Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 102
Tổng truy cập: 1358150
HÃY SIÊNG NĂNG LÀM VIỆC THEO GƯƠNG CHÚA
DẪN VÀO THÁNH LỄ
Anh chị em thân mến
Làm việc không phải là gánh nặng mà là ý nghĩa của cuộc đời. Ngày xưa Thiên Chúa dựng nên các nguyên tổ rồi đặt họ trong vườn địa đàng để họ “canh tác và giữ vườn”. Chính Đức Giêsu cũng làm việc bận rộn từ sáng tới tối.
Trong Thánh lễ này, chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta ý thức giá trị của việc làm, đồng thời giúp chúng ta siêng năng làm việc theo gương Chúa.
GỢI Ý SÁM HỐI
– Xin Chúa tha thứ những lần chúng ta lười biếng không chịu làm việc.
– Xin Chúa tha thứ vì chúng ta không biết thánh hóa những công việc mình làm.
– Xin Chúa tha thứ cho những việc làm sai trái của chúng ta.
LỜI CHÚA
Bài đọc I (G 7,1-4.6-7)
Đoạn sách Gióp này đưa ra một cái nhìn bi quan về công việc con người phải làm trong cuộc sống :
– Làm việc là cực nhọc như “nô dịch”
– Con người giống như một người làm công.
– Và cuộc đời với những công việc như thế được coi là buồn thảm, bất hạnh.
Cái nhìn bi quan này sẽ được sửa sai bằng gương làm việc của Đức Giêsu trong bài Tin Mừng.
Đáp ca (Tv 146)
Thánh vịnh này đặc biệt ca tụng một loại “công việc” đặc biệt của Thiên Chúa, đó là việc “cứu chữa” : Ngài là Đấng “cứu chữa những kẻ dập nát tâm can”.
Tin Mừng (Mc 1,29-39)
Đoạn Tin Mừng này mô tả một ngày làm việc tiêu biểu của Đức Giêsu :
– Giảng dạy ở hội đường
– Giảng vừa xong thì đến nhà nhạc mẫu của Simon để chữa cho bà này khỏi bệnh sốt.
– Tiếp tục chữa bệnh và trừ quỷ từ chiều cho đến tối.
– Sáng tinh sương hôm sau, Ngài cầu nguyện ở một nơi thanh vắng.
– Người ta lại tìm đến với Ngài để được chữa bệnh. Nhưng Ngài đành phải ra đi, bởi vì còn phải rao giảng Tin Mừng ở những nơi khác nữa.
Tóm lại, Đức Giêsu là một người làm việc bận rộn suốt ngày. Việc làm của Ngài là rao giảng Tin Mừng, chữa bệnh và trừ quỷ.
Bài đọc II (1 Cr 9,16-19.22-23) (chủ đề phụ)
Thánh Phaolô trình bày quan niệm của ngài về việc rao giảng Tin Mừng :
– Đó là một nhu cầu : “Nếu tôi rao giảng Tin Mừng thì không phải để làm cho tôi vinh quang, mà vì đó là một nhu cầu đối với tôi”
– Đó là nguồn hạnh phúc : “Vô phúc cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”
– Vì thế phải làm việc rao giảng Tin Mừng một cách tự ý tự nguyện chứ không phải do bị bó buộc.
GỢI Ý GIẢNG
* 1. Lao động là vinh quang
Ông Lafontaine có kể một câu chuyện như thế này : có một tiều phu vác củi từ trong rừng về nhà. Củi thì nặng mà sức thì yếu cho nên ông ta cứ than thở hoài. Sau hết vì quá chán nản, ông đã kêu thần chết đến đem mạng sống mình đi phứt cho rồi. Vừa kêu dứt tiếng thì thần chết bỗng hiện ra, mặt mày khủng khiếp, tay cầm sẵn lưỡi hái. Thần chết hỏi : “Mi gọi ta đến để làm gì ?” Ông tiều phu mặc dù vừa mới đòi chết nhưng khi thấy thần chết thì hoảng sợ và không muốn chết nữa, bèn nói trớ : “Xin ông làm ơn đặt bó củi này lên vai hộ tôi”. Thần chết bỏ lưỡi hái xuống và đem bó củi chất lên vai người tiều phu. Ông này vội vàng cám ơn và nhanh chân rảo bước, không còn thấy nặng nhọc gì nữa.
Câu chuyện ngụ ngôn trên có thể giúp ta hiểu được phần nào Lời Chúa mà chúng ta vừa nghe. Tất cả 3 bài đọc trong Thánh Lễ hôm nay đều bàn đến những việc lao động nhọc nhằn trong cuộc sống chúng ta nơi dương thế. Cuộc sống này quả là vất vả : ai nấy phải làm lụng từ sáng tới chiều, quần quật hết ngày này sang ngày khác, hết tháng nọ sang tháng kia để kiếm lấy miếng cơm manh áo. Kẻ thì lao động chân tay, người thì lao động trí óc, nhưng tất cả mọi người đều phải làm việc vất vả. Làm để có cái mà ăn, ăn để có sức mà làm. Làm-ăn, ăn-làm như một cái vòng lẩn quẩn trói buộc con người, cho tới khi con người làm không nỗi, ăn không vô thì cũng là lúc sắp xuôi tay chấm dứt một kiếp sống làm người.
Trước kiếp sống đó, những kẻ bi quan và những người lười biếng thì than thở như trong sách Gióp được trích đọc trong bài đọc thứ nhất : “Lao động nhọc nhằn là kiếp sống của con người trên mặt đất. Ngày của họ giống như ngày của một kẻ làm công, như một người nô lệ. Tôi phải buồn sầu mãi cho đến tối và mắt tôi sẽ không nhìn thấy hạnh phúc”. Thái độ đó cũng giống như người tiều phu trong chuyện ngụ ngôn của Lafontaine, làm việc cực nhọc quá nên cứ đòi chết cho rồi. Khi người ta làm việc cực nhọc mà không hiểu được ý nghĩa và giá trị của việc mình làm thì người ta dễ có thái độ bi quan như thế.
Chính để giúp cho loài người thấy được ý nghĩa và giá trị của lao động nhọc nhằn mà Đức Giêsu Kitô đã sinh xuống trần gian, mang lấy thân phận làm người lao động vất vả. Bài Tin mừng hôm nay mô tả một ngày làm việc của Chúa : Chúa vừa giảng dạy trong Hội đường và cứu chữa một người bị quỷ ám xong, vừa mới đi ra thì hay tin bà Nhạc mẫu của Phêrô đang bị sốt nặng. Người liền đến nơi cầm tay nâng bà dậy, bà liền khỏi sốt. Liền sau đó có cả một đám đông tụ họp trước cửa nhà, đó là những người đau đớn vì đủ thứ bệnh tật, Chúa lại phải cứu giúp họ. Mãi tới chiều tối Chúa mới có chút ít giờ nghỉ ngơi. Người tìm một nơi thanh vắng để cầu nguyện. Vừa tảng sáng hôm sau thì các môn đệ lại đi tìm Người và cho hay dân chúng lại tấp nập tuôn đến xin Người cứu chữa. Nhưng Đức Giêsu đành phải từ chối và nói “Chúng ta còn phải đi đến những làng, những thành phố khác để rao giảng Tin Mừng nữa”.
Chính Đức Giêsu là Con Thiên Chúa mà còn phải làm việc vất vả từ sáng tới tối, hết ngày này sang ngày khác, không chỉ làm việc để lo cho bản thân Người mà làm việc để cứu giúp người khác, không phải chỉ lo phần xác người ta mà còn lo rao giảng để cứu giúp linh hồn người ta nữa. Qua tấm gương đó, Đức Giêsu muốn cho chúng ta thấy ý nghĩa và giá trị của việc lao động nhọc nhằn : lao động là bổn phận của mọi người, lao động giúp ích cho bản thân và cho người khác, lao động sinh ích lợi cả phần xác lẫn phần hồn.
Vì hiểu được như thế cho nên Thánh Phaolô đã hăng hái chu toàn những công việc nặng nhọc Chúa giao như chúng ta đã nghe trong bài trích thư gởi tín hữu Côrintô. Là một tông đồ, công việc chính của Ngài là rao giảng Tin mừng. Ngài đã hăng hái làm trọn công việc đó, thậm chí Ngài còn nói “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin mừng”. Ngài còn nói thêm : “Giả như tôi tự ý đảm nhận công việc ấy thì tôi mới có công. Còn nếu tôi làm vì bị ép buộc thì tôi còn mang phần thưởng ở đâu nữa ! Tôi đã nên mọi sự cho tất cả mọi người để làm cho mọi người được cứu rỗi. Thánh Phaolô đã hiểu rõ ý nghĩa và giá trị của việc mình làm nên đã tự nguyện hăng hái làm việc không ngơi nghỉ.
Những bài đọc Thánh Kinh trong Thánh Lễ hôm nay thật ích lợi vì vạch cho ta thấy phương hướng sống trước những công việc bề bộn cực nhọc.
. Trước tiên chúng ta hãy dâng lên cho Chúa tất cả những công việc ấy.
. Chúng ta hãy xin Chúa ban cho chúng ta sức khoẻ thể xác và tinh thần để có thể đảm nhận những công việc ấy.
. Chúng ta hãy xin Ngài chúc lành cho việc làm của chúng ta sinh ra những kết quả tốt đẹp.
. Xin Chúa giúp chúng ta làm việc không phải chỉ cầu lợi ích cho bản thân mình, mà còn để giúp ích cho những người khác.
. Và đặc biệt xin Chúa giúp chúng ta biết để ra một phần thời giờ, một phần sức lực để làm việc mở mang Nước Chúa nơi trần gian.
* 2. Vấn đề đau khổ
Bài Tin mừng cho thấy một ngày bận rộn của Đức Giêsu.
– Giảng xong trong hội đường thì đến chữa bệnh cho nhạc mẫu Phêrô.
– Đến chiều còn cả đám đông bệnh nhân đủ loại.
– Đêm đến đi cầu nguyện còn được môn đệ mời về chữa bệnh.
– Và còn phải đi đến nhiều thành nhiều vùng khác nữa.
Đức Giêsu như một chiếc phao giữa biển khổ cuộc đời mà vô số người bám.
20 thế kỷ qua rồi, nhưng ngày nay đau khổ nhân loại vẫn còn chồng chất : cả thể xác lẫn tinh thần. “Đời là bể khổ” câu giáo lý nhà Phật vẫn còn là một nhận xét thật đúng.
Nhưng từ nhận xét đó ta chớ vội kết luận.
– Hoặc theo kiểu bi quan như những người chán đời tự tử.
– Hoặc theo kiểu thả trôi ăn chơi kẻo hết đời “chơi xuân kẻo hết xuân đi”. Mà hãy bình tỉnh nhận định về vấn đề đau khổ.
. Có những cái khổ tự mình gây ra : tham ăn đau bụng.
. Có những cái khổ do người khác xấu bụng gây ra cho mình : thằng ăn cắp làm cho người ta mất của.
. Có những cái khổ là do quy luật thiên nhiên như thế : trước khi sinh con thì phải mang nặng đẻ đau. Muốn được mùa thì phải cực nhọc cầy cấy.
– Trước cái khổ cũng có nhiều thái độ :
. Có thứ khổ sinh buồn chán : nhậu nhẹt, tự tử.
. Có thứ khổ làm cho con người trưởng thành : người lao động biết quý trọng đồng tiền, người lính chiến trở nên anh dũng.
. Có thứ khổ người ta sung sướng chịu đựng : khổ vì yêu mà lo cho người yêu.
Sau khi phân tích như thế, ta thấy cái khổ mặc khải 3 vấn đề :
– Trần thế không phải là nơi hoàn hảo.
– Tội lỗi là một nguyên nhân lớn của khổ đau.
– Khổ đau chứng minh cho tình yêu.
Lạy Chúa, xin cho con có một nhận định sáng suốt trước đau khổ.
– Cho con đừng tự gây đau khổ cho con hay cho người khác do tính ích kỷ của con.
– Cho con kiên trì đấu tranh làm giảm những đau khổ cho con và cho người khác.
– Cho đau khổ đừng làm con gục ngã nhưng giúp con vươn lên cao hơn cõi đời này hướng về quê hương không đau khổ trên cao.
– Cho con biết chịu khổ vì yêu.
* 3. Nan đề đau khổ
Vấn đề đau khổ của loài người, đặc biệt của người lành, là một nan đề. Gióp đã vật lộn với nan đề này mà không tìm được lời giải đáp thỏa đáng.
Ngày nay đau khổ cũng vẫn là một nan đề. Ngày nay có rất nhiều người cùng cảnh ngộ với ông Gióp ngày xưa. Đó là những người đau khổ vì nghèo, đói, bệnh, bất công, áp bức v.v. Thời Cựu Ước, người ta nghĩ rằng đau khổ là hình phạt của Chúa.
Phần Đức Giêsu, Ngài không chấp nhận quan niệm coi đau khổ là hình phạt của Chúa, bởi Chúa không làm điều xấu, mà đau khổ là điều xấu. Đức Giêsu không trả lời cho câu hỏi “Tại sao đau khổ” nhưng Ngài dạy phải làm gì trước đau khổ.
Trong bài Tin Mừng này, chúng ta thấy những người đau khổ cả về thể xác lẫn tinh thần bao quanh Đức Giêsu. Ngài không tránh xa, nhưng hòa mình với họ, xả thân để cứu chữa họ.
Gặp người đau khổ, Đức Giêsu không chỉ khuyên họ hãy nhẫn nhục chịu đựng như chúng ta quen khuyên. Ngài ra tay hành động, cứu người bệnh tật, xua trừ ma quỷ.
Vần đề đau khổ còn là cơ hội để Đức Giêsu tỏ cho người ta biết Thiên Chúa. Qua cách Ngài tận tuỵ cứu giúp người đau khổ, Đức Giêsu cho người ta thấy lòng thương xót của Thiên Chúa đối với những kẻ đau khổ.
Sự đau khổ của người khác cũng là cơ hội cho chúng ta. Tuy chúng ta không có khả năng cứu chữa nhưng chúng ta luôn có khả năng chăm sóc. Mà chăm sóc cũng là một cách cứu chữa. Chỉ cần ở bên người đau khổ thôi cũng là một điều gì đáng quý rồi. Nhưng ở bên người đau khổ mà với hai bàn tay không thì có thể làm gì được ? Được chứ, vì với hai bàn tay, chúng ta có thể an ủi họ. Điều họ cần nơi chúng ta nhất là chúng ta đừng bỏ rơi họ. Khi chúng ta ở bên họ thì cũng giống như ngày xưa Đức Maria ở bên Thập giá Đức Giêsu.
Còn đối với những đau khổ của bản thân chúng ta, đó cũng là điều không thể tránh của thân phận làm người. Tuy nhiên thật là an ủi cho chúng ta vì chính Đức Giêsu cũng đi con đường đau khổ như chúng ta, và Ngài đi tới cùng. Và cũng thật vui mừng khi chúng ta biết rằng sau khi đi đến tận cùng đau khổ thì Đức Giêsu đã tới vinh quang. Như thế, đối với kitô hữu, đau khổ là cơ hội cho chúng ta chia xẻ cuộc chịu nạn của Đức Giêsu, trong hy vọng cũng sẽ được chia xẻ vinh quang phục sinh của Ngài (Viết theo Flor McCarthy)
* 4. Niềm vui được chữa lành
Đầu năm 1996, cả thế giới xôn xao theo dõi một loại bệnh có tên thật ngộ nghĩnh : Bệnh bò điên (Mad-Cow disease). Người những mắc bệnh này vì họ ăn nhằm những con bò điên. Khi mắc phải, bộ não người bệnh sẽ bị hư hoại dần dần, tay chân run rẩy và đi dần đến cái chết.
Lúc đầu người ta phát hiện có mười người mắc bệnh này ở Anh Quốc, tám người trong số đó đã chết. Ngày 21 tháng 3 năm 1996, Bộ trưởng Y tế của Anh là ông Stephen Dorell đã phải tuyên bố : “Có thể có sự liên quan giữa bệnh bò điên và bệnh Creutzfeldt – Jacob nơi con người”
Sau đó, Pháp là nước đầu tiên tuyên bố ngưng nhập cảng thịt bò của Anh Quốc. Các nước Âu Châu lần lượt làm theo Pháp. Cộng đồng Âu Châu còn khuyến cáo Anh quốc phải triệt hạ tất cả mọi con bò mắc bệnh. Việc này đã khiến Anh Quốc thiệt hại hàng tỷ đôla.
*
Bệnh tật theo đuổi con người như hình với bóng, Người ta xóa sổ được bệnh này thì bệnh khác lại xuất hiện, càng ngày các căn bệnh càng khó trị hơn, và dường như là bất trị. Có những bệnh tật tưởng chừng đã biến mất, nhưng nay lại quay trở về với con người.
Hôm nay Đức Giêsu chữa bệnh cho bà nhạc gia ông Simon – Phêrô. Bà đang bị cảm sốt liệt giường. Đức Giêsu cầm tay bà nâng dậy. Bà liền khỏi cảm sốt và đi lại tiếp đãi các Ngài.
Người Do thái cho rằng cảm sốt là hình phạt của Thiên Chúa, cũng giống như bệnh dịch (x.Ds.5,3). Sau này người ta còn gán cho cảm sốt là do ma quỉ. Trong cái nhìn đó, bệnh tật được coi như bắt nguồn từ ma quỉ và việc chữa lành bệnh tật được xem như là sự chiến thắng quỉ ma. Vì thế, việc Đức Giêsu chữa bệnh cảm sốt cho nhạc gia ông Simon biểu lộ ý nghĩa Thiên Chúa cứu chuộc con người khỏi ách tội lỗi, nói lên sứ mạng Thiên sai của Người.
Đức Giêsu đến đâu thì chữa lành bệnh tật và xua trừ ma quỷ đến đó. Người mang đến cho họ niềm vui và nụ cười. Người tín hữu Kitô cũng hãy đem niềm vui, niềm hạnh phúc đến cho tha nhân trong môi trường mình sinh sống. E.Lamy khẳng định : “Chính khi chiếu tỏa quanh ta niềm hoan lạc, mà ta sẽ cứu vớt được nhiều linh hồn. Bởi vì niềm vui tự nó là một lời rao giảng”.
Sau khi được chữa lành, bà nhạc ông Simon đã đứng dậy đi phục vụ mọi người. Qua bí tích Rửa tội, chúng ta được xua trừ ma quỷ, được chữa lành bệnh tật, linh hồn, và được trở nên con cái Chúa, chúng ta cũng hãy ra đi phục vụ anh em đồng loại, nhất là những người cô thân cô thế, những kẻ bệnh hoạn tật nguyền. V.Ghika có viết : “Thiên Chúa cho kẻ biết cho, hiến thân cho kẻ hiến thân. Nếu bạn biết gánh lấy niềm đau kẻ khác, thì Thiên Chúa sẽ gánh lấy nỗi khổ của bạn và biến nó thành của Người”.
Dường như gánh lấy nỗi đau của kẻ khác, chúng ta cảm thấy ý nghĩa ngọt ngào của hy sinh. Dường như hy sinh cho tha nhân bao giờ cũng có hương thơm của hạnh phúc. Dường như sống yêu thương sẽ thấy lòng thanh thản, cuộc đời nhẹ thênh thang.
*
Lạy Chúa, thế giới ngày nay vẫn còn các tà thần ám ảnh : thần của bạc tiền, của tình dục, của tiếng tăm ; vẫn còn các bệnh tật lan tràn : bệnh trong lối nghĩ, lối nhìn và lối sống. Xin Chúa thương chữa lành cho tất cả chúng con. Nhất là xin cho các tín hữu chúng con cũng biết xoa dịu, băng bó và chăm sóc những vết thương thể xác và tâm hồn của anh chị em xung quanh. Amen. (Thiên Phúc, “Như Thầy đã yêu”)
* 5. Cực nhọc
Ba bài đọc hôm nay đều nói về làm việc. Nhưng bài đọc Cựu Ước (trích sách Gióp) thì than rằng làm việc là một gánh nặng quá cực nhọc. Còn 2 bài đọc Tân Ước thì nêu gương Đức Giêsu và thánh Phaolô làm việc cách hăng say và vui vẻ.
Cũng là làm việc, nhưng người thì thấy nặng nhọc, kẻ thì thấy vui vẻ. Tại sao ?
– Thánh Phaolô cho biết lý do thứ nhất : làm việc vì bó buộc hay làm vì tự nguyện : “Tôi mà tự ý làm việc thì mới đáng Thiên Chúa thưởng công”
– Thánh Augustinô đưa ra lý do thứ hai : Ubi amatur, non laboratur (Khi nào người ta yêu thì người ta không cảm thấy nhọc mệt)
Phép lạ chữa lành như là dụ ngôn về sự sống lại.
“Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào lòng con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con được lành mạnh”.
Câu kinh đọc trước rước lễ có thể soi sáng một vài suy tư sau đây về phép lạ chữa bệnh.
Đức Giêsu đã làm nhiều phép lạ chữa bệnh, đó là điều rõ ràng ai cũng biết. Chúng có mặt hầu như ở từng trang Tin mừng. Đàng khác, nếu không chữa bệnh làm sao Đức Giêsu chứng tỏ mình là Đấng Mêssia được ? Đó là điều đòi hỏi phải có vào thời của Người, mà người ta còn gặp thấy lại nơi mọi lãnh tụ tôn giáo thời nay.
Nhưng Đức Giêsu không chỉ là một người chuyên chữa bệnh. Chắc chắn không ! Người không đến để chữa bệnh nhưng để cứu con người. Nếu có chữa bệnh đi nữa thì cũng là để cứu độ. Người không bảo : “Đức tin đã chữa lành con” nhưng : “Đức tin đã cứu con”. Thế mà ơn cứu độ là gì nếu không phải là được sống nhờ sự sống của Đức Kitô, dù khi khỏe mạnh hay ốm đau, cả sau khi chết cũng như lúc còn sống. Phép lạ chữa bệnh chỉ là một thứ dụ ngôn về sự sống lại. Một nhà chú giải hiện nay đã có một nhận định, mà theo sự đánh giá của tôi, đã soi sáng cho tôi rất nhiều. Trong Phụng vụ, vị ấy nói, ngay từ ban đầu người ta chưa hề bao giờ đọc một bài tin mừng về phép lạ Đức Giêsu chữa bệnh để cầu cho bệnh nhân được lành (như thế chẳng khác nào đọc thần chú) nhưng chỉ để công bố sự Phục sinh của Chúa”.(H.Denis, trong “100 mots pour dire”, Desclée de Brouwer, trang 183. Trích dịch bởi Fiches dominicales, năm B).
“Ngài đi ra một nơi hoàng vắng và cầu nguyện”
Người kia có thói quen một mình đi vào một khu rừng hẻo lánh. Một hôm, người bạn của người đó tò mò đi theo. Khi thấy người này ngồi im trong rừng thì ngạc nhiên hỏi :
– Anh làm gì ở đây thế ?
– Tôi cầu nguyện.
– Nhưng cần gì phải đến một nơi xa xôi hẻo lánh như thế này để cầu nguyện chứ ?
– Vì ở đây tôi thấy mình gần Chúa hơn.
– Nhưng Chúa ở khắp mọi nơi kia mà. Ở đâu mà Chúa chẳng gần ta.
– Chúa thì như thế thật, nhưng tôi thì không như thế.
Đành rằng Chúa ở khắp mọi nơi nên ở đâu ta cũng có thể gặp Chúa, tuy nhiên nếu thỉnh thoảng ta lui vào một nơi yên tĩnh nào đó thì ta sẽ cảm thấy Chúa gần gũi hơn và thân thiết hơn. Ở những nơi yên tĩnh như thế, một mặt tất cả mọi sự đều nhắc chúng ta nhớ đến sự hiện diện của Chúa, từ một làm gió, một cánh hoa, một dòng nước, một tiếng chim hót cho đến cả sự im lặng ; và mặt khác con người chúng ta thư thái hơn, bình lặng hơn nên dễ cởi mở tấm lòng ra với Ngài hơn. (Viết theo Flor Mc Carthy)
LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI
CT : Anh chị em thân mến
Lao động là nhọc nhằn, nhưng lao động cũng là nguồn vui, là tiền đề cho cuộc sống ấm no hạnh phúc, và nhất là lao động tạo dịp cho chúng ta góp phần vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Chúng ta hãy dâng lên Chúa những lời nguyện sau đây :
- Ngày xưa Đức Giêsu đã bảo các môn đệ rằng “Chúng ta hãy đi đến những làng, những thành thị lân cận để Ta cũng rao giảng ở đó nữa”. Ngày nay Hội Thánh tiếp tục làm theo lời dạy ấy của Chúa. Chúng ta hãy cầu xin cho công cuộc rao giảng Tin Mừng của Hội Thánh được nhiều thuận lợi và nhiều kết quả.
- Đất nước chúng ta còn nghèo. Rất nhiều người chưa có công ăn việc làm xứng đáng và đủ nuôi sống gia đình mình. Chúng ta hãy cầu xin cho các vị lãnh đạo đất nước có những đường lối chính sách đem lại công ăn việc làm cho mọi công dân, để cuộc sống mọi người đều ấm no hạnh phúc.
- Chúng ta hãy đặc biệt nhớ đến những người thất nghiệp và những người vì hoàn cảnh bó buộc phải làm những công việc không xứng với nhân phẩm và đạo đức. Xin Chúa giúp cho những anh chị em ấy sớm thoát khỏi tình trạng khốn khổ hiện tại.
- Chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho mọi người trong cộng đồng giáo xứ chúng ta biết siêng năng làm việc, để vừa nuôi sống bản thân mình, vừa góp phần xây dựng xã hội và Giáo Hội.
CT : Lạy Chúa, Chúa đã nêu gương cần cù làm việc từ sáng đến tối ; Chúa làm việc không phải vì bản thân Chúa mà còn để cứu giúp mọi người. Chúng con xin dâng lên Chúa những việc làm vất vả hằng ngày của chúng con. Xin Chúa thánh hóa những việc làm ấy và cho chúng sinh nhiều hoa quả tốt lành. Chúng con cầu xin nhờ công nghiệp Đức Giêsu Kitô là Chúa chúng con.
TRONG THÁNH LỄ
– Trước kinh Lạy Cha : Chúng ta hãy cầu xin với Thiên Chúa là Cha chúng ta, xin Ngài thêm sức cho chúng ta có thể chu toàn mọi công việc chúng ta phải làm trong cuộc sống, đồng thời cũng xin Ngài cứu chúng ta khỏi mọi bệnh tật và mọi sự dữ.
– Sau kinh Lạy Cha : “Lạy Cha xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ, xin thêm sức cho chúng con gánh vác những lao nhọc hằng ngày, xin đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình an…”
GIẢI TÁN
Với ý thức rằng làm việc là cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa, và với sự trợ giúp của Ngài, chúng ta hãy hăng hái trở về với cuộc sống và tích cực chu toàn những công việc của chúng ta
CHÚA NHẬT V THƯỜNG NIÊN- Năm B
NGAY GIỮA LÚC THI HÀNH SỨ VỤ– Fiches Dominicales
VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI
Từ âm thầm trong “nhà”
Ba câu chuyện nhỏ xảy ra liên tiếp trong bài Tin Mừng Chúa nhật thứ V hôm nay. Cả ba tương phản nhau như được tượng trưng qua những địa điểm chúng xảy ra: bắt đầu từ một chỗ âm thầm trong “nhà của ông Simon” (Phêrô); rồi đến “ngoài cửa”, nơi “cả thành xúm lại”, sau cùng là “một nơi hoang vắng” ở đó, trong lúc Chúa đang cầu nguyện, vang lên lời Người gọi mời phải mở rộng cánh đồng truyền giáo.
Đức Giêsu, có các môn đệ đầu tiên cùng đi theo, ra khỏi hội đường Caphácnaum, đến “nhà hai ông Simon và Anrê “. Luật Do Thái có qui định nghiêm ngặt trong ngày Sabát như ngày hôm đó, người ta được phép đi lại bao xa. Kết quả những công trình đào xới khảo cổ học gần đây cho thấy, quãng đường phải đi từ hội đường đến “căn nhà mà Đức Giêsu và các ông định đến, quả thực rất gần. Căn nhà này hình như là địa điểm họp mặt, đồng thời là cứ điểm truyền giáo của Đức Giêsu. Nó đóng một vị trí quan trọng trong Tin Mừng thứ hai này.
Máccô thuật tiếp: “Lúc đó, bà mẹ vợ ông Simon đang lên cơn sốt”. Để hiểu được ý nghĩa câu chuyện, cần phải nhớ rằng vào thời đó, bệnh sốt được xem như là một trong những hình phạt mà Thiên Chúa doạ sẽ giáng xuống trừng phạt dân tộc bất trung: “nếu các ngươi khinh thường các luật điều của Ta, và hồn các ngươi ớn ghét các phán quyết của Ta, không làm theo rất cả các lệnh truyền của Ta, đến thủ tiêu giao ước của Ta, thì chính Ta, Ta sẽ làm điều này cho các ngươi. Ta sẽ giáng xuống trên các ngươi kinh hoàng, tiêu hao, cảm sốt làm cho mắt đờ, hơi kiệt” (Lv 26, 15-16a).
J . Pótin chú thích thêm: “người bị bệnh sốt, là kẻ bị tình nghi phạm một tội nào đó, khiên tuỳ mức nặng nhẹ của cơn sốt mà không được tham dự, hoặc tất cả hoặc một phần; vào sinh hoạt chung tôn giáo và xã hội” (“Jésus, lhistoire vraie”, Centurion, trang 162 ) .
Câu chuyện được tiếp tục kể, giọng điệu mau lẹ, ngắn gọn, không thấy một lời nói nào.
Trước tiên là sự thỉnh cầu của các thân nhân người bệnh: “Lập tức họ nói cho Người biệt tình trạng của bà”.
Tiếp đó là cử chỉ chữa lành: “Đức Giêsu lại gần, cầm lấy tay mà đỡ dậy”.
Dưới ánh sáng Phục Sinh, cử chỉ này của Đức Giêsu mang một ý nghĩa biểu tượng đối với Máccô và cộng đoàn Kitô hữu của ông. J.Hervieux lưu ý chúng ta: “ Đó là điều được ám chỉ một cách kín đáo, qua việc sử dụng một kiểu nói đặc biệt. Tro ng tiếng Hy Lạp, động từ “đỡ dậy” cũng là động từ Máccô dùng để nói về Đức Giêsu: “Người đã chỗi dậy rồi” (16,6). Chúng ta cần phải đặt mình trong khung cảnh những Kitô hữu tiên khởi khi đọc trang Tin Mừng này. Đối với họ, Đức Giêsu không chỉ là Đấng có quyền phép chữa bệnh lạ lùng trong giai đoạn đầu của sứ vụ. Với cuộc Phục sinh, Người được suy tôn là “Đức Chúa và Đấng Kitô” (Cv 2,36), nghĩa là Đấng qua từng ngày vẫn tiếp tục cứu chữa loài người khỏi tội lỗi tiếp tục giải thoát họ khỏi sự chết” (“LEvangile de Marc”, Centurion, trang 33).
Người bệnh bỗng phút chốc được lành bệnh, sức khoẻ được hồi phục hoàn toàn, bằng chứng là sau đó bà bắt đầu phục vụ Đức Giêsu và các người đi theo Chúa. Đó cũng là hình ảnh người Kitô hữu đã từng bị nằm liệt, do bị hành hạ bởi cơn sốt là tội lỗi Nhưng Đức ki tô đã đến “cầm lấy tay mà đỡ dậy”; nhờ đức tin và phép Rửa tội, để một khi đã được chữa lành, họ sẽ trở thành kẻ phục vụ Chúa và anh ern mình: “Cơn sốt dứt ngay, và bà phục vụ các ngài”. J. Hervieux tiếp tục: “Khi trình bày cho thấy, người đàn bà đã được chữa khỏi, bắt đầu phục vụ các vị khách của mình, Máccô chắc chắn nghĩ đến việc “phục vụ ” Đức Kitô mà mỗi Kitô hữu được mời gọi phải làm Đấng Cứu Thế không ngừng giải thoát các tín hữu của người khỏi sự dữ để họ bắt tay vào công việc phục vụ đó ” (Sđd) .
Rồi đến “trước cửa” có “cả thành xúm lại”:
Khi mặt trời lặn, đối với người Do Thái, đó là lúc kết thúc ngày Sabát, và bắt đầu một ngày mới.
Hết bị ràng buộc bởi những khoản cấm đoán liên can đến ngày hưu lễ, mọi người từ lúc này ai nấy trở lại với sinh hoạt bình thường, và họ dẫn đến cho Đức Gtêsu “mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám”. Chẳng mấy chốc, theo lời của Máccô, “cả thành xúm lại trước cửa”. Phép lạ chữa lành bà mẹ vợ ông Phêrô diễn ra âm thầm giữa một nhóm vài ba người, nay đã bung ra cho niềm khát mong của bao kẻ bên ngoài: “Đức Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ”.
– Người ra lệnh cho chúng không được nói gì cả lần này cũng nghiêm khắc không kém gì lúc ở trong hội đường (c.25): “Người không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai”.
M.E.Boismard đặt câu hỏi: “Tại sao lại có bệnh cấm đoán đó ở đây cũng như chỗ khác, trong ch. 1 câu 5, khi Đức Giêsu bị thần ô uế phải im tiếng mà xuất ra khỏi nạn nhân?…Vào thời đó cũng chính ông trả lời, đất nước Palestin đã bị mất chủ quyền, và rơi vào ách đô hộ của người La mã. Do vậy, dân tộc Do Thái ngày đêm mong mỏi một vi anh hùng giải phóng đến để “khôi phục lại vương quốc Israel” (Cv 1, 6; Lc 1, 58-73). Nhưng Đức Giêsu được Thiên Chúa sai đến không phải thực hiện công cuộc khôi phục có màu sắc chính trị đó. Chính Đức Kitô rồi đây sẽ giải thích thực chất vương quyền của Người là gì, khi triển khai giáo huấn của Người bằng những dụ ngôn (Mc 4, 1 và tiếp theo). Chúng ta sẽ hiểu rõ hơn sự sai biệt giữa vi vua mà dân Do Thái mong đợi và vị vua mà Thiên Chúa gởi đến cho họ. Chính vì muôn tránh sự hàm hồ đó mà Đức Giêsu đă không cho phép quỷ xưng Người là ai, cũng như sau này Người chỉ thị cho những kẻ được chữa lành phải thinh lặng. Đó là lý do của cái quen gọi là “bí mật Mêsia” (“Jésus, un homme de Nazareth”, Cerf, trang 46-47).
Danh hiệu “Đấng Kitô” và “Con Thiên Chúa” chỉ được giải nghĩa chính xác sau ngày dưới ánh sáng của Khổ Nạn và Phục Sinh. Phải giữ thinh lặng cho đến khi thật sự sáng tỏ rằng Đấng Messia chỉ đến cứu loài người qua con đường hy sinh chịu chết.
… Và “những nơi khác” phải đến để rao giảng:
Các câu từ 35 đến 39 đóng vai trò chuyển tiếp giữa sứ vụ của Đức Giêsu được khai trương ở Caphácnaum và mở rộng ra khắp miền Galilê.
Trái ngược hoàn toàn với công việc bề bộn của Người để phục vụ đám đông ở Caphácnaum, giờ đây Đức Giêsu chỉ có một mình trong một nơi thanh vắng”.
– Chúng ta đang ở vào lúc sáng sớm, lúc trời còn tối mịt”, hôm sau ngày Sabát, ngày thứ nhất trong tuần, sau này sẽ là Chúa nhật của người Kitô hữu, “ngày của Chúa”. Đức Giêsu cầu nguyện, như Người từng làm như thế vào mỗi khoảng khắc quan trọng của sứ vụ (x. Mc 6,46 và 14,35-39). Chắc chắn trước sự ồn ào nô nức của đám đông vây quanh mình, Người cảm thấy nhu cầu được đắm chìm lại trong sự thân mật với Chúa Cha, cũng như xác định lại vị trí của mình trên con đường sứ vụ. P.E. Boismard chú giải, “Trong nơi hoang vắng, tất cả đều im tiếng, chỉ có sự tĩnh lặng tràn ngập ánh sáng, chỉ có con người và Thiên Chúa. Bởi vì mọi sự đều lặng thinh nên con người mới nghe được tiếng Thiên Chúa” (Sđd, trang 49).
Các môn đệ thì chạy đi tìm Chúa, mong mời cho được Người trở về Caphácnaum, ở đó “mọi người đang tìm Thầy”. Nhưng Đức Giêsu cương quyết nhắc cho họ biết cái cốt lõi trong sứ vụ của Người là: loan báo Tin Mừng. “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xă chung quang, Người trả lời họ, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó”.
Từ đó, “Người đi khắp miền Galilê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ”. Đoạn Tin Mừng chấm dứt ở giai đoạn mở màn của sứ mạng truyền giáo ấy.
Vài câu Tin Mừng ở trên có những nét đặc trưng của Máccô: Đức Giêsu ra đi trước, một mình, cầu nguyện. Lúc đó là đêm thứ bảy bước sang ngày Chúa nhật, quãng thời gian của sáng sớm ngày Phục Sinh (x. 16, 1-8). Các môn đệ ra đi sau, tìm Chúa để cố lôi kéo người lại. Thế nhưng trong Tin Mừng Máccô, không bao giờ có điểm dừng, người ta luôn luôn được gởi đi đến một nơi khác: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quang, vì Thầy ra đi cối để làm việc đó”. Các phụ nữ đi viếng mộ Chúa sau này cũng được gởi đi lên một “nơi khác như thế (“Người không còn đây nữa. Xin các bà về nói với môn đệ Người và ông Phêrô rằng người sẽ đến Galilê trước các ông). Bài tường thuật ngắn ngủi này có thể được dùng làm tấm gương soi cho cộng đoàn Kitô hữu đang họp nhau trong đêm thử bảy vọng sáng Chúa nhật, để cầu nguyện và tìm Chúa. Họ cũng sẽ được gởi đi đến một nơi các: “Tin Mừng phải được rao giảng cho mọi dân tộc” (13,10) (“L’evangile se lon saint Marc”, Cerf, trang 37).
BÀI ĐỌC THÊM
“ Cầu nguyện và truyền giáo“(Mgl. L.Daloz, trong “Qui dong est-il?”, Desclée de Brouwer, trang 17).
“Cuộc đời của Đức Giêsu luôn xáo động. Người thường không được ở yên. Thế nên Người phải ra đi để cầu nguyện, giữa đêm tối, ở một nơi hoang vắng. Simon và các bạn chạy đi tìm Chúa và quấy rầy Người: “Mọi người đang tìm Thầy đấy!”. Trong cuộc sống luôn bị xáo trộn như thế, Đức Giêsu tận dụng thời gian để cầu nguyện. Người cầu nguyện cách kín đáo, thường là một mình. Người lắng nghe Chúa Cha, trong thinh lặng, và nói với Chúa Cha. “ Thầy phải lo việc của Cha Thầy”. Người là Người Con Chí ái, hằng yêu mến Cha, và luôn sống thân mật với Cha. Khi đi rao giảng cũng là lúc Người lo việc của Cha. Mọi người tìm Người, đợi Người. Nhưng Người đi nơi khác, “đến các làng xã chung quanh, theo tiếng gọi của sứ vụ truyền giáo của Người: “Vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó”. Mối tương quan thân mật giữa Đức Giêsu và Chúa Cha ảnh hưởng trực tiếp đến sứ vụ, lời rao giảng của Người. Người làm điều Cha muốn và tìm kiếm thời gian để ở với Cha. Đó cũng là điều kiện phải có của mọi sứ vụ . Nó đòi hỏi phải có sự gặp gỡ thân tình với Chúa Cha trong cầu nguyện, và lắng nghe ý Người”.
“Một bài giáo huấn về vài khía cạnh trong Bàn Tiệc ngày Chúa nhật”(F. Deleclos, trong: “Prends ét mang La Parole, “Centurion – Duculot, trang 137-138).
“Đoạn Tin Mừng kể về phép lạ chữa lành bà mẹ vợ của ông Phêrô không chỉ đơn giản là “chuyện nhỏ”, nó xứng đáng được xem như (một bài giáo huấn về vài khía cạnh trong Bàn Tiệc ngày Chúa- nhật”. Là những kẻ tội lỗi, chúng ta được qui tụ bởi đức tin, làm nên cộng đoàn Hội Thánh tìm kiếm Đức Kitô và kêu cầu Người. Giống như bà mẹ vợ của ông Phêrô, chúng ta bị nằm liệt giường và lên cơn sốt, chẳng được vui hưởng cuộc sống đích thực. Chúng ta bị hành hạ bởi bệnh sốt của những kẻ không chịu lắng nghe tiếng Chúa và chăm chú thực hành những điều răn của Người (Tl 28,15 và 22). Đức Giêsu đến làm cho chúng ta được bình phục, đủ sức khoẻ để phục vụ bàn tiệc thánh Thể và dấn thân vào cuộc chiến chống lại mọi hình thức của đau khổ”.
“Phép lạ chữa lành như là dụ ngôn về sự sống lại” (H. Denis, trong “100 mots pour dire Jésus”, Desclée de Brouwer, trang 183).
“Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào lòng con. Nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con được lành mạnh”.
Câu kinh đọc trước Rước lễ có thể soi sáng một vài suy tư sau đây về phép lạ chữa bệnh.
Đức Giêsu đã làm nhiều phép lạ chữa bệnh, đó là điều rõ ràng ai cũng biết. Chúng có mặt hầu như ở từng trang Tin Mừng. Đằng khác, nếu không chữa bệnh, làm sao Đức Giêsu chứng tỏ mình là Đấng Mêsia được? Đó là điều đòi hỏi phải có vào thời của Người, mà người ta còn gặp thấy lại nơi mọi lãnh tụ tôn giáo thời nay.
Nhưng Đức Giêsu không chỉ là một người chuyên chữa bệnh. Chắc chắn không! Người không, đến để chữa bệnh nhưng để cứu con người. Nếu có chữa bệnh đi nữa thì cũng là để cứu độ Người không bảo: “Đức Tin đã chữa lành con”, nhưng: “Đức Tin đã cứu con”. Thế mà ơn cứu độ là gì nếu không phải là được sống nhờ sự sống của Đức Kitô, dù khi khoẻ mạnh hay ốm đau, cả sau khi chết cũng như lúc còn sống. Phép lạ chữa bệnh chỉ là một thứ dụ ngôn về sụ sống lại. Một nhà chú giải hiện nay đã có một nhận định mà theo sự đánh giá của tôi, đã soi sáng cho tôi rất nhiều. Trong Phụng vụ, vị ấy nói, ngay từ ban đầu người ta chưa hề bao giờ đọc một bài Tin Mừng về phép lạ Đức Giêsu chữa bệnh để cầu cho bệnh nhân được lành (như thế chẳng khác nào đọc thần chú!), nhưng chỉ để công bố sự Phục sinh của Chúa”.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam