Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 68
Tổng truy cập: 1362252
KHÁT SỐNG
KHÁT SỐNG
(Suy niệm của Lm Ignatiô Trần Ngà)
Con người có nhiều cơn khát: Khát tiền, khát danh vọng, khát quyền lực, khát tình yêu, khát hạnh phúc… Và trong hàng loạt cơn khát đó, thì khao khát được sống là cơn khát mãnh liệt nhất, thúc bách nhất, khẩn thiết nhất.
Để đáp ứng khao khát này, người ta sẵn sàng lao động vất vả, chấp nhận muôn vàn hy sinh gian khổ để nuôi sống mình, để vun đắp cho đời sống mình được sung túc hơn.
Rồi khi sự sống bị đe dọa trầm trọng bởi bệnh tật, như bị ung thư chẳng hạn, người ta sẵn sàng bán hết tất cả những gì mình có để chạy chữa đến cùng, hễ còn nước thì còn tát…
Vì quý trọng mạng sống nên từ cổ chí kim, không ai trên đời chịu đem mạng sống mình để đổi lấy trân châu bảo ngọc hay phú quý giàu sang hoặc quyền cao chức trọng... Sự sống luôn luôn là trên hết.
Tuy nhiên, đời sống con người cũng như bông hoa sớm nở chiều tàn, như bóng đèn hiu hắt trước gió… Dù ta có tiếc nuối, có kìm giữ, có níu kéo cách nào đi nữa, cũng không thể giữ lại sự sống cho mình. Đến ngày, đến hạn, nó sẽ ra đi.
Vì thế, mọi người đều nơm nớp lo sợ thời khắc định mệnh ấy, lo sợ ngày tang tóc ấy, không biết sẽ chụp xuống lúc nào.
Thần Chết như đang lởn vởn, rình rập đâu đây, sẽ vung lưỡi hái ra tước đoạt mạng sống người ta bất cứ lúc nào!
Hy vọng đã bừng lên
Thế rồi, một niềm vui và hy vọng đã bừng lên: Giữa khung trời u tối và tang tóc vì sự sống sẽ mất đi và sự chết đang bao trùm ấy… bỗng lóe lên một tia chớp hy vọng, hy vọng được cứu sống.
Qua việc làm cho La-da-rô, một thanh niên đã chết bốn ngày, mùi tử khí đã xông lên nồng nặc, được sống lại và trở về với cuộc sống, Chúa Giê-su mang đến nhân loại một tin vui, tin vui đó là Ngài sẽ ban lại sự sống cho những ai lìa trần và không chỉ ban cho họ sự sống đời này mà thôi, nhưng còn ban sự sống vĩnh cửu đời sau. Ngài khẳng định điều đó với cô Mác-ta: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11, 25).
Thế là nhờ Chúa Giê-su, bóng đêm sự chết không còn bao phủ địa cầu. Ngài đến xé tan màn đêm sự chết, tiêu diệt thần chết và ban lại sự sống cho những ai tin vào Ngài.
Thế thì từ đây, nhân loại nắm được một bí quyết rất đỗi tuyệt vời để dành lại sự sống và đạt tới sự sống đời đời, đó là TIN vào Chúa Giê-su. Thế là từ đây, ước mơ cao cả nhất, khát vọng lớn lao mãnh liệt nhất của con người đã được Chúa Giê-su đáp ứng.
Muốn được thoát chết và được sống muôn đời muôn kiếp với Thiên Chúa trên thiên đàng, thì mỗi người phải TIN vào Chúa Giê-su, nhưng không phải là tin suông, vì tin mà không có hành động kèm theo thì vô nghĩa; Ai thực sự tin Chúa Giê-su thì phải thực hành giáo huấn của Ngài, noi gương bắt chước Ngài và sống như Ngài đã sống.
Lạy Chúa Giê-su là nguồn ban sự sống cho trần gian,
Không gì trên đời quý bằng được sống. Không gì đáng khao khát cho bằng sự sống đời đời.
Xin cho chúng con luôn kết hợp với Chúa cách mật thiết, như bàn tay kết hợp với thân mình… để được đón nhận sự sống đời đời do Chúa truyền ban và kiên quyết không bao giờ phạm tội trọng để khỏi đánh mất sự sống muôn đời. Amen.
17.Nối kết với Chúa Giêsu là Nguồn ban Sự Sống
(Suy niệm của Lm Ignatiô Trần Ngà)
Sự sống vô cùng quý báu
Mạng sống hơn đống vàng. "Thà là một con chó (đang) sống còn hơn là một con sư tử chết." (nhà văn Jack London)
Ai cũng khao khát sống, sống lâu sống khoẻ, trẻ mãi không già.
Người ta mưu cầu sự sống bằng đủ mọi cách, với bất cứ giá nào.
Nếu có phương thuốc trường sinh, thì dù phải mua với giá cao ngất, thậm chí phải bán cả gia tài mới đủ, người ta cũng quyết mua cho bằng được.
Thế nhưng, cuộc sống lại quá mỏng giòn
Thực tế cho thấy cuộc sống hiện tại thật mỏng giòn, mong manh, tạm bợ. Như quả bóng bóng xà phòng do một em bé thôi lên, trông long lanh hấp dẫn, óng ánh muôn màu. Nhưng rồi, bụp một cái! Nó tan biến hết, chẳng còn gì!
Vì thế mà một nhà thơ Việt nam, ông Nguyễn công Trứ than rằng: "Ôi, nhân sinh là thế, như bóng đèn, như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao..."
* * *
Cái chết của Ladarô nói lên thân phận mong manh kiếp người
Cuộc đời của Ladarô cũng mong manh như thế. Đang nửa chừng xuân, đang tuổi còn dồi dào sức sống, Ladarô vội vã từ giã cuộc đời, để lại vô vàn đau thương tiếc nuối cho thân nhân cũng như bè bạn.
Đó là một mất mát vô cùng lớn lao mà không gì trên đời bù đắp nổi. Mất gì người ta cũng có thể kiếm lại được và có thể tậu lại cái mới tốt hơn; còn mất mạng sống là mất tất cả và dường như chẳng còn cách nào phục hồi lại được!
Chính vì thế mà khi Lagiarô chết đi, bà con họ hàng vô cùng thương tiếc. Cho dù Lagiarô đã an nghỉ trong mộ bốn ngày rồi mà hai người chị là Matta và Maria vẫn còn ngậm ngùi thổn thức... Ngay cả Chúa Giêsu khi đến thăm mộ cũng không cầm được nước mắt trước cái chết của người thanh niên còn xuân trẻ nầy.
Khát vọng lớn nhất của nhân loại là khát sống. Cho dù cuộc sống hôm nay chỉ là tạm bợ, nay có mai không, có nhiều đắng cay cơ cực, có nhiều vất vả muộn phiền, nhưng ai ai cũng khát khao được sống.
Chúa Giêsu đem lại sự sống đời đời cho nhân loại
Vậy phải tìm đâu cho có sự sống lâu bền? Phải làm gì để biến đổi đời sống mau qua trở thành vĩnh cửu?
Qua Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta bí quyết. Ngài tỏ cho Matta và Maria biết bí quyết nầy: "Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta thì dù có chết cũng sẽ được sống".
Nếu chỉ nói suông thì lời nói đó chẳng có giá trị gì. Điều quan trọng là lời khẳng định của Chúa Giêsu được củng cố bằng sự việc kèm theo. Dù Lagiarô đã chết và được mai táng trong mộ bốn ngày rồi, thân xác bắt đầu sình lên và đã nặng mùi, thế mà khi Chúa Giêsu kêu gọi: "Lagiarô, hãy ra đây!" thì người chết bắt đầu vươn vai chỗi đậy, bước ra khỏi mồ theo lời Chúa truyền dạy trước sự kinh ngạc của những người chứng kiến, trước sự hoan hỉ khôn tả của thân nhân họ hàng.
Sự kiện Chúa Giêsu làm cho Lagiarô sống lại, kèm theo sự kiện chính Ngài đã tự mình sống lại sau khi đã chết trên thập giá và mai táng trong mồ... chứng tỏ rằng Ngài là Đấng hằng sống và có thể ban sự sống cho mọi người.
Hãy kết nối với Chúa Giêsu để nhận được sự sống đời đời
Chúa Giêsu là Nguồn ban sự sống. Muốn sống đời đời thì hãy nối kết với Chúa Giêsu.
Bóng đèn muốn được toả sáng thì phải được nối kết với nguồn điện.
Cành nho muốn được trổ sinh hoa trái phải được tháp nhập vào thân nho.
Bàn tay muốn sống còn và hoạt động thì phải liên kết với cơ thể.
Con người muốn được sống dồi dào và vĩnh cửu thì phải nối kết với Nguồn ban sự sống là Chúa Giêsu.
* * *
Lạy Chúa Giêsu, qua bí tích Rửa Tội, Chúa đã nối kết chúng con nên một với Chúa, để được trở thành chi thể của Chúa.
Qua bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu cho chúng con được trở nên đồng huyết nhục với Chúa và từ đó, sự sống thần linh của Chúa được thông truyền cho chúng con.
Tiếc thay, khi phạm tội trọng, chúng con đã tự cắt lìa mình ra khỏi Chúa như cành nho lìa thân nho, như bàn tay bị cắt lìa khỏi cơ thể và như thế chúng con đánh mất sự sống đời đời.
Xin cho chúng con sớm giao hoà với Chúa qua bí tích Giải Tội, để được nối kết lại với Chúa và để cho sự sống thần linh của Chúa tiếp tục thông truyền cho chúng con.
18.Sự sống – Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Sự sống là một mầu nhiệm. Tạo hóa trao ban sự sống cho mọi loài: Thực vật, động vật và loài người. Khí thở là nguồn của sự sống. Mọi loài sống đều cần có không khí để hít thở và nuôi dưỡng. Sự sống di động trong toàn thân. Trong thân thể con người, khi hơi thở và máu huyết ngưng đọng, con người sẽ chết. Mỗi người đều có một sự sống riêng biệt. Sự sống nơi mỗi người có thể kéo dài cả trăm năm và cũng có thể tan bay trong khoảnh khắc. Sư sống dài hay ngắn không quan trọng bằng sống cho có ý nghĩa và hữu ích. Thiên Chúa là chủ tể của sự sống. Sự sống tiếp nối sẽ không bị tiêu diệt, chỉ có xác thể sự sống bị chết. Tiên tri Edêkien đã viết: Ta sẽ cho các ngươi thần trí của Ta và các ngươi sẽ được sống, Ta sẽ cho các ngươi an cư trên đất các ngươi, và các ngươi biết rằng: Ta là Chúa, chính Ta đã phán và đã thi hành (Ez 37, 12-14). Thiên Chúa là Chúa và là tác giả của mọi sự sống. Con người không thể sáng tạo sự sống mà chỉ bắt chước và tạo môi trường để sự sống phát triển.
Dựa vào các diễn tiến của sự sống tự nhiên, các nhà khoa học đã tìm hiểu nguyên nhân, cách kết cấu và sự vận hành phát triển của các tế bào để tạo cơ hội phát triển. Khoa học hiện nay có thể giúp kéo dài sự sống nơi con người như lắp ghép tim, gan, thận, xương hay tiếp máu và thay máu. Có nghĩa là khi con người còn có hơi thở sự sống, cho dù sức yếu, các nhà chuyên môn có thể tiếp giúp tăng cường và kéo dài sự sống. Nhưng một khi sự sống đã ngừng, trái tim ngưng đập, ngưng thở, óc chết và các tế bào ngừng hoạt động và sự chết đến, con người đành bó tay. Trong một khoảng thời gian ngắn nào đó, sau khi chết, một số cơ phận trong con người có thể được xử dụng ngay để phẫu thuật ghép. Một số trường hợp, các bác sĩ có thể dùng một số cơ phận của những người mới qua đời để lắp ghép cho các bệnh nhân cần. Người đã chết không thể trở lại với cuộc sống. Họ vĩnh biệt ra đi.
Bài phúc âm hôm nay kể câu chuyện dài nói về sự kiện Chúa Giêsu cho ông Ladarô đã chết và chôn trong mồ bốn ngày được sống lại. Chúa Giêsu tỏ uy quyền trên sự sống. Diễn tiến của câu chuyện có nhiều chi tiết rất tỉ mỉ. Chúa dự phòng sự việc Chúa sẽ thực hiện tại Bethania, Chúa nói: Nhưng Ta mừng cho các con, vì Ta không có mặt ở đó để các con tin. Vậy chúng ta đi đến với anh ấy (Ga 11, 15). Khi nghe tin Ladarô đau bệnh thập tử nhất sinh, Chúa Giêsu còn lưu lại nơi Chúa đang giảng dậy ít ngày nữa. Chúa dùng cơ hội này để tỏ uy quyền Thiên Chúa và mạc khải về sự sống và sự sống lại. Đây là một đề tài đức tin chính yếu và rất quan trọng. Chúa đã mạc khải một cách tiệm tiến dựa vào lòng tin yêu của con người. Chúa Giêsu nói: Em con sẽ sống lại (Ga 11, 23).
Trước khi làm phép lạ vĩ đại này, Chúa Giêsu đã khơi niềm tin: Chúa Giêsu nói: “Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống (Ga 11, 25). Dầu có chết cũng sẽ được sống, lời nói như một mệnh lệnh và một sự xác tín trong niềm tin. Chị em Martha và Maria, các tông đồ và những người đi theo Chúa vẫn như còn trong mơ. Sự việc Chúa sắp thực hiện hoàn toàn vượt ngoài sức tưởng tượng của con người. Người chết chôn bốn ngày thì xác đã thối rữa rồi. Sự sống mà Chúa ban lại cho ông Ladarô là sự sống mới trong thân xác đã chết. Nói rồi, Người kêu lớn tiếng: “Ladarô! Hãy ra đây!”(Ga 11, 43). Và kìa, lời quyền năng đã thành hiện thực: Người đã chết đi ra, chân tay còn quấn những mảnh vải, trên mặt còn quấn khăn liệm. Chúa Giêsu bảo:”Hãy cởi ra cho anh ấy đi” (Ga 11, 44).
Ông Ladarô đã sống lại và đi ra khỏi mồ. Ông đã sống thêm được một khoảng thời gian trên dương trần, nhưng ông cũng đã chết theo luật tự nhiên. Chỉ có Thiên Chúa làm chủ sự sống. Muốn bước vào sự sống vĩnh cửu thì mỗi người đều phải bước qua ngưỡng cửa sự chết. Đây là vấn đề hoàn toàn của niềm tin. Chúng ta không thể lý luận và đưa ra chứng cứ cụ thể. Tin rằng con người phải trải qua sự chết mới được vào cõi sống. Thân xác này sẽ trở về cát bụi trong lòng đất và hồn thiêng sẽ tiếp tục sống chờ đợi ngày được sống lại kết hợp cả hồn và xác để hưởng hạnh phúc bất diệt. Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh hạt lúa mì gieo xuống đất: Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác ((Ga 12, 24).
Niềm tin vào Đức Kitô là niềm tin hy vọng tuyệt đối. Từ bao đời, đã có biết bao thế hệ con người đã qua đi. Thân xác bị hủy diệt và trở về tro bụi. Thánh Phaolô tông đồ đã xác tín với chúng ta về Tin mừng cứu độ nơi Chúa Kitô, ngài nói: Nhưng nếu Chúa Giêsu Kitô ở trong anh em, cho dù thân xác đã chết vì tội, nhưng tinh thần vẫn sống vì đức công chính (Rm 8, 10). Con người có linh hồn và thể xác. Sự sống là sự kết hợp giữa hồn và xác. Khi hồn lìa xác, con người sẽ đi về cõi sau. Vì thân xác là tro bụi và sẽ trở về bụi tro. Tinh thần hay linh hồn không bị tiêu diệt vì hồn thiêng liêng. Thánh Phaolô nói tinh thần vẫn sống vì đức công chính.
Chúng ta đặt niềm tin tưởng vào Chúa Kitô là nguồn ban sự sống. Chúa Kitô là hoa qủa đầu mùa của những kẻ yên giấc. Chúa Giêsu đã sống lại từ cõi chết và không còn chết nữa. Sự chết không còn làm chủ được Người nữa. Thánh Phaolô đặt trọn niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh: Và nếu Thánh Thần của Đấng đã làm cho Đức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại ở trong anh em, thì Đấng đã làm cho Đức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại cũng cho xác phàm hay chết của anh em được sống, nhờ Thánh Thần ngự trong anh em (Rm 8, 12). Đây là niềm tin và niềm hy vọng của chúng ta đang trong cuộc lữ hành dương thế. Chúng ta đã đầu tư và đánh đổi cả cuộc đời để tin tưởng vào sự sống và sự sống lại ngày sau. Chúng ta bước đi trong niềm tin, chứ không bằng thị giác (walk by faith, not by sight). Vì nếu Chúa Kitô không sống lại, thì tất cả niềm tin của chúng ta trở thành trống rỗng và vô nghĩa.
Những đề tài của các Chúa Nhật Mùa Chay, chu kỳ năm A, đã từng bước dẫn chúng ta đi sâu vào niềm tin nội tâm. Lần lượt mỗi tuần một đề tài: Chúa vào hoang địa ăn chay, cầu nguyện và chịu những cơn cám dỗ; Chúa Biến Hình sáng láng; Chúa ban nước hằng sống cho người phụ nữ Samaria và dẫn vào con đường sự thật; Chúa chữa người mù từ bẩm sinh và Chúa cho người đã chết sống lại. Đây là hành trình đức tin, Giáo Hội đã từng bước dẫn dắt chúng ta suy tư sâu lắng vào mầu nhiệm ơn cứu độ mà Thiên Chúa đã sắp sẵn. Trong câu chuyện đối thoại với chị em Martha và Maria: Chúa Giêsu lại nói: “Ta chẳng bảo con rằng: Nếu con tin, thì con sẽ xem thấy vinh quang Thiên Chúa sao?” (Ga 11, 40). Tất cả niềm tin qui vào Chúa Giêsu Kitô. Chúa Giêsu đã đi trước mở cửa ngõ vào cõi trường sinh bất diệt. Chúng ta không thể đi con đường nào khác ngoài bước theo con đường Chúa đã đi. Bước theo Chúa, phải trải qua đau khổ để vào vinh quang.
Mùa chay là mùa tịnh tâm, cầu nguyện và tập luyện các nhân đức: Đức tin, đức cậy và đức mến. Đức mến phủ trùm mọi khía cạnh của cuộc sống. Mỗi một lời nói, cử chỉ và hành động bác ái, chúng ta cần phản ánh tình yêu thương chia sẻ. Con đường dẫn vào Nước Trời được xây trên nền tảng của tình bác ái yêu thương. Tình yêu mạnh hơn sự chết. Chúa Kitô vì yêu thương nhân loại đã hiến mình chịu đau khổ, chịu chết trên thánh giá và đã sống lại vinh quang.
Lạy Chúa, Chúa là sự sống và là sự sống lại. Xin cho chúng con biết sống xứng đáng và sinh ích trong cuộc sống đời tạm này, để sinh hoa kết qủa tốt đẹp đáng hưởng hạnh phúc mai sau.
19.Cho một niềm tin - Thiên Phúc
(Trích “Như Thầy Đã Yêu”)
Thời chiến quốc, có người đem dâng vua nước Sở một vị thuốc bất tử. Người ấy bưng vịt huốc vào, viên quan canh cửa hỏi rằng:
- Vị thuốc này có uống được không?
Người ấy đáp:
- Uống được.
Tức thì viên quan giật lấy mà uống. Chuyện đến tai vua. Ông liền bắt viên quan đem giết. Viên quan kêu rằng.
- Thần đã hỏi người đem dâng thuốc. Người ấy nói rằng: “uống được”, nên thần mới dám uống. Thế là thần vô tội mà lỗi ở người dâng thuốc. Vả chăng, người đem dâng thuốc nói là thuốc bất tử. Thế mà thần mới uống vào đã sắp phải chết, vậy là thuốc thử chứ sao gọi là thuốc bất tử được? Nhà vua giết thần, thực là bắt tội một người vô tội. Hơn nữa, còn chứng tỏ rằng thiên hạ dối được nhà vua mà nhà vua vẫn tin.
Vua nghe nói có lý, bèn tha cho viên quan ấy, không giết ông nữa.
***
Làm gì có thuốc bất tử trên trần gian này! Chỉ có những kẻ quá ham sống sợ chết nên mới mơ tưởng đến loại thần dược chỉ có trong huyền thoại. Chúng ta không bao giờ có thể thuyết phục cái chết dời xa cánh cửa đời ta.
Thực ra, vẫn có sự sống bất tử, nhưng là trong cuộc sống đời sau. Tuy nhiên, vị thuốc bất tử ấy người ta lại phải chiếm hữu cho bằng được trong cuộc sống đời này. Tin mừng hôm nay giới thiệu cho chúng ta vị thuốc bất tử ấy: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy sẽ không bao giờ phải chết (Ga 11,25-26). Vâng, chính “niềm tin vào Đức Kitô” là một bảo đảm tuyệt đối để được sống mãi muôn đời. Đâu phải chỉ vì tình bạn thân thiết với Ladarô mà Đức Giêsu cho ông được sống sau khi chôn bốn ngày trong huyệt đá, mà chính là niềm tin của Maria và Macta vào Đức Kitô là “sự sống và là sự sống lại” (c.25).
Phép lạ cho Ladarô sống lại chỉ là chuẩn bị cho một phép lạ vô cùng lẫy lừng, một phép lạ trọng đại nhất trong đạo, chính là Đức Giêsu Kitô đã chết và đã sống lại vinh quang mà chúng ta sẽ cử hành trong Tuần Thánh sắp đến. Đức Kitô chết và sống lại là để dẫn đưa con người từ cõi chết trở về cõi sống, từ nơi tạm bợ về chốn vĩnh hằng. Đó là niềm tin của người tín hữu, cũng là đức tin của Kitô giáo. Niềm tin đó bảo đảm cho sự trường tồn của Giáo Hội. Thánh Phaolô nói: “Nếu đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của mình” (1Cr 15,17)
Tin Đức Kitô là “sự sống lại và là sự sống”, chính là sống yêu thương tự hiến như Đấng đã sống và đã chết cho tình yêu.
Tin Đứ Giêsu là “sự sống lại và là sự sống” chính là chết đi cho tội lỗi để được sống lại vinh quang với Đấng Phục Sinh.
Tin Đức Giêsu là “sự sống lại và là sự sống”, chính là chết cho tình yêu trần thế, để sống cho niềm tin Nước Trời.
***
Lạy Chúa, trong đoạn Tin mừng hôm nay có một câu ngắn nhất trong toàn Kinh Thánh. Đó là câu “Đức Giêsu liền khóc” (Ga 11,35). Ngắn nhất nhưng lại bày tỏ một tình yêu sâu đậm nhất Chúa dành cho Ladarô.
Xin cho mối tình thân thiết của chúng con với Chúa ngày càng mật thiết hơn, để chúng con cũng được Chúa thương, cho cùng sống lại với Chúa trong vinh quang đời đời. Amen.
20.Niềm tin sự sống
Biến cố sập nhịp cầu Cần Thơ 26.09.2007 là biến cố gây kinh hoàng và ám ảnh của các gia đình và người thân của gần 100 sinh mạng phải mất đi vĩnh viễn mà không một lời từ biệt. Những người thân chỉ còn biết kêu gào đau khổ trong tuyệt vọng. Lúc đó hình ảnh nhịp cầu với những thanh sắt to nằm tua tủa trong những khối bê tông nặng hàng ngàn kilôgram. Nó như một nấm mồ khổng lồ chôn tập thể những người thân mình mà không biết cầu cứu cùng ai. dẫu rằng trong cuộc sống ai cũng biết sinh - lão - bệnh - tử là điều không thể tránh khỏi nhưng khi mất người thân thì ai cũng phải đau buồn. Maria và những người Do Thái cũng đau buồn khóc lóc trước cái chết của Lazarô.
Trước nỗi đau khổ đó, Đức Giêsu cũng có một thái độ đầy tình người: "các ngươi đặt ông ấy ở đâu?". Và Người bật khóc, do đo người Do Thái mới nói: "kia xem! Ông ta thương anh Lazarô biết mấy!". Nhiều lối giải thích cho rằng Đức Giêsu thương Lazarô nên đã khóc. Lối cắt nghĩa này không hoàn toàn sai. Nhưng có một điều hơi khúc mắc là tại sao Ngài biết chắc mình sắp cho Lazarô sống lại mà con khóc thương? Điều đó hơi có phần vô lý. Ngoài ra, Thánh sử còn diễn tả tâm tình Đức Giêsu qua việc "Đức Giêsu thổn thức trong lòng và xao xuyến. Người ta luôn thắc mắc về ý nghĩa các tâm tình đó. Có kẻ xem đây là cơn giận của Chúa Giêsu đối với cái chết mà tác giả của nó là Satan. Số khác lại coi đây là cơn giận của Ngài vì sự cứng lòng tin của những người Do Thái. Điều đó có thể hợp lý hơn, vì cái chết và cứng lòng tin đều quy về Satan như nguyên nhân tác thành. Quả thật, Đức Giêsu không phải cho thân xác Lazarô sống lại để kéo dài thêm tuổi thọ ở trần gian. Nhưng muốn cho con người thấy được Thiên Chúa sẽ ban cho những người tin vào Người sự sống ở trần gian. Như trong bài Tin Mừng Đức Giêsu đã khẳng định: "Phục sinh và sự sống chính là Ta, ai tin vào Ta thì dẫu chết cũng sẽ sống và mọi kẻ sống mà tin vào Ta, sẽ không phải chết bao giờ. Ngươi có tin thề không?"
Trong câu chuyện Gioan tường thuật ta cứ ngỡ Lazarolà nhân vật chính, nhưng đi sâu vào bài Tin Mừng, ông chỉ là chất xúc tác đặc biệt làm rõ lên tính cách của các nhân vật khác. Dĩ nhiên tất cả các nhân vật đó đều phải tuỳ thuộc vào Đức Kitô. Người đã từng bước dẫn các nhân vật trong câu chuyện từng bước đến ánh sáng Phục Sinh, Ánh Sáng của sự sống lại. Hầu như lúc đó tất cả còn đang trong nỗi sợ hãi và suy nghĩ của người đời, nào là Mátta, nào là Maria và vô số những người Do Thái đang đến chia buồn với họ. Nhân cơ hội này, Đức Giêsu đã đưa họ đến với niềm tin Phúc Sinh.
Mặc dầu Đức Giêsu rất thương Lazarô, nhưng Ngài lại quan tâm đến việc quan trọng hơn, đó là đức tin của những người đang có mặt. Và để khẳng định mục đích và ý nghĩa của việc sắp làm, người đã ngước mắt lên mà nói: "ngõ hầu họ tin rằng Cha đã sai Con". Nói thế, Người lớn tiếng gọi Lazarô và ông ra khỏi mồ.
Chắc chúng ta cũng không lấy làm bỡ ngỡ, khi Giáo hội chọn Chúa Nhật V Mùa Chay để công bố Tin Mừng Đức Giêsu cho Lazarô Phục Sinh, là dịp để chúng ta đón nhận đại lễ Phục Sinh sắp đến. Quyền năng Thiên Chúa sẽ chiến thắng tử thần. Trong khi Lazarô chết đã 4 ngày được Đức Giêsu cho sống lại, chứng tỏ cho mọi người thấy quyền năng của Thiên Chúa trên sự chết. Sự chiến thắng mà chúng ta sẽ được thấy rõ hơn trong chính sự Phục Sinh của Người. Ngày đó, tử thần hoàn toàn bị đánh bại và niềm hy vọng vào một cuộc sống mới, cuộc sống trường cửu sẽ được ban tặng cho chúng ta.
Khi mà con người đã đủ niềm tin vào sự Phục Sinh, thì cái chết như là một sự biến đổi. chính Đức Giêsu đã mở cánh cửa niềm tin cho mọi người, Ngài đã đập tan đêm tối buồn phiền, u mê bằng cách đập tan cửa mồ ngăn cách để đưa con người đến một chân trời hy vọng tràn đầy niềm vui. Người có toàn quyền ban cho ta cuộc sống mới đó. Cuộc sống mà Người đã làm cho người bạn mình là Lazarô. Do đó, Người cũng ban cho chúng niềm hy vọng vào cuộc sống bất diệt trong đó chỉ có tình yêu ngự trị không còn bóng dáng của tội lỗi và sự chết. Như Đức cố Hồng y Px. Nguyễn Văn Thuận đã nói trong đường hy vọng: "Đối với Kitô hữu không có người chết. Tất cả các kẻ chết của chúng ta vẫn đang sống. Họ là chi thể của Chúa Kitô như chúng ta, chúng tôi thông hiệp với nhau trong đức tin".
Lạy Chúa! Xin cho con biết hướng về cuộc sống mai sau chính là cuộc sống mà thiên Chúa đã dành sẵn cho mỗi người chúng con. Amen.
21.Thời gian là của Chúa – Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền
Nếu được hỏi cái gì cần nhất? Có lẽ nhiều người trong chúng ta sẽ trả lời là tiền. Vì tiền là Tiên, là Phật. Thế nhưng, có một thứ mà tiền cũng không thể mua được, đó là thời gian. Thời gian khép lại cũng đồng nghĩa mọi sự sẽ qua đi chẳng còn ích lợi gì cho chúng ta. Dù rằng chúng ta có khối tài sản lớn. Dù rằng chúng ta có một địa vị cao. Thời gian chấm hết thì mọi sự cũng sẽ chia tay chúng ta. Hơn nữa, thời gian của con người thật mong manh tựa như bóng câu qua cửa sổ, tựa như cơn gió thoảng qua...
Có một người rất keo kiệt, lúc nào cũng chắt bóp chẳng dám ăn tiêu gì. Tích cóp cả đời, anh ta để dành được cả một gia tài lớn.
Không ngờ một ngày, Thần Chết đột nhiên xuất hiện đòi đưa anh ta đi. Lúc này anh ta mới nhận ra mình chưa kịp hưởng thụ chút gì từ số tiền kia. Anh ta bèn nài nỉ:
- Tôi chia một phần ba tài sản của tôi cho Ngài, chỉ cần cho tôi sống thêm một năm thôi.
- Không được. – Thần Chết lắc đầu.
- Vậy tôi đưa Ngài một nửa. Ngài cho tôi nửa năm nữa, được không? – Anh ta tiếp tục van xin.
- Không được. – Thần Chết vẫn không đồng ý.
Anh ta vội nói:
- Vậy… tôi xin giao hết của cải cho Ngài. Ngài cho tôi một ngày thôi, được không?
- Không được. – Thần Chết vừa nói, vừa giơ cao chiếc lưỡi hái trên tay.
Người đàn ông tuyệt vọng cầu xin Thần Chết lần cuối cùng:
- Thế thì Ngài cho tôi một phút để viết chúc thư vậy.
Lần này, Thần Chết gật đầu. Anh run rẩy viết một dòng:
- Xin hãy ghi nhớ: “Bao nhiều tiền bạc cũng không mua nổi một ngày”.
Hóa ra ở đời điều quan trọng không phải là tiền. Điều quan trọng là mình biết sử dụng thời gian có ý nghĩa hay không? Có tiền mà sống vô nghĩa cũng uống phí. Có tiền mà không biết tận hưởng hạnh phúc cuộc sống cũng bằng thừa. Thế nên, hãy biết trân trọng thời gian. Hãy làm việc tích đức cho cuộc đời. Đừng để uổng phí cuộc đời trong những đam mê của danh lợi thú. Thời gian sẽ trôi qua không chờ không đợi. Thời gian sẽ qua đi như hoa sớm nở chiều tàn. Hãy sống cho có ý nghĩa là sống có ích cho tha nhân, cho cuộc đời. Đừng chỉ sống cho mình kẻo uổng phí thời gian.
Người ta cho rằng tuổi thọ trung bình của người Việt là 70 năm. Nhưng trong 70 năm ấy, có người sống trọn nhưng không để lại thứ gì cho đời. Có người sống 30 năm nhưng lại để lại biết bao điều tốt đẹp cho đời.
Thiên Chúa là chủ thời gian. Chính Ngài làm chủ sự sống của chúng ta. Sống chết đều nằm trong sự quan phòng của Ngài. Thế nên, hãy sống trong ân nghĩa với Ngài. Hãy sống trong sự hiệp nhất với Đấng làm chủ cuộc đời chúng ta, để chính Ngài sẽ cho chúng ta được sống và sống đời đời.
Lagiarô dầu được Chúa trả lại sự sống một lần nhưng rồi với quy luật thời gian, ông cũng chết như bao người khác. Điều quan trọng và quý giá của cuộc sống là biết sống trong ân nghĩa với Thiên Chúa, biết sống kết hợp trọn vẹn với Thiên Chúa cả ở đời này lẫn đời sau. Nhờ vậy mà chúng ta được sống hạnh phúc đời này và cả đời sau.
Giả dụ như chúng ta cũng được như Lagiarô Chúa cho chết rồi sống lại. Chúng ta sẽ sống cuộc sống còn lại như thế nào? Liệu có còn muốn bon chen, tích góp, giành giật hay sống dành thời gian cho có ý nghĩa với gia đình, với cuộc đời. Nếu ai đã từng trải qua bệnh tật thập tử nhất sinh có lẽ sẽ cảm nghiệm điều này: tiền tài, danh vọng chẳng là gì một khi đã nhắm mắt xuôi tay. Một khi mình không có nắm giữ được chúng nữa thì những gì mình tích góp cũng uổng công.
Đồng tiền không mua được thời gian, ước gì chúng ta biết sử dụng thời gian cho hợp lý. Xin đừng vì danh lợi thú mà sống xa rời Thiên Chúa, lỗi luật với Ngài để rồi chúng ta sẽ mãi lạc vào cõi hư vong. Ước gì chúng ta biết noi gương Chúa Giê-su sống trọn vẹn thời gian trong sự kết hợp với Chúa Cha và phục vụ tha nhân với hết khả năng của mình. Có như vậy chúng ta mới sống tròn ý nghĩa cuộc đời là tôn vinh Thiên Chúa và phục vụ tha nhân. Amen.
22.Niềm tin tín thác – Lm Giuse Tạ Duy Tuyền
Cuộc đời có đau khổ, có hạnh phúc. Đau khổ và hạnh phúc hoà quyện vào nhau làm thành một cuộc đời đầy thi vị và ý nghĩa. Tựa như chanh và đường có vị ngọt vị chua. Cuộc đời cũng có ngọt ngào của hạnh phúc và có cả chua cay của khổ đau. Thế nhưng, nhiều người lại sợ hoà những vị chua, vị cay vào kiếp người. Họ sợ đau khổ. Họ sợ bất hạnh. Họ sợ nghi nan. Đối với họ, Thiên Chúa là lá bùa hộ mệnh để đảm bảo cho họ một cuộc đời an vui hạnh phúc. Họ cho rằng, dấu chỉ sự hiện hữu của Thiên Chúa là đẩy lùi sự dữ ra khỏi cuộc đời của họ. Có Chúa thì không thể có bất hạnh, không thể có khổ đau.
Đó là điều mà Matta và Maria đã từng nghĩ như thế! Các bà đã trách Thầy "nếu Thầy ở đây thì em con không chết". Thế nhưng, Lagiaro đã chết! Phải chăng hai bà cũng ngầm trách Chúa, lúc đó Thầy ở đâu? Lúc mà Lagiaro đang ốm nặng? Lúc mà tình thế có thể được cứu vãn? Nếu Thầy đến nhanh hơn một chút thì có lẽ đã chẳng có thảm cảnh hôm nay.
Thực vậy, khi Chúa Giêsu đến nhà Matta và Maria thì Lagiaro đã chết và đã chôn cất được 4 ngày rồi. Một thời gian đủ để thân xác có thể bắt đầu tan rã để hoà trộn với bùn đất. Dầu vậy, ở đây chúng ta thấy đức tin trổi vượt của Matta, một đức tin không lay chuyển trước thử thách để có thể thưa lên với Chúa rằng: "nhưng bây giờ con biết. Bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho". Quả là một đức tin tinh tuyền, tuyệt đối, không lay chuyển trước sóng gió cuộc đời. Matta là một con người thật chân thành, bộc trực. Bà trách Chúa nhưng lòng bà vẫn tin vào quyền năng của Chúa. Trong đau khổ bà vẫn không tuyệt vọng. Thế nên, Chúa đã nói cùng bà: "Em con sẽ sống lại". Matta ngạc nhiên hơn là cảm động. Bà không hiểu nổi và chỉ ú ớ tuyên xưng: "Con biết em con sẽ sống lại khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết". Lúc này Chúa Giê su làm nổ tung một bí ẩn, chiếu sáng đức tin và đòi hỏi một lòng tin tín thác: "Thầy là sự sống và là sự sống lại. Ai tin Thầy thì dù có chết cũng sẽ sống lại, chị có tin được như thế không? Matta thưa: "Thưa Thầy con tin. Con tin Ngài là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến trong thế gian".
Cuối cùng, Chúa đã nói với Matta và Maria và những người đang đứng đó: "nếu tin, thì sẽ thấy vinh quang Thiên Chúa". Và rồi Ngài đã gọi Lagiaro trong mồ bước ra trước sự ngỡ ngàng, sửng sốt của gia đình Matta, của dân chúng làng Bêtania.
Kính thưa quý Ông Bà Anh Chị Em,
Trong cuộc sống đầy bon chen để kiếm miếng cơm manh áo, chúng ta thấy cuộc đời sao khổ quá! Nhất là trong thời kỳ gạo quế củi châu, lạm phát gia tăng, kiếm đồng tiền đổi lấy chén gạo bát canh đã khó lại càng khó khăn hơn. Rồi cuộc đời đâu mấy khi bình yên. Sóng gió tư bề. Đau khổ bệnh tật. Thiên tai lũ lụt, hạn hán hoành hành. Năm nay, Việt Nam còn hứng chịu cái lạnh kéo dài khiến cho hàng trăm con trâu bò bị chết cóng, hàng trăm ngàn hecta đất không thể trồng cấy đúng mùa. Dịch bệnh lan tràn. Người dân nghèo lại càng nghèo thêm. Cái lạnh của trời đất hoà với cái lạnh của tình người khiến cho cái đói, cái khổ cứ lận vào cả một kiếp người. Đặc biệt là trân động đất gây nên sóng thần tại Nhật Bản đã khiến hơn 10 ngàn người thiệt mạng, hàng trăm ngàn người không có nhà cửa và biết bao khu phố phồn thịnh nay chỉ còn là đống hoang tàn.
Đứng trước một viễn cảnh đầy những khổ đau như thế, nhiều người đã thầm trách Chúa, Chúa ở đâu sao để cuộc đời luôn giăng đầy những sầu đau? Chúa có nhìn thấy những bất hạnh mà con đang gặp phải trong cuộc đời vốn dĩ lắm nổi trôi lại nhiều phiền muộn này? Bài phúc âm hôm nay, mời gọi chúng ta đặt niềm tín thác vào Thiên Chúa. Thiên Chúa vẫn luôn quan tâm đến chúng ta. Người luôn đi bước trước để an ủi, nâng đỡ chúng ta. Người cũng đang mời gọi chúng ta đặt niềm tin vào Chúa như Matta để trong những biến cố đau thương nhất của cuộc đời chúng ta vẫn có thể thưa lên cùng Chúa. Con tin rằng: Chúa có thể làm những điều tốt đẹp nhất cho con.
Đau khổ là một sự dữ. Bất hạnh của cuộc đời là đêm tối của đức tin. Tuy nhiên qua những biến cố này, niềm tin lại toả sáng trong cuộc đời chúng ta. Chính trong những bất hạnh đó, chúng ta mới thấy con người thật nhỏ bé, tầm thường, chúng ta mới thấy sự bất toàn của kiếp người để đặt niềm tín thác vào Thiên Chúa. Con người luôn bất lực trước sự dữ, nhưng nếu Thiên Chúa muốn, Ngài có thể giải thoát chúng ta ngay bây giờ khỏi mọi điều sự dữ. Xin Chúa cho mỗi người chúng ta luôn biết đặt niềm tin tưởng cậy trông vào Chúa ngay giữa những gian nan của dòng đời và ngay giữa những bất hạnh của cuộc đời chúng ta. Amen.
23.Hành trình đức tin
Câu chuyện phép lạ Chúa Giêsu làm cho Ladarô sống lại là câu chuyện dài nhất và quan trọng nhất được nêu lên trong cuộc xét xử giữa ánh sáng và bóng tối. Qua câu chuyện phép lạ này, Chúa Giêsu chứng minh cho mọi người thấy " Người là sự sống lại và là sự sống", và Người có sự sống đời đời đem đến cho những ai tin vào Người. Hôm nay, tôi xin chia sẻ với quý ông bà anh chị em đề tài: Hành Trình Đức Tin. Trong bài tường thuật này, chúng ta thấy Mácta được xem như mẫu gương cho cuộc hành trình đức tin của mỗi người Kitô hữu. Qua diễn tiến của bài tường thuật, tôi thấy cuộc hành trình đức tin của bà trải qua ba giai đoạn sau. Thứ nhất, đó là một đức tin dựa trên nhu cầu của thân xác con người. Sở dĩ nói thế là vì khi em bà ngả bệnh nặng, bà sợ em bà sẽ chết, nên bà cho người đi mời Chúa đến cứu em bà. Thế nhưng Chúa không đến và em bà chết. Sự kiện này làm bà buồn rầu và tuyệt vọng. Nhưng đi xa hơn, tôi thấy được giai đoạn thứ hai, đó là một đức tin dựa trên những điều đã được truyền dạy. Bà đã được dạy chỉ có sự sống lại vào ngày tận thế và bà đã tin chắc như thế. Tin như vậy đúng và đủ chưa? Thưa chưa, điều này được thể hiện qua câu nói bà nói với Chúa: "Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết". Thế nhưng trước lời đáp Chúa Giêsu khẳng định: "Em bà sẽ sống lại" (c. 23), bà đã nói: "con tin em con sẽ sống lại vào ngày sau hết", và qua đối thoại thêm, bà khựng lại. Chính sự khựng lại này tạo cơ hội cho Chúa mạc khải Người chính là sự sống lại và là sự sống. Và tin vào Người chính là con đường duy nhất dẫn đến sự sống lại và sự sống bởi "tin thì đã đi ngang qua cái chết mà vào sự sống và dù có chết phần xác, thì tin vào Chúa đảm bảo cho có sự sống vượt trên sự chết. Thế mà Mácta vẫn chưa tin như Chúa muốn. Tuy nhiên, đi xa hơn nữa, tôi thấy được giai đoạn thứ ba và cũng là giai đoạn cuối, đó là một đức tin dựa trên kinh nghiệm đã gặp Chúa. Chúa biết bà còn yếu tin, nên Người làm phép lạ giúp khơi dậy đức tin sự sống thật là chính Người. Người đã yêu cầu "đem phiến đá đi" và dù chưa tin bà vẫn vâng lời làm theo lời Chúa nói. Chính vì vậy, Chúa ban thêm đức tin cho bà và qua việc Chúa gọi Ladarô ra khỏi mộ và anh bước ra, cặp mắt tâm hồn bà liền nhận ra Chúa là sự sống lại và là sự sống, tức khắc đức tin của bà đạt đến mức tột đỉnh, một đức tin Chúa muốn những người đi theo Chúa phải đạt được.
Thật vậy, cuộc hành trình đức tin của Mácta là một cuộc hành trình tiệm tiến giống như những nấc thang của một cầu thang. Nó khởi đi từ nấc đức tin dựa trên nhu cầu của thân xác con người để đến nấc đức tin đức tin dựa trên những điều đã được truyền dạy và rồi cuối cùng đạt đến nấc tột đỉnh của đức tin khi dựa trên kinh nghiệm gặp Chúa.
Giờ đây, chúng ta hãy nhìn lại cuộc hành trình đức tin của mình. Với Bí Tích Rửa Tội, chúng ta được Chúa ban cho sự sống của chính Chúa. Sự sống này được lớn lên dần nhờ cầu nguyện, nhờ Thánh Thể, nhờ Bí tích Hoà Giải, nhờ kết hợp với Chúa hằng ngày. Tuy nhiên, cuộc đời con người luôn là một cuộc chiến khốc liệt giữa ánh sáng và bóng tối. Ánh sáng là Đức Kitô. Còn bóng tối chính là sự chết, sự tội, những khó khăn thất bại. Chúng luôn tìm mọi cách đẩy chúng ta xa dần ánh sáng. Nếu không ý thức và không tỉnh thức, chúng ta sẽ không nhận ra. Trước những khó khăn thử thách, bệnh tật... Chúng ta thường xin Chúa ban ơn. Và rồi nếu Chúa không cho như ý chúng ta xin, chúng ta thường trách móc, phàn nàn và ngay cả chửi rủa Chúa nữa. Chính những sự này ngăn cản chúng ta nhận ra sự hiện diện và sự trợ giúp của Chúa. Vì vậy, khi những khó khăn thử thách xảy đến, chúng ta hãy coi đây như những phương cách Chúa gởi đến để thanh luyện đức tin của mình và để giúp mình ý thức sự bất lực của mình qua những thách đố đó. Đặc biệt, chúng ta cần đón nhận chúng với thái độ bình tâm, tin tưởng phó thác vào để những người xung quanh nhận ra trong chúng ta sự hiện diện của Chúa. Thí dụ về chiếc thuyền trên dòng sông là một minh hoạ cụ thể cho cuộc sống đức tin của chúng ta. Bình thường nó không di chuyển hoặc di chuyển không đáng kể. Nhưng khi gió bão đến, nếu không được cột, nó sẽ trôi dạt đi rất xa. Còn nếu được cột cẩn thận vào một cây cột đá, thì dù gió bão lớn đi nữa, nó cũng vẫn trụ lại được, có thể nó vẫn di chuyển qua lại. Cuộc sống đức tin của chúng ta cũng giống như chiếc thuyền trên dòng sống vậy. Nếu khi gặp khó khăn thử thách, chúng ta biết bám chặt lấy Chúa thì chắc chắn chúng ta sẽ vượt qua được vì khi ta đuối sức Chúa không bỏ chúng ta mà giơ taynắm lấy tay chúng ta, vì ở đâu có khó khăn thì ở đó có ơn Chúa. Với tâm tình Mùa Chay, Giáo hội mời gọi chúng ta sám hối, tức là hãy làm sống lại ơn ban sự sống của Chúa trong chúng ta, coi lại xem trước những khó khăn thử thách, chúng ta có thái độ nào? Buông xuôi hay thể hiện một đức tin trưởng thành bằng cách bám vào chúa để tin tưởng, phó thác và làm theo những gì Chúa dạy? Và giờ đây mỗi người tự hỏi: "tôi cần làm những gì và cần tránh những gì để khi giờ chết đến, tôi dám thưa với Chúa: "mọi sự đã hoàn tất", để rồi ra đi cách bình an như Chúa muốn. Amen!
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam