Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 32
Tổng truy cập: 1360950
HỘI THÁNH CỦA CHÚA
“Con là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy”.Với lời này, Chúa Giêsu chính thức thiết lập Hội Thánh. Lời Chúa cho ta thấy những đặc tính của Hội Thánh.
Đó là một Hội Thánh cho con người.
Chúa Giêsu xây dựng Hội Thánh trên nền đá Phêrô. Phêrô vốn là một người yếu đuối. Đời ông nhiều thất bại hơn thành công, nhiều yếu đuối hơn mạnh mẽ. Đã từng ra khơi suốt đêm để sáng sớm trở về tay trắng. Đã từng chìm xuống khi muốn đi trên mặt nước. Đã từng ngủ mê khi phải canh thức với Thầy trước giờ tử nạn. Và tệ hại nhất là đã từng chối Thầy ba lần khi Thầy chịu khổ nạn. Nền tảng tượng trưng cho cả toà nhà. Nền tảng Phêrô là một con người yếu đuối cũng như cả Hội Thánh gồm những con người mỏng giòn. Những thất bại của Phêrô thường diễn ra trong bóng đêm. Đánh cả suốt đêm không được gì. Chìm xuống mặt nước lúc ban đêm. Ngủ gật trong vườn Cây Dầu khi trời tối. Chối Thầy trong bóng đêm. Đó là hình ảnh Hội Thánh còn phải lần mò đi trong đêm tối thử thách của thế giới với những yếu đuối của con người. Chúa dùng người yếu đuối để qui tụ những con người yếu đuối. Chúa sử dụng những phương tiện của con người để nâng đỡ con người.
Đó là một Hội Thánh của Thiên Chúa.
Tuy Hội Thánh dành cho con người, gồm những con người yếu đuối, nhưng đó lại là Hội Thánh của Thiên Chúa. Hội Thánh của Thiên Chúa vì chính Thiên Chúa thiết lập. Chúa Giêsu xác định đây là “Hội Thánh của Thầy”. Hội Thánh của Thiên Chúa nên sống bằng sức sống của Thiên Chúa chứ không bằng sức sống của con người. Thật vậy, Hội Thánh rất yếu đuối. Có những yếu đuối khi phải đương đầu với những khó khăn thử thách bên ngoài. Biết bao vua chúa đã muốn triệt hạ Hội Thánh khi Hội Thánh chỉ là một nhóm những người bé nhỏ nghèo hèn. Có những yếu đuối từ trong nội bộ. Biết bao lần chia rẽ, phân ly. Biết bao lỗi lầm tai hại tưởng như khiến Hội Thánh đổ nát tan tành. Nhưng Hội Thánh vẫn đứng vững với thời gian. Vì đó là Hội Thánh của Thiên Chúa.
Hiểu biết như thế, ta phải có thái độ thích hợp.
Vì Hội Thánh là chính chúng ta, những con người mỏng giòn, nên ta cần khiêm nhường. Khiêm nhường nhận biết mình yếu đuối. Khiêm nhường nhận biết Hội Thánh còn chưa thánh thiện. Khiêm nhường như thánh Phêrô suốt đời cầu xin lòng thương xót của Chúa. Khiêm nhường như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II công khai lên tiếng xin lỗi về những sai sót của Hội Thánh. Ta không chỉ khiêm nhường khi đấm ngực chuẩn bị dâng thánh lễ, mà còn phải khiêm nhường trong đời sống hằng ngày.
Vì Hội Thánh là cho con người nên ta cần có thái độ cảm thông. Biết mình yếu đuối, tôi sẽ dễ cảm thông với những yếu đuối của anh em. Cảm thông không phải để mặc anh em chìm xuống, những để giúp anh em vượt lên. Như lời Chúa dạy Phêrô: “Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho các anh em của anh nên vững mạnh” (Lc 22, 32)
Vì Hội Thánh là của Chúa nên ta phải hoàn toàn tin tưởng vào Chúa. Biết mình u mê, ta sẽ phó thác cho Chúa hướng dẫn cuộc đời. Biết mình yếu đuối, ta sẽ không còn cậy dựa vào sức riêng, nhưng hoàn toàn tin tưởng vào Chúa, làm việc bằng sức mạnh của Chúa. Như thánh Phêrô giảng đạo trong ngày lễ Ngũ Tuần nhờ ơn Chúa Thánh Thần hướng dẫn.
Chính Chúa là sức mạnh của Hội Thánh. Phêrô là Đá Tảng nhưng chính Chúa làm cho Đá Tảng vững bền. Phêrô giữ chìa khóa nhưng chính Chúa gìn giữ tòa nhà.
Lạy Chúa, xin thánh hoá Hội Thánh Chúa. Amen.
7. Đi sau Chúa – Lm. Phêrô Bùi Quang Tuấn
Đang khi dân chúng còn mù mờ về vai trò và con người của Đức Giêsu thì Phêrô, vị Giáo hoàng tiên khởi đã mạnh mẽ tuyên xưng: “Ngài là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Phêrô được khen là có phúc vì nhận được mạc khải từ trên cao. Thế nhưng chỉ một khoảnh khắc sau, chính Phêrô lại bị Thầy mình trách là “Satan” vì lòng dạ tăm tối, chỉ “hiểu biết những sự thuộc về loài người” và đang “làm cớ cho Thầy vấp phạm”.
Phêrô tuy nhận chân Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, nhưng trong cái nhìn của ông, Đấng Cứu Thế sẽ là người hùng mạnh, đánh đông dẹp bắc, chinh phục vua Chúa, thâu tóm quyền hành, và rồi đăng quang thống trị thế giới.
Đức Giêsu hiểu rõ quan niệm trần gian của các tông đồ về Đấng Cứu Thế, nên ngay sau lời tuyên xưng đức tin của Phêrô, Ngài cấm các ông nói cho người khác những gì họ mới biết. Ngài muốn giúp các ông thay đổi quan niệm về Đức Kitô. Đức Kitô đúng nghĩa sẽ là đấng phải đau khổ, bị từ khước, chịu giết chết trước khi đi đến toàn thắng. Sức mạnh của Đức Kitô không ở trong binh khí hay chiến mã như bao vua chúa trần gian, song là nơi thập giá khổ đau. Chiến lược của Đức Kitô là đi xuống chỗ tận cùng trong lũng sâu nước mắt của nhân loại để nâng tất cả lên trong vinh quang của Thiên Chúa.
Nhưng nào các tông đồ có hiểu được điều đó! Và đâu phải chỉ có các ông. Chính tôi lắm khi cũng không hiểu nỗi đấy chứ. Tôi cứ nghĩ Chúa là Đấng quyền năng đầy sức mạnh, phải cứu con người khỏi bao gian nan, khốn khổ, trái ý trên đường đời; phải ra tay làm nhiều phép lạ cho người ta tin; chứ đàng này Chúa lại im như bất lực, thậm chí còn để cho dân Chúa, Giáo hội Ngài chịu biết bao thách đố đau thương.
Cũng như Phêrô, tôi muốn chỉ cho Chúa phương cách cứu thế, chứ làm theo kiểu của Chúa thì e rằng chẳng còn ai tin và Ngài sẽ thất bại ê chề.
Cũng như Phêrô, tôi muốn chận Chúa lại, không cho Ngài tiếp tục cuộc hành trình kỳ quặc về Giêrusalem. Tôi muốn “dạy” cho Ngài lối đường nên đi. Tôi muốn Ngài rút bớt điều kiện cho mọi người cảm thấy nhẹ nhàng; cung cấp bánh ăn, của cải vật chất dư đầy cho người ta theo đông; làm nhiều phép lạ, ảo thuật giựt gân cho dân chúng thích thú.
Nhưng Chúa Giêsu quát lên: ‘Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Ta”.
Có hai lần trong đời mình, Chúa Giêsu đã dùng đến chữ “Satan”. Một lần với tên Cám dỗ và lần này với Phêrô. Satan đối nghịch với Thiên Chúa. Satan làm đảo lộn trật tự thế giới. Satan phá hoại chương trình của Thượng Đế nơi con người. Thế nên lời quở mắng “Satan” là lời khiển trách nặng nề nhất.
Nhưng để ý sẽ thấy: trong lần quở mắng tên Cám dỗ, Chúa Giêsu bảo nó “hãy cút đi”, Ngài không còn muốn thấy mặt nó nữa; nhưng khi khiển trách Phêrô, Chúa Giêsu lại nói “hãy lui ra sau Ta”. Như thế Ngài vẫn cho người môn đệ cơ hội hoán đổi hướng nhìn và cách đi. Thay vì đi trước và chỉ lối cho Chúa, tôi phải hướng theo và tiếp bước sau Ngài.
Satan không thể bước theo Chúa vì bản chất kiêu ngạo của nó. Nhưng riêng tôi, dù bao vấp phạm lầm lỡ, dù lắm khi sống theo ý mình, hay từng chạy theo tiếng gọi của quỉ ma, tôi vẫn được ban cho cơ hội làm lại hành trình của người môn đệ Đức Kitô, dẫu biết rằng không môn đệ chân chính nào của Ngài lại không phải mang thập giá: “Ai muốn đi sau Ta thì hãy chối bỏ mình, hãy vác lấy khổ giá mình và theo Ta” (Mt 16:24).
Thánh Phêrô, sau lời khiển trách của Thầy, đã về lại với chỗ đứng đúng nhất của mình: ông không đòi Chúa theo ý mình, song là vâng theo ý Chúa; ông không dẫn đường cho Chúa nhưng là bước theo dấu chân Ngài. Cao điểm của sự “đi theo” này là việc Phêrô chịu đóng đinh thập giá vì Đức Kitô vào năm 69 AD.
Như thế, vị Giáo hoàng tiên khởi, với biết bao yếu đuối sa ngã, cuối cùng đã lấy cái chết của mình để xác minh chân lý thập giá. Từ chỗ muốn dạy cho Thầy mình về sự khôn ngoan của thế gian đến việc khám phá và ôm ấp giá trị sâu xa sự điên rồ của Thiên Chúa. Từ chỗ phủ nhận và ngăn chận Thầy mình bước đi trên con đường khổ đau, đến việc chính mình anh dũng tiến vào. Nhưng nhờ đâu mà Phêrô có được thái độ và hành vi hào hùng đó? Phải chăng chính nhờ niềm xác tín vào Đức Giêsu, Đấng ông đã tuyên xưng. Nếu không có xác tín, hẳn ông đã chẳng dám theo.
Niềm tin mãnh liệt vào Đức Giêsu thúc đẩy người ta vâng theo lời Ngài. Khi Chúa bảo “Hãy lui ra sau Ta”, Phêrô vâng lời lui ra chứ không giận dỗi bỏ đi. Khi bị mắng là “Satan”, Phêrô vẫn khiêm tốn nhìn nhận tầm nhìn nông cạn của mình chứ không tự ái phản đối.
Thử hỏi tôi có được niềm xác tín làm phát sinh thái độ khiêm tốn và nghe lời Chúa như thế không, hay tôi vẫn khăng khăng chối từ lối đường thập giá?
Một nhà tư tưởng quả quyết: “Luật của thập giá là luật phổ quát. Làm người, không ai thoát khỏi thập giá”. Như thế chối từ thập giá là chối từ làm người đúng nghĩa.
Nhưng phải vác thập giá theo Đức Giêsu-tức là sống theo những giá trị Tin Mừng như vị tha, thanh khiết, chân thật, từ tâm, phục vụ, quên mình…-tôi mới là con người trọn vẹn, một con người phản chiếu dung mạo Thiên Chúa.
8. Đức Kitô, Ngài Là Ai? - Lm. Nguyễn Trung Tây
Có lẽ danh từ Kitô đã trở nên quá quen thuộc, cho nên nhiều người tín hữu đã quên mất đi ý nghĩa của danh xưng này. Kitô, chữ Việt Nam hay kristós trong tiếng cổ Hy Lạp, hay mýh, mêsia, trong tiếng cổ Do Thái có nghĩa Đấng [được] Xức Dầu. Vua Saolê và vua Đavít, hai vị vua đầu tiên của dòng lịch sử ơn cứu độ cũng có thể được gọi là kitô và mêsia, bởi họ đã từng được Thiên Chúa xức dầu qua bàn tay của ngôn sứ Samuel (1Samuel 9,26-27; 10,1; 16,12-13). Cho nên, khi tuyên xưng Đức Giêsu là Đức Kitô hay Đấng Mêsia, người tín hữu đang tuyên xưng tôi tin Đức Giêsu chính là Vua [được Xức Dầu]. Bàn về danh từ thần học Kitô, câu hỏi được đặt ra trong bài tiểu luận này, "Đức Kitô, Ngài là ai?"
Do Thái vào thế kỷ thứ nhất trước Công Nguyên nằm dưới ách thống trị của đế quốc La Mã. Sống trong tình trạng nô lệ, bị kìm kẹp bởi người ngoại bang, dân Do Thái cầu nguyện và chờ đợi Giavê Thiên Chúa sẽ can thiệp, gửi tới Đấng Thiên Sai, hay Đấng Kitô, hay Đấng Mêsia. Đấng Thiên Sai sẽ lãnh đạo dân chúng đánh đuổi người La Mã ra khỏi đất của sữa và mật ong - tương tự như thời Cựu Ước, Giavê Thiên Chúa đã xức dầu phong vương cho Vua Saolê và Vua Đavít, cả hai đã đánh đuổi người Philistine ra khỏi đất hứa. Sau đó cả hai đã thống nhất, xây dựng Do Thái, biến vùng Đất Hứa trở thành cường quốc trong vùng Trung Đông vào thế kỷ thứ 10 và thứ 9 trước Công Nguyên.
Vào một ngày kia, trong vùng đất dân ngoại, kế cận thành Cêsarê Phêlípphê, nằm phía đông bắc của Galilê, Đức Giêsu hỏi các môn đệ một câu hỏi bất ngờ,
- Người ta nói Thầy là ai?
Các môn đệ tranh nhau nhắc lại tên của những vị ngôn sứ trong thời Cựu Ước,
- Người ta nói Thầy là Êlia.
- Có người nói Thầy là tiên tri Giêrêmia,
- Có người nói Thầy là Gioan Tẩy Giả.
Sau khi lắng nghe các môn đệ tranh nhau tường thuật lại những điều người dân đương thời đồn đại về căn tính của mình, Đức Giêsu một lần nữa lại cất tiếng hỏi,
- Vậy [riêng các con], các con nghĩ Thầy là ai?
Phêrô khẳng khái trả lời,
- Thầy là Đức Kitô (Lc 9,20), Con Thiên Chúa hằng sống (Mt 16,13-20).
Qua câu nói này, Phêrô tuyên xưng hai điều,
(1). Ông tin rằng Đức Giêsu chính là Đấng Xức Dầu bởi Thiên Chúa, và nhiệm vụ của Ngài là lãnh đạo dân Do Thái, đánh đuổi người La Mã, giải cứu dân chúng thoát khỏi ách thống trị của ngoại bang;
(2). Điều này khá mới lạ, Phêrô tin rằng Đức Giêsu chính là Con của Thiên Chúa.
Không giống như các dân tộc lân bang thờ phượng đa thần, người Do Thái chỉ thờ phượng một Giavê Thiên Chúa là Thiên Chúa duy nhất, “Hỡi Israel, Giavê là Thiên Chúa của chúng ta, Thiên Chúa duy nhất” (Đệ Nhị Luật 6,4). Nhưng từ cửa miệng của Phêrô, một tư tưởng thần học mới đã hé nụ, đó là, Đức Giêsu Kitô chính là Con Thiên Chúa.
Phêrô là một trong những Kitô hữu đầu tiên, theo như thánh Matthêu, đã tuyên xưng mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa, đó là, Giavê Thiên Chúa có ba bản thể (essence): Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Linh. Tín điều này loài người không bao giờ hiểu được, nên được gọi là một Mầu Nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa. Cho nên, sau lời tuyên xưng của Phêrô, Đức Giêsu đã cất tiếng khen ngợi người thủ lãnh của nhóm Mười Hai là ông đã được Thiên Chúa chúc lành, bởi chính Thiên Chúa đã mạc khải cho Phêrô biết mầu nhiệm của tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi. Sau đó, Đức Giêsu đổi tên Simon sang Phêrô, Kêphas, nghĩa là đá. Bắt đầu từ giây phút đó, Phêrô trở thành nền đá vững chắc trường tồn của Giáo Hội Kitô. Sau cùng, người ngư phủ Biển Hồ cũng được trao ban chìa khóa Nước Trời. Điều gì Phêrô cầm buộc, trên trời cũng sẽ cầm buộc. Điều gì Phêrô tháo cởi, trên trời cũng sẽ tháo cởi (Mt 16,19). [Thánh Phêrô được minh họa trong tay đang cầm hai chìa khóa. Một vài người thắc mắc là tại sao Phêrô lại cầm tới hai chiếc chìa khóa trong tay? Nguyên văn trong bản tiếng Koiné, thánh sử Mátthêu sử dụng chữ klêdas, có nghĩa là những chiếc chìa khóa. Như vậy, vào ngày hôm đó, Đức Kitô đã trao cho Phêrô không phải chỉ là một chiếc chìa khóa. Bao nhiêu chìa khóa? Rất tiếc, thánh Mátthêu không nhắc đến. Nhưng, có lẽ, dựa vào chi tiết của câu nói tiếp theo sau đó, “... dưới đất con cầm buộc điều gì, trên Trời cũng sẽ cầm buộc, dưới đất con tháo cởi điều gì, trên Trời cũng sẽ tháo cởi... (Mt 16,19), người họa sĩ vẽ hình Phêrô nghĩ rằng Đức Kitô đã trao cho vị Giáo Hoàng tiên khởi hai chiếc chìa khóa, một chiếc chìa khóa để cầm buộc, một chiếc chìa khóa để tháo cởi.]
Một vị tu sĩ kể lại, ngày kia trong khi đang dạo chơi trên những con đường tấp nập người của kinh thành Nữu Ước, ông gặp người bạn cố tri từ hồi bên Việt Nam. Sau một vài câu chuyện hàn huyên tâm sự, người bạn nhìn vị tu sĩ e dè hỏi,
- Ông vẫn tin vào Thượng Đế?
Vị tu sĩ đáp,
- Vâng, tôi vẫn tin vào Thiên Chúa.
Tới phiên vị tu sĩ, ông hỏi lại người bạn,
- Còn ông thì sao, ông tin vào ai?
Người bạn móc ví, lôi ra tờ giấy 20$ đô la xanh lè, cười đáp,
- Tôi, tôi tin vào tấm hình này...
Suy Niệm
Ngày xưa, Đức Giêsu đã hỏi các người thân của mình, “Các con nghĩ Thầy là ai?”. Câu hỏi đó, ngày hôm nay, Chúa không hỏi các môn đệ của Ngài nữa, nhưng Ngài đang hỏi chúng ta,
- Con nghĩ Thầy là ai?
Sống trong một xã hội, tiền bạc là trên hết, có tiền mới có nhà, có bồ, có xe hơi BMW, Mercedez, có, gần như rất nhiều, chúng ta rất dễ dàng quên đi sự hiện hữu của Thiên Chúa. Bởi thế, trước câu hỏi, “Con nghĩ Thầy là ai?”, có thể tôi bắt đầu gãi đầu, xoa trán, lúng túng tìm kiếm câu trả lời,
- Hình như… Hình như Thầy không còn là nơi con ẩn náu! Hình như Thầy không còn phải là Đấng con kiếm tìm. Hình như Thầy không phải là Thiên Chúa của con nữa, nhưng là tiền, như người bạn của vị tu sĩ trong câu chuyện đã từng khẳng định. Ngày hôm nay, trong một cuộc sống ngập tràn những tiện nghi vật chất, Laptop mỏng dính, iPod nhẹ tênh, hình như con không còn cảm thấy nhu cầu cần phải có sự hiện hữu của Thầy trong đời sống nữa. Trong một cuộc sống siêu hành tinh, siêu liên mạng, siêu điện tử, và siêu xa lộ, Thầy, Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống đã được con hạ bệ.
Lời Nguyện
Lạy Chúa, một lần nữa, con lại xin lỗi Chúa bởi con đang lúng túng với chính con khi Chúa đang hỏi, “Con nghĩ Thầy là ai?” Xin ban lại cho con một quả tim trong sạch. Xin ban lại cho con một niềm tin quyết liệt để con không còn phải lúng túng với niềm tin, với chính con trong ngày hôm nay, ngày mai và vào ngày cuối đời khi con đang đứng trước mặt Chúa.
9. “Con Thiên Chúa hằng sống”
Trong những giờ chầu Thánh Thể, ta vẫn hát: “Này con là Đá...”, để cầu nguyện cho Đức Thánh Cha. Lời hát như vang vọng tiếp nối một truyền thống thật xa lên đến giờ phút ở Xêđarê Philipphê khi Chúa Giêsu lập Giáo Hội với một nhóm nhỏ còn lang thang dong ruổi hành trình rao giảng Nước Trời, chưa hình thành một cơ cấu chặt chẽ và ổn định.
Không biết mỗi lần hát chúng ta có đủ lắng sâu để chiêm ngấm biến cố lạ lùng khi Chúa Giêsu quyết định đặt một con người mỏng manh đến thế để làm đầu Giáo Hội và làm đá tảng để Ngài xây dựng Giáo Hội của Ngài trên đó. Ngay chính khi vào giờ đó Phêrô cũng chưa mường tượng ra được Giáo Hội mà ông được trao phó cho trách nhiệm thánh thiêng và cao quý ngần ấy sẽ như thế nào và sẽ thành hình ra sao?
1/ Một quyết định dựa trên mạc khải
Ở một địa điểm xa với những sinh hoạt chính trị và tôn giáo, Đức Giêsu đã muốn cho các môn đệ của mình có dịp đào sâu mối tương quan thân tình và sâu đậm với Ngài để rồi đến một lúc nào đó khi ân sủng đã đầy tràn, đã tác động nơi những con người mỏng dòn và nhỏ bé này thì Ngài đặt ra cho họ một câu hỏi trở nên căn bản cho mọi thời: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai?”
Đức Giêsu là ai đối với các môn đệ quả thật là hệ trọng vì nó xác định mối tương quan thật sự giữa họ và Thầy mình. Điều nầy đã trở nên cốt thiết đến nỗi nó sẽ chi phối toàn thể cung cách sống và hoạt động của họ.
Nếu người ta không gặp và biết Đức Giêsu là ai. Thực sự là ai thì mọi nỗ lực xây dựng đều không có nền móng vững chắc. Chỉ cần một khủng hoảng, một biến động nào đó của hoàn cảnh đủ làm sụp đổ toàn bộ những kiến tạo vừa mới được thiết lập. Người ta có thể theo Chúa Giêsu một khoảng thời gian nào dó để rồi sẽ hối tiếc vì mình đã lầm tưởng và không thể đáp trả trước một đòi hỏi cho là quá lớn của một Đấng, mà mình chưa coi là số một của đời mình. Chúng ta thường thấy Chúa Giêsu nói câu này: “Lòng tin của con đã cứu chữa con” Ngài luôn muốn nối một cây cầu gặp gỡ với những ai lãnh nhận ơn lành của Ngài. Như vậy Ngài không chỉ bằng lòng với việc họ đã nhận được điều nầy điều nọ mà Ngài phải là ai đối với họ.
"Đức Giêsu thực sự là ai? "
Câu trả lời chính xác vẫn không nằm trong tầm tay của ta mà chỉ có ân sủng mới cho ta lời giải đáp trọn vẹn. Lời tuyên tín của Phêrô không phải là thành quả của việc tổng kết các lời nói việc làm của Đức Giêsu dẫn Phêrô đến chỗ khám phá ra chân tính của Đức Giêsu mà là một tác động thần linh đã soi tỏ cho Phêrô biết.
"Anh thật có phúc vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy mà là Cha Thầy, Đấng ngự trên trời (Mt 16,17)
Bởi vì những gì thuộc về máu thịt, trí tuệ cùng lắm chỉ là một tiên tri hay tệ hơn chỉ là một vĩ nhân dù đó là vĩ nhãn số một của nhân loại. Nhưng hơn thế nữa: “Ngài là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống”. Để nghiệm được điều đó, đón nhận được mầu nhiệm ấy, không chỉ cần khiêm tốn của trí tuệ mà cần nhận được mặc khải từ nơi Thiên Chúa.
Lời tuyên tín của Phêrô tỏ cho thấy ông được Chúa Cha mặc khải cho mầu nhiệm cơ bản của Nước Trời và là dấu sự chọn lựa của Thiên Chúa. Đức Giêsu biết rằng đã đến lúc Ngài có thể khởi đầu việc đặt nền móng xây dựng một tòa nhà kiên cố liên quan đến toàn bộ chiều dài của lịch sử? “Trên táng đá nàyThầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” Một quyết định thật bất ngờ nhưng lai dựa trên ý định của Cha nơi mặc khải cua Ngài.
2/ Hội thánh trên tảng đá sống
Khi thoáng nhìn một con thuyền nhỏ bé lênh đênh trên biển cả bao la, ta chợt có ý tưởng nghi ngại: một con thuyền như vậy liệu có thể vượt đại dương đầy sóng gió hãi hùng, đầy bão tố hiểm nguy để về đến bến bình yên không.
Cũng như vậy, tự nhiên ta sẽ nghĩ về Phêrô: ông cũng chỉ là một con người với vô vàn khuyết điểm, yếu đuối mà ta đã thấu rõ chất người của ông lúc ông sợ hãi can ngăn Chúa Giêsu lên Giêrusalem, khi ông nhát đảm chối bỏ Thầy trong dinh thượng tế. Thế mà ông lại được chọn để làm nền cho Giáo Hội và mọi quyền lực âm phủ không lay chuyển nổi.
Sự an toàn không ở nơi tảng đá sống đó mà ở nơi lời tác tạo của Đức Giêsu, lời bảo đảm cho công trình của Ngài. Chỉ có lời của Đức Giêsu làm nền tảng thực sự cho Giáo Hội vừa được chính thức thiết lập.
Phêrô - người và những đấng kế vị mãi là những viên đá sống động nên không thiếu những yếu hèn và khuyết điểm. Nhưng Thiên Chúa thì mạnh mẽ và trung tín với lời hứa của Ngài. Nhờ đó chúng ta sẽ không nao núng, hay thất vọng trước những yếu kém nào đó của những con người trong Giáo Hội. Chính Chúa sẽ thi thố quyền năng, giữ gìn và bảo vệ công trình tay Ngài dựng nên.
3/ Cộng tác với ân sủng và khiêm tốn đón nhận
Chúa Giêsu đã không khen Phêrô có công trong lời tuyên tín chuẩn mực của ông. Tất cả đều là ơn nhưng không của Thiên Chúa, nhưng Phêrô diễm phúc vì đã để cho mặc khải của Thiên Chúa được tự do hành động trong con người của mình. Mặc khải đã đến trong tâm hồn, trí tuệ và lời nói của Phêrô đã bật ra thành lời tuyên xưng. Ông đã không cản trở tác động của ơn thánh mà cộng tác để làm lộ ra mặc khải Thiên Chúa ông đã nhận được nơi bản thân. Điều nầy có vẻ là một thái độ thụ động, nhưng thật ra đây cũng là một thái độ cần thiết đòi hỏi nỗ lực đón nhận và tự do ưng thuận. Thiên Chúa luôn để cho ta được tự do đáp trả điều Ngài muốn làm nơi ta, vì thế sẵn sàng mở cửa cho ơn thánh cũng là một thái độ cộng tác với ơn của Thiên Chúa. Ngài muốn dùng ta như trung gian ân huệ Thiên Chúa.
4/ Câu hỏi dành cho mỗi người: “Đức Giêsu là ai đối với bạn?"
Câu hỏi ấy vẫn mãi vang lên trong Hội Thánh và giữa nhân loại. Không biết Đức Giêsu và không biết Ngài là ai đối với mình thì mọi chức vụ đều vô nghĩa. Người ta không thể phục vụ mà lại không biết rõ người sai gởi mình. Chính trong mối tương quan với đức Giêsu mà sau ngày Phục Sinh Đức Giêsu lại tiếp tục hỏi Phêrô về lòng yêu mến. Có biết đức Giêsu và yêu mến Ngài người ta mới có thể sống tận cùng sự phục vụ và yêu mến tha nhân.
Để biết Đức Giêsu, người ta sẽ phải tìm kiếm Ngài, hiểu biết Ngài và nhất là gặp gỡ Ngài. Nhờ những giờ phút gần gũi, những khoảnh khắc lắng nghe Lời Ngài, những thời gian sống cho Ngài, người ta sẽ có được một kinh nghiệm, một tương quan cá vị, và điều này sẽ giúp tăng tiến mối quan hệ với đức Giêsu.
"Đức Giêsu ai đối với tôi? "
Câu hỏi ấy dành cho chính tôi - Tôi sẽ trả lời thế nào? Không thể lấy lại những gì tôi đã nghe người khác nói về Ngài. Còn bản thân thì chưa biết Ngài như một em bé học giáo lý đã phải khóc thốt nên rằng "Sao ai cũng nói về một người tên là Giêsu, nhưng con chẳng biết ông là ai? Con chưa bao giờ gặp ông ấy!”
Tệ hơn nữa có khi ta vẫn cứ tuyên xưng: Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa Hằng Sống mà thực sự ta chẳng hề tin, chẳng hề hiểu và chẳng hề sống lòng tin của mình.
Có lẽ chính chúng ta sẽ phải đi tại hành trình khám phá Đức Giêsu: nhìn lại những sợi dây nối kết chúng ta với đức Giêsu hơn là bằng lòng với những gì người khác nói cho ta về Ngài.
Lời Chúc phúc cho Phêrô hôm nay cũng sẽ là Lời chúc phúc cho tất cả những ai nhận thực Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, để rồi thể hiện rõ nét trong đời sống mình tuyên xưng mà chúng ta vẫn đọc trong Kinh Tin Kính: "Tôi tin kính Đức Giêsu Kitô Con một Thiên Chúa...”
10. Ngài là Đức Kitô! - Lm. Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến
Đoạn 16,13-20 nằm ở trung tâm của tin mừng Matthêô. Đây là đoạn kết thúc và cũng là cao điểm của phần đầu của tin mừng bàn về sứ vụ của Chúa Giêsu tại Galilêa, như là Đấng Thiên Sai được hứa ban (4,17-16,20). Chủ đề chính của đoạn nầy là nói đến căn tính của Chúa Giêsu, và việc Chúa Giêsu trao quyền thủ lãnh cvà điều hành cho Phêrô. Đoạn nầy có thể chia thành ba phần: - Bối cảnh (c. 13a); - Ý kiến về căn tính của Chúa Giêsu (cc. 13b-17); Trao quyền cho Phêrô (cc. 18-19); Kết luận (c. 20).
Bối cảnh (c. 13a)
Bối cảnh của trình thuật nầy là một chỉ dẫn về không gian: Chúa Giêsu “Đến vùng Caisaria của Philip” (c. 13a). “Caesarea của Philip là một nơi rất đẹp dưới chân núi Hermon, trên nguồn nước chính của sông Giorđan. Thần Baal được sùng bái ở đây trong thời Cựu ước; sau đó người Hy lạp thay thế thần Pan vào, và vùng nầy mang tên Paneas, đền thờ của thần gọi là Panion… Vua Hêrôđê Cả xây một đền thờ cẩm thạch cho Augustus Caesar, người đã hiến cho ông vùng nầy; và Philip, vị tổng trấn sau đó đặt lại tên cho thành là Caesarea để tôn kính hoàng đế. Tên “Philippi” nghĩa là “của Philip” được thêm vào để phân biệt vùng nầy với bờ biển *Caesarea (x. Cv 8,40)…” (D.F.P., Caesarea Philippi, in Wood, D. R. W.; Marshall, I. Howard: New Bible Dictionary. 3rd ed. Leicester, England, 1996, p. 153). Chính giữa khung cảnh vùng “linh thánh” nầy, dâng kính cho các thần từ thời xa xưa đến giờ, Chúa Giêsu đặt cho các môn đệ câu hỏi liên quan đến bản thân Ngài: “Người ta nói Con Người là ai?” Và Phêrô trả lời “Thầy là Đấng Kitô” (Mt 16,13-20; Mc 8,27-30; x. Lc 9,18-22).
Ý kiến về căn tính của Chúa Giêsu (cc. 13b-17)
Phần nầy thuộc dạng tường thuật, kể lại cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và các môn đệ; vì thế các động từ ở ngôi thứ ba. Đoạn nầy mở đầu với câu hỏi “Người ta nói Con Người là ai?” (c. 13b) và đóng lại bằng câu trả lời của Phêrô “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (c. 16). Như thế, “Con Người” được đồng hóa với “Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng Sống”. Câu hỏi trên Chúa Giêsu đặt ra hai lần: một là để biết ý kiến của “người ta” (c. 13b), hai là ý kiến của các môn đệ (c. 15).
Về ý kiến của người ta, có nhiều phát biểu khác nhau. Điểm chung giữa các phát biểu nầy là họ xem Chúa Giêsu như là một ngôn sứ. Ý kiến về Chúa Giêsu là Gioan Tẩy Giả đã thấy trong lời của Hêrôđê: “Ấy Yoan Tẩy Giả đó, ông ấy đã sống lại khỏi cõi chết, và vì thế những phép lạ mới phát hiện nơi Ngài" (14,2). Người khác cho rằng Chúa Giêsu là Êlia, vì Êlia “đến để tu chỉnh mọi sự” (17,11), và họ thấy điều nầy nơi lời rao giảng và việc làm của Chúa Giêsu. Vào gần cuối tin mừng Matthêô sẽ nói là đông đảo dân chúng cho rằng Ngài là một ngôn sứ xuất thân từ Nazaréth niền Galilêa (21,11.46).
Có một ý kiến khác không phải từ giữa dân chúng, mà cũng không từ giữa nhóm môn đệ của Chúa Giêsu, đó là của Gioan Tẩy Giả. Ông đã đặt câu hỏi về Chúa Giêsu: “Có phải Ngài là Đấng phải đến hay chúng tôi còn phải đợi người khác? (11,3). Và Gioan Tẩy Giả chỉ nhận được câu trả lời là hãy nghe những điều Ngài rao giảng và xem những hành động Ngài làm thì sẽ biết Ngài là ai (x. 11,4).
Với các môn đệ trước đây họ cũng thắc mắc Chúa Giêsu là ai (8,27). Hôm nay họ có câu trả lời từ miệng Simon Phêrô “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (c. 16). So với các bản văn song song, lời tuyên xưng trong Matthêô dài hơn, thêm câu “Con Thiên Chúa hằng sống” (Mc 8,29; Lc 9,20; Ga 6,69). Đối với Matthêô, việc thêm nầy giúp xác định rõ hơn “Đức Kitô”, ho Christus. Ngay đầu tin mừng, “Đức Giêsu Kitô” được viết là “con Đavít, con Abraham” (1,1), nghĩa là Ngài được biết đến là thuộc dòng họ vua Đavít (1,17) và dân Israel thuộc mọi tầng lớp khác nhau đều xem Ngài là “Con vua Đavít” (9,27; 12,23; 15,22; 20,30tt; 21,9.15; 22,42). Tuy nhiên, không chỉ như thế. Ngài còn là “Con của Thiên Chúa hằng sống”. Chú ý là từ Christòs và hyios đều có mạo từ xác định, nghĩa là xác định rằng “Đấng Kitô nầy chính là Con của Thiên Chúa hằng sống”. Cách nói nầy chỉ được lập lại một lần nữa trong lời thẩm vấn của vị thượng tế (26,63; x. 27,40.43), và trong câu trả lời, chính Chúa Giêsu đã làm chứng về mình (26,64). Động tính từ zòvtos, “hằng sống” bổ nghĩa thêm cho “Thiên Chúa”. Ngài là Thiên Chúa của Abraham, Isaac, Giacóp… Thiên Chúa của kẻ sống” (22,32; 26,63), cũng có nghĩa là Thiên Chúa của dân Israel. Vậy Đức Giêsu Kitô, chính là Con của Thiên Chúa của tổ phụ dân Israel và Ngài được Thiên Chúa nầy sai đến, chứ Ngài không phải là một ngôn sứ (x. 14,33).
Lời tuyên xưng nầy không bởi “nghe và thấy” thuộc về kinh nghiệm con người, mà bởi mạc khải của Cha trên trời, như lời xác định của Chúa Giêsu (c. 17). Cụm từ “xác và máu” không thấy nơi khác trong các tin mừng. “Xác và máu” là thuộc về thân xác con nguời, và cũng là những gì của con người (19,5). Nó chỉ sự yếu đuối và hạn chế của con người so với tinh thần và Thiên Chúa (26,41; x. Ga 6,65; 1 Co 15,50). Bởi đó, Simon Phêrô không thể bởi kinh nghiệm và sự hiểu biết thuộc về con người mà có thể tuyên xưng Ngài là “Đấng Kitô. “Phúc cho”, makarios, chỉ phúc lành của Thiên Chúa ban cho ông. Cái phúc của Phêrô là được Chúa Cha mạc khải cho biết Chúa Giêsu là Con của Thiên Chúa hằng sống. Vậy lời tuyên xưng của Phêrô là câu trả lời chính xác nhất cho câu hỏi Chúa Giêsu đặt ra “Con Người là ai?”.
Trao quyền cho Phêrô (cc. 18-19)
Phần nầy chỉ có trong Matthêô. Nó gồm các câu nói trực tiếp, động từ ở ngôi thứ nhất và thứ hai, và các đại danh cũng thế. Hai câu 18 và 19 có cấu trúc tương tự là một lời trực tiếp Chúa Giêsu nói với Phêrô + hai khẳng định tương phản nhau khai triển từ khẳng định trước: - Câu 18: “Tôi nói với anh: anh là Đá - “trên đá nầy Thầy sẽ xây dựng hội thánh của Thầy” - “cửa hoả ngục không thể phá được”; - Câu 19: “Tôi trao cho anh: chìa khóa Nước Trời” - “Sự gì anh cầm buộc…” - “Sự gì anh tháo gỡ…”.
“Anh là Đá” (c. 18) rất khớp với câu khẳng định của Chúa Giêsu “Thầy là Đấng Kitô”. Cả hai đều dùng “Thầy là /anh là…”. Phêrô đã cho biết Chúa Giêsu là ai, và Chúa Giêsu cũng cho biết Simon là Petros, nghĩa là Đá. Tên Petros không phải lần đầu tiên được nhắc đến ở đây, mà đã thấy ở các đoạn trước (4,18; 8,14; 10,2; 14,28). Tuy nhiên những bản văn ấy không cho biết khi nào và tại sao có tên nầy được dùng, và nó mang ý nghĩa gì. Tên nầy đã được dùng mà không được giải thích. Chỉ trong đoạn 16,18-19 nầy, chúng ta mới thấy nguồn gốc và ý nghĩa trọn vẹn của nó. Đặt tên mới là trao ban một ơn gọi. Abram được Thiên Chúa gọi là Abraham, vì Ngài sẽ đặt ông làm cha nhiều dân tộc, các dân và con cháu ông sẽ được Thiên Chúa chúc phúc bởi ông, và Thiên Chúa sẽ là Thiên Chúa của họ (Kn 17,1-8). Cũng thế Simon được gọi là Phêrô vì Chúa Giêsu sẽ đặt ông làm thủ lãnh trên Hội Thánh của Ngài sẽ thành lập, và Ngài sẽ trao quyền hành nắm giữ và tháo gỡ cho ông.
“Trên đá nầy Thầy sẽ xây hội thánh của thầy”. Trong 7,24 Matthêô dùng hình ảnh “nhà xây trên đá” để diễn tả nền tảng vững chắc của những người nghe lời Chúa và đem ra thực hành trước những thử thách. Phêrô đã được Chúa Giêsu khen ngợi về lời tuyên xưng, và được Ngài đặt tên là Đá, và làm nền móng cho hội thánh Ngài. Vì thế, “xây trên đá nầy” nghĩa là xây trên lời tuyên xưng đức tin nền tảng của Phêrô “Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống” (x. 1P 2,5). Chỉ trên nền móng “Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” nầy thì cửa hỏa ngục mới không thể phá hủy được; ngược lại chúng còn bị tiêu diệt (x. 8,16. 29.33).
Hành động tiếp theo Chúa Giêsu làm cho Phêrô sau lời tuyên xưng của ông là “Thầy trao cho anh chìa khóa Nước Trời” (c. 19). Sách Khải huyền cho biết chỉ mình Chúa Giêsu Kitô có chìa khóa nầy, nói là khi Ngài đã mở thì không ai có thể đóng lại, và khi Ngài đóng lại thì không ai có thể mở (Kh 3,7). Khi trao cho Phêrô “chìa khóa Nước Trời” là Chúa Giêsu trao cho ông quyền nắm giữ chìa khóa và hành động thay mặt Ngài.
“Chìa khóa Nước Trời” là chìa khóa dùng mở ra để đi vào trong Nước Trời. Xét trong bối cảnh của bản văn, sau khi lời tuyên xưng của Phêrô, Chúa Giêsu đã làm cho Phêrô hai điều: một là đặt ông làm Đá như là nền móng để xây dựng hội thánh Ngài trên đó; hai là trao cho ông “chìa khóa Nước Trời”. Cả hai điều nầy chỉ có thể hiểu được trong tương quan với Chúa Giêsu là “Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Bởi đó “chìa khóa Nước Trời” là chìa khóa để hiểu và tin vào Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.
Thật vậy, Chúa Giêsu chính là “Nước Trời” đến trong thế gian (3,2; 4,17). Không phải ai cũng hiểu Ngài và nhận ra Ngài là Con Thiên Chúa. Điều nầy đã thấy trong dư luận của dân Israel (cc. 13b-17; 11,16-19; 12,24; 13,54-56). Ngài chính là “các mầu nhiệm Nước Trời” mà chỉ các môn đệ được ban ơn để hiểu (x. 13,11). Phêrô được phúc bởi Chúa Cha mạc khải cho về căn tính của Chúa Giêsu; các môn đệ cũng có phúc vì “mắt được thấy và tai được nghe” (13,16). Bởi đó, “chìa khóa Nước Trời” mà Phêrô nhận lãnh từ Chúa Giêsu chính là những mầu nhiệm liên quan đến bản thân Ngài, và quyền cầm buộc và tháo cởi là quyền tối cao về giảng dạy liên quan đến “Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Quyền của Phêrô là quyền giảng dạy các mầu nhiệm Nước Trời, và quyền tuyên bố giáo thuyết nào là đúng hoặc sai (x. 23,13).
Kết luận (c. 20)
Vậy Chúa Giêsu được tuyên xưng là Đức Kitô, Đấng được Thiên Chúa sai đến. Từ ho Kristos đóng khung lại câu chuyện (cc.16 và 20). Tuy nhiên Chúa Giêsu ra lệnh cho các môn đệ giữ thinh lặng về căn tính thiên sai của mình (8,4). Lý do việc giữ kín nầy là vì “Đức Kitô” nầy không phải là một vị thiên sai như dân chúng nghĩ. Phêrô sẽ để lộ ý nghĩ mình về một vị thiên sai trần thế trong trình thuật tiếp theo sau (16,22).
Lời tuyên xưng Chúa Giêsu là “Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” là cốt lõi của nìềm tin Kitô giáo. Lời rao giảng và hành động của Ngài là gì đối với chúng ta tùy thuộc vào việc chúng ta tin Ngài là ai. Nếu tin Ngài là Con Thiên Chúa hằng sống, thì việc lắng nghe và thực hành lời Ngài, cũng như sống theo cách hành động của Ngài, chúng ta sẽ được cứu độ.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam