Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 41
Tổng truy cập: 1361062
KHÚC RẼ QUYẾT ĐỊNH
Xa khỏi mọi người, dưới chân núi Hermon, một mình trong thanh vắng bên sông Giođan, Đức Kitô nêu lên cho các môn đệ một vấn nạn quan trọng: “Các con nói thầy là ai? Nói chung những người khác không nhận biết Ngài, và bây giờ, các môn đệ phải phát biểu ý kiến về Ngài.
1) Vấn nạn
Đức Kitô không hỏi: Các con tin gì? Các con coi điều gì là phải? Nhưng Ngài hỏi cách trực tiếp: “Các con nói Thầy là ai?” Đức tin Công giáo trước hết không phải là một vấn đề lý thuyết, một tổng số chân lý siêu hình, hay chỉ là một tín điều. Đối tượng của đức tin Công giáo là chính Đức Giêsu Kitô. Trong Ngài, Thiên Chúa đã nhập thể, Ngài là hành động quyết định, là biến cố chủ yếu. Con người chỉ có thể có một thái độ duy nhất là nhận biết hay không nhận biết Ngài. Lập trường đối với Chúa Giêsu là yếu tố quyết định để phân biệt ai là Công giáo, ai là lương dân. Vậy luân lý không phải là yếu tố cốt yếu nhưng chính là đức tin. Nếu có người nhờ đức tin hiểu được Chúa Giêsu là ai, tự nhiên họ sẽ lãnh nhận lời Ngài, và nhất thiết đáp ứng những đòi hỏi của Ngài. Đức tin vào Đức Giêsu Kitô là tất cả! Kitô giáo là thái độ chấp nhận Đức Kitô.
2) Lời đáp trả
“Thầy là Đức Kitô con Thiên Chúa hằng sống”. Lời tuyên xưng ấy của Thánh Phêrô cho chúng ta thấy Chúa Giêsu cao trọng biết bao trong chức vụ của Ngài. Ngài là tiên tri được Chúa thánh hiến. Ngài là vua, là chánh tế. Ngài còn hơn tất cả những tước hiệu ấy, vì Ngài là chính con Thiên Chúa hằng sống. Vậy phải biết vượt qua các tước hiệu bên ngoài để tìm tới chính Ngôi vị thâm sâu của Đức Kitô. Đó là tất cả ý nghĩ cao xa của đức tin: Đức tin là cuộc gặp gỡ trực tiếp với Con Thiên Chúa. Câu trả lời của Thánh Phêrô dựa trên hai lý do vững chắc. Trước hết, nhờ suy tư và tác động đức tin của Phêrô: Người là kẻ từng chứng kiến lời nói và phép lạ của Chúa Giêsu. Tất cả những gì xẩy ra trước kia nay đều đem lại hậu quả mong muốn nơi Ngài: Nào những lần được thấy Chúa chữa bệnh, hai lần hoá bánh ra nhiều, nào những lần chứng kiến Chúa đi trên mặt biển và trở giúp Phêrô bị lao đao trên sóng nước. Phêrô đã hiểu các dấu hiệu, rồi từ đó đạt tới tác nhân của các dấu hiệu. Ngoài ra để tuyên xưng Đức Kitô là con Thiên Chúa hằng sống, người còn được thêm ánh sáng Chúa Thánh Thần soi dẫn bên trong “Không phải huyết nhục cho con biết điều ấy, nhưng chính Cha ta ở trên trời đã tỏ lộ cho con! Đức tin quả thật đã hợp nhất hai yếu tố tự nhiên và siêu nhiên.
3) Kết quả
Câu trả lời này đã hình thành một thái độ chọn lựa quyết liệt, đưa tới một khúc rẽ lớn lao trong toàn thể lịch sử: đó là bước tiến từ Cựu Ước sang Tân Ước, từ Do Thái xác thịt sang Do Thái thiêng liêng, từ giảng đường đến Giáo Hội, từ việc tuyển chọn một dân tộc đến tiếng gọi gửi đến muôn dân. Vì thế, sau lời tuyên xưng của Phêrô, Đức Kitô hứa xây dựng Giáo Hội. Đây là sự chọn lựa vĩnh viễn. Không gì có thể chiến thắng Giáo Hội kể cả quyền lực ma quỷ. Còn một lối chú giải khác về câu “Cửa hoả ngục không thể nổi lên chống lại”, theo lối chú giải đó, thì câu này có nghĩa là Giáo Hội có quyền mở cả cửa Thiên đàng và hoả ngục, cả hai lối chú giải trên đều làm sáng tỏ một ý nghĩa sâu xa, nhằm mô tả tính chất vĩ đại siêu nhiên và thần linh của Giáo Hội.
Tính chất vĩ đại ấy dựa trên hai cột trụ: tinh thần và định chế. Tinh thần chính là đức tin vì nhờ đức tin Phêrô được khen ngợi là diễm phúc. Do đó, chỉ có ai tin mới thuộc về Giáo Hội này. Đức tin là nền tảng và là cội rễ. Cột trụ thứ hai là định chế. Vị tông đồ đầu tiên khi tuyên xưng đức tin, đã được Đức Kitô trao cho chức vụ thủ lãnh: “Ta trao cho con chìa khóa nước trời, và tất cả những gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng sẽ cầm buộc, những gì con tha dưới đất, trên trời cũng sẽ tha”. Simon con Giona được nâng lên cao khỏi chính bản thân hèn yếu của mình, được Con Thiên Chúa trao phó sứ mệnh, lãnh nhận quyền cai trị tối cao, tượng trưng bằng chìa khóa rồi nhờ danh Chúa, Người thực hiện quyền cầm buộc và tha thứ.
Một Giáo Hội hoàn toàn thiêng liêng không phải là Giáo Hội Đức Kitô, Giáo Hội Chúa cũng không phải là hoàn toàn định chế. Giáo Hội Đức Kitô chỉ hiện diện trong sự hoà hợp thâm sâu giữa tinh thần và định chế, giữa đức tin và uy quyền.
Tất cả đoạn văn thánh này đã toát ra niềm hân hoan của Chúa Giêsu. Từ nay, những lời giảng và phép lạ của Ngài đã làm chứng. Như thế, đoạn văn này vừa cho thấy một tính chất khởi thuỷ, lại vừa biểu lộ một trạng thái đạt đích: đoạn văn có phác hoạ một khúc rẽ trung thực, một thái độ đoạn tuyệt và chấp nhận: được lời Chúa khai mào, các phép lạ hỗ trợ, con người đi tới chỗ lãnh nhận đức tin. Vậy chính ngôn ngữ và hành động thần linh đã đặt nền móng Giáo Hội.
49. Suy niệm của JKN
PHÊRÔ TUYÊN XƯNG ĐỨC GIÊSU LÀ CON THIÊN CHÚA
Câu hỏi gợi ý:
1) Khi Phêrô tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu, ông có thật sự tin ở bên trong, hay chỉ tuyên xưng ngoài miệng mà thôi? Xét lại những tuyên xưng của chúng ta, chúng ta có xác tín đích thực bên trong rồi mới tuyên xưng ra bên ngoài? hay chỉ là tuyên xưng ngoài miệng mà thôi?
2) Câu Đức Giêsu nói với Phêrô cần được hiểu thế nào? Đó có thể là một lời mời gọi mọi Kitô hữu ý thức hãy trở nên đá tảng làm nền móng Giáo Hội không?
Suy tư gợi ý:
1) Phêrô tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu
Phêrô là một trong ba môn đệ được Đức Giêsu yêu quí nhất -hai người kia là Gioan và Giacôbê- vì ông là một con người thuần thành, chân thật và nhiệt tình, mặc dù có chút ít sốp nổi, bốc đồng. Điều đáng quí nhất là tư tưởng, lời nói và hành động của ông là một, không bất nhất, không mâu thuẫn nhau.
Khi tuyên xưng Đức Giêsu là “Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”, thì đích thực ông nghĩ như vậy, ông sống như vậy, và ông hành động đúng như vậy. Vì thế, ông đã tuyên bố những điều phát xuất từ trái tim ông như: “Dầu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã (…) Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy” (Mt 26,33.35). Tuy nhiên, ông không ngờ được sự yếu đuối, hèn nhát vẫn là mẫu số chung của con người, trong đó có ông. Khi nói những điều ấy, ông không ngờ được là có ngày ông bị Đức Giêsu trách: “Simon, anh ngủ à? Anh không thức nổi một giờ sao?” (Mc 14,37), hoặc ông không ngờ lời báo trước của Đức Giêsu lại có thể ứng nghiệm được đối với ông: “Gà chưa kịp gáy hai lần, thì anh đã chối Thầy đến ba lần” (Mc 14,72).
2) Việc tuyên xưng của chúng ta thì sao?
Phêrô cả đời chỉ tuyên xưng và sống hết mình với niềm tin đó, và ông cũng chết vì niềm tin đó. Ông không kết án những ai không tuyên xưng hoặc tuyên xưng khác với mình. Còn chúng ta thì sao?
Có lẽ có nhiều người trong chúng ta tuyên xưng đức tin rất mạnh, rất lớn tiếng, trong những nghi thức rất long trọng, trước mặt rất nhiều người. Và chúng ta sẵn sàng kết án hoặc tỏ ra khó chịu với những ai không tuyên xưng như chúng ta, hoặc tuyên xưng khác với chúng ta. Nhưng cuộc sống của chúng ta thì lại xem ra khá độc lập với việc tuyên xưng ấy. Chúng ta tuyên xưng một đằng, nhưng sống và hành động một đằng khác. Tại sao thế?
– Vì nhờ tuyên xưng mà chúng ta được lên chức, được gia nhập một cộng đoàn, một tổ chức, một hội nào đấy, rất có thể có lợi cho cuộc sống hay sự thăng tiến của chúng ta. Mà tuyên xưng thì rất dễ, chẳng mất một giọt mồ hôi nào, cho dù có tuyên xưng mạnh mẽ, lớn tiếng hay trọng thể đến đâu. Còn sống theo lời tuyên xưng ấy là cả một vấn đề gay go, phải «đổ mồ hôi, xót con mắt», hoặc phải «trầy da tróc vẩy», phải đau đớn, thậm chí phải chết. Vì thế, rất nhiều người tuyên xưng mà không sống lời tuyên xưng ấy.
– Vì tự bản chất của vấn đề, việc suy nghĩ trong thâm tâm và việc tuyên xưng ra bên ngoài có thể độc lập với nhau hoặc mâu thuẫn nhau, nhất là nơi những người thiếu thành thật. Câu «khẩu Phật, tâm xà» nói lên sự mâu thuẫn ấy có thể xảy ra. Còn việc suy nghĩ và việc hành động lại thường đi đôi với nhau, người ta suy nghĩ thế nào thì họ hành động như vậy: tư tưởng hướng dẫn hành động. Chỉ với những người thành thật và có sức mạnh nội tâm, thì việc suy nghĩ bên trong, tuyên xưng bên ngoài, và hành động hay cách xử sự luôn luôn nhất quán, trùng hợp nhau. Tuy nhiên, với những người ý chí yếu đuối, dù rất thành thật, thì hành động đôi khi đi ngược lại với suy nghĩ và lời nói, vì «lực bất tòng tâm», như trường hợp Phêrô chối Chúa chẳng hạn.
3) Linh đạo «tuyên xưng» và linh đạo «sống»
Trong đời sống Giáo Hội, việc tuyên xưng ra ngoài miệng đóng vai trò quan trọng. Một số bí tích quan trọng đòi buộc phải có hành vi tuyên xưng như một điều kiện quan trọng không thể thiếu, như rửa tội, truyền chức và hôn phối. Một số nghi thức tôn giáo để gia nhập một cộng đoàn nào đó cũng vậy: khấn dòng, tuyên hứa hay cam kết để gia nhập hội đoàn. Trong thánh lễ, ta tuyên xưng đức tin trong kinh tin kính, trong lời tung hô sau truyền phép. Việc tuyên xưng ấy rất cần thiết, nhưng rất có thể vẫn có nhiều trường hợp người ta tuyên xưng một đằng, mà nghĩ, hành động, hay sống lại một đằng khác. Vì người Kitô hữu chúng ta rất thường xuyên tuyên xưng điều này điều kia, nên đôi khi chúng ta tuyên xưng một cách vô ý thức, rất máy móc, và quên không cố gắng sống cho phù hợp với những tuyên xưng ấy. Vô tình hay hữu ý chúng ta có thể trở thành những kẻ «ngôn hành bất nhất», trái với mệnh lệnh của Đức Giêsu: «Hễ “có” thì phải nói “có”, “không” thì phải nói “không”. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ» (Mt 5,37). Muốn biết chúng ta có phải là loại người như thế hay không, hãy thử xét xem ta sống có khác với những người không tuyên xưng như ta hay không, nếu khác thì khác như thế nào, và ở mức độ nào. Lẽ ra người tuyên xưng và kẻ không tuyên xưng phải sống khác xa nhau lắm!
Đối với con người – vốn không đọc được những suy nghĩ bên trong người khác – thì việc tuyên xưng ra bên ngoài là quan trọng. Nhưng đối với Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm hồn người ta, thì việc ta sống đúng theo suy nghĩ hay quyết tâm của ta mới là quan trọng. Vì thế, người sống đạo nội tâm không nên đặt quá nặng việc tuyên xưng. Có những người tự hứa hay tự khấn với Thiên Chúa điều gì, chỉ mình và Thiên Chúa biết với nhau, và họ cố gắng giữ thật trọn vẹn lời khấn hứa ấy. Những người này có giá trị rất lớn lao trước mặt Thiên Chúa, hơn rất nhiều những người tuyên khấn thật trọng thể – trước vô số người tham dự, trong đó có cả những nhân vật cao cấp trong Giáo Hội nghe và nhận lời tuyên khấn ấy – nhưng lại không giữ lời tuyên khấn ấy. Thế nhưng lắm người coi việc làm cho thật trọng thể lời tuyên khấn còn quan trọng hơn cả việc sống trung thực lời tuyên khấn ấy. Họ tuyên khấn thật trọng thể chỉ để khuyên người khác giữ, còn chính họ không thèm giữ!
Thiết tưởng thái độ nội tâm khi tuyên xưng mới là quan trọng, người Kitô hữu cần nhấn mạnh đến thái độ đó hơn cả chính việc tuyên xưng ra ngoài! Sự xác tín ở bên trong phải có trước đã, còn việc tuyên xưng tuy cần thiết về mặt xã hội hoặc Giáo Hội, nhưng chỉ là phụ thuộc! Xác tín bên trong không có, mà lại tuyên xưng bên ngoài thì thật là giả dối!
4) Những người xác tín thật sự bên trong rồi mới tuyên xưng ra bên ngoài là những viên đá nền tảng của Giáo Hội
Sau khi Phêrô tuyên xưng đức tin, một đức tin có thật bên trong, một đức tin mà ông sẵn sàng sống chết với nó, thì Đức Giêsu tuyên bố: «Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi». Điều đó cho thấy những ai có đức tin mãnh liệt thật sự, và chứng tỏ đức tin ấy bằng cuộc sống, bằng những hành động phù hợp, thì Đức Giêsu muốn những người ấy là đá tảng của Giáo Hội. Quả thật Giáo Hội rất cần những Kitô hữu như thế, cho dù họ là giáo hoàng, giám mục, linh mục, tu sĩ hay giáo dân! Chức vụ hay phẩm trật của họ trong Giáo Hội không phải là chuyện quan trọng cho bằng phẩm chất Kitô hữu của họ! Càng thiếu phẩm chất Kitô hữu mà càng giữ những chức vụ cao trong Giáo Hội, thì càng làm hại Giáo Hội, càng làm Giáo Hội suy yếu, chứ chẳng phải là làm nền tảng cho Giáo Hội đâu! Thật vậy, Giáo Hội đã phải nhiều phen điêu đứng và bị lung lay vì những ông giáo hoàng hay giám mục kém phẩm chất! Những vị này chỉ tuyên xưng đức tin ra bên ngoài để được phong chức, mà không có niềm xác tín đích thực bên trong! Những vị ấy dù có là giáo hoàng cũng không thể là đá tảng của Giáo Hội được!
Qua việc tuyên xưng đức tin của Phêrô và lời tuyên bố tín nhiệm của Đức Giêsu, ta thấy mọi Kitô hữu – không trừ ai – đều được kêu gọi trở nên đá tảng của Giáo Hội bằng một đức tin có thật, sâu xa, mãnh liệt, và được tuyên xưng ra bên ngoài không chỉ bằng lời nói, mà chủ yếu bằng hành động, bằng chính đời sống dấn thân của mình. Giáo Hội mà thiếu những Kitô hữu như thế – dù họ chỉ là giáo dân – thì đã bị đào thải và sụp đổ từ lâu rồi. Giáo Hội mà có thật nhiều Kitô hữu như thế thì «quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi», và sẽ là một nhịp cầu chắc chắn nối liền thế giới với Thiên Chúa. Một Giáo Hội như thế sẽ là một hồng phúc cho cả nhân loại.
Cầu nguyện
Lạy Cha, từ trước đến nay, lời Đức Giêsu nói với thánh Phêrô con cứ nghĩ là Ngài chỉ nói với những vị mà Ngài chọn làm giáo hoàng mà thôi. Nhưng nghĩ sâu xa và phổ quát hơn, con nhận ra Ngài nói với tất cả mọi Kitô hữu, Ngài mời gọi họ trở nên đá tảng của Giáo Hội, bằng cách bắt chước Phêrô: thật sự xác tín về Thiên Chúa và Đức Giêsu ở bên trong, rồi sau đó tuyên xưng ra bên ngoài bằng chính đời sống của mình. Xin giúp con biết quảng đại đáp lại lời mời gọi ấy. Amen.
50. Giáo Hội
Sau khi đọc bài Phúc âm hôm nay, chúng ta có những cảm giác nào? Điều mà tôi ghi nhận và muốn chia sẻ giờ đây, đó là Chúa Giêsu đã thiết lập Giáo Hội như là một tổ chức. Đã là một tổ chức thì phải có người điều hành và phải có những người phục tùng. Đồng thời Giáo Hội cũng phải có đủ mọi quyền hành như cai trị, giáo huấn và thưởng phạt… những quyền này Giáo Hội nhận thẳng từ Đấng sáng lập, chứ không phải do những thế lực trần gian… Giáo Hội ấy được xây dựng trên nền tảng Phêrô, bảo đảm và kiên cố, không một ai kể cả hỏa ngục không thể lay chuyển được. Giáo Hội sẽ tồn tại bao lâu còn con người sống trên mặt đất.
Chúng ta phải tin tưởng và xác tín như thế, vì hằng ngày qua những phương tiện truyền thông, chúng ta ghi nhận những điều làm cho chúng ta hoang mang lo sợ cho tương lai của Giáo Hội. Nào là những khó khăn tự bên trong khiến cho Giáo Hội bị rạn vỡ. Nào là những khó khăn tự bên ngoài như muốn đè bẹp Giáo Hội. Hãy vững niềm tin vì Chúa Giêsu đã phán: Trên đá này Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy và quỷ hỏa ngục cũng không làm chi được. Đồng thời hãy lo kiến thiết Giáo Hội với khả năng nhỏ bé của mình, vì Giáo Hội là tòa nhà Đức Kitô đã đặt nền móng và chúng ta có bổn phận phải xây dựng thêm.
Tiếp đến, Giáo Hội phát triển không phải bằng những thế lực và sự khôn ngoan trần thế, nhưng là bằng con đường thập giá, bằng những khổ đau, nghĩa là bằng sức mạnh của tình yêu.
Trong thực hành, nếu chúng ta đi đúng vào quan niệm của Chúa thì chúng ta sẽ không bao giờ nản chí và thất vọng. Vì những bách hại và sóng gió đã có trong chương trình của Chúa. Là những người tông đồ, chúng ta không bao giờ dựa trên những thế lực trần tục để phát triển Giáo Hội, vì như thế sẽ không đem lại kết quả, mà có kết quả thì kết quả ấy cũng sẽ không bền vững. Người tông đồ của Chúa là người biết đem hy sinh, đem tình thương để chinh phục… Đó là những thứ khí giới không sức nào chống lại và như vậy thành công sẽ chắc chắn và bền bỉ, vì tình yêu thì mạnh hơn sự chết.
Và sau cùng, đoạn Phúc âm này khiến chúng ta noi gương bắt chước Chúa một điểm, đó là hãy dò hỏi dư luận chung quanh về đời sống của mình. Người ta nghĩ gì về tôi. Khi sống giữa anh em cùng đạo, tôi sẽ nghe họ bàn tán gì về tôi. Là người Công giáo tốt lành tầm thường hay chỉ là kẻ khô khan nguội lạnh, hữu danh vô thực, chỉ có cái tên gọi là Kitô hữu còn đời sống thì không lấy có một phản ảnh nhỏ nhoi nào cho tinh thần của Chúa. Còn những anh em, bè bạn ngoại giáo, họ nghĩ gì về tôi. Hay nhiều lần họ đã mỉa mai. Không ngờ hắn có đạo mà cũng như vậy ư. Tôi tưởng người Công giáo như thế nào, chứ như vậy thì nào có chi đáng nói.
Hãy sống thế nào, để người khác, khi nhìn vào chúng ta cũng phải thốt lên: người này là con Thiên Chúa.
51. Người Kitô hữu
Trong những dòng cuối của sứ điệp: “Hoà bình dưới thế”, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, được mệnh danh là vị Giáo Hoàng nhân từ, dễ thương, đã đưa ra cho chúng ta một định nghĩa: thế nào là một người Kitô hữu chân chính như sau: “Mỗi một tín hữu trong thế giới của chúng ta là một mảnh sao băng, là một tụ điểm của tình yêu, là một thứ men sống động giữa những người anh em của mình. Nếu người tín hữu đóng trọn vai trò ấy, họ sẽ là người Kitô hữu chân chính”.
Sống trọn những cam kết trên, quả thật người Kitô luôn là một thách thức, một câu hỏi, một sự hiện diện quấy rầy đối với mọi người. Một mảnh sao băng khi chợt sáng lên rồi tắt lịm, nhưng cũng đủ thu hút cái nhìn của con người về một góc trời nào đó. Một hạt men bé nhỏ, mất hút trong khối bột, nhưng cũng đủ sức làm dậy lên cả khối bột. Một thể hiện yêu thương, dù nhẹ nhàng đơn giản, cũng đủ sưởi ấm cõi lòng, đủ sức chinh phục hay cảm hoá bất cứ người nào. Như thế đó, sự hiện diện của người tín hữu luôn có sức thu hút, tạo được ảnh hưởng tốt cho người khác, với điều kiện họ phải sống đúng danh nghĩa người Kitô.
Bài Tin Mừng hôm nay cũng muốn nhắc nhở chúng ta về cuộc sống ấy. Trong những việc làm của mình, và nhất là cuộc sống của mình, Chúa Giêsu đã không ngừng là một câu hỏi cho tất cả chúng ta: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”. Câu hỏi đó Chúa không ngừng đặt ra cho chúng ta và yêu cầu chúng ta sống đúng với niềm tin của mình. Ai trong chúng ta cũng phải trả lời được Chúa Giêsu là ai? Là Đức Kitô, Con Thiên Chúa đến trần gian để dạy bảo Tin Mừng, để cứu chuộc chúng ta. Rồi đến lượt chúng ta, qua cuộc sống của mình, chúng ta cũng luôn là câu hỏi cho những người chung quanh. Dù âm thầm ẩn dật đến đâu, dù bé nhỏ vô danh đến đâu, sự hiện diện của chúng ta cũng luôn là một câu hỏi cho những người chung quanh. Nghĩa là nhìn vào đời sống chúng ta, họ bảo chúng ta là ai?
Thực vậy, giữa một xã hội đầy giành giật, đầy bon chen, lấy tiền bạc làm khuôn vàng thước ngọc, người Kitô sẽ vẫn là một câu hỏi, nếu chúng ta sống trong tinh thần khó nghèo, chấp nhận thua thiệt, mất mát hơn là bán đứng lương tâm để chạy theo điều phi pháp. Có một số người lấy hận thù, ăn miếng trả miếng làm luật sống, người Kitô sẽ mãi mãi là một câu hỏi, nếu chúng ta vẫn yêu thương với mọi người, sẵn sàng tha thứ và theo Chúa cho đến cùng. Giữa một xã hội mà nhiều người đang buông xuôi, thất vọng, người Kitô vẫn mãi mãi là một câu hỏi, nếu chúng ta biết sống lạc quan, tin tưởng vào một Đấng có tình yêu trong lịch sử con người. Giữa xã hội mà sự thành thật với nhau đã trở thành một thứ xa xỉ phẩm, người Kitô sẽ mãi mãi là một câu hỏi, nếu chúng ta vẫn tiếp tục sống thành thật, sống tử tế, tốt đẹp với mọi người, ngay cả đối với chính kẻ thù của mình… Sống như thế quả là không dễ, là một đòi hỏi cam go, nhưng Chúa đòi chúng ta phải cố gắng sống được như thế nếu chúng ta muốn là một Kitô hữu đúng danh, nếu chúng ta muốn làm chứng cho Chúa.
Trong tiểu sử của thánh Sác đơ Phu-cô kể rằng: sau khi từ Ma-rốc trở về, anh say sưa kể lại cho gia đình nghe những cuộc thám hiểm đầy kỳ thú của anh qua những khu rừng Phi Châu, người chăm chú theo dõi câu chuyện hơn cả là một cô cháu gái chưa đầy 10 tuổi. Khi anh vừa kể xong, bất ngờ cô bé hỏi: “Thưa cậu, cháu thấy cậu làm được nhiều việc rất hay, thế cậu đã làm được gì cho Chúa Giêsu chưa?”. Câu hỏi ấy như một luồng điện giật làm Sác đơ Phu-cô bất động. Từ bao lâu nay chưa ai đã khiến anh phải suy nghĩ nhiều như thế: anh đã làm được gì cho Chúa Giêsu? Anh lục soát tâm hồn mình, anh chỉ thấy một lỗ hổng không đáy, anh đã phí phạm tất cả thời giờ và tuổi thanh xuân cho những cuộc ăn chơi truỵ lạc và những danh vọng thấp hèn, mắt anh bỗng mở ra để thấy nỗi khốn khổ, nghèo hèn của mình.
Ngày hôm sau, anh tìm đến xưng tội với một linh mục. Anh vào dòng khổ tu, ít lâu sau, anh xin đến Nagiarét để sống trọn vẹn cho Chúa Giêsu. Một ngày kia, khi đang cầu nguyện sốt sắng trong phòng, bỗng anh nghe thấy từ căn nhà bên cạnh tiếng rên rỉ của một người Hồi giáo, nhớ lại gương bác ái của Chúa Giêsu, anh tự hỏi: tôi có thể giam mình cầu nguyện trong phòng trong lúc có những anh chị em chung quanh đang khốn khổ thất vọng chăng? Thế là anh quyết định đến sống giữa họ, trở thành người anh em của họ, nhất là của những người cô đơn, lạc lõng, nghèo hèn. Những năm cuối đời, anh sống giữa sa mạc Sa-ha-ra, chia sẻ hoàn toàn cuộc sống cho những người cùng khổ, và chia sẻ đến giọt máu cuối cùng khi phát súng oan nghiệt của kẻ sát nhân bắn gục anh giữa lúc đang cầu nguyện.
Mọi Kitô hữu chân chính đều phải tự hỏi mình: tôi đã làm được gì cho Chúa Giêsu? Chúng ta cũng tự hỏi mình như thế. Qua bao nhiêu năm tháng cuộc đời, qua bao nhiêu nhiệm vụ lớn nhỏ đã hoặc đang đảm trách, qua bao nhiêu hồng ân đã lãnh nhận, tôi đã làm được gì cho Chúa Giêsu? Không phải là cho Chúa Giêsu mãi đâu trên trời, nhưng là cho Chúa Giêsu đang tiếp tục ngự đến, đang tiếp tục hiện diện trong cuộc đời tôi, trong tâm hồn tôi, nơi những người anh em tôi, cũng là anh em của Ngài, nhất là những ai thấp hèn, cùng khổ. Tôi tự hỏi mình, mà chính Chúa Giêsu cũng hỏi tôi mỗi ngày: “Con đã làm được gì cho Cha?”, cũng có nghĩa là “Con đã làm được gì cho những người anh em bé mọn nhất của Cha?”. Mỗi người chúng ta hãy suy nghĩ và trả lời.
52. Thầy là ai?
Rembrandt vẽ Đức Giêsu rất con người với tất cả ánh sáng và bóng tối. El Greco trình bày một Đức Giêsu đòi hỏi và hoang dã, hơi gầy và tình cảm. Còn Angelico miêu tả một Đức Giêsu ngọt ngào giống như thiên thần. Có những hình vẽ Đức Giêsu là Chúa Chiên Lành, hiền từ và yêu thương, ôm lấy những con chiên hay bế trẻ thơ trong cánh tay. Có hình vẽ Đức Giêsu là quan án, nghiêm khắc, ngồi trên ngai, đang nhìn thấu suốt tâm tư của con người.
Điều không ai nghi ngờ là, con người được miêu tả nhiều nhất trong nghệ thuật trải qua bao thế kỷ, là Đức Giêsu Kitô. Ngày xưa cũng như ngày nay, người ta vẫn tiếp tục vẽ ra hình ảnh của Ngài. Bài Phúc âm hôm nay, nói đến sự kiện Chúa Giêsu rút về vùng Caesarea Philippi và hỏi các môn đệ: “Người ta bảo Con Người là ai?” Họ trả lời: “Người thì bảo là Gioan Tẩy giả, kẻ thì bảo là Elia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó”. Ngài hỏi thẳng các môn đệ: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” Phêrô thưa: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.
William Barclay đã nêu lên những lý do rất hợp lý giải thích tại sao Chúa Giêsu lại rút về vùng Caesarea Philippi để dạy cho các môn đệ biết Ngài là ai. Vào thời điểm này, Chúa Giêsu phải đối diện với một vấn đề rất gay go. Cuộc đời trần thế của Ngài quá ngắn ngủi, đã có ai thực sự hiểu và nhận biết Ngài là ai chưa? Vì thế, Chúa đã chọn lựa rất kỹ lưỡng địa danh này để đặt câu hỏi “Thầy là ai?”
Theo William Barclay, vùng Caesarea Philippi cách biển Galilêa 25 dặm về phía đông bắc, ngoài vùng đất cai trị của vua Hêrôđê, đa số dân chúng không phải là Do Thái, chịu ảnh hưởng của những thần ngoại đạo, với nhiều đền thờ cổ thờ thần Baal của người Syrian. Vùng này lại có nhiều hang động nằm sâu trong núi. Một trong những hang này được tin tưởng là nơi sinh ra của vị thần Pan, thần của vũ trụ. Những huyền thoại về các thần của người Hy Lạp đã được gom góp lại trên phần đất này. Xa hơn nữa, hang này đã được truyền tụng là nơi xuất phát ra những nguồn suối nước tạo nên dòng sông Giođan. Nhưng quan trọng hơn hết, có một đền thờ vĩ đại bằng cẩm thạch trắng để thờ vị thần của hoàng đế Caesar.
Đang khi nhóm người Do Thái chính thống âm mưu giết Ngài như một kẻ rối đạo, Ngài đi đến một vùng đất thiêng thánh nhất của dân ngoại để mạc khải sự thật của Ngài. Đây là một bối cảnh có ý nghĩa sâu xa và có lẽ cũng là nơi an toàn để Chúa Giêsu cùng với 12 môn đệ tuyên xưng niềm tin. Qua lời tuyên xưng của Phêrô: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”, Chúa Giêsu mạc khải về thần tính của Ngài ở địa vị tối thượng trên hết mọi thần linh.
Câu trả lời của thánh Phêrô là kết quả của những ngày tháng gặp gỡ chính con người Đức Kitô. Ông đã quan sát đời sống hằng ngày của Ngài khi giảng dạy, làm phép lạ, chữa lành bệnh nhân, kêu gọi dân chúng thay đổi đời sống, tiếp xúc với những người tội lỗi, phụ nữ và trẻ em, ăn uống, gần gũi và yêu thương những người bị bỏ rơi… Khi sống chung với Đức Giêsu Kitô, sự nhận thức của Phêrô về Ngài được mở ra dần dần. Ông nhìn thấy khuôn mặt của Thiên Chúa trong Đức Giêsu. Lời tuyên xưng phát xuất từ sự gặp gỡ chân thành trong tâm hồn của Phêrô.
Đức Tổng giám mục Oscar Romero của El Salvador, người đã bị bắn chết đang lúc dâng thánh lễ, đã phát biểu một cách hùng hồn rằng: “Kitô giáo không phải là một bộ sưu tập những sự thật để tin, những luật lệ phải tuân giữ… Kitô giáo là một con người… Kitô giáo là Chúa Kitô”.
Chính sự kết hợp mật thiết và gắn bó với Chúa Giêsu mà Phêrô đã được đặt làm thủ lãnh của Giáo Hội: “Con là Đá, trên đá nầy Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được.
53. Thầy là ai?
Năm 1958 Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII được chọn trong cơn khủng hoảng của Giáo Hội về các vấn đề liên hệ đến chức linh mục, đời sống tu trì, hôn nhân và đức tin. Đức Giáo Hoàng đã phải làm việc vất vả nhiều giờ để cố gắng giải quyết những vấn đề này. Vào một buổi tối, sau một ngày làm việc mệt mỏi trong văn phòng, ngài đi đến nhà nguyện để làm Giờ Thánh theo thông lệ hằng ngày trước khi đi ngủ. Vì ngài quá kiệt sức và căng thẳng tới nỗi không thể tập trung tinh thần để cầu nguyện được nữa. Sau một vài phút cố gắng nhưng vô ích, ngài đứng dậy và nói: “Lạy Chúa Giêsu, Giáo Hội thuộc về Chúa. Con đi ngủ đây”. Chính những khó khăn đã đưa dẫn Đức Giáo Hoàng tới việc nhận thức rằng Giáo Hội thuộc về Chúa Kitô.
Nếu hôm nay Chúa Giêsu cũng hỏi chúng ta: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” Câu trả lời của chúng ta là gì? Hầu hết những câu trả lời của chúng ta đã được nghe và đặt thành những tước hiệu về Chúa Giêsu: Con Thiên Chúa, Đấng cứu độ trần gian, Ngôi thứ hai của Ba Ngôi Thiên Chúa, Chúa Chiên Lành, Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống… Những câu trả lời này có thể là của suy luận thần học và thánh Kinh, nhưng chưa phải là câu trả lời phát xuất từ đáy tâm hồn ta!
Chúa Giêsu đang mong đợi những câu trả lời cá nhân của chúng ta. Những câu trả lời do sự liên hệ gặp gỡ thân mật giữa ta với Ngài.
Người đàn bà nhận được điện thoại của người giữ trẻ. Con bé gái của bà ngã bệnh, đang bị sốt cao độ. “Tôi sẽ trở về nhà ngay”, bà nói với người coi trẻ, “nhưng trước hết, tôi sẽ ghé qua tiệm thuốc mua ít viên aspirin cho trẻ con. Phải làm cho nó bớt sốt cái đã”. Bà phóng xe đến tiệm thuốc. Khi trở lại xe với những viên aspirin trong tay, bà nhận ra rằng trong lúc vội vã đã khoá cửa xe mà chìa khóa vẫn còn ở trong xe. “Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con”, bà thành tâm cầu nguyện, “con gái con đang đau, con phải mang thuốc về cho nó”. Sau đó bà nhớ ra rằng một cái móc áo có thể được dùng để mở cửa xe hơi. Nhìn xuống mặt đất xung quanh đó, có một cái móc áo đã bị rỉ sét, lượm lên bà băn khoăn tự hỏi, làm thế nào mà mở cửa xe bây giờ. Lần thứ hai bà lại thành tâm cầu khẩn, “Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con, xin gửi đến cho con người nào biết dùng cái móc áo này”.
Ngay sau lời cầu nguyện có chiếc môtô gầm lên vang trời phóng tới và đậu lại ngay đó. Chàng thanh niên lái xe môtô mặc chiếc áo khoác bằng da đen, cùng với y phục trang sức hiện đại: giày đen, bao tay đen, mũ da đen, mắt kiếng đen, tóc dài với bộ râu quai nón rậm rạp. “Ôi, lạy Chúa Giêsu, Ngài đã nhận lời con cầu nguyện rồi hay sao?” Bà tự nghĩ. Rồi bà giải thích câu chuyện cho chàng lái xe môtô. Con nhỏ bị bệnh, cần đưa thuốc về, chìa khóa xe bên trong. “Đây là cái móc áo rỉ sét”, bà quơ cái móc áo qua lại trước mặt hắn. “Anh có thể giúp tôi được không?” “Được mà”, anh nói. Anh cầm cái móc áo trong tay, chỉ trong 5 giây, đã mở được cửa xe. Vô cùng biết ơn, bà đưa tay ôm choàng lấy gã lái xe môtô, trong cơn xúc động bà nói, “Cám ơn anh hết sức. Anh tốt quá đi!” “Không, tôi không…” gã lái xe môtô nói. “Tôi vừa mới ra khỏi nhà tù hôm nay. Tôi đã bị tù vì tội ăn cắp xe hơi, và vừa mới được thả ra khỏi tù chừng một tiếng đồng hồ thôi”. Người đàn bà đưa mắt lên trời cao thì thầm, “Cám ơn Chúa Giêsu, vì đã gửi đến cho con một tay rất chuyên nghiệp!”
Đây là câu chuyện vui, nhưng đã nói lên điểm chính yếu của bài Phúc âm hôm nay. Vì nếu Chúa Giêsu hỏi người đàn bà đó rằng “Phần con, con bảo Thầy là ai?” Câu trả lời của bà ấy sẽ là: “Thầy là người săn sóc cho con trong cuộc đời, một người yêu con và giúp đỡ con, một người lúc nào cũng sẵn sàng cho con”. Đây là câu trả lời phát xuất từ con tim mà thánh Phaolô đã gọi là “tài trực giác siêu nhiên” sẽ làm Chúa Giêsu vui lòng.
Điều này rất quan trọng, vì một cảm nghiệm xuất phát từ trái tim chính là một sự khám phá thứ hai: Chúa Giêsu hiện diện trong chúng ta, và dùng chúng ta để tiếp tục sự hiện diện của Ngài trong thế giới này.
54. Đức Giêsu Kitô là ai?
Bài Phúc âm hôm nay, Chúa Giêsu rút về vùng Caesarea Philippi và hỏi các môn đệ: “Người ta bảo Con Người là ai?”. Nếu hôm nay Chúa Giêsu cũng hỏi chúng ta: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?”
Có lẽ chúng ta sẽ trả lời: Ngài là Con Thiên Chúa, là Đấng cứu độ trần gian, là Ngôi thứ hai của Ba Ngôi Thiên Chúa, là Chúa Chiên Lành, là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống… Những câu trả lời này có thể là của suy luận Thần học và Thánh Kinh, là những câu trong sách giáo lý mà chúng ta học thuộc lòng từ nhỏ nhưng chắc hẳn đó chưa phải là câu trả lời phát xuất từ đáy tâm hồn ta!
Đức Giêsu là một nhân vật lịch sử. Ngài đã đến trần gian, chết và sống lại hơn 2000 năm qua. Ngài vẫn là câu hỏi lớn đối với nhân loại. Ngài trở thành một nhân vật nổi tiếng trong các tác phẩm nghệ thuật, văn chương, kịch nghệ, thi ca, phim ảnh, … Không kể biết bao nhiêu trang giấy, bút mực, tác phẩm diễn tả về Đức Giêsu. Tuy nhiên đó chưa phải là Đức Giêsu đích thực của lịch sử, càng không phải là Đức Giêsu của lòng tin, của Tin Mừng. Có thể các nghệ nhân, các tác giả chỉ mượn dung mạo Ngài để thể hiện một tâm tình nào đó của họ mà thôi. Vì thế, cũng không lạ gì khi chúng ta nghe Phúc âm kể việc Chúa Giêsu hỏi các môn đệ của mình, Ngài hỏi họ: “Người ta bảo Con Người là ai?”. Các ông trả lời cho Chúa Giêsu biết: có những người đánh giá rất cao, họ coi Ngài như một ngôn sứ có tầm cỡ, như Gioan Tẩy giả, hay Êlia, Giêrêmia hay như một ngôn sứ nổi danh trong lịch sử Do Thái: “Người thì bảo là Gioan Tẩy giả, kẻ thì bảo là Eâlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó”. Riêng đối với các môn đệ thân tín bên Chúa Giêsu chắc hẳn các ông đã biết rõ Ngài hơn. Chúa Giêsu muốn họ xác định nhận thức của họ về Ngài. Ngài hỏi thẳng các môn đệ: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?”. Simon Phêrô thưa: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Ở đây, Chúa Giêsu khẳng định lời tuyên xưng này là hiệu quả của ơn mạc khải “do Chúa Cha của Ngài” càng cho chúng ta có quyền nghĩ rằng Phêrô đã thấy được một số nét đặc biệt siêu phàm nơi con người Thầy Giêsu này. Chúa Giêsu còn mạc khải thêm cho Phêrô một điều khác quan trọng đối với bản thân của ông: “Này con là Đá, trên Tảng Đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy…Thầy trao cho con chìa khoá Nước Trời”. Tiêu chuẩn mà Phêrô được chọn lựa, tín nhiệm và trao ban trách nhiệm không phải là sự trỗi vượt về tài năng cá nhân nhưng là lòng tin. Không phải một Phêrô yếu đuối nhưng là một Phêrô Đá Tảng, người có lòng tin mạnh liệt vào Chúa Giêsu Kitô.
Trong cuộc sống, chúng ta cũng từng nghe Chúa Giêsu đã hỏi: “các con, các con bảo Thầy là ai?”. Câu hỏi đó Chúa không ngừng đặt ra cho chúng ta và yêu cầu chúng ta sống đúng với đức tin của mình. Ai trong chúng ta cũng phải trả lời được Chúa Giêsu là ai? Là Đức Kitô, Con Thiên Chúa đến trần gian để dạy bảo Tin Mừng, để cứu chuộc chúng ta. Rồi đến lượt chúng ta, qua cuộc sống của mình, chúng ta cũng luôn là câu hỏi cho những người chung quanh. Dù âm thầm đến đâu, dù bé nhỏ vô danh đến đâu, sự hiện diện của chúng ta vẫn luôn là một câu hỏi cho những người chung quanh.
Ngày nay, chịu ảnh hưởng trong nền kinh tế thị trường, sống giữa một xã hội đầy giành giật, đầy bon chen, lấy tiền bạc làm khuôn vàng thước ngọc, người Kitô sẽ vẫn là một câu hỏi, nếu chúng ta sống trong tinh thần khó nghèo, chấp nhận thua thiệt, mất mát hơn là bán đứng lương tâm để chạy theo điều phi pháp thì chúng ta trở nên bất nhân, bất tín, bất nghĩa, bất lương tâm. Có một số người lấy hận thù, ăn miếng trả miếng làm luật sống, người Kitô sẽ mãi mãi là một câu hỏi, nếu chúng ta vẫn yêu thương với mọi người, sẵn sàng tha thứ và theo Chúa cho đến cùng. Giữa một xã hội mà nhiều người đang buông xuôi, thất vọng, người Kitô vẫn mãi mãi là một câu hỏi, nếu chúng ta biết sống lạc quan, tin tưởng vào một Đấng có tình yêu trong lịch sử con người. Giữa xã hội mà sự thành thật với nhau đã trở thành một thứ xa xỉ phẩm, xa lạ thì người Kitô sẽ mãi mãi là một câu hỏi, nếu chúng ta vẫn tiếp tục sống thành thật, sống tử tế với mọi người, ngay cả đối với chính kẻ thù của mình… Sống như thế quả là không dễ dàng chút nào. Nó là một đòi hỏi cam go, cần ta can đảm, hy sinh, ...nhưng Chúa đòi chúng ta phải cố gắng sống được như thế nếu chúng ta muốn là một Kitô hữu đúng danh, nếu chúng ta muốn làm chứng cho Chúa.
Sống giây phút hiện tại là chúng ta đang cố gắng sống đẹp lòng Chúa, làm sáng danh Chúa, hay nói cách khác chúng ta đang trả lời về nguồn gốc của chúng ta ở nơi Thiên Chúa, chúng ta trả lời Chúa Giêsu Kitô là ai. Vì thế việc sống đạo của chúng ta, những người tin theo Chúa Kitô là phải chứng tỏ rằng Chúa Giêsu Kitô thật là Chúa cuộc đời chúng ta, ngay trong chính cách sống Tin Mừng yêu thương, phục vụ của Chúa Giêsu. Và như thế là chúng ta đang trả lời cho thiên hạ, cho anh chị em chúng ta đang sống trong xã hội biết rằng: Đức Giêsu Kitô là con Thiên Chúa làm người đang sống ở giữa chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết làm sáng danh Chúa ngay giữa dòng đời mình đang sống bằng việc sống đạo tốt đẹp để người ta nhận ra Đức Giêsu Kitô là Chúa và đang yêu thương mọi người. Amen.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam