã tìm thấy thì người ta vứt bỏ tất cả những gì là không cần thiết để có bằng được kho báu.

Có một số người như thánh Phaolô, và thậm trí ngay cả amh Trộm Lành cũng tìm thấy Nước Trời ngay lập tức, không cần phải suy nghĩ khi đối diện với Nước Trời, vì đường lối của Chúa là vô cùng vô hạn, nhưng để có được kho báu bí mật này, người ta phải cất công đi tìm kiếm: “Nước trời giống như người buôn nọ đi đi ngọc quí” (Mt 13,45). Những người tìm thấy kho báu được chôn giấu ấy có thể là vì họ không bằng lòng với cái vắn vỏi ở đời này.

Theo dòng thời gian, chúng ta đang nói về những người lo lắng hay quá tham vọng ở đời, nhưng trong thế giới thiêng liêng họ là những người lành thánh. Bằng chứng là họ không ngần ngại bán tất cả những gì mình có để mua cho bằng được thửa ruộng, nói theo kiểu thánh Gioan Thánh Giá: “Để có được tất cả, bạn hãy coi những thứ mình có là chẳng có giá trị gì”.

Nước Trời, là chủ đề hạnh phúc chúng ta tìm kiếm, đôi khi có thể được tìm thấy một cách tình cờ, như người kia tìm được kho tàng khi cày ruộng. Nó cũng có thể là kết quả của cuộc tìm kiếm lâu dài, như người buôn nọ đi tìm ngọc quý (Mt 13, 45). Và khi đã tìm được kho tàng, hay viên ngọc quý rồi, điều trước tiên như Chúa Giêsu nói là bán hết những gì đang có, để mua bằng được kho tàng và viên ngọc.

Kho tàng hay viên ngọc quí ấy là chính Đức Kitô, là tình yêu của Người. Tiên vàn hãy tìm kiếm Chúa Kitô trước đã. Điều ấy không phải là dễ, vì quanh chúng ta còn có quá nhiều ràng buộc, ngăn cản chúng ta gắn bó với Đức Kitô. Chúa Giêsu hỏi chúng ta dành cho Người tình yêu trên hết, chúng ta phải là kitô hữu 100%.

Chúa Giêsu tuyên bố: “Không ai có thể làm tôi hai chủ” (Mt 6,24). Chỉ có “kho tàng trên trời” chúng ta mới có thể lựa chọn để gửi gắm lòng mình: “Vì kho tàng ngươi ở đâu, thì lòng ngươi cũng ở đó” (Mt 6, 20s). Thánh Phaolô nói rõ: “Nước quê ta là trời cao” (Ph 3,20).

Để có Đức Kitô, hay để có được Nước Trời cần phải dứt bỏ tất cả như Chúa Giêsu gọi mời: “Nếu ai muốn đi sau Ta, thì hãy chối bỏ chính mình, hãy vác lấy khổ giá của mình và hãy theo Ta” (Mt 16,24). Và chỗ khác Người nói: “Nếu ngươi muốn được trọn lành, thì hãy đi bán những gì ngươi có mà cho kẻ khó”, sau cùng Người thêm: “đoạn hãy đến theo” (Mt 19,21). Không những thế còn phải phấn đấu, “bán mọi của cải mà mua viên ngọc ấy”. Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta rằng không thể có được Nước Trời, nếu chúng ta không từ bỏ tất cả những gì chúng ta đang có: vinh quang, giầu có, địa vị và tất cả những sự tìm kiếm khác.

Qua dụ ngôn chiếc lưới thả dưới biển, bắt được mọi thứ cá, (Mt 13, 47) Chúa Giêsu cảnh báo. Đừng có lựa chọn và hành động nửa vời: cần phải hoán cải và tách mình ra khỏi tội lỗi là những thứ ngăn cản chúng ta đi tìm Thiên Chúa và Nước Trời.

Chúng ta hãy nài xin Chúa Giêsu, nhờ lời Đức Mẹ, ban cho mỗi người ơn can đảm vứt bỏ tội lỗi, ma quỉ, thế gian và xác thịt như chúng ta vẫn tuyên xưng vào Đêm Vọng Phục Sinh, và cam kết chọn Chúa Giêsu là lẽ sống của chúng ta, đồng thời cố gắng làm mọi sự có thể để có được Nước Trời. Amen.

 

24. Kho báu Nước Trời là Đức Kitô

(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)

Xuyên suốt trong các Chúa Nhật vừa qua, hình ảnh nổi bật trong các bài Tin mừng là ruộng đất. Từ hạt lúa gieo trên ruộng đồng đến lúa tốt và cỏ lùng chen vai mọc lên trên ruộng đất, và Chúa nhật hôm nay là kho báu chôn giấu trong ruộng lúa.

Palestine là miền đất có nhiều tranh chấp và nguy hiểm rình rập: chiến tranh, bệnh tật, nạn dịch, đói khát, cướp bóc, nô lệ…hay bất cứ một sự bất hạnh nào cũng có thể lấy mất tài sản và cuộc sống của người dân. Nhiều người đã chôn giấu của cải dưới đất, hy vọng rằng một ngày nào đó sẽ trở lại, nhưng có nhiều người ra đi vĩnh viễn. Do đó, người ta thường tìm thấy kho tàng.

Dụ ngôn “Kho báu chôn dấu trong thửa ruộng” là một câu chuyện không có gì xa lạ với dân chúng Do Thái, bởi vì họ vẫn thường kể cho nhau nghe về một câu chuyện cổ tích tương tự như thế.

Ngày hôm ấy, Abba Giuđa đang cố gắng cày nốt thửa ruộng còn lại, thì bỗng con bò của anh ta bị ngã qụy và gãy mất một chân vì gặp phải một cái hố nhỏ. Bực mình, anh ta dừng lại vuốt những giọt mồ hôi trên trán, rồi qùy xuống nâng chân con bò lên. Đột nhiên, Đức Giavê mở mắt cho anh ta và anh ta đã nhìn thấy một kho tàng quí giá ngay trong cái hố nhỏ ấy. Anh ta tự nhủ: – Chính vì chú bò này mà mình được lợi đây.

Kho tàng ấy là của một ai đó đã chôn dấu, có lẽ từ lâu lắm, vì sợ trộm cắp, giặc giã hay chiến tranh. Anh ta cẩn thận vùi đất lại, trở về nhà, thu góp tiền bạc, bán tất cả những đồ đạc, để gom cho đủ số tiền hầu mua thửa ruộng đó, bởi vì anh ta chỉ là một nông dân nghèo đi cày thuê cuốc mướn mà thôi.

Dĩ nhiên, anh ta mua được thửa ruộng ấy, dù với một giá hơi mắc, nhưng anh ta trở thành triệu phú, bởi vì luật pháp đã qui định: kể từ ngày làm chủ mảnh đất, anh ta cũng làm chủ tất cả những gì có trong mảnh đất ấy.

Có lẽ Chúa Giêsu đã lấy chính câu chuyện bình dân này để nói về Nước Trời.

Ý nghĩa của dụ ngôn, chính là thái độ của người nông dân: tìm được kho tàng, anh ta rất vui mừng, vội chạy về nhà, tìm đủ mọi cách như bán tất cả đồ đạc, thậm chí kể cả việc vay mượn bà con lối xóm, để có đủ tiền mua thửa ruộng ấy. Hành động của anh ta thật khôn ngoan, nhanh nhẹn và hợp lý. Anh đã dám liều, dám hy sinh tất cả vì kho tàng quí giá ấy.

Dụ ngôn “Viên ngọc quý”: thương gia khi đã khám phá ra viên ngọc quý, đã bán tất cả những gì mình có để mua cho được viên ngọc ấy. Đây là một sự lựa chọn đáng ca ngợi và khích lệ.

Dụ ngôn “Kho báu chôn trong ruộng” và “Viên ngọc quí” diễn tả sự cao trọng, sự vô giá của Nước Trời, không có cái gì, không có vàng bạc hay tài năng nào sánh được. “Kho báu” và “Viên ngọc quý” ở đây, là chính Đức Giêsu Kitô, Ngài là đối tượng lớn nhất, là niềm vui, là hạnh phúc để chúng ta tìm kiếm và sở hữu. Không có gì đẹp hơn là tìm biết Đức Kitô. Có Ngài, chúng ta có tất cả! Nói như Thánh Phaolô hôm nay là: trong Người, chúng ta “những người theo dự định của Chúa, được kêu gọi nên thánh”, trở nên giống với hình ảnh Chúa Con, trở nên giống Đức Kitô. Như thế, lời mời gọi nên thánh, chính là trở nên giống Đức Kitô, sống theo Đức Kitô, là đạt đến Nước Trời.

  1. Nước Trời có một giá trị tối thượng

Chúa Giêsu nói về kho báu và viên ngọc mà người cày ruộng và thương gia dám bán tất cả những gì họ có để mua lấy. Bởi đó là giá trị tối hậu mang lại hạnh phúc và ý nghĩa cho cuộc đời họ. Đó là điều làm cho họ hân hoan vui sướng, dám đánh đổi tất cả mọi sự trên trần gian để có nó (GLCG # 546).

Tính chất cao quý nầy được các bài đọc Sách Thánh hôm nay làm nổi bật bằng cách đưa ra những so sánh ví von.

Cao quý như sự khôn ngoan được vua Salômon coi trọng hơn phúc lộc thọ của ngai vàng (bài đọc 1). Salômon kế vị Vua cha là Đavít. Salômon nhận rõ mình “trẻ người non dạ” và những hạn chế của bản thân trước trọng trách làm vua. Salômon được Thiên Chúa yêu thương, ân ban cho ông được quyền xin ơn gì ông cần. Salômon không xin giàu có, không xin vinh quang và cũng không xin trường thọ. Salômon xin ơn khôn ngoan để hướng dẫn dân được tuyển chọn đúng theo đường lối của Chúa. Điều ông xin làm hài lòng Thiên Chúa và ông được nhậm lời. Salômon trở nên một vị vua tài trí bậc nhất trong thiên hạ. Sự khôn ngoan của ông vượt ra khỏi biên giới Israel. Trước ông, không ai như ông và sau ông, không ai bằng ông.

Cao quý như lề luật được Dân Chúa coi trọng tựa Nguồn Sáng dẫn lối (bài đọc 2). Cao quý như “Kho báu chôn trong ruộng” như “Viên ngọc quý”.

Nước Trời là một ân ban cao quý Thiên Chúa dành cho mọi kẻ kiếm tìm.

  1. Chọn lựa và quyết định.

Sau khi đã nhận ra kho báu, người cày ruộng lẫn người buôn ngọc đều đã biết cái gì quan trọng, họ phải chọn lựa và đi đến một quyết định.

Là Kitô hữu, môn đệ Chúa Giêsu, chúng ta tìm kiếm cái gì?

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta phải biết chọn lựa giữa những cám dỗ mời mọc của trần thế: ‘Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm…Trước hết, hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.” (Mt 6,31-33).

Sách Giáo lý Công giáo cũng khuyên dạy: “Chúa Giêsu kêu gọi mọi người vào Nước Trời qua những bài dụ ngôn của Ngài, nét đặc trưng của việc giảng dạy của Ngài. Qua các dụ ngôn này, Ngài mời người ta tới dự tiệc của Nước Trời, nhưng Ngài cũng đòi hỏi người ta một sự chọn lựa triệt để: để được nước Trời, người ta phải cho tất cả, và lời nói không đủ, còn cần phải có những hành vi” (GLCG # 546).

Nước Trời đòi buộc phải hy sinh, một khi đã khám phá ra, phải bán tất cả những gì mình có. Đây là một chọn lựa dứt khoát, quyết liệt, không dễ dàng. Sự từ bỏ theo Chúa Giêsu, chính là thái độ dấn thân vì Nước Trời. Tìm thấy Nước Trời, thấy được giá trị cao quí của Nước Trời, cho nên mới can đảm hy sinh từ bỏ tất cả để có được. Người nông dân bán tất cả để mua cho được mảnh ruộng có kho báu; vị thương gia bán tất cả tài sản để mua cho bằng được viên ngọc qu, là hình ảnh nói lên việc phải dứt khoát chọn lựa Nước Trời.

3.Tìm được Nước Trời là niềm vui cuộc đời

Người nông dân, vị thương gia, đều vui mừng khi tìm được kho báu hay viên ngọc quí. Cũng vậy, thái độ của người đã gặp Chúa, đã khám phá ra Nước Trời trong cuộc sống, là thái độ hân hoan vui mừng. Tìm kiếm được niềm vui này mới làm cho con người có khả năng dứt bỏ mọi sự để theo Chúa. Bấy giờ, tất cả những gì trước nay ta cho là quí giá thì mất hết giá trị so với niềm vui mừng có được Thiên Chúa. Có Chúa là có tất cả. Đây là kinh nghiệm không dễ có được một khi thờ ơ không dám lên đường tìm kiếm Chúa và hạnh phúc Nước Trời. Nếu chỉ biết loanh quanh trong việc tìm kiếm của cải trần thế, thú vui xác thịt, thì sẽ không bao giờ khám phá được niềm vui Nước Trời, niềm vui trong Chúa.

Tìm kiếm Nước Trời và từ bỏ tất cả để đạt cho bằng được là niềm vui của đời Kitô hữu, chính là thái độ chọn lựa khôn ngoan. Trong Chúa, mới làm nên ý nghĩa đích thực của đời sống, nơi Chúa, mới tìm kiếm được nguồn mạch thỏa mãn mọi nỗi khát khao hạnh phúc.

Thái độ “vui mừng bán tất cả”, không phải ai cũng dễ dàng có được. Câu chuyện Phúc âm “Người thanh niên giàu có” là một ví dụ. Anh ta đã sụ mặt xuống và quay đi vì anh ta có nhiều của cải khi nghe Chúa Giêsu bảo: “Anh hãy về bán hết của cải, phân chia cho người nghèo, rồi hãy đến theo Ta…”.

Làm sao bán hết Chúa ơi khi con đã một đời vất vả tảo tần để có được cơ nghiệp như ngày hôm nay? Làm sao vui mừng để từ chối một mối tình vụng trộm mà con mới cất công xây nên? Làm sao con từ bỏ một thói đã đem lại cho con nhiều thích thú và thỏa mãn sự biếng lười? Làm sao con có thể bỏ lỡ một cơ hội kiếm tiền chỉ để giữ luật Ngày Chúa Nhật? Làm sao con có thể bố thí nhiều đến thế, cho dù con sẵn sàng bỏ ra gấp trăm ngàn lần để nhậu nhẹt mua vui? Làm sao con có thể hạ mình xuống trong khi con là đấng bậc vị vọng? Làm sao con có thể bỏ học thêm để dành cho việc học giáo lý?…Và cuối cùng, chắc con cũng sẽ sụ mặt xuống quay đi, vì con có quá nhiều tham vọng và của cải…

Cuộc đời vẫn luôn có những “chàng thu thuế Lêvi” sẵn sàng bỏ cả địa vị hái ra tiền để đi theo Đấng không có viên đá gối đầu. Vẫn còn những Giakêu, sẵn sàng chia nửa gia tài cho kẻ nghèo và đền gấp bốn những ai bị thiệt hại. Vẫn còn những Phanxicô Xaviê, Phanxicô Asissi, vẫn còn những Têrêxa Calcutta… bỏ cả cuộc đời để ra đi rao giảng Tin Mừng và phục vụ người nghèo; vẫn còn những Maximilien Kolbe, Anrê Phú Yên dám bỏ cả mạng sống để đáp đền mạng sống…

Điều quan nhất, là phải biết khám phá, trong bản thân mình, ai cũng có một kho báu quí giá. Kho báu ấy được Kinh Thánh mạc khải: Con người là “hình ảnh của Thiên Chúa”, được dựng nên “giống Thiên Chúa” (St 1,26.27; 9,6), là “con cái Thiên Chúa” (Lc 20,36; Ga 11,52; Rm 8,14.16.21; Gl 3,26; 1Ga 3,1.2.10), “được thông phần bản tính Thiên Chúa” (2 Pr 1,4).

Ý thức và xác tín những điều ấy, ta sẽ thấy phẩm giá con người hết sức cao quí. Đó là niềm vui và là hạnh phúc. Phẩm giá ấy cao quí hơn tất cả những gì mà ta có thể có được ở trần gian. Với bản chất cao cả ấy như một chìa khóa, một bí quyết, một nền tảng cần thiết, con người có thể có tất cả, nhất là có hạnh phúc đích thực ở trần gian này, và hạnh phúc vĩnh cửu mà Thiên Chúa dành cho con cái Ngài.

Trong Đức Kitô, sự khôn ngoan Thiên Chúa đã được tỏ bày qua sự yếu đuối nhân loại.

Ai chân thành với Đức Kitô, sẽ gặp thấy Ngài chính là kho báu.

Ai trung thành làm theo lời Đức Kitô, sẽ sở hữu trọn vẹn kho báu ấy.

Ai nhiệt thành gắn bó với Đức Kitô, sẽ được chia sẽ cùng Ngài kho báu hạnh phúc Thiên đàng.

 

25. Kho báu trong ruộng – Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy

Chúa Giêsu là người thợ ngọc trong câu chuyện. Chính Chúa Giêsu đã nhập thể, nhập thế và bằng cái chết của Người, Người đã mạc khải cho chúng ta Nước Trời chính là một kho báu quí giá nhất trên thế gian này.

  1. Kho báu trong ruộng thời Chúa Giêsu

Người Do Thái thời Chúa Giêsu hẳn không xa lạ gì với khái niệm kho tàng chôn giấu trong lòng đất. Lịch sử nước Palestina từng ghi nhận nhiều bước xâm lăng của các đế quốc Babylon, Assyria, Ba Tư, Hy Lạp, Rôma và nhiều sắc tộc khác. Không những thế, nội chiến cũng thường xuyên xảy ra. Trên dải đất từng bị mất đi chiếm lại nhiều lần như thế, chuyện chôn giấu tài sản là việc đương nhiên đối với dân thời loạn.

Thế nhưng làm sao tránh khỏi trường hợp chủ nhân không may mất mạng trên đường di tản, hay có người không thể nhớ ra chỗ chôn giấu, hoặc vùng đất bị giặc chiếm đóng lâu ngày. Điều này khiến cho không ít người tình cờ đào được những kho tàng quí báu ngay trên mảnh đất nhà mình. Và theo luật thời đó, ai làm chủ vùng đất nào sẽ được quyền sở hữu mọi thứ nằm trong vùng đất đó.

Đức Giêsu dùng khái niệm thông thường này để nói về Nước Trời: “Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng đó”.

Điều quan trọng là người này đã thấy đó là một kho tàng, mà kho tàng này thật quí giá, nên anh mới đem bán hết tài sản để mua thửa ruộng đó. Nếu anh không thấy được giá trị của kho báu, chắc chắn anh đã không làm như vậy.

  1. Những bước đi cần thiết để chiếm được kho báu

2.1. Chúng ta coi thường vì không biết giá trị đích thực của kho báu

Người ta có kể lại câu chuyện như sau: Vincent Van Gogh là một họa sĩ nổi tiếng thế giới. Một hôm ông bệnh nặng và phải đi bác sĩ. Sau một thời gian điều trị lâu dài, ông khỏi bệnh, nhưng vì không có tiền trả cho bác sĩ, nên Van Gogh đã cố gắng vẽ một một bức tranh để tặng bác sĩ. Nhưng bác sĩ này không thích hội họa nên cũng chẳng biết thưởng thức bức tranh. Ông dùng bức tranh đó làm tấm chắn cửa sổ. Với thời gian, nắng mưa đã làm cho bức tranh ấy hư hao dần và cuối cùng đã mục nát.

Về sau, người ta thu thập những bức tranh của Van Gogh. Mỗi bức trị giá hàng trăm ngàn đôla. Nhưng có một bức tranh không thể tìm được, đó chính là bức tranh Van Gogh đã tặng cho vị bác sĩ. Một bức tranh vô giá, nhưng nó đã thành vô giá trị đối với vị bác sĩ này.

2.2. Khi đã nhận ra kho báu phải biết buông bỏ những giá trị khác không quí bằng giá trị của kho báu

Muốn bắt khỉ, người ta cho quả táo vào cái lu, miệng nhỏ, chỉ để vừa tay con khỉ thò vào, đầu kia gắn vào gốc cây, rồi người ta ngồi rình chờ. Khỉ đến thấy quả táo ngon thì thò tay vào lấy nhưng không rút tay ra được vì vướng miệng ống. Muốn rút tay ra được thì phải buông quả táo ra, nhưng con khỉ không biết buông quả táo ra mà cứ nắm chặt lấy nó mà la hét. Người ta chỉ việc đến tóm cổ chú khỉ.

Con khỉ thật dại dột, không biết buông quả táo ra để có thể rút bàn ta ra khỏi lu mà cứ khư khư giữ lấy quả táo thì không bao giờ có thể rút tay ra được. Con khỉ không biết bỏ cái nhỏ mà chọn lấy cái lớn, không biết bỏ quả táo đi mà giữ lấy bản thân.

2.3. Điểm cuối cùng là quyết tâm theo đuổi

Đức Hồng y Martini thường kể lại câu chuyện sau đây: Có người đến gặp một vị ẩn tu trong sa mạc và hỏi:”Thưa cha, cha là người có nhiều kinh nghiệm, xin cha giải thích cho con rõ, tại sao có nhiều người trẻ vào tu trong sa mạc này, nhưng sau đó lắm người lại bỏ về, và có ít người bền đỗ”. Khi ấy, vị ẩn tu mới trả lời:” Chuyện này giống như chuyện một con chó đuổi theo con thỏ, vừa đuổi vừa sủa inh ỏi. Nhiều con chó khác nghe nó sủa và thấy nó chạy, liền chạy theo. Chẳng bao sau những con chó này đều mệt lả và ngừng lại. Chỉ có con chó đầu tiên lúc nào cũng tiếp tục chạy cho đến khi bắt được con thỏ.”

  1. Điểm quan trọng trong bài Tin Mừng hôm nay “ai là người chỉ cho chúng ta biết kho báu đó là Nước Trời”

Để nhận ra kho báu phải có người chỉ dẫn đưa đường qua câu chuyện “Ngọc bích nhà họ Hòa”.

Nước Sở có người họ Hòa, được một hòn ngọc ở trong núi, đem dâng vua Lệ Vương. Vua sai thợ ngọc xem. Thợ ngọc nói: “Đá, không phải ngọc”. Vua cho người họ Hoà là nói dối, sai chặt chân trái.

Đến khi vua Vũ Vương nối ngôi, người họ Hòa lại đem ngọc ấy dâng. Vua sai thợ ngọc xem. Thợ ngọc nói: “Đá, không phải ngọc”. Vua lại cho họ Hòa là nói dối, sai chặt nốt chân phải.

Đến khi vua Văn Vương lên ngôi, người họ Hòa ôm hòn ngọc, khóc ở chân núi Sở Sơn suốt ba ngày ba đêm đến chảy máu mắt ra. Vua thấy thế, sai người đến hỏi. Người họ Hoà thưa:”Tôi khóc không phải là thương hai chân tôi bị chặt, chỉ thương về nỗi ngọc mà cho là đá, nói thật mà cho là nói dối”. Vua bèn sai người xem lại cho rõ kỹ, thì quả nhiên là ngọc thật, mới đặt tên gọi là “Ngọc bích họ Hòa”.[1]

Chúa Giêsu là người thợ ngọc trong câu chuyện. Chính Chúa Giêsu đã nhập thể, nhập thế và bằng cái chết của Người, Người đã mạc khải cho chúng ta Nước Trời chính là một kho báu quí giá nhất trên thế gian này.

Lạy Chúa Giêsu, nước Trời là một kho báu tuyệt vời đang ẩn giấu trong những dụ ngôn trong Tin Mừng, nhưng tiếc thay, chúng con chẳng hay biết nên đã tỏ ra dửng dưng, hờ hững với kho báu ấy. Xin cho chúng con biết giá trị của Nước Trời để rồi quyết tâm khám phá cho bằng được và sẵn sàng đầu tư không quản ngại phí tổn về thời giờ và công sức để chiếm được kho báu ấy, vì một khi sở hữu được kho báu vô giá ấy, cuộc đời chúng con sẽ được cải thiện, xã hội sẽ hạnh phúc và tương lai của nhân loại sẽ bừng sáng. Amen.

______________

[1] Nguyễn Văn Ngọc, Cổ học tinh hoa, tập 1, trg. 144

 

26. Khôn ngoan đích thực – Lm Đam Trần Văn Điều

Saigon sau biến cố 1975, có nhiều chuyện bất ngờ xảy ra:

* Thập niên 1990, nền kinh tế thị trường nở rộ, dân miền quê ùn ùn kéo về thành phố với hy vọng mưu sinh kiếm sống bớt cơ cực hơn. Vành đai thành phố Saigon được quy hoạch lại, chính phủ quyết định mở rộng thành phố đến vùng Thủ Đức, Củ Chi, Duyên Hải, Cần Giờ. Các nhà đầu tư liền bỏ tiền mua đất ruộng khu vực Giồng Ông Tố, ngã ba Cát Lái, xây nhiều biệt thự cao tầng. Giá đất tăng lên vùn vụt, các nông gia phút chốc trở thành những triệu phú bất đắc dĩ nhờ việc sở hữu chủ đất vàng, “kho tàng” thửa ruộng mình.

* Sau đó một thời gian, nghe nói có dự án chính phủ sẽ xây dựng một phi trường quốc tế rộng lớn ở vùng lân cận Saigon, khu Long Thành: nhằm thay thế phi trường Tân Sơn Nhất hiện tại vốn quá nhỏ bé, chỉ đáp ứng giải quyết được các chuyến bay quốc nội. Thế là giá đất đai từ ngã ba Vũng Tàu đi về Bà Rịa đột ngột tăng cao. Nhiều cư dân sống trong vòng đai qui hoạch của phi trường mới, vô tình chiếm hữu được “viên ngọc qúi” ngay trên thổ cư bất động sản của mình.

Ngày 10/3/2008, báo chí quốc tế lại đưa tin: bà Stead, một phụ nữ 49 tuổi ở New Abbot, hạt Devon nước Anh, khi đang ăn chiếc bánh bích quy giúp tiêu hoá của hãng Mc. Vitie’s, bất ngờ cắn phải một vật lạ, nhìn kỹ ra thì đó là một viên kim cương bé tí xíu. Người phụ nữ một con thật sự ngạc nhiên nhưng tỏ ra thích thú với món quà bất ngờ này. Bà Stead đâu ngờ mình may mắn làm chủ được “viên ngọc qúi” vô tình ấy.

Những câu chuyện thời sự trên giúp ta liên tưởng đến hình ảnh người nông gia tìm thấy kho tàng được chôn giấu trong ruộng và hình ảnh người lái buôn nhận ra giá trị viên ngọc qúi trong Phúc âm hôm nay. Họ sẵn sàng bán hết tất cả những gì mình có để mua cho được viên ngọc hoặc làm chủ được thửa đất ấy. Đầu óc khôn ngoan tính toán “một vốn bốn lời” khiến họ nhạy bén được vấn đề, nhận thức được giá trị vô cùng to lớn của những sản phẩm đó.

  1. Óc khôn ngoan của người đời:

  2. Sách Các Vua quyển thứ nhất (1V.3:5.7-12) cho ta thấy: Salomon lên nối nghiệp Cha là David làm Vua dân Israel. Trẻ người, non kinh nghiệm, cai trị một vương quốc rộng lớn bao quát cả 12 chi tộc, Salomon đã cầu khẩn Giavê Thiên Chúa trợ giúp mình. Chúa hứa Vua muốn xin gì, Ngài sẽ ban cho.

Salomon không xin Chúa ban cho vợ đẹp con khôn, tiền rừng bạc biển, danh vọng nhiều năm, sống lâu trăm tuổi… vốn là những ước mơ chung con người. Ông chỉ xin Chúa một điều cần thiết là Ơn Khôn Ngoan để biết phân biệt phải trái, đúng sai, tội phúc…mà hành xử dân Chúa cách hợp lý.

Quả thật, điều ông xin rất đẹp lòng Chúa. Chúa đã ban cho Salomon một trí khôn ngoan minh mẫn, phân xử chính xác trong vụ án Con Của Ai (1V. 3,16-28). Vua lại xây một đền thờ Giêrusalem lộng lẫy để kính Chúa, tiếc rằng nó bị sụp đổ thời Israel lưu đày.

  1. Tài liệu lịch sử cũng ghi lại: Từ Hi Thái Hậu vốn là người yêu thích các loại đồ vàng ngọc, trân châu đá qúi. Năm 1895, bà đã khôn ngoan khéo léo cho xây một công trình lăng tẩm ở Đông Lăng, thuộc thành phố Tuân Hoá, tỉnh Hà Bắc, Trung Hoa. Từ Hi đã kín đáo cất tất cả vàng bạc châu báu vào trong lăng tẩm ấy, đề phòng khi chết, chúng vẫn thuộc quyền sở hữu của bà. Sau 13 năm xây dựng, ngày 18/10/1908, lăng được hoàn tất: điều độc đáo là 4 ngày sau đó, Từ Hi Thái Hậu cũng qua đời, thọ 74 tuổi. Mọi vòng vàng được chôn theo với bà. Kho tàng trong lăng tẩm tưởng rằng được ẩn giấu mãi với thời gian.

Nào ngờ 10 năm sau đó, tháng 7 năm 1928, Tôn Điện Anh, một sĩ quan quân đoàn 12 của Quốc Dân Đảng đã dùng pháo binh mở đường khai quật lăng mộ Từ Hi Thái Hậu. Khi nắp quan tài được mở ra, ánh sáng chói loà, binh sĩ thấy vàng vòng ngọc qúi đầy dẫy. Cấp lớn đua nhau lấy thứ lớn, quân lính mon men lấy thứ nhỏ. Ai cũng giàu to, thậm chí Tôn Điện Anh còn hạ lệnh lột long bào của Từ Hi, lấy sạch châu báu trên người bà.

Tin đồn binh lính Tôn Điện Anh trộm báu vật của Tứ Hi Thái Hậu đến tai Thống chế Tưởng Giới Thạch. Ông ban lệnh điều tra kẻ chủ mưu, Tôn Điện Anh khôn ngoan nhờ cấp trên đi đêm với phu nhân Tống Mỹ Linh: tặng cho vợ Tưởng Giới Thạch nhiều báu vật, trong đó có chiếc mũ phụng quán gắn viên trân châu cực lớn của Từ Hi Thái Hậu. Tôn Điện Anh còn biếu riêng Tưởng Giới Thạch một thanh Cửu Long bảo kiếm cùng nhiều báu vật khác của các bậc vua chúa triều đình Trung Hoa. Nhờ đó, ông bình an vô sự thoát khỏi án phạt hình sự.

Có người dùng khôn ngoan để đoán xét công minh chính trực, ích dân lợi nước như Vua Salomon, nhưng cũng không thiếu những kẻ sử dụng khôn ngoan như một thủ đoạn gian lận, chiếm hữu như Tứ Hi Thái Hậu, như viên sĩ quan Tôn Điện Anh của vệ binh Quốc Dân Đảng Trung Hoa.

  1. Những khôn ngoan ấy có giá trị lâu dài chăng?

  2. Salomon nổi tiếng là vị Vua khôn ngoan hơn các Vua trước ông và sau ông (1V. 3,12). Qủa thật, suốt triều đại Ngài, vương quốc Israel được thanh bình, thịnh vượng. Nữ hoàng Saba từ phương Nam tìm đến Saolomon để học hỏi. Vua xây dựng đền thờ cho Chúa ngự trị giữa muôn dân. Óc khôn ngoan giúp Saolomon lãnh đạo thành công trong việc trị nước.

Thế nhưng sử liệu còn ghi: lúc về già, nhà vua yêu nhiều phụ nữ ngoại bang, nghe theo họ mà thờ các thần ngoại, mất lòng chung thủy với Chúa (1V.11:1-8). Rõ là khôn ba năm dại một giờ. Óc khôn ngoan sáng suốt thời trai tráng nay đã nên mê muội lúc xế chiều. Salomon đã chết trong sự dại khờ say đắm, lòng Vua xa rời Chúa.

  1. Người nông dân khéo thăm dò địa chất tốt, biết rõ kho tàng chôn giấu trong ruộng. Bằng mọi cách, ông khôn ngoan thuyết phục chủ ruộng bán lại cho ông mảnh đất vàng đó. Có được kho tàng trong tay, ông nghĩ rằng cuộc đời ông từ nay sẽ giàu có, sung sướng lâu dài.

Thế nhưng cái chết đến bất thình lình, ông ra đi với hai bàn tay trắng, kho tàng ông chiếm hữu nay cũng xa lìa ông. Óc khôn ngoan tính toán đã chịu thua lưỡi hái tử thần.

  1. Người thương gia biết thẩm định giá trị viên ngọc chính xác, ông sẵn sàng hy sinh mọi của cải đang có, để mua cho được viên ngọc qúi báu. Óc khôn ngoan định mức giúp ông tự tin, luôn cho rằng mình đang đầu tư một món hàng chắc chắn sẽ có lời sau này.

Thế nhưng phải đến ngày ông từ bỏ cuộc chơi thế trần, viên ngọc qúi mà ông trân trọng gìn giữ lâu nay bây giờ cũng trở nên vô nghĩa. Cái chết đã chấm dứt mọi lo toan.

  1. Salomon, người nông dân và anh lái buôn: có lẽ cả 3 đều nghĩ rằng mình đã khôn ngoan đắc thủ được món quà giá trị nhất (sự thông minh sáng suốt, kho tàng vô giá, viên ngọc qúi báu).

Thực tế, những chiếm hữu ấy đều tạm thời vì họ chỉ sở hữu chúng một thời gian. Và như thế, óc khôn ngoan mà họ đã suy tính đâu có mang lại cho họ một giá trị vĩnh cửu.

  1. Đâu là sự khôn ngoan đích thực?

Thiên Chúa, Đấng tạo dựng muôn loài, là nguồn mọi sự hiểu biết, là nền tảng mọi thông minh thượng trí. Giữa mọi nghiên cứu thiên văn, nhà khoa học Isaac Newton đã khiêm nhường xác tín: “Tôi nhận ra Thiên Chúa ngay trên đầu viễn vọng kính của tôi”. Như thế, Thiên Chúa là nguồn mọi khôn ngoan. Đi tìm sự khôn ngoan đích thực chỉ có ở nơi Ngài và trong Ngài.

  1. Chính Thiên Chúa đã ban cho ta thửa ruộng vàng, đất vàng, có kho tàng cao qúi ẩn giấu trong đó.

* Thửa ruộng vàng, đất vàng ấy chính là Nước Trời.

* Trong Nước Trời ấy có kho tàng cao qúi là Đức Tin Công Giáo, là Giáo Hội.

Chúa Giêsu phán với các bệnh nhân: “Đức tin của con đã cứu chữa con”. Trong đức Tin, ta học hỏi Giáo Lý Giáo Hội, sống tuân giữ giới răn Chúa, nuôi dưỡng ta nên tốt lành, xứng đáng hưởng hạnh phúc Nước Trời.

Trong Giáo Hội, ta nhận được Ơn Cứu Rỗi, được kín múc Ơn Thánh Chúa mỗi ngày qua cầu nguyện, qua việc lãnh nhận các Bí tích…là những hành trang đưa ta vào Nước Trời.

  1. Chính Thiên Chúa cũng đã ban cho ta một viên ngọc qúi là chính Đức Giêsu Kitô.

* Qua bí tích Thánh Thể, ta có được Đức Giêsu ở trong mình.

* Chúa Giêsu phải là viên ngọc qúy giá nhất mà ta luôn trân trọng bảo trì tốt.

“Có Chúa đi với con, con nào sợ thiếu thốn chi? Có Chúa ở bên con, con nào lo lắng gì?”

“Có Chúa trong lòng, địch thù tan nát hết. Chúa trong lòng ta, lo lắng gì hồn tôi ơi!”

Lạy Chúa! Xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con.

biết Chúa là viên ngọc qúy thật sang giàu,

biết con chỉ là thụ tạo thấp bé, thật nghèo hèn,

để suốt đời, con chỉ say sưa đi tìm Chúa là hạnh phúc đích thực đời con. Amen.

 

27. Câu hỏi của người huấn luyện viên

(Suy niệm của Lm. Mark Link SJ.)

Cách đây ít lâu có tạp chí nọ đăng một câu chuyện kể về những thiếu niên thuộc câu lạc bộ bơi lội Santa Clara. Mỗi buổi sáng họ đều dậy lúc 5 giờ 30 và vội vã băng qua bầu không khí lạnh lẽo chạy đến chiếc hồ phía bên ngoài. Ở đó chúng bơi suốt hai giờ đồng hồ. Sau đó chúng tắm lại ở vòi sen, ăn sơ sài chút ít rồi vội vã đến trường.

Sau khi ở trường ra, chúng quay lại hồ bơi thêm hai tiếng nữa. Tới 5 giờ, chúng lẹ làng trở về nhà, vùi đầu vào sách vở, ăn bữa tối trễ và mệt lả leo lên giường. Sáng hôm sau chuông báo thức lại vang lên vào 5 giờ 30 và chúng lại bắt đầu toàn bộ công việc như thế. Khi được hỏi tại sao họ lại chấp nhận tuân theo một thời biểu kỷ luật đến như thế, một cô gái đã trả lời: “Mục đích của tôi là gia nhập đội thi Olympics. Nếu như đi dự tiệc mà phương hại đến mục đích ấy thì đi dự tiệc làm gì? Chẳng có gì là quá đáng trong việc tập luyện ấy cả. Tôi càng bơi được nhiều dặm thì tôi càng bơi khá hơn. Sự hy sinh là điều dĩ nhiên”.

Giả sử Chúa Giêsu sống vào thời đại này chứ không sống vào 30 năm đầu công nguyên, thì bài Phúc Âm hôm nay có lẽ đã rất khác. Thay vì nói về tay buôn ngọc hy sinh tất cả để mua cho được viên ngọc cực kỳ quí giá hoặc một bác nông gia bán đi tất cả để mua miếng đất có ẩn giấu kho tàng, có lẽ Chúa Giêsu đã nói về một vận động viên bơi lội ở câu lạc bộ Santa Clara sẵn sàng hy sinh tất cả để được gia nhập đội thi Olympics.

Tại sao tôi lại nói điều này? Có gì tương quan giữa tay buôn ngọc, gã tìm kho báu và một vận động viên bơi lội ở Santa Clara? Ba người này có điểm gì chung?

Có một điểm chung là cả ba đều dấn thân trọn vẹn cho một giấc mơ. Cả ba đều sẵn sàng hy sinh tất cả mọi sự cho mục đích mà họ đã đặt ra. Trường hợp ngươi buôn ngọc là mua cho bằng được một viên ngọc hoàn hảo. Trường hợp người đi kiếm kho báu là mua cho được một kho báu hiếm. Còn trường hợp vận động viên bơi lội ở Santa Clara là làm sao để được gia nhập đội thi đấu Olympics.

Ðiều này dẫn chúng ta đến chủ điểm mà Chúa Giêsu muốn nêu ra cho chúng ta trong bài phúc âm hôm nay. Chủ điểm đó là: Muốn làm công dân nước trời, chúng ta phải dấn thân triệt để. Chúng ta không thể theo đuổi việc ấy như khi làm một công việc ngoài giờ. Chúng ta không thể làm việc ấy như khi làm một công việc tiêu khiển. Chúng ta phải dấn thân vào đó trăm phần trăm, phải xem nó là ưu tiên số một của cuộc đời chúng ta.

Người Kitô hữu cũng giống như một tay buôn ngọc, một kẻ tìm kho báu, hay như một vận động viên bơi lội ở Santa Clara. Nó đòi hỏi sự dâng hiến và dấn thân trọn vẹn. Tuy nhiên, có một điểm khác biệt lớn lao giữa một Kitô hữu và ba người kia. Thánh Phaolô đã nêu sự khác biệt này trong thư gởi tín hữu Côrintô: “Mọi vận động viên trong thời kỳ tập luyện đều phải tuân theo một kỷ luật nghiêm khắc chỉ để được khoác lên đầu vòng hoa vinh quang chóng lụi tàn, còn chúng ta chịu gian khổ là để đoạt được vòng hoa vinh quang tồn tại vĩnh viễn” (1 Cr 9: 25).

Ðó chính là điểm khác biệt. Phần thưởng của tay buôn ngọc, kho báu của gã nông gia, huy chương của vận động viên đều có thể tàn lụi. Khi tay buôn ngọc chết đi, viên ngọc chả còn giá trị gì đối với anh ta nữa. Khi người nông gia chết đi, của báu của anh cũng sẽ thành vô dụng đối với anh cũng như chiếc chum đựng của báu ấy thôi. Và khi người vận động viên chết đi thì tấm huân chương của cô cũng chỉ còn là một vật lưu niệm của cô đối với gia đình và bà con cô thôi. Nhưng khi các Kitô hữu chết, thì nước trời sẽ toả sáng hơn, sáng hơn, sáng hơn mãi. Vào lúc chết thì chỉ có một điều là đáng kể. Ðó không phải là viên ngọc quí, kho báu hiếm hay chiếc huy chương vàng mà chúng ta đã có được lúc còn sống. Ðiều đáng kể chỉ là chúng ta đã trở thành cái gì trong tiến trình cố gắng tìm viên ngọc, tậu của báu hoặc tranh giành huy chương.

Một đội bóng rổ thuộc một trường trung học ở Chicago vừa mới tổ chức thánh lễ trước khi đi dự cuộc tranh giả thể thao của tiểu bang. Trong bài giảng lễ, vị linh mục nói là trong 10 năm tới, điều quan trọng đối với mùa bóng rổ của họ sẽ không hệ tại việc họ là quán quân hay không. Sự quan trọng là điều mà họ sẽ trở thành trong tiến trình cố gắng đoạt tước hiệu ấy.

Họ có trở thành người tốt hơn không?

Họ có yêu thương nhiều hơn không?

Họ có trung tín với nhau hơn không?

Họ có tận tâm hơn không?

Họ phát triển thành một đội bóng đoàn kết hay như những cá nhân ích kỷ?

Sau thánh lễ, vị linh mục vào phòng thánh thay áo lễ. Chợt ngài nghe huấn luyện viên nói với các vận động viên:

“Hãy ngồi xuống đây một phút. Vị linh mục đã nói mấy điều khiến tôi bối rối. Tôi tự hỏi không hiểu tôi đã giúp các bạn trở nên người như thế nào trong quá trình luyện tập để tranh giải trong kỳ đại hội thể thao này.

“Quí bạn có trở nên người tốt hơn không?

Quí bạn có yêu thương nhiều hơn không?

Quí bạn có trung tín với nhau hơn không?

Quí bạn có tận tâm hơn không?

Quí bạn sẽ phát triển thành một đội bóng đoàn kết hay chỉ thành những cá nhân rời rạc?

Nếu làm được như thế, thì dù kết quả cuộc tranh đua thế nào, chúng ta cũng vẫn là thành công. Còn nếu không làm được như thế thì chúng ta đã làm cho Chúa thất vọng. Làm cho trường chúng ta thất bại, đồng thời cũng làm cho nhau thất bại nữa. Tôi hy vọng Chúa không để chúng ta thất bại. Tôi cầu xin Chúa để chúng ta khỏi bị thất bại.

Bài phúc âm hôm nay đưa ra chủ điểm rất quan trọng sau: Không gì trên thế gian có thể chiếm vai trò ưu tiên hơn nước Chúa và sự đeo đuổi của chúng ta để đạt cho được nước ấy. Bài phúc âm hôm nay bảo cho chúng ta biết điều đáng kể khi chúng ta chết không phải là chúng ta sắm được gì lúc còn sống mà là chúng ta đã trở nên như thế nào. Nghĩa là:

Chúng ta đã yêu thương nhau chưa?

Chúng ta đã tha thứ cho nhau chưa?

Chúng ta đã giúp đỡ kẻ túng thiếu chưa?

Chúng ta đã an ủi kẻ đau khổ chưa?

Chúng ta đã biết đi thêm dặm nữa chưa?

Chúng ta đã biết chìa thêm má kia ra chưa?

Chúng ta đã dấn thân và trung tín với Chúa và với nhau hơn chưa?

Tôi hy vọng nhờ Chúa chúng ta sẽ làm được và tôi cầu xin Chúa giúp chúng ta làm được. Bởi vì nếu chúng ta không làm được như thế, chúng ta sẽ làm Chúa thất vọng, làm gia đình và bạn bè chúng ta thất vọng, còn chính chúng ta thì kể như đã thất bại rồi.

Chúng ta hãy kết thúc với lời cầu nguyện:

Lạy Chúa xin ban cho chúng con biết dấn thân như vận động viên bơi lội Santa Clara kia là người đã làm việc không mệt mỏi để đoạt cho được một vị trí trong đội bơi thi Olympics. Xin ban cho chúng con biết dấn thân như kẻ tìm kho báu là người đã bán tất cả mọi sự để mua miếng đất. Xin ban cho chúng con biết dấn thân như người buôn ngọc nọ đã dành trọn vẹn cuộc đời để tìm cho được viên ngọc hoàn hảo.

Nếu những người đó đã sẵn sàng hy sinh rất nhiều cho một phần thưởng hư nát, thì chúng con phải sẵn lòng hy sinh hơn cho phần thưởng mãi mãi trường tồn kia biết chừng nào.

 

28. Nước Trời giống như kho báu

(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Thể Hiện)

Tiếp nối bài Tin Mừng của Chúa Nhật trước, bài Tin Mừng hôm nay (Mt 13,44-52) gồm ba dụ ngôn về Nước Trời: dụ ngôn kho báu (c.44), dụ ngôn viên ngọc (cc.45-46) và dụ ngôn chiếc lưới (cc. 47-50). Kết thúc là một lời kết luận chung về các dụ ngôn (cc.51-52).

  1. Hai dụ ngôn kho báu và viên ngọc quý (cc.44-46)

“Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy. Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy” (cc.44-46).

Hai dụ ngôn kho báu và viên ngọc có chung một điểm nhấn quan trọng về nội dung giáo huấn: Nước Trời không phải chỉ là chuyện của ước muốn hay ý chí, mà chính yếu là niềm vui của một cuộc tìm kiếm thành công bất ngờ ngoài sự mong đợi, và đặc biệt, là kết quả của một cuộc dấn thân đòi phải dám phiêu lưu. Sự từ bỏ tất cả những gì mình đang có không phải là một hành động tu đức, hy sinh hay hãm mình, mà là một chọn lựa tự nguyện cùng với niềm vui lớn lao.

Sứ điệp và trải nghiệm về mầu nhiệm Nước Trời làm cho mọi giá trị đã được biết từ trước tới nay bỗng trở nên tương đối. Tất nhiên những thực tại tốt lành khác vẫn là những thực tại có giá trị, như sức khoẻ, gia đình, nghề nghiệp, danh dự, học vấn, sự thành công, tình bạn, tình yêu đôi lứa… Nhưng chúng sẽ là tương đối trong so sánh với mầu nhiệm Nước Thiên Chúa.

Nước Thiên Chúa ẩn mình nơi những sứ điệp và hoạt động của Chúa Giêsu. Ai hiểu những sứ điệp và mầu nhiệm đó sẽ khám phá nơi chúng những giá trị tuyệt đối, quý hơn tất cả những gì khác trong cuộc đời. Người đó sẽ dám bỏ đi tất cả mọi sự, ngay cả mạng sống mình, vì Nước Thiên Chúa, bởi lẽ anh ta đã biết rằng đó là kho tàng quý giá duy nhất có khả năng làm cho sự sống của anh ta trở nên thực chất và giàu có vô cùng. Đó cũng là kinh nghiệm của Thánh Phaolô: “Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Kitô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, vì mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô và được thuộc về Người” (Pl 3,7-9)

Cuối cùng, hai dụ ngôn kho báu và viên ngọc, một lần nữa, đề nghị người nghe chọn lựa sự nghèo khó như được nói trong 5,3 (“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó”), khi lặp đi lặp lại: “bán tất cả những gì mình có” (cc.44.46). Kho báu và viên ngọc quý, như thế, chính là kinh nghiệm về tình yêu của Thiên Chúa (“Nước Trời là của họ”). Kinh nghiệm đó tạo nên niềm vui sâu xa trong tâm hồn. “Kho tàng anh ở đâu thì lòng anh ở đó” (6,20).

  1. Dụ ngôn chiếc lưới (cc.47-50)

“Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài. Đến ngày tận thế, cũng sẽ xảy ra như vậy. Các thiên thần sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính, rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng” (cc.47-50).

Đây là dụ ngôn cuối cùng trong một loạt 7 dụ ngôn ven biển hồ về Nước Trời, được ghi lại trong Mt 13. Dụ ngôn cuối cùng này có kèm lời giải thích. Về nội dung, chúng ta gặp lại sứ điệp của các dụ ngôn hạt giống và cỏ lùng, nhưng nhấn mạnh hơn về ngày chung thẩm.

Như đàn cá bơi dưới biển, gồm đủ mọi thứ cá tốt xấu khác nhau, cộng đoàn Hội Thánh cũng gồm những người tốt kẻ xấu. Nhìn bề ngoài, không có chuyện gì khác biệt, nhưng khi chiếc lưới đã được kéo lên bờ, sự phân biệt sẽ xảy đến: cá tốt và cá xấu sẽ có số phận khác nhau hoàn toàn.

Sự đối lập “cá tốt” và “cá xấu” tương ứng với sự đối lập giữa cây tốt với cây xấu trong 7,15-19. Vậy những “cá xấu” ở đây chính là các ngôn sứ giả, những đồ đệ giả, những con sói đội lốt chiên, những kẻ chỉ có vẻ bề ngoài theo Chúa Kitô còn thực chất là chạy theo những giá trị giả trá và không thực… Trong lời giải thích ở câu 48, họ bị gọi là những “kẻ xấu”.

Số phận của họ sẽ là bị quăng vào lò lửa (c.50). Nỗi đau đớn kinh hoàng và không bao giờ chấm dứt trong số phận chung cuộc của họ được miêu tả bằng những hình ảnh đáng sợ: “khóc lóc” và “nghiến răng”. Điều căn bản làm nên nỗi đau đó chính là sự vĩnh viễn mất đi sự sống đích thật. Nhưng dụ ngôn đề cập đến số phận chung cục như thế là nhằm giúp các môn đệ xác định hướng đi đúng đắn trong những quyết định hiện tại. Chỉ những ai sinh hoa quả tốt mới được đạt tới sự sống đời đời.

  1. Kết luận về các dụ ngôn (cc.51-52)

Kết thúc các dụ ngôn, Chúa Giêsu hỏi các môn đệ: “Anh em có hiểu tất cả những điều ấy không?” Họ đáp: “Thưa hiểu.”52 Người bảo họ: “Bởi vậy, bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ” (cc.51-52).

Giáo huấn dành cho các môn đệ được kết thúc trong khung cảnh mang tính riêng tư giữa Chúa Giêsu với các ông mà thôi. Tác giả Tin Mừng quay lại với chủ đề “hiểu”, vốn là chủ đề xuyên suốt Mt 13 (cc.13.14.15.19.23.51). Đã được hiểu biết về mầu nhiệm Nước Trời, các môn đệ phải trình bày mầu nhiệm đó cho những người khác. Tác giả Mt muốn nhấn mạnh một sự khác biệt lớn giữa các “bậc thầy” trong cộng đoàn Kitô giáo với các bậc thầy trong cộng đồng Do Thái giáo. Các kinh sư Israel mang trên vai gánh nặng của cả một truyền thống giải thích lớn lao vốn không cho phép mọi sự vượt quá giới hạn cổ xưa. Các “kinh sư đã được học hỏi về Nước Trời”, tức là các bậc thầy trong cộng đoàn Kitô hữu, thì không bị lệ thuộc vào truyền thống cổ xưa ấy. Đối với họ, ưu tiên số một sẽ là “cái mới” trong kho tàng mầu nhiệm mà họ đã được học hỏi; “cái cũ” phải lệ thuộc cái mới đó. Nói cách khác, họ không đặt đạo lý của mình trước hết trên nền tảng là những gì ông Môsê và các ngôn sứ đã nói, mà là trên chính mầu nhiệm của Chúa Giêsu. Họ bắt đầu bằng sứ điệp cứu độ của Chúa Giêsu và đó chính là chìa khoá giúp họ đọc toàn bộ kho tàng Cựu Ước.

Không ít học giả hiểu rằng có lẽ tác giả Tin Mừng Mt muốn kín đáo tự nói về chính mình trong câu này.

Gợi ý suy niệm và chia sẻ:

  1. Tác giả Mt không có ý nói về tính cách luân lý trong quyết định và cách hành xử của người đi tìm kho tàng và người đi tìm viên ngọc quý trong hai dụ ngôn ở đầu bài Tin Mừng hôm nay. Vì vậy, sẽ không chính xác nếu chúng ta buộc ông phải trả lời về vấn đề này. Điểm nhấn mà ông nhắm tới là niềm vui của con người gặp được mầu nhiệm Nước Trời, vốn là thực tại tuyệt hảo, cao quý hơn tất cả mọi giá trị khác.

  2. Điều quan trọng không phải là ao ước Nước Trời, mà phải tìm kiếm, và nhất là phải quyết định, phải chọn lựa và phải nỗ lực suốt đời để chiếm lấy Nước Trời. Kho tàng quý và viên ngọc quý sẽ không thuộc về chúng ta nếu chúng ta không dám quyết định bán tất cả những gì mình đang có.

  3. Một trong những yếu tố đáng lưu ý là niềm vui tràn ngập tâm hồn các nhân vật trong hai dụ ngôn kho tàng quý và viên ngọc quý. Niềm vui đó vừa diễn tả độ lớn của niềm khao khát vừa là yếu tố thúc đẩy người ta mau mắn quyết định bán tất cả những gì mình đang có. Chúng ta đón nhận mầu nhiệm Nước Trời trong hân hoan hay miễn cưỡng? Chúng ta sống các mầu nhiệm thánh trong Đạo với niềm vui hay với sự chán nản mệt mỏi? Sứ điệp mà chúng ta công bố với thế giới có là tin mừng hay không?

  4. Số phận thật của những con cá khi mẻ lưới được kéo lên sẽ hoàn toàn tuỳ thuộc vào chất lượng của những con cá ấy. Những con cá xấu sẽ bị ném ra ngoài. Vì thế, trước khi tấm lưới được kéo lên trong ngày chung thẩm, chúng ta cần phải trở thành những con cá tốt. Số phận đời đời của chúng ta tuỳ thuộc vào chất lượng của cuộc sống hiện tại này.

  5. Điểm quy chiếu chính yếu, nền tảng căn bản và đầu tiên, có tính quyết định, phải là chính Đức Giêsu và đạo lý của Ngài, chứ không phải là những truyền thống cổ xưa của con người, cho dù là những truyền thống tốt lành. Chính Đức Giêsu sẽ là tiêu chuẩn đánh giá những truyền thống ấy, những thực tại “cũ” ấy. Người kinh sư đã được hiểu biết mầu nhiệm Nước Trời sẽ không còn lệ thuộc hoàn toàn vào các truyền thống Do Thái cũ như các kinh sư Do Thái nữa. Điểm quy chiếu có tính quyết định luôn luôn là chính Chúa Giêsu, Đấng là chính thực tại Nước Trời giữa chúng ta.

 

home Mục lục Lưu trữ