Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 79

Tổng truy cập: 1357382

HUYỀN NHIỆM SỰ SỐNG

HUYỀN NHIỆM SỰ SỐNG

 

(Suy niệm của ĐTGM. Giuse Vũ Văn Thiên)

Sự sống quanh ta thật huyền nhiệm. Từ con người đến muôn vật cỏ cây, mỗi loài mỗi kiểu, hết thảy đều mang trong mình sự sống. Nhờ sự sống mà muôn loài tăng trưởng và hoạt động. Tuy vậy, một điều xem ra là nghịch lý, đó là sự sống không dừng lại khi ta chết, nhưng lúc chết đi lại là lúc khởi đầu sự sống mới. Lời Chúa hôm nay muốn khẳng định với chúng ta điều ấy.

Mùa Chay cũng được gọi là Mùa Thương Khó, vì đây là thời điểm giúp chúng ta suy niệm cuộc khổ nạn và sự chết của Đức Giêsu. Chúng ta tôn vinh thập giá là phương tiện qua đó Đức Giêsu giới thiệu tình thương yêu vô bờ bến của Chúa Cha. Đức Giêsu đã hiến chính bản thân mình làm của lễ dâng lên Đức Chúa Cha, xin ơn tha tội cho loài người. Sự sống và hạnh phúc của con người được phát sinh và tuôn chảy từ cây thập giá, tức là từ sự chết của Chúa Giêsu. Ơn cứu độ dồi dào như mạch suối trào tuôn từ chính vết thương ở cạnh sườn của Người. Chính từ vết thương này phát sinh Giáo Hội và các Bí tích. Hai ngàn năm nay, Đấng chịu khổ hình trên thập giá đã lôi kéo biết bao người ra khỏi tối tăm để đến với ánh sáng, ra khỏi tội lỗi để đạt tới sự thánh thiện, ra khỏi hận thù để thực thi đức yêu thương.

Khi nói về hạt lúa mục nát, Chúa Giêsu muốn nói về cái chết của chính mình. Người không bị tiêu diệt do sự chết. Trái lại, như hạt lúa chấp nhận mục nát rồi nảy mầm kết trái, Người cũng sẽ trỗi dạy từ nấm mồ để ban sự sống cho con người. Giáo lý Công giáo dạy chúng ta: sự chết của Chúa Giêsu mang ơn cứu độ cho loài người. Người đã chết để chúng ta được sống. Người đã trở nên nô lệ để chúng ta được tự do. Người đã dùng cây thập giá để cứu độ trần gian, xóa bỏ bản án nguyên tội. Thập giá vừa nói với ta về tình yêu Thiên Chúa, vừa dạy ta biết sống vì người khác để đem niềm vui và hạnh phúc cho tha nhân.

Như thế, triết lý “hạt lúa mục nát” được đề nghị cho tất cả những ai muốn cất bước theo Đức Giêsu. Sự hy sinh này, nhìn theo lăng kính trần gian, lại là những nghịch lý:

– Sẵn sàng hy sinh mạng sống thì sẽ giữ được nó mãi mãi

– Khư khư giữ lấy nó, sẽ bị mất muôn đời.

– Vào giờ phút Chúa chịu khổ nạn và chết trên thập giá, cũng là lúc Người được tôn vinh.

– Khi thủ lãnh thế gian tưởng chừng như chiến thắng, chính là lúc nó bị đánh bại.

– Con Người bị treo trên thập giá, cô đơn đau khổ, lại có thể quy tụ muôn dân.

Nếu hạt lúa vẫn nằm yên bất động sau khi được gieo xuống thì niềm trông đợi của bác nông phu sẽ trở nên vô vọng. Nếu thân xác Đức Giêsu vẫn cứ tồn tại trong nấm mồ, thì nhân vật Giêsu sẽ chẳng còn gì để nói với chúng ta. Chính từ hạt lúa mục nát mà ta thấy sự sống mới; chính nhờ ngôi mộ trống mà chúng ta thấy niềm hy vọng.

Hạt-Lúa-Giêsu đã mục nát để phục sinh và đâm bông kết trái. Hạt lúa ấy đã trở nên bánh ăn để nuôi dưỡng chúng ta.

Hình ảnh hạt lúa mì cũng chứa đựng giáo huấn của Chúa Giêsu về định mệnh con người. Thiên Chúa dựng nên con người để cho họ được sống và được hạnh phúc, chứ không phải để chấm dứt với nấm mộ cô đơn lạnh lẽo nơi đồng hoang. Dưới nhãn quan của người Kitô hữu, sự chết là một cửa ngõ để họ bước vào đời sau. Đó là lý do tại sao người Kitô hữu đặt cây thập giá trên mỗi nấm mồ của người thân. Tuy vậy, hạnh phúc vĩnh cửu chỉ dành cho người công chính, tức là những ai mến Chúa yêu người.

Không phải đợi đến khi chết mới được hưởng hạnh phúc Chúa ban. Lời Chúa hôm nay như một lời hứa phục hồi ngay ngày hôm nay, trong cuộc sống hiện tại. Ý tưởng này được diễn tả trong bài đọc trích sách ngôn sứ Giêrêmia: “Mọi người từ nhỏ chí lớn đều nhìn biết Ta, vì Ta sẽ tha tội ác của chúng, và sẽ không còn nhớ đến tội lỗi của chúng”. Đây là những lời an ủi của Chúa đối với dân Do Thái trong bối cảnh gian nan và tuyệt vọng. Chúa hứa với họ sẽ giúp họ hồi sinh. Mặc dù trong bối cảnh tăm tối, Chúa sẽ ban cho họ một tương lai sán lạn huy hoàng.

Thời đại huy hoàng mà Chúa đã hứa qua lời ngôn sứ Giêrêmia đã được thực hiện khi Chúa giải phóng dân Người khỏi cảnh lưu đày. Nhưng đặc biệt hơn nữa, thời đại huy hoàng ấy, Thiên Chúa đã thực hiện trong Đức Giêsu Kitô, qua cái chết và sự phục sinh của Người. Tác giả thư Do Thái đã khẳng định: “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã học vâng phục do những đau khổ Người chịu, và khi hoàn tất, Người đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả những kẻ tùng phục Người” (Bài đọc II).

Huyền nhiệm sự sống mời gọi chúng ta nhận ra Đức Giêsu là Đường, là Sự thật và là Sự sống. Huyền nhiệm ấy cũng nhắc nhớ chúng ta, hãy biến đổi mỗi ngày trong hành trình phụng sự Chúa, để sự sống siêu nhiên lớn dần trong cuộc đời trần gian. Để được như thế, con người cũ phải chấp nhận chết đi. Đó chính là thông điệp của giáo huấn qua hình ảnh hạt lúa mì.

 

5.Xin tôn vinh danh Cha

(Suy niệm của ĐGM. Phêrô Kiều công Tùng)

Trước khi bước vào Tuần Thánh, Chúa Nhật thứ 5 Mùa Chay hôm nay Giáo Hội lập lại nguyện ước của những người Hy Lạp ngày xưa: “Chúng tôi muốn được gặp ông Giêsu” để nhắc nhở chúng ta đâu là đích đến của chặng đường Mùa Chay mà chúng ta đang trải qua.

Những người Hy Lạp tìm gặp Đức Giêsu chắc không phải chỉ để chiêm ngưỡng Người mà thôi, vì như thế họ đâu cần đến Philípphê làm người môi giới. Rõ ràng là họ còn muốn đi xa hơn việc nhìn ngắm, họ muốn được gặp gỡ và trò chuyện với Chúa. Có thể nói, họ đang ở trên một hành trình Đức Tin. Diễn từ của Đức Giêsu ngay sau đó về “cái mất” và “cái được” như muốn dẫn họ đi xa hơn trong cuộc hành trình: “Hạt lúa gieo vào lòng đất... nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. Ai yêu quí mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời” (Ga 12, 24-25). Chân lý xem ra nghịch lý ấy đã được minh chứng bằng chính cuộc đời Đức Giêsu, Hạt Giống đem lại Mùa Cứu Độ.

Trong những câu kế tiếp, thánh Gioan như muốn đặt các yếu tố của cả hai sự kiện Chúa hấp hối và Chúa Hiển Dung của Phúc Âm Nhất Lãm trong cùng một trình thuật. Những lời của Chúa Giêsu “Bây giờ, linh hồn Thầy xao xuyến... Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này” (Ga 12, 27) như đang làm vang lên những lời Người nói với môn đệ và cầu xin cùng Chúa Cha trong Vườn Cây Dầu. Tiếng vọng từ trời “Ta đã tôn vinh Danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh nữa” (Ga 12, 28) không còn là lời giới thiệu của Chúa Cha trên đỉnh Ta-bo mà đã trở thành lời chuẩn nhận cho sự dâng hiến tuyệt vời của Người Con, lời tôn vinh “Hạt Lúa” đã chấp nhận chết đi. Ở giữa những yếu tố đó, Thánh Gioan còn khéo léo xen vào một lời nguyện với tâm tình phó thác: “Chính vì giờ này mà con đã đến. Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha”.

Tác giả A. Marchadour nhận xét: những lời ấy vang lên như “một bản tóm lược Kinh Lạy Cha” vậy. Lời kinh được dâng lên với một thái độ vâng phục hoàn toàn, thái độ đã làm nên ý nghĩa cho cái chết của Đức Giêsu, như lời thư gửi tín hữu Do Thái: “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người” (Dt 5, 8–9).

Rõ ràng tiến trình từ khi “hạt giống” được gieo xuống cho đến khi đem lại mùa màng, hay từ khi là “hạt bụi” cho đến lúc trở thành “cát bụi tuyệt vời” phải trải qua rất nhiều hy sinh, từ bỏ và cả chết đi nữa. Chính Đức Giêsu khi ở trong hoàn cảnh ấy đã phải thốt lên: “Tâm hồn Thầy xao xuyến!” Và Người cũng chỉ cho chúng ta rằng tỉnh thức và kiên trì cầu nguyện lúc này thật cần thiết. Việc kết hợp cùng Thiên Chúa trong kinh nguyện sẽ đem lại cho người ta một sức mạnh phi thường lướt thắng những nỗi sợ bị thua thiệt mất mát. Kinh Lạy Cha mà Đức Giêsu dạy chính là bảo bối cho người Kitô hữu, là nhịp cầu giữa “mất” và “được”, giữa “xao xuyến” và “tôn vinh”.

Qua bài diễn từ, Chúa Giêsu như muốn nói với những người Hy Lạp và với cả chúng ta hôm nay rằng muốn gặp Người, ta phải hướng mắt nhìn lên Đấng được tôn vinh khi đã chấp nhận chết đi. Điều này có nghĩa là mọi cái nhìn về Đức Giêsu khi Người chưa được tôn vinh đều là không đầy đủ, nếu không nói là ảo tưởng. Ý nghĩa cuộc đời trần thế của ta cũng được soi sáng từ đó: chính bằng cách mở lòng ra với Lời Chúa và những đòi hỏi quyết liệt của Người, vượt thắng khuynh hướng vị kỷ muốn giữ lại tất cả cho bản thân, mà người ta mới có thể tiến đến gần Thiên Chúa, sau khi đã nỗ lực để Danh Cha được tôn vinh bằng một cuộc sống hoàn toàn vâng phục theo Thánh Ý Cha.

Dù muốn hay không thì cuộc sống một đời người luôn gặp những điều trái ý, khó khăn, nghịch cảnh. Có người đã nhìn khá bi quan về cuộc sống ấy như là “chốn bể dâu” hay “nơi khổ ải”. Còn Thánh Phaolô lại tuyên bố: “Đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ” (2Cr 6, 2). Phải chăng ông đã học được cái nhìn lạc quan từ lời kinh của Đức Giêsu: “Chính vì giờ này mà con đã đến. Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha”. Chớ gì mỗi Kitô hữu chúng ta, những môn đệ đang lần bước đi theo Thầy Giêsu trên hành trình Đức Tin cũng có những lời “Kinh Lạy Cha biến cách” cho riêng mình.

 

6.Giao Ước Mới

(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc)

1. Cựu Ước và Tân Ước

Sách Kinh Thánh của chúng ta có hai phần: Cựu Ước và Tân Ước, nghĩa là Giao Ước Cũ và Giao Ước mới. Tuy nhiên, bài đọc I, trích sách ngôn sứ Giê-rê-mia, là sách thuộc phần Cựu Ước, đã loan báo Giao Ước mới rồi:

Này sẽ đến những ngày – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA – Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en và nhà Giu-đa một giao ước mới.

(Gr 31, 31)

Và lời loan báo Giao Ước mới, theo vị ngôn sứ, là lời của chính Đức Chúa. Vậy đâu là đặc điểm chính yếu của Giao Ước mới so với Giao Ước cũ ? Như chính Đức Chúa đã nói, đặc điểm của Giao Ước mới là Đức Chúa cam kết sẽ ghi khắc Luật của Ngài vào trong tim của con người. Như thế, Luật của Chúa, nghĩa là tất cả các giới răn có mục đích gìn giữ chúng ta ở trong Giao Ước, không còn được viết trên giấy hay khắc trên đá nữa, nghĩa là ở bên ngoài con người, nhưng là trong tim con người, nghĩa là trong chốn sâu thẳm nhất của con người. Nói cách khác, Luật của Chúa không còn là Chữ Viết nữa, nhưng sẽ trở thành Thần Khí hay Lời Nói sống động cư ngụ trong lòng chúng ta và trở nên một với chúng ta, để nuôi dưỡng và làm cho chúng ta sống. Như thế, Giao Ước mới có thể được gọi là Giao Ước tình yêu, bởi vì chỉ có tình yêu mới làm cho luật trở thành lời cư ngụ trong lòng chúng ta mà thôi. Như Đức Giêsu, hiện thân của Giao Ước mới nói: “Anh em hãy ở lại trong Thầy, như Thầy ở lại trong anh em” (Ga 15, 4).

Nhưng tại sao Đức Chúa lại mời gọi Dân sống với Ngài bằng Giao Ước mới? Bởi vì, để giữ Giao Ước cũ, người ta phải có kinh nghiệm về tình yêu Thiên Chúa và phải yêu mến Thiên Chúa. Và điều này cũng đúng trong mọi tương quan dựa trên lề luật của con người: để giữ luật trong gia đình, trong nhà trường, trong xã hội, trong Giáo Hội, trong đời tu, người ta phải có kinh nghiệm và dựa trên tương quan ơn huệ và tình thương. Tuy nhiên, con người đã không nhận ra tình yêu Thiên Chúa, ngang những kì công của Ngài thực hiện trong sáng tạo và trong lịch sử; vì thế, Ngài sẽ bày tỏ tình yêu đến cùng của Ngài dành cho con người nơi Đức Giê-su Ki-tô, Con Yêu Dấu của Ngài, để xây dựng tương quan với con người dựa trên Giao Ước mới, Giao Ước tình yêu. Như vậy, Đức Chúa ước ao kí kết một Giao Ước mới với Dân của Ngài, đó là bởi vì Giao Ước đầu tiên không sinh hoa trái như Ngài mong đợi.

Tuy nhiên, chúng ta được mời gọi nhận ra rằng, ước ao Giao Ước mới cũng có ở nơi mọi tương quan của con người dưới hình thức này hay hình thức khác. Chẳng hạn, các bậc cha mẹ luôn ước ao những giáo huấn, những lời dạy bảo của mình không ở ngoài tai con cái, nhưng đi vào tâm trí của con cái ; và chắc chắn ước ao này cũng có nơi các nhà giáo, các nhà huấn luyện đối với người trẻ trong thời gian thụ huấn ; và ở một mức độ nào đó, cũng như thế, trong tương quan bạn bè và tương quan tình yêu nam nữ và tình yêu vợ chồng: người này ước ao lời của mình lưu lại mãi mãi trong tim của người kia. Khởi đi từ những kinh nghiệm nhân bản như thế, chúng ta xác tín rằng, ước ao Giao Ước mới cũng đến từ năng động tự nhiên của tình yêu. Thiên Chúa là tình yêu, nên Ngài không thể không ước ao Giao Ước mới, là Giao Ước tình yêu.

2. Giao Ước Mới trong Đức Giê-su Ki-tô

Nhưng Thiên Chúa sẽ làm gì và làm như thế nào, để dẫn con người vào Giao Ước mới ? Trước hết, Ngài bày tỏ ngôi vị của mình một cách trực tiếp cho con người:

Chúng sẽ không còn phải dạy bảo nhau, kẻ này nói với người kia: “Hãy học cho biết ĐỨC CHÚA”, vì hết thảy chúng, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA.

(Gr 31, 34)

Và lời hứa này sẽ được thực hiện một cách tròn đầy nơi ngôi vị của Đức Giê-su, Con Thiên Chúa, bởi vì “Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1, 18). Ngang qua các Tin Mừng, vốn là điểm tới của lịch sử cứu độ được kể lại trong Kinh Thánh, được đọc, được suy niệm, được cầu nguyện và nhất là được công bố và giải thích trong Thánh Lễ, Thiên Chúa tiếp tục bày tỏ chính mình cho mỗi người chúng ta nơi Đức Ki-tô. Sự hiểu biết mới về Thiên Chúa, được mặc khải bởi Đức Ki-tô, là tuyệt đối cần thiết để yêu mến Thiên Chúa, đón nhận và sống Giao Ước mới.

Tuy nhiên, càng hiểu biết Thiên Chúa, càng nhận ra tình yêu của Ngài, được thể hiện nơi Đức Ki-tô, chúng ta càng cảm thấy mình vô ơn và bất xứng. Chính vì thế, để dẫn chúng ta vào Giao Ước mới, Thiên Chúa còn bày tỏ mình là Đấng giàu lòng thương xót:

Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng

và không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa.

(Gr 31, 34)

Và lời hứa tha thứ cũng sẽ được thực hiện một cách quảng đại trong máu của Đức Giê-su, nghĩa là trong cái chết của Ngài trên Thập Giá, như chính Ngài đã nói và vẫn nói lại hằng ngày trong Thánh Lễ:

Anh em hãy cầm lấy mà uống, vì này là chén máu Thấy, máu Giao Ước mới và vĩnh cửu, sẽ đổ cho anh em và nhiều người được tha tội. Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.

3. Con đường của hạt lúa mì

Thật là kỳ lạ, để tha tội cho loài người và từng người chúng ta, tại sao Đức Ki-tô lại phải đi con đường “đổ máu” ? Con đường mà chính Ngài cũng cảm thấy xao xuyến:

Bây giờ, tâm hồn Thầy xao xuyến! Thầy biết nói gì đây? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến.

(Ga 12, 27)

Sự “xao xuyến” của Đức Giê-su còn lớn hơn nữa, theo lời kể của các Tin Mừng nhất lãm: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được” (Mc 14, 34 ; x. Mt 26, 38 và Lc 22, 44), và theo thư Do thái: “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giê-su đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết” (Dt 5, 7)

Người xao xuyến, đó là vì với thân xác mỏng manh của Con Thiên Chúa nhập thể, Ngài được mời gọi bày tỏ Khuôn Mặt Rạng Ngời của Thiên Chúa Cha, một khuôn mặt đã bị hiểu lệch lạc, bị bóp méo, ngay từ nguồn gốc sự sống (x. St 3, 1-7), nhưng không phải bằng những kì công lớn lao, hay những phép lạ cả thể; bởi vì lịch sử Dân Do Thái và cuộc đời của Đức Giê-su cho thấy rằng, những kì công lớn lao và những phép lạ cả thể không những không mang lại lòng tin, nhưng còn khơi dậy lòng ham muốn không cùng những điều lạ, ngoài ra còn bị Sự Dữ xen vào khơi dậy những cách hiểu và hành động lệch lạc[1].

Vì thế, theo ý Cha, Ngài được mời gọi bày tỏ Khuôn Mặt Rạng Ngời của Thiên Chúa Cha theo một cách khác, “một cách điên rồ”, nhưng là sự điên rồ của tình yêu và khôn ngoan thần linh, qua việc:

* nhận hết vào mình thân phận của loài người chúng ta,

* đảm nhận mọi số phận đầy tai họa của con người,

* gánh lấy mọi tội lỗi của loài người,

* và đối diện với chính Sự Dữ biểu dương ở mức độ tuyệt đối.

Như thế, không phải một cách trực tiếp tội của mỗi người chúng ta làm cho Chúa bị bắt, bị kết án và chịu khổ hình, đó là Sự Dữ hành động nơi những con người cụ thể trong cuộc Thương Khó, nhưng Chúa tự nguyện chịu khổ hình để vừa chữa lành chúng ta khỏi Sự Dữ và vừa bày tỏ cho mỗi người chúng ta tình yêu đến cùng của Chúa dành cho chúng ta, dù chúng ta là ai và đang ở trong tình trạng nào. Chúng ta được mời gọi nhận ra nơi những gì Đức Giê-su mang lấy trong cuộc Thương Khó, có chính bản thân chúng ta, như chúng ta là: nhỏ bé, giới hạn, yếu đuối, tội lỗi; mỗi người chúng ta hiện diện cách trọn vẹn, được đón nhận cách trọn vẹn và được bao dung cách trọn vẹn trên đôi vai của Đức Giê-su, trong ánh mắt của Đức Giê-su, trong trái tim của Đức Giê-su.

***

Để tái sinh chúng ta và dẫn chúng ta vào Giao Ước mới, Đức Giê-su Ki-tô Con Thiên Chúa, phải cho đi sự sống của mình. Điều này thật khó hiểu và thật khó chấp nhận, đối với người Do thái, với các môn đệ, với loài người và với từng người chúng ta. Con đường Thập Giá không chỉ khó hiểu, mà còn là sỉ nhục và điên rồ. Tuy nhiên, đó lại là qui luật muôn đời của chính sự sống và ai trong chúng ta cũng biết và thậm chí có kinh nghiệm về qui luật này của sự sống.

* Đó hạt lúa mì, phải chịu chôn vùi và nát tan, để sinh ra nhiều hạt khác.

* Đó là sự cho đi chính bản thân mình của cha mẹ, để sự sống được lưu truyền nơi những người con. Điều đặc biệt đúng nơi những người mẹ; nhất là khi có những người mẹ, hy sinh sự sống của mình để sinh con.

* Đó là sự hy sinh cuộc đời của các tu sĩ nam nữ, các linh mục để chính Thiên Chúa làm phát sinh ra hoa trái sự sống gấp trăm.

Để cho sự sống được tiếp tục, được sinh sôi, để phục vụ cho sự sống, phải chia sẻ, trao ban, cho đi và hi sinh chính sự sống của mình. Đó chính là qui luật muôn đời của sự sống. Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, không đi con đường lạ lùng nào khác ngoài con đường muôn đời của sự sống, nghĩa là con đường của hạt lúa mì:

Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.

(Ga 12, 24)

Và Ngài vẫn trao ban sự sống của mình cho chúng ta hằng ngày trong Thánh Lễ, dù chúng ta có như thế nào. Thiên Chúa muốn dẫn chúng ta vào Giao Ước mới, Giao Ước tình yêu trong Đức Giê-su Ki-tô, nhưng ai trong chúng ta cũng cảm thấy, một đàng sự khao khát, nhưng đàng khác lại bất lực. Vậy chúng ta hãy nhận lời nguyện Thánh Vịnh 51 (50) làm của mình:

Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một trái tim mới.

(Tv 51, 12)

-------------------------

[1] Lòng tin chỉ dựa vào phép lạ: (1) Thiên Chúa chỉ ở trong những điều lạ thường, còn những điều bình thường, là phần lớn cuộc đời chúng ta, thì sao? Thân phận con người rốt cuộc có là ơn huệ TC không? Có là đường đi dẫn đến Thiên Chúa hay không? (2) Không chấp nhận thân phận con người và không liên đới với thận phận của người khác. (3) Ma quỉ sẽ lợi dụng để khơi dậy lòng ham muốn không cùng những điều lạ, như đã làm trong Sáng Tạo (St 3) và trong Lịch Sử Cứu Độ (Ds 21, 4-9): có điều lạ thì tin, không có thì trách móc nghi ngờ; ngoài ra, còn có những người đã ngụy tạo ra điều lạ để lừa dối mình và lừa dối nhau.

 

home Mục lục Lưu trữ