Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 67
Tổng truy cập: 1355894
HÌNH THỨC
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Tiền nhân tập tục thực thi,
Rửa tay rửa chén, trước khi dự phần.
Bàn tay tinh sạch bụi trần,
Xác thân tắm rửa, tinh thần thảnh thơi.
Mấy Thầy Biệt Phái gọi mời,
Thực hành tập tục, trong đời sống đây.
Phê bình môn đệ điều này,
Tay dơ không sạch, ăn ngay tiệc mời.
Không theo luật lệ ở đời,
Bàn tay dơ dáy, mọi nơi nhúng vào.
Giả hình môi miệng cao rao,
Tôn thờ Thiên Chúa, trên cao hững hờ.
Tấm lòng trống rỗng lật lờ,
Miệng ngoài giả dối, tôn thờ thần ma.
Sự gì ô uế xuất ra,
Bên trong tâm trí, thật là gớm ghê.
Luật lệ trong tôn giáo là để giúp chúng ta nên trọn lành. Luật không phải là gánh nặng hay sự lừa dối. Giáo hội kêu mời chúng ta giữ đạo và tôn thờ Chúa với cả tấm lòng và trái tim chứ không phải giữ đạo bằng môi miệng. Chúa muốn lòng nhân lành, chứ không muốn của lễ. Tâm đức và ý hướng là cốt lõi của việc giữ đạo. Chúa hiểu rõ nội tâm của chúng ta.
Trong bài Phúc âm, Chúa Giêsu đối chất với các thầy Biệt phái về việc tuân giữ lề luật. Các Biệt phái chú ý chu toàn từng chi tiết nhỏ của luật như rửa tay, rửa chân, tắm rửa, lau chén bát… Họ giữ luật vì luật. Họ thờ kính Chúa qua các hình thức bên ngoài như may dài tua áo, giang tay cầu nguyện nơi phố xá. Họ làm thế cốt để khoe khoang. Lòng của họ thì trống rỗng. Chúng ta gọi đó là giả hình.
Các nhà lãnh đạo Do Thái cảm thấy bực dọc và gai mắt khi nhìn thấy các môn đệ của Chúa ăn uống mà không chịu rửa tay trước. Chúa Giêsu phản đối sự câu nệ của họ. Họ đồng hóa tôn giáo với việc chu toàn những hành vi bên ngoài. Chỉ khi chúng ta thi hành các công việc với lòng yêu mến Chúa thì việc làm của chúng ta mới có giá trị. Điều quan trọng không phải việc chúng ta làm mà chính là tình yêu thúc đẩy chúng ta thực hiện.
Truyện kể một vị Rabbi bị bắt tù ở Roma. Ông được phụng dưỡng tối thiểu, có cơm và có nước. Nhìn thấy vị Rabbi xanh xao yếu ớt. Bác sĩ khám nói rằng ông bị thiếu nước. Các người cai ngục bối rối. Không hiểu sao, vì họ vẫn cung cấp nước đầy đủ. Họ quan sát và phát giác ra Rabbi đã dùng nước uống để rửa tay theo nghi thức.
Thi hành lề luật trong đức ái. Lề luật sẽ dẫn chúng ta vào con đường chính trực. Có nhiều người coi chu toàn lề luật là quan trọng, còn tình trạng tâm hồn không đáng kể. Chúa Giêsu đi vào nội tâm của con người. Chúa nhìn đến một tôn giáo rộng lớn hơn, một tôn giáo sống tinh thần bác ái. Tình yêu là tâm điểm.
Trong thánh lễ hay khi cầu nguyện, chúng ta cố gắng tham dự một cách tích cực. Chúng ta tôn thờ Thiên Chúa với trái tim nồng cháy. Tin tưởng Chúa là Cha luôn thương mến chúng ta. Chúa không phải là tượng gỗ không hồn mà là Thiên Chúa hằng sống, cảm nhận và yêu thương.
.
Lm. Nguyễn Thái
Trong nỗ lực làm sạch sẽ thành phố Los Angeles chuẩn bị cho ngày thế vận hội Olympic Games, và để gây ấn tượng tốt đẹp cho thành phố lớn nhất nhì thế giới này, vấn đề được đặt ra là phải giải quyết thế nào đối với những người vô gia cư nghề nghiệp và những kẻ say sưa đi lang thang trong thành phố. Những người này không thể bị đuổi ra khỏi thành phố hay nhốt vào những trại tập trung. Có một hãng sản xuất quần áo địa phương đã có sáng kiến tặng 350 bộ tuxedo của đàn ông và áo dạ tiệc của phụ nữ để họ ăn mặc ngoài đường phố trong suốt 2 tuần lễ. Với biện pháp này, người ta hy vọng sẽ giấu được một góc cạnh xấu xa dơ bẩn của đời sống trong thành phố.
Đây chính là sự giả hình mà Chúa Giêsu nói đến trong bài Phúc Âm hôm nay, Mc 7: 1-8; 14-15; 21-23. Ngài đã nói với những người Biệt Phái và Luật sĩ, những chuyên viên về luật pháp, những người đã tố cáo các môn đệ của Chúa Giêsu là không giữ những phong tục, nghi thức bề ngoài: “Hỡi bọn giả hình, Isaia thật đã nói tiên tri rất chí lý về các ngươi, như lời chép rằng: ‘Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa ta. Nó sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì nó dạy những giáo lý và những luật lệ loài người’” (Is 7: 6-7).
Trong cuốn “Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh” do Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X dịch thuật đã định nghĩa sự giả hình dựa trên hai yếu tố: sự câu nệ hình thức và cứng lòng.
William Barclay đã chia sẻ một câu chuyện liên quan đến vấn đề câu nệ hình thức như sau: Một vị Rabbi Do Thái cao niên bị giam trong một nhà tù của người La Mã. Mỗi ngày ông đều nhận một khẩu phần ăn uống. Sau một thời gian, vị rabbi trở nên yếu ớt, gầy còm xuống ký rõ rệt. Những nhân viên cai tù thắc mắc muốn biết ông có bệnh gì không, nên cho mời một bác sĩ đến khám. Bác sĩ chuẩn đoán là bệnh nhân bị mất nước trầm trọng. Những nhân viên coi tù không thể hiểu được tại sao lại có thể xảy ra như vậy được. Họ tin là phần nước uống của vị rabbi đã được cung cấp đầy đủ. Những người canh gác bèn được lệnh phải canh chừng kỹ lưỡng xem vị rabbi đã làm gì với phần nước của ông; khi đó thắc mắc mới được giải tỏa: Những người canh gác đã trông thấy vị rabbi cử hành nghi thức tôn giáo rửa tay trước khi cầu nguyện và ăn. Do đó, ông ta còn rất ít nước để uống.
Nhiều người cũng lầm lẫn nghi thức, phong tục, và tập quán bề ngoài với sự thánh thiện (2 Tm 3:5). Chúng ta có một loạt danh sách các kinh phải đọc, những việc phải làm: lần hạt Mân Côi, đọc kinh Truyền Tin, tuần Chín Ngày, đeo Thánh Giá, đi Chặng Đàng Thánh Giá v.v… Chúng ta sẽ sai lầm nếu nghĩ rằng chỉ có cách duy nhất để làm đẹp lòng Thiên Chúa là giữ những nghi thức này; hay là sẽ phạm tội nặng nếu không tuân giữ. Nhưng Chúa Giêsu đã nói với chúng ta rằng sự thờ phượng Thiên Chúa đích thực chính là sự liên hệ yêu thương và mật thiết với Ngài (Ga 4:23). Sự liên hệ này mang lại cho chúng ta niềm vui và sự sẵn sàng hy sinh phục vụ Ngài.
Qua những lời của tiên tri Isaia, Chúa Giêsu đã tố cáo sự giả hình trong tất cả mọi hình thức vì người giả hình chỉ sống bề ngoài mà không thực lòng (Rm 12:9). Họ giống như những người vô gia cư ăn mặc tuxedo đi lang thang trong thành phố Los Angeles. Sự giả hình không gì khác hơn là một sự dối trá trong hành động. Họ đánh lừa người khác bằng những thái độ tôn giáo bề ngoài để chiếm được lòng quý mến.
Những người giả hình là những người “tâm ngôn bất nhất”. Họ không thực hành điều họ giảng dạy. Họ tuyên xưng thờ kính Thiên Chúa, nhưng chỉ ngoài môi miệng. Họ dạy và giải thích lề luật, nhưng không hiểu tinh thần của luật. Trong nhiều trường hợp, chính họ cũng không tin những điều họ nói và làm. Họ thường giả bộ tốt lành với những người khác. Trong ý nghĩa này một người giả hình thường hành động để đề cao chính họ. Những việc ăn chay, cầu nguyện, bố thí… được họ đánh tráo nhằm đề cao họ (Mt 6:2,5,16). Họ không bao giờ nhìn thấy điều tốt đẹp nơi những người khác, nhưng luôn luôn bới móc tìm kiếm những khuyết điểm để phê bình chỉ trích. Và sau cùng mọi sự sẽ tập trung vào chính họ (Mt 23:1-36).
Đức Ông Arthur Tonne kể câu chuyện sau đây về một linh mục đã kêu gọi sự giúp đỡ khẩn trương vào giờ sáng sớm. Sau khi dâng Thánh Lễ, từ nhà thờ trở về nhà xứ, ngài bị một tên ăn cướp dí dao đằng sau lưng: “Tiền hay mất mạng!” Khi nhìn thấy cái cổ trắng của chiếc áo đen, nó ra lệnh cho ngài phải vứt cái ví xuống đất. Sau đó, vị linh mục cảm thấy nhẹ nhõm lấy một điếu thuốc lá ra hút và mời tên cướp một điếu. Nó bèn từ chối mà rằng: “Cám ơn cha. Vì là Mùa Chay nên tôi tạm bỏ hút thuốc.”
“Sự câu nệ hình thức thì có thể sửa đổi được, nhưng sự giả hình thì gần như sự ‘cứng lòng’… Các ‘mồ mả tô vôi.’ Họ muốn lường gạt người khác. Họ tưởng mình công chính” (Lc 18:9; 20:20) (Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh).
Thế kỷ vừa qua, Đức Giáo Hoàng Piô XII (1939 – 1958) đã cảnh giác loài người cứng lòng, đang huênh hoang về nền khoa học kỹ thuật của mình: “Tội của thế kỷ này là tội đánh mất cảm giác về tội lỗi.” Đức Gioan Phaolô II đã lớn tiếng nói rằng: “Chủ nghĩa trần tục hóa -secularism – chủ trương không có Thiên Chúa cũng không có tội lỗi. Tâm lý học chống lại những cảm giác tội lỗi. Xã hội học quy trách tất cả trách nhiệm cho xã hội và nghĩ mình là nạn nhân. Nhân chủng học đổ lỗi cho môi trường. Cả những nhóm thần học mới lên diễn đàn giải thích rằng không có tội.”
Không những thời đại văn minh khoa học ngày nay đã đánh mất cảm giác về tội, mà còn đề cao một số tội lên hàng nhân đức. Tội tà dâm được coi là sinh hoạt tính dục trước hôn nhân. Phá thai được coi như quyền của phụ nữ. Sự thụ thai được coi như một con bệnh có thể điều trị được. Trong cuốn “Final Exit”, cuốn sách được báo The New York Times coi là sách bán chạy nhất, xuất bản lần đầu 40 ngàn cuốn, bán sạch trong một thời gian rất ngắn, Derek Humphry đã hướng dẫn những cách thức để một người có thể tự tử bằng 18 cách khác nhau. Ông Humphry quan niệm rằng tự tử là một hành động cao quý, có thể chấp nhận được!
Những người chủ trương trên là ai? Họ có thể là những người mang danh Kitô hữu, nhưng chẳng bao giờ biết đến bản chất của Kitô giáo là gì. Họ được rửa tội nhưng chẳng bao giờ giữ đạo. Thế nhưng hằng năm đến ngày Lễ Tro cả trăm ngàn người lũ lượt đứng sắp hàng để lãnh tro trên trán. Họ là những thành phần trí thức như bác sĩ, y tá, các giáo sư đại học, các thương gia, kỹ sư, chuyên viên v.v… trong các hãng lớn đang bôn ba với tiền bạc, đứng sắp hàng dài ngoài phi trường chờ đợi lãnh tro. Xức tro là gì mà những con người văn minh trí thức ngày nay lại biến nó trở thành như bản chất thiết yếu của tôn giáo vậy? Họ nghĩ rằng không cần phải giữ điều gì cả, chỉ cần lãnh tro một năm một lần, hay đến nhà thờ vào dịp lễ Giáng Sinh hay Phục Sinh. Đối với họ thế là đủ, thế là tròn việc giữ đạo!
Một người không phải là Kitô hữu, đã biết tự vấn lương tâm mình bằng một danh sách của 7 trọng tội. Đó là sự giàu có mà không làm việc, hưởng khoái lạc mà không có lương tâm, làm thương mại mà không có luân lý, khoa học mà không có sự khiêm tốn, thờ phượng mà không có hy sinh, có kiến thức mà không có lễ phép, làm chính trị mà không có nguyên tắc. Chúng ta đã phạm những tội nào? Tôn giáo không phải chỉ là những nghi lễ. Đời sống tinh thần không phải chỉ là giữ những luật lệ. Và những hình thức bề ngoài chưa hẳn là sự thánh thiện (Mt 7:15; 24:4).
Có hai vị tu sĩ nọ, một trẻ và một già, đang thả bộ xuống phố vào một ngày mưa tầm tã. Nước mưa ngập lụt phố phường. Họ gặp một cô gái trẻ đẹp ăn mặc tơ lụa gấm vóc. Cô muốn băng qua khúc đường lầy lội để về nhà phía bên kia đường. Vị tu sĩ trẻ bèn trạnh lòng thương: “Này cô, tôi giúp cô một tay nhé!” Với cánh tay khỏe mạnh của mình, người tu sĩ trẻ đã ẵm cô gái trẻ băng ngang khúc đường lầy lội. Rồi hai vị tu sĩ bước đi trong sự “thinh lặng đáng sợ” cho đến khi họ trở về đến tu viện. Vị tu sĩ cao niên không thể nào chịu đựng nổi bèn lên tiếng: “Các nhà tu hành không nên gần gũi những phụ nữ trẻ, nhất là những người đẹp như cô gái này! Tại sao thầy lại làm như vậy?” Thầy dòng trẻ trả lời: “Thưa thầy, em đã bỏ cô gái ở dưới phố rồi, nhưng thầy, thầy lại mang cô ấy về đến nhà dòng này.”
Chúng ta thấy có hai khuynh hướng trái nghịch nhau trong đời sống thiêng liêng Kitô hữu, tạm gọi là THOÁT TỤC và VÀO ĐỜI. Tinh thần “thoát tục” hay xa tránh cõi trần nhấn mạnh vào lòng đạo đức qua việc tuân giữ những luật lệ tôn giáo nghiêm nhặt, và tránh xa khỏi những người được coi là tội lỗi hoặc không đứng đắn vì sợ sẽ bị lây nhiễm.
Còn tinh thần “vào đời” lại nhấn mạnh đến sự liên đới chặt chẽ với những người đáng thương, những người thường bị coi như là xấu xa trần tục. Với tinh thần “vào đời”, nhập thế, người tín hữu không xa tránh, nhưng dang rộng cánh tay tới những người đang cần giúp đỡ.
Đời sống thiêng liêng của người Kitô hữu cốt ở sự quân bình, và dung hòa hai khuynh hướng này như Thánh Giacôbê Tông Đồ đã nhắn nhủ trong bài đọc II: “Lòng đạo đức trong sạch và tinh tuyền đối với Thiên Chúa Cha là thăm viếng cô nhi quả phụ trong cơn quẫn bách, và giữ mình khỏi mọi ô uế của thế gian” (Gc 1:27).
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam