Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 78

Tổng truy cập: 1356364

KHI ĐỨC GIÊSU NGỦ SAY

KHI ĐỨC GIÊSU NGỦ SAY

 

(Suy niệm của Alphonse Marie Trần Bình An)

Đức Cha Agatho, Giám Mục Giáo phận Palermo, đi từ đảo Sicily đến Rome. Trong cuộc hành trình, ngài gặp nguy cơ chìm tàu. Một cơn giông tố hãi hùng nổi lên, sắp sửa đánh chìm con tàu ngài đang đi. Không còn hy vọng gì, ngoại trừ lòng thương xót nhân lành của Thiên Chúa toàn năng.

Khi ấy, tất cả mọi người bắt đầu cầu nguyện và dâng lên Chúa lời cầu xin hãy gìn giữ mạng sống cho họ. Trong khi họ cầu nguyện như thế, thì người thủy thủ đang cầm bánh lái, tuy được cột chặt vào tàu, nhưng một cơn giông mạnh mẽ đã làm đứt dây cột và kéo người thủy thủ xấu số kia xuống sóng nước, và Đức Cha Agatho coi anh ta như đã chết. Trong lúc đó, con tàu vẫn đi, sau những cơn hiểm nguy, đã đến được đảo Ostika. Tại đây, Đức Giám Mục dâng thánh lễ cầu cho người thủy thủ không may; nhưng ngay khi con tàu được sửa chữa xong, tiếp tục hành trình đến Rome. Khi vừa lên bờ, Đức Giám Mục đã thấy anh thủy thủ, người mà ngài tưởng rằng đã chết, đang đứng trên bờ. Tràn ngập niềm vui, ngài hỏi anh đã thoát những nguy hiểm dữ dằn suốt nhiều ngày như thế nào. Người thủy thủ khi ấy kể lại chiếc xuồng nhỏ bé của anh lúc nào cũng như sắp sửa lật úp, nhưng lại luôn luôn trồi lên trên những làn sóng, vô hại. Hết ngày lại đêm, anh ta mới thành công trong việc chinh phục những ngọn sóng; nhưng đuối sức vì đói và khát, chắc chắn anh cũng bị chết chìm nếu như không được phù giúp. Anh ta kể tiếp, “Thế rồi bỗng nhiên, khi tôi đã hoàn toàn vô vọng, như thể xuất thần, không biết mình đang ngủ hay thức, tôi nhìn thấy một người đứng trước mặt và cho tôi bánh. Vừa khi tôi lãnh nhận bánh ấy, sức lực của tôi liền hồi phục, và ngay sau đó, tôi được một con tàu cứu vớt và chở về đây.” Khi hỏi biết ngày giờ sự việc này xảy ra, Đức Giám Mục nhận thấy trùng với ngày giờ ngài dâng thánh lễ tại đảo Ostika để cầu cho người thủy thủ xấu số. (Joan Carroll Cruz, Phép Lạ Thánh Thể)

Tin Mừng Thánh Máccô hôm nay thuật lại Đức Giêsu dẹp yên sóng gió, cứu các môn đệ khỏi cơn bão bất ngờ, xảy ra khi Người đang say ngủ. Với câu chuyện trên, Chúa Giêsu Thánh Thể đã cứu người tài công rơi xuống biển, theo lời cầu nguyện của Đức Giám Mục Agatho và toàn thể khách trên con tàu bị bão. Trong cuộc đời mỗi người, thường vẫn gặp những sóng gió, ba đào. Chúng càng dữ dội hơn mỗi khi thiếu vắng Thiên Chúa Quan Phòng che chở, ở cùng.

Khi Đức Giêsu ngủ say

Thực ra, Chúa Giêsu luôn ở cùng, mà con người không nhận ra Người luôn canh thức, che chở lúc nguy nan, tai ương, hoạn nạn, chỉ vì quên mất Người vô hình, chỉ vì sống quá thực dụng, quá dung tục, chỉ luôn biết trông cậy vào hữu hình, vào phương tiện thế gian, vào sức người, sức của, khoa học, kỹ thuật, dịch vụ. Nhưng những thứ hữu hình đó thường không thể giải quyết trọn vẹn như mong đợi, mà chỉ tạm bợ, chắp vá, lưng chừng, nửa vời, bế tắc, chia lìa, đổ vỡ, mất mát, đau khổ, chết chóc, như ly dị, điên loạn hay tự vẫn.

Vì thế, để kính mời Đức Giêsu thức cùng, sống cùng, an ủi, chăm sóc, chở che, Thánh Phaolô khuyên nhủ đừng bắt chước theo thế gian, mà sống theo Lời Chúa đã chỉ dạy, để được cứu giúp an toàn: “Tôi khuyên Anh Chị Em: đừng ăn ở như dân ngoại nữa, vì họ sống theo những tư tưởng phù phiếm của họ. Tâm trí họ đã ra tối tăm, họ xa lạ với sự sống Thiên Chúa ban.” (Ep 4, 17-18)

Khi Đức Giêsu ngủ say

Người vẫn còn say ngủ, khi con người kiêu căng, tự phụ, cậy vào sức mình, tài năng, tri thức, chuyên môn, phương tiện, không cần đến Chúa, không cần đến sức mạnh Chúa Thần Linh, không màng đến Lương Thực trường sinh Thánh Thể, không dựa vào Lời Chúa, ngọn đèn soi dẫn, ánh sáng đi đường, không chạy đến với Chủ Chiên, hay những tâm hồn dâng hiến giúp đỡ, chia sẻ.

Để kính mời Đức Giêsu thức dậy đồng hành, thì Thánh Phaolô ân cần khuyên bảo những ai còn do dự, luyến tiếc những phù phiếm, hãy đoạn tuyệt, để mưu cầu bình an và hạnh phúc vĩnh cửu: “Anh Chị Em đã được trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới. (Cl 3, 1- 2)

Khi Đức Giêsu ngủ say

Người vẫn tiếp tục ngủ say khi người tín hữu Kitô còn thiếu các nhân đức Tin Cậy Mến, còn chưa đặt vào Người hết niềm tin, niềm trông cậy và nhất là tình yêu. Bởi vậy, sau khi dẹp yên bão tố, Đức Giêsu quay lại quở trách các môn đệ yếu niềm tin cậy: “Sao nhát thế? Làm sao anh em vẫn chưa có lòng tin?” (Mc 4, 40)

Lo sợ, thất vọng vì thiếu đức tin, bất an, khủng hoảng vì thiếu đức cậy, lạc lõng, bơ vơ vì thiếu đức mến, khi người tín hữu Kitô chưa sẵn sàng khẩn khoản, trọng kính mời Đức Giêsu ngự vào trung tâm điểm đời sống, để có thể quy chiếu mọi sự về với Người. Khi hoàn toàn nhờ Người, với Người và trong Người, thì Người sẽ thức dậy và truyền cho sóng gió, ba đào “im đi, câm đi,” tức thì tâm hồn tín hữu liền được bình an giữa biển đời đen tối.

Mặc cho sóng gió đe dọa tứ bề, mặc cho sự dữ hoành hành áp đảo, không sức mạnh thế gian nào uy hiếp được tín hữu Kitô, khi có Chúa cùng đồng hành. Chính các thánh, các người công chính và các chứng nhân đã trân trọng xác tín điều đó qua cuộc đời.“Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? (Rm 8, 35)

“Người Công giáo là ánh sáng giữa đen tối, là muối sống giữa thối nát, là hy vọng giữa một nhân loại thất vọng,” (Đường Hy Vọng, số 950)

Con tưởng rằng con vững tin, tin vào Chúa là Cha nhân hiền, khi cuộc sống nhẹ trôi êm đềm với tháng ngày lặng lẽ bình yên. Nhưng khi đường đời gieo nguy khó, bên trời ngập tràn cơn giông tố. Con lo âu lạc bến xa bờ, con mới biết rằng con chưa vững tin.

ĐK. Thì lạy Chúa, Chúa biết con yếu đuối và đổi thay, con luôn cần đến Chúa từng phút giây. Nhờ ơn Chúa, con kiên trì tín thác kể từ đây, khi yên vui cũng như khi sầu đầy. (Lm Nguyễn Duy, Cho con vững tin)

Lạy Mẹ Maria, Mẹ từng trải qua biết bao sóng gió từ khi thưa hai chữ “Xin Vâng,” nhưng Mẹ chẳng bao giờ nao núng, hoảng sợ, kinh hãi, thậm chí khi cùng Thánh Gia vượt biên, tránh quân Hêrôđê truy sát Hài Nhi, vì Mẹ luôn có Chúa ở cùng. Kính xin Mẹ an ủi, cầu bầu, che chở chúng con trên đường về Quê Trời. Amen.

 

8.Sóng gió

Con thuyền của các môn đệ trong bài Tin Mừng sáng hôm nay chính là hình ảnh cuộc đời chúng ta. Thực vậy, cuộc đời chúng ta với bao nhiêu phong ba bão táp, đó là những thất bại của bản thân, những khó khăn của cuộc sống, của xã hội, những khổ đau của những người xunh quanh, làm cho chúng ta nhiều lúc chán nản tuyệt vọng.

Tại sao lại có những sóng gió trong cuộc đời? Phải chăng Thiên Chúa đã bỏ rơi chúng ta? Có người cho rằng chính Thiên Chúa thử thách để rèn luyện và củng cố niềm tin nơi chúng ta. Có người lại cho rằng do trình độ hạn chế của con người trước sức mạnh của thiên nhiên. Nhưng có lẽ nguyên nhân trực tiếp nhất vẫn là do cách đối xử của con người đối với con người trong cuộc sống.

Thực vậy, chính thái độ vô trách nhiệm của những người làm cha làm mẹ đã dẫn đến tình trạng tuổi trẻ lang thang, bụi đời. Chính sự ích kỷ tàn nhẫn của một số người đã tước đoạt đi những phương tiện sống và phẩm giá của những người khác.

Nghịch cảnh và sóng gió như vẫn tồn tại song song với số phận và lịch sử con người. Các môn đệ cũng như chúng ta phải đương đầu, phải đối phó với cuồng phong. Thế nhưng chúng ta sẽ tìm thấy niềm an ủi nơi Thiên Chúa bởi vì dưới bàn tay quyền năng và yêu thương của Ngài, sóng gió cũng phải khuất phục và sự bình an sẽ trở lại với chúng ta.

Sự dữ tuy tràn lan, nhưng ơn sủng của Ngài vẫn dư đầy, bởi vì Ngài luôn yêu thương chúng ta, Ngài không hề bỏ rơi con người. Bằng chứng là Đức Kitô đã đến, Ngài tìm mọi phương cách, thậm chí cả đến cái chết của mình để cho chúng ta thêm xác tín vào tình thương của Ngài. Một vị Thiên Chúa nhân lành như vậy, nhất định sẽ không bao giờ muốn cho con người phải đau khổ, nhất định Ngài sẽ cứu chúng ta.

Làm sao chúng ta có thể thất vọng và chán nản khi Ngài vẫn ở bên chúng ta và vẫn yêu thương chúng ta. Mặc dù ngày nay Thiên Chúa không còn trực tiếp làm phép lạ để truyền cho sóng gió phải yên lặng, nhưng Ngài dùng bàn tay của những người nhiệt tâm làm vơi giảm những nghịch cảnh, những bất công trong cuộc sống. Và cũng không ít những con người đang đấu tranh cho công bằng xã hội. Nhiều khi họ cũng đã phải trả giá cho những đấu tranh ấy bằng chính mạng sống của mình.

Còn chúng ta thì sao? Niềm tin vào một Thiên Chúa toàn năng và yêu thương lẽ nào lại để cho chúng ta phải buông xuôi và tuyệt vọng bởi vì Đức Kitô chính là niềm hy vọng, chính là sức sống trong cuộc đời chúng ta.

 

9.Người dựa vào chiếc gối mà ngủ

(Suy niệm của Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty)

“Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi mà Thầy chẳng lo gì sao?”

Cũng như hai dụ ngôn ‘hạt giống tự mọc’ và ‘hạt cải nhỏ bé’ được kể trước đó, sự kiện cuồng phong nổi lên và sóng nước ập vào làm cho con thuyền các môn đệ hòng chìm, trong khi đó Đức Giê-su ‘đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ’ buộc ta phải suy nghĩ khi giáp mặt với những nghịch lý đầy thách thức trong chính đời sống Tin Mừng. Tự nhiên, khi nghĩ về Thiên Chúa cũng như về vương quốc của Ngài, thì quyền năng và sức mạnh mới chính là điều mà mọi người thường nghĩ tới trước nhất. Chính vì vậy mà khi nhìn thấy đau khổ tràn lan, bất công ngập tràn và sự ác thống trị, trong khi sự thiện lại thoi thóp trong tuyệt vọng, nhiều người đã cho rằng, đó là một bằng chứng thuyết phục cho thấy không hề có Thiên Chúa; vì nếu Ngài thật sự hiện hữu, thì với tất cả quyền năng và thánh thiện như thế, tại sao lại không can thiệp, không giáng phạt bằng tất cả sức mạnh của Ngài? Thiên Chúa lẽ nào lại vô tâm tới mức đó sao? Giải đáp duy nhất mà người ta thường nại tới để giải quyết nghịch lý này là sự kiên nhẫn chịu đựng có giới hạn của Thiên Chúa, sự nhẫn nhục này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn ngủi của cuộc đời này, để rồi tới kiếp sau sự công thẳng và quyền bính của Ngài sẽ hiển trị qua việc nghiêm minh xét xử, với phần thưởng thiên đàng dành cho người thiện, hay hình phạt hỏa ngục dành cho người dữ. Giải đáp này trên thực tế hình như được hầu hết các tôn giáo trưng ra, tuy với những hình thái khác nhau, chẳng hạn như thuyết luân hồi của Phật Giáo.

Vẫn biết Thiên Chúa là quyền năng và quyền năng này vượt trên tất cả mọi sự, ‘Thức dậy, Người ngăn đe gió và truyền cho biển: “Im đi! Câm đi!” Gió liền tắt, và biển lặng như tờ’. Thiên Chúa đương nhiên có quyền trên cả sự dữ! Trong trường hợp cụ thể này, theo lối suy nghĩ của các môn đệ, biển cả dậy sóng là hình ảnh quen thuộc của sức mạnh sự dữ, của tà thần (xem Mc 1:25). Có điều là ít tôn giáo nào dám nghĩ rằng quyền năng lớn lao nhất của Thiên Chúa (Thượng Đế…) lại chính là quyền năng buộc Ngài phải câm nín. Ngoài Ki-tô giáo, có tôn giáo nào dám nghĩ rằng có một Thiên Chúa mà quyền năng và bản chất tuyệt hảo nhất của Người lại chính là lòng nhân từ và thứ tha? Đặc tính ‘nhân từ và hay thương xót’ của Thiên Chúa, nếu có tìm thấy trong Do Thái giáo, Hồi giáo…, thì cũng chỉ mang tính tạm bợ và hạn hẹp, và chỉ dành cho một số đối tượng nhất định mà thôi (các tín hữu trung thành, những người công chính chẳng hạn). Chỉ riêng Tin Mừng của Đức Giê-su mới cho ta hiểu rằng Thiên Chúa là tình yêu, và bản chất của Tình Yêu đó trước hết và trên hết là thứ tha và hay thương xót. Phải chăng từ muôn thuở yếu tính của Thiên Chúa chính là điều này… và sẽ còn tiếp tục mãi mãi cho tới muôn đời? Mạc khải lớn nhất của Đức Giê-su Ki-tô chính là đây: Thiên Chúa không lên án, Ngài không luận phạt, Ngài chỉ làm một điều duy nhất là cứu độ và xót thương. Luận phạt hay lên án là do chính con người tự quàng vào cổ mình “vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa” (Ga 3:16-21). Kể từ mạc khải vĩ đại này, thinh lặng trước sự dữ, thay vì là yếu đuối sợ hãi, lại biểu lộ sức mạnh vô địch nhất của Thiên Chúa. “Ông không nói lại được một lời sao? Mấy người này tố cáo ông gì đó?... Nhưng đức Giê-su vẫn làm thinh” (Mt 26:62-63).

Thần lực Người làm cho gió im biển lặng đã làm cho các môn đệ hoảng sợ, mối hoảng sợ này có lẽ lớn không kém lúc cuồng phong bão tố nổi lên, ‘Các ông hoảng sợ nói với nhau…’ Mô-sê trước bụi gai bốc cháy (Xh 3:1), hoặc I-sai-a khi thoáng nhìn thấy vinh quang Thiên Chúa (Is 6:5), hoặc bất cứ ai khác cũng đều run sợ trước mọi biểu hiện của quyền lực thần linh. Chỉ duy uy quyền tình yêu của Thiên Chúa là không gây sợ hãi! Và chỉ có sức mạnh tình yêu tha thứ mới làm cho con người được thư thái và an bình thực sự. “Bình an cho anh em… Thầy đây đừng sợ!” (Lc 24:36). Một khi được Đức Giê-su tỏ cho biết Thiên Chúa là ai trong thực chất của Ngài, và Thần Khí giúp ta khám phá ra Thiên Chúa thật gần gũi, thấu hiểu hết các yếu đuối lỗi lầm của con người cho dù họ có gian ác tội lỗi tới đâu đi nữa, bất cứ ai cũng sẽ cảm thấy tràn ngập một niềm an bình độc đáo, một thứ an bình không ai trên cõi đời này có thể ban cho. “Thầy ban cho anh em bình an của Thầy… không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi…” (Ga, 14:27)

Tuy nhiên, một khi khám phá ra và hiểu rõ hơn về sức mạnh tình yêu tha thứ và xót thương của Thiên Chúa, con người sẽ không khỏi cảm thấy một mối kinh ngạc thú vị, gần giống như một cảm giác ngất ngây. Hy vọng rằng các Ki-tô hữu chúng ta, một khi nghiệm thấy cảm giác tuyệt diệu đó, hãy để cho mối ‘kinh ngạc ngất ngây’ này tiếp tục tràn ngập tâm hồn mình… bây giờ và cho tới muôn đời!

Lạy Vua Tình Yêu nhân ái, cảm tạ Chúa đã một lần cho con nếm cảm được uy lực tình yêu nhân ái Chúa trong đời sống con. Xin cho con luôn nghiệm thấy Thiên Chúa tình yêu đang thinh lặng hiện diện trong con giữa mọi sóng gió cuộc đời. Xin đừng bao giờ cất khỏi lòng con sự bình an ngây ngất của Thần Khí hiện diện trong con, để con luôn có thể mở miệng kêu lên ‘Áp-ba’ giữa mọi nghịch cảnh. Amen.

 

10.Chúa Nhật 12 Thường Niên

(Suy niệm của Lm. Joshepus Quang Nguyễn)

PHÓ THÁC VÀ TIN TƯỞNG VÀO CHÚA

KHI GẶP NGHỊCH CẢNH HAY ĐAU KHỔ?

Rất nhiều người trong chúng ta đã một lần lâm vào khó khăn, nghịch cảnh. Lúc ấy, chúng ta luôn tự chất vấn mình: “Sao cuộc đời lại đầy rẫy khó khăn, đau khổ?”; “Tại sao điều này lại xảy ra với mình?”; “Tại sao đời bất hạnh đến vậy?”; hay ““Tôi có làm gì đâu mà tôi ra như thế này?”. Nhưng nếu suy tư một chút, chúng ta thấy rằng nghịch cảnh hay đau khổ trong cuộc đời là điều không thể tránh được. Chẳng hạn, người thì bị mất việc, kinh doanh thất bại, mất đi người thân, khủng hoảng tài chính, người thì đổ vỡ trong các mối quan hệ, hoặc thậm chí sức khỏe sa sút và bệnh tật. Lời Chúa trong các bài đọc hôm nay giúp chúng ta có cái nhìn và lối sống trước nghịch cảnh trong đời.

Bài đọc 1 kể Ông Gióp là người công chính, đạo đức và kính sợ Chúa vì thế ông được Chúa chúc phúc, con đàn cháu đống và của cải sung túc. Nhưng chẳng bao lâu ông gặp những cơn bão táp trong đời sống vật chất lẫn tinh thần: mất hết bà con bạn bè, tán gia bại sản, còn thân thể thì bị ung nhụt khủng khiếp. Thế nhưng, ông không nguyền rủa Thiên Chúa trái lại tin tưởng, phó thác và cậy trông vào Chúa. Cuối cùng Chúa thương ban cho ông có lại tất cả và phong phú hơn trước đây. Còn trong Bài Tin Mừng, Thánh Mác-cô kể khi gặp bão táp cuồng phong nỗi lên, các tông đồ hoảng sợ quá đến nỗi quên mất Chúa đang ở với mình. Các ông kêu Chúa và Chúa dẹp tan sóng gió.

Thật ra, mỗi khi thử thách đến trong đời, mỗi người đối diện và phản ứng một kiểu, chẳng ai giống ai. Có người thì quay lưng lại với chúng. Có người lại không dám tiến lên vì sợ thất bại. Lại có người không bao giờ hành động... vì lo không vượt qua nỗi. Có người kiên trì chịu đựng và can đảm vượt qua, nhưng có người thì nhụt chí thất vọng và tuyệt tự…

Khởi đi từ nguyên tắc cứu độ của Đức Giêsu trong nguyên lý của hạt lúa mì: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24); rồi chính Đức Giêsu đã đi trên con đường tự hủy đó để cứu độ con người. Đỉnh cao của mầu nhiệm này là cái chết trên thập giá như Ngài đã tiên báo: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại” (Mc 8, 31). Tinh thần này đã được thánh Phanxicô Assisi lựa chọn và sống, ngài viết: “Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”.

Quả thế, đằng sau sự mục nát của hạt lúa, chúng ta thấy trổ sinh nhiều cây và bông hạt khác. Cũng vậy, nếu không có thập giá hôm nào thì không có sự phục sinh của Đức Giêsu và niềm hy vọng của chúng ta. Chính Tôi Tớ Chúa, Đức Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận cũng đã nói: “Đừng nản lòng vì thất bại. Nếu con tìm ý Chúa thực sự, thì chính sự thất bại đó là thành công. Chúa muốn như vậy. Chỉ có một sự thất bại là không hy vọng vào Chúa. Con đã hy vọng vào Chúa và con sẽ không hổ thẹn đến muôn đời" (Đường Hy Vọng, số 41. 43).

Lửa thử vàng, gian nan thử đức tin”. Trong hành trình sống đạo của chúng ta, hẳn không thiếu những nghịch cảnh, những sóng gió cuộc đời. Tuy nhiên, khi đối diện với chúng, mỗi người chúng ta hãy kiên trì và trung thành với ý Chúa. Mỗi khi khó khăn thử thách đến với chúng ta, đừng vì thất vọng mà buông xuôi nhưng biết chạy đến kêu cầu Chúa ra tay giúp đỡ như các Tông đồ hôm nay. Hãy trung thành, tin tưởng và cậy trông vào Chúa. Đừng than oán mỗi khi rơi vào nghịch cảnh nhưng nhớ rằng Chúa là Cha của chúng ta ở trên trời, Chúa luôn yêu thương chúng ta, Ngài biết trước những gì chúng ta cần, vì thế chúng ta nên phó thác trong tay Ngài. Hãy tin tưởng vào Chúa quan phòng (Mt 6,25-34).

Cuối cùng, mỗi khi gặp nghịch cảnh, khó khăn xảy đến, chúng ta đừng quá bận tâm cho câu hỏi tại sao? Mà hãy chú tâm và khám phá ra ý định của Thiên Chúa trong nghịch cảnh đó. Thật vậy, chính lúc ấy, Chúa sẽ cho biết lý do tại sao, hay cần phải làm gì để chúng ta nhận biết được những hồng ân quý báu Chúa ban cho trong nghịch cảnh đó. Mọi sự đều trở nên ích lợi cho những người yêu mến, tin tưởng và cậy trông ở Chúa. Vì thế, không còn chuyện than thân trách phận hay buồn bực, chán nản và thất vọng nữa. Ông Gióp là người đã sống mầu nhiệm đau khổ qua những nghịch cảnh một cách xuất sắc. Ông xin Chúa cho chịu thật nhiều đau khổ để đền vì tội mình. Ông sẵn lòng chịu khổ cực thay cho người khác vì lòng yêu mến Chúa. Ông luôn chiến đấu với sự yếu đuối bản thân, với những nghịch cảnh từng ngày từng giờ, từng phút, từng giây trong cuộc sống.

Xin hãy nhớ rằng những điều tốt đẹp ngày hôm nay là kết quả của những thử thách ngày hôm qua. Cho nên, Đức Hồng Y Phanxicô Xavie nói: "‘Khổ’. Đúng vậy. Thương khó, bỏ dễ. Khó mới quí, bỏ là quỉ” (ĐHV, số 60). Ước gì, Lời Chúa hôm nay là động lực và nguồn an ủi và sức mạnh để chúng ta dám đương đầu và chiến đấu với với bao nghịch cảnh trong đời ngõ hầu nhờ ơn Chúa con thuyền đức tin của chúng ta về thiên đàng bình an. Amen.

 

home Mục lục Lưu trữ