Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 43
Tổng truy cập: 1355674
KẺ ĐIẾC NGHE ĐƯỢC. KẺ CÂM NÓI ĐƯỢC
KẺ ĐIẾC NGHE ĐƯỢC. KẺ CÂM NÓI ĐƯỢC
(Suy niệm của Lm. Trầm Phúc)
Trình thuật về phép lạ chữa người điếc và ngọng này duy nhất chỉ có thánh Maccô trình bày. Chúng ta thấy có những chi tiết hơi lạ: Chúa Giêsu không chữa anh như đã chữa bao nhiêu bệnh nhân khác, chỉ bằng một lời nói… mà Ngài làm như một nghi thức:
- Ngài đem bệnh nhân ra khỏi đám đông,
- Ngài đặt tay, thấm nước miếng,
- Ngước mắt lên trời, thở dài và nói một lời: “Hãy mở ra”.
Ngài muốn gì thế?
Chúng ta muốn hiểu thế nào tùy ý. Thánh Maccô không giải thích, Chúa Giêsu cũng chẳng nói gì thêm. Mỗi nhà chú giải có ý kiến khác nhau. Chúng ta cũng tìm hiểu xem Chúa muốn nói gì với chúng ta hôm nay.
Người điếc và ngọng này do người ta đem đến với Chúa, những người đó có lẽ là những người Do Thái ở vùng dân ngoại, đã nghe biết những phép lạ Ngài đã làm ở nơi khác. Và đúng thế, Ngài đang ở vùng Thập tỉnh là vùng đất xôi đậu, người Do Thái chỉ là thiểu số.
Trước đó, Chúa Giêsu đã chữa cho con gái bà Xyrô-Phênixi ở gần đó và danh tiếng Ngài đã lan rộng đến miền Thập Tỉnh này. Điều này chứng tỏ, sứ mệnh của Ngài không hạn hẹp trong dân Do Thái mà thôi, mà cả dân ngoại cũng được hưởng nhờ, mặc dù “ơn cứu độ đến từ người Do Thái”.
Chúa Giêsu chấp nhận chữa cho người tật nguyền này, nhưng Ngài không làm giữa đám đông, mà đem anh ra khỏi đám đông. Có thể Ngài chỉ muốn làm âm thầm, sợ dân chúng tưởng Ngài làm một thứ ma thuật, bùa phép gì đó.
Ngài muốn tiếp xúc với bệnh nhân trong riêng tư để cho họ thấy rằng chính Ngài ban cho họ hồng ân của Ngài. Phải gặp gỡ Ngài trong một gặp gỡ thân tình mới cảm nhận được hồng ân.
Ngài làm những cử chỉ rõ rệt như chạm đến nơi bị bệnh tật. Chính Ngài làm cho cơ thể họ lành mạnh, không do một nguyên nhân ngoại lai nào khác.
Ngài lấy nước miếng chấm vào lưỡi, không phải như nhiều người tưởng đó là cách chữa bệnh của dân địa phương, vì họ cho nước miếng là một dược tá. Nhưng chỉ chấm một chút mà thôi thì làm sao chữa bệnh? Các bà mẹ thường nhai cơm cho con khi con còn nhỏ là một cách rất tốt để giúp cho con tiêu hóa dễ dàng. Nước miếng của người mẹ rất công hiệu. Đây chỉ là một cử chỉ tượng trưng chứng tỏ một liên đới thật sâu xa giữa Ngài với bệnh nhân và giúp cho bệnh nhân được khỏi bệnh.
Để chữa bệnh điếc, Ngài ngước mắt lên trời, thở dài và sau đó mới truyền: “Hãy mở ra”.
Tại sao Ngài làm như thế? Thánh Máccô chỉ tường thuật và không giải thích. Bệnh này không trầm trọng như bệnh cùi, sao Ngài lại làm những cử chỉ khác thường như thế? Người điếc này là hình ảnh của biết bao nhiêu người điếc, không nghe, không nói, những người hững hờ với lời mời gọi của Chúa. Ngài thở dài như phải cố gắng lắm để chữa lành bệnh nhân, và sau đó mới truyền lệnh: “Hãy mở ra”. Có điều gì đó đang đè nặng con tim Ngài. Sự dửng dưng của chúng ta trước lời mời gọi của Ngài là chướng ngại để Lời Chúa có thể đi vào tâm trí chúng ta. Phải dùng cả quyền năng của Ngài mới mở cửa tâm hồn chúng ta.
Quyền năng của Ngài đã giải thoát bệnh nhân. Chúng ta chỉ có thể nghe Lời Ngài và công bố rõ ràng những gì Chúa nói với chúng ta, khi chúng ta tiếp cận với Ngài, riêng lẻ, phải được Ngài chạm đến, phải được thấm nước miếng của Ngài.
Đức tin được phát sinh nhờ lắng nghe như thánh Phaolô đã xác quyết (Rm 10, 17). Thảm kịch của con người là không muốn lắng nghe Lời Chúa. Nhưng khi Chúa mở tai chúng ta, chúng ta sẽ nghe được tiếng Ngài và lòng chúng ta đón nhận Ngài, chúng ta mới hiểu được quyền năng và tình thương của Ngài.
Câu chuyện người điếc ngọng này nhắc chúng ta nhớ đến tiên tri Hôsê: “Ta sẽ quyến rủ nó, đưa nó vào sa mạc để cùng nó thổ lộ tâm tình”. (Hs 3,16).
Thiên Chúa đối xử với chúng ta như thế, yêu thương chúng ta như thế, sao chúng ta không muốn nghe Lời Ngài? Sao chúng ta cứ tìm hạnh phúc nơi trần thế mà lãng quên tình yêu luôn săn đón của Ngài? Ngài luôn nhẫn nại đợi chờ. Ngài vẫn chờ đợi cho đến khi chúng ta trở về, không mỏi mệt. Ngài mở tai chúng ta, đồng thời cũng thoa nước miếng vào lưỡi chúng ta để chúng ta nói được rõ ràng, để chúng ta mở miệng ngợi khen Ngài, công bố những kỳ công và tình thương của Ngài.
Ngài phải đợi chờ đến bao lâu?
Đến bao giờ chúng ta mới mở miệng loan truyền tình yêu của Ngài?
Chúng ta hãy lắng nghe Lời Chúa để hiểu, để yêu, để công bố cho mọi người. Chúng ta có cảm thấy rằng nghe được tiếng Chúa là một hồng ân không: “Phúc cho tai chúng con vì được nghe!”
Chúng ta đã từng nghe Lời Chúa, chúng ta có chú tâm không? Chúng ta đánh mất không biết bao nhiêu hồng ân!
Sau khi chữa lành người điếc và ngọng này, dân chúng kinh ngạc và ngợi khen: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả”!
Người tàn tật này là hình ảnh của nhiều người trong chúng ta. Anh là bằng chứng cụ thể của quyền năng Thiên Chúa. Chính nhờ anh mà nhiều người nhận ra bàn tay Chúa thi ân cho con người.
Khi chúng ta lắng nghe và công bố những việc làm của Chúa, chúng ta thành môi miệng của Ngài. Khi chữa lành người bị quỷ ám ở Ghêrasa, anh ấy xin Ngài cho anh theo Ngài, nhưng Chúa bảo: “Con hãy về tường thuật lại cho mọi người biết những gì Chúa đã làm cho con”.
Chúng ta hãy đến với Chúa, xin Ngài mở tai chúng ta và đem những người anh em điếc, ngọng đến với Chúa, như dân địa phương đã đem người tàn tật này đến để được chữa lành; và hơn nữa, chính chúng ta hãy làm cho mọi người xung quanh hiểu được Chúa thương họ như thế nào qua những hành vi bác ái của chúng ta.
Chúng ta hãy đi theo vết chân của Ngài, làm mọi sự cho tốt đẹp để mọi người thấy những việc chúng ta làm mà ngợi khen Cha chúng ta ở trên trời. Tuy chúng ta không làm phép lạ, nhưng cũng có thể làm được nhiều việc nếu chúng ta dám để cho Ngài sử dụng con người chúng ta, cuộc sống chúng ta.
Nhiều lúc chúng ta đầy thiện chí, sẵn sàng làm mọi việc cho Chúa, nhưng khi chạm vào thực tế, bị người khác tấn công, xuyên tạc, chúng ta nản chí, rụt rè…Những người dấn thân làm việc Chúa đều kinh nghiệm những giai đoạn khó khăn như thế.
Chúa Giêsu luôn gặp trở ngại và chống đối, nhưng Ngài luôn đi tới cùng, không chạy trốn. Chúng ta tưởng rằng Ngài là Thiên Chúa, Ngài có thể làm mọi việc mà không cần phải cố gắng, vì Ngài quyền năng. Nghĩ như thế là lầm to. Ngài đã mặc lấy thân phận con người, Ngài phải luôn phấn đấu để vượt qua mọi trở lực, vì Ngài luôn vâng lời Cha Ngài và trung thành với sứ mệnh Cha đã giao. Cảnh sầu muộn trong vườn Ghếtsêmani vẫn rõ nét trước mắt chúng ta.
Theo Ngài, chúng ta không thể “ngồi mát, ăn bát vàng”. Nhưng cần phải phấn đấu! Phải nói rõ ràng Lời Chúa cho một thế giới “dị ứng” với tất cả những gì là “thiện”, là một điều không dễ. Chính vì thế mà nhiều người đã “bỏ Thầy và rút lui”.
Chúng ta hãy cầu xin cho chúng ta có “một quả tim biết lắng nghe” như Salômôn, vì nghe bằng tai vẫn chưa đủ, phải nghe bằng con tim, lời nói của chúng ta mới có sức thuyết phục.
Chúa Giêsu đến với chúng ta và “ở lại với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế”. Ngài đến hôm nay qua tấm bánh để thấm nhập vào xương thịt chúng ta, giúp chúng ta trở thành “lắng nghe” và thành “lời” sống động, vì “không có Ngài, chúng ta chẳng làm được gì”. Có Ngài là sinh lực, là Tình Yêu. Ăn lấy Ngài để có sức dấn thân trọn vẹn hơn.
22.Lắng nghe.
Trong một cuộc hội thảo, anh bạn ngồi bên tôi, không hiểu vì ngủ gật hay vì chia trí lo ra những chuyện đâu đâu, nên khi được mời lên phát biểu, anh đã đưa ra một ý kiến và để trình bày ý kiến này, anh đã đi vòng vo tam quốc, từ chuyện trên trời đến chuyện dưới đất, từ chuyện bên tây đến chuyện bên tàu, trong khi đó mọi người thì cứ tủm tỉm cười thầm. Cuối cùng, người điều khiển phải tạm ngắt ý kiến của anh ta và nói: Tất cả những điều anh diễn tả, cũng như đề nghị, chúng tôi đã trao đổi và bác bỏ ngay từ lúc mới bắt đầu cuộc hội thảo này rồi. Lúc bấy giờ, mọi người mới dám cười ồ lên.
Lâu ngày có người bạn tới chơi vào ban tối, chúng tôi đã nằm tâm sự với nhau về những ngày tháng xa xưa. Tôi nói và anh bạn gợi lại. Cứ thế cho tới một lúc tôi cảm thấy hình như chỉ còn mình tôi nói, ngó sang bên cạnh thì anh bạn tôi đã ngủ thiếp từ lúc nào không biết.
Từ hai mẩu chuyện trên chúng ta nhận thấy hai anh bạn yêu quí của tôi đã không biết lắng nghe hay không chịu lắng nghe nữa, cho nên một anh thì tưởng rằng ý kiến của mình là ý kiến đầu tiên được đề nghị. Còn anh bạn kia thì lại để tôi nói chuyện một mình với đêm tối.
Trong cuộc sống, có biết bao nhiêu người cũng đã không biết lắng nghe như thế. Phải chăng không biết lắng nghe đã trở nên như một lầm lỗi, một cơn bệnh thông thường.
Qua đoạn Tin mừng sáng hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu chữa lành cho một người không thể lắng nghe vì anh ta điếc. Cái điếc này không đáng trách. Điều đáng trách, đó là biết bao nhiêu người có đôi tai thính, nhưng họ lại không nghe thấy bởi vì họ không lắng nghe.
Kinh nghiệm cho thấy lắng nghe là một điều kiện rất quan trọng trong mọi lãnh vực của cuộc sống. Thực vậy, đời sống gia đình sẽ hạnh phúc hơn nhiều nếu mọi người đều biết lắng nghe, để cố gắng hiểu được điều người khác muốn nói.
Sự cảm thông không phải là con đường một chiều. Nói và nghe đúng cách sẽ giúp chúng ta hiểu nhau hơn và sẽ bắc được nhịp cầu cảm thông giữa chúng ta với những người chung quanh.
Dĩ nhiên dưới mái ấm gia đình, con cái phải lắng nghe cha mẹ nhưng đồng thời cha mẹ cũng phải lắng nghe con cái. Hãy bình tĩnh lắng nghe con cái mình nghĩ gì, cảm gì, muốn gì để rồi từ đó có những hướng dẫn, vừa không mang tính cách độc đoán, nhưng lại vừa hợp tình lại và hợp lý.
Ở trường, học trò phải lắng nghe thày cô, bởi vì nếu không lắng nghe thì chẳng hiểu được chi về bài vở của mình. Nhưng đồng thời thày cô cũng phải lắng nghe học trò trả lời hay đặt câu hỏi, nhờ đó mà trắc nghiệm được sự hiểu biết của học trò mà đổi mới cách thức giảng dạy.
Và nhất là ở đây, trong nhà thờ này, lắng nghe lời Chúa là một việc hết sức quan trọng. Lời Chúa muốn nói gì với tôi và Ngài mong muốn nơi tôi điều chi. Điểm chính của bài giảng hôm nay là gì? Phải chăng là hai chữ lắng nghe. Chúng ta cần nói với Chúa qua những tâm tình cầu nguyện, nhưng đồng thời chúng ta cũng phải lắng nghe tiếng Chúa qua những giây phút thinh lặng. Chúng ta hãy thưa lên với Chúa như Samuel ngày xưa: Lạy Chúa xin hãy phán vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe…
23.Cho người điếc được nghe
(Suy niệm của Lm. Ignatiô Trần Ngà)
“Trong thiên hạ có anh giả điếc
Khéo ngơ ngơ ngác ngác ngỡ là ngây,
Chẳng ai ngờ: sáng tai họ điếc tai cày...”
(trích bài “Anh giả điếc” của Nguyễn Khuyến)
Sáng tai họ điếc tai cày
Theo nghĩa đen, khi người cày ruộng ra lệnh cho trâu đi cày thì tai trâu như điếc chẳng nghe gì, nên cứ đứng ỳ một chỗ. Tật đó gọi là điếc tai cày. Trái lại khi đang cày ngon trớn mà chợt nghe người cày hô nhỏ: “họ!” (tức là dừng lại) thì tai trâu trở nên sáng tỏ, trâu bèn đứng lại liền. Tật nầy gọi là sáng tai họ.
Thành ngữ nầy ám chỉ có những đôi tai luôn mở ra (sáng tai) đối với những lời có lợi và thường xuyên đóng lại (điếc tai) trước những lời mà lòng chẳng muốn nghe.
Tai của vị hôn quân chỉ sáng trước những lời đường mật của lũ nịnh thần nhưng điếc đặc trước những lời chân thật của các bậc trung thần, vì thế mà triều đình băng hoại và sụp đổ.
Tai của những nhà lãnh đạo tham lam và mù quáng chỉ biết nghe những lời có lợi cho bản thân và điếc hẳn trước những oán than của dân nghèo, vì thế mà nhân dân khốn cùng, Nước nhà mạt vận.
Cách đây 150 năm, giá như triều đình của Vua Tự Đức (trị vì: 1847-1883) sáng tai trước những lời điều trần kêu gọi cải cách về nhiều mặt của Nguyễn Trường Tộ (1828-1871) thì Việt Nam ngày nay lớn mạnh biết chừng nào.
Và giá như nhân loại sáng tai trước những lời giáo huấn của Chúa Giêsu thì mọi người đã được sống trong yêu thương hạnh phúc, đâu còn cảnh chiến tranh, khủng bố, áp bức, bất công...
Tuy nhiên, nhận ra sự điếc lác của mình trước một số lãnh vực nào đó và tìm cách chữa trị nó là điều không dễ.
Điếc tâm linh
Trong tác phẩm “tự thú”, thánh Âu-tinh nhìn nhận đôi tai của người đã điếc lác trước Lời phán dạy của Chúa trong thời gian lâu dài:
“Con yêu Chúa quá muộn! Này Chúa vẫn ở trong con mà con cứ tìm Chúa bên ngoài... Chúa gọi con. Chúa la to và đã phá tan sự điếc lác của con. Chúa rực sáng. Chúa chiếu tỏa và đã xua tan sự mù loà của con...”
Cho đến năm 33 tuổi, đôi tai điếc của thánh Âu-tinh đã được Chúa Giêsu khai mở để đón nghe Lời Người.
Chúa Giêsu cho người điếc được nghe:
Qua bài đọc thứ nhất hôm nay, ngôn sứ Isaia đã báo trước một thời đại hồng phúc, thời Chúa Giêsu đến mở mắt cho người mù, mở tai cho người điếc: “Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được. Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai và miệng lưỡi người câm sẽ reo hò” (Is 35, 5-6).
Lời tiên báo đó đã được ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu qua trình thuật của thánh sử Máccô: “Hôm ấy, Đức Giêsu lại bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xi-đôn, đến biển hồ Ga-li-lê vào miền Thập Tỉnh. Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giêsu, và xin Người đặt tay trên anh. Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. Rồi Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: “Ép-pha-tha”, nghĩa là: hãy mở ra! Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng” (Mc 7, 31-35)
Hôm nay, nếu không được Chúa Giêsu và Thánh Thần của Người mở tai, chúng ta cũng chỉ là những người điếc trước những lời ban sự sống. Nếu không được Chúa Giêsu và Thánh Thần Người mở mắt, chúng ta mãi mãi vẫn chỉ là những người mù không thể nhận biết Thiên Chúa là Cha.
Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đã mở tai cho người điếc ở miền Thập tỉnh được nghe.
Chúa cũng đã thương cho đôi tai điếc lác của thánh Âu-tinh được mở ra để đón nhận những lời thần thiêng của Chúa.
Nay xin Chúa cũng cúi xuống trên chúng con, đoái thương tình cảnh “điếc lác” của chúng con, cho tai tâm hồn chúng con được sáng trước những lời dạy khôn ngoan của Chúa, là những lời có sức mang lại cho chúng con sự sống muôn đời.
24.Sự sống thiêng liêng
(Suy niệm của Cố Lm. Hồng Phúc)
Trong Thánh Thư gửi giáo đoàn hôm nay, Thánh Giacôbê mời gọi tín hữu kiểm xét lại cách đối xử với anh em. Ngài viết: “Anh em là những người tin vào Đức Kitô vinh hiển thì anh em đừng thiên vị ai”. Người ta có cảm tưởng rằng Thánh Tông đồ đã dự một cuộc họp cộng đoàn, đã mục kích những sự kiện xảy ra và buộc lòng phải lên tiếng. Người ta hay đặt vấn đề giai cấp, trọng người giàu, coi thường kẻ nghèo, miệng hô hào tình huynh đệ bình đẳng, nhưng cách cư xử lại phân chia giai cấp.
“Anh em xét xử thiên vị và trở nên những quan xét đầy tà tâm”. Không phải tiền của, sự giàu sang hay nghèo hèn làm nên giá trị của con người, nhưng là đức tin, nghĩa là sự chấp nhận và đặt để Thiên Chúa vào trong đời mình. Người giàu hay trở nên bần tiện và người nghèo thường hay cởi mở, biết chia sẻ với người khác và “trở nên giàu có và được hưởng Nước Trời”.
Thánh Marcô là vị ngôn sứ duy nhất đã thuật lại việc Chúa chữa lành một người câm và điếc. Những chi tiết rõ rệt và thú vị làm liên tưởng đến Phêrô người đã chứng kiến phép lạ tại chỗ, và đã kể cho đồ đệ chép lại. Chúa Giêsu từ địa hạt Tyrô, qua Siđan, đến gần biển Galilê giữa miền thập tỉnh. Người ta dẫn đến một người câm và điếc. Chúa đã chữa lành.
Câm và điếc là một tật bệnh gây đau khổ nhiều, vì nạn nhân bị cắt đứt mọi đối thoại với kẻ khác và sống một mình lẻ loi. Chúa tỏ ra thông cảm và yêu mến anh, nêu gương cho Giáo hội lập nên những tổ chức bác ái để trợ giúp hạng người xấu số đó, như các nhà gọi là “Nhà Effata” (Hãy mở ra), danh xưng trích từ đoạn Phúc Âm này.
Chúa đã làm gì? Phúc Âm nói: Ngài đem anh ra khỏi đám đông. Vì Ngài không muốn dân chúng coi việc người làm có tính cách phù thủy. Phép lạ là do quyền năng của Chúa thực hiện, thật ra không cần đến sự việc bên ngoài, mà do tình thương của Chúa, như trong phép lạ Chúa chữa người đàn bà loạn huyết. Ở đây, Chúa dùng nhiều tác động bên ngoài, để làm nên phép lạ, như đặt ngón tay vào tai, bôi nước miếng vào lưỡi và phán: “Ephpheta”, nghĩa là “hãy mở ra”, tức thì tai anh mở ra, lưỡi anh được tháo gỡ và nói được.
Phải chăng những tác động và lời nói ấy tiên báo các phép bí tích mà một ngày xưa kia Chúa sẽ thiết lập trong Giáo hội, để thông chuyển sự sống ơn thánh. Chúa sẽ dùng chất liệu bên ngoài như nước, dầu, bánh, rượu, hiệp với lời thánh hóa để ban sự sống thiêng liêng cho chúng ta.
Phép lạ Chúa làm cũng là một bài học cho môn đệ. Người môn đệ Chúa phải là người cởi mở, vừa đón nhận vừa thông chuyển Lời Chúa. Phải mở tai để nghe Lời Chúa và mở miệng để tuyên xưng đức tin, như nhà Tiên tri Isaia từng nói: “Đức Giavê đã cho tôi lưỡi của môn sinh, để tôi biết nâng đỡ người cùng khổ. Và sáng sáng, Người lay tỉnh tai tôi cho tôi biết nghe như những môn sinh” (Isaia 50, 4).
Chúng ta hãy cám ơn Chúa đã ban cho chúng ta ơn đức tin, ngày chúng ta lãnh nhận bí tích rửa tội. Chúng ta lãnh nhận bí tích rửa tội. Chúng ta được cởi mở khỏi xiềng xích tội lỗi và được đàm đạo với Chúa như với một người bạn chí thiết. Xin Chúa hãy đặt lên câu “Epphata –Hãy mở ra”, trên con để con được nghe, được suy niệm, được biết công bố Lời Chúa. Giáo hội tiên khởi đã đặt nghi thức vào lễ rửa tội.
Hồi ấy, Hiêrônimô (342-420) là một văn hào lỗi lạc về văn chương cổ điển và không biết gì mấy về Thiên Chúa. Người say mê đọc các tác phẩm của Cicéron. Một hôm, người nghe tiếng Chúa hỏi:
- Hiêrônimô, con là môn đệ của ai?
- Thưa con là môn đệ của Chúa.
- Không phải, con là môn đệ của Cicéron!
Từ đó, Hiêrônimô giác ngộ và quyết chí học hỏi Lời Chúa. Ngài được ơn Epphata. Ngài qua thánh địa vào ẩn tu trong hang đá Bêlem để phiên dịch Thánh Kinh, để suy niệm Lời Chúa, sống trong khung cảnh Chúa đã sống. Ngài đã nói: “Ai không hiểu biết Thánh Kinh là không biết Chúa Giêsu”. Bản dịch Vulgate (phổ thông) của ngài đã được Công đồng Triđentinô (thế kỷ XVI) nhìn nhận là phù hợp với đức tin và được coi là bản dịch chính thức của Giáo hội.
“Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe: Chúa có lời ban sự sống đời đời” (Ga. 1, 14 – Đáp ca).
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam