Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 36

Tổng truy cập: 1354614

Hướng Lòng Về Ngày Con Người Sẽ Đến

Cập nhật : 04-12-2010
 

Hướng lòng về ngày Con Người sẽ đến

Các bài Kinh thánh hôm nay cho chúng ta hiểu rõ hơn về Đấng sẽ đến và khuyên chúng ta có thái độ thích hợp với Người.

1) Đấng sẽ đến

Bài sách Isaia tiếp nối tư tưởng Chúa nhật 1 Mùa Vọng: khi Đấng Thiên Sai đến, Ngài sẽ phân xử mọi nước và thiết lập thời đại thái bình. Hai tư tưởng này sẽ được khai triển thêm. Khi xét xử, Đấng Thiên Sai tỏ ra nhân ái một cách đặc biệt với những người nghèo khó. Còn đối với hạng bất nhân vô đạo, thì hơi thở của Ngài sẽ làm họ tiêu tan. Đang khi ấy, những nét tả về thời đại thái bình thật là thi vị. Người ta quên sao được hình ảnh: chó sói sống chung với chiên non, sư tử gặm cỏ như bò và trẻ em giỡn với rắn lửa mà chẳng hề chi?

Tuy nhiên chủ yếu của bài sách Isaia hôm nay không nhằm quảng diễn những tư tưởng của Chúa nhật trước. Nhà Tiên tri còn muốn đi xa hơn và nói một cách cụ thể hơn. Ngay những hàng chữ đầu tiên đã đề cập tới “chồi sẽ xuất từ gốc Giê-sê”; và câu kết còn nhắc lại danh hiệu ấy. Tức là với bài sách Isaia hôm nay, Phụng vụ muốn cho chúng ta hiểu hơn về Đấng sẽ đến sau này. Ngài thuộc tộc Yêssê, thân phụ của Đavít. Ngài sẽ là “Con Vua Đa-vít”. Ngài sẽ đến đầy Thánh Linh, đến nỗi không nơi nào trong Kinh thánh nói đến bảy ơn Chúa Thánh thần như trong đoạn Isaia này. Ngài sẽ xét xử mọi người, và rộng rãi cách đặc biệt với người nghèo khó. Ngài sẽ lập thời đại thái bình và muôn dân sẽ đến thỉnh ý Ngài.

Nhưng người nào trong tộc Đa-vít sẽ là Đấng Thiên Sai? Gioan Tẩy Giả trong bài Tin Mừng hôm nay đã trả lời cho dân It-ra-en. Họ tuốn đến với ông. Họ xin ông làm phép rửa cho họ. Họ chấp nhận cả những lời khiển trách nặng nề. Nhưng Gioan vẫn chưa bằng lòng. Ông bảo mọi người phải thống hối thêm, để chịu được phép Rửa bởi Thánh Thần và bằng lửa. Chịu rửa bằng nước chưa phải là khó. Chịu rửa bằng lửa sẽ đau đớn hơn vì lửa mới làm cho những dơ bẩn ở trong chảy ra, đang khi nước chỉ rửa được những bụi bặm bám ở ngoài. Thế mà Đấng sẽ đến là Đấng đầy Thánh Thần. Ngài còn khỏe hơn Gioan, tức là đầy Thần lực hơn, đầy thánh thiện hơn, đầy đòi hỏi hơn, Ngài sẽ quan sát mọi người và thấu đạt tâm can như người sàng thóc hay rê lúa. Không ai lọt được sự phán xét của Ngài.

Như vậy, cả bài tiên tri Isaia, cả bài Tin Mừng Matthêu đều muốn cho chúng ta hiểu hơn về Đấng sẽ đến. Ngài sẽ là Đấng xét xử mọi người. Đó là viễn tượng về ngày thế mạt hơn là về ngày Giáng sinh. Chủ yếu của Mùa Vọng vẫn là hướng lòng chúng ta về Ngày Con Người sẽ đến trong những ngày sau hết. Tuy nhiên Mùa Vọng cũng hướng ta nhìn vào Ngày Chúa Giáng sinh như tương lai gần, để chuẩn bị tương lai cuối cùng. Và chúng ta cũng phải nhìn thấy việc Chúa sinh ra như để phán xét mọi người.

2) Đấng phán xét

Nhiều người thường nghĩ chỉ có phán xét khi linh hồn lìa xác về trước Tòa Chúa và đặc biệt lúc sống lại sau hết, mọi người sẽ phải trình diện trước mặt Đấng Chí Công. Nhưng không phải! Cả Isaia, cả Gioan không nghĩ như vậy đâu. Theo các ngài, khi Đấng Cứu Thế đến, dù là đến trong thế gian để làm công việc cứu chuộc, Ngài đã là Đấng Thẩm Phán Chí Công rồi.

Cụ già Simêon chia sẻ quan niệm đó. Nhìn thấy Hài Nhi ở trong Đền thờ, ông đã cất tiếng loan báo: Trẻ này sẽ làm cớ cho nhiều người bổ nhào và chỗi dậy, nghĩa là hư đi hay được cứu rỗi.

Và thật sự hễ Đức Kitô đến nơi nào là ở chỗ đó có người tin theo và có người chống đối. Giáo lý Ngài truyền ra tức khắc làm cho nhiều kẻ thấy chói tai và nhiều người khác đón nhận như Tin mừng cứu rỗi. Ở nơi thân mật với các tông đồ, Ngài đã khiến Yuđa trở thành tên phản phúc và các người dân chài kia trở nên kẻ đi chài lưới người.

Ở nơi công cộng trên đỉnh đồi Núi Sọ, Ngài cũng làm cho một tên trộm phải lộng ngôn, đang khi người trộm khác được vào nơi an nghỉ.

Đấng Thiên Sai là Đấng Xét Xử. Bản chất Ngài là vậy, vì như Isaia và Gioan nói: Ngài là Đấng đầy Thánh Linh. Mà Thánh Linh là tình yêu. Đấng Thiên Sai mang tình yêu Thiên Chúa nhập thế giáng trần vì Chúa Cha đã yêu loài người đến nỗi đã ban Con Một Ngài cho ta. Đức Kitô là Tình yêu của Chúa Cha gửi đến cho loài người. Và tình yêu không chấp nhận dửng dưng. Người ta chỉ có thể đáp trả lại bằng yêu thương hay bằng từ khước, vì dửng dưng đã là từ khước rồi.

Thế nên, đang khi dọn mình mừng lễ Chúa Giáng sinh, chúng ta phải sẳn sàng đón nhận Đấng đến để phán xét, để phân biệt những người yêu mến Người và những kẻ từ chối Người. Và như vậy cũng là sẵn sàng để đón nhận Đấng sẽ đến phán xét sau này. Chúng ta phải biết ơn Isaia và Gioan. Cả hai đã cho chúng ta hiểu điều đó. Có điều hai ông dường như mâu thuẫn với nhau: Isaia nói đến một Đấng phán xét dịu dàng, còn Gioan lại trình bày Ngài như người sàng thóc, để bỏ trấu vào lửa. Dung hòa hai ông thế nào? Chúng ta phải nghe ai?

3) Thái độ đạo đức

Thật ra, như lời thư Rô-ma nói, mọi điều đã viết xưa kia, thì đã được viết để dạy dỗ ta. Thế nên ta không tìm cách bỏ mất điều nào. Đấng phán xét của Isaia sở dĩ sẽ phân xử công minh cho người hèn yếu và đoán định ngay chính cho kẻ nghèo hèn, là vì Ngài không phân xử theo mã mắt thấy hay đoán định phỏng chừng tai nghe. Ngài thắt đai lưng bằng công chính và nịt hông bằng tín thành. Nghĩa là Ngài là Đấng chính trực và thông suốt. Đứng trước một Đấng Thiên Chúa thánh thiện như vậy, và nhất là phải dọn đường cho Ngài tới giữa một dân tộc còn nhiều tội lỗi, Gioan không thể làm khác hơn là kêu gọi người ta ăn năn thống hối. Ông là người mà tiên tri Isaia đã ám chỉ. Ông tiếp nối sứ mệnh của Isaia. Nhà tiên tri đã báo trước rất xa về Đấng xét xử sẽ đến. Gioan biết Đấng đó đã gần đến rồi. Chính ông đã phải sống cuộc đời tu hành khắc khổ với thức ăn, áo mặc khác thường để mong được cứu độ. Lời ông giảng phát xuất từ đời sống chân thật, khiến người nghe chấp nhận như lẽ đương nhiên phải vậy. Chúng ta không thể nói ông đòi hỏi hơn Isaia hay một tiên tri nào khác. Cả ông lẫn Isaia chỉ nói lên một sự thật: Đấng đang đến sẽ xét xử rất công minh. Thế nên ai nấy hãy thống hối tội lỗi.

Thánh Phao-lô không những được kinh nghiệm của Isaia và của Gioan, ngài còn đã được biết về cuộc đời của Đức Yêsu. Ngài thấy các việc lành Cựu Ước dạy làm chưa đủ để giúp ta được ơn thánh hóa. Các của lễ đền tội ngày xưa không đủ sức xóa bỏ tội lỗi. Duy chỉ có lòng thương xót của Chúa. Việc ta thống hối tội lỗi vẫn cần, nhưng tha thứ vẫn là hành vi hoàn toàn quảng đại của Chúa. Mà rõ ràng Chúa muốn quảng đại. Chúa muốn cứu cả giới cắt bì lẫn lương dân. Ngài muốn thi hành lòng thương xót cho mọi người miễn là người ta muốn đón nhận. Và chỉ ai muốn tha thứ mới đón nhận ơn tha thứ. Có tìm được mảnh đất thích hợp, ơn Chúa mới kết quả như hạt giống rơi vào đất tốt. Thế nên trong ngày Phụng vụ giới thiệu cho ta biết, Đấng sẽ đến là Đấng đến để xét xử, thì không những Giáo hội muốn cho ta thi hành việc thống hối tội lỗi; nhưng để ta chắc chắn nhận được ơn cứu độ thứ tha, dùng lời Thánh Phao-lô, Giáo hội khuyên ta hãy có thái độ chấp nhận nhau, tha thứ cho nhau và sống thuận hòa với nhau. Bức họa về thời đại thái bình trong bài sách Isaia thúc giục chúng ta xây dựng một nếp sống xã hội thuận hòa để chứng tỏ Nước Chúa đã đến giữa chúng ta và chúng ta sẵn sàng cho Ngày Ngài trở lại.

Chúng ta sẽ sống thuận hòa trong mọi ngày chờ đón Chúa đến. Chúng ta cần tinh thần hoà thuận ngay trong lúc này để đi vào Thánh lễ, vì nếu khi mang lễ vật tới bàn thờ mà nhớ đang còn xích mích với ai, hãy đặt của lễ đó, về làm hòa đã rồi sẽ trở lại dâng của lễ sau.

Xin Chúa cho tâm hồn chúng con được thật sự bình an để dâng lễ vật này. Nghĩa là xin Chúa tha thứ những nỗi bất hòa giữa chúng con, để hôm nay dâng lễ vật bình an này về, chúng con sẽ nỗ lực xây dựng xã hội thuận hòa để chờ đón Chúa.


Kinh nghiệm trở về

(Trích trong ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’)

Để hiểu đoạn văn của tiên tri Isaia trích dẫn ở đây, phải nhớ rằng não trạng Do Thái bị đánh dấu sâu xa bởi kinh nghiệm về sự Xuất Hành. Cuộc Xuất Hành đầu tiên là vụ trốn thoát khỏi Ai Cập. Nhưng về sau, dân Israel còn trải qua những cuộc lưu đầy khác, theo sau là những cuộc giải phóng, những vụ Xuất Hành mới. Ở đây lời tiên tri của Isaia liên quan đến cuộc giải thoát khỏi ách thống trị Babylone. Cũng như xưa khi ra khỏi Ai Cập, Do Thái sẽ phải đi qua sa mạc, sa mạc Syria.

Theo Isaia thì tiếng kêu hiệu triệu rằng phải dọn cho Chúa một con đường trong sa mạc. Còn theo Gioan Tẩy Giả, đó lại là tiếng kêu trong sa mạc: Hãy dọn đường cho Chúa. Hai cách nói trên không chống nghịch nhau, nhưng bổ túc cho nhau. Nếu biết rằng não trạng Kitô giáo được đánh dấu sâu xa bởi kinh nghiệm trở về với Chúa, bởi cuộc ‘xuất hành thiêng liêng’, người ta có thể chấp nhận rằng tiếng Chúa gọi giữa loài người thường giống như một tiếng kêu trong sa mạc, nhưng đàng khác người ta kinh nghiệm rằng, nếu biết nghe tiếng ấy, thì cuộc trở về với Chúa, nghĩa là sự trở lại, gồm có những giai đoạn ‘lột xác’ trong sa mạc, từ bỏ, trần trụi. Song không được ngã lòng, bởi vì tiếng Chúa là tiếng loan báo Tin Mừng, loan báo Tự Do.

Trong cách thức hành động của Gioan, ta hãy nêu ra hai điểm:

1) Người làm phép rửa trong giòng sông Giođan. Nghi thức tẩy rửa với nước, từ việc rửa tay đến việc tắm gội toàn thân, là một tục lệ thông thường của người Do Thái và nơi các dân tộc khác. Nghi thức đó có ý nghĩa tôn giáo. Mối nguy mà Gioan nói tới, là ở chỗ tin rằng chỉ cần làm nghi thức là có thể coi mình đã trong sạch rồi. Dù vậy Gioan vẫn không coi thường nghi thức ấy, vẫn áp dụng, vẫn làm phép rửa.

Phép Thánh Tẩy Kitô giáo sử dụng nước để rửa, như một dấu hiệu. Con người hiện đại dễ coi khinh các dấu hiệu bên ngoài. Cần phải nhấn mạnh với họ rằng những yếu tố hình thức cho phép đi tới những thực tại sâu xa, miễn là được áp dụng trong một số điều kiện nào đó. Bí tích là những dấu hiệu của một thực tại thiêng liêng; bí tích biểu hiệu bên ngoài điều mà ơn sủng thể hiện bên trong.

2) Phép rửa Gioan kèm theo việc tự cáo tội. Đó là một việc bề ngoài. Thiên Chúa thấy tận thâm sâu của cõi lòng ta, và chính là trong chỗ thầm kín đó mà Người thôi thúc, cật vấn con người. Mà nếu nhìn vào đáy sâu của lương tâm mình, nó không thể không thấy mình khốn nạn. Lúc đó hoặc là nó trở nên mù quáng, hoặc ngã lòng, hoặc sẽ cầu xin Chúa thanh tẩy mình. Chúa thanh tẩy và giúp đỡ con người thành thực có lòng ao ước ra khỏi vòng tội lỗi. Đó là một kinh nghiệm khởi đầu và đi theo suốt cuộc đời người Kitô hữu.


Hãy dọn đường Chúa

R. Veritas

Ba nhân vật quan trọng trong Kinh Thánh được Giáo Hội nhắc đến trong Mùa Vọng để giúp chúng ta chuẩn bị đón chờ Chúa đến là tiên tri Isaia, thánh Gioan Tiền Hô và Mẹ Maria. Không những các Ngài đã đón Chúa đến trong cuộc đời mình, mà các Ngài còn giúp cho mọi người khác biết cách để đón chờ Chúa đến.

Bài đọc thứ nhất của cả bốn Chúa Nhật Mùa vọng đều trích lại sứ điệp tràn đầy hy vọng của tiên tri Isaia. Trong cảnh sống nhiều thử thách và bóng tối đau thương dường như thể Thiên Chúa không có mặt, như bỏ rơi con người. Tiếng nói đầy hy vọng của tiên tri Isaia vang lên loan báo Thiên Chúa sắp đến thực hiện lời Ngài đã hứa, là thiết lập lại sự công bằng và hòa bình.

Thời của chúng ta đang sống tuy cách xa thời của tiên tri Isaia, nhưng vẫn cần lắng nghe và hy vọng vào sứ điệp của tiên tri Isaia. Con người có âm mưu loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi con người, nhưng phần Thiên Chúa thì Ngài không thể vì thế mà bỏ mặc con người với những thảm cảnh do chính con người tạo nên, như họ muốn loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống của mình. Quyền năng vô cùng của Thiên Chúa luôn luôn có cách thế để vượt thắng những điều tiêu cực trong lịch sử con người và chương trình cứu rỗi vẫn được Ngài thực hiện.

Tiên tri Isaia đã loan báo cho dân Israel đang gặp thử thách ngày xưa và cho chúng ta ngày nay về dung mạo của Thiên Chúa Cứu Chuộc sắp đến là vị Thiên Chúa mà con người cần đến, với những lời được trích lại trong bài đọc thứ nhất của Chúa Nhật thứ hai Mùa vọng; “Chúa lấy công minh mà xét xử người nghèo” (x. Is 11,1-10). Đó là những đường nét chính của một vị Thiên Chúa cứu rỗi mà con người mọi thời đại cần đến, một vị Thiên Chúa công bằng trong xét đoán và giàu tình yêu thương, vì Ngài đến để thiết lập cuộc sống hoà bình và hoà hợp cho con người. Cuộc sống ấy được tiên tri Isaia loan báo bằng hình ảnh môi sinh, trong đó sói sống chung với chiên, trẻ nhỏ dám tiếp xúc với các thú dữ. Đó là hồng ân cao cả Thiên Chúa ban cho con người được sống trong cảnh thái bình hoà hợp. Nhưng từ phía con người, họ không được sống ỷ lại để mặc Thiên Chúa muốn làm sao thì làm, nhưng họ phải biết thay đổi cuộc sống của mình mà trở về với Thiên Chúa, đón nhận hồng ân Ngài ban.

Trong viễn tượng này, bài Tin Mừng Chúa Nhật thứ hai Mùa vọng nhắc lại sứ điệp của thánh Gioan, kêu gọi con người hãy thực sự trở về với Thiên Chúa bằng hành động thiết thực, chứ không phải bằng lời nói suông cho qua lần. Qua đó chúng ta có thể lưu ý đến những lời sau đây ghi lại điểm chính của sứ điệp là: “Hãy ăn năn và sám hối”.

Sự ăn năn sám hối là bước đầu tiên không thể bỏ qua được trên con đường trở về với Thiên Chúa. Cần dứt khoát, không được chần chờ kéo dài thời gian mãi được: “Cái rìu đã đặt sẵn dưới gốc cây”. Hơn nữa, trong số những người đến nghe Gioan rao giảng và muốn thực hiện việc ăn năn trở lại, có những người biệt phái và các văn nhân thuộc phái Sadduceo, họ bị thánh Gioan trách nặng lời: “Hỡi nòi rắn độc kia, ai bảo các ngươi trốn cơn thịnh nộ hòng đổ xuống trên đầu các ngươi. Hãy làm việc lành cho xứng với sự thống hối”.

Dù là ai hay trong địa vị nào đi chăng nữa, thì ai ai cũng là kẻ có tội và cần sự ăn năn thống hối, cần thật lòng trở về cùng Thiên Chúa. Chúng ta hãy kiểm điểm lại cuộc sống của mình xem trong ta còn có trở ngại nào ngăn cản không cho Chúa đến trong chính chúng ta và trong xã hội mà chúng ta đang sống.

Chúng ta hằng ngày hãy đọc kinh Lạy Cha: “Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến...”. Lời chúng ta cầu xin cho Nước Cha trị đến sẽ chỉ là lời nói suông hay chỉ là lời nói theo thói quen bao lâu chúng ta không thực sự canh tân đời sống mình: “Hãy ăn năn thống hối, vì Nước Trời đã gần đến”.

 
Nguồn : gxnl 

home Mục lục Lưu trữ