Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 54

Tổng truy cập: 1355827

HÃY MỞ RA

HÃY MỞ RA

 

Michel Angelo là một trong những nhà danh hoạ đã để lại nhiều tác phẩm tuyệt vời vì giá trị vượt thời gian đã đành, mà còn vì sự sống động mà ông đã mặc cho những tác phẩm ấy, điển hình là bức tượng Maisen.

Người ta kể lại rằng: Sau khi hoàn thành bức tượng này, ông đã đứng chiêm ngắm một cách say sưa. Và sự sống động của pho tượng đã làm cho ông ngây ngất, đến độ ông đã cầm chiếc búa gõ vào pho tượng và thốt lên: Hãy nói lên đi.

Thực vậy, ngôn ngữ và tiếng nói là phương tiện Chúa trao ban đẻ chúng ta truyền đạt tư tưởng và ước muốn cho người khác, để tạo lấy một sự hiểu biết và cảm thông. Khi chúng ta nói là chúng ta đang sống cùng, và sống với người khác. Sự hiện diện của chúng ta trong xã hội cần phải được biểu lộ bằng tiếng nói. Vì thế những người câm điếc một phần nào đã bị hạn chế trong mối liên hệ với thế giới chung quanh, sự hiện diện của họ dễ bị người khác quên lãng. Họ luôn sống trong thảm trạng cô đơn và lẻ loi.

Tuy nhiên, đáng thương hơn nữa có lẽ là những kẻ thấp cổ bé miệng, những kẻ bị tước đoạt quyền được lên tiếng, quyền được được sống. Để sóng xứng với phẩm giá con người, thì cần phải có tiếng nói. Cũng trong chiều hướng ấy, phép lạ chữa người câm điếc qua đoạn Tin Mừng vừa nghe, không phải chỉ là một sự chữa lành bệnh tật phần xác, mà còn là một dấu chỉ cho một thực tại cao siêu hơn, đó là sự sống đích thực mà Chúa Giêsu muốn mang lại cho con người. Khi phục hồi cho người câm điếc khả năng nghe và nói, có lẽ Ngài muốn nhắn nhủ chúng ta rằng con người không chỉ sống bằng cơm bánh, mà còn sống bằng Lời Chúa. Con người chỉ có thể sống thực, sống trọn phẩm giá của mình khi biết mở rộng tâm hồn đón nhận lời hằng sống của Chúa.

Cử chỉ của Chúa Giêsu khi chữa lành người câm điếc, đã có một thời được Giáo Hội lặp lại khi cử hành bí tích Rửa tội. Thực vậy, bí tích Rửa tội cũng là một phép lạ, trong đó chúng ta được chữa lành với tái sinh trong đời sống mới. Với phép lạ này, Chúa Giêsu cũng nói với mỗi người chúng ta: Épphatha, hãy mở ra. Hãy mở rộng đôi tai để lắng nghe tiếng Chúa trong từng biến cố, trong từng giây phút của cuộc sống. Hãy mở rộng con tim và đôi tay để cảm thông và chia sẻ với người khác. Hãy mở miệng lưỡi để cảm tạ, chúc tụngchúc tụng và loan báo tình thương của Chúa, để nói những lời yêu thương và hoà bình, của cảm thông và tha thứ, nhờ đó chúng ta sẽ trở thành những chứng nhân sống động co Tin Mừng của Chúa giữa lòng cuộc đời.

 

11.Câm và điếc

Qua việc Chúa Giêsu chữa lành cho một người câm và điếc, chúng ta cùng suy nghĩ về việc sử dụng đôi tai và miệng lưỡi của mình.

Trước hết là đôi tai. Chúa đã ban cho chúng ta đôi tai để nghe, nhất là nghe những lời cha mẹ thầy cô và những người có trách nhiệm giáo dục chúng ta, để rồi chúng ta sẽ đem ra thực hành những lời khuyên nhủ đó, hầu trở thành những người hữu ích. Hơn thế nữa, chúng ta còn phải lắng nghe lời Chúa qua việc học hỏi Phúc Âm, qua việc tìm hiểu giáo lý, để sống xứng đáng người con ngoan của Chúa. Thế nhưng tội lỗi cũng thường hay đột nhập vào tâm hồn chúng ta qua đôi tai của mình. Bởi vì có những đôi tai đóng lại không muốn nghe những lời khuyên bảo và khiển trách, thế nhưng lại mở ra để lắng nghe những câu chuyện nhảm nhí do những người bạn xấu thổi vào. Vậy chúng ta thử xét xem mình có như thế hay không?

Tiếp đến là miệng lưỡi. Chúa đã ban cho chúng ta miệng lưỡi để chúng ta thân thưa với Chúa, để cùng với gia đình, chúng ta dâng lên Chúa những lời kinh ban tối và ban sáng, để chúng ta hát những bài thánh ca chúc tụng Chúa, để chúng ta xưng thú tội lỗi nơi toà cáo giải, để chúng ta luôn có những lời nói ôn tồn và thành thực đối với người khác. Trên môi miệng chúng ta phải luôn có những lời lẽ lịch sự, chẳng hạn như hai chữ: Cám ơn. Miệng lưỡi của chúng ta không phải chỉ mở ra đón nhận của ăn phần xác mà còn mở ra để đón nhận của ăn phần hồn, đó là rước lấy Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể. Ước chi chúng ta sử dụng miệng lưỡi chúng ta như thế.

Ngày xưa ở vùng Bretagne, có một em nhỏ đạo đức và thánh thiện. Em chưa biết đọc biết viết nhưng lại rất yêu mến Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Trong một ngày, nhiều lần em đọc lên lời kinh Ave Maria, kinh Kính Mừng. Ít lâu sau em bị bệnh và chết, nhưng rồi trên mộ em, có một loại huệ mọc lên. Và trên mỗi cánh huệ người ta đều thấy có hai chữa Ave. Người ta từ khắp nơi đến kính viếng và sau cùng đã xây một ngôi thánh đường kính Đức Mẹ trên phần mộ của em nhỏ.

Thế nhưng miệng lưỡi cũng chính là con đường dẫn tới tội lỗi. Thực vậy, có những miệng lưỡi tham ăn tục uống, lúc nào cũng nghĩ đến cái ăn được, lúc nào cũng đòi phần to hơn, tốt hơn và ngon hơn, nếu không được thì vùng vằng và phụng phịu. Chính vì thế chúng ta phải biết làm chủ miệng lưỡi của mình như một câu danh ngôn đã bảo: Người ta ăn để mà sống chứ không phải sống để mà ăn, hay như thánh Phaolô đã cảnh cao: Đừng lấy cái bụng của mình làm chúa. Ngoài ra còn có những miệng lưỡi điêu ngoa, xảo trá và gian dối, không tôn trọng sự thật, luôn tìm cách lừa đảo người khác, nói những lời đầy ác ý, hạ nhục uy tín của người khác và tạo nên sự chia rẽ, hay nói những lời tục tĩu làm hoen ố tâm hồn trong trắng của mình. Đồng thời có những cái miệng cái lưỡi bị câm, không biết cầu nguyện và thân thưa cùng Chúa, Không biết nói lời bênh vực đức tin, không biết can ngăn người khác trước những ý đồ đen tối của họ.

Hãy cầu xin Chúa mở tai chúng ta để biết lắng nghe lời Chúa, cũng như mở miệng chúng ta để biết nói về Chúa cho những người chung quanh.

 

12.Câm và điếc.

Tám thế kỷ về trước, tiên tri Isaia đã loan báo một thời đại mới, khi Đấng cứu thế đến, Ngài sẽ canh tân và đổi mới. Sẽ không còn đui mù, câm điếc, bệnh tật. Và phép lạ hôm nay chứng minh thời gian cứu độ đã đến, và Đức Kitô chính là Đấng giải phóng thiên hạ đợi trông, bởi vì Ngài đã thực hiện lời tiên tri Isaia: Cho kẻ mù được thấy, kẻ điếc được nghe, người câm nói được và người què quặt được nhảy như nai.

Thế nhưng Chúa Giêsu không phải chỉ chữa lành những tật bệnh phần xác, điều quan trọng là Ngài chữa lành những tật bệnh phần hồn. Ngày hôm nay, qua Giáo Hội Ngài vẫn tiếp tục mở mắt mở tai cho một nhân loại câm điếc đối với lời Chúa, đối với Tin Mừng Phúc Âm.

Chúa Giêsu đem người câm điếc ra một nơi và Ngài chữa lành cho anh ta. Với chúng ta, Ngài cũng chăm sóc đến mọi người như thế, Ngài lo lắng cho mọi người như người mẹ lo lắng cho con mình. Chúng ta hãy tin tưởng và phó thác cuộc đời chúng ta trong bàn tay quyền năng và đầy tình thương xót của Ngài. Đồng thời chúng ta hãy kêu cầu Ngài: Lạy Chúa, xin mở miệng con để con không nói lời vu khống, phạm thượng, nhưng để ca ngợi Thiên Chúa và xây dựng tình bác ái huynh đệ.

Ngày xưa, khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội, vị linh mục đã diễn lại động tác của Chúa, khi ngài đặt tay trên tai và trên miệng chúng ta rồi bảo: Ephata, nghĩa là hãy mở ra, để chúng ta biết lắng nghe lời Chúa và biết tuyên xưng những kỳ công của Ngài. Khi lãnh nhận bí tích Thêm Sức, Chúa Thánh Thần tăng cười nghị lực để chúng ta có đủ can đảm làm chứng cho đức tin.

Thế nhưng chúng ta đã sử dụng miệng lưỡi chúng ta như thế nào? Một giáo dân đã phải đau khổ thốt lên: Có những người cho đến cuối đời đã chẳng mở miệng nói về Chúa Giêsu cho một ai, ngay cả cho những người muốn tìm hiểu về Ngài. Chúng ta đã thua những người quảng cáo hàng hoá trên vỉa hè thành phố và những em bé bán báo, cũng như những người cổ động cho một nhân vật chính trị hay một thiên đàng trần thế.

Chúng ta hãy có can đảm như Bazin, một tiểu thuyết gia, trong một bài diễn văn đọc giữa hàn lâm nước Pháp, đã long trọng tuyên xưng đức tin của mình như sau: Với triệu triệu sinh linh, tôi sung sướng và tuyên xưng Đức Kitô là Thiên Chúa.

Tuy nhiên trước khi nói với người khác về Chúa, thì trong âm thầm chúng ta phải biết lắng nghe tiếng Chúa, qua những giây phút tâm sự và cầu nguyện, vì chúng ta chỉ có thể cho cái chúng ta đã có, chúng ta chỉ có thể nói về những cái chúng ta đã biết và đã kinh nghiệm. Chính vì thế mà Đức Thánh Cha Phaolô VI đã tuyên bố: Nếu không có một đời sống cầu nguyện sâu xa, làm sao người công giáo, giữa muôn vàn tiếng nói ô hợp của thế giới, có thể lớn tiếng ca ngợi Thiên Chúa, làm cho mọi người phải xao xuyến và được cứu rỗi. Và hơn nữa, thế giới đang mong đợi nơi chúng ta một thứ ngôn ngữ được diễn tả bằng hành động, tức là một đời sống trong sạch và ngay thẳng, một đời sống đạo đức và thánh thiện, một đời sống bác ái và yêu thương.

Bởi vì đời sống gương mẫu của chúng ta cũng chính là một tiếng nói hùng hồn nhất để giới thiệu Đức Kitô cho những người chung quanh.

 

13.Để Thiên Chúa can thiệp vào đời mình

(Suy niệm của Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm, SJ.)

I. Hãy để Thiên Chúa có thể can thiệp vào đời mình

Đức Yêsu đã nhổ nước miếng và bôi vào lưỡi người vừa điếc vừa ngọng. Ở vào trường hợp của chúng ta, chúng ta có để cho Đức Yêsu làm như vậy không? Hay chúng ta cho rằng như vậy quá dơ, mất vệ sinh? Nếu người điếc ngọng này từ chối không để cho Đức Yêsu làm, chắc phép lạ không thể xảy ra được. Để phép lạ có thể xảy ra, con người phải sẵn sàng để Thiên Chúa can thiệp vào đời của mình lúc nào Ngài muốn và cách nào Ngài muốn. Con người không thể xác định cách thức và thời điểm buộc Thiên Chúa phải thực hiện được. Thái độ không phê bình, không lấy mình làm chuẩn, không lấy những tiêu chuẩn của mình để ép Thiên Chúa làm điều này điều kia, phải là thái độ của con người trong tương quan với Thiên Chúa. Tương tự vậy, cách thái con người đối xử với Thiên Chúa, cũng phải là cách thái con người đối xử với nhau: không ép buộc xúc phạm người khác.

II. Mầu nhiệm nhập thể giúp hiểu cung cách hành xử của Đức Yêsu

Phải chăng Đức Yêsu không đủ quyền năng nên không thể chỉ dùng lời mà chữa người vừa điếc vừa ngọng được, nên Ngài phải đặt tay vào lỗ tai của anh ta, và phải bôi nước miếng vào lưỡi anh ta? Hay Ngài làm như vậy vì một lý do nào khác?

Mầu nhiệm nhập thể chỉ được hiểu và phát biểu, khi con người biết Đức Yêsu là Thiên Chúa, nghĩa là sau khi Đức Yêsu đã chết và phục sinh. Khi Đức Yêsu còn đang sống đời tại thế, con người không thể hiểu mầu nhiệm nhập thể, vì lúc đó con người chưa biết Đức Yêsu là Thiên Chúa. Người ta kết án tử và giết chết Đức Yêsu, vì cho rằng Ngài phạm thượng, cho rằng Ngài chỉ là một người mà lại dám nhận mình ngang hàng với Thiên Chúa (Mc.14, 62-64).

Đức Yêsu là Thiên Chúa nhập thể, nghĩa là Ngài nên giống con người mọi đàng trừ tội (Dt.2, 17;4, 15), thế nên cái biết của Ngài cũng tăng trưởng. Vì là người, nên có nhiều điều Ngài không biết. Rồi với thời gian khi Ngài ý thức sứ mạng của Ngài, Ngài đã đi rao giảng; và khi ý thức về chính mình “Ngài là Thiên Chúa” thì Ngài mặc khải điều này cho con người, dù rằng mặc khải đó con người chưa thể chấp nhận được. Cần phân biệt: Ngài vẫn là Thiên Chúa khi Ngài còn là bào thai nơi dạ Đức Mẹ, nhưng việc Ngài ý thức Ngài là Thiên Chúa lại là một điều khác.

Cách hành xử cũng tương tự vậy khi Ngài chữa bệnh cho người ngọng và điếc này: Ngài thấy sao thì Ngài làm vậy. Ngài thấy cần phải đặt tay vào lỗ tai người điếc thì Ngài làm, cần bôi nước miếng vào lưỡi của anh ta thì Ngài làm. Nhưng với hành vi đó của Ngài, con người ngày nay hiểu hơn về bí tích. Bí tích là những dấu chỉ do Đức Yêsu thiết lập để ban ân sủng cho con người. Khi Hội Thánh thực hiện dấu chỉ hữu hình Đức Yêsu thiết lập, thì qua đó Thiên Chúa ban ân sủng cho con người. Ngày nay Hội Thánh vẫn cử hành các bí tích- những dấu chỉ hữu hình Đức Yêsu thiết lập để ban ân sủng cho con người. Những dấu chỉ “bí tích” là những dấu chỉ có lời kèm theo; chẳng hạn bí tích rửa tội là đổ nước và lời “tôi rửa con nhân danh Cha Con và Thánh Thần”; bí tích “Thánh Thể” là bánh rượu và lời truyền phép “này là mình ta... này là máu ta...”.

Đức Yêsu là bí tích nguyên thủy, là bí tích nguồn, vì Đức Yêsu là dấu chỉ qua đó Thiên Chúa ban ân sủng cho con người. Hội Thánh cũng là bí tích theo một nghĩa nào đó, vì Thiên Chúa vẫn ban ân sủng cho  con người qua Hội Thánh. Tuy vậy theo cách nói bình thường, Hội Thánh tuyên xưng có bảy bí tích Đức Yêsu đã thiết lập để ban ân sủng cho con người.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ dựa vào Lời Chúa ngày Chủ Nhật:

1. Cách thế bạn đối xử với người giầu và người nghèo có khác nhau không? Nếu khác, thì tại sao vậy? (Gc.2, 1-5).

2. Theo bạn, Đức Yêsu khi còn nhỏ có biết tất cả chưa? Nếu bạn cho là Ngài đã  biết tất cả, thì bạn giải thích hai câu trong thư của thánh Phaolô thế nào (Dt.2, 17; 4, 15)?

3. Bạn có biết rằng theo tin mừng Maccô, có nhiều điều Đức Yêsu không biết không? Xin bạn kể một vài trường hợp để chứng minh.

4. Xin bạn kể bảy bí tích, và nói ân sủng đặc biệt của từng bí tích? Bí tích nào ban cho chúng ta chính Thiên Chúa? Xin giải thích.

 

home Mục lục Lưu trữ