Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 59

Tổng truy cập: 1360713

HÃY NGHIÊM CHỈNH THAM DỰ TỆC CƯỚI CỦA HOÀNG TỬ

HÃY NGHIÊM CHỈNH THAM DỰ TỆC CƯỚI CỦA HOÀNG TỬ-  Lm. Phêrô Lê Văn Chính

 

Câu chuyện dụ ngôn Chúa Giêsu đưa ra là lời mời gọi tham dự tiệc cưới của nhà vua cho hoàng tử của mình. Đây là một đại tiệc, và lời mời được gửi đi nhiều lần. Ai lại từ chối một bữa tiệc lớn lao như thế? Ấy vậy mà cũng có người đang tâm từ chối và chuốc lấy những hậu quả nặng nề. Lời mời gọi  tham dự được gửi đến mỗi người chúng ta là những khách mời bất ngờ thế nhưng lại là những người được đi vào phòng tiệc cưới. Thế nhưng chúng ta có mặc y phục lễ cưới theo qui định không? Đó là câu hỏi mà bài  dụ ngôn hôm nay muốn đặt ra cho chúng ta.

Bữa tiệc của Hoàng tử thường được so sánh với bữa tiệc của Đấng Cứu thế Messia bởi vì Đấng Messia này chính là chàng rễ của thời cánh chung (Mt 9,15; Ga 3,29; Ep 5,25-32; Kh 21,2-9). Khai triển rộng biểu tượng hình ảnh này, tiệc cưới của chàng rễ trở nên hình ảnh của bữa tiệc thời Đấng thiên sai như trong câu chuyện dụ ngôn chúa nhật này. Việc nối liền hai ý nghĩa này có thể hiểu được bởi vì chàng rễ xuất hiện cũng chính là Đấng cứu thế được tiền báo cách long trọng; cả hai bữa tiệc đều là cử hành với đặc trưng tiêu biểu là rượu thịt đầy bàn, nhạc đàn múa hát vui vẻ của một bữa tiệc long trọng được chuẩn bị hết sức chu đáo.

Trong cả hai bài đọc thứ nhất và bài thánh vịnh đáp ca, Thiên Chúa là Đấng cung cấp dư dật “thịt béo rượu ngon”, và là Đấng “bày bàn ăn”. Trong Phúc âm, chính nhà vua chuẩn bị bữa tiệc cho tiệc cưới của hoàng tử. Nói rõ hơn, đây không phải là những sự kiện thông thường mà có một tầm vóc quan trọng khác thường. Ngoài việc trình bày sự sang trọng của bữa tiệc, câu chuyện còn nhấn mạnh sự tử tế mời mọc của nhà vua khi mời các thực khách và cung cấp mọi nhu cầu cho họ, cũng như nhấn mạnh đến chiều kích cánh chung của bữa tiệc này vốn là bữa tiệc quyết định, bữa tiệc mong đợi sau bao thời gian chờ đợi lâu dài và sẽ là một bữa tiệc đầy tràn niềm vui và hạnh phúc của một tình yêu chờ đợi đã rất lâu dài. Hơn nữa câu chuyện còn có chi tiết mọi người sẽ phải trầm trồ khen ngợi hạnh phúc của bữa tiệc này vì khi đó mọi người sẽ nói lý do của niềm vui và hạnh phúc lớn lao là vì Chúa là Đấng cứu độ và Người thực hiện ơn cứu độ cho dân người.

Câu chuyện của bài dụ ngôn Tin mừng thuật lại hai lần các đầy tớ được sai đi mời khách dự tiệc. Có thể là lần mời thứ nhất được phát đi trước tiệc cưới, và lần mời thứ hai, chính thức hơn, được gửi đi để nhắc nhở các khách mời dự tiệc cưới cách khẩn khoản với những lời lẽ rất niềm nở: bò bê và súc vật béo tốt đã sẵn, kính mời mọi người đến dự. Dù sao, phúc âm chúa nhật này cũng giống phúc âm chúa nhật tuần trước, là trong cả hai dụ ngôn này, hai nhóm đầy tớ đã được gửi đi lần lượt và đều bị từ chối. Không những thế, các đầy tớ này còn bị bắt, bị đánh đập nhục mạ và bị giết chết. Vì thái độ kiêu căng và tàn ác của họ, những thủ phạm trong hai dụ ngôn này đều bị tước quyền làm việc vườn nho hay tham dự tiệc cưới. Câu chuyện dụ ngôn tuần này còn gợi lên việc thành Giêrusalem bị phú hủy năm 70 sau công nguyên khi nói nhà vua sai quân lính tiêu diệt bọn sát nhân cùng với thành phố của họ. Sau đó, nhà vua sai đầy tớ ra các ngả đường bất luận và mời mọi người vào cho đầy phòng tiệc cưới. Để rồi khi nhà vua đi vào quan sát các khách mời, nhà vua bỗng trở nên giận dữ vì có một khách mời tham dự tiệc cưới mà không có y phục lễ cưới. Nhà vua đã truyền lệnh trao người này cho lý hình tống vào nơi tối tăm.

Tham dự những buổi lễ như cưới hỏi, sinh nhật, tân gia vốn là những chuyện rất thường trong đời sống xã hội của chúng ta. Những lần đi dự những cuộc lễ như thế, chúng ta sống và muốn chứng tỏ tình cảm, tình bạn, mối hiệp thông liên đới của chúng ta với mọi người. Có như thế, khi gia đình chúng ta hữu sự, người khác mới đến với chúng ta. Và dĩ nhiên, chúng ta sẽ thất vọng biết bao khi vất vả chuẩn bị tiệc tùng cổ bàn, hy vọng bạn bè sẽ đến mà không ai đến cả.

Đọc câu chuyện dụ ngôn chúa nhật này, chúng ta cũng mường tượng sự thất vọng và tức giận của nhà vua vì thái độ của các khách mời. Thực ra ở đây tình tiết câu chuyện cho chúng ta thấy các khách mời dự tiệc không phải chỉ vì là tình bạn, hay chỉ vì là những thần dân trung thành của nhà vua mà họ phải đến dự. Cùng với bài đọc thứ nhất của sách tiên tri Isaia, câu chuyện dụ ngôn này thực sự cho chúng ta thấy một lý do thực quan trọng khác. Đây chính là bữa tiệc cánh chung, bữa tiệc thời cứu độ của Thiên Chúa mà mọi người không được coi thường. Trong câu chuyện dụ ngôn của Chúa Giêsu, lời mời được đưa ra hai lần và nhấn mạnh lý do : chính nhà vua tổ chức tiệc cưới, thật long trọng để mừng tiệc cưới của hoàng tử, và lời mời được đưa ra và nhắc lại nhiều lần. Những khách mời đã dại dột và kiêu căng từ chối và phải lãnh hậu quả nặng nề vì sự khinh suất của họ, họ bị tiêu diệt cùng với thành phố của họ. Bài đọc thứ nhất đã cho thấy là tiệc cưới chính là bữa tiệc Đấng thiên sai của đời sống vĩnh cửu. Đây là lời mời được gửi đến chúng ta:  nhận lời hay không có nghĩa chúng ta sẽ nhận hay từ chối hạnh phúc của đời vĩnh cửu khi mà Thiên Chúa thực hiện ơn cứu độ.

Tuy nhiên việc chúng ta nhận lời dự tiệc cưới không phải chỉ là đến dự tiệc cưới. Trong phần cuối của dụ ngôn còn có một lời phán xét: sao anh vào đây mà không mặc y phục lễ cưới. Cũng như nhà vua phải chuẩn bị để tổ chức tiệc cưới, thì khách mời cũng phải chuẩn bị để tham dự tiệc cưới (“mặc trang phục lễ cưới”). Mọi người đều được mời vào dự tiệc Thiên Chúa, thế nhưng cũng đòi hỏi những trách nhiệm đi kèm theo lơi mời này. Những tội nhân cũng được mời, thế nhưng họ phải hối cải và sửa đổi đời sống tội lỗi của mình để sống đời sống mới tốt đẹp. Để tham dự bữa tiệc của Thiên Chúa, khách được mời phải chu toàn phần việc của mình, tức là sống thánh ý Thiên Chúa trong đời sống của mình.

Thật không thể ngờ được những khách mời lại khinh suất đến thế đứng trước lời mời quan trọng của chủ tiệc vào một thời điểm quyết định như thế! Thế nhưng chính chúng ta là những khách mời tham dự một bữa tiệc trọng đại này, và chính chúng ta cũng có thể không nhận thức được tầm quan trọng của bữa tiệc này cũng như có thể không chuẩn bị chính mình xứng đáng với bữa tiệc này. Đời sống hằng ngày của chúng ta không phải là không hệ trọng, bởi vì ngay cả những việc nhỏ mọn chúng ta làm cũng đang góp phần giúp chúng ta mặc chiếc áo cưới của mình. Việc hoán cải liên tục của chúng ta sẽ chuẩn bị chúng ta để tham dự lễ cưới này. Trong khi bữa tiệc thời thiên sai là một sự kiện tương lai, thì đồng thời chúng ta đã được chia sẻ bữa tiệc đó ngay từ bây giờ mỗi khi chúng ta đến tham dự bàn tiệc Thánh Thể. Bàn tiệc Thánh Thể cũng là một bữa tiệc trọng đại và cũng đòi hỏi phải chuẩn bị sẵn sàng. Câu chuyện dụ ngôn của Phúc âm mời gọi chúng ta hãy chuẩn bị chính mình để tham dự bữa tiệc trọng đại mà chúng ta là những khách mời đồng thời chiếc áo cưới là việc chuẩn bị trong chính đời sống của chúng ta. Thánh Phaolô cũng nhắc nhở một phần nào việc chuẩn bị này khi chia sẻ than tình với chúng ta đời sống của ngài. Thánh Phaolô nói trong mọi hoàn cảnh, ngài đã biết chịu cảnh thiếu thốn hay biết hưởng sung túc, trong mọi trường hợp, ngài đã học biết no biết đói, biết dư dật và thiếu thốn bởi vì ngài đã biết làm mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho ngài. Bàn tiệc thời Đấng thiên sai là hình ảnh ẩn dụ của đời sống thần linh vĩnh cửu mà chúng ta được mời gọi tham dự ngay từ cuộc đời hiện tại với y phục lễ cưới là chính cách sống của chúng ta. Chúng ta được mời gọi hãy có thái độ hiểu biết nghiêm chỉnh về tầm mức thực quan trọng và cần thiết đối với chúng ta bởi vì chúng ta được mời gọi tham dự vào đời sống hạnh phúc vĩnh cửu của Thiên Chúa rất yêu thương và chờ đợi chúng ta.

CHÚA NHẬT  XXVIII THƯỜNG NIÊN- NĂM A

MẶC LẤY CHÚA KITÔ–  Lm. Inhaxiô Trầ Ngà

Trong một trăm người đang sống trên lục địa Á châu, chỉ có hai người được diễm phúc gia nhập Hội Thánh Công Giáo. Trong số một trăm người đang sống trên giải đất Việt Nam, chỉ có bảy người có cơ may gia nhập Hội Thánh Công Giáo. Chúng ta cũng được may mắn thuộc về thiểu số nầy. Đây quả là một hồng phúc lớn lao.

Qua dụ ngôn “Tiệc cưới” được trích đọc hôm nay, Chúa Giê-su yêu cầu chúng ta, với tư cách là những vị khách được mời dự tiệc, phải bận y phục lễ cưới.

Khi mặc đồ tang chế mà đi dự tiệc cưới, người ta nghĩ là bạn bị khùng nặng và xua đuổi bạn tức khắc. Khi bước vào bệ kiến Đức Vua mà còn mặc nguyên bộ đồ ngủ thì không khỏi bị kết tội khi quân. Khi bước vào đời quân ngũ mà ăn mặc rách rưới như kẻ bần cùng, thiếu tác phong quân nhân, thì bạn sẽ bị tống cổ ra ngay vì làm ô danh quân đội.

Hội Thánh của Chúa luôn mở rộng cửa để tiếp nhận tất cả mọi người từ khắp muôn phương bất kể sang hèn tốt xấu. Nhưng một khi đã gia nhập đại gia đình nầy, các thành viên phải cởi bỏ tấm áo xấu xa để khoác lên người trang phục xứng đáng, nghĩa là phải có những phẩm chất phù hợp với Tin Mừng.

Một con sâu tuy nhỏ nhưng cũng đủ để làm rầu nồi canh. Vài ba giọt mực tuy không nhiều nhưng cũng đủ để làm hư tấm vải trắng. Chỉ một ít tín hữu sống trái nghịch với Tin Mừng và giáo huấn Hội Thánh, cũng đủ để làm cho khuôn mặt của Giáo Hội trở nên khó thương trước mặt người khác.

Vì thế, một khi đã gia nhập Hội Thánh mà cách ăn thói ở không phù hợp thì chúng ta sẽ bị Thiên Chúa lên án nặng nề. Đoạn Tin Mừng sau đây nhắc nhở chúng ta điều đó.

“Bấy giờ nhà vua tiến vào quan sát khách dự tiệc, thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới, mới hỏi người ấy: Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới?” Người ấy câm miệng không nói được gì. Nhà vua liền bảo những người phục dịch: “Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng.”

Mặc lấy Đức Giê-su Ki-tô

Trong cuốn “Tự thú”, Augustino thuật lại kinh nghiệm lý thú sau đây: Hôm đó, Anh bị giằng co xâu xé mãnh liệt trong nội tâm giữa một bên là cải thiện đời sống để trở về với Chúa ngay và một bên là đừng vội trở về với Chúa để được hưởng thêm lạc thú trần gian. Sự xung đột nội tâm nầy gay gắt đến độ khiến Augustino gào khóc cách cay đắng và nài xin Chúa ban ơn giải thoát.

Ngay lúc bấy giờ, Augustino nghe có tiếng hát trẻ con từ nhà bên kia vọng lại: “Hãy cầm lấy mà đọc, hãy cầm lấy mà đọc…”

Nhận ra đó chính là tiếng Chúa nói với mình, Augustino vào phòng, chộp lấy Thánh Thư của Thánh Phao-lô và đọc ngay đoạn đang mở ra trước mắt: “Anh em hãy sống đoan trang tiết độ, không ăn uống say sưa, không chơi bời dâm đảng, không kình địch ghen tương; nhưng hãy mặc lấy Đức Giê-su Ki-tô và đừng lo tìm thoả mãn những đam mê xác thịt.” (Rm 13, 13-14)

Augustino bừng tỉnh trước Lời Chúa. Anh cảm thấy đây quả là những lời Chúa nói riêng với mình. Thế là từ đây, Anh từ bỏ quãng đời tội lỗi, từ bỏ những đam mê xác thịt, rũ bỏ bộ áo bẩn thỉu hôi hám để mặc áo mới, mặc lấy Đức Giê-su Ki-tô. Anh được lãnh bí tích Thánh Tẩy vào năm 33 tuổi, hiến mình cho Chúa để trở thành một linh mục thánh thiện, về sau được cất nhắc lên giám mục và trở thành vị thánh chói ngời, đồng thời cũng là tiến sĩ Hội Thánh.

Trong ngày chúng ta lãnh bí tích Thánh Tẩy, ngày chính thức gia nhập Hội Thánh, linh mục chủ sự thay mặt Hội Thánh trao cho chúng ta tấm áo trắng với lời kêu gọi: “Con đã trở nên tạo vật mới và đã mặc lấy Chúa Ki-tô. Vậy con hãy nhận chiếc áo trắng nầy, hãy mang lấy và giữ nó tinh tuyền cho đến khi ra trước toà Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, để con được sống muôn đời”.

Lạy Chúa Giê-su,

Xin giúp chúng con đừng luyến tiếc áo cũ đã hoen ố vì vô vàn thói xấu tật hư. Xin ban thêm sức mạnh để chúng con dứt khoát cởi bỏ nó để quyết tâm mặc lấy áo mới, mặc lấy Đức Ki-tô, mang những tâm tình cao đẹp như Chúa, cư xử ôn hoà nhân ái như Chúa, biết thứ tha, yêu thương và phục vụ như Chúa… Nhờ đó, chúng con sẽ được cùng với Chúa dự tiệc vui muôn đời.

home Mục lục Lưu trữ