Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 40
Tổng truy cập: 1359609
KHI TÌNH NGƯỜI MẤT BẠO LỰC LÊN NGÔI
KHI TÌNH NGƯỜI MẤT BẠO LỰC LÊN NGÔI
(Suy niệm của Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)
Mỗi ngày chỉ cần lướt qua vài trang báo là có thể thấy vô số tin "tức" về hành vi bạo lực trong xã hội, mà nguyên nhân đâu có gì to tát: va quệt xe cộ ngòai đường, lời qua tiếng lại trong quán cà phê... thế là đánh nhau; một cái "nhìn đểu" cũng đủ là nguyên nhân giết người. Không thể không tự hỏi: vì sao bây giờ người ta nhục mạ nhau, đánh nhau, giết nhau... dễ dàng đến thế?
Dư luận Việt Nam thời gian qua rất phẫn nộ khi đọc được những dòng tin trên Facebook của một người có nick name "Kẹo Mút Chơi Bời" khoe khoang rằng: "Chúng tôi vừa đâm một ông già gần 60 tuổi... khả năng chết."
Sau đó lại thêm: "Tin buồn! Chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin, cụ già 60 tuổi đêm qua chúng tôi đâm xe máy đã củ tỏi hồi 17g07 ngày 02.11. Anh em phang lô đề nhiệt tình đi. Lão sinh năm 1953."
Trước hiện trạng này, có người cho rằng một số thanh niên Việt Nam hiện nay không hề thấy lương tâm cắn rứt khi làm thiệt hại đến vật chất lẫn tinh thần của người khác, trái lại còn tỏ ra vui mừng, đặc biệt trong trường hợp này.
Tin từ Công an Thành phố Yên Bái cho biết người có nickname "Kẹo mút chơi bời" trên Facebook đã tới trình diện cơ quan công an ngày 10/11 theo giấy triệu tập để làm rõ hành vi gây phẫn nộ "lên Facebook khoe tông xe chết người".
Đúng như xác minh của Cơ quan Công an Thành phố Yên Bái, người có nickname "Kẹo mút chơi bời" trên Facebook tên thật là Nguyễn Văn Linh (SN 1991, thị trấn Phong Hải, huyện Bảo Thắng - Lào Cai).
Theo Luật Sư Phạm Thanh Bình của công ty luật Hồng Hà thì "Kẹo Mút Chơi Bời" dù không phải là thủ phạm gây tai nạn (là người ngồi sau người gây tai nạn), nhưng không chịu đưa nạn nhân đi cấp cứu gây nên cái chết của ông này thì có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này, tội danh dành cho người đồng phạm đó là "không cứu giúp người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng."
Phải chăng xã hội ngày hôm nay đang đánh mất tình đồng loại bằng thái độ dửng dưng, thiếu trách nhiệm và vô cảm trước những bất hạnh của tha nhân? Có lẽ chủ nghĩa "Mackeno" đã ăn sâu vào tâm thức người trẻ hôm nay. Họ không còn tính nghĩa hiệp. Họ không còn nghĩ đến việc phải ra tay giúp đỡ tha nhân khi cần. Họ thích sống cho riêng mình và tìm tư lợi cho cá nhân hơn là dám sống cho lợi ích tha nhân. Họ không còn dám sống "mình vì mọi người" mà chỉ còn đòi người khác "mọi người vì mình" mà thôi.
Xã hội hôm nay dường như đã mất tình liên đới nên thiếu những nghĩa cử cao đẹp của tình người như: "lá lành đùm lá rách" hay "chị ngã em nâng". Ngày xưa cha ông ta đã tìm được sự nâng đỡ của đồng bào, dẫu rằng nước có mất nhà có tan, nhưng vẫn tìm được niềm vui nhờ sự yêu thương đùm bọc của tình làng nghĩa xóm như câu ca dao xưa đã nói:
"Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng".
Ngày nay điều đó đã thay vào bằng sự vô cảm như lời tâm sự của chị Ngô Lan Chi thổ lộ trên trang facebook cá nhân: "Xã hội ngày càng phát triển, những giá trị đạo đức tốt đẹp đang bị các bạn trẻ dẫm nát bằng những phát ngôn gây sốc, bằng những việc làm mà không ai có thể tượng tượng ra. Tôi nghĩ lối sống vô cảm của một bộ phận bạn trẻ đang ngày càng biến tướng và có xu hướng lan rộng đối với những người trẻ xung quanh".
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta phải sống tình liên đới với tha nhân, không chỉ vì có chung một Cha trên trời nên "tứ hải giai huynh đệ", mà còn vì con người là "hình ảnh Thiên Chúa". Chính Chúa đã tự đồng hoá mình với những mảnh đời bất hạnh lầm than. Chúa mời gọi chúng ta: ai tiếp rước họ là tiếp rước chính Chúa. Ai giúp đỡ họ là giúp đỡ chính Chúa. Ngược lại, Chúa cũng sẽ luận phạt vì chúng ta đã từng khước từ thi ân cho những con người cùng khổ đó.
Thực vậy, trong ngày phán xét, Chúa không hỏi về bằng cấp của chúng ta cao hay thấp. Chúa không xét duyệt chúng ta dựa trên địa vị trần thế của chúng ta. Chúa phán xét theo tinh thần bác ái mà chúng ta đã dành cho tha nhân. Vâng, chúng ta đều phải trả lẽ trước mặt Chúa về tất cả những hành vi của mình. Nhưng công hay tội tuỳ thuộc vào lòng bác ái chúng ta có hay không trong những lời nói và việc làm của mình. Chúa đã từng chê trách thái độ vô cảm của những biệt phái, và của những thầy tư tế khi để mặc người bị nạn trên đường đến Giêricô. Chúa cũng từng dùng dụ ngôn để răn dạy thái độ dửng dưng trước bất hạnh của đồng loại qua dụ ngôn "người phú hộ và Lagiaro". Chúa cũng sẽ luận tội nếu chúng ta cũng thiếu trách nhiệm và sống thiếu tình liên đới qua đời sống yêu thương và phục vụ tha nhân.
Chúa Giêsu là Vua, nhưng Ngài đã cúi mình phục vụ tha nhân. Ngài tự hoà nhập với con người. Ngài đồng hành với con người. Ngài chia sẻ phận người nổi trôi với con người. Ngài đã đến để phục vụ và hiến mạng sống vì hạnh phúc tha nhân. Ngài còn mời gọi chúng ta "ai muốn làm lớn hãy cúi mình phục vụ anh em".
Xin Chúa giúp chúng ta luôn biết sống cao đẹp cho dẫu có thiệt thòi vì đi ngược lại với lối sống của thế gian. Xin cho chúng ta luôn can đảm làm chứng cho tình yêu bất diệt của Chúa là dám "thí mạng sống mình vì người mình yêu" và biết yêu thương tha nhân như chính mình. Amen.
17.Nhân quả – Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Chiên thì Người cho đứng bên phải, còn dê ở bên trái Mt 25,33).
"Nhân" là nguyên nhân, "Quả" là kết quả. Nhân là cái mầm. Quả là cái hạt do mầm ấy phát sinh. Trong nhân có qủa và trong qủa có nhân. Chính trong Nhân hiện tại có hàm chứa cái Qủa tương lai. Nhân thế nào thì Qủa thế ấy. Thưởng phạt ngày sau đều tùy thuộc vào những hành động tốt hoặc xấu của chúng ta thực hiện ngày hôm nay. Nói chung, ai trong chúng ta cũng muốn được hưởng hạnh phúc cả đời này lẫn đời sau. Chúng ta biết con đường lên thiên đàng là thiên đàng mà. Nếu chúng ta muốn được hưởng an lạc ngày sau, chúng ta phải sống vui tươi và an bình ngày nay. Biết rằng cuộc đời ai cũng có những sự chen lẫn giữa vui sướng và khổ sầu. Sự khổ đau trong cuộc sống không phải luôn luôn là sự tiêu cực. Vì sự đau khổ cần thiết như là những thử thách để giúp ta tinh luyện cho cuộc đời sáng thêm. Ví như lửa thử vàng, gian nan thử đức vậy.
Kết thúc Năm Phụng Vụ, Giáo Hội mừng Đại Lễ Chúa Kitô Vua, Vua Các Vua, Chúa Các Chúa. Chúa Giêsu là trung gian giao hòa giữa trời với đất. Ngài đã nhập thể để rao truyền tin mừng cứu độ. Chính Ngài là trung tâm và là cốt lõi của tất cả mọi sự hiện hữu. Ngài mở lối dẫn chúng ta vào hưởng niềm vui hạnh phúc Nước Trời. Con đường Chúa đi là con đường yêu thương trong khổ giá. Muốn lãnh nhận ơn cứu độ, chúng ta phải dõi theo lối bước của Ngài. Hai giới răn nồng cốt tóm kết tất cả lề luật là yêu mến Thiên Chúa hết lòng và yêu thương anh chị em như chính mình. Đức yêu thương được thể hiện qua sự giúp đỡ, chia sẻ, thăm viếng và sống tình bác ái với nhau. Con đường đức ái là con đường tuyệt hảo dẫn vào quê trời.
Chúa Giêsu dẫn bước chúng ta vào cuộc sống thật ngày sau qua dụ ngôn phân định Chiên và Dê. Chiên và dê chỉ là hình ảnh tượng trưng gởi theo một sứ điệp nói về sống bác ái vị tha. Chiên dê, phải trái, bên này bên kia hay thiên đàng hỏa ngục là ranh giới để phân biệt tốt xấu, lành dữ và thưởng phạt. Phúc thay những ai được xếp vào hàng bên phải: Hãy đến, hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy lãnh lấy phần gia nghiệp là Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi từ khi tạo dựng vũ trụ (Mt 25, 34). Không phải tự nhiên hùa theo đám đông mà được ơn cứu độ. Mỗi người phải phấn đấu từng ngày để nên trọn lành. Chúng ta có thể quan sát hình ảnh một thửa ruộng trong đó có lúa và cỏ dại. Khi chủ ruộng vun xới chăm sóc cả hai lúa và cỏ đều được hưởng phân bón và tưới gội đồng đều. Lúa và cỏ cùng chung hưởng nắng ban mai, sương sớm và mưa nguồn. Phát triển tốt nhưng kết qủa thì khác nhau, lúa trổ sinh bông hạt và được thu hoặch cho vào kho lẫm. Còn cỏ dại bị người ta chà đạp và thu gọn đem thiêu đốt.
Theo giáo lý Nhà Phật, nhân là năng lực phát động, Quả là sự hình thành của năng lực phát động ấy. Nhân và quả là hai trạng thái tiếp nối nhau mà có. Nếu không có Nhân thì không có Quả và nếu không có Quả thì không có Nhân. Cũng chính trong cái Quả hiện tại, đã có hình bóng của Nhân quá khứ. Vì thế, mỗi vật đều có thể gọi là nhân hay quả: Đối với quá khứ, thì nó là quả, nhưng đối với tương lai thì nó là nhân. Nhân và qủa tiếp nối nhau và đắp đổi nhau như những vòng trong sợi dây chuyền. Nhân qủa đi đôi và ảnh hưởng tới nhau như gieo gió thì gặt bão. Việc lành hay việc dữ đều có quả báo, chỉ khác nhau đến sớm hay muộn mà thôi. Đôi khi chúng ta tự hỏi rằng tại sao những người làm ác mà họ vẫn sống phây phây lại giầu có sung sướng, trong khi những người hiền lành, đạo đức lại rơi vào cảnh túng quẫn và khổ đau. Câu trả lời là đời sống tạm này chưa kết thúc, chúng ta chưa thể kết luận thế nào là hạnh phúc thật.
Một Nhân không thể sinh ra Quả, mà phải nhờ vào môi trường vạn vật chung quanh. Sự vật trong vũ trụ nầy đều là sự tổ hợp của nhiều nhân duyên. Cho nên không có một Nhân nào có thể tự tác thành kết quả được, nếu không có sự giúp đỡ của nhiều Nhân khác. Sự liên đới trùng trùng điệp điệp giữa muôn loài làm thành bước tiến của thiên nhiên vạn vật. Không có thụ tạo nào đứng riêng biệt một mình trong vũ trụ. Nói rằng hạt lúa sanh ra cây lúa, là nói một cách giản dị cho dễ hiểu, chứ thật ra hạt lúa không thể sanh ra gì được cả, nếu để một mình nó giữa khoảng trống không, thiếu không khí, ánh sáng, đất nước và nhân công. Có biết bao nhiêu yêu tố để hình thành một chuỗi Nhân Quả. Trong bất cứ một loài thụ tạo nào cũng có mỗi liên hệ chằng chịt với thế giới hiện hữu chung quanh.
Về phương diện tinh thần, những tư tưởng và hành vi trong quá khứ, tạo cho ta những tính tình tốt hay xấu trong hiện tại. Tư tưởng và hành động quá khứ là Nhân, tính tình và nếp sống trong hiện tại là Quả. Tính tình và nếp sống hiện tại là Nhân, để tiếp tục tạo ra hành động trong tương lai là Quả. Nhân Qủa tiếp nối không ngừng qua những hành vi chúng ta thực hiện hằng ngày. Chúng ta có thể thay đổi và sửa sai những lầm lỡ trong qúa khứ để tạo thành Nhân tốt. Không bao giờ trễ, nếu chúng ta biết bắt đầu lại. Mỗi ngày chúng ta có thể tạo nhân tốt, hậu qủa sẽ tốt. Sống trong xã hội, con người phải tương trợ và có ảnh hưởng lẫn nhau. Tục ngữ nói: Gần mực thì đen, gần đèn thị rạng. Một người làm phúc, muôn người đều được hưởng nhờ. Một cây trổ hoa, cả vườn cây thơm hương.
Sống bác ái vị tha là một bổn phận cao quý của con người. Chúng ta thường gặp thấy các Tăng Ni Phật Giáo đi khất thực. Các Tỳ-kheo đi một mình hay từng nhóm, không đứng trước cửa chợ mà đi theo thứ tự, từ nhà này sang nhà khác, không phân biệt, mắt nhìn xuống và yên lặng đứng đợi trước mỗi cửa nhà để xem thức ăn có được đặt vào bình bát không. Khất thực là xin vật thực của người đời để nuôi thân mà cũng còn có bổn phận nhắc nhở chúng sinh làm việc phúc đức. Trong Đạo Công Giáo, Kinh Bổn có dạy thương người có mười bốn mối, thương xác bảy mối: Cho kẻ đói ăn. Cho kẻ khát uống. Cho kẻ rách rưới ăn mặc. Viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc. Cho khách đỗ nhà. Chuộc kẻ làm tôi. Chôn xác kẻ chết. Thương linh hồn bảy mối: Lấy lời lành mà khuyên người. Mở dạy kẻ mê muội. Yên ủi kẻ âu lo. Răn bảo kẻ có tội. Tha kẻ dể ta. Nhịn kẻ mất lòng ta. Cầu cho kẻ sống và kẻ chết. Đây là những mối phúc quan trọng giúp đỡ tha nhân về vật chất và tinh thần. Thật ngạc nhiên khi chúng ta nghe Chúa Giêsu dùng dụ ngôn nói về ngày phán xét. Ngài phán xét về thực hành đức yêu thương hơn là về những sa ngã phạm tội khác. Được thưởng hay bị phạt đều tùy thuộc vào việc thực hành mười bốn mối này.
Con người không thể nên tốt một mình, nhưng phải tương trợ lẫn nhau mà sống. Người ta thường nói: Thiên thời, địa lợi và nhân hòa. Ba yếu tố kết thành sự thành công. Chúng ta cần có tha nhân để cùng chia sẻ nâng đỡ, cần có cuộc sống xã hội để cộng tác xây dựng và cần có người đồng hành để chung vai sát cánh gánh vác công việc. Ngày phán xét sau cùng, thẩm phán sự sống sẽ hỏi chúng ta về sự liên đới Nhân Qủa giữa người với người. Với những người tạo Nhân tốt qua việc bác ái, sẽ được nghe những lời an ủi: Vì xưa Ta đói, các ngươi cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước (Mt 25, 35).
Bất cứ vị thánh nào cũng có trái tim yêu thương rộng mở. Các Ngài biết chia sẻ và dâng hiến. Hiến dâng cuộc đời cho Chúa và phục vụ tha nhân. Không có sự liên đới với tha nhân, chúng ta khó có thể nên trọn lành. Tha nhân tốt hoặc xấu vẫn có thể sẽ giúp chúng ta nên tốt lành. Chúng ta có thể tìm tựa nương đức ái nơi những người khốn cùng, nghèo đói, cô đơn, bệnh hoạn, tù đầy và thất vọng. Họ chính là hình ảnh của Đấng đã dám thí mạng vì yêu. Giúp đỡ những kẻ bé mọn và cùng khốn nhất là chúng ta đang làm cho chính Chúa, Chúa Giêsu đã phán: Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu các ngươi đã viếng thăm; Ta bị tù đày, các ngươi đã đến với Ta' (Mt 25, 36).
Thật đáng phải run rẩy và sợ hãi khi chúng ta phải đối diện với sự phán xét sau cùng. Thiên Chúa nhân từ nhưng công bằng vô cùng. Giờ phán xét sẽ không có một ai khác chống lưng cho chúng ta. Chúng ta cũng không còn điểm tựa nào khác để biện hộ. Sự thật phơi bầy trước tôn nhan chói lòa của Tạo Hóa. Chúng ta gieo Nhân nào thì sẽ được gặt Qủa đó. Trong cuộc lữ hành trần thế, biết bao lần chúng ta ngoảnh mặt làm ngơ trước nỗi đau khổ, đói khát và cùng quẫn của anh chị em, giờ đây chúng ta phải đối diện: Rồi Người cũng sẽ nói với những kẻ bên trái rằng: 'Hỡi phường bị chúc dữ, hãy lui khỏi mặt Ta mà vào lửa muôn đời đã đốt sẵn cho ma quỷ và kẻ theo chúng (Mt 25,41).
Ngày phán xét, Chúa sẽ không chất vấn chúng ta về bao nhiêu việc vĩ đại đã thực hiện. Chúa Giêsu nhắc nhở các môn đệ: Tuy nhiên, anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời (Lc 10,20). Thiên Chúa không đếm bao nhiêu giờ chúng ta đã đọc kinh, cầu nguyện, lần hạt, tụ họp sinh hoạt… Chúa sẽ nhìn xem trái tim của chúng ta đã mở rộng yêu thương đến mức nào. Chúng ta đã chia sẻ gì cho những kẻ bé mọn nhất của Chúa. Thiên Chúa tạo dựng chúng ta qua ý muốn của Chúa, nhưng để cứu chuộc chúng ta, Chúa lại dành quyền cho chúng ta lựa chọn. Hạnh phúc thay những ai được Chúa cho đứng về phía bên phải: Còn các người lành thì được vào cõi sống ngàn thu" (Mt 25,46).
Lạy Chúa, đã rất nhiều lần chúng con đã thưa rằng: Lạy Chúa có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói khát, khách lạ hay mình trần, yếu đau hay ở tù, mà chúng con chẳng giúp đỡ Chúa đâu? (Mt 25,44). Chúa trả lời: Ta bảo các ngươi: những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây là các ngươi đã làm cho chính Ta'. (Mt 25,40). Xin Chúa khơi dậy lòng yêu thương bác ái nơi tâm hồn, để chúng con biết cùng chia sẻ. Chúng con cảm tạ danh Chúa muôn ngàn đời. Amen.
18.Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ
Hôm nay, Chúa nhật 34 thường niên, Chúa nhật kết thúc năm năm Phụng Vụ. Hội Thánh tôn kính vương quyền của Chúa Giêsu nhằm nói lên cùng đích của Phụng Vụ, là làm cho loài người được tôn vinh một khi họ được thông dự vào vương quyền của Đức Kitô Giêsu Tình Yêu.
Chúa Giêsu Kitô là Vua, Vua Tình Yêu. Ngài là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình. Ngài là Vua công bình và đầy yêu thương. Vương quốc của Ngài là vương quốc của tình yêu. Dân của Ngài phải là những người biết sống yêu thương. Lẽ đương nhiên, muốn vào Vương quốc của Ngài, phải là người biết sống yêu thương, yêu mến Thiên Chúa và yêu thương anh em thật sự. Vì thế “chúng ta sẽ bị xét xử về tình yêu mến”. Yêu mến cụ thể là phục vụ Chúa Kitô Vua trong tha nhân, những người đang sống chung quanh chúng ta, đang cần chúng ta giúp đỡ, đặc biệt là những người “nghèo khó, bé nhỏ”.
Trong dụ ngôn cuộc phán xét chung, Thánh Matthêu tường thuật lại quang cảnh ngày cánh chung, khi Vua Giêsu tái lâm và Ngài phân xử mọi người tốt hay xấu, lành hay dữ, thiện hảo hay ác độc, đều có mặt và phân xử rõ ràng. Tiêu chuẩn để mà phân xử, tách ra là những gì chúng ta thực hiện cho tha nhân. Chúa Giêsu Kitô, Vua tình yêu, Ngài đồng hóa với những ai đang sống chung quanh và giữa chúng ta khi chúng ta chia sẻ tình thương, cơm áo cho người đói khổ trần truồng, khi thăm viếng người bị bệnh hoặc bị tù đày: “Ta đói, các ngươi đã cho ăn. Ta khát, các ngươi đã cho uống. Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước. Ta đau yếu, các ngươi đã chăm sóc…”. Vì thế, khi chúng ta làm cho họ là chúng ta đang làm cho Chúa: “Ta bảo thật các ngươi, mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm chính cho Ta vậy”. Thiên Chúa yêu thương và công bình sẽ dựa vào những hành động và thái độ ứng xử của chúng ta đối với tha nhân để mà xét xử.
Khi đó, chúng ta thấy: Đức Vua đã làm cho những người lành đứng bên phải, cũng như những kẻ dữ đứng bên trái, đều phải chưng hửng. Người bên phải rất sửng sốt khi thấy Vua Giêsu kể những việc tốt họ đã làm cho những người bất hạnh trong cảnh đói khát, rách rưới, tù đày, như là những việc giúp đỡ họ dành cho chính bản thân Đức Vua. Còn người bên trái cũng hết sức ngỡ ngàng khi thấy Đức Vua đồng hoá bản thân Ngài với những người mà họ đã coi thường, nên đã không cho họ cơm ăn, áo mặc, nhà ở…Họ không ngờ rằng mỗi lần họ tiếp đón hay hất hủi những người cần đến họ giúp đỡ là họ đã tiếp đón hay hất hủi chính Chúa Giêsu!
Ngược lại, khi chúng ta từ chối lẫn nhau và quay lưng trước những bất hạnh tinh thần và thể xác của anh em đồng loại thì cũng là lúc chúng ta rời xa Chúa Giêsu, rời xa Thiên Chúa.
Thiên Chúa đã âm thầm đi vào giữa đám đông nhân loại mà không ai biết. Chúng ta dễ dàng gặp Chúa lúc chúng ta không ngờ. Nếu chúng ta nhận được rằng Thiên Chúa không phải là Vua thống trị nhưng là Vua phục vụ, thì chúng ta không thể không nhận ra Ngài nơi những người bé mọn nhất. Chúng ta sẽ không còn thắc mắc như người lành hay kẻ dữ trong ngày phán xét cuối cùng: “Thưa Ngài, có khi nào chúng tôi thấy Ngài đói, Ngài khát, Ngài rách rưới… đâu?”. Bởi vì Thiên Chúa đã đi vào từng môi trường. Chúa đi vào con người. Chúa đi vào hoàn cảnh. Vua Giêsu khẳng định với chúng ta rằng Thiên Chúa tự đồng hoá với khuôn mặt của hàng triệu, triệu con người trên thế giới đang ê chề trong cảnh thiếu ăn, nghèo đói, thất nghiệp hay những công việc nô lệ, vô nhân đạo, đang bị kẻ mạnh áp bức hay người quyền thế bóc lột.
Mừng lễ Chúa Kitô là Vua hôm nay, chúng ta xác tín rằng: Chúa Kitô là Vua. Vương quốc của ngài là vương quốc của tình yêu. Ai sống trong tình yêu thì thuộc về Chúa Kitô và là công dân của Nước Thiên Chúa. Tình yêu, nói được là như “ chứng minh nhân dân” của Nước Thiên Chúa. Chắc hẳn, Tình yêu không đòi hỏi nhiều lời nói hơn bằng nhiều hành động thiết thực, sống động, cụ thể là chia sẻ chính những lo lắng khó khăn, khốn khổ cùng cực của đồng bào trong hoàn cảnh xã hội chúng ta đang sống. Hãy phục vụ những Vua Kitô ấy để vào ngày cuối cùng Vua Kitô sẽ mời gọi chúng ta “ hãy đến, hỡi những người cha ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng vương quốc đã dành sẵn cho anh em từ thưở đời đời”. Thiết lập Nước Thiên Chúa trong thế giới này là một ưu tiên trước hết của những người theo Chúa Kitô. Chúng ta được gọi để công bố Nước Chúa trong hòa bình, công lý và yêu thương. Tác giả sách Khải Huyền diễn tả: "Tôi thấy trời mới đất mới. Trời cũ đất cũ đã qua đi... Tôi thấy thành thánh Giêrusalem mới xinh đẹp như cô dâu trang điểm ra gặp chú rể. Tôi nghe tiếng nói lớn: "Đây là nơi Thiên Chúa ở với con cái loài người. Họ là dân của Chúa và Chúa là Chúa của họ. Chúa sẽ ở với họ." Đây không phải chỉ là một thành phố mới nhưng là một bầu khí mới. Hãy yêu thương và chia sẻ cho kẻ khác như Chúa yêu chúng ta và chúng ta sẽ trở nên toàn vẹn như Chúa muốn cho mỗi người chúng ta.
Chúng ta cảm tạ Thiên Chúa cho một năm Phụng Vụ đã qua, một năm chúng ta nhận lãnh rất nhiều, nhiều ân sủng của Thiên Chúa qua các Bí Tích, qua Thánh Lễ mỗi ngày, qua các biến cố trong cuộc sống, qua các mối tương quan chúng ta có lẫn nhau. Chúng ta cũng xin Thiên Chúa là Cha tha thứ cho chúng ta, vì những tội lỗi mà chúng ta xúc phạm đến tình yêu của Chúa và những tổn thương gây ra cho anh em mình, nhất là những người ta gặp gỡ mỗi ngày. Sau đó chúng ta có một quyết tâm mới cho những ngày tháng hồng ân của Năm Mới mà chúng ta chuẩn bị đi vào.
Lạy Chúa Kitô là Vua của Tình Yêu, xin giúp chúng con biết sống yêu thương như Chúa để chúng con sẽ được dự phần trong Vương quốc tình yêu của Ngài. Amen.
19.Vua mục tử
(Suy niệm của Lm. Văn Hào SDB)
“Ngài sẽ ngồi trên ngai vinh hiển, như một mục tử” (Mt 25,31-32).
Những công trình nghệ thuật và văn chương cổ điển, như những bức họa của Michelangelo tại đền thờ Sixtine hay của họa sĩ Dante, rất cuốn hút người xem với những cảnh vẽ về ngày phán xét sau cùng. Sự pha trộn những nét tương phản được diễn tả rất sống động, như sự đối kháng giữa thiên thần và quỷ dữ, giữa lửa và mây, giữa những con người vui sướng vì được cứu thoát và những kẻ bị chúc dữ đầy khiếp sợ. Các bức họa muốn diễn bày ý tưởng, là trong ngày chung thẩm, người tốt lành sẽ được ân thưởng, và kẻ gian ác sẽ bị luận phạt. Các họa sĩ cũng mô tả chân dung của Đấng phán xử như một vị Vua uy lực, đấng sẽ ra phán quuyết tối hậu về số phận của mọi người, người tốt cũng như kẻ xấu. Những hình ảnh này chắc chắn làm an tâm những ai đang cố gắng sống ngay lành, tuy còn phải nỗ lực hoàn thiện, đồng thời cũng gợi nhắc những ai làm điều xấu phải cố gắng hoán cải để nên hoàn thiện hơn.
Hình ảnh một vị Vua thần thánh đầy uy quyền, công bố những phán quyết để xử phạt, hoàn toàn đối nghịch với hình ảnh của một Thiên Chúa yêu thương qua dáng dấp một vị mục tử nhân lành, mà bài đọc thứ nhất cũng như Thánh vịnh đáp ca hôm nay gợi tả. Dung mạo của Đấng Chăn Chiên nhân hậu luôn chăm sóc đoàn chiên, đi tìm kiếm các con chiên lạc, thu gom chúng về đàn để không bị tản mát, chữa trị những con bị đau yếu, dẫn chúng về đồng cỏ xanh tươi đầy ắp thức ăn bổ dưỡng, cho chúng thư thái nghỉ ngơi và được no khát nơi dòng suối trong - hoàn toàn đối nghịch với một Đấng uy quyền ngồi trên tòa cao ngất ngưởng để xét xử và ra những phán quyết nhằm nghiêm phạt. Trong Tin mừng Matthêu, nhiều lần Đức Giêsu đã nói với các môn đệ hãy bắt chước Ngài, sao chép lại tình yêu mục tử giống như Ngài. Ngài chạnh lòng thương cảm trước đám đông như bầy chiên lang thang không người chăn dắt (Mt 9,36). Ngài sai các môn đệ đi “tìm các con chiên lạc nhà Israel (10,6). Ngài cũng khuyến mời các học trò hãy thực hành giống như Ngài, một người chăn chiên liều lĩnh, đã bỏ lại 99 con trên đồng vắng để đi kiếm tìm con chiên lạc mất (18, 10-14).
Trong trình thuật Tin mừng hôm nay, thánh Matthêu dung hòa cả hai chiều kích xem ra có vẻ đối nghịch này, để khải thị chủ đề về cánh chung. Một đàng, là vào giờ phút chung thẩm sau hết, sự chọn lựa cuộc sống nơi mỗi người chúng ta mang tính chất quyết định và không thể thay đổi. Đàng khác, Đức Giêsu, đấng ngồi trên ngai phán xử lại là một Người Chăn Chiên giàu lòng nhân hậu. Đức Giêsu vừa là một Vị Vua uy quyền, ngự trên ngai tòa cao sang, nắm trong tay toàn quyền sinh sát trên tất cả sinh linh, đồng thời, Ngài cũng là một mục tử hiền lành, rất mực bao dung và đầy lòng thương xót. Hình ảnh sống động nhất nơi dụ ngôn không phải là dung mạo một ông vua với vinh quang chói sáng theo quan điểm trần gian, nhưng là một Đức Vua cao cả được đồng hóa với khuôn mặt của những con người cùng khổ đang đói, đang khát, đang lang thang nơi đầu đường xó chợ, đang rét mướt trần trụi không manh áo che thân, đang quằn quại bi thương trong bệnh hoạn hay đang bị giam giữ chốn lao tù. Những con người khốn khổ này được đồng hóa với chính Đức Giêsu. Điệp khúc đó được lập đi lập lại bốn lần trong câu truyện dụ ngôn, như muốn làm vang lên những tiếng thét gào ai oán của những người khốn khổ nhất. Họ giống như những con chiên thương tích và ốm yếu trong đàn đang cần được chăm sóc. Những học trò của Đức Giêsu khi thực hành giáo huấn này, biết bày tỏ lòng thương cảm đến các cận nhân chung quanh, chính là họ đang hiển thị dung mạo yêu thương của Đức Giêsu - Vua Mục Tử, một cách rõ nét nhất.
Trong Tin Mừng Gioan, quyền uy của Đấng chăn chiên hiện lộ trong việc kết hợp thân tình giữa chủ chăn và đoàn chiên (10,14), khi người mục tử biết từng con chiên(10,3), và người chăn chiên hy sinh ngay cả mạng sống mình cho đoàn chiên (10,11). Đây là uy quyền được diễn bày bằng tình yêu, một thứ uy quyền được sẻ chia, được trao ban để đi vào lòng người, chứ không phải là một thứ uy lực đứng ngạo nghễ trên cao, chỉ để công bố những phán quyết trừng phạt cách nghiêm khắc.
Bài Tin Mừng hôm nay cũng cảnh báo chúng ta. Đương nhiên, chúng ta không khiếp sợ trước một vị vua oai phong nghiêm trị các thần dân khi chúng ta sao lãng bổn phận do lơ là hay yếu đuối. Nhưng những ai vẫn ngoan cố đóng khép lòng mình lại, chối từ lòng thương xót của Đấng Chăn Chiên nhân hậu, chính họ đã tự chuốc lấy án phạt cho chính mình.
Mỗi người chúng ta có tự do để chọn lựa số phận muôn đời. Sự định đoạt đó tùy vào thái độ chúng ta hôm nay có biết đón nhận hay khước từ tình yêu của Vị Chăn Chiên nhân hậu, đấng luôn yêu thương và muốn cứu độ chúng ta.
20.Vua của lòng thương xót
(Suy niệm của Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty)
Vua Vũ Trụ đã từng mong được xót thương…
Ấn tượng trước hết tôi có khi đọc đoạn Tin Mừng về ‘cuộc phán xét chung’ là theo đạo chẳng có ích gì, bởi vì khi ‘tập hợp các dân thiên hạ trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê’ thì Vua Vũ Trụ đâu có áp dụng tiêu chuẩn tôn giáo, có đạo hay không; cũng vậy khi phán ‘hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn’ cũng đâu chỉ dành cho những người đã rửa tội, năng chịu các phép bí tích. Tiêu chuẩn Người áp dụng có vẻ quá đời thường, quá nhân bản, và có phần nào quá thực dụng chủ nghĩa nữa là khác, đến độ cả các không Kitô hữu (non-Christians) cũng dễ dàng đạt được: sống bác ái, sống từ nhân với hết mọi người. Các Phật tử chẳng hạn có lẽ còn thực thi ‘từ bi xả hỉ’ hơn cả người Công giáo, các đồng chí đồng đội ngoài chiến trường còn đùm bọc nhau keo sơn hơn cả các tu sĩ trong cộng đoàn. Nếu đã như thế thì làm Kitô hữu được Phúc Âm dạy bảo, được các Bí Tích đỡ nâng, được các luật lệ, luân lý chở che… thực sự sẽ mang lại cho tôi ích lợi gì trong cuộc xét xử ngày Đức Vua quang lâm?
Ấn tượng tiếp theo là Đức Vua này quá chủ quan. Người xét xử không căn cứ theo một bộ luật khách quan được ban hành, trong đó có cả luật ‘mến Chúa yêu người’ vẫn thường được coi là quan trọng hơn hết. Luật pháp phải khách quan, nhất là khi xét xử, để cứ theo đó mà áp dụng công bằng cho mọi người. Đàng này tiêu chuẩn Đức Vua dùng để xét xử lại chỉ qui hướng trực tiếp về cá nhân Ngài thôi: “vì xưa Ta đói các ngươi đã cho ăn, Ta khát các ngươi đã cho uống, Ta là khách lạ các ngươi đã tiếp rước, Ta trần truồng các ngươi đã cho mặc, Ta đau yếu các ngươi đã thăm viếng, Ta ngồi tù các ngươi đến hỏi han”. Khi đặt các lời trên vào miệng Quan Án, hình như Đức Giêsu muốn cho thấy chính Đức Vua vinh quang từ lâu vẫn hằng chờ mong để mình được mọi người xót thương và gia ân. Như vậy được chúc phúc hay bị nguyền rủa đều dựa trên một tiêu chuẩn chung là lòng nhân ái mà mỗi người có trong tương quan thuận hay nghịch với một Đức Vua hằng xót thương tha thứ và chờ đợi được thương xót lại.
Chập hai điều này lại với nhau, tôi mới thoáng phát hiện ra một nét độc đáo và siêu việt của ơn gọi Kitô hữu mà mình được diễm phúc tiếp nhận. Nhiều người không phải là Kitô hữu, chưa hề biết gì về Đức Vua hằng thương xót và hay tha thứ, nhưng vô hình chung lại thường xuyên đi vào tương quan thuận với ‘Đấng dấu mặt’ hằng chờ đợi được xót thương “Có bao giờ chúng tôi đã thấy Chúa đói, khát, là khách lạ, trần truồng, đau yếu hay ngồi tù…?” để mà cho ăn, cho uống, đón tiếp, cho mặc, thăm viếng hỏi han… Đức Giêsu cho thấy rõ, thế là đã quá đủ để tạo một tương quan thuận với Thiên Chúa tình yêu và chỉ đòi hỏi có tình yêu. “Ta bảo thật: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong các anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính ta vậy”. Tôi thành thực chúc mừng các anh chị em chưa được biết Chúa vì thật may cho anh chị em! Thế nhưng, nếu chỉ mới giữ có một vế (làm mà không biết) mà đã được như thế, huống hồ chi nếu giữ được cả hai vế (làm và biết). Kitô hữu là những người duy nhất trên trần gian này được diễm phúc có cả hai vế để tiến vào tương quan cá vị sâu đậm nhất với Đức Vua xót thương và chờ đợi được xót thương. Nhờ đức tin mà ngay từ ngày lãnh phép rửa tội họ đã nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng đầy lòng nhân ái và yêu thương; trong suốt quá trình sống đời Kitô hữu, nhất là khi lãnh nhận các Bí Tích, đặc biệt bí tích giải tội, họ đã có không biết bao nhiêu dịp để cảm nghiệm được lòng từ ái của Đức Vua; Lời Chúa hằng thôi thúc họ diễn đạt tương quan với Người bằng đời sống bác ái, yêu thương và phục vụ. Tiêu chuẩn sống của họ không còn phải là một điều luật khách quan ‘kính Chúa yêu người’, mà đã là một tương quan nhân vị mới, cho dầu theo cách nói quen thuộc của người Do Thái Đức Giêsu gọi đó là ‘Điều răn mới’, “là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13:34). Do đó không một Kitô hữu nào sẽ còn dám nói “Có bao giờ chúng tôi đã thấy Chúa đói…” Rồi họ còn có muôn ngàn dịp để nhận ra và cảm nghiệm Đức Vua yêu thương họ, cũng như họ thừa biết rằng Đức Vua họ tôn thời khao khát được họ yêu mến và xót thương lại biết là dường nào, đặc biết qua các hành động nhân hậu đối với người anh em. Do đó khi gặp lại Đức Vua quang lâm, các Kitô hữu sẽ phải là những người “đứng thẳng và ngẩng đầu lên!” (Lc 21:28) vì họ đã biết chắc rằng mình đứng bên phải trong số các kẻ “được Cha Ta chúc phúc”.
Lạy Đức Vua Vũ Trụ, Vua tình yêu và xót thương, cảm tạ Vua đã cho con cơ hội tuyệt vời để nhận biết con được Người thương xót và Người cũng khao khát được con xót thương lại. Chớ gì chương trình sống Kitô của con chỉ đơn giản là nhận biết mình được xót thương để rồi cố gắng đáp trả. Xin cho mọi người, không phân biệt lương giáo, biết cùng nhau ban phát lòng xót thương Chúa hằng khao khát, nhờ chính các Kitô hữu chúng con nhận thức ngày càng sâu sắc hơn, và nhắc nhở cho mọi người rằng: có một Đức Vua yêu mến và xót thương hết thảy mọi người. Amen.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam