Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 31

Tổng truy cập: 1356120

HÃY TIN VÀ ĐÓN NHẬN ĐẤNG BAN SỰ SỐNG

HÃY TIN VÀ ĐÓN NHẬN ĐẤNG BAN SỰ SỐNG-  Lm. Phêrô Lê Văn Chính

 

Chúa nhật tuần này, chúng ta bắt đầu được nghe những bài Tin mừng về Bánh hằng sống. Chúa Giêsu, người Con một của Chúa Cha chính là bánh hằng sống được Chúa Cha ban tặng cho nhân loại, để những ai tin vào người thì có sự sống đời đời. Bánh là lương thực cần thiết nuôi sống con người, bánh còn là lương thực cho hành trình dài để đi đến nơi mong đợi. Bánh đã được ban tặng cho dân Israel trong hành trình sa mạc, và trở nên hình ảnh báo trước Bánh hằng sống là lương thực thần linh là Chúa Giêsu cũng là Mình máu thánh của người và Lời của người được ban cho nhân loại. Trong hành trình sa mạc để đi về đất hứa, dân Israel đã nhiều lần than trách, họ nói những lời xúc phạm và vô ơn thiếu hiểu biết với Môisen: “thà để chúng tôi chết ở Ai cập hơn là bên nồi thịt còn hơn phải chết đói ở nơi hoang địa này”. Thiên Chúa nghe những lời trách của dân chúng và Chúa ban cho họ manna và chim cút nuôi sống họ suốt hành trình sa mạc. Manna là thức ăn do Chúa ban, buổi sáng khi sương xuống quanh trại người do thái và bốc hơi để lại những mẫu bánh và dân chúng cứ lấy về để ăn. Khi thấy manna, dân chúng không biết là loại lương thực gì nên nói với nhau cái gì vậy, còn Môisen thì giải thích cho dân chúng đây là bánh Thiên Chúa ban cho anh em ăn. Manna quả là bánh Thiên Chúa ban một cách quảng đại và dư dật để nuôi dân chúng, và cũng để diễn tả lòng yêu thương chăm sóc của Thiên Chúa và tiền báo Thánh Thể sẽ được ban do bởi chính Chúa Giêsu.

          Câu chuyện Tin mừng theo Phúc âm Gioan tường thuật lại việc dân chúng tìm kiếm Chúa Giêsu sau phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng, vì thế họ đoán trước và đi trước người đến Capharnaum nơi người định đến. Khi thấy dân chúng, Chúa Giêsu đã trách họ tìm kiếm người không phải vì dấu chỉ của phép lạ mà là vì họ được ăn bánh no nê. Đồng thời người cũng nhắc nhở họ hãy làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng là vì của ăn đem lại sự sống đời đời mà Con người sẽ ban tặng cho họ. Quả thật, thấy được dấu chỉ và nhận ra ý nghĩa của dấu chỉ không phải là điều dễ dàng. Trong Cựu ước, dân chúng đón nhận và dùng manna làm lương thực nhưng không hiểu ý nghĩa nên cứ tự hỏi cái gì đây. Chính Môisen phải giải thích cho họ đây là bánh Thiên Chúa ban cho họ. Vì thế, điều quan trọng khi đứng trước phép lạ, đó là cần đón nhận được ý nghĩa của dấu chỉ phép lạ, hay sứ điệp của dấu chỉ. Phép lạ do Chúa ban không chỉ dừng lại ở mục đích thực tiễn của những điều lạ lùng được thực hiện, mà hướng đến một ý nghĩa mới và quyết định của thời cánh chung, của sự can thiệp mạnh mẽ và quyết định của Thiên Chúa. Phép lạ hóa bánh ra nhiều của Chúa Giêsu làm cũng thế, không chỉ dừng lại ở mục đích là nuôi dân chúng ăn no nê, bởi vì sau đó Chúa Giêsu không tiếp tục làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng ăn no nữa, mỗi người phải tự làm việc để nuôi sống mình. Thế nhưng khi thực hiện phép lạ, Chúa Giêsu muốn đánh thức sự hiểu biết của dân chúng về ý nghĩa cánh chung, ý nghĩa rộng lớn hơn của dự định cứu độ của Thiên Chúa đối với họ để dẫn đưa họ không phải chỉ để hưởng sự sống phần xác mà là đến sự sống thần linh vĩnh cửu. Chúa Giêsu đã khẳng định với những người do thái Chính người là Đấng mà họ phải tin và đón nhận, chứ không phải chỉ để tìm kiếm bánh vật chất dư dật nuôi phần xác.

          Khi dân chúng hỏi Chúa Giêsu: “chúng tôi phải làm gì để chu toàn công việc của Thiên Chúa”. Chúa Giêsu đã trả lời cho họ: “Đây là công việc của Thiên Chúa, đó là anh em tin vào người mà Thiên Chúa sai đến. Tôi là bánh ban sự sống, ai đến với tôi sẽ không hề đói, và ai tin vào tôi sẽ không hề khát bao giờ”. Những phép lạ hóa bánh ra nhiều hướng đến việc tin và đón nhận Chúa Giêsu, nơi người có sự sống đời đời. Vì thế, điều quan trọng và quyết định, đó là khởi đầu mối tương quan mật thiết và quyết định với Chúa Giêsu. Người chính là bánh sự sống, lương thực thần linh, bánh bởi trời. Người là bánh bởi trời được ban tặng cho con người và chúng ta là Thân thể của người, được mời gọi kết hợp nên một với người để đón nhận sự sống thần linh tuôn trào từ chính người, nơi Lời hằng sống mà người ban tặng, nơi Thánh Thể của người. Chúa Giêsu là Đấng mà Thiên Chúa đã ghi dấu, và chúng ta cũng được Thiên Chúa ghi dấu ấn qua bí tích rửa tội và thêm sức, và chúng ta được mời gọi kết hợp nên một với Chúa Giêsu trong đời sống hằng ngày với lòng khiêm tốn, nhẫn nại phục vụ và quảng đại trong mọi việc làm của mình. Chúa Giêsu là Đấng mà chúng ta tìm kiếm trong suốt cuộc đời của mình bởi người có sự sống thần linh.

          Chúa Giêsu là Đấng ban sự sống đời đời, chính Người đến để mời gọi, thúc đẩy con người yếu hèn của chúng ta nhận biết tầm quan trọng của đời sống thần linh. Con người chúng ta thường dừng lại ở sự sống vật chất, bị thu hút và choáng ngợp bởi những quyến rủ của sự sống trần gian đển chỗ quên mất sự cần thiết phải chuẩn bị cho sự sống đời đời. Nghịch lý của những người do thái trong câu chuyện cũng là nghịch lý của cuộc đời chúng ta và lời mời gọi nhắc nhở của Chúa Giêsu đối với những người trong câu chuyện cũng là những lời nhắc nhở thúc bách đối với chúng ta. Đừng để mình bị thu hút bởi lương thực và của cải chóng qua đời tạm này, mà ngược lại phải biết nhanh nhẹn và tỉnh thức để Tin vào Chúa Giêsu và đón nhận người, chính người là bánh hằng sống. Đây cũng là điều mà thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta, đừng sống như dân ngoại là những người không hiểu biết và tâm trí theo đuổi những điều phù phiếm, bởi vì chúng ta đã là những người Kitô hữu là những người được Chúa Giêsu dạy dỗ và là những người đã được học với người. Vì đã được học với Chúa Giêsu, người kitô hữu phải biết bỏ đi con người cũ với những ước muốn hư hỏng và tội lỗi để mặc lấy con người mới đầy tràn thánh thiện và chân lý.

“RA CÔNG LÀM VIỆC”– CHÚA NHẬT XVii THƯỜNG NIÊN- B

Lm. Gioan M. Nguyễn Thiên Khải CMC

Thưa anh chị em,

Sau phép lạ hoá bánh ra nhiều, Chúa Giêsu lánh mặt đi lên núi một mình. Chiều đến, các môn đệ xuống thuyền đi sang bên kia Biển hồ. Canh tư đêm đó Chúa Giêsu đi trên mặt biển mà đến với các ông. Thấy Chúa quá ư là hấp dẫn, nên hôm sau dân chúng đổ xô đi tìm gặp Chúa, hi vọng sẽ được Chúa tiếp tục nuôi dưỡng họ. Khi gặp được Chúa họ hết sức vui mừng và ân cần hỏi Chúa: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ?” (Ga 6, 25).

Đi theo Chúa không phải để thỏa mãn cái bụng, hay tìm sự an nhàn cho thân xác. Biết được lòng dạ của họ, Chúa Giêsu lên tiếng nhắc nhở: “Các ngươi hãy ra công làm việc để tìm kiếm lương thực trường tồn, là lương thực đem lại phúc trường sinh”(Ga 6, 27)Nghe những lời đó họ thưa với Chúa rằng: “Chúng tôi phải làm gì để có được thứ lương thực trường tồn đó? Chúa Giêsu trả lời: Hãy tin vào Đấng mà Thiên Chúa sai đến” (Ga 6, 28-29). Như vậy, ra công làm việc và tin vào Chúa là hai việc hết sức quan trọng của đời sống người Kitô hữu. Chúng ta cùng chia sẻ với nhau hai yếu tố quan trọng này.

Thứ nhất, ra công làm việc:

Để có của ăn nuôi dưỡng thân xác, con người cần cộng tác với ơn Chúa ra công làm việc thì mới có lương thực nuôi sống thân xác mình. Như xưa kia suốt 40 năm dân Do thái đi trong sa mạc, Chúa ban Manna từ trời rơi xuống tựa như sương sa. Manna có hình dạng giống như hạt ngò, màu trắng và hương vị tựa như bánh tráng tẩm mật ong. Sáng sớm dân chúng phải ra công đi lượm, rồi cho vào cối xay nghiền nát, bỏ vào nồi nấu thành bánh ăn ( Ds 11,7-8). Thế nhưng, cha ông người Do thái ăn rồi cũng phải chết, còn lương thực mà Đức Kitô ban tặng là bánh hằng sống nuôi dưỡng linh hồn con người. Đây là lương thực mà Chúa muốn mọi người phải ra công tìm kiếm.

 Lương thực ấy chính là Lời Chúa: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, mà còn sống nhờ mọi Lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4).

 Lương thực ấy là Bí tích Thánh Thể: “Ta là bánh hằng sống, là bánh ban xuống bởi trời. Ta là bánh trường sinh, ai ăn sẽ sống muôn đời” (Ga 6,51).

 Thứ hai, tin vào Chúa. Tin vào Chúa là đón nhận những chân lý Chúa mặc khải trong Thánh kinh và sống theo những điều Chúa dạy. Tin vào Chúa không chỉ mang danh mình là Kitô hữu, học thuộc lòng một số kinh kệ, nhưng hãy đón nhận thánh ý Chúa hành động trong cuộc đời chúng ta.

Theo tư tưởng của thánh Phaolô: Tin vào Chúa là mặc lấy tâm tư như đã có trong Đức Giêsu Kitô. Đừng ăn ở như dân ngoại, họ tìm kiếm những của phù phiếm chóng qua đời này, nhưng hãy để cho Thánh Thần đổi mới lòng trí chúng ta và mang lấy con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa.

Thế giới đang đối diện với cơn đại dịch, đe dọa mạng sống con người, làm cho nhịp sống con người phải sống chậm lại, vậy mỗi người hãy dừng lại tự đặt cho mình câu hỏi: Tôi đang tìm kiếm điều gì? Chắc chắn sẽ có nhiều câu trả lời khác nhau. Nhiều người đang đi tìm kiếm mà không biết mình tìm gì, không biết mình sống để làm gì. Nhiều người dư thừa của cải vật chất, nhưng vẫn cảm thấy thiếu thốn. Sự bận rộn, thiếu thốn ấy là dấu chỉ cho thấy một sự thiếu thốn sâu thẳm, đó là thiếu bình an, hạnh phúc, nhất là thiếu Chúa trong cuộc đời.

Lối sống thực dụng, hưởng thụ ngày nay ảnh hưởng rất mạnh vào cuộc sống của rất nhiều người. Nhiều bạn trẻ ngày nay ra công tìm kiếm cho mình nhiều thứ như: việc học hành, thành công, đẳng cấp, làm sao kiếm được nhiều tiền mà quên đi chăm lo linh hồn bất tử của mình.

Thật phi lý khi người ta đầu tư tất cả thời giờ, công sức,  trí tuệ, tài năng, nghị lực của mình lo cho thân xác để rốt cuộc chỉ “thu lại” được nắm tro tàn đựng trong hủ hài cốt.

Thân xác nầy nay còn mai mất chỉ cần chăm lo vừa đủ thôi, còn linh hồn trường sinh bất tử rất cần được chăm sóc ưu tiên hơn. Khi ra công làm việc để có của ăn nuôi thân xác, thì cũng phải biết ra sức cộng tác với ơn Chúa để có của ăn nuôi sống linh hồn là “Bánh hằng sống từ trời xuống”, để có năng lực thiêng liêng tiến về đất hứa là quê hương trên trời.

Anh chị em thân mến,

Hôm nay, đứng trước đoàn người hăm hở đi tìm lương thực, Đức Giêsu đã cảnh báo họ: “Đừng lo tìm những thứ lương thực hay hư nát, nhưng hãy tìm lương thực đem lại hạnh phúc trường sinh”. Đó cũng là lời nhắc nhở chúng ta. Vậy mỗi khi tham dự bàn Tiệc Lời Chúa và  tiệc Thánh Thể, với tất cả ý thức, là cử hành mầu nhiệm đức tin. Chúng ta tin rằng: tấm bánh mà chúng ta rước lấy, chính là Đức Kitô, tấm bánh trường sinh rộng ban cho chúng ta.

Thế nhưng trong thực tế, rất nhiều lần tham dự Thánh lễ, chúng ta rước lấy Mình Thánh Chúa rồi mà dường như lòng vẫn cảm thấy không có bình an và hạnh phúc trong Chúa. Tại sao vậy? Thưa, vì chúng ta chưa cảm nghiệm gặp được Chúa là Đấng ban nguồn bình an, là cõi nguồn hạnh phúc.

Xin Chúa giúp chúng ta luôn biết ra công tìm kiếm lương thực là Lời Chúa và Thánh Thể của Ngài, là lương thực mang lại sự sống và hạnh phúc đời đời cho chúng ta. Amen.

home Mục lục Lưu trữ