Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 84

Tổng truy cập: 1357645

HÃY THANH TẨY ĐỀN THỜ CHÚA

HÃY THANH TẨY ĐỀN THỜ CHÚA- Lm Antôn Nguyễn Văn Độ

 

Lễ Vượt qua của người Do thái thường diễn ra tại Đền thờ. Vào dịp này, Chúa Giêsu lên dự lễ, Người thấy ở trong Ðền thờ có những người bán bò, chiên, chim câu và cả những người ngồi đổi tiền bạc, Người chắp dây thừng làm roi, đánh đuổi tất cả bọn cùng với chiên bò ra khỏi Đền thờ. Người hất tung tiền của những người đổi bạc, xô đổ bàn ghế của họ và bảo những người bán chim câu rằng: “Hãy đem những thứ này đi khỏi đây, và đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán” (Ga 2,16). Chứng kiến cảnh tượng Chúa làm, các môn đệ khám phá ra lòng nhiệt thành với nhà Cha nơi tâm hôn Chúa Giêsu, họ liền nhớ lại câu Kinh Thánh: “Sự nhiệt thành vì nhà Chúa sẽ thiêu đốt tôi” (Tv 69,10).

Thật là tệ! Đền thờ, nhà của Thiên Chúa đã bị biến thành nơi chợ búa. Mục đồng thì mang cừu đến bán, kẻ bán chim câu mong kiếm được vài đồng, kẻ giữ Đền thờ cũng vậy…

Đền thờ Giêrusalem

Luật Do thái cấm mua bán nơi Ðền thờ. Tuy nhiên hàng tư tế quản trị Ðền thờ lại dung túng cho dịch vụ này để nhằm chuộc lợi. Kẻ đổi tiền ăn bớt phần trăm, người bán coi đó như là cách thế làm tiền, khiến người mua thì phải mua đồ lễ một cách bất đắc dĩ cho việc dâng hiến, với giá cắt cổ thay vì mua ở ngoài theo giá thị trường. Các tư tế cho đấu thầu hai dịch vụ này cũng có món tiền bỏ túi riêng. Thay vì nhắm đến việc giúp những người từ xa đến khó có thể mang theo lễ vật để hiến dâng, cho nên việc mua bán súc vật trong khu vực Ðền thờ là tiện lợi. Tiện lợi chứ không hẳn là cần thiết, vì việc mua bán vẫn có thể thực hiện bên ngoài Ðền thờ. Nếu tiện lợi, sao Ðức Giêsu lại tỏ ra khó chịu, lên tiếng cảnh giác những người buôn bán súc vật và đổi tiền quanh Ðền thờ? Chúa đuổi họ, vì họ cũng như con buôn, coi tiền bạc trọng hơn Thiên Chúa. Chúa lên tiếng cảnh giác họ: “Ðừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán” (Ga 2,16). Ðó là lời quở trách những nhà lãnh đạo tôn giáo thời bấy giờ đã đồng lõa trong việc thương mại hoá và phàm tục hoá Ðền thờ.

Chúa Giêsu là Đền Thờ

Thật ra, cơn giận của Chúa Giêsu không nhằm chống lại những người buôn bán cho bằng chống lại chính việc thờ phượng bị thương mại hóa theo kiểu ấy. Khi lật nhào các quày buôn bán, Ngài lật đổ chính tôn giáo và phá hủy đền thờ. Hành động đó gây phẩn nộ cho tất cả mọi người, nhất là khi biết rằng đền thờ Giêrusalem có một vị trí trong tâm hồn mọi người Do thái. Họ hỏi Ðức Giêsu: “Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế?” (Mc 2,18) Và Ngài đáp: “Các ông cứ phá hủy Ðền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại” (Mc 2,19).

Thánh Gioan tường thuật chi tiết chính xác quan trọng ấy. Đền thờ Chúa Giêsu nói đây chính là Thân thể Người, hiện thân của Chúa Cha. Khi sánh ví Người là Đền Thờ, Chúa Giêsu khẳng định chính mình là Đền Thờ Thiên Chúa Cha ngự trị. Chúa Giêsu chính là sự tôn vinh Thiên Chúa. Theo thánh sử Gioan, chúng ta được tiên báo về cái chết và sự sống lại của Ðức Kitô: thân thể của Người, vốn bị bạo lực của tội lỗi hủy hoại trên thập giá, Thiên Chúa gặp gỡ con người qua sự Phục Sinh của Chúa Giêsu. Vì thế, nhân tính của Người chính là Ðền Thờ đích thực, là nơi Thiên Chúa mặc khải chính mình, để phán bảo và gặp gỡ con người; và những ai thờ phượng Thiên Chúa đích thực không phải là những kẻ giữ cửa của Ðền thờ vật chất, cũng chẳng phải những người nắm giữ quyền lực hay có kiến thức về tôn giáo, nhưng là những ai thờ phượng Thiên Chúa trong “Thần Khí và sự thật” (Ga 4, 23).

Chúng ta là Đền thờ

Thánh Phaolô nói: “Anh em không biết anh em là đền thờ của Thiên Chúa sao?.. Đền thờ của Thiên Chúa là thánh thiêng, anh chị em cũng vậy” (1 Cr 3,16-17). Như thế, chân lý và phẩm giá Thiên Chúa được liên kết với sự thật và phẩm giá con người. Thánh Phaolô cảnh cáo: “Anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và ai xúc phạm Đền Thờ Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ huỷ diệt kẻ ấy” (1Cr 3, 17).

Người ta xúc phạm đến Đền Thờ của Thiên Chúa bằng nhiều cách. Nếu người Do thái xưa kia đã biến Đền Thờ thành nơi buôn bán. Và Chúa Giêsu đã nổi giận đến nỗi thắt dây thừng thành roi để đánh đuổi họ và lật đổ bàn ghế của họ. Ngày nay, có nhiều nơi dùng Thánh Đường để buôn thần bán thánh, nhưng cách xúc phạm thông thường nhất là phạm đến Đền thờ trong tâm hồn và thân xác của mỗi người và của tha nhân.

Phá thai là một hình thức xúc phạm nặng nề đến Đền thờ Thiên Chúa. Không những xúc phạm, mà còn phá hủy những Đền thờ nhỏ bé của Thiên Chúa, tước quyền Thiên Chúa là Đấng đã dựng nên các thai nhi ấy theo hình ảnh của Ngài.

Linh hồn cũng là Đền thờ Thiên Chúa. Chúng ta xúc phạm đến Đền thờ này bằng cách xúi dục người khác phạm tội, làm dịp cho người khác phạm tội, làm gương mù cho người khác, nhất là trẻ em (x. Mc 9:42), hay làm lơ không nhắc nhở khi mình có trách nhiệm. Có nhiều người nghĩ rằng mình không làm hại ai là đủ rồi. Thật ra những người có trách nhiệm giáo dục và hướng dẫn người khác, mà lơ là bổn phận của mình, cũng là xúc phạm đến Đền Thờ của Thiên Chúa vì mình không chu toàn bổn phận bảo trì và xây dựng những ngôi Đền Thờ mà Thiên Chúa đã trao cho.

Khi đuổi súc vật ra khỏi đền thờ, Chúa Giêsu muốn ta hãy tiếp tục công việc của Người là gìn giữ đền thờ bản thân chúng ta. Tâm hồn chúng ta là cung thánh Chúa ngự. Chúa biết rõ những khao khát nồng nhiệt nhất của chúng ta: đó là được Ngài cư ngụ trong cõi lòng mình, chỉ một mình Chúa thôi. Chúng ta hãy để cho Ngài bước vào cuộc đời, gia đình, và cả cõi lòng của chúng ta nữa. Để được như thế Ta phải luôn luôn thanh tẩy tâm hồn hầu xứng đáng với Chúa.

Lạy Mẹ Maria, nơi cư trú đặc biệt của Con Thiên Chúa, xin đồng hành với chúng con và xin nâng đỡ chúng con trong hành trình Mùa Chay này, để chúng con có thể tái khám phá ra vẻ đẹp của cuộc gặp gỡ với Ðức Kitô, Ðấng sẽ giải thoát và cứu độ chúng con.

CHÚA NHẬT III MÙA CHAY- B

NƠI CHỐN VÀ PHƯƠNG THỨC PHỤNG THỜ ĐÍCH THỰC- Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty SDB

Việc tẩy uế đền thờ tạo dịp để Đức Giêsu đề cập với giới lãnh đạo Do Thái về một đề tài rất nóng bỏng và thiết thân đối với họ: phải phụng thờ Thiên Chúa như thế nào cho phải lẽ? Thật vậy, đền thờ Giê-ru-sa-lem vốn là trái tim của cả dân tộc Do Thái, là nơi họ dâng lễ vật phụng thờ lên Đức Chúa Gia-vê, đồng thời thanh tẩy mình khỏi tội nhơ. Vì thế cho nên, khi Đức Giêsu thách thức: “Các ông cứ phá hủy đền thờ này đi, nội ba ngày tôi sẽ xây dựng lại!” thì các tư tế lập tức có những phản ứng gay gắt; Nhưng ngược lại, các môn đệ qua đó lại dần nghiệm ra: đây mới chính là mạc khải mới mẻ nhất mà Đức Giêsu, không chỉ tuyên bố xuông, mà còn thực tế minh định bằng sự kiện Vượt Qua thập giá do chính Người thực hiện; ‘Khi Người từ cõi chết chỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó, và họ tin rằng… Đền Thờ Đức Giêsu muốn nói đây là chính thân thể Người’.

‘Làm thế nào thờ phượng, hay đúng hơn, đi vào tương quan với Thiên Chúa cách chân thực nhất?’ hẳn đây là vấn nạn thầm kín của rất nhiều tâm hồn tín hữu qua mọi thời đại. Các tư tế Do Thái thì đinh ninh họ đã sở đắc được lời giải đáp quá rõ như ban ngày: cứ lên đền thánh Giê-ru-sa-lem dâng tiến lễ vật theo luật định! Sau này người phụ nữ Sa-ma-ri bình dân và tầm thường cũng sẽ nêu lên cùng một vấn nạn: “Cha ông chúng tôi đã thờ phượng Thiên Chúa trên núi này; còn các ông lại bảo: Giê-ru-sa-lem mới chính là nơi phải thờ phượng Thiên Chúa”. Khi giải đáp vấn đề thiết thân này, Đức Giêsu đã rất thẳng thừng tuyên bố, một lời công bố mang tính cách mạng triệt để trong lãnh vực tôn giáo: “Giờ đã đến, và chính là lúc này đây, những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật.” (Ga 4:19-26)

Nối kết hai đoạn văn liên quan tới đền thờ này lại với nhau, ta sẽ khám phá ra một mạc khải có tầm quan trọng bậc nhất đối với hết thảy các tín hữu Kitô: nơi thờ phượng Thiên Chúa xứng hợp nhất chính là con người Đức Kitô, và phương thức thích hợp nhất để tôn thờ Chúa Cha đó là tôn thờ trong thần khí và sự thật. Nói cách khác, chỉ duy nhất trong Đức Giêsu Kitô ta mới tôn thờ được Chúa Cha cách chân thực, và chỉ nơi thâm sâu nhất của cõi lòng ta mới thực sự thờ phượng trong thần khí và sự thật.

– ‘Thần khí’, nếu trong suy nghĩ của người Do Thái và Sa-ma-ri thần khí là sức mạnh của Đức Chúa, thì Đức Giêsu chắc hẳn cũng đang đề cập tới một sức mạnh gì ghê gớm hơn hẳn. Đúng vậy, đó là sức mạnh mà Người sẽ thực hiện cũng chính tại Giê-ru-sa-lem, qua cái chết thập giá và sống lại của mình: sức mạnh của yêu thương cứu độ. Thờ phương Chúa Cha trong ‘thần khí – sức mạnh’ của tha thứ và xót thương thì chỉ có Kitô hữu mới làm được, nhờ đi vào cái chết thập giá của Đức Giêsu.

– ‘Sự thật’, đối với Kitô hữu sẽ không phải là thứ triết lý gì cao siêu, nhưng là một điều rất cụ thể và thực tế mà ai cũng phải giáp mặt và có thể nắm bắt. Tông đồ Gio-an đã từng khảng định: “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta… Nếu chúng ta nói là chúng ta đã không phạm tội, thì chúng ta coi Người là kẻ nói dối, và lời của Người không ở trong chúng ta” (1Ga 1:8-10). Sự thật đơn giản là thế đó! Quả vậy, không thể phụng thờ một Chúa Cha đầy từ tâm và xót thương nếu không chân thành và khiêm tốn nhìn nhận sự thật mười mươi ‘tôi đã phạm tội!’ Đó cũng là cách thờ phương Thiên Chúa chân chính và độc đáo nhất mà chỉ các Kitô hữu mới có thể tích cực chu toàn.

Đức Giêsu không chỉ muốn ‘tẩy uế’ đền thờ Giê-ru-sa-lem, Người thậm chí còn công khai yêu cầu phá bỏ nó hoàn toàn để xây dựng lại một nơi thờ phượng mới, và phải thiết lập một phong cách thờ phương mới. Phải chăng điều này đồng nghĩa tới việc kẻ phụng thờ phải từ bỏ lề thói tôn thờ Thiên Chúa theo kiểu phụng tự với những nghi lễ rình rang mà mọi các tôn giáo cổ điển đều làm, để triển khai một lối phụng thờ mới tập trung vào một Thiên Chúa từ nhân và cứu độ, trong thái độ thẳng thắn và khiêm tốn nhìn nhận con người tội lỗi và yếu hèn của mình, đồng thời kín múc lấy nguồn nước hằng sống là ơn cứu độ của thập giá Đức Kitô? Công việc phá bỏ và xây dựng mới này đương nhiên không thể thực hiện trong một sớm một chiều, vì “đền thờ này phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong, thế mà trong ba ngày ông xây lại được sao?” Phải, không thể nếu ta không dứt khoát, đặc biệt trong ba ngày thánh thiêng nhất của năm phụng vụ, thật lòng đi vào của cuộc tử nạn và phục sinh của Đức Kitô Giêsu.

Nếu sự thật là như thế thì những ngày này của mùa chay sẽ quan trọng đối với các Kitô hữu chúng ta biết bao. Ta phải dứt khoát thôi, để chuẩn bị mình cho việc thờ phượng chân chính nhất được cử hành bên ngoài, nhưng nhất là bên trong cõi lòng ta… và được biểu hiện cách tuyệt vời trong Thánh Lễ Thập Giá trên bàn thờ!

Lạy Thiên Chúa cứu độ, xin dạy cho con biết tôn thờ Chúa trong thần khí và sự thật. Trước hết xin giúp con can đảm phá hủy đền thờ Giê-ru-sa-lem (lề thói giữ đạo / đi nhà thờ) mà con đã mất bao công sức xây dựng nên. Từ nay con muốn dứt khoát xây dựng ngôi đền thờ mới là đi vào con đường thập giá: khiêm tốn nhìn nhận tội lỗi mình và mở rộng lòng đón lấy ơn cứu độ. Như Phao-lô, con không muốn tôn thờ một Thiên Chúa nào khác ngoài Đức Kitô thập giá. Amen.

home Mục lục Lưu trữ