Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 74

Tổng truy cập: 1354807

Họ Là Con Cái Của Sự Sống Lại

 Họ là con cái của sự sống lại

Theo những bảng thống kê về niềm tin của con người ở thời đại hôm nay vào cuộc sống trường sinh bất diệt mai sau, thì có tới quá phân nửa không tin gì ở cuộc sống mai hậu. Đối với họ, chết là hết. Họ cũng giống như những người thuộc phái Sađđucêô trong bài Phúc âm hôm nay, một giáo phái gồm những người được tuyển lựa trong hàng quý tộc của các thầy cả ở Giêrusalem, chỉ nhận 5 cuốn đầu của Cựu ước kinh là được mạc khải, phủ nhận sự sống lại, cuộc sống trường sinh, việc thưởng phạt kẻ lành người dữ và sự hiện hữu của các Thiên thần.
Nhân giả thuyết một bà có bảy đời chồng: tất cả 7 anh em đã cưới bà và đều đã chết, phái Sađđucêô đưa ra vấn nạn sau đây: “Vậy đến ngày sống lại, người đàn bà đó sẽ là vợ ai trong các người ấy? Vì tất cả 7 người đều lấy người ấy làm vợ.” Thâm ý của họ khi đưa ra giả thuyết là muốn chứng minh sự phi lý của cuộc sống mai hậu để đi đến việc phủ nhận đời sống ấy. Chúng ta hãy lắng nghe câu trả lời của Chúa Giêsu:
“Con cái đời này cưới vợ, lấy chồng, song những ai sẽ xét đáng được dự phần đời sau và được sống lại từ cõi chết, thì sẽ không cưới vợ lấy chồng, họ sẽ không thể chết nữa: vì họ giống như Thiên thần, họ là con cái Thiên Chúa: vì họ là con cái của sự sống lại.”

Câu trả lời trên của Chúa Giêsu đã làm đảo lộn những lý luận của phái Sađđucêô và mạc khải cho chúng ta những chân lý căn bản về cuộc sống trường sinh bất diệt, về bản tính của những “con cái của sự sống lại.”
Câu trả lời trên của Chúa Giêsu đã làm đảo lộn những lý luận của phái Sađđucêô và mạc khải cho chúng ta những chân lý căn bản về cuộc sống trường sinh bất diệt, về bản tính của những “con cái của sự sống lại.” Tất cả những chân lý ấy đều được đặt trên nền tảng chính yếu: Thiên Chúa hằng hữu, hằng sống và chân thật. Chúa Giêsu đã nói đến đức tin vào Thiên Chúa hằng sống của các tổ phụ dân Do thái: Môisen, Abraham, Isaac và Giacob: “Về vấn đề kẻ chết sống lại, thì Môisem đã cho biết điều ấy trong đoạn nói về bụi gai, khi ông gọi Chúa là Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac và Thiên Chúa Giacob. Nhưng Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống.” Biến cố vĩ đại nhất của mạc khải và cũng là nền tảng kiên cố nhất của đức tin Kitô giáo, đức tin vào ơn Cứu độ của Thiên Chúa trao ban cho con người, đức tin Kitô vào cuộc sống trường bất diệt, chính là biến cố Phục sinh vinh quang của Đức Giêsu Kitô.

Hội thánh dành cả tháng 11 để tưởng niệm các linh hồn. Chúng ta quen gọi là tháng các linh hồn. Cả chu kỳ phụng vụ ấy, Hội thánh không những kêu mời tất cả tín hữu cầu nguyện, làm việc lành phúc đức, dâng lễ để xin Chúa nhân từ cứu vớt những linh hồn còn đang phải giam phạt trong luyện ngục. Đó là sự hiệp thông giữa Hội Thánh chiến đấu lữ hành với Hội thánh đang được thanh luyện nhờ công nghiệp cứu chuộc cực thánh của Chúa Giêsu.

Tháng các linh hồn còn là lời tuyên xưng đức tin về cuộc sống mai hậu của Hội thánh: “Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau.” Niềm tin vào sự sống lại và sự sống đời sau. Niềm tin vào sự sống lại và cuộc sống trường sinh bất diệt mà Thiên Chúa hứa ban cho tất cả những ai đặt tin tưởng nơi Ngài khiến 7 anh em trong sách Macabêô can đảm sẵn sàng chịu chết. Hồi ấy, vào khoảng năm 167 trước Chúa Giáng sinh, dân Do thái nổi lên chống vua Antiochus Epiphane. Vua này bắt dân thờ thần Zeus thay thế Thiên Chúa. Có rất nhiều người trung thành tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa Giavê và bị hành hình. Bẩy anh em và bà mẹ bị bắt, bị vua cho đánh bằng roi da và roi gân bò, bị chịu thử thứ cực hình, nhưng tất cả đã mạnh bạo tuyên xưng đức tin “Chúng tôi sẵn sàng chịu chết hơn là phạm đến lề luật Thiên Chúa đã truyền dạy cho tổ phụ chúng tôi. Hỡi vua độc ác kia, vua chỉ cất mạng sống chúng tôi ở đời này, nhưng Vua vũ trụ sẽ làm cho chúng tôi, là những kẻ đã chết vì lề luật của Người, được sống lại trong cuộc sống đời đời.”

Can đảm và hào hùng thay cái chết của những người đặt niềm tin vào Chúa và cuộc sống trường sinh bất diệt. Đức tin đòi mỗi người tín hữu một thái độ can đảm, dám sống ngược lại trào lưu hiện đại. Đức tin phải được chứng minh bằng việc làm. Niềm tin Phục sinh phải thực sự biến đổi nếp sống hiện tại của người Kitô hữu: chúng ta đã được chôn táng với Đức Kitô qua phép Rửa tội, chúng ta cũng sẽ được phục sinh vinh quang với Người. Niềm tin căn bản đó phải là kim chỉ nam cho tất cả cuộc đời tại thế: “Nếu anh em đã đựơc cùng sống lại với Đức Kitô, hãy tìm kiếm các sự trên trời: chíny nơi Đức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa. Hãy trìu mến những việc trên trời, chớ xu hướng sự vật dưới đất.” (Colossê 3: 1-2)
Lm Stêphanô Bùi Thượng Lưu

home Mục lục Lưu trữ