Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 65

Tổng truy cập: 1363642

HÃY SÁM HỐI VÌ NƯỚC TRỜI ĐÃ GẦN ĐẾN

HÃY SÁM HỐI VÌ NƯỚC TRỜI ĐÃ GẦN ĐẾN- Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm

Việc rao giảng của Gioan Tẩy giả, của Chúa Giêsu và các tông đồ đều khởi đầu bằng câu: “Hãy ăn năn trở lại vì nước trời đã đến gần (Mt. 4, 17; 10, 7; Cv. 2, 38). Đây là việc khẩn trương, không thực hiện thì sẽ diệt vong. Khi nghe những lời hô hào của các nhà bác học về cứu thế giới khỏi ô nhiễm môi trường, khởi tệ nạn ma túy và dịch bệnh sida, thì ai cũng lo thực hiện những phương pháp đề phòng, trừ hạng cố chấp liều mạng lao đầu vào chốn tử thần. Lời hô hào của Gioan mang tính chất cứu nguy cho cả thế giới hôm qua, hôm nay và mãi mãi, nếu muốn sống trong nước Trời.

I- Nước Trời là gì cho con người được sống?

Nếu thế giới vật chất muốn tồn tại cần có thiên nhiên nguyên thủy trong lành như Thiên Chúa đã dựng nên nó, thì thế giới loài người muốn trường tồn bất tử còn cần hơn nữa một nước trời như Thiên Chúa muốn. Thiên Chúa đã muốn một nước trời lạ lùng mà tiên tri Isaia chỉ có thể mô tả bằng những hình ảnh kỳ diệu trong bài đọc một:

1- Về Đấng cai quản nước trời: đó là Đấng thần trí Chúa, thần trí khôn ngoan, minh mẫn, thấu hiểu, anh dũng, sáng suốt, sùng tín và sủng ái của Thiên Chúa. Công việc của Ngài là xét xử công minh nhân từ cho người thấp cổ bé miệng, phán quyết vô tư, bênh kẻ nghèo. Lời Ngài như gậy đập tan bọn cường hào, hơi thở Ngài giết chết phường gian ác (Isaia). Ngài là nguồn kiên nhẫn, an ủi và đầy lòng thương xót. Ngài đến phục vụ Do-thái và các dân ngoại (Phaolô).

2- Về dân trong nước trời là ai? đó là tất cả các dân tộc: Do thái cũng như dân ngoại. Họ là những người ăn năn trở lại, được rửa bằng Thánh thần và lửa. Họ được sống trong triều đại đua nở hoa công lý và thái bình thịnh vượng trong hạnh phúc, như beo sống với dê con, bò ăn chung với sư tử và gấu.

II- Điều kiện sống trong nước trời vinh phúc là ăn năn trở lại.

Ăn năn trở lại hay sám hối trở về là từ bỏ tình trạng tội lỗi trở về sống ơn cứu độ, từ bỏ lối sống xa Chúa, về sống với Chúa (Os. 14, 2; Ger. 3, 14), như thế ăn năn trở về là biến đổi sâu xa của hai trạng thái tâm lý: đổi mới não trạng và đổi mới nội tâm do Thần trí Đức Kitô tác động.

a/ Đổi mới não trạng nhờ trí khôn nhận ra và hối tiếc về tội mình (metanoia: repentir). Đây là công việc của trí khôn luôn luôn xét mình, kiểm tra cuộc sống mình đối chiếu với lời Chúa, luật Chúa. Sự ăn năn sám hối được thể hiện qua nhân vật điển hình: người thâu thuế. Khi nhận ra lầm lỗi của mình, ông đã khiêm tốn đấm ngực ăn năn, cúi mặt xuống đất, nhận mình tội lỗi và cũng không dám xin tha. Não trạng ông đã đổi mới vì hoàn toàn nhận ra mình khốn nạn trước mặt Chúa. Trái lại, người biệt phái không thấy tội lỗi mình, chỉ thấy mình đầy công đức, đã kiêu hãnh ngẩng đầu lên khen mình và chê trách người thu thuế.

b/ Đổi mới nội tâm nhờ ý chí quyết tâm trở về nguồn gốc vinh quang của mình (epistrephein: revenir), mình đã bỏ nguồn gốc ra đi, cuộc đời lang thang bơ vơ, trụy lạc, chỉ gặp những khốn cùng “cảnh phù du trông thấy cũng nực cười”. Đó là thứ con thiêu thân, như đứa con hoang đàng: ôm hết của cha đi ăn chơi trác táng, gặp nạn đói cùng khốn khó mới nhận ra mình xúc phạm đến cha hiền. May thay, anh đã kịp thời ăn năn khóc lóc hối cải, chỗi dậy tiến về nhà cha, nguồn gốc tổ ấm chan hòa tình thương vui mừng hạnh phúc chân thật. Phaolô cũng nhận ra tình thương vô biên đó, đã trở lại và đã mạnh mẽ tuyên bố trước vua Agripa “Tôi đi rao giảng kêu gọi chư dân sám hối và trở về cùng Thiên Chúa” (Cv. 2 6, 20). Đó là nước Trời thật.

CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG- A

DỌN CHO CHÚA MỘT CON ĐƯỜNG-  Lm. Antôn Nguyễn Văn Tiếng

TỪ TIẾNG KÊU SA MẠC…

Thành tâm đón nhận:

Nói đến “hoang địa”, “sa mạc”, ta nghĩ ngay đến nơi vắng vẻ, hiu quạnh. Đó là những vùng đồi núi chập chùng cằn khô sỏi đá, hoặc là những vùng đất cát thênh thang trải dài như bất tận. Điều kiện sống ở đây khắc nghiệt quanh năm, nên hầu như không có ai lai vãng đến đây. Sự sống ở đây là một cuộc chiến đấu cam go. Cuộc chiến đấu thanh luyện để tồn tại.

“Ông Gioan mặc áo lông lạc đà, thắc lưng bằng dây da, lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn” (Mt.3,4).

“Lạc đà” là biểu tượng của sa mạc. Hầu như đó là phương tiện duy nhất để di chuyển trên sa mạc. Người ta gọi con lạc đà là “con thuyền sa mạc, con thuyền trên biển cát”. “da”, “châu chấu”, “mật ong rừng” là những thứ hoang dã. Gioan đã tự nguyện thành “người sa mạc” để thanh luyện mình. Tiếng “người hô trong sa mạc” không phải là người thành phố sang trọng vào sa mạc để réo gọi, Nhưng đó chính là người thật sự đang sống với cung cách sống ở sa mạc, đã kêu lên bằng chính tiếng nói và đời sống của mình. Đời sống được thanh luyện để lời nói được trong sáng, đủ sức chuyên chở thông điệp của Thiên Chúa về ngày Thiên Chúa đến. Như hình ảnh các ngôn sứ xưa, mang sứ mạng chuyển tải Lời Chúa đến với dân riêng Ngài. (2V.1,8).

Tiếng người hô trong sa mạc: Hãy dọn đường Chúa. Hãy bạt lối người đi. (Mt.3,3). (Bản dịch của Cha Thuấn).

Tiếng vọng từ sa mạc, chỉ có ai biết tìm về sa mạc mới nghe thấy được. Tìm về nơi thanh vắng, tìm về cõi tĩnh lặng để lắng nghe tiếng gọi vang vọng trong chính tâm hồn mình.

“Bấy giờ, người ta từ Giê-ru-sa-lem và khắp miền Giu-dê, cùng khắp vùng ven sông Gio-đan kéo đến với ông. Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Giođan”. (Mt. 3,5-6).

Đón nhận cách giả hình:

“Có tiếng người hô trong sa mạc…” (Mc.1,3).

Sao không là tiếng hô trong thành phố? Sao không là tiếng hô ở Giêrusalem? Vì con người cần phải vào sa mạc. Sa mạc ở đâu? – Sa mạc ngay tại lòng mình.

Đó là cõi nội tâm thênh thang với những buồn vui, những yếu đuối, những khát vọng của kiếp người. Trong thinh lặng nội tâm, ta dễ dàng nhận ra tiếng lòng mình. Tiếng Chúa hướng dẫn đời ta. Đó là giây phút gặp gỡ Chúa một cách thân tình. Đó là giây phút cầu nguyện, ta biết ta yếu đuối và ta biết Chúa yêu thương ta. Ta dọn đường Chúa đến với niềm tin yêu vững vàng. Ta loại trừ những chướng ngại đang vây quanh ta, làm cản bước Chúa đến với ta. Những chướng ngại mà từ lâu ta tưởng chúng bảo vệ ta, hóa ra chúng cô lập ta, chúng làm ta mất liên lạc với Chúa. Chúng ta được vây bọc bởi những tham vọng và thụ hưởng trần tục, và chính ta biết những điều ấy không phải là những điều thuộc về Thiên Chúa, trong sâu xa cõi lòng mình, ta biết mình đang ở vị trí nào trên nấc thang đạo đức, trên nấc thang vươn lên Thiên Chúa ta còn ở vị trí là đà trên mặt đất, nhưng lòng ta vẫn muốn mọi người tin rằng ta cao cả, ta đang ở trên cao, và, thế là, ta sống giả hình. Ta khoát lên mình chiếc áo đạo đức giả hình đề che dấu một tâm hồn kiêu căng và gian dối.

“Khốn cho các ngươi, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người giống mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế. Các người cũng vậy, bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong toàn là giả hình và gian ác!” (Mt.23,27).

Thế nên, phải dọn cho Chúa một con đường nội tâm chân chính. Con đường ấy là một cuộc hành trình sa mạc đầy thử thách gian nan, như dân It-ra-en trải qua 40 năm sa mạc để về miền Đất Hứa. Con đường ấy, trong ánh sáng mạc khải Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô, đó là Con Đường Thập Giá.

“Thấy nhiều người thuộc phái Pharisêu và phái Xa-đốc đến chịu phép rửa, ông nói với họ rằng: “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy? Các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối.” (Mt.3,7-8)

… ĐẾN TIẾNG GỌI TRONG LÒNG

Tình Yêu và Chân Lý có tiếng nói mạnh mẽ trong con tim mỗi người, khó mà chối bỏ được. Nhiều khi vì danh vọng, bạc tiền, tư lợi nào đó, người ta tìm cách chối bỏ Thiên Chúa. Người ta khóa chặt cửa lòng từ chối đón Chúa vào căn nhà tâm hồn mình. Nhưng tiếng gọi trong lòng vẫn không hề tắt lịm. Tiếng gọi thiêng liêng vẫn mãi mãi còn đó như Tình Yêu của Thiên Chúa đối với con người mãi mãi còn đó. Con người chối bỏ là sự chọn lựa của chính mình. Là do con tim nguội lạnh. Ngọn lửa tình yêu không còn bùng cháy trong trái tim nữa.

“Thầy đã đến ném lửa trên thế gian và Thầy mong biết bao nhìn thấy nó bùng lên” (Lc.12,49).

Con người chối bỏ Thiên Chúa, vì con người không đón nhận Thánh Thần. Không lớn lên trong Thánh Thần. Không có Thánh Thần con người không thể được nâng lên khỏi lãnh vực xác thịt, không thể trở nên con Thiên Chúa, không có khả năng công nhận Thiên Chúa là Cha.

“Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật” (Ga.4,24).

Chính vì thế, chúng ta phải dọn cho Chúa một con đường để Ngài đến với ta. Để Ngài thật sự thuộc về ta, ta thuộc về Ngài. Chỉ có Ngài – Đấng Cứu Thế – mới có thể ban phát cho ta hồng ân vô biên đó, vì được làm con Thiên Chúa, được gọi Thiên Chúa là Cha, là hạnh phúc lớn nhất mà con người tìm kiếm.

“Tôi, tôi làm phép rửa cho các anh trong nước để giục lòng các anh sám hối. Còn Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa.” (Mt.3,11).

Khi ấy, lòng ta trải rộng, Ta nhận ra Thiên Chúa, Đấng yêu thương ta một cách trọn vẹn. Hình ảnh Thiên Chúa không còn đóng khung trong trí tưởng tượng hẹp hòi của con người. Con tim ta sẽ mở ra, để đón nhận và cho đi suối nguồn tình yêu mà nhờ Chúa Giêsu Kitô ta được ban phát dồi dào đến vô tận. Khi ta khát khao tìm Chúa, ta mới được Chúa soi sáng tâm trí để nhận ra chân dung đích thực của Chúa. Có nhận ra được chân dung đích thực của Chúa, ta mới cảm nhận được sự cao cả và ngọt ngào của Thiên Chúa Tình Yêu. Và đó là niềm tin yêu và hy vọng mà ta hằng luôn ấp ủ trong tận cùng khối óc và con tim ta trong suốt cả đời. Và đó cũng là Mùa Vọng của một đời người.

Có một câu chuyện kể về một bé trai sống trong viện mồ côi: Một đêm nọ, nó giật mình thức giấc. Trời vẫn tối đen, nhưng nó biết rằng hừng đông chẳng mấy chốc nữa sẽ tới. Nó cảm thấy rất nóng lòng muốn thấy cảnh bình minh bên bờ hồ, nhưng các quy định trong viện thật khắt khe: không có lý do chính đáng thì không một em nào được thức dậy trước chuông và cấm ngặt không được ra khỏi phòng ngủ tập thể cho đến khi được phép. Nhưng nó quyết định liều một phen. Nó vội vàng mặc quần áo, cầm giày trên tay và bò ra ngoài để khỏi đánh thức ai. Nó bò một hồi đến hành lang dài và không muốn bắt gặp những cái nhìn không tán thành của các hình ảnh trên tường.

Sau cùng cũng đến được bờ hồ, trong bóng tối, nó ngồi đợi hừng đông. Và kìa! Ngày mới đang bắt đầu, ánh dương ngả từ màu cam sang màu đỏ. Nó mải mê ngắm những tia sáng phản chiếu trên mặt hồ, say sưa với vẻ đẹp tinh khôi. Thình lình nó chợt nhớ đã hết giờ. Lúc này mọi người hẳn đã thức dậy. Nó sẽ trễ mất. Nhất định gặp rầy rà rồi. Nghĩ vậy, nó đứng lên và nói những lời sau cùng với hồ nước: “Bây giờ mình phải về đây. Cám ơn bạn. Mình không lo nếu có bị phạt, bởi vì mình đã hiểu ra rồi. Bây giờ mình biết rằng Thiên Chúa của hồ nước vĩ đại hơn Thiên Chúa của viện mồ côi (Gallagher).

Lạy Chúa,

Xin soi sáng lòng trí con,

Để con nhận ra những lỗi lầm.

Sửa đổi cuộc đời con,

Để nên một con đường,

Ngài đoái thương thăm viếng. Amen.

home Mục lục Lưu trữ