Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 61

Tổng truy cập: 1362760

HOÀN THIỆN NHƯ CHA

HOÀN THIỆN NHƯ CHA TRÊN TRỜI

 

(Suy niệm của Lm. Antôn Hà Văn Minh)

Mt 5: 38-48 Giáo Hội Chúa Kitô là một cộng đoàn được qui tụ từ Đức tin và Đức mến, và có thể nói sứ vụ của Giáo Hội chính là tiếp tục loan báo và biểu tỏ tình yêu của Chúa cho mọi người.

Suy Niệm

Giáo Hội Chúa Kitô là một cộng đoàn được qui tụ từ Đức tin và Đức mến, và có thể nói sứ vụ của Giáo Hội chính là tiếp tục loan báo và biểu tỏ tình yêu của Chúa cho mọi người. Việc tỏ bày dức ái của Chúa không gì hơn chính là thể hiện lòng thương xót với tha nhân trong cách đối xử với nhau.

Sự hoàn thiện  của Cha trên trời được biểu tỏ qua thái độ bao dung của Chúa, không  nhỏ nhặt chấp nhất, Ngài độ lượng đến nỗi mau quên tội lỗi của chúng ta, và dầy lòng thương xót để sẵn sàng đón nhận hết mọi người, không phân biệt người đó là ai. Và đó chính là thái độ mà Đức Kitô mời gọi chúng ta, những người môn đệ, phải thể hiện trong cuộc sống.

Thật vậy, chúng ta thuộc về cộng đoàn của Đức mến, một cộng đoàn lấy nhân ái làm nền tảng cho các mối tương giao, để từ đó trở thành dấu chỉ của Vương quốc Thiên Chúa, một vương quốc an bình và hạnh phúc, vương quốc của những người luôn biết thể hiện lòng bao dung, quảng đại và yêu thương nhau.

Chúa Kitô đã không lên án kẻ giết mình, nhưng lại cầu xin ơn tha thứ cho họ với một tấm lòng nhân ái: xin tha cho họ vì họ lầm không biết. Sự thứ tha là cốt lõi để kiến tạo an bình, và đó là con đường hành động của Thiên Chúa để ban ơn cứu độ cho muôn người.

Người Kitô hữu chúng ta, khi thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng, chúng ta cũng phải mang trong mình một trái tim độ lượng luôn sẵn sàng tha thứ để dạy người khác thứ tha, vì có thứ tha mới có thể mở rộng lòng đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa. Vì ơn cứu độ chính là quà tặng quí giá được hình thành từ sự thứ tha bởi lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho nhân loại.

Đối diện với ơn cứu độ của Thiên Chúa, chúng ta học được bài học thứ tha để từ đó chúng ta sẽ cảm nhận được rằng tha thứ quả thật là một sức mạnh giải phóng chúng ta khỏi sự sợ hãi, giận dữ và mang lại cho chúng ta sự bình an. Đó là bài học mà nhiều người đã cảm nhận được khi biết tha thứ cho kẻ thù. Chẳng hạn Bà Mariette Jaeger.

“Vào đêm cuối cùng của một kỳ nghỉ cắm trại trong rừng của gia đình, Susie, cô con gái 7 tuổi của bà, bị bắt cóc. Trong những tuần tiếp theo, người ta xới tung cả những cánh rừng lân cận, dùng tàu thủy quét lưới dọc dòng sông bên cạnh để tìm cô bé.

Gia đình Jaeger kiệt quệ về sức lực và cảm xúc, bà thề rằng bà có thể vừa nhếch mép cười vừa giết chết kẻ bắt cóc bằng hai bàn tay trần của mình. Nhưng rồi bà quyết định tha thứ, bà biết rằng nếu để căm ghét xâm chiếm mình, nó sẽ hủy hoại cuộc đời bà.

Đúng một năm sau, kẻ bắt cóc gọi điện thách thức Jaeger, nhưng sau một tiếng đồng hồ hắn suy sụp bên điện thoại khi cảm nhận được sự kiên nhẫn và lòng trắc ẩn của bà và thú nhận đã giết chết Susie. Theo luật pháp, mặc dù kẻ bắt cóc xứng đáng bị xử tử, bà xin chuyển án của hắn thành tù chung thân. Bà cho rằng giết hắn sẽ làm tổn hại tới vẻ đẹp và sự ngọt ngào của cuộc đời Susie và tầm thường hóa nó. Susie xứng đáng được nhận một tưởng niệm cao quý và đẹp đẽ hơn là một hành động giết người lạnh lùng được nhà nước phê chuẩn. Bốn tiếng sau khi yêu cầu của bà được chấp thuận, kẻ bắt cóc tự vẫn trong trại giam.

Trong 20 năm tiếp theo, Jaeger làm việc xã hội, hỗ trợ các gia đình nạn nhân tương tự. Trong cuốn Khám phá tha thứ, bà nhìn lại: Trải nghiệm của tôi luôn được khẳng định. Những gia đình này có tất cả các quyền để căm tức và thịnh nộ, nhưng những ai vẫn giữ tư duy báo thù cuối cùng lại trao cho kẻ phạm tội một nạn nhân nữa. Cay đắng, bị hành hạ, cầm tù trong quá khứ, chất lượng cuộc sống của họ suy giảm. Căm ghét, giận dữ, phẫn uất, chua chát, thù hằn - chúng sẽ lấy đi cuộc đời của chúng ta như là cuộc đời của Susie đã bị lấy đi.

Mặc dù không bao giờ lựa chọn vậy, Jaeger cho rằng bà nhận được một món quà từ cái chết của con mình. Bà đã học được khả năng tha thứ. Jaeger cũng kết nối với mẹ của thủ phạm để làm dịu nỗi đau của người phụ nữ kia. Họ trở thành bạn. Từ đó tới giờ, hằng năm, hai người phụ nữ luôn đi cùng nhau khi thăm mộ con mình” (Trích trong bài Van hoá làm nhục bằng tha thứ và hoà giải của Đặng Hoàng Giang)

Lạy Chúa, xin dạy chúng con hiểu giá trị của sự thứ tha, để giúp chúng con luôn biết huân luyệ cho mình mộtm trái tim quảng đại để sãn sàng tha thứ. Vì khi biết tha thứ là chính lúc chúng con đang trên đường tiến tới sự hoàn thiện như Cha trên trời. Amen.

 

21.Yêu không kỳ thị xua đuổi

(Suy niệm của Lm. Joshepus Quang Nguyễn)

Với 11 trường hợp nhiễm Covid-19, tỉnh Vĩnh Phúc đang được coi là tâm dịch của cả nước. Trong thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, đặc biệt đã có trường hợp một bệnh nhân đã lây chéo sang nhiều người trong gia đình và hàng xóm. Bởi vậy, ngày 13/2, tỉnh Vĩnh Phúc đã tiến hành cách ly toàn bộ xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên) - nơi ghi nhận nhiều bệnh nhân nhiễm Covid-19 nhất. Những hành động mạnh mẽ này nhằm giúp sớm loại bỏ đại dịch Covid-19 ra khỏi Việt Nam nhanh nhất mà thôi. Vâng, cách ly là cần thiết, tuy nhiên, một câu chuyện đáng buồn, mấy ngày qua, chuyện nhiều người tỏ thái độ kỳ thị với người dân Vĩnh Phúc. Đây là điều đáng lên án. Một khách sạn ở Hà Nội treo tấm biển từ chối tiếp công dân Vĩnh Phúc; trên mạng xã hội tràn lan những dòng bình luận: “Vũ Hán của Việt Nam” rồi “tránh xa người Vĩnh Phúc”... Phong trào kỳ thị người Vĩnh Phúc còn lan khắp các trang bán hàng trực tuyến. Nhiều người mất việc chỉ vì họ là người Vĩnh Phúc, có người không dám khai là người Bình Xuyên khi đi phỏng vấn xin việc. Thậm chí, có chị giúp việc còn bỏ về giữa chừng chỉ vì chủ nhà là… thông gia với người Vĩnh Phúc. Những hành động, cách nhìn nhận phiến diện trên khiến không ít người bức xúc, phẫn nộ. Hơn ai hết, cuộc chiến chống dịch sẽ không thể đạt hiệu quả nếu không có sự ủng hộ, đồng lòng hợp tác của mọi người cần lắm lúc này tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn, không kỳ thị, xa lánh, hỗ trợ và giúp đỡ mọi người.

Chúng ta là con cái của Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương yêu thương hết mọi người không kỳ thị, không phân biệt, không ghét ai ngay cả kẻ thù của mình, huống chi là người ốm đau bệnh dịch. Cho nên, Chúa Giêsu là Thầy đã đi trước thi hành Lời Ngài trước rồi dạy chúng ta hãy làm theo mới xứng đáng là con cái, là môn đệ của Ngài. Vì thế, hôm nay Chúa Giêsu dạy bài học chí lý này đúng ngay vào thời đại bệnh dịch này: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”. Cho nên, người đời kỳ thị người Vĩnh Phúc, có 1 linh mục trẻ mới 35 tuổi, chịu chức linh mục hơn 1 năm đã tự nguyện hy sinh xông vào chính tâm đại dịch để phục vụ mọi người. Đó là linh mục Giu-se Hoàng Trọng Hữu thuộc giáo xứ Lai Tê, giáo phận Bắc Ninh.  Thật cảm phục lòng yêu mến Chúa, tinh thần hy sinh phục vụ của người linh mục trẻ, sẵn sàng hy sinh quên mình, sẵn sàng chấp nhận mọi khó khăn để phục vụ hy sinh cho người mình yêu noi gương Chúa Giêsu: “Mục Tử tốt lành, thí mạng sống mình vì đàn chiên, Người đến để cho chiên được sống dồi dào” (Ga 10,28).

Tình yêu thì không có biên giới cả về mức độ lẫn đối tượng. Ăn cho, buôn so. Đã có tính toán, đã có hạn mức cố định thì sẽ chẳng còn là tình yêu. Đã yêu là yêu đến cùng. Xét về mức độ thì Chúa Kitô không chỉ minh định rõ ràng đó là sẵn sàng hiến thân vì người mình yêu mà Người còn thể hiện sự đến cùng trong tình yêu bằng cái chết trên thập giá. Để diễn tả sự đến cùng trong mức độ mến Chúa và yêu tha nhân, Ngài dạy: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi…Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mc 12,30-31). Hạn từ “hết” đuợc lặp đi lặp lại và hạn từ “như chính mình” làm nỗi rõ tính vô biên của tình yêu.

Yêu thương là không chỉ muốn mà còn phải nỗ lực làm điều tốt nhất cho người mình yêu. Trong niềm tin Kitô giáo, mọi người đều là anh chị em với nhau. Đã là anh em, chị em với nhau một mặc, chúng ta không được phép loại bỏ hay kỳ thị nhau dù dưới bất cứ hình thức nào, mặc khác chúng ta cần giúp nhau, hy sinh cầu nguyện cho nhau thi hành thánh ý Thiên Chúa để có hạnh phúc đích thực. Vâng lệnh Chúa Giêsu chúng ta hãy chân thành cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi chúng ta. Trước hết hãy cầu xin cho họ nhận ra lầm lỗi họ đã phạm và biết sám hối, ăn năn, thay đổi. Hãy cầu xin cho họ biết tìm cách khắc phục những hậu quả xấu đã gây ra cho tha nhân, cho xã hội… Có thể nói đây là bước khởi đầu của việc sống yêu thương “kẻ thù”, yêu thương những người làm hại chúng ta. Tiếp đến, hãy dùng ngôn ngữ mà rao truyền chân lý, vạch trần sự dữ để giúp người lạc lối trở về nẽo chính, đường ngay, như Lời Chúa trong bài đọc 1 dạy:  “Ngươi không được để lòng ghét người anh em, nhưng phải mạnh dạn quở trách người đồng bào, như thế, ngươi sẽ khỏi mang tội vì nó. Ngươi không được trả thù, không được oán hận những người thuộc về dân ngươi. Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình”.

Ước gì qua Lời Chúa hôm nay, chúng ta cùng hiệp lời cầu xin Chúa ban cho mọi người không phân biệt tôn giáo có đủ khôn ngoan, nghị lực, đầy nhiệt huyết tông đồ để phục vụ mọi người nhất là những người bệnh tật, khổ đau thay cho kỳ thị xua đủa. Chúng ta cùng hiệp lời cho cầu nguyện cho những người đang sống trong tâm trấn dịch bệnh được bình an và cơn đại dịch sớm dập tắt, đồng thời mở rộng vòng tay yêu thương giúp đỡ, vì khi giúp đỡ những người đau khổ là giúp đỡ chính Chúa đang đau khổ vậy. Amen.

 

22.Là Kitô hữu phải sống thánh và thiện

(Suy niệm của Lm. Joshepus Quang Nguyễn)

Sách Sáng thế kể: “ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật. Rồi ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa trồng một vườn cây ở Ê-đen, về phía đông, và đặt vào đó con người do chính mình nặn ra” (St 2,7-8). Như vậy, nơi con người ngay từ khi Thiên Chúa tạo dựng có hai yếu tố vật chất (bùn đất) và sinh khí (hơi thở của Thiên Chúa – ta gọi là hồn thiêng). Cho nên, linh hồn là do Thiên Chúa tạo dựng trực tiếp, do Thiên Chúa ban tặng chứ không do cha mẹ tạo nên. Vì vậy, tự bản chất con người chỉ là thụ tạo, được hưởng những đặc ân của Thiên Chúa nhưng con người vẫn khác xa và cách biệt ngàn trùng với Thiên Chúa Tạo Hoá. Chỉ trong Chúa Giêsu Kitô, con người mới trở thành con Chúa, mới được tham dự và chia sẻ sự sống đời đời. Cho nên, Chúa Giêsu hôm nay mời gọi chúng ta hãy nên thánh về phần hồn và thiện về phần xác nhờ đó chúng ta mới được sống lại cả hồn lẫn xác trong ngày sau hết.

Trước hết, về phần hồn, Lời Chúa bài đọc 1, Thánh Phaolô khẳng định rằng: “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? Vậy ai phá huỷ Đền Thờ Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ huỷ diệt kẻ ấy. Vì Đền Thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và Đền Thờ ấy chính là anh em”. Rõ ràng, đời sống thiêng liêng của người Kitô hữu là đời sống dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Ngài đưa ta vào đời sống của Ba Ngôi Thiên Chúa, tức là kết hiệp hoàn toàn với Thiên Chúa. Thiên Chúa là trung tâm của thân thể và đời sống ta, Người chiếm hữu toàn bộ linh hồn ta. Như thế, ta sẽ là tất cả cho Thiên Chúa và Thiên Chúa sẽ là tất cả cho ta, ta thuộc về Người và Người cũng thuộc về ta. Nhưng Thiên Chúa là Đấng Thánh (Hs 11,9), còn chúng ta là con người nên trước mặt Thiên Chúa, chúng ta phải thánh. Vì thế, mỗi người chúng ta cần phải xây dựng tâm hồn mình nên thánh, có nghĩa rằng phải có đời sống đầy ân sủng Chúa qua việc siêng năng lãnh nhận các Bí tích. Vì chưng, qua các Bí tích, ơn Chúa giúp tâm hồn ta mỗi ngày một thánh hơn. Chẳng hạn, Bí tích Hòa Giải, khi được Rửa Tội, chúng ta đã trở nên tạo vật mới nhưng bản chất con người vốn yếu đuối thường sa ngã phạm tội làm cho linh hồn hoen ố. Vì vậy, ta phải đi xưng tội để được tha tội nhằm giao hòa với Thiên Chúa và mọi người. Bí tích Giải Tội còn ban ơn trợ giúp chúng ta sợ tội, xa lánh tội và vượt thắng tội lỗi nhờ đó chúng ta mới thánh được. Rồi, Bí Tích Thánh Thể nữa, rước lễ giúp tăng triển sự hiệp thông với Chúa Kitô. Như của ăn vật chất mang lại sự sống cho thân xác thế nào, việc rước lễ cũng đem lại sự sống kỳ diệu cho đời sống thiêng liêng như vậy. Một khi đã hiệp nhất với Chúa Giêsu, đời sống tâm linh của chúng ta trở nên vững mạnh, giúp vượt thắng và xa lánh tội lỗi. Bí tích Thánh Thể là một bảo chứng chắc chắn cho vinh quang Nước Trời sau này, cho việc Phục Sinh thân xác cát bụi của chúng ta. Là con người, chúng ta cần lương thực trần thế để sống nhưng sự sống ấy cũng có giới hạn; là con Thiên Chúa, chúng ta cần được lương thực thần linh để sống và tồn tại mãi mãi. Nếu Đức Kitô chỉ là người thì thịt máu Ngài cũng chỉ là lương thực trần gian, song Đức Kitô còn là Thiên Chúa nên Thịt Máu Ngài cũng chính là sự sống thần linh nuôi linh hồn ta làm cho linh hồn ta nên thánh mỗi ngày và được sống muốn đời vì chưng Chúa Giêsu nói: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời”.

Thứ hai, Chúa Giêsu hôm nay mời gọi nên thiện về phần xác, có nghĩa là thiện về con của chúng ta. Thiên Chúa tạo dựng và phú bẩm cho ta các bản năng như con vật (ăn, ngủ, nghỉ, giận, hờn, ghét, yêu…) như chúng ta hơn con vật nhờ có trí khôn, có trí khôn nên điều khiển, kiểm soát và kiềm chế những bản năng này sao cho phú hợp với nhân phẩm con người ngay từ khi làm người là “nhân cho sơ tính bản thiện”. Làm sao để chúng ta nên thiện về phần con này? Thưa Lời Chúa các bài đọc hôm nay đưa ra những bài học luân thường đạo lý rất cụ thể và chí lý. Bài đọc 1, Sách Lê Vi dạy chúng ta không được vu khống những người trong dòng họ, không được ra toà đòi người đồng loại phải chết, không được để lòng ghét người anh em, không được trả thù, không được oán hận người ta và phải yêu đồng loại như chính mình. Rồi trong bài đọc 1, Thánh Phaolô dạy chúng ta đừng có dối gian với chính mình và với người khác. Và trong Tin Mừng, Chúa Giêsu dạy chúng ta đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi. Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi chúng ta. Như vậy, chúng ta mới được trở nên con cái của Cha chúng ta, Đấng ngự trên trời.

 Vì vậy, trong Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium (Ánh sáng Muôn dân), Công Đồng Vaticanô II dạy rằng để đời sống Kitô hữu mỗi ngày nên thánh thiện, trước hết chúng ta phải có lòng kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân. Qủa thật, chỉ có tình yêu mới làm cho Thiên Chúa ở với ta và ta ở với Thiên Chúa (1Ga 4,16). Tình yêu ấy mỗi ngày một lớn lên trong ta, thúc đẩy ta luôn sống hết mình cho Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô và buông mình cho Chúa Thánh Thần hầu lắng nghe Lời Chúa và mau mắn thi hành Lời Chúa dạy. Bên cạnh đó, chúng ta không ngừng nỗ lực thực thi bác ái thương người có mười bốn mối, và canh tân đời sống; nhất là siêng năng lãnh nhận các Bí tích, chuyên cần cầu nguyện và tham dự các buổi cử hành phụng vụ ngõ hầu đạt tới “sự viên mãn của đời sống Kitô hữu và sự trọn hảo của đức ái, dù ở hoàn cảnh hay địa vị nào” (Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, số 40). Như thế, người thánh thiện không phải sống ngoài hay không quan tâm đến thực tại trần gian; trái lại họ phải nhập thế, cải thiện hoàn cảnh sống và giúp mọi người sống thánh và thiện hơn. Vậy, càng sống tinh thần Bát Phúc của Chúa Giêsu, chúng ta càng hoàn hảo, thánh thiện và có phúc vì chưng Chúa Giêsu hứa: “Phúc cho ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8).

Ước gì qua Lời Chúa hôm nay, xin cho “mọi người đều thấy rõ rằng, tất cả Kitô hữu, bất cứ theo bậc sống hay địa vị nào, đều phải tiến đến sự viên mãn của đời sống Kitô giáo và đến bậc trọn lành thánh thiện” (Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, số 41). Vì thế, chúng ta phải sử dụng hết sức lực, các ân sủng mà Đức Kitô đã ban nhiều hay ít để thi hành Lời Chúa trong tất cả mọi sự; đồng thời chân thành yêu mến Thiên Chúa, làm vinh danh Người qua việc yêu thương và khiêm nhường phục vụ tha nhân.

 

23.Hãy nên trọn lành như Cha trên trời

(Giải thích bản văn Tin Mừng của Lm. Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến)

Sang phần hai của đoạn chính 5,21-48, Chúa Giêsu chuyển sang nói về cách hành xử của bản thân người môn đệ, đặc biệt đối với những người chống lại mình/kẻ thù: – Đừng thề (5,33-37), – Đừng chống lại người ác (5,38-42), – Yêu thương kẻ thù (5,43-48).

Đừng Chống Lại Người Ác (5,38-42)

Câu mở đầu (c. 38) hoàn toàn giống với 5,43, và giáo huấn của Chúa Giêsu ở dạng phủ định giống với câu ở phần trước: mē + động từ nguyên mẫu (c. 34). Các câu giải thích (cc. 39b-42) gồm hai phần đối xứng nhau với hai thí dụ cụ thể ở mỗi bên.

Luật Cựu ước “mắt đền mắt và răng đền răng” (Xh 21,24, Lv 24,20; Đnl 19,21) nhằm hạn chế việc đổ máu do không kiềm chế nỗi sự hận thù. Lamech hãnh diện với vợ mình “Nếu Cain trả thù bảy lần, Lamech trả thù bảy mươi lần” (Kh 4,23-24). Luật nầy đòi hỏi trách nhiệm trong việc gây thiệt hại, và giữ sự quân bình giữa tội ác và hình phạt. Trong Tân ước còn tìm thấy cách diễn tả tương tự với luật nầy (Mc 8,38, 1 Cr 3,17).

Chúa Giêsu cấm sự đánh trả người làm điều ác: “Đừng chống trả người ác” (c. 39). Động từ anthistēmi, “chống lại”, hàm ý sự thiệt hại do người ác gây nên. Người ác, ponēros, tương đương với kẻ thù, echthros, với người bắt bớ, làm sỉ nhục (x. 5,11). “Không chống lại người ác” nghĩa là không để mình bị vướng vào vòng lẩn quẩn của sự ác: bạo lực sinh ra bạo lực; một cái răng của mình bị mất đi phải đòi lại một cái răng của người khác. Mức độ đầu tiên là bất bạo động: “Khi Ngài bị sỉ nhục, Ngài không sỉ nhục lại” (1 Ph 2,23). Mức độ kế tiếp cao hơn sẽ là yêu mến người làm điều ác (5,44-45; 1 Thess 5,15). Chúa Giêsu đưa ra bốn minh họa về sự bất bạo động:

Bị đánh vào má (c. 39b), rhapizō, là hành vi hạ nhục và khinh dể hơn là làm cho đau về mặt thể lý. Việc đưa cả hai má phải và trái cho người ác chỉ việc hoàn toàn không chống trả và sẵn sàng chịu mọi sự sỉ nhục không do lỗi mình; người tôi tớ trong Isaia cũng đã làm như thế, “Tôi đã không che mặt” (Is 5,5-6; x. Gióp 16,10; ). Chúa Giêsu đã bị đánh vào má trước mặt các thượng tế và Công nghị vì Ngài bị cho là phạm thượng; do đó đáng phải chết (26,67).

Bị đoạt áo (c. 40): bối cảnh của đoạn nầy là việc thưa kiện ở toà án để đoạt lấy áo, “muốn kiện”, theolonti krithēnai (c. 40; x. 18,30). Người bị kiện là một người nghèo tận cùng. Người nầy phải vay nợ để sống và không có gì để trả nợ. Chủ nợ chỉ có thể lấy áo trong, chitōn để trừ nợ, chứ không được lấy áo ngoài, mặc dù áo ngoài có giá trị hơn (x. Mc 13,16). Theo luật pháp thời ấy, chủ nợ không được cầm giữ áo ngoài như vật thế chấp, và nếu có lấy áo ngoài thì buộc phải trả lại áo cho người nghèo trước khi mặt trời lặn, vì áo ngoài/áo choàng dùng để làm chăn đắp ban đêm (Xh 22,25-27; Đnl 24,12-13). Đứng trước người không có lòng xót thương, người nghèo có thể bị lột trần trước mặt mọi người. Ngay cả khi bị như thế, Chúa Giêsu dạy đưa luôn áo ngoài cho họ. Chúa Giêsu đã bị lột áo, cả áo trong (Ga 19,23) lẫn áo ngoài (27,31.35), và nên trần truồng hoàn toàn trên thập giá.

Bị ép phục dịch (c. 41): động từ angareuō, “bắt ép”, mượn từ tiếng Persian. Angaroi là những người đưa thư. Những người nầy đứng tại các trạm ở các địa phương do vua xứ Persian chỉ định. Họ sẵn sàng với con ngựa để chuyển thư từ trạm nầy qua trạm kia để chuyển thư thật nhanh đến đích. Ở đây từ angareuō nầy chỉ sự ép buộc đi một hành trình, mang một vật nặng hay làm một việc phục dịch nào đó do quân đội hay các viên chức trên một hay nhiều người, như trường hợp Simôn người Xirênê bị quân lính Rôma ép vác thánh giá với Chúa Giêsu (27,32).

Cho và vay mượn (c. 42): Câu nầy vẫn còn nằm trong văn mạch của mệnh lệnh: “Đừng chống lại người ác” (c. 39a), và người môn đệ vẫn còn là nạn nhân của bạo lực hay bất công. Theo cấu trúc, câu nầy đối xứng và song song với câu 40a: tō + phân từ + ngươi + động từ. Động từ “muốn + vay mượn”, thelō, trong câu nầy mang ý nghĩa tương tự như trong câu 42 là muốn vay mượn tài sản của anh em trong đó hàm ý việc đoạt lấy; so sánh câu nầy với câu song song trong Luca 6:30: “Tất cả ai xin, hãy cho, và kẻ đoạt của ngươi, ngươi chớ đòi lại”. Hơn nữa, câu nầy liên kết với đoạn theo sau 5:43-48 bởi từ ponēros, “người xấu” (cc. 39.45), trong đó nói về việc yêu thương kẻ thù. Đây là minh họa đi trước cho việc yêu thương kẻ thù.

Việc giúp đỡ và cho vay mượn được nói rất nhiều đến trong Cựu ước, mà đối tượng nhắm đến thường là người nghèo (Xh 22,25; Lc 25,36-37; Đnl 15,2-6). Ở đây Chúa Giêsu đưa ra một nguyên tắc tổng quát và không phân biệt người được cho và cho vay: “Ai xin, ngươi hãy cho. Ai muốn vay, ngươi chớ khước từ” (c. 42; x. 5.45), trong đó bao hàm cả người ác/xấu.

Vậy qua đoạn 5,38-42 Chúa Giêsu muốn chúng ta giữ mình tự do khỏi mọi hình thức bạo lực. Quyền xét xử và báo oán là của Thiên Chúa (Rm 12,19-21). Phần người môn đệ của Chúa là “không lấy oán báo oán, mà theo đuổi điều thiện cho nhau và cho mọi người” (1 Thess 5,15).

“Yêu thương kẻ thù” (cc. 43-48)

Sự công chính của người môn đệ được thể hiện ở mức tối đa là yêu thương kẻ thù. Hành vi yêu thương nầy làm họ nên giống Cha trên trời là Đấng trọn lành (5,48) và là Đấng công chính (6,33), và cũng làm cho họ trổi vượt hơn các kinh sư và người Pharisêô về sự công chính (5,20). Đoạn nầy có cấu trúc giống như các đoạn trước, và thêm lời kết luận cho toàn phần 5,21-48. Từ ngữ chính trong đoạn nầy là agapaō, “yêu thương” (cc. 43.44.46[2x]) và echthros, “kẻ thù” (cc. 43.44).

Cựu ước nói cách rõ ràng việc yêu thương người lân cận. Người lân cận được định nghĩa là người đồng hương Israel, mặc dù cũng có thể nới rộng định nghĩa nầy ra cho người ngoại quốc đến ngụ cư (Lv 19,18, 33-34; Đnl 10,18-19). Trái lại, không thấy Kinh Thánh nói cách hiển nhiên việc ghét kẻ thù, mặc dù có thể suy diễn từ một số đoạn (x. Đnl 7,2; 20,13–18; 25,17–19; Tv 137,8–9; 139,19–22). Đối lại với câu chủ đề gồm hai mệnh đề, Chúa Giêsu cũng đưa ra một câu gồm hai mệnh đề: “Hãy yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho người bắt bớ các con” (c. 44). Hai mệnh lệnh đều ở ngôi thứ hai số nhiều và thì hiện tại, chỉ sự áp dụng chung cho các môn đệ của Chúa Giêsu và cho mọi thời.

“Kẻ thù” theo mạch văn là người bắt bớ (c. 44b), người xấu (c. 45). Họ sỉ nhục, vu khống, đặt điều nói xấu đủ điều các môn đệ (x. 5,10-11), họ làm những điều bất công (x. 5,38-42); do đó việc ghét kẻ thù là điều thường tình đối với người đời. Trái lại Chúa Giêsu dạy phải yêu thương kẻ thù theo mẫu gương của Cha trên trời. Ngài “cho mặt trời mọc lên trên kẻ dữ lẫn người lành” (c. 45; x. 22,10). Ngài làm điều tốt cho cả hai mà không phân biệt (x. Rm 21,20-21). Matthêô dùng từ ponēros, “người xấu” thay vì echthros, “kẻ thù”, trong câu liên quan đến Thiên Chúa, vì “kẻ thù” thật sự của Thiên Chúa là ma quỉ; chắc chắn là Ngài không “cho mặt trời mọc lên” trên kẻ thù nầy, mà đặt nó dưới bệ chân Ngài (13,25tt, 22,44).

Trước khi đi đến kết luận, Chúa Giêsu đưa ra hai minh hoạ về cách yêu thương mà người môn đệ không nên noi theo, “Nếu chỉ yêu thương…”, “Nếu chỉ chào hỏi…” (cc. 46-47), bằng không họ sẽ không công chính hơn người thu thuế và dân ngoại chút nào cả. Tính từ so sánh “hơn”, perisson, ở đây đóng khung đoạn 5,21-48, và liên quan đến sự công chính của các môn đệ (c. 20). Vậy ai hành động như Thiên Chúa thì sẽ nên con cái của Ngài, và con cái của Ngài phải là người xây dựng hoà bình, chứ không lấy ác báo ác (5,9).

“Nên trọn lành như Cha trên trời” (c. 48)

Từ quan trọng của câu kết luận là teleios, “trọn lành”, nghĩa là đi đến cùng và không còn thiếu gì cần thiết nữa. Matthêô dùng 3 lần từ nầy và qui chiếu về Thiên Chúa. Trong 19,21, sự trọn lành mà Chúa Giêsu chỉ cho người thanh niên là tuân giữ lề luật Chúa, từ bỏ của cải và theo Chúa. Trong câu 5,48 sự trọn lành trước tiên quy chiếu về lề luật đã được Chúa Giêsu làm trọn (5,21-48), và cũng qui chiếu về Chúa Cha: “như Cha…” (c. 48b). Liên từ “như”, hōs, chỉ phẩm tính thuộc về Thiên Chúa. Vậy việc “nên trọn lành như Cha trên trời” được đặt trong tương quan Cha – con, “Cha trên trời” (c. 48) – “con cái Cha trên trời” (c. 45): sự trọn lành của con cái bắt nguồn từ sự trọn lành của Cha và có cùng phẩm tính là yêu thương, và tình yêu của Cha thể hiện qua việc “cho mặt trời mọc lên trên kẻ dữ và người lành” để nêu gương, thì con cái cũng bắt chước gương Cha mà làm như vậy: làm điều tốt cho người khác vì yêu thương.

Chúa Giêsu đến để kiện toàn mọi lề luật. Ngài đã dạy cho các môn đệ một cách cư xử mới trong tương quan với người bất hòa, phụ nữ, bản thân, người làm ác và kẻ thù. Cao điểm của cách cư xử nầy là làm điều tốt và yêu thương họ như Cha trên trời và cũng như Chúa Giêsu. Đó là con đường trọn lành mới mà Ngài muốn con người bước vào.

 

home Mục lục Lưu trữ