Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 46

Tổng truy cập: 1363887

KHÔNG THUỘC VỀ THẾ GIAN

KHÔNG THUỘC VỀ THẾ GIAN

 

(Trích từ ‘Manna’)

Suy Niệm

“Tâu bệ hạ, đã 30 năm phục vụ dưới ba triều vua, lúc nào hạ thần cũng là người hết lòng yêu nước. Nay hạ thần cam chịu mọi cực hình để nên giống Đức Kitô.” Đó là câu trả lời của ông Micae Hồ Đình Hy khi vua Tự Đức mời ông giả vờ bước qua thánh giá.

Ông là người thanh liêm, được nhà vua hết sức tín cẩn, cho phụ trách ngành dệt trong cả nước. Nhưng ông cũng là một Kitô hữu xông xáo làm việc tông đồ.

Ông không thấy có gì xung khắc giữa việc phục vụ đất nước với việc phục vụ Giáo Hội.

Khi quân Pháp bắn phá cảng Đà Nẵng thì ông bị bắt, bị kết án là khinh luật nước, chống lại triều đình.

Ông Hy đã chấp nhận cái chết một cách bình thản. Trước khi chịu chém, ông còn xin hút một điếu thuốc, hương vị cuối cùng của trần gian mà ông muốn nếm trước khi nếm hương vị của thiên đàng vĩnh cửu.

Cuộc sống và cái chết của thánh Micae Hy soi sáng cho đoạn Lời Chúa hôm nay.

Người Kitô hữu có hai đầu dây cần phải giữ. “Như Cha đã sai Con đến trong thế gian, Con cũng sai họ đến trong thế gian” (Ga 17,18).

Thế gian là nơi thánh Hy đã sống cho đến chết. Thế gian là đất nước, là vua quan, là thứ dân... Ngài đã yêu mến và sống tận tình cho thế gian đó.

Thế gian đã trở nên như máu thịt của người Kitô hữu vì đó là nơi họ được Chúa sai đến để phục vụ, và là nơi họ trở thành người Kitô hữu trọn vẹn.

“Họ không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian” (Ga 17,16).

Ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian, nghĩa là không hoàn toàn nghĩ và sống như thế gian.

Người Kitô hữu không coi thường mọi giá trị của xã hội, nhưng họ có một thang giá trị riêng.

Họ biết đâu là những giá trị mà họ phải tôn trọng. Nếu hy sinh những giá trị đó, họ sẽ đánh mất chính mình và chẳng đóng góp được gì cho bộ mặt thế giới.

Họ là nhúm men vùi trong đống bột. Men không được tách khỏi bột, và men cũng không được biến chất thành bột. Trong cả hai trường hợp, men đều trở nên vô ích.

Chúng ta vẫn bị cám dỗ buông một trong hai đầu dây. Bỏ một trong hai đều làm mất căn tính của người Kitô hữu.

Ơn gọi Kitô hữu đặt ta vào một thế đứng chênh vênh, thế đứng dễ ghét, thế đứng đòi phải trả giá.

Tử Đạo là cách làm chứng tuyệt vời trong thời bách hại.

Trong thời kinh tế thị trường, cần có những cách làm chứng khác. Người Kitô hữu vẫn bị cám dỗ bước qua lương tâm mình để mua lấy chút địa vị, lợi nhuận, an toàn, thoải mái...

Thế gian không ở ngoài ta, thế gian ở ngay trong lòng ta.

Ước gì chúng ta dám chấp nhận thiệt thòi, phiền hà, mất mát, khi can đảm làm chứng cho lòng tin và tình yêu.

Gợi Ý Chia Sẻ

Kitô hữu vừa phải đồng hành với thế gian, vừa có lúc phải lội ngược dòng với thế gian. Bạn thấy điều đó có quá khó không? Làm sao thực hiện được lý tưởng đó?

Thời nào, nơi nào, làm chứng cho Chúa cũng có cái khó riêng. Đâu là cái khó khi bạn phải làm chứng cho Chúa trong một xã hội chạy theo tiền bạc và hưởng thụ?

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu, vị tử đạo tuyệt vời,

Chúa đưa chúng con vào thế giằng co liên tục. Chúa vừa chọn chúng con ra khỏi thế gian, lại vừa sai chúng con vào trong thế gian đó.

Thế gian này vàng thau lẫn lộn. Có khi vàng chỉ là lớp mạ bên ngoài.

Xin cho chúng con giữ được bản lãnh của mình, giữ được vị mặn của muối, và sức tác động của men, để đem đến cho thế gian một linh hồn, một sức sống.

Chúng con chẳng sợ mình bỏ đạo, chỉ sợ mình bỏ sống đạo vì bị quyến rũ bởi bao thú vui trần thế.

Xin cho chúng con đừng bao giờ quên rằng chúng con mang dòng máu của các vị tử đạo, những người đã đặt Chúa lên trên mạng sống.

Lạy Chúa Giêsu, nếu thế gian ghét chúng con, thì xin cho chúng con cảm thấy niềm vui của người được diễm phúc nên giống Chúa. Amen.

 

2.Anh em làm chứng cho Thầy

(Trích từ ‘Manna’ – Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ.)

Suy Niệm

Trong số 117 vị Tử Đạo Việt Nam, được phong thánh năm 1988, có một phụ nữ duy nhất, mẹ của 6 người con. Đó là bà Anê Lê Thị Thành, còn gọi là bà Đê.

Trước khi là một anh hùng tử đạo, bà đã là một người mẹ hiền gương mẫu. “Thân mẫu chúng tôi rất chăm lo việc giáo dục các con. Chính người dạy chúng tôi đọc chữ và học giáo lý, sau lại dạy cách dự thánh lễ và xưng tội rước lễ.” Đó là lời khai của cô con gái út trước giáo quyền.

Nhà bà Đê là nơi các linh mục trú ẩn. Buổi sáng lễ Phục Sinh năm 1861, quan Tổng Đốc Nam Định cho quân bao vây làng của bà. Bà Đê bị bắt lúc đã 60 tuổi. Bà bị đánh đập tra tấn, bị ép phải chối đạo, bị lôi qua Thánh Giá, bị bỏ rắn độc vào người. Khi con gái đến thăm bà trong nhà giam, đau đớn vì thấy quần áo mẹ loang đầy vết máu, bà đã an ủi con với một niềm lạc quan lạ lùng: “Con đừng khóc, mẹ mặc áo hoa hồng đấy, mẹ vui lòng chịu khổ vì Chúa Giêsu, sao con lại khóc?” Sau ba tháng chịu đủ mọi cực hình, người phụ nữ ấy đã hiến đời mình cho Chúa.

Cuộc đời của vị thánh nữ tiên khởi của Việt Nam là một sức nâng đỡ lớn cho chúng ta. Thiên Chúa đã làm điều phi thường nơi một người phụ nữ già nua, yếu đuối. Quan “Hùm Xám” tỉnh Nam Định cũng phải bó tay trước sự yếu đuối kiên vững của bà.

Khôn ngoan và đơn sơ, can đảm chịu đau khổ, bà thánh Đê đã phó mặc cho Chúa đời mình. Bà chẳng lo phải nói gì, phải làm gì trước tòa án, vì sức mạnh của Thánh Thần ở với bà.

Hội Thánh thời nào cũng cần những người dám sống vì đức tin, dám làm chứng cho Chúa trước mặt người đời.

Sống đức tin là một loại tử đạo không đổ máu, không đòi hy sinh mạng sống, nhưng lại đòi hy sinh cả tương lai vững vàng ổn định.

Mỗi ngày, chúng ta thường bị đặt trước những chọn lựa, trước thập giá của Đức Giêsu, y hệt như các vị tử đạo ngày xưa.

Có khi chúng ta đã bước qua thập giá, khi chọn mình, đã chối Chúa bằng chính cuộc sống.

Càng có tự do, ta lại càng dễ sa sút đức tin. Tiền bạc, tiện nghi, khoái lạc vẫn là những thụ tạo gây ra những cuộc bách hại êm ả và khủng khiếp mà cuối cùng chúng ta cũng phải đối diện.

Ước gì chúng ta không để mất đức tin được mua bằng giá máu của bao vị tử đạo, và ước gì chúng ta không ngừng chuyển giao đức tin ấy cho hơn 70 triệu đồng bào trên quê hương.

Gợi Ý Chia Sẻ

Các vị tử đạo làm chứng cho Chúa bằng cách hy sinh tính mạng. Theo ý bạn, trong thời đại đất nước mở cửa, đâu là cách thức làm chứng của người kitô hữu? (làm chứng ở trường, ở nơi làm việc, ở các chỗ giải trí vui chơi...)

Theo ý bạn, xã hội hôm nay dễ nhạy cảm với cách làm chứng nào của người kitô hữu? Phải sống như thê nào để người ta dễ có cảm tình với Đức Giêsu?

Cầu Nguyện

Lạy các thánh tử đạo Việt Nam, các ngài đã dám sống đến cùng ơn gọi Kitô hữu trong một hoàn cảnh khó khăn nguy hiểm. Sự hy sinh của các ngài cho thấy tình yêu mạnh hơn sự chết và chết là cửa mở vào cõi sống bất diệt. Dù mang phận người yếu đuối, nhưng nhờ ơn Chúa đỡ nâng, các ngài đã chiến thắng khải hoàn. Xin cầu cho chúng con là con cháu các ngài biết can trường sống đức tin của bậc cha anh trong một thế giới vắng bóng Thiên Chúa, biết nhiệt thành làm chứng về tình yêu bằng một đời hiến thân phục vụ. Ước gì ngọn lửa đức tin mà các ngài đã thắp lên bằng cuộc sống và cái chết, được bừng tỏa trên Tổ quốc Việt Nam. Ước gì máu thắm của các ngài thấm vào mảnh đất quê hương để công cuộc truyền giáo sinh nhiều hoa trái.

 

3.Anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì?

(Suy niệm của Lm. Trầm Phúc)

Từ khi vị tử đạo thần linh bị treo trên thập giá, từ khi tình yêu của Thiên Chúa được bày tỏ nơi con người Giêsu bị treo giữa trời và đất, trong một nỗi thống khổ vô cùng không thể tả xiết, từ hơn 20 thế kỷ nay, khắp nơi trên thế giới vẫn còn những người dám chết vì yêu người tử tội thần linh đó. Chúng ta gọi là các thánh tử đạo.

Hôm nay, chúng ta họp mừng các Thánh Tử Đạo Việt Nam, là dịp để ngợi khen và cảm tạ Chúa cùng với các Ngài, vì Chúa đã cho các Ngài vinh dự tuyệt đỉnh trong Nước Chúa.

Cảm tạ Chúa vì niềm tin Chúa thương ban cho chúng ta.

Các Thánh Tử Đạo Việt Nam không khác gì các vị tử đạo khắp nơi trên thế giới, vì tất cả đều có một mẫu số chung: Tình Yêu. Các Ngài đã yêu mến Chúa đến tận cùng, như Chúa Giêsu đã nói: “Không có tình yêu nào cao cả cho bằng dám chết cho bạn hữu”.

Vì yêu thương mà các ngài đã chấp nhận tù đày, khổ hình và cái chết…

Đối với những người không có niềm tin, cái chết của các Ngài là điên rồ hay cuồng tín… nhưng đối với chúng ta là một hồng ân.

Trước mặt thế gian, cuộc tử nạn của Chúa Giêsu là một thất bại khủng khiếp nhưng lại là một của lễ cho Thiên Chúa, của lễ của tình yêu dâng hiến. Thất bại trước mắt thế gian, nhưng là chiến thắng vẻ vang vì Ngài đã triệt hạ được một đối thủ không ai thắng được: đó là sự chết.

Chúa Giêsu đã sống lại. Sự phục sinh của Ngài mở một con đường mới cho con người. Con người không còn là miếng mồi ngon cho tử thần nữa mà là kẻ chiến thắng. Ngài trở nên nguồn hy vọng không tàn phai cho tất cả những ai là nạn nhân của tội lỗi, bất công, hận thù, vũ lực…

Vì Chúa Giêsu không bị treo mãi trên thập giá. Ngài đã sống lại vinh hiển.

Ai có thể lượng giá sự phục sinh của Ngài?

Ngài đã sống lại, Ngài mang lại cho những kẻ tin một nguồn sống mới. Từ nay, những cuộc bách hại, gông cùm, xiềng xích, tra tấn dã man…, tuy vẫn là một sư đau khổ cho thân xác, không còn nặng nề nữa nhưng lại trở nên nhẹ nhàng, vì cuộc sống hôm nay đã được hiến dâng cùng với Đấng đã “thương tôi và đã nộp mình vì tôi”. Khi được hiến dâng, cái chết trở nên nhẹ nhàng thanh thoát.

Sức mạnh của Kitô giáo là đó, là tình yêu không tính toán, là tình yêu được biến thành hiến tế.

Giáo hội hôm nay chưa phải là Giáo hội chiến thắng. Những cuộc bách hại dưới mọi hình thức vẫn đang tiếp diễn, công khai hay âm thầm. Những nạn nhân vô tội của hành hạ tra tấn… vẫn tiếp tục vẽ lên khuôn mặt giập nát của Đấng chịu đóng đinh… Giáo hội của thập giá vẫn tiếp tục tồn tại, vẫn tiếp tục chết cho thế gian… tiếp tục làm chứng cho thế gian thấy tình yêu của Thiên Chúa không tàn phai trước bạo lực. Thiên Chúa vẫn là Thiên Chúa Tình Yêu trước hận thù độc ác.

Tiếng kêu: “Đóng đinh nó đi, đóng đinh nó vào thập giá” xé rách màn tai chúng ta… là tiếng hét đầy hận thù của thế gian, muốn tiêu diệt sự sống, công bằng và tình yêu… Nhưng thế gian có oán ghét hận thù đến đâu, cũng không thể dập tắt ngọn lửa tình yêu trong tim Ngài. Ngọn lửa đó vẫn còn cháy sáng trong tâm hồn những kẻ theo Ngài, và vẫn còn mãi, những người dám chết cho tình yêu. Chứng nhân anh dũng của Tình yêu Thiên Chúa.

Hơn 20 thế kỷ sau Thứ Sáu Tuần Thánh, vẫn còn biết bao nhiêu người bị đóng đinh, nạn nhân của bất công, hận thù…

Chúng ta sẽ làm được gì?

Các thánh tử đạo đã đổ máu, minh chứng cho tình yêu, là tiếng gọi mãnh liệt mời chúng ta bước vào cuộc tử đạo của chúng ta trong đời thường.

Tử đạo bằng máu đòi hỏi một nghị lực phi thường, tập trung cao độ, tối đa; tử đạo hằng ngày của chúng ta đòi hỏi một sự trung thành, kiên trì trong mọi giây phút. “Vì không ai sống cho chính mình cũng không ai chết cho chính mình. Sống là sống cho Thiên Chúa, và chết là chết cho Thiên Chúa.” Chết cho Thiên Chúa là gì nếu không phải là “tử đạo”?

Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, là một vị tử đạo anh hùng trong bốn bức tường tu viện, anh hùng trong từng giây phút, anh hùng trong bác ái không thối thoát… Chúng ta cũng tử đạo trong gia đình, trong nghề nghiệp, trong công việc của chúng ta…

Tử đạo hôm nay, không phải là chịu gông cùm xiềng xích, mà là nỗ lực hết mình để cứu thế giới khỏi nền văn minh của sự chết, của ích kỷ, dã man…

Tử đạo hôm nay là chết dần chết mòn cho công lý hòa bình…

Tử đạo hôm nay là dấn thân phục vụ tất cả những nạn nhân của bất công, tàn ác… là yêu thương đến cùng.

Tử đạo hôm nay là quan tâm đến những người cùng sống với chúng ta, đến những người quanh ta, tạo nên một hòa khí êm đềm cho anh em chúng ta.

Giờ phút này là giờ phút linh thiêng cao cả, khi chúng ta cùng với Vị Tử Đạo Thần Linh của chúng ta dâng hiến lên Cha trên trời, của lễ là cuộc sống hôm nay để cùng với Ngài trở thành hiến tế và trở nên những con người xây dựng một trần gian tươi sáng hơn với tất cả con tim.

 

4.Làm chứng - Lc 9,23-29

Lâm nguy mới rõ tôi trung, vào sinh ra tử anh hùng ghi tên. Đó là lòng dũng cảm của hơn một trăm ngàn nhân chứng đức tin mà Giáo Hội Việt Nam mừng kính ngày hôm nay. Từ ngày đạo Chúa được rao giảng, lúc nào cũng có những tấm gương anh dũng như vậy. Trong Cựu Ước, cụ già Eleazarô và bảy mẹ con Machbêo đã chết để làm vinh danh Chúa. Trong Tân Ước, khởi đầu bằng cuộc tàn sát các trẻ thơ vùng Belem, rồi đến việc chém đầu Gioan Tiền hô, tiếp đến là cuộc tử nạn của Chúa. Rồi từ Chúa, qua các tông đồ và mãi mãi về sau, ở mọi nơi và trong mọi lúc đều có những cuộc bách hại và cũng đều có những tấm gương anh dũng và bất khuất, mà hơn 100.000 các bậc tử đạo Việt Nam ngày hôm nay là một bằng chứng cụ thể.

Vậy các thánh tử đạo Việt Nam là những ai? Các ngài là những người như chúng ta, cũng biết đau khổ, cũng yêu mến sự sống, cũng sợ hãi trước cái chết. Và thực sự các ngài đã chết chỉ vì muốn trung thành với Chúa. Phần xác tuy chết nhưng tinh thần của các ngài vẫn bừng cháy trong dòng thời gian.

Các Thánh Tử Đạo Việt Nam là ai? Các ngài là những Giám mục như Đức Cha Vinh, Đức cha Xuyên. Các ngài là những linh mục như cha Tịnh, cha Hưởng. Các ngài là những tu sĩ như thầy Khang, chú Bột. Các ngài là những viên chức phần đời như ông án Khảm, ông lý Mỹ. các ngài là những chức sắc phần đạo như ông trùm Đích, các ngài là những quân nhân như binh Thể, binh Huy, binh Đạt. Các ngài là những phụ nữ như bà Thành mà chúng ta quen gọi là thánh Đê. Các ngài đã ra đi với sự tự do tuyệt đối, với nụ cười tha thứ và với niềm tin kiên vững.

Trong suốt thời gian bị giam giữ, bị tra tấn và bị hành quyết, các ngài đã tỏ ra thái độ mến Chúa và yêu người ở một mức độ cao, khiến cho bọn lý hình cũng phải cảm phục và suy tư. Cha Triệu bị giam trong tù, ngài rất băn khoăn khi nghĩ đến mẹ già. Ngài xin được phép về quê thăm mẹ, và chú lính đi theo đã hỏi: Ngài yêu mẹ như thế, sao không chối đạo để về nuôi mẹ. Ngài trả lời: tôi yêu mẹ tôi lắm. Nhưng trên mẹ tôi còn có Thiên Chúa. Hôm nay gặp được mẹ tôi trước ngày ra đi chịu chết, tôi thấy đã giữ trọn giới luật của Chúa. Tại pháp trường Bảy Mẫu tỉnh Nam định, bọn lý hình được lệnh xử lăng trì Đức cha Tuyên, chúng chặt tay chặt chân rồi đút một miếng thịt vào miệng ngài, Đức cha ngạc nhiên và nói: Tôi không ngờ người Việt Nam mà lại có thể độ như thế hay sao? Lời nói này làm cho một người trong bọn lý hình cảm động và trở lại. Vậy đâu là nguyên nhân đem lại cho các ngài sức mạnh và tình thương như thế?

Tôi xin thưa đó là chính Thiên Chúa. Thực vậy Đức Kitô đã nói với chúng ta: Các con đừng sợ những người có quyền giết xác nhưng hãy sợ Đấng có quyền giết cả xác lẫn hồn. Chúa dạy và Chúa ban cho những ai vâng giữ lời Ngài. Bởi thế từ Eleazarô, bảy mẹ con Macbêo cho đến Gioan Tẩy Giả và mãi mãi về sau, đều có một sức mạnh và một tình thương như thế. Các ngài tin rằng khi chịu cực hình, thì không chịu lẻ loi một mình, mà còn có Chúa ở bên cạnh. Bởi thế thánh Phaolô đã nói: Tôi không có gì để khoe khoang ngoài sự yếu đuối, nhưng tôi lại có thể làm được mọi sự trong Đấng nâng đỡ tôi. Nhân ngày mừng kính các thánh tử đạo Việt Nam, chúng ta hãy suy nghĩ như thế, hãy tin tưởng như thế, hãy cầu xin như thế, để khi gian nguy xảy đến, chúng ta sẽ có đủ sức mạnh và tình thương để làm chứng cho Chúa.

 

5.Suy niệm của Lm. Ignatiô Trần Ngà

KHÔNG ĐI THEO ĐẠO YÊU THƯƠNG CỦA CHÚA GIÊSU LÀ BỎ ĐẠO

Khi nào ta bỏ đạo?

Một trong những thử thách mà vua quan ngày xưa thường bày ra để xử tội người có đạo là đặt một cây thánh giá dưới đất rồi truyền cho họ bước qua. Ai chấp nhận bước qua là tỏ dấu công khai từ bỏ đạo Chúa thì được tha về. Ai kiên quyết không bước qua thì được xem là người ngoan cố, không chịu từ bỏ đạo Chúa thì phải chịu tra tấn, tù ngục, chịu hành hình và chịu chết.

Có nhiều người kiên quyết không bước qua thánh giá, dù bị khiêng qua thì cũng co chân lại để khỏi dẫm đạp lên. Có người lỡ dại dột bước qua, nhưng về sau ân hận nên quay trở lại, khẳng định với quan quân mình không bỏ đạo nữa và xin được chịu chết vì Chúa.

Tất nhiên có nhiều người vì sợ ngục tù xiềng xích, gông cùm và tra tấn hoặc sợ chết nên đã bước qua thánh giá. Nhưng trái lại, cũng nhiều người dứt khoát không bước qua thánh giá, cho dù phải mất hết mọi sự và mất cả mạng sống mình.

Không đi theo đạo yêu thương của Chúa Giêsu là bỏ đạo

Đạo là gì? Người Á đông quan niệm rằng đạo là đường, đường đưa về chân thiện mỹ. Thiên Chúa là Tình Yêu nên đạo của Ngài cũng là đạo Tình Yêu. Chúa Giêsu đến trần gian để lập nên đạo yêu thương như một con đường đưa nhân loại về cõi phúc.

Chỉ có những ai giữ tròn quy luật yêu thương mới thực sự là người người theo đạo Chúa. Chúa Giêsu khẳng định rằng: “Người ta căn cứ vào dấu nầy để nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau.” (Ga 13, 35).

Những ai theo đạo yêu thương, tức là giữ tròn giới luật yêu thương Chúa dạy, thì được liệt vào hàng ngũ người con cái Chúa. Ngày phán xét, Chúa Giêsu mở cửa đón nhận họ vào Vương Quốc của Ngài: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa”; ai không sống theo luật yêu thương, là người bỏ đạo Chúa, thì bị liệt vào hàng ngũ những người bị nguyền rủa và bị loại trừ vĩnh viễn khỏi nhan Thiên Chúa: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó” (Mt 24, 34. 41)

Ngày trước trong thời bách hại, hành động bước qua thập giá Chúa Giêsu là dấu chỉ cho biết ai là người bỏ đạo. Ngày nay, hành động chà đạp lên nhân phẩm, chà đạp tình người, là dấu hiệu chứng tỏ người thực hiện điều đó đã chối bỏ đạo yêu thương của Chúa Giêsu.

Nói cụ thể:

Trong đời sống chung giữa xã hội, ai nuôi lòng thù oán anh em mình, xúc phạm đến người khác, gây tổn thương thanh danh, phẩm giá người khác... là người đã từ bỏ đạo yêu thương của Chúa Giêsu.

Trong phạm vi gia đình, đạo yêu thương của Chúa dạy vợ chồng phải nên một với nhau, phải yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời. Thế nên khi vợ chồng không còn sống yêu thương hiệp nhất nữa mà sống phân li chia cắt, thì lúc đó, hai người đã lìa bỏ đạo yêu thương của Chúa Giêsu.

Đạo yêu thương Chúa dạy cha mẹ phải chăm lo, giáo dục con cái, rèn đúc con cái nên người tài đức. Nếu cha mẹ thờ ơ không làm tròn nhiệm vụ đó, là cha mẹ đã bỏ đạo Chúa.

Đạo yêu thương Chúa dạy con cái phải thờ cha kính mẹ, thảo hiếu với ông bà tổ tiên; nếu con cái không giữ tròn chữ hiếu với cha mẹ, với ông bà tổ tiên là họ đã từ bỏ đạo yêu thương của Chúa rồi.

Trái lại, khi chúng ta theo lời Chúa dạy mà tha thứ cho người khác khi họ xúc phạm đến mình, cứu giúp những người hoạn nạn, chia cơm sẻ áo cho người nghèo thiếu, quên mình phục vụ những người chung quanh... là chúng ta đang đi theo đạo yêu thương của Chúa Giêsu cách triệt để nhất.

Các thánh tử đạo Việt Nam đã rất anh dũng bước theo đường lối Chúa Giêsu, theo đạo yêu thương của Chúa Giêsu. Dù ngục tù, gươm đao, dù bị róc xương xẻ thịt cũng vẫn không làm cho các ngài từ bỏ đạo Chúa. Chúng ta là con cháu các ngài, mang dòng máu bất khuất anh dũng của các ngài trong huyết quản mình, thì chúng ta cũng kiên quyết đi theo đạo yêu thương của Chúa như các ngài, để mai ngày đáng được hưởng triều thiên vinh hiển với các ngài trên thiên quốc.

Nguyện xin các thánh tử đạo Việt Nam là ông bà tổ tiên của chúng ta luôn phù giúp chúng ta vững bước đi theo đạo yêu thương của Chúa.

 

home Mục lục Lưu trữ