Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 65
Tổng truy cập: 1364226
KHIÊM NHƯỜNG
KHIÊM NHƯỜNG- Lm. Jos. Phạm Thanh Liêm SJ
Ai cũng thích được trọng vọng; tuy nhiên Lời Chúa hôm nay dạy con người sống khiêm nhường. Ai sống khiêm nhường, sẽ được yêu thương và hạnh phúc.
Khiêm nhường là chấp nhận sự thật về chính mình
Có một số người tưởng rằng, khiêm nhường là phải nhận mình là dở nhất hoặc mình chẳng có gì hay. Vì quan niệm như vậy, nên có người thấy mình có điều hay, cũng không dám nhận và còn phủ nhận điều đó. Thật sự, khiêm nhường là chấp nhận sự thật về chính mình. Điều rất căn bản mà những người khiêm nhường xác tín: “tất cả những gì mình có hoặc hay hơn người khác, là ơn Chúa ban, chứ tự mình thì không chừng mình còn tệ hơn cả những người tệ nhất”.
Khiêm nhường là chấp nhận mình như “mình là”. Chấp nhận điều hay mình có, để tạ ơn Chúa. Chấp nhận điều dở như mình là, để “khiêm nhường”, không buồn phiền, không dằn vặt, không oán trách hay càm ràm con người hay Thiên Chúa. Nếu mình có gì hay, và cũng có thể hay hơn người khác, hãy “khiêm tốn”nhận thực rằng, nhờ ơn Chúa mà mình có được điều đó. Nếu nhờ ơn Chúa mà mình hay hơn người khác, vậy thì tại sao mình lại hành xử như thể do tự mình mà mình có điều đó? Nếu nhờ ơn Chúa mà mình có điều đó, thì đâu có gì để vênh vang tự hào!
Hay không kiêu, dở không thất vọng! Đó là thái độ của người khiêm nhường. Nhận thấy mình hay, hoặc được người khác khen mình, hãy tạ ơn Chúa. Trong trường hợp này, Chúa được tôn vinh. Con người nhận ra hồng ân Thiên Chúa ban cho họ.
Người khiêm nhường có thể sống với mọi người
“Càng khiêm nhường, càng trở nên tuyệt, và càng đẹp lòng Thiên Chúa”. Một người khiêm nhường, là người “đẹp”. Họ không khinh người kém hơn họ, hơn nữa, họ luôn kính trọng người khác, và coi mình cũng như tất cả mọi người, nếu họ có gì hay, đó là do được ban cho, chứ tự họ, họ cho rằng họ cũng bình thường và không chừng còn dở hơn mọi người.
Người khiêm nhường, là người đề cao Thiên Chúa trong đời sống. Những người kiêu ngạo, thường cho mình hơn người khác, đòi người khác đối xử với mình cách đặc biệt như mình muốn. Hình ảnh của người đi dự tiệc muốn ngồi chỗ nhất trong dụ ngôn Đức Yêsu nói trong Tin Mừng hôm nay là một thí dụ. Người không khiêm nhường, dễ làm cho người khác khó chịu, đặc biệt những người “kiêu ngạo”như họ. Họ đòi ngồi chỗ nhất, đòi người khác phải chào hỏi, đòi người khác phải xưng hô với họ thế này thế kia.
Người khiêm nhường, không ước vọng quá sức mình. Chấp nhận mình như mình là, chấp nhận mình như Chúa muốn vậy, và an bình trong cuộc sống của họ. Nói như vậy, không có nghĩa là những người “khiêm nhường”này không phấn đấu hoặc không cố gắng. Một khi họ đã cố gắng hết sức, họ chấp nhận kết quả một cách an bình. “Không tìm điều ngoài sức mình”.
Đức Yêsu- người khiêm nhường tuyệt vời
Đức Yêsu, vốn là Thiên Chúa, nhưng đã không đòi cho được ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã tự huỷ trở nên một người phàm (Pl.2, 6). Người yêu thương người khác, bất chấp họ cư xử như thế nào với mình, vẫn yêu thương và chấp nhận họ, đó là người khiêm nhường tuyệt vời.
“Yêu mến là chu toàn tất cả lề luật”. Yêu mến bao gồm mọi nhân đức. Yêu mến, là chấp nhận người khác như họ là, và cố gắng giúp họ trở nên tốt hơn, ngay cả phải chết. Những người này, khi làm như vậy, đang trở nên giống Đức Yêsu, đang trở nên một Yêsu khác.
Thập giá, ngày xưa, bị coi là dấu chỉ của sự đáng nguyền rủa và bị khinh bỉ. Hôm nay, với tình yêu và cái chết của Đức Yêsu, thập giá trở thành dấu chỉ của tình yêu, dấu chỉ của sự chiến thắng. Ước gì mọi Kitô hữu đều giống Thầy Chí Thánh, khiêm tốn và yêu thương đối với mọi người.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ:
1/.Có người cho rằng, khiêm nhường đồng nghĩa với giả hình và nhu nhược. Bạn trả lời sao?
2/.Theo bạn, tại sao người ta thường không muốn nhận sự thật về chính mình?
3/. Bạn có nghĩ rằng, khiêm nhường giúp người ta dễ sống hạnh phúc không? Tại sao?
CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN- C
KHIÊM HẠ- Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Vào một buổi sáng mùa hè, tôi thả bộ chung quanh công viên Devoe, bên cạnh nhà thờ. Quan sát cảnh sinh hoạt xuất hiện có người già, thanh niên, thiếu nữ, người Mỹ, Tây, Ta và Tầu. Đây đó mấy người còn đang ngủ trên những chiếc ghế gỗ. Vài người đi lượm long. Có người dẫn chó đi dạo buổi sáng. Người tập thể dục, người ngồi đọc báo và đám trẻ chơi banh bóng rổ. Có những kẻ ăn mặc đẹp hơn vội vã tắt ngang qua công viên đi làm việc. Một nhóm chàng trai trẻ vô gia cư, di dân bất hợp pháp và đang ngồi tãn gẫu. Một vài người thu dọn làm sạch công viên. Xem ra cảnh vẻ thật êm đềm, họ không dứt lác và không quấy rầy. Họ là những người thấp cổ bé miệng. Những người nghèo khó ăn mặc đơn sơ chỉ chăm lo kiếm sống mỗi ngày. Họ không la hét, vênh váo, đua đòi hay ăn xài hoang phí. Đa số thuộc thành phần lao động khiêm tốn.
Tôi chỉ biết dâng lời tạ ơn Chúa trong mọi sự. Tôi có khác gì những người đang có mặt trong công viên. Đã có lúc cả gia tài của tôi vỏn vẹn chỉ một bộ đồ trên người. Tôi cũng thuộc thành phần di dân, ngoại kiều và được chấp nhận như một công dân. Tôi được may mắn có nơi ăn chốn ở, có công ăn việc làm và có mọi thứ cần thiết. Thầm cám tạ ơn Chúa. Chẳng phải vì công lao hay sức lực riêng mà chỉ do lòng thương xót của Chúa ban. Tác giả sách Huấn Ca giúp chúng ta nhận được thân phận yêu hèn và thấp bé của mình. Lời khuyên răn rất chân tình: Hỡi con, con hãy thi hành công việc con cách hiền hoà, thì con sẽ được người đẹp lòng Chúa quý chuộng (Hc 3, 17). Nhìn những người chung quanh, tôi cảm thấy thật thương họ. Một người mẹ trẻ đi lượm long để kiếm thêm chút tiền cho bữa ăn gia đình. Mọi công việc họ làm đều đáng tôn trọng. Họ không ngại ngùng, không sợ dơ dáy, bẩn thỉu hay hôi hám. Họ kiếm sống bằng đôi bàn tay tinh sạch qua công khó và mồ hôi nước mắt. Họ rất đáng được tôn trọng.
Buông bỏ lớp vỏ ngoài, ai cao trọng hơn ai chứ! Danh dự hay chức vị là để phục vụ. Sách Huấn Ca dậy rằng: Càng làm lớn, con càng phải hạ mình trong mọi sự, thì con sẽ được đẹp lòng Chúa (Hc 3, 18). Hạ mình là cách thế tốt nhất để gặp gỡ và đến với tha nhân. Con đường khiêm hạ là con đường của Chúa đến với nhân loại. Không bao giờ chúng ta học hết được bài học về nhân đức khiêm nhường. Càng khiêm nhường càng trở nên vĩ đại. Qua sự khiêm hạ, chúng ta có thể đến với mọi người và mọi nơi. Khiêm hạ như dòng nước chảy xuống thấm nhuần vào đất. Nước bao giờ cũng chảy xuống thấp nên có thể đến mọi nơi. Nước thấm tới đâu thì làm đất đai thêm mầu mỡ và phì nhiêu.
Sự kiêu căng là bức tường ngăn cách với tha nhân. Kiêu căng là tự đặt mình lên trên người khác. Người kiêu là người luôn tỏ vẻ trí thức, hiểu biết, quyền lực và tốt lành thánh thiện hơn người. Thùng càng rỗng, càng kêu to. Tai hoạ dành cho kẻ kiêu căng thì vô phương cứu chữa, vì mầm mống tội lỗi đã ăn sâu vào lòng chúng mà chúng không biết (Hc 3, 28). Sự kiêu ngạo đã len lỏi vào đời sống của con người ngay từ thuở ban đầu. Ông Adong và bà Evà đã bị ma quỉ gạt gẫm và muốn được hiểu biết mọi sự giống như Thiên Chúa. Ông bà nguyên tổ đã vụt mất tất cả hồng ân. Sự kiêu ngạo đã thấm nhập vào nhiều tâm hồn, họ đã chối từ tôn thờ chính Đấng ban nguồn sự sống. Cậy dựa vào sự hiểu biết nông cạn của mình để cả dám giơ tay thách thức quyền năng Vua vũ trụ. Nhạo cười Đấng đã được sai đến. La Fontaine kể ngụ ngôn này: Cây sồi tự đắc thân to, rễ nhiều, cao ráo và miệt thị cây lau nhỏ tí yếu ớt. Cây lau trả lời rằng: Tuy thân mình nhỏ nhưng nếu gặp phong ba thì chưa chắc ai thua ai. Một hôm, trời chuyển gió và phong ba nổi dậy… cây sồi vì cao, tàn lớn nên bị gió thổi trốc gốc đổ xuống. Còn cây lau mềm uốn mình theo chiều gió, nhờ thế mà vẫn đứng yên.
Chúa Giêsu đã nhắc nhở: Vì hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên (Lc 12,11). Đứng trước quyền năng vô biên của Thiên Chúa, con người là chỉ loài thụ tạo xuất hiện đó rồi tan biến đó. Sự kiêu ngạo làm con người tự cất nhắc mình lên và chiếm hữu đạt quyền của kẻ khác. Chúa phán rằng ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên. Chân lý này có thể áp dụng cho hết mọi người sống trong xã hội. Càng làm lớn, càng biết hạ mình thì càng được tôn trọng và quí mến. Người sống khiêm nhu không phải là người yếu đuối hay tiêu cực. Chúng ta thường nói lấy nhu thắng cương là thế. Không ai chê bai, phản đối hay khinh thường những người biết sống khiêm nhường. Chỉ những ai có tính kiêu ngạo đã không nhận ra được giá trị trân quí của nhân đức này.
Suy niệm bài phúc âm. Một thí dụ cụ thể chọn chỗ ngồi nơi bữa tiệc. Trong hoàn cảnh văn hóa hiện tại, có nhiều thay đổi theo phong tục văn hóa cho hợp lẽ. Chủ hôn sẽ xếp đặt chỗ ngồi cho khách hoặc để tự do cùng bạn bè chọn lựa nơi chỗ thích hợp. Ngày xưa, Chúa Giêsu chỉ dẫn: Nhưng khi ngươi được mời, hãy đi ngồi vào chỗ rốt hết, để khi người mời ngươi đến, nói với ngươi rằng: ‘Hỡi bạn, xin mời bạn lên trên’. Bấy giờ ngươi sẽ được danh dự trước mặt những người dự tiệc (Lc 12, 10). Chúa muốn nói về sự khiêm hạ trong lòng. Thực thế, trong bất cứ đám tiệc đều có nhiều người tham dự gồm kẻ có chức quyền, có địa vị hoặc là thành viên của gia đình, chúng ta nên trông trước ngó sau để cư xử hợp tình hợp lẽ. Không nên gây khó xử cho gia chủ. Người ta thường nói rằng: Lời chào cao hơn mâm cỗ. Vì để giữ mặt mũi, nên đôi khi chúng ta lại bị mất mặt.
Thơ Do-thái nói về cứu cánh cuộc lữ hành trần thế. Chúng ta không tìm đến những nơi gây khiếp sợ như lửa cháy, gió lốc, mây mù và bão táp nhưng là tiến về Nhà Chúa: Anh em tiến đến núi Sion và thành trì của Thiên Chúa hằng sống, là Giêrusalem trên trời (Dt 12, 22). Tất cả mọi sự đều được qui tụ về một mối là Chúa Giêsu Kitô. Đấng làm trung gian vạn vật. Chúa Giêsu đã mở cửa ngõ dẫn dắt chúng ta bước vào con đường khiêm hạ theo thánh ý Chúa Cha. Chúa đã học vâng phục và vâng phục cho đến chết. Vâng lời là học sự khiêm tốn. Chúa phán: Anh em hãy mang lấy ách của tôi và hãy học cùng tôi, vì tôi có lòng hiền hòa và khiêm nhượng, tâm hồn anh em sẽ được nghỉ yên bồi dưỡng (Mt 11, 29).
Tất cả mọi sự đều chung qui về một cùng đích là sự sống vĩnh cửu. Chúa Giêsu mời gọi mọi người vào Nước Trời qua nhiều cửa ngõ khác nhau. Con đường bác ái yêu thương là lối vào gọn nhẹ nhất. Vì chính Chúa Giêsu hiện thân nơi những kẻ đơn sơ bần cùng nghèo khó. Ai đón tiếp họ là đón tiếp chính Chúa. Chúa Giêsu căn dặn: Nhưng khi làm tiệc, hãy mời những người nghèo khó tàn tật, què quặt, và đui mù; ông sẽ có phúc, bởi họ không có gì trả lễ. Vì ông sẽ được trả lễ khi những người công chính sống lại (Lc 12, 13-14). Chúng ta thường nghĩ những kẻ đui mù, tàn tật, què quặt và nghèo khó là những người bất hạnh làm gánh nặng cho xã hội. Nhiều khi chúng ta ngoảnh mặt, giả điếc làm ngơ và tránh những ánh mắt van nài xin bố thí của họ. Cửa xe gài kỹ và đóng kín để tránh sự phiền hà. Chúng ta không muốn tiếp cận với những kẻ cùng khốn tật nguyền. Vì sợ bị quấy rầy, chúng ta đã chối từ giúp đỡ họ. Chúng ta đang mất nhiều cơ hội chia sẻ bác ái và làm phúc.
Lạy Chúa, con đã có rất nhiều cơ hội để chia sẻ giúp đỡ tha nhân, nhưng lòng con qúa hẹp hòi và ích kỷ. Con đã từ chối giúp đỡ họ. Con không muốn nhìn thấy Chúa nơi những người đau khổ và cô thế cô thân. Xin cho con học biết sự hiền lành và khiêm nhượng trong lòng để con biết chia sẻ tình bác ái với anh chị em.
CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN-C
KHIÊM TỐN NHẬN RA CHÍNH MÌNH- Lm. Anphong
Tin Mừng Chúa Nhật 22 Thường Niên C xoay quanh đề tài Đức Giêsu phê phán những người Pharisêu về thói đạo đức giả, thích phô trương, thích được người ta trọng vọng. Hôm nay, ngay tại bàn ăn trong nhà của chính họ, Người cũng phê phán sự cao ngạo của họ bằng một dụ ngôn.
Nội dung dụ ngôn đó là: Nếu các thực khách tự chọn chỗ ngồi rốt hết, thì ông chủ sẽ mời họ lên chỗ nhất và ngược lại.
Những người Pharisêu là những người thích chọn chỗ nhất. Họ luôn tự đánh giá mình là hạnh kiểm loại “A”. Trước mặt Thiên Chúa, họ kể lễ dài dòng những “thành tích” đạo đức của mình. Trước mặt người khác, họ coi thường và cho mình “quyền được hơn người khác”.
Nhưng trong vương quốc của Thiên Chúa thì khác: trật tự hiện nay sẽ bị đảo lộn; những chỗ tốt nhất là do Thiên Chúa ban như một quà tặng, chứ không do con người tự chọn cho mình. Như thế, con người có là chi trước mặt Thiên Chúa. Họ cần cúi mình xuống – khiêm tốn.
Khiêm tốn đích thực là nhìn nhận thực tế những gì mình hiện có và mình là. Khiêm tốn đích thực là dám chấp nhận những gì mình có chỉ là hồng ân của Thiên Chúa. Khiêm tốn đích thực sẽ mang lại niềm vui, bình an. “Tất cả là hồng ân” (thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu).
Đức Giêsu còn đưa ra một lời khuyên nghịch lý: “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối… hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù”. Không thể hiểu câu này theo nghĩa đen, nhưng cần hiểu theo một nghĩa sâu xa hơn, tức là về các mối tương quan xã hội khác nhau của mỗi người chúng ta.
Thực vậy, mỗi người chúng ta thường được người khác đánh giá qua đẳng cấp xã hội, tiền tài, nghề nghiệp… Đó là “môi trường” bao chung quanh một người. Chính những “môi trường” này đã phân chia con người làm nhiều hạng, loại trong cùng một xã hội. Những người cùng một “môi trường” như nhau thường liên kết, giao du với nhau. Từ đó, sự phân cách trở nên ngày càng lớn. Chúng ta thường bị điều kiện hóa bởi “môi trường” của mình. Điều này thường ngăn cản chúng ta không mở rộng vòng tay, tấm lòng tới tất cả mọi người không phân biệt một ai. Đức Giêsu đến để phá đổ những bức tường ngăn cách giữa con người với nhau. “Không còn Do Thái hay Hy Lạp, không còn nô lệ hay tự do” (Gl 3,28), không còn người giàu hay người nghèo, thánh nhân hay người tội lỗi. Tất cả mọi người đều phải có chỗ trong con tim của chúng ta, nhất là những người yếu đuối, bất hạnh, tàn tật… Sự khiêm tốn đích thực là nhìn nhận mình chẳng là gì hết trước mặt Thiên Chúa, cho dù mình có thuộc về một “môi trường sống” cao hay thấp; đồng thời nhìn nhận mọi người là anh chị em cùng một Cha trên trời.
Nơi bàn tiệc Thánh Thể chúng ta tham dự mỗi ngày, không có chỗ nhất hay chỗ bét, chỗ ưu tiên, dành riêng cho tùy loại người. Tất cả đều được Thiên Chúa tiếp đón như những người con và như những người anh em của Đức Giêsu. Đời sống người kitô hữu là một bàn tiệc Thánh Thể, thánh lễ kéo dài. Thánh lễ là cuộc đời và cuộc đời là thánh lễ. Chúng ta được Thiên Chúa mời gọi tham dự bàn tiệc Thánh Thể cùng với anh chị em mình trong Đức Giêsu Kitô. Điều cần thiết là biết nhận ra chính mình trong tương quan với Thiên Chúa và với anh chị em mình.
Phải chăng chúng ta nhận ra chính mình chẳng là gì trước mặt Thiên Chúa? Phải chăng chúng ta nhìn nhận mọi người là anh chị em, cùng một Cha trên trời?
Lạy Chúa,
Chúng con hiểu rằng
tự sức mình chúng con chẳng làm được gì.
Tất cả những gì chúng con có được chỉ là hồng ân.
Xin cho chúng con khiêm tốn đủ
để cho phép người khác giúp đỡ mình,
đồng thời cũng cởi mở đủ
để người khác có thể tìm thấy nơi chúng con
một sự tương trợ khi họ cần đến.
CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN- C
KHIÊM TỐN VÀ VÔ VỊ LỜI- Lm. Gb. Trần Văn hào SDB
Trong xã hội ngày nay, người ta nói khá nhiều về sự khiêm tốn. Những khẩu hiệu như ‘Cán bộ là đầy tớ của nhân dân’ được treo dán khắp nơi, nhưng trong thực tế, nhiều khi những biểu thức đó chỉ là sáo ngữ rỗng tuếch. Ngay cả nhiều anh em linh mục vẫn bị giáo dân than phiền vì thái độ hống hách và quan quyền trong cách ứng xử. Khiêm tốn là một đức tính căn bản và cần thiết trong mọi tương giao xã hội. Hơn thế nữa, đây lại chính là cốt lõi của linh đạo Thập giá mà Chúa nói đến trong Tin Mừng hôm nay. Sự khiêm nhường mà Chúa Giêsu mời gọi khởi nguồn từ chính khuôn mẫu nội tâm mà Đức Giêsu đã diễn bày qua cái chết của Ngài.
Linh đạo Thập giá.
Ngày 19 tháng 05 năm 1997, ông Kofi Anal Tổng Thư ký Liên hiệp quốc phát đi một bản cáo phó gửi đến toàn thế giới với nội dung ‘Một người quyền lực nhất thế giới vừa mới vĩnh viễn rời bỏ chúng ta’. Người giàu quyền lực ấy là ai? Thưa, chỉ là một phụ nữ ốm yếu già nua, đã 87 tuổi, trong tay không có một tấc sắt để tự bảo vệ mình. Người giàu quyền lực ấy đã phải ngửa tay xin từng cái giường cũ để chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh, và khi chết vẫn không có một xu dính túi. Đó chính là Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta. Con người giầu quyền lực ấy là một phụ nữ yếu ớt đã sống khiêm tốn không phải với khẩu hiệu xuông, nhưng bằng lối sống rất cụ thể. Một con người đã can đảm đi đến mọi ngõ ngách của thế giới để chung chia cuộc sống vơi những người cùng khốn. Sự khiêm tốn mà Mẹ Têrêsa đã thể hiện khởi nguồn từ chính Thập giá. Trong cầu nguyện và suy niệm, Mẹ đã nghe văng vẳng lời Chúa Giêsu vang vọng trên Thánh giá: “Ta khát”. Suốt cuộc sống, Mẹ đã cố gắng sao chép lại hình ảnh của Đức Giêsu, đấng ‘vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hang với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Ngài đã tự hạ vâng lời cho đến chết và chết trên Thập giá’ (Phil 2,6-8).
Thập giá Đức Giêsu là khung quy chiếu căn bản về sự khiêm nhường mà các bài đọc lời Chúa hôm nay trình bày. Trong bài đọc 1, tác giả sách Huấn ca viết: “Càng tự hạ, con càng làm đẹp lòng Đức Chúa. Người được tôn vinh nơi kẻ khiêm nhường. Kẻ kiêu ngạo lâm cảnh khốn cùng vô phương cứu chữa”. Đương nhiên, các sách Cựu Ước chưa thể đi sâu vào mầu nhiệm cứu độ thể hiện nơi cái chết của Đức Giêsu, nhưng đã từ từ vén mở cho chúng ta con đường dẫn đến hoàn thiện. Đích đến của con đường này chính là Thập giá.
Trong bài Tin mừng với dụ ngôn về một ông chủ mời các thực khách đến ăn cưới, Chúa cũng đưa ra huấn dụ về sự khiêm tốn. Ngài kết luận: “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”.
Theo bản tính tự nhiên, ai cũng muốn được mọi người nể trọng, có được địa vị cao sang trong xã hội. Chẳng ai thích trở thành ‘kẻ rốt hết’ trước mặt các bá quan văn võ. Khiêm tốn để hạ mình xuống, điều đó mọi người chúng ta ai cũng biết, nhưng không phải dễ thực hành. Thánh Tôma Aquinô đã từng nói với một chút cường điệu: “Ai cũng có cái tôi. Khi chúng ta chết rồi, 15 phút sau, cái tôi đó mới chết hẳn”.
Ngay từ những trang đầu tiên của bộ Kinh Thánh, tác giả sách Sáng thế đã nói đến sự sa ngã của nguyên tổ. Tội đầu tiên du nhập vào trần gian chính là tội kiêu ngạo và người gây ra là Adam. Trong thư Rôma chương 5, Thánh Phaolô đã cho chúng ta thấy hình ảnh song đối giữa Adam cũ và Adam mới, là chính Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã cho chúng ta được công chính hóa nhờ cái chết của Ngài. Ađam cũ gieo mầm sự chết do kiêu ngạo. Đối lại, Ađam mới làm cho chúng ta nên công chính nhờ khiêm tốn và vâng phục. Nói tóm lại, sự khiêm tốn mà Chúa Giêsu mời gọi, đặc biệt qua bài Tin Mừng hôm nay, chính là một nền linh đạo khởi phát từ mầu nhiệm Thập giá.
Tinh thần vô vị lợi.
Chúa Giêsu nói dụ ngôn hôm nay trong khung cảnh một bữa ăn. Một người Pharisiêu mời Ngài đến nhà dự tiệc. Đương nhiên, hiện diện trong bữa tiệc hôm đó còn có nhiều vị khách quý khác, có thể có những nhân vật ‘tai to mặt lớn’ trong xã hội thời bấy giờ. Người ta thường xếp chỗ ngồi theo thứ bậc. Đó là điều rất thường tình và ở đâu cũng thế. Giáo xứ có tiệc mừng, đương nhiên Đức Cha sẽ được ngồi vào chỗ trọng vọng nhất, rồi đến các Cha, các viên chức, rồi mới đến ‘quần chúng nhân dân’. Điều này không có gì đáng nói. Nhưng nhân cơ hội, Chúa dạy chúng ta bài học về sự khiêm tốn, hãy chịu khó ngồi vào chỗ rốt hết để được mời lên trên. Chúng ta không cần bàn đến những nghi tiết xã hội hay những tập tục theo phong hóa địa phương và những chuyện đó không quan trọng lắm. Song, tinh thần khiêm tốn biết hạ mình xuống mới là nội dung mà Chúa nhắm đến để khuyến mời. Tinh thần khiêm tốn này đi đôi với một tấm lòng vô vị lợi. Đây là điều rất thực tế mà chúng ta cần nghiền gẫm để đem ra thực hành.
Trong xã hội hiện nay, người ta vẫn thường áp dụng nguyên tắc ‘Có đi có lại mới toại lòng nhau’ hoặc ‘Ông đưa cái giò bà thò chai rượu’. Người ta thường hay nói: “Ở trên đời này, chẳng ai cho không một cái gì”. Không phải đây chỉ là lề thói xã hội, nhưng ngay cả trong Giáo hội, người ta vẫn hay thực hành theo lối suy nghĩ ấy. Đám cưới con gái tôi, ông đi phong bì 500 ngàn, mai mốt đến đám cưới con gái ông, tôi cũng phải ‘lại quả’ 500, không nhiều hơn cũng chẳng ít hơn. Đó là sự sòng phẳng theo lề thói xã hội. Ngay các Cha vẫn hay ứng xử như vậy. Ngày lễ bổn mạng giáo xứ tôi, Cha đến đồng tế, khi nào đến lễ bổn mạng giáo xứ của Cha tôi cũng sẽ ‘phải’ đến để đáp lễ hay để ‘trả nợ’. Còn Cha không đến, thì tôi, tôi cũng sẽ không đến. Ở một mức độ nào đó chúng ta thấy có vẻ hợp lý, nhưng trong trật tự nước trời thì không phải vậy. Trong trật tự mới này, Chúa có vẻ như thách đố chúng ta. “Khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, đui mù, què quặt. Họ không có gì đáp lễ và như thế ông mới thật có phúc vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại”.
Điều Chúa thách đố xem ra có vẻ hơi khác thường và ‘dở hơi’. Nhưng đây lại chính là sự dở hơi thánh thiện phát nguyên từ Thập giá mà Chúa Giêsu mời gọi chúng ta dấn sâu vào. Trên Thập giá, Chúa Giêsu đã cho đi tất cả, không so đo tính toán, không mong được đáp đền. Đó chính là một ‘Tình cho không biếu không’ cách tuyệt đối, một tình yêu vô vị lợi mà chúng ta phải nghiền ngẫm, phải đào sâu và phải cố gắng đem ra thực hành.
Kết luận:
Sự khiêm tốn nội tâm và tấm lòng quảng đại trao ban vô điều kiện là linh đạo Thập giá của tất cả mọi người chúng ta, từ các anh em linh mục, tu sĩ đến giáo dân. Trong lá thư thứ nhất, Thánh Phêrô tông đồ đã dạy: “Anh em hãy trang điểm bằng sự khiêm nhường, vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo nhưng ban ơn cho những ai khiêm nhường (1P 5,5). Cũng vậy, Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Anh em hãy học với tôi, vì tôi có sự hiền lành và khiêm nhường trong lòng”. Học nơi ngôi trường này, chúng ta phải cần cù, phải siêng năng, phải học mãi, phải học cho đến suốt đời và chẳng bao giờ có thể tốt nghiệp.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam