Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 40

Tổng truy cập: 1364132

HÃY VÀO CỬA CỦA SỰ SỐNG

Hãy vào cửa của sự sống – Jos. Vinc. Ngọc Biển

Thiên Chúa là Cha yêu thương hết mọi người, vì thế, Người không loại trừ ai. Khi đến trong trần gian, Đức Giêsu đã thi hành sứ mạng ấy và không ngừng loan báo về lòng thương xót của Thiên Chúa cho mọi người. Nhưng, sứ mạng này đã không làm cho người Dothái hài lòng, bởi lẽ họ luôn nghĩ chỉ mình dân tộc Israel mới được Thiên Chúa thương và cứu chuộc, còn các dân tộc khác chỉ là dân ngoại.

Chính vì lý do này, mà hôm nay, một người đã đứng lên hỏi Đức Giêsu: “Thưa Thầy, những người được cứu thoát thì ít, phải không Thầy”?

Tuy nhiên, Đức Giêsu đã không trả lời cho biết số lượng và thành phần được cứu, mà nhân cơ hội này, Ngài đã vạch ra cho họ một con đường để được cứu chuộc, đó là: “Hãy chiến đấu qua cửa hẹp mà vào” (Lc 13,24).

  1. Bối cảnh tạo nên lời giáo huấn

Thánh sử Luca trình thuật cho chúng ta thấy câu chuyện được đặt vào giai đoạn Đức Giêsu tiến về thành Giêrusalem nhân dịp lễ Cung hiến Đền thờ.

Trên hành trình này, Đức Giêsu đã rảo qua các làng mạc, thị trấn để giảng dạy cho dân chúng. Ngài dạy họ phải sám hối, cầu nguyện và từ bỏ những thứ trái ngược với đức tin và đạo lý Tin Mừng để được cứu chuộc.

Khi nghe Đức Giêsu giảng, có một người đã cất tiếng hỏi Ngài: “Lạy Thầy, phải chăng chỉ có một số ít được cứu rỗi?” (Lc 13, 23).

Câu hỏi này mang tính tập thể, bởi vì nó được khởi đi từ quan niệm độc tôn chủng tộc của người Dothái. Bởi vì người Dothái luôn nghĩ rằng: chỉ có những người thuộc dòng dõi con cháu Apraham, và phải ở trên phần đất mà cha ông truyền lại, hay ít ra là phải nói tiếng Dothái, vì đây là Tiếng Thánh, rồi phải sớm tối đọc kinh Shema thì mới được cứu độ.

Khi quan niệm như thế, họ đã loại bỏ hết những thành phần của các dân tộc khác và không chấp nhận lời rao giảng của Đức Giêsu về ơn cứu độ phổ quát cho mọi dân tộc.

Thừa hiểu được tâm trạng tự kiêu, tự đại, độc tôn, đặc lợi mà những người Dothái tự nhận cho mình, Đức Giêsu đã dạy cho họ một bài học.

Tuy nhiên, Ngài đã không trực tiếp trả lời câu hỏi được đưa ra. Bởi lẽ Đức Giêsu đến không phải để thỏa mãn tính tò mò của con người. Vì thế, Ngài từ chối trả lời các câu hỏi phụ thuộc.

Thật vậy, nếu trả lời là: “Chỉ có một số ít được vào”, thì phải chăng lại khơi lên tính tự mãn nơi dân tộc vốn có cái nhìn ích kỷ và hẹp hòi này, và lẽ đương nhiên, họ không cần cố gắng nữa vì nghĩ rằng: số ít ấy chính là dân tộc Dothái. Còn nếu Đức Giêus nói là: “Số người được cứu sẽ rất đông”, thì cũng sẽ làm cho mọi người thờ ơ, ỷ lại và cũng không cần cố gắng làm chi, vì đàng nào thì ơn cứu chuộc cũng sẽ đến với mình.

Chính vì lý do trên, mà Đức Giêsu đã không trả lời theo số lượng, nhưng Ngài nhắm tới phẩm chất. Bởi vì: ơn cứu chuộc là của Thiên Chúa, và Ngài ban cho hết mọi người, moi nơi và mọi thời, miễn sao những người muốn được cứu phải đi theo con đường của Thiên Chúa.

Chính thánh Phaolô cũng đã xác quyết rằng: “Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta muốn cho mọi người được cứu độ” (1Tm 2,4). Và Đức Giêsu thì nói: “Cha các con Đấng ngự trên trời, không hề có ý để hư đi một người nào trong những kẻ bé mọn này” (Mt 18,14).

Nói như thế, không có nghĩa là cứ muốn vào là được, hay cứ ngồi lỳ và ỷ nại vào ơn Chúa, lại càng không phải cậy dựa vào uy thế của bản thân, hay dân tộc… Điều này cũng được Gioan Tẩy Giả nhắc nhở những người Pharisêu và Sađucêu: “Đừng ỷ mình là con cháu tổ phụAbraham…” (Mt 3,7t).

Vì thế, muốn được cứu, phải chiến đấu để mà vào. Không cố gắng sẽ chẳng được vào, vì con đường đưa tới ơn cứu chuộc là con đường hẹp.

  1. Muốn vào được Nước Trời, phải đi qua cửa hẹp

Khi nói đến vấn đề cửa hẹp, chúng ta cần hiểu biết thêm rằng:

Ở đất nước Dothái thời Đức Giêsu, dân chúng sống trong các thành phố và làng mạc được bao bọc bởi những bức tường thành. Thời đó không có đèn điện. Vì thế, khi trời tối, các cổng dẫn vào thành phải được đóng cẩn thận và các cửa vào nhà cũng được đóng kín để tránh nguy cơ trộm cướp ban đêm.

Chính vì thế, mà những người đi ra khỏi thành, nếu về trễ thì không thể vào được cổng chính, vì các cổng chính đã đóng chặt và không ai dám mở cửa cho vì sợ kẻ thù tấn công…

Họ chỉ có thể lách vào các cổng phụ, còn gọi là cửa hẹp. Người Dothái cũng gọi cửa này là: “Mắt của cái kim”. Vì thế, chúng ta mới hiểu tại sao thánh sử Luca có nhắc đến ở chương 18, câu 25: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giầu vào Nước Thiên Chúa”. “Lỗ kim” ở đây chính là “cửa hẹp”. Thời đó người đi buôn thường chất đầy hành lý trên lưng lạc đà, muốn qua cửa hẹp thì phải vứt bỏ hết tất cả, và con lạc đà phải khom mình, quỳ gối thì mới mong lọt qua cửa này.

Khi Đức Giêsu lên tiếng mời gọi bước qua cửa hẹp, ấy là Ngài muốn mời gọi người đương thời phải từ bỏ những thứ không cần thiết và sẵn lòng bước qua cửa hẹp. Lời mời gọi ấy chính là biết sống chừng mực, thực thi huấn lệnh của Thiên Chúa cách trung thành và biết hy sinh cũng như chấp nhận mọi khó khăn… phải sống tự chủ và sống có trách nhiệm.

Tuy nhiên, không phải dửng dưng và nghĩ rằng: muốn vào lúc nào thì vào, không! Phải bước vào đúng lúc, đúng nơi, đúng giờ, vì: “Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khóa cửa lại” (Lc 13,25).

Như vậy, lời mời gọi phấn đấu để vào qua cửa hẹp, ấy chính là sự hoãn cải thường xuyên.

Dựa theo tư tưởng của thánh Phaolô, chúng ta có thể hiểu “qua cửa hẹp” là phải chiến đấu, cuộc chiến đấu cho đến cùng đường, phải đi vào con đường hẹp của Thập giá, phải can đảm chống lại sự lôi cuốn của ba thù, không thỏa hiệp, không nhân nhượng với chúng.

  1. Sứ điệp Lời Chúa

Con người thời nay thường chịu ảnh hưởng bởi nền văn minh hưởng thụ. Họ có khuynh hướng ăn sổi ở thì, chụp giật chớp nhoáng…

Lựa chọn này không chỉ dừng lại ở ngoài xã hội, nhưng nó còn ảnh hưởng và chi phối ngay cả đến đời sống đạo của nhiều người tín hữu. Vì thế, dù có đạo hay không có đạo, dù là Công Giáo hay tôn giáo khác, người ta thường chọn cho mình một sự thoải mái dễ chịu, không muốn gò bó.

Chẳng hạn như: theo đạo nhưng không muốn thực thi Lời Chúa, vì Lời Chúa làm ta phải dẹp bỏ nhiều thứ không phù hợp. Đi lễ phải lựa chọn cha. Cha nào giảng ngắn, giảng hay thì đi… Ít khi đi sớm, đến cận kề giờ lễ mới tới. Đến rồi thì viện đủ mọi lý do để ở ngoài theo kiểu đi lễ “ôm” và đi lễ “lòng vòng”. Lại có người thích giữ đạo theo kiểu “gốc cây”. Họ cũng chọn nhà thờ, nào là nhà thờ đẹp, rộng thoáng mát, và có ghế nệm êm, máy lạnh…

Khi tham dự thánh lễ, nếu cha giảng những giáo huấn của Giáo Hội mà đụng chạm đến cuộc sống của ta là khùng lên và tỏ vẻ khó chịu…

Lại có những người thường ưa nói hành, nói xấu người khác hơn là nhận ra và đón nhận điều tốt nơi anh chị em. Hay vẫn còn những người dùng tiền của công khó của cha mẹ, bản thân hay của người khác vào những chuyện bất chính… Rồi cũng không thiếu những bạn trẻ lao mình vào rượu chè, cờ bạc, trai gái, hút chích…

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy cố gắng “đi qua cửa hẹp”, tức là phải từ bỏ những thứ không cần thiết và hãy cố gắng để  thay đổi cách sống cho phù hợp với đạo lý Tin Mừng. hãy biết cẩn trọng trong việc lựa chọn, bởi vì, cửa hẹp sẽ đẫn đến sự sống, còn cửa rộng và lối thênh thang như tiền của, sắc dục, và sự dễ dãi sẽ dẫn đến cái chết trầm luân muôn kiếp. Mặt khác, Lời Chúa còn nhắc cho chúng ta biết vào đúng lúc, đúng giờ, bởi vì: hãy sám hối khi ta còn có thể và có cơ hội, kẻo lỡ quá muộn, chúng ta sẽ không còn cơ hội nữa, lúc đó không ai cho vào và như một lẽ tất yếu, chúng ta sẽ bị quăng vào nơi khóc lóc và nghiến răng.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết đi trên con đường của Chúa đã đi, đó là con đường hẹp. Xin cho chúng con luôn biết khước từ những con đường thênh thang rộng rãi, vì con đường này sẽ dẫn đến diệt vong. Amen.

33. Ai sẽ được cứu? – G. Nguyễn Cao Luật.

Câu hỏi của mọi thời

Ngày xưa, các môn đệ Đức Giêsu đã từng băn khoăn thắc mắc: Ai sẽ là người được cứu? Và theo quan niệm thời ấy, số người được cứu thoát thì ít.

Câu hỏi này phát xuất từ một quan niệm về Thiên Chúa. Người ta cho rằng Thiên Chúa là Đấng nghiêm khắc, luôn đưa ra những đòi hỏi rất cao, và người nào không thực hiện những yêu cầu ấy, sẽ không được cứu thoát. Người ta cũng nghĩ rằng ơn cứu độ là do những cố gắng lập công của con người, ai thực hiện đầy đủ những tiêu chuẩn do lề luật quy định, người ấy sẽ được cứu thoát.

Trước câu hỏi này, chỉ có một giải đáp duy nhất: Giêsu – có nghĩa là “Thiên Chúa cứu”. Nhờ Người, với Người và trong Người, mọi kẻ tin đều được cứu thoát. Đây chỉnh là điều mà Đức Giêsu đã nỗ lực bày tỏ trong suốt cuộc đời của Người. Rao giảng, chữa lành, làm phép lạ… tất cả đều cho thấy rằng người ta phải tin vào Người, phải nhờ vào Người mới được cứu thoát. Nhưng đó lại là điều mà người Do-thái không muốn chấp nhận. Họ không tin Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, được Chúa Cha sai đến để loan báo Tin Mừng cứu độ. Họ mong chờ Đấng Cứu Thế, nhưng họ không nghĩ rằng vị ấy chính là Đức Giêsu. Họ muốn được cứu thoát, nhưng lại không chấp nhận Đức Giêsu. Trong khi đó, Đức Giêsu đã nhiều lần cảnh cáo: nếu không tin vào Người, họ chẳng được cứu; nếu không đi qua cửa là Đức Giêsu, họ sẽ chẳng vào được Nước Thiên Chúa.

Câu hỏi tưởng chừng rất xưa ấy, ngày nay vẫn còn được nhắc lại. Vẫn có nhiều người của thời đại này cứ băn khoăn thắc mắc về con số những người được cứu, những người được lên thiên đàng. Họ nghĩ ra nhiều điều, thoạt nghe, có vẻ đúng; nhưng xét kỹ, thì không phù hợp với tinh thần Tin Mừng. Nói cách khác, vẫn có nhiều người quan niệm về Thiên Chúa theo những suy nghĩ cũ kỹ, không dám sống thực với Thiên Chúa. Họ tính toán từng hành vi, từng suy nghĩ, không phải để yêu mến Thiên Chúa hơn, nhưng chỉ là để thực hiện những chỉ tiêu mà họ đề ra, và nghĩ rằng những điều đó đem lại cho họ ơn cứu độ.

Bởi đó, để trả lời cho câu hỏi này, hay hơn nữa, chẳng nên đặt vấn đề như thế này làm gì – điều quan trọng là phải gắn bó với Đức Giêsu, bước đi theo Người. Đức Giêsu đã đi trên con đường hẹp, đã chịu đau khỗ, người ta cũng phải làm như vậy, nếu muốn được cứu. Thiên Chúa không đưa ra những chỉ tiêu, để rổi lấy đó mà xét đoán con người. Chỉ tiêu duy nhất – nếu có thể gọi như thế, đó chính là lòng yêu mến, là bước đi theo Đức Giêsu với tất cả nỗ lực của mình.

Bước qua cửa hẹp

Như thế, vấn đề không phải là xem có bao nhiều người được cứu, nhưng là ai dám bước qua cửa hẹp? Ai dám đi theo Đức Giêsu, bỏ lại tất cả, chấp nhận làm môn đệ của Người cách vô điều kiện? Ở đây, cửa hẹp không phải là một cách thức thi tuyển nhằm loại bớt một số người, dựa theo một số tiêu chuẩn đạo đức. Người ta sẽ không phải chỉ đi qua cửa hẹp một lần trong đời, nhưng là suốt cả đời mình. Người ta không thi tuyển vào Nước Thiên Chúa để rổi sau đó không bao giờ thi lại.

Đó là cả một hành trình dài, hành trình của tình yêu. Người ta sẽ phải thường xuyên theo dõi xem mình có đi đúng đường hay không, có đi theo Đức Giêsu hay đã đi ra ngoài con đường do Người hướng dẫn. Cửa hẹp mở ra một con đường, và con đường đó dẫn tới Nước Trời. Người ta phải đem tất cả nỗ lực ra để sống, để đi. Cũng chẳng cần phải chen lấn, xô đẩy nhau, vì mỗi người có cánh cửa của mình, và cánh cửa ấy luôn mở rộng. Người ta cũng chẳng phải cứ đứng ngoài cửa mà gõ, nhưng là có can đảm bước qua hay không. Muốn như thế, người ta sẽ phải vất bỏ những thứ cổng kềnh, những thứ gì cản trở để có thể đi qua cửa ấy.

Đúng thế, đến với Đức Giêsu, đi với Người, có nghĩa là bước đi trên con đường thập giá, chấp nhận thân phận của người tôi tớ. Đức Giêsu đã không đi con đường nào khác. Chính qua thập giá, Người đã đem ơn cứu độ đến cho toàn thể nhân loại.

Một điều an ủi cho con người là, trên hành trình đó, họ có Đức Giêsu là người hướng dẫn, là bạn đổng hành, là người nâng đỡ. Người Ki-tô hữu không tự mình xoay xở, không cô đơn, nhưng có Đức Giêsu cùng đi với họ. Chính Người sẽ đưa ra những chỉ dẫn cần thiết trong những chặng đường khác nhau.

Tuy vậy, đó không phải là nẻo đường dễ dàng, không phải là con đường trơn tru bằng phẳng. Qua cửa hẹp, đã cần có cố gắng. Đi trên đường, lại cần có sức mạnh. Những người lười biếng sẽ chẳng được vào Nước Trời. Chỉ những ai đem hết sức mình để đi theo Đức Giêsu, mới được tham dự vinh quang của Người.

Niềm tự hào duy nhất

Phải chăng, một ngày nào đó, chúng ta sẽ đến trước mặt Chúa và thưa: “Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt Ngài, và Ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi.” Chúng ta lấy làm tự hào về những việc đạo đức của mình, và chúng ta tin chắc rằng mình sẽ ở chỗ nhất?

Thế nhưng, câu trả lời không phải như chúng ta mong đợi: “Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt Ta.” Đang khi chúng ta nghĩ rằng mình sẽ chiếm được địa vị cao, thì lại có những người ở khắp mặt đất, từ đông sang tây, được mời vào dự tiệc, còn chúng ta lại bị gạt ra ngoài. Tại sao thế?

Như Đức Giêsu đang trên đường lên Giê-ru-sa-lem để chịu khổ hình, người Ki-tô hữu cũng lên đường tiến về quê trời. Trước khi phục sinh trong vinh quang, Đức Ki-tô đã trải qua con đường đau khổ. Cũng vậy, trước khi đạt tới vinh quang vĩnh cửu, người Ki-tô hữu phải sẵn lòng chấp nhận những vất vả, những khó khăn của cuộc hành trình. Và, như đã nói, cuộc hành trình đó là đi theo Đức Ki-tô, tiếp nối con đường Người đã đi. Bởi đó, niềm tự hào của người Ki-tô hữu là mình đã đi theo Đức Ki-tô, gắn bó với Người, bỏ lại tất cả mọi sự, cả những gì đáng yêu quý nhất, để yêu mến Người. Tất cả những việc làm, dù rất đạo đức, của con người, nếu không có lòng yêu mến, cũng trở thành vô giá trị, bởi vì họ chỉ làm những việc đó theo ý mình, chứ không phải vì Đức Ki-tô.

Thật là một điều ghê gớm! Ít khi chúng ta dám nghĩ như vậy. Chúng ta cứ tưởng rằng mình đã “chắc ăn” khi làm điều này, điều nọ; nhưng không, đó không phải là tiêu chuẩn để dự tiệc trong Nước Thiên Chúa. Tiêu chuẩn duy nhất là lòng yêu mến đối với Đức Ki-tô, tin vào Người, phó thác cho Người. Điều này hẳn phải làm chúng ta thay đổi cách sống, cách quan niệm. Theo Đức Ki-tô không còn phải là tin vào mình, nhưng là phó thác vào Người, để Người hướng dẫn, hiệp thông với Người trong tình yêu sâu xa…

Như vậy, đi theo Đức Ki-tô, chúng ta sẽ phải ra khỏi những an toàn của mình, phải phá đổ những giá trị sai lầm mà xưa nay chúng ta vẫn tin tưởng. Và một khi đã bước qua cửa hẹp, chúng ta bước vào đời sống mới với nhiều điều kỳ diệu và cũng đầy khó khăn. Nhưng, lúc ấy, không còn ai là kẻ đến trước hay đến sau, không còn có những ưu tiên, những đặc ân, nhưng là hiệp thông, là tiến bước, là tin tưởng.

Nước Trời được dành cho những người mạnh, những người can đảm. Những người “khơi khơi”, “tà tà” không thể vào được Nước Trời. Chỉ có những người dám liều, dám sống, dám vượt qua. Cửa hẹp, nhưng vẫn mở rộng, vẫn đủ chỗ cho mọi người đi qua. Người ta không phải băn khoăn mình có nằm trong số được cứu hay không, nhưng điều ưu tư là mình đã thực sự đi theo Đức Ki-tô hay không.

Bước qua cửa hẹp – tin tưởng – yêu mến – đi theo. Đó là lời mời gọi gửi đến mọi người. Không thể dựa trên bất cứ điều gì để từ chối lời mời gọi ấy. Tất cả mọi người, dù là ai chăng nữa, dù thế nào đi nữa, cũng phải đứng vào vạch xuất phát, vượt qua cửa hẹp và lên đường.

* * *

Lạy Chúa,

hạnh phúc thay kẻ đi trên đường mà không lo ngại,

luôn an tâm vì có Ngài trợ giúp.

Hạnh phúc thay kẻ sống không quanh co, không sợ hãi,

đi trên đường của Ngài

mà không có ý định quay trở lại.

Hạnh phúc thay kẻ lên đường

mà không hỏi tại sao,

và theo đuổi dự định của mình cho đến cùng.

Hạnh phúc thay kẻ biết ngổi bên chân Ngài,

yên lặng và lắng nghe,

nhưng tâm hổn luôn bừng cháy.

theo P. Aymard.

34. Cửa hẹp – McCarthy

(Trích dẫn từ ‘Phụng Vụ Chúa Nhật và Lễ Trọng’)

Suy niệm 1. HOÁN CẢI ĐỂ VÀO VƯƠNG QUỐC

Vương Quốc không phải là một câu lạc bộ tư nhân.

Một người đã đến gặp Đức Giêsu và nói: “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?”.

Điều này nhắc chúng ta nhớ đến câu chuyện một người đã chết và lên thẳng thiên đàng. Thánh Phêrô gặp người ấy ở cổng đưa vào bên trong và dẫn ông ta đi dạo một vòng quảng trường. Được một lúc, họ đến một khu đất có tường cao bao bọc. Khi đi ngang qua đó, thánh Phêrô nói: “Ông hãy giữ im lặng khi đi qua chỗ này”.

“Tại sao?” người đàn ông hỏi.

“Sợ làm phiền những người ở trong đó”, Phêrô đáp.

“Ai ở trong đó?”. Ông ta hỏi.

“Những người Công giáo. Ông biết đấy, họ nghĩ chỉ có họ là những người được vào Thiên đàng. Nếu họ biết có những người khác được vào Thiên đàng, họ sẽ thất vọng. Thật vậy, một số người trong đó có lẽ sẽ đòi tiền lại”.

Người đến hỏi Đức Giêsu: “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít có phải không?” rõ ràng đã nghĩ rằng Thiên đàng là một câu lạc bộ có chọn lọc mà chỉ có những thành viên mới được thừa nhận. Người ấy là một người Do Thái. Vì thế ông ta đã tin rằng chỉ có những người Do Thái mới được vào Nước Thiên Đàng. Những dân ngoại không có hy vọng được vào. Về phần những kẻ tội lỗi, hãy quên điều đó! Ý tưởng về một dân tộc được chọn là một ý tưởng nguy hiểm. Nếu Thiên Chúa có chọn một dân tộc thì Người chọn họ không phải để loại trừ các dân tộc khác mà để phục vụ những dân tộc khác đó.

Nếu có lúc người đàn ông nghiền ngẫm câu đáp của Đức Giêsu, có lẽ ông phải hối tiếc vì đã hỏi câu hỏi ấy trước tiên. Bởi vì Đức Giêsu đã đập vỡ tính ngạo mạn của ông ta thành những mảnh vụn. Người đảo ngược mọi thứ. Người nói: “Có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót”. Đó là một tuyên ngôn cách mạng làm những người Pharisêu bị tổn thương và xúc phạm. Người không dừng lại ở đó mà còn đối xử tốt với những người tội lỗi và những người bị gạt ra bên lề. Người Pharisêu coi đó là sự phản bội lại dân tộc đức hạnh như họ. Nhưng Đức Giêsu tuyên bố rằng Người đã đến để tìm kiếm và cứu chữa những người như thế.

Thế giới này có đầy dẫy những câu lạc bộ độc quyền với những kiểu cách màu mè, những đặc quyền và ưu đãi v.v… Chúng ta không mong Đức Giêsu đi theo điều đó. Người cũng không mong như thế. Người đã loan báo Tin Mừng về Nước Thiên Chúa đang đến. Đối với những người Do Thái tưởng rằng họ đường nhiên có thể vào nước Thiên Chúa, Người nói: “Các ông hãy sinh trái cây thống hối, nếu không địa vị ưu đãi của các ông sẽ chẳng có ích gì”.

Đức Giêsu nói rằng sự hoán cải là một phương thế cần thiết để được vào Vương Quốc. Và Người tiếp tục đem sự hoán cải đến với phần lớn những người không có gì hứa hẹn. Nhiều người tội lỗi đã chú ý đến lời kêu gọi hoán cải của Người và họ đã lên đường tiến đến Vương Quốc. Trong khi nhiều người có đạo đã ngoan cố chống lại lời kêu gọi hoán cải của Người và do đó tự loại mình ra khỏi Vương Quốc.

Chúng ta không có quyền quyết định ai sẽ được vào Thiên đàng. Tốt hơn hãy trả lại điều ấy cho sự khôn ngoan và lòng thương xót của Thiên Chúa. Chúng ta hãy để cho Thiên Chúa làm công việc của Người. Đến lúc cuối đời, sự cứu chuộc không phải là một điều gì đó mà chúng ta có thể kiếm được. Nó là một ơn của Thiên Chúa. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không nên cố gắng làm cho mình xứng đáng với ơn ấy. Qua phép Thánh tẩy, chúng ta là những thành viên của dân được chọn mới. Chúng ta là những người “bên trong”. Nhưng chúng ta không nên chỉ dựa vào một sự kiện ấy. Chúng ta phải nỗ lực trổ sinh hoa trái cho Nước Thiên Chúa, tức là hoa trái của sự thiện hảo, đời sống ngay lành và chân lý.

Suy niệm 2. ĐAU KHỔ GÓP PHẦN RÈN LUYỆN CHÚNG TA.

Trước đây, phương pháp dùng để giáo dục thanh niên dựa trên nền tảng là sức chịu đựng: một đứa trẻ càng vượt qua được những thử thách tàn bạo, thì nó càng được chuẩn bị tốt hơn để đối phó với những mối nguy của tuổi trưởng thành. Chúng ta nhìn thấy một ví dụ tốt về điều ấy trong nghi thức khai tâm của các bộ lạc người da đó. Nghi thức đó được chỉ định để giúp thanh niên có được vị trí của chúng trong thế giới của người lớn.

Trong một nghi thức như thế, lúc trời tối người cha dẫn đứa con tuổi thanh niên vào một khu rừng thưa. Ông nói với nó phải qua đêm ở đó một mình và chỉ được trang bị bằng một cây giáo. Kế đó, người cha rút lui. Khi đứa con ra khỏi khu rừng về lại nhà thì nó không còn là một đứa trẻ nữa.

Người thanh niên đối diện với một thách đố đầy đe doạ. Có một bóng đêm không dò thấu và vô số âm thanh, phần lớn vô hại nhưng rất ghê rợn. Người ta có cảm tưởng một vài con thú đang ẩn náu gần đó, chờ đợi để vồ mồi, một cảm giác làm người ta lạnh toát mồ hôi và rã rời thân thể. Chỉ cần có một người bạn bên cạnh, sự việc sẽ khác biết bao. Nhưng anh ta chỉ dựa vào sức của riêng mình.

Thời gian trôi qua chậm biết bao, mỗi phút như bằng một giờ. Nhưng dù sao, đêm đã đi qua. Và sau cùng bình minh ló dạng ở bầu trời. Khi bóng tối rút lui, nỗi sợ hãi của người thanh niên mới chấm dứt và anh ta bắt đầu thở đều. Rồi từ rừng rậm một bóng người xuất hiện. Đó là cha anh ta.

Người thanh niên chạy đến cha anh, gieo mình vào đôi tay của người cha và kêu lên “Ôi cám ơn Thiên Chúa, cha đã đến!”. Rồi đến lượt người cha ôm lấy con mình. Vừa ôm con, ông vừa nói: “Con ơi, cha tự hào về con. Con đã xử sự như một người lớn thật sự”. Điều mà người thanh niên không biết là cha anh đã ngồi nơi kín đáo suốt đêm, đưa mắt dõi theo anh. Mỗi người muốn trưởng thành phải đối diện với “khu rừng đen tối” dưới một hình thức nào đó.

Tác giả của thư gởi tín hữu Do Thái nói về cách sửa dạy và rèn luyện mà Thiên Chúa ban cho chúng ta. Chúng ta được rèn luyện trong trường học của đau khổ. Tuy nhiên, ở đây không đề cập đến khía cạnh tình cảm của đau khổ. Người ta có thể bị tổn thương đến nỗi trở nên cay cú và không chấp nhận sự cứu giúp.

Tuy nhiên đau khổ có thể là một cơ hội tốt. Giá trị của đau khổ không nằm trong chính nỗi đau mà trong thái độ người chịu đau khổ đối với nỗi đau. Đau khổ có thể thanh luyện linh hồn và biến đổi tính cách của một con người. Đau khổ có thể đem lại hoa quả. Nó là một phần cần thiết giúp chúng ta trở thành một con người chân chính tức là một con người có sự trưởng thành, chiều sâu và lòng trắc ẩn. Như Van Gogh đã nói: “Người ta phải chịu gian lao để nên chín chắn”.

Đau khổ là một thành phần cần thiết để xây dựng một con người Kitô hữu trưởng thành. Chúng ta không nên coi đau khổ là một sự trừng phạt của Thiên Chúa. Thiên Chúa không trừng phạt một ai. Đau khổ là một phần của thân phận con người. Thiên Chúa để cho chúng ta đau khổ. Đúng, nhưng chỉ vì đau khổ có thể đem lại điều tốt lành. Đau khổ có thể đưa chúng ta đến gần Thiên Chúa hơn. Trong đau khổ, chúng ta cảm nghiệm quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa. Có những chân lý mà chỉ có sự đau buồn mới có thể chỉ dạy. Một trong những chân lý ấy là lòng thương xót đối với người đồng loại đau khổ. Không thể học được lòng thương xót mà không có đau khổ.

 

35. Khung cửa hẹp

Trong một buổi chia sẻ lời Chúa,bác công nhân đã phát biểu như sau:

Đã ba mươi hai năm nay, tôi làm việc cho một công ty. Nhiều lần tôi được đề bạt thăng chức, nhưng tôi đều từ chối, bởi vì nếu chấp nhận, thì tôi sẽ không có đủ thời giờ để chăm sóc cho vợ và bốn đứa con trai của tôi. Tình yêu tôi dành cho vợ con thì quí giá hơn số tiền lương được tăng thêm.

Cách đây hai năm, tôi lại được đề bạt một lần nữa. Và lần này thì tôi chấp nhận, bởi vì các con tôi đều đã khôn lớn và vợ tôi thì lại không thể đi làm được.

Và thế là tôi phải theo một khóa bồi dưỡng. Rất tiếc là trong thời gian này, bà chị ruột của tôi qua đời, nên tôi không thể chú tâm vào học hành. Vì thế, tôi bị rớt trong kỳ thi cuối khóa.

Trở về công ty, tôi đã bị ông giám đốc mạt sát một cách thậm tệ. Tôi cảm thấy ê chề và nhục nhã. Mọi sự bỗng trở nên vô nghĩa, ngay cả quyết tâm phụng sự Chúa cũng tiêu tan như mây khói. Tại sao lại xảy ra như thế? Hay là Chúa đã bỏ rơi tôi? Tất cả dường như đã sụp đổ.

Ngày kia, tôi đã phải thú thực với vợ tôi:

– Anh không thể sống nhục nhã như thế này.

Vợ tôi khuyên tôi cầu nguyện và rồi sự cầu nguyện đã gíup tôi nhận biết phải chọn lựa bước theo Đức Kitô bị đóng đinh và bị bỏ rơi. Từ đó, tôi tìm lại sự bình an. Tôi xin lỗi ông giám đốc. Và cũng từ đó, công việc làm ăn của tôi mỗi ngày một tốt đẹp hơn.

Câu chuyện vừa nghe, quả thật đã gợi lên trong chúng ta hình ảnh về khung cửa hẹp mà đoạn Tin mừng hôm nay đề cập đến. Thực vậy, Chúa Giêsu đã khuyên nhủ chúng ta:

– Hãy chiến đấu để vào qua khung cửa hẹp.

Vậy khung cửa hẹp ấy là gì?

Tôi xin thưa:

– Khung cửa hẹp ấy không gì khác hơn là chính bản thân của Ngài.

Có nghĩa là Ngài đòi hỏi chúng ta phải nhìn thẳng vào con người của Ngài để nhận biết Ngài. Không gì có thể thay thế được cái biết nội tâm ấy. Cho nên, ngay cả những người sống gắn bó với Ngài, ăn uống trước mặt Ngài, được nhe những lời giảng dạy đầy khôn ngoan của Ngài, cũng như được chứng kiến những việc làm đầy kỳ diệu của Ngài, nếu thực sự họ không nhận biết Ngài, thì rồi họ cũng sẽ bị khai trừ, bị loại bỏ ra ngoài.

Và như vậy, Ngài chính là cửa, như lời Ngài đã nói với dân Do Thái:

– Ta là cửa. Ai qua Ta mà vào, thì sẽ được cứu rỗi.

Khung cửa được thánh Luca đề cập tới chỉ có thể là chính bản thân Ngài, chứ không thể là bất kỳ một ai khác. Đây cũng là điều Ngài đã từng xác quyết trong Tin mừng của thánh Gioan:

– Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy.

Hay như thánh Phêrô đã công bố trong bài giảng đầu tiên vào ngày lễ Ngũ Tuần, tức là lễ Hiện Xuống:

– Chúa Giêsu bị anh em treo lên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Ngài làm Chúa và làm Đức Kitô. Dưới bầu trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ danh đó mà được cứu độ.

Hãy bước theo Đức Kitô. Hãy trở nên giống Ngài bằng cách chấp nhận những khổ đau, những thập giá. Vì đó chính là khung cửa hẹp, chúng ta cần phải bước qua để tiến vào cõi sống vĩnh cửu, để chiếm lấy vinh quang phục sinh.

36. Phấn đấu để được cứu

(Suy niệm của Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP)

Bài Tin Mừng đề cập tới nhiều điều: ai được cứu độ ai không? Cần gắng công vào cửa hẹp, những người cuối hết sẽ lên hàng đầu và những người đứng đầu lại lùi xuống chót. Tuy đề cập tới nhiều điều nhưng đều nhắm làm sáng tỏ một vấn đề cốt thiết nhất của con người, đó là ơn cứu độ: ai được cứu độ và làm thế nào để được cứu độ?

Trước hết, có người đến hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Ngài, phải chăng chỉ có ít người được cứu độ?”. Chắc chắn người hỏi là một người Do Thái, vì đây là điều thắc mắc thường xuyên của những người Do Thái đương thời với Chúa Giêsu. Trước câu hỏi ấy, đã có nhiều câu trả lời, nhưng người nào thuộc nhóm nào cũng cho rằng: chỉ có những người thuộc phe nhóm của họ mới được cứu độ. Theo chiều hướng đó, câu hỏi đặt ra ở đây có thể hiểu theo hai cách: Thứ nhất, hoặc người hỏi muốn Chúa Giêsu trả lời đúng hay sai sự kiện cho rằng chỉ ít người được cứu độ, có nghĩa là qui việc cứu độ về phía Thiên Chúa: Ngài chỉ cứu một số ít thôi. Mà nếu như thế, những người không được cứu có quyền đổ thừa cho Thiên Chúa, vì Ngài không cứu họ chứ không phải tại họ, giống như một học sinh lười, đi thi bị rớt, thì thản nhiên cho rằng chỉ vì giám khảo khó quá chứ không phải tại mình lười hay kém. Thứ hai, hoặc người hỏi mang tâm trạng tự tôn của người Do Thái, dân riêng của Chúa, tự cho mình là số ít được cứu độ, và chẳng cần xét đến cách sống của mình ra sao, vì thế nào mình cũng sẽ được cứu.

Chúa Giêsu trả lời thế nào? Ngài nói: mọi người đều được cứu độ. Nhưng được cứu độ hay không là hoàn toàn do mỗi người. Như vậy, Chúa Giêsu muốn mọi người đừng bao giờ còn đặt vấn đề một cách sai lầm và tiêu cực: phải chăng chỉ có ít người được cứu độ? hoặc tôi có được cứu độ không? Trái lại, bất cứ ai, thuộc bất cứ dân tộc hay ngôn ngữ nào, thuộc thành phần xã hội ra sao, đều phải biết tự hỏi: Tôi có muốn được cứu độ không? Bởi vì ơn cứu độ Chúa Giêsu đã lập là phổ quát chung cho mọi người, và muốn được cứu độ thì phải áp dụng các phương pháp và dùng những phương thế tương xứng. Phương pháp và phương thế Chúa Giêsu chỉ dạy ở đây là gắng vào cửa hẹp. Cửa hẹp không phải vì Thiên Chúa hà tiện, hẹp hòi, khắt khe mà vì con người chúng ta không đủ nhỏ để dễ dàng đi vào, tức là cửa nước trời không hẹp mà chính vì chúng ta quá cồng kềnh, đó là sự cồng kềnh của những hành lý chúng ta đang mang nặng trên vai như tiền bạc, của cải, tình duyên, danh vọng, thú vui, hưởng thụ… Đàng khác, nước trời là phần thưởng chỉ dành cho những ai đã gắng công, phấn đấu, tỏ ra xứng đáng, biết tự kềm chế, hãm mình, từ bỏ. Nói khác đi, nước trời không dành cho những ai chỉ muốn dễ dãi, ăn sẵn, chiều theo bản năng, chạy theo những quyến rũ trần thế, thích hưởng thụ.

Như vậy, bài Tin Mừng hôm nay nêu lên cho chúng ta một sứ điệp, một lời mời gọi: “Hãy phấn đấu để được cứu độ”. Phải phấn đấu, vì đường dẫn đến nước trời không thể và không phải là con đường dễ dãi mà đa số con người thích chọn, nhưng là lối hẹp. Chính Chúa Giêsu đã chọn lối hẹp, và tất cả những ai muốn theo Ngài, muốn được cứu độ cũng phải chọn lối hẹp.

Vua Sác-lơ thứ năm, một lần kia gọi hoàng tử đến và cho hoàng tử được lựa chọn. Trên bàn, vua đặt một thanh kiếm và một triều thiên, vua nói: “Con chọn cái nào?”. Suy nghĩ một lúc, hoàng tử cầm lấy thanh kiếm. Vua cha hỏi: “Sao con lại chọn thanh kiềm?”. Hoàng tử cầm thanh kiếm chỉ vào triều thiên đáp: “Thưa cha, nhờ thanh kiếm này con sẽ được triều thiên kia”. Chúng ta cũng thế, nhờ thanh kiếm đi vào lối hẹp, tức là cố gắng vượt qua gian khổ, khó khăn, thử thách, chúng ta sẽ chiếm được triều thiên nước trời.

Đến một ngày nào đó, khi cánh cửa sự sống khép lại, chúng ta phải từ giã cuộc đời, chúng ta sẽ bước sang một cuộc sống mới mà ở đó sẽ hết tranh đấu và không còn đổi thay nữa, khi đó số phận đời chúng ta được quyết định một lần dứt khoát hoặc suớng hay khổ. Nhưng căn cứ vào đâu để quyết định sự sướng hay khổ, tức là chúng ta được thưởng hay bị phạt? Thưa căn cứ vào cuộc đời chúng ta đã sống ở trần gian, nghĩa là số phận đó hoàn toàn tùy thuộc vào cách chúng ta đã sống ở đời này. Vì thế, đời sống ở trần gian, tuy ngắn ngủi, một trăm năm là cùng, nhưng lại rất quan trọng, vì quyết định số phận đời đời của chúng ta. Đó là lý do Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy đi vào con đường hẹp, hãy vào cửa hẹp.

Có người đã nói: cuôc đời này chẳng khác gì một bãi mìn, bãi mìn được ngụy trang bằng đủ mọi mầu sắc quyến rũ, ham mầu sắc mà quên hiểm nguy chúng ta sẽ bị ngộ nạn đau thương. Hương nồng của tửu điếm đã hủy hoại no ấm của bao gia đình; mùi thơm của hồng lâu đã lót đường cho bao đời người đi vào trụy lạc; thế lực của đồng tiền đã đưa vào lò sát sinh từ tình nghĩa phu thê đến ơn sâu phụ tử, mẫu tử; vị ngọt của danh vọng đã là cái hố chôn sống bao đời người.

Muốn thoát khỏi bãi mìn này, chúng ta phải biết đi vào con đường hẹp là xa tránh, chứ đừng ham thích dễ dãi, đừng hảo ngọt để khỏi ngộ nạn thảm thương. Chúa nói: “Nước trời chỉ thua sức mạnh”. Muốn có sức mạnh phải gian lao tập luyện, kẻ buông thả chẳng khi nào có được. Và đường vào nước trời là đường hẹp, muốn đi tới đó phải chấp nhận chông gai, kẻ sợ trách nhiệm, sợ phấn đấu, chẳng khi nào tới được. Xin Chúa cho chúng ta luôn có được ý chí mạnh mẽ để dám vươn lên khỏi nếp sống tầm thường của mình để sống tốt đẹp, cao thượng trong mọi hoàn cảnh.

home Mục lục Lưu trữ