Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 32
Tổng truy cập: 1363803
KIÊN NHẪN CẦU NGUYỆN
KIÊN NHẪN CẦU NGUYỆN
Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền
Người có tôn giáo luôn gắn liền với cầu nguyện. Cầu nguyện là hơi thở, là sự sống của người tín hữu. Vậy cầu nguyện là gì?
Cầu nguyện theo thánh Augstinô là thưa chuyện với Chúa, như một người con hiếu thảo thưa chuyện với cha mẹ, hoặc như hai người bạn chân tình tâm sự với nhau.
Vâng, nếu hiểu cầu nguyện là một cuộc tâm sự, là một cuộc trò chuyện, thì quả thực cầu nguyện là một điều rất dễ dàng và dành cho mọi người, chứ không phải chỉ dành riêng cho các linh mục, tu sĩ hay những người trí thức.
Mỗi người trong chúng ta cũng đều có kinh nghiệm về những lần trò chuyện, trao đổi tâm sự với người khác. Vậy chúng ta đã thường hay nói những gì?
Tôi xin thưa:
- Nếu là bè bạn thân thích, chúng ta có thể nói tới mọi sự: sự vui cũng như sự buồn, sự trong nhà cũng như sự ngoài ngõ, sự quan trọng cũng như sự tầm phào. Nói chung nếu là bạn bè chúng ta có rất nhiều điều để tâm sự với nhau, để kể cho nhau...
Khi đến với Chúa, chúng ta cũng có thể trình bày về những niềm vui, những nỗi buồn, những đắng cay và những băn khoăn lo lắng chúng ta đã gặp phải. Và chắc chắn khi niềm vui được chia sẻ, thì niềm vui sẽ được nhân rộng hơn lên. Nỗi buồn được chia sẻ, nỗi buồn sẽ vơi đi. Chính những lời kinh xuất phát từ giữa lòng cuộc đời, từ những biến cố xảy ra hằng ngày, sẽ dễ làm cho chúng ta cầm trí và tránh đi thói quen máy móc chiếu lệ trong cầu nguyện.
Tuy nhiên, lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy cầu nguyện trong kiên trì và tín thác. Thiên Chúa sẽ không bỏ rơi những ai kêu cầu Người, nhất là những người thấp hèn, bé nhỏ, miễn là biết đặt niềm tin tưởng vào Chúa.
Thánh nữ Monica đã luôn cầu xin Chúa cho đứa con hoang đàng của mình là Augustinô. Hằng ngày bà khóc lóc, ăn chay và hãm mình. Một hôm quá thất vọng, bà đã đến hỏi ý kiến thánh Ambrôsiô và thánh giám mục đã trả lời:
- Bà hãy yên trí, đứa con của biết bao nhiêu nước mắt sẽ không thể nào hư mất.
Mười tám năm đằng đẵng, sau cùng Augustinô mới trở lại.
- Như vậy, cầu nguyện là một việc rất dễ dàng mà bất cứ ai cũng đều có thể và phải làm được. Nhưng cầu nguyện không phải là chúng ta đòi Thiên Chúa làm theo ý chúng ta mà là để xin được theo ý Chúa với một lòng tin tưởng cậy trông tuyệt đối vào sự quan phòng của Thiên Chúa.
Đức Hồng Y Jaime Sin, Tổng giám mục Manila, Phi Luật Tân, thường trích dẫn bài thơ của một tác giả vô danh trong các bài giảng của Ngài. Bài thơ ấy như sau:
Tôi đã xin Chúa cất khỏi sự kiêu hãnh của tôi và Chúa trả lời: "Không". Ngài nói rằng không phải Ngài là người cất khỏi mà chính tôi mới là người phấn đấu để vượt thắng nó.
Tôi đã xin Chúa làm cho đứa con tàn tật của tôi được lành lặn và Chúa trả lời: "Không". Ngài nói rằng tinh thần mới lành lặn, còn thể xác chỉ là tạm bợ.
Tôi đã xin Chúa ban cho tôi sự kiên nhẫn và Chúa đã trả lời: "Không". Ngài nói rằng kiên nhẫn là hoa trái của thử thách. Ngài không ban cho tôi trái ấy mà để tôi tự tìm lấy.
Tôi đã xin Chúa ban cho tôi được hạnh phúc và Chúa đã trả lời: "Không". Ngài nói rằng Ngài ban ân phúc cho tôi, còn hạnh phúc hay không là tùy tôi.
Tôi đã xin Chúa gia tăng tinh thần cho tôi và Chúa đã trả lời: "Không". Ngài nói rằng tôi phải tự lớn lên, nhưng Ngài sẽ cắt tỉa để tôi mang nhiều hoa trái.
Tôi đã xin Chúa đừng để tôi đau khổ và Ngài đã trả lời: "Không". Ngài nói rằng đau khổ là cho tôi được xa cách với những vướng bận trần gian và mang tôi đến gần Ngài.
Tôi đã hỏi: "Liệu Ngài có yêu tôi không" và Ngài đã trả lời rằng: "Có". Ngài nói rằng Ngài đã ban cho tôi Người Con Một, Đấng đã chết vì tôi và một ngày nào đó, tôi sẽ được lên Thiên đàng vì tôi đã tin.
Tôi đã xin Chúa giúp tôi yêu mến tha nhân như Ngài yêu thương tôi và Chúa nói: "Cuối cùng con đã xin đúng điều ta chờ đợi".
Nguyện xin Chúa ban thêm lòng tin để chúng ta luôn kiên nhẫn trong lời cầu nguyện và tín thác vào sự quan phòng của Chúa. Amen.
33.Để phán quyết công bằng - Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
Thẩm phán bước vào phòng xử án, gõ búa và nói:
- Trước khi tôi bắt đầu tuyên án, tôi muốn thông báo rằng, luật sư của bị cáo đã đưa cho tôi 15.000 đôla để tôi lái vụ án theo cách của ông ấy.
- Ôi, thật thế sao? - hàng chục người trong phòng xét xử xôn xao.
Vị thẩm phán tiếp lời:
- Còn luật sư của bên nguyên đơn lại đưa cho tôi 10.000 đôla để lái theo cách của cô ta.
Phòng xử im lặng lắng nghe.
- Vì vậy, để tránh trường hợp đưa ra những phán quyết không đúng và đảm bảo sự công bằng trong việc xét xử, tôi xin phép được trả lại 5.000 đôla cho bên bị cáo. Ai có ý kiến gì nữa không?
Ông thẩm phán trong câu chuyện trên đã rất thông minh và cũng rất công bằng. Ông trả lại cho bị cáo 5 000 đô la và vụ án vẫn diễn ra công bằng mà không ai có ý kiến gì. Nhưng thực ra ông thẩm phán này vẫn nhận được số tiền 20 000 đô la.
Ở đời sao tìm sự công bằng thật khó. Dầu rằng ai cũng muốn công bằng. Ai cũng đòi công bằng nhưng có vẻ như sự công bằng không phải lúc nào cũng được thực thi trong cuộc sống.
+ Đâu đó trong xã hội vẫn có những người lương thiện thiếu thốn, đói khổ lầm than, còn những kẻ xấu xa lại ung dung hưởng thụ cuộc sống an nhàn.
+ Đâu đó trong xã hội vẫn có những người chí thú làm ăn mà vẫn nợ trước trả sau còn kẻ lừa đảo lại ăn uống dư thừa.
+ Đâu đó trong xã hội vẫn có người liêm chính bị thiệt thòi, tù đầy còn kẻ tham quan tham nhũng lại sống vương giả giầu sang.
Phải chăng công lý vẫn là một giấc mơ của con người? Giấc mơ một xã hội không còn phân biệt giai cấp hay màu da? Giấc mơ một xã hội không còn tiếng khóc của oan khiên trái ngang?
Hôm nay Chúa bảo chúng ta hãy an tâm, vì “chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi? Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ” (Lc 18,7).
Chúng ta hãy tin vào Thiên Chúa quyền năng và sự công minh chính trực của Ngài. Ngài sẽ ban lại công bằng cho chúng ta nếu chúng ta biết kêu xin Người. Ngài sẽ đòi lại công lý nếu chúng ta biết van xin Ngài. Ngài sẽ không để ai thất vọng hổ ngươi vì đã tin tưởng và cậy trông vào Ngài.
Kinh Thánh đã nhiều lần cho thấy Thiên Chúa đòi lại công bằng cho dân Ngài. Khi Cain giết Abel, Thiên Chúa đã nói “máu của Abel đã kêu thấu tới trời và từ nay vạn vật sẽ đứng lên chống lại con người. Khi dân israel bị áp bức bên Ai Cập, Thiên Chúa đã sai Mô-sê đến giải thoát dân Người và trừng phạt Pharao bằng biết bao tai ương hoạn nạn.
Sống giữa một xã hội đầy bất công Chúa mời gọi chúng ta hãy tin thác vào Chúa. Hãy kêu cầu Chúa vì Ngài là vị thẩm phán chí công. Ngài sẽ trả lại công lý cho dân Người. Hãy kiên trì trong cầu nguyện thì chắc chắn Chúa sẽ đáp ứng nguyện vọng cho ta vì Thánh Vịnh đã từng nói: “Đấng gìn giữ Ítraen, lẽ nào chợp mắt ngủ quên cho đành!” (Tv 121:3-4). Chúng ta hãy tin vào sự công minh của Chúa, và Ngài sẽ “giữ gìn bạn khỏi mọi điều bất hạnh, giữ gìn cho sinh mệnh an toàn. Chúa giữ gìn bạn lúc ra vào, lui tới, từ giờ đây cho đến mãi muôn đời” (Tv 121:5-8).
Thiên Chúa thật tuyệt vời biết bao! Ước gì chúng ta hãy tín thác vào Chúa để Ngài sẽ mang lại hòa bình công lý cho chúng ta. Amen.
34.Thái độ của chúng ta khi ta cầu nguyện
(Suy niệm của Lm. JP Vũ Minh)
Thánh sử Luca kể lại hai dụ ngôn về cách chúng ta cầu nguyện: cách thứ nhất qua dụ ngôn về bà goá và người quan tòa bất lương (Lc 18:1-8); thứ hai qua dụ ngôn người biệt phái và người thu thuế (Lc 18:9-14); và hai dụ ngôn này dậy về thái độ của chúng ta khi ta cầu xin. Đây cũng là phần kết luận cho bài học mà Chúa Giêsu dậy chúng ta về đức tin trong chương 17. Hãy duyệt qua ba điểm sau đây: sự tình của bà góa, cách hành xử của quan tòa, và nghĩ về thái độ của chúng ta khi ta cầu nguyện.
Xã hội Trung Đông đề cao vai trò của nam giới! Hầu hết các công việc ngoài xã hội - từ buôn bán ngoài chợ cho tới văn phòng - vẫn còn do nam giới điều động cho đến ngày nay. Người đàn bà thuộc quyền sở hữu của đàn ông; khi còn là con gái thì thuộc về cha; khi lấy chồng thì thuộc về chồng; và nếu chồng chết mà con trai còn vị thành niên hay không có con trai thì người góa phụ đó không có người nam đứng ra thay mặt mình trong đời sống ngoài xã hội. Sự góa bụa cũng đồng nghĩa với hoàn cảnh của những người thấp cổ miệng bé - họ rất dễ bị xã hội áp bức và không có ai đứng ra bênh vực họ. Điều này không khác gì những người ở Việt Nam bị Cộng Sản đàn áp mà đã không hay chưa thể kháng cự lại.
Trong xã hội Do Thái, các Rabbi hay các luật sỹ thường là người đóng vai quan tòa để xử lý những tranh chấp trong xã hội địa phương. Chỉ những vấn đề có tầm vóc quan trọng thì mới cần đến tòa án và những tòa này đóng vai trò Tòa Án Tối Cao (Sanhedrin) như tòa đã xét xử Chúa Giêsu. Luật pháp thì đã được ghi chép trong Torah (năm quyển sách đầu của Cựu Ước) và những gì được truyền lại theo khẩu truyền hay truyền thống. Trong thời của Chúa Giêsu, người La Mã nắm toàn quyền về những tranh tụng ngoài đời và người Do Thái chỉ có quyền phán quyết về những gì liên quan tới Do Thái Giáo mà thôi. Vị thẩm phán trong dụ ngôn theo chương 18 của Thánh Sử Luca là một người chẳng biết sợ Thiên Chúa lại còn không kiêng nể ai khác cũng giống như Đảng Cộng Sản Việt Nam và những tay sai công an cán bộ, họ là những người chỉ biết xử lý theo quyền lợi của đảng hay của mình.
Bà góa trong dụ ngôn theo chương 18 của Thánh Sử Luca là người bị đặt vào hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan, và do đó bà đã quyết định liều chết cho đến cùng để tìm một giải pháp theo công lý cho những oan ức của mình. Người quan án, tuy dù chẳng biết sợ Thiên Chúa lại còn không kiêng nể ai khác, ông cũng phải nhượng bộ vì sự cương quyết của bà này; ông nghĩ rằng nếu ông không giải quyết vấn đề của bà góa này thì ông cũng sẽ bị bà làm mất mặt hay sỉ nhục trước công chúng. Nhiều khi chúng ta nghĩ rằng những vấn đề chúng ta cầu xin Chúa giải quyết chưa được Chúa trả lời; và nếu chúng ta có đủ lý do để tìm công lý trước tòa Chúa thì ta phải kiên trì nài van. Thiên Chúa là một thẩn phán chí công hay là một người cha mẹ sẽ không cho con mình con rắn khi nó xin con cá hay nó xin quả trứng mà lại cho nó con bọ cạp (Lc 11:5-13). Chúa Giêsu muốn rằng tất cả chúng ta hãy tin vào Chúa hoàn toàn và cứ cầu nguyện liên lỷ vì Thiên Chúa của chúng ta sẽ không như vị thẩm phán bất lương kia mà thiên hạ thường nghĩ.
35.Cầu nguyện
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đưa ra dụ ngôn về một vị thẩm phán không liêm khiết khi có một bà góa đến xin ông xử việc cho mình. Kết luận của dụ ngôn là nếu vị thẩm phán bất lương đã không quan tâm gì đến bổn phận, không kính sợ Thiên Chúa và cũng chẳng sợ ai, nhưng sau cùng phải xét xử cho bà góa để khỏi bị quấy rầy nhiều lần. Chỉ có Chúa là Đấng thánh và công bình, chắc chắn Ngài sẽ nghe lời cầu xin thiết tha của con cái mình.
Một câu hỏi người thời nay thường đặt ra đối với việc cầu nguyện là: “Cầu nguyện có ích gì không?” Nếu hiểu cầu nguyện là xin ơn mà thôi thì có thể nói cầu nguyện không cần thiết. Thiên Chúa không thay thế chúng ta trong những gì chúng ta phải làm vì bổn phận và trong những gì chúng ta có thể làm được. Việc xin các ơn huệ như sức khỏe, hạnh phúc, thành công, giàu có không phải là mục đích và lý do hay nhân tố duy nhất của việc cầu nguyện. Nếu chỉ nhấn mạnh đến các khía cạnh như vậy mà thôi thì không hiểu chút gì về cầu nguyện, tức là đánh giá việc cầu nguyện theo tư lợi và ích kỷ.
Khi Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện trong kinh Lạy Cha, Ngài dành phần thứ nhất gồm lời cầu xin cho Thiên Chúa: “Nguyện cho danh Cha được hiển vinh, nước Chúa được lan rộng và thánh ý Ngài được tuân theo”. Sang phần thứ hai dành cho chúng ta, lời cầu xin có tính cách vật chất và tinh thần như xin cơm bánh hằng ngày để nuôi thể xác và xin bánh Lời Chúa và Bánh Thánh Thể để nuôi linh hồn. Còn tất cả những lời cầu xin khác đều thuộc phạm vi thiêng liêng như xin tha thứ các tội nhân, xin ơn trung thành trong các cơn thử thách và cám dỗ, nhất là trong giờ sau hết. Sau cùng là xin ơn chiến thắng sự dữ và tà thần.
Cầu nguyện theo lời Chúa dạy không những có ích mà còn cần thiết nữa, bởi vì lời cầu nguyện như vậy là của nuôi linh hồn, bồi bổ đức tin và thánh hóa trần thế. Lời cầu nguyện đích thực là lời cầu nguyện Chúa Giêsu đã thực hành và dạy lại cho mỗi người chúng ta. Lời cầu nguyện này phát xuất bởi đức tin sống động được bày tỏ ra bên ngoài bằng các việc lành, đồng thời nuôi sống đức tin bên trong. Tất cả đời sống đức tin của người Kitô hữu phải là một việc cầu nguyện không ngừng. Vì thế, Chúa Giêsu đã dạy chúng ta rằng: “Hãy cầu nguyện luôn, đừng bao giờ nhàm chán”.
Qua việc cầu nguyện liên lỉ này, chúng ta tiếp tục hiệp thông với nguồn mạch sự sống. Chính Thiên Chúa là Cha chúng ta, Ngài sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng ta trong các khó khăn, chán nản, cô đơn, thất vọng, miễn sao chúng ta cứ tin tưởng vững chắc vào Ngài.
Lạy Chúa, Chúa là Cha chúng con, Chúa luôn trung thành với lời Chúa hứa và Ngài luôn luôn nhận lời những ai cầu xin với lòng tin vững chắc. Xin hãy lắng nghe tiếng van xin của chúng con, nhất là trong cơn thử thách của cuộc đời trần thế này.
Lạy Chúa Giêsu nhân lành, chúng con xin thú thực rằng, chúng con không biết cầu nguyện. Xin Chúa dạy chúng con cầu nguyện như Chúa đã dạy các môn đệ của Ngài xưa. Xin ban Thánh Linh cho chúng con, để Ngài giúp chúng con và chỉ dạy cho chúng con biết cách phải cầu nguyện như thế nào cho hợp thánh ý Ngài.
36.Cầu nguyện
Để giúp hiểu rõ hơn đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe qua của Chúa nhật 29 quanh năm hôm nay và cũng là Chúa nhật Truyền Giáo, chúng ta hãy nhớ lại đoạn Tin Mừng này được đặt nằm trong viễn tượng cánh chung là viễn tượng Chúa trở lại trong vinh quang vào giây phút cuối cùng của lịch sử khi mọi sự được nên trọn trong Chúa Kitô.
Cuộc đời của người tín hữu Chúa trên trần gian này là một cuộc hành trình khó khăn giữa nhiều thử thách, và để an toàn đạt đến cùng đích của cuộc lữ hành thì mỗi môn đệ Chúa phải kiên trì, phải trung thành trong đức tin cho đến khi Chúa lại đến. Và để kiên trì trong đức tin cho đến cùng thì mỗi đồ đệ của Chúa cần thực hành điều căn bản và quan trọng, đó là cầu nguyện. Chính vì thế mà vào khởi đầu của đoạn Tin Mừng hôm nay, chúng ta nghe thấy Chúa Giêsu nói về việc cầu nguyện: “Hãy cầu nguyện luôn”. Nhưng rồi vào cuối đoạn Phúc âm thì chúng ta lại nghe Chúa chất vấn: “Liệu khi Con Người là chính Chúa ngự đến thì thử hỏi còn đức tin, còn ai tin vào Chúa trên trần gian này nữa hay không?”
Cuộc sống đức tin không phải là không có những nguy hiểm, những gian nan thử thách, không ngừng chất vấn và thách thức con người, khi con người chiều theo những lợi lộc mà bỏ quên Thiên Chúa. Dù ai, dù trong địa vị nào trong xã hội cũng như trong Giáo Hội, dung mạo tinh thần của mỗi người chúng ta có thể được so sánh như dung mạo của người đàn bà góa nghèo. Hình ảnh người đàn bà góa nghèo trong văn chương Do thái cũng như trong nếp sống cụ thể của người Do thái là hình ảnh của một con người cô thế, yếu đuối, không phẩm giá, không địa vị, bị bỏ rơi, bị loại ra bên ngoài xã hội, không có gì để vinh danh hay khoe khoang, nhưng chỉ sống nhờ vào lòng nhân từ của kẻ khác.
Với những tật xấu, những bất toàn của chính bản thân mình, phải chăng mỗi người chúng ta trước nhan Thiên Chúa cũng là những kẻ yếu đuối thấp hèn, không công trạng gì, sống nhờ vào lòng nhân từ của Thiên Chúa. Chỉ khi ý thức về thân phận yếu đuối của mình như người đàn bà góa kia, chúng ta mới khiêm tốn đủ để chạy đến với Chúa mà cầu nguyện để xin Chúa nâng đỡ trả lại sự công chính nguyên thủy đã bị mất đi vì tội lỗi.
Con người kiêu ngạo thì không thể sống cầu nguyện đích thực được. Như người đàn bà góa, mỗi người chúng ta có thể đã và còn đang sống trong tình trạng bị thiệt thòi trên bình diện cứu rỗi, thiếu ơn Chúa. Tình trạng không bình thường vì bị làm nô lệ cho những tật xấu của mình, và như người đàn bà góa chúng ta cần ý thức về những khuyết điểm và qua lời cầu nguyện mà chạy đến với Chúa để xin Ngài trợ giúp, phục hồi chúng ta lại trong trật tự ân sủng và trong tình yêu của Ngài.
Hình ảnh quan tòa xấu, quan tòa bất lương không phải là một dung mạo biểu tượng cho Thiên Chúa, nhưng là một dung mạo được Chúa dùng để so sánh, để làm nổi bật điều ngược lại là dung mạo khác của một vị Thiên Chúa trọn hảo hơn. Thiên Chúa là Đấng phán xét công bằng, không phải như quan tòa bất lương và chỉ mình Thiên Chúa mới là quan tòa chí công vô tư. Ngài xét xử công bằng, nhưng xét xử với tình thương nhân từ. Thiên Chúa không phải như quan tòa xấu trong câu chuyện dụ ngôn trong bài Phúc âm hôm nay, Ngài là quan tòa công bằng và nhân từ. Quan tòa xấu trong dụ ngôn hành động để khỏi bị quấy rầy, còn Thiên Chúa, Ngài hành động vì yêu thương thôi thúc.
Con người có thể lên tiếng chống đối chối bỏ Thiên Chúa, nhưng phần Thiên Chúa thì Người không bao giờ ngưng yêu thương con người. Ngài muốn thi ân trọn vẹn cho đến cùng, Ngài muốn cho mọi người được ơn cứu rỗi.
Trong cuộc sống trên trần gian này, giữa những thử thách chúng ta còn đủ khiêm tốn và sáng suốt chạy đến nhờ vào lòng nhân từ của Thiên Chúa hay không? Chúa khuyến khích chúng ta hãy cầu nguyện luôn, hãy giữ liên lạc với Ngài, tiếp xúc với Ngài qua việc cầu nguyện để đức tin được cũng cố, được kiên trì, được trung thành cho đến cùng, cho đến khi Chúa trở lại Chúa còn gặp chúng ta tỉnh thức trong đức tin, còn gặp chúng ta trung thành với đức tin vào Ngài.
Trong khung cảnh của ngày Chúa nhật truyền giáo hôm nay, đoạn Tin Mừng chúng ta vừa chia sẽ có giúp chúng ta sống sứ mạng Chúa trao phó cho mỗi người trong Giáo Hội hay không? Dĩ nhiên là có. Cầu nguyện để kiên trì trong đức tin, vì càng cầu nguyện, đức tin chúng ta càng được cũng cố, được trưởng thành hơn và do đó chúng ta mới trở nên chứng nhân của Tin Mừng.
Chính vì lý do này mà việc cầu nguyện luôn luôn được Đức Thánh Cha nhắc đến trong các sứ điệp truyền giáo của Ngài. Năm nay cũng vậy, sứ điệp truyền giáo của Đức Thánh Cha nhắc nhở mỗi người chúng ta rằng, người tín hữu nào đã chiêm ngắm Chúa Giêsu, đã cầu nguyện thì không thể, không cảm thấy bị lôi cuốn bởi ánh sáng của Chúa mà dấn thân minh chứng niềm tin của mình vào Chúa Kitô, Đấng cứu chuộc duy nhất của loài người.
Đức Thánh Cha đã giải thích thêm như sau: Sự truyền giáo là việc loan báo vui tươi về một ân huệ cống hiến cho tất cả và phải được đề nghị cho tất cả, nhưng tôn trọng hết sức sự tự do của mỗi người. An huệ mạc khải của Thiên Chúa tình yêu, Đấng đã đến trong thế gian, Đấng đã yêu thương thế gian đến nỗi ban Con Một của Người. Như vậy, Giáo Hội không thể lẩn tránh sinh hoạt truyền giáo đối với các dân tộc và điều không kém quan trọng là nhiệm vụ đầu tiên của sứ vụ truyền giáo là loan báo rằng, chính trong Chúa Kitô, Đấng là sự thật và là sự sống mà cầu nguyện được ơn cứu độ.
Sứ vụ đó đòi hỏi phải cầu nguyện và dấn thân cụ thể, đó là những lời của Đức Thánh Cha được trích từ sứ điệp của ngài cho Ngày Quốc Tế Truyền Giáo hôm nay. Bài Phúc âm một lần nữa mời gọi chúng ta hãy cầu nguyện luôn để được trung thành trong đức tin, được kiên trì cho đến cùng trong tình yêu Chúa. Chúng ta hãy dốc lòng sống đời sống cầu nguyện bắt đầu từ Chúa nhật hôm nay, ngày truyền giáo, ngày chúng ta không phải nghĩ đến truyền giáo cho anh chị em mà truyền giáo cho chính bản thân của mỗi người chúng ta. Ước chi nhờ lời cầu nguyện mà chúng ta nhờ ơn Chúa để cải tạo mỗi người chúng ta trở thành con người mới, trở thành đồ đệ trung thành của Chúa, trung thành với đức tin mà giờ đây chúng ta cùng nhau tuyên xưng qua kinh tin kính.
37.Cầu nguyện
Ngay câu mở đầu bài Tin Mừng đã cho biết chủ đích của Chúa Giêsu muốn dạy các môn đệ của Ngài, đó là phải cầu nguyện luôn, không được nản chí. Rồi Chúa minh họa bằng dụ ngôn ông quan tòa bất lương gặp bà góa kêu nài.
Một viên quan tòa bất lương, không sợ trời đất nào, cũng chẳng sợ ai. Một bà góa đến kêu nài. Bà góa trong xã hội Do thái là người cô thế cô thân, bị mọi thứ thiệt thòi, không ai bênh vực. Bà chỉ còn biết kêu đến quan tòa để bênh vực bà chống lại kẻ đang ức hiếp bóc lột bà. Nhưng ông quan tòa này đã chẳng sợ trời lại không nể người thì ông đâu coi chuyện oan ức của bà góa này ra gì. Bởi vậy ông cứ giả điếc làm ngơ. Nhưng bà góa kia không đầu hàng. Bà cứ kiên trì kêu nài mãi. Cuối cùng, để khỏi bị quấy rầy, ông quan tòa đành quyết định xét xử bênh vực quyền lợi cho bà.
Kể dụ ngôn xong, Chúa Giêsu kết luận: “Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao?”. Viên quan tòa bất chính còn biết hành sử như vậy, chẳng lẽ Thiên Chúa, là Đấng nhân lành và công bằng lại không lắng nghe lời cầu nguyện liên lỉ của những con cái Ngài hay sao? Như vậy, câu đầu tiên và câu cuối cùng của bài Tin Mừng cho chúng ta thấy ý tưởng chính là cần phải cầu nguyện luôn, đừng nản chí.
Có hai lý do thúc đẩy chúng ta phải cầu nguyện luôn: Thứ nhất, vì chúng ta luôn thiếu thốn và cần mọi sự. Tự bản chất con người ta bất toàn, thiếu thốn. Hầu hết các động vật khác, vừa sinh ra đã có đủ điều kiện sinh sống, còn con người sinh ra trong tình trạng thiếu thốn mọi sự. Về tâm hồn cũng thế. Những gì bất toàn đòi phải được kiện toàn, những gì thiếu thốn đều đòi phải được đầy đủ. Thế nên, muốn kiện toàn những bất toàn, muốn lấp đầy những thiếu thốn, muốn thỏa mãn những ước vọng chính đáng thì phải cầu nguyện luôn.
Thứ hai, chúng ta phải cầu nguyện luôn bởi vì tự sức riêng chúng ta không thể làm gì được. Nói cách khác, chúng ta hoàn toàn bất lực trong việc kiện toàn những khiếm khuyết, trong việc lấp đầy những thiếu thốn, nhất là đối với những bất toàn và thiếu thốn siêu nhiên. Những thứ đó vượt hẳn khả năng của con người, chúng ta không thể tự làm cho mình có được, như Chúa Kitô đã nói: “Không có Thầy, các con không thể làm gì được”. Tuy nhiên, lòng tự ái đã ngăn cản người ta không chấp nhận mình thiếu thốn, khuyết điểm và bất lực. Cần phải có một tâm hồn đơn sơ khiêm tốn mới tự công nhận mình như thế. Có công nhận mới tín nhiệm chạy đến cầu nguyện với Chúa.
Ngoài ra. Cũng có hai lý do chính giúp chúng ta không nản chí: Thứ nhất, Chúa rất tốt lành và đầy lòng yêu thương, đồng thời Ngài lại là Thiên Chúa toàn năng. Nếu một quan tòa bất lương và vô tín ngưỡng còn biết nghe theo lời người thưa kiện, huống nữa là Thiên Chúa tốt lành vô cùng. Nhưng Thiên Chúa tốt lành ấy đâu phải là người dưng nước lã mà là chính Đấng tác thành nên ta, là Cha yêu thương ta hết tình, đến nỗi như lời thánh Phaolô dạy: “Đã ban chính con Chúa cho ta, thì lẽ nào lại không ban mọi cái khác cho ta cùng với người con ấy”. Hơn nữa, Thiên Chúa lại là Đấng toàn năng, Ngài làm được mọi điều Ngài muốn. Nếu Ngài là đấng tốt lành yêu thương ta và muốn cho ta được mọi sự tốt lành, thì dĩ nhiên Ngài sẽ làm những điều đó cho ta.
Thứ đến, chúng ta không thể ngã lòng nản chí vì Chúa đã long trọng hứa rằng sẽ nhận lời ta cầu xin. Tuyệt đối mà xét thì Thiên Chúa chẳng mắc nợ ai, cho nên dầu Ngài tốt lành và yêu thương ta, nhưng chẳng ai bắt buộc Ngài phải làm điều nọ điều kia được. Tuy nhiên, khi hứa sẽ nhận lời mọi người kêu xin, thì Chúa đã tự đặt mình vào thế bắt buộc phải nghe lời ta.
Điều cần thiết và quan trọng Chúa Giêsu dạy các môn đệ phải cầu nguyện luôn là để được trung thành với đức tin. Cuộc sống mỗi người Kitô là một cuộc sống trong đức tin và nhờ đức tin. Vì thế mỗi người đừng để mất đức tin hay giảm sút lòng tin. Nói một cách khác tích cực hơn là để trung thành với đức tin và phát triển đời sống đức tin. Chính việc cầu nguyện sẽ giúp chúng ta sống được như thế.
Quả thực, cuộc đời người tín hữu Chúa trên trần gian là một cuộc hành trình khó khăn giữa nhiều thử thách, và để an toàn đạt đến cùng đích của cuộc lữ hành thì mỗi môn đệ Chúa phải kiên trì, phải trung thành trong đức tin cho đến khi Chúa lại đến. Và để kiên trì trong đức tin cho đến cùng thì mỗi môn đệ của Chúa cần thực hành điều căn bản và quan trọng, đó là cầu nguyện. Cũng thế, cuộc sống đức tin không phải là không có những nguy hiểm, những gian nan thử thách, không ngừng chất vấn và thách thức con người, khi con người chiều theo những lợi lộc mà bỏ quên Thiên Chúa. Dù ai, dù ở địa vị nào trong xã hội cũng như trong Giáo Hội, dung mạo tinh thần của mỗi người chúng ta có thể được so sánh như dung mạo của người đàn bà góa nghèo. Hình ảnh của người đàn bà góa nghèo trong văn chương Do thái cũng như trong nếp sống cụ thể của người Do thái là hình ảnh của một con người cô thế, yếu đuối, không phẩm giá, không địa vị, bị bỏ rơi, bị loại ra bên ngoài xã hội, nhưng chỉ sống nhờ vào lòng nhân từ của kẻ khác. Với những tật xấu, những bất toàn của chính bản thân mình, phải chăng mỗi người chúng ta trước nhan Thiên Chúa cũng là những kẻ yếu đuối thấp hèn, không công trạng gì, sống nhờ vào lòng nhân từ của Thiên Chúa? Chỉ khi ý thức về thân phận yếu đuối của mình như người đàn bà góa kia, chúng ta mới khiêm tốn đủ để chạy đến với Chúa mà cầu nguyện xin Chúa nâng đỡ. Chúa khuyến khích chúng ta hãy cầu nguyện luôn, hãy giữ liên lạc với Ngài, tiếp xúc với Ngài qua việc cầu nguyện để đức tin được cũng cố, được kiên trì, được trung thành cho đến cùng, cho đến khi Chúa trở lại Chúa còn gặp chúng ta tỉnh thức trong đức tin, còn gặp chúng ta trung thành với đức tin vào Ngài.
38.Một nền tảng của đức tin: Sự Cầu Nguyện
(Suy niệm của Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa)
Sau khi lên các phương kế để dụ Tư Mã ý vào hang động Thượng Phương, Khổng Minh đã sai quân sĩ bịt kín cửa hang rồi dùng hoả công để tiêu diệt viên tướng tài của nước Nguỵ. Đang nắm chắc kết quả, một kết quả có thể xoay đổi tình hình thế sự thời tam quốc phân tranh lúc bấy giờ, hầu đưa nhà Thục thống nhất đất nước, thì bỗng một cơn mưa bất chợt đổ xuống dập tắt đòn hoả công của Khổng Minh và cứu sống Tư mã Ý. Khi ấy Khổng Minh đã than rằng: “Mưu sự tại nhân. Thành sự tại thiên”. Hai từ “trời định” mà dân gian thường dùng nói lên quan niệm về ý định của trời xanh đã chi phối cuộc nhân sinh một cách nào đó.
Niềm tin Kitô giáo cũng có cái nhìn về thiên mệnh nhưng hoàn toàn không theo kiểu thụ động, yếm thế. Chúng ta tin nhận thánh ý của Thiên Chúa, nhưng sự tin nhận này không loại bỏ vai trò của sự tự do mà Thiên Chúa tặng ban cho con người. Thiên Chúa không phải là một vị thần chuyên chế quyết định mọi chuyện thành bại hay được thua của con người. Cách riêng những sự tốt xấu theo chiều kích luân lý thì đều có sự tham gia của sự tự do của chính con người. Giáo lý Công giáo dạy rằng chỉ có hành vi nhân linh nghĩa là những hành vi bao hàm sự hiểu biết và tự do thì mới có giá trị luân lý. Tuy nhiên để đạt được những điều tốt đẹp, Kitô hữu tin rằng phải cần đến ân sủng của Thiên Chúa, Đấng là cội nguồn của mọi sự thiện hảo. Chúa Kitô đề cập đến chân lý này qua hình ảnh cây nho, cành nho và Người đã khẳng định: “Không có Thầy anh em chăng làm gì được”(Ga 15,5).
Sách Xuất hành tường thuật cuộc chiến giữa quân Israel và quân Amalếch. Trong khi tướng Giosuê đem quân đi giao chiến thì Môsê lên núi cầu nguyện. “Khi nào ông Môsê giơ tay lên, thì dân Israel thắng thế; còn khi ông hạ tay xuống, thì Amalếch thắng thế” (Xh 17,11). Dữ kiện này muốn nói rằng sự thắng thua của dân Israel là do bởi Thiên Chúa mà thôi. Chính vì thế nhất thiết cần phải gắn bó với Thiên Chúa, đặc biệt bằng sự cầu nguyện.
“Luật của cầu nguyện là luật của niềm tin” (lex orandi, lex credendi). Câu ngạn ngữ trên đã nói lên mối tương quan mật thiết giữa niềm tin với việc cầu nguyện, cầu nguyện riêng tư hay cầu nguyện công khai chính chính qua các cử hành Phụng Vụ. Dĩ nhiên nếu hiểu văn phong dụ ngôn thì chúng ta sẽ nhận ra ý nghĩa chính của câu chuyện dụ ngôn Chúa Giêsu kể về “ông quan toà chẳng sợ Thiên Chúa mà phải chào thua sự lì lợm của một bà goá”(x.Lc 18,1-8). Ý nghĩa của câu chuyện dụ ngôn đã được thánh sử Luca nói ngay đầu đoạn tin mừng đó là “để dạy các môn đệ phải cầu nguyện luôn, không được nản chí” và cái lý do được nêu lên ở câu cuối đó là lòng tin.
Một vấn nạn: “Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”(Lc 18,8). Câu than thở của Chúa Kitô khiến chúng ta phải giật mình và cảnh tỉnh. Khi nhân loại ngày càng văn minh tiến bộ, khi nên công công nghệ ngày càng tinh xảo và tân kỳ, thì dường như sự tự cao tự đại đang ngày càng xuất hiện dưới nhiều hình thức. Dù nhiều người với cái thói kiêu căng cho rằng ‘bàn tay ta làm nên tất cả…” đã từng “trắng mắt ra” khi đối diện với những nghịch cảnh vượt quá sức mình, thế nhưng vẫn còn đó những hình thái ngông nghênh cao ngạo bằng sự độc tôn, độc đoán, độc quyền, chuyên chế… Những hình thức tự tôn vinh, thần thánh hoá bản thân hay tập thể của mình lên hàng muôn năm hay bất diệt vẫn còn nhan nhãn đó đây. Một khi sự tự tin đã biến thành sự tự tôn thì lòng tin vào Đấng Tối cao sẽ suy giảm và rồi sẽ biến mất. Khi con người đã không còn tin vào Đấng Tối cao thì chắc chắn sẽ làm được sự gì tốt đẹp đúng nghĩa. Như thế, lòng tin hay đức tin, nói theo ngôn ngữ Kitô giáo, chính là nền tảng của mọi thành quả tốt đẹp mà con người đạt được.
Kitô giáo luôn khẳng định rằng tin là đón nhận Thánh ý Thiên Chúa và dấn thân hết mình để sống theo thánh Ý đã lãnh nhận. Hai mẫu gương lớn của lòng tin thường được giáo hội nói đến đó là Tổ phụ Abraham và Mẹ Maria. Đang là người sinh sống bằng nghề chăn nuôi súc vật thế mà Abraham đã can đảm vâng nghe lời Thiên Chúa mời gọi lên đường đi đến nơi chưa từng biết. Nếu nơi ấy là nơi thiếu cỏ hay thiếu nước thì việc chăn nuôi sẽ phá sản. Tuổi đã cao, người phối ngẫu đã qua thời sinh nở thế mà Abraham vẫn vâng lệnh Thiên Chúa để hiến tế người con trai duy nhất, kẻ sẽ nối dõi tông đường, người sẽ giúp ông tránh được sự bất hiếu với tổ tiên. Khi đón nhận và “xin vâng” như lời sứ thần truyền thì Mẹ Maria đã chấp nhận sự hiểu lầm của người bạn đời, Giuse và chấp nhận cả cái án hình bị ném đá theo luật bấy giờ.
Làm sao có thể đón nhận và thực thi Thánh ý Chúa nếu chúng ta không gặp gỡ và lắng nghe Người phán dạy? Và làm sao chúng ta có thể gặp gỡ Thiên Chúa nếu không chuyên chăm cầu nguyện? Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên, gặp gỡ Thiên Chúa, kết hiệp với Người, lắng nghe Người phán dạy để rồi can đảm thực thi. Cầu nguyện là cách thế biểu lộ niềm tin và cũng là phương thế củng cố niềm tin. Vì chúng ta tin nên chúng ta cầu nguyện. Nhờ chúng ta cầu nguyện nên niềm tin của chúng ta được củng cố.
Ai có thể tự hào rằng mình đã vững vàng trong đức tin? Ai có thể tự nhận rằng mình sẵn sàng hy sinh mạng sống để thực thi giới luật yêu thương Chúa Kitô truyền dạy? Ngoại trừ các thánh nhân, có thể nói chúng ta, từ người giáo dân hèn mọn đến vị mục tử trọng chức, thảy đều non kém đức tin, chưa dám xả thân, hiến mình để sống yêu thương đến cùng. Chính vì thế việc chuyên chăm cầu nguyện là điều như tất yếu. Tuy nhiên cần khẳng định rằng cầu nguyện không phải là để bắt Chúa thực hiện ý muốn của chúng ta, nhưng là để chúng ta biết cách thực thi thánh ý Chúa, nghĩa là để sống đức tin. Và xin đừng quên đức tin chính là chìa khoá dẫn chúng ta đến sự sống đời đời.
39.Trung thành với đức tin – Lm. Minh Vận, CRM
Lời Chúa phán trong bài Tin Mừng hôm nay: "Không biết khi Con Người đến có còn thấy Đức Tin trên trần gian nữa không"(Lc 18:8). Lời đó khiến chúng ta phải suy tư và nghiệm xét, để tìm ra thánh ý Chúa muốn chúng ta điều gì, hầu chúng ta có thể đáp lại khát vọng của Chúa.
I. THỰC TRẠNG CỦA THẾ GIỚI HÔM NAY
Với ánh mắt tự nhiên: Thoáng nhìn thế giới và xã hội hôm nay, chúng ta thấy, có lẽ ngày Chúa tái giáng lâm hãy còn xa. Bởi theo lời Chúa phán: "Khi Chúa đến không biết có còn thấy Đức Tin trên trần gian nữa không?" Vì, đó đây biểu hiệu của Đức Tin vẫn còn hiển hiện, trong các nước thuộc thế giới tự do, được coi là vùng đất hữu thần và nhất là tại xứ sở chúng ta đang sống, các Thánh Đường san sát bên nhau, đua nhau mọc lên như nấm: Lớn nhỏ, cổ kim đều có. Nhiều Thánh Đường thật nguy nga, danh tiếng, lộng lẫy, đồ sộ, hấp dẫn, tân kỳ, thu hút các du khách thập phương tuốn đến như thác lũ, tạo nên các cuộc hành hương vĩ đại, tấp nập, các cuộc biểu dương Đức Tin tôn giáo thật trang nghiêm sốt sắng, chẳng hạn như tại Đại Vương Cung Thánh Đường Thánh Pherô Roma, Thánh Đường Đức Mẹ Vô Nhiễm Washington D.C., trung tâm Thánh Mẫu Lộ Đức, Fatima, La Vang... Rồi còn phải được kể đến các cuộc hội thảo thuyết trình, các khóa tĩnh huấn, các cuộc cung nghinh, các khóa giáo lý, các trường dạy Thánh Kinh... Phải chăng tất cả các sự kiện đó cho thấy Đức Tin vẫn còn tồn tại, và có thể nói, là đang trên đà phát triển nữa là khác. Ngay trong các nước vô thần, như Nga Sô, Trung Cộng và các nước đàn em chư hầu, Đức Tin dường như đã tắt ngúm từ lâu; thế mà, mỗi khi nhà cầm quyền muốn thử nghiệm ban sắc lệnh cho tự do tôn giáo, thì lập tức các Thánh Đường lại đua nhau được xây cất, các cuộc biểu dương Đức Tin lại phát hiện rầm rộ. Thế nhưng, tất cả những sự kiện đó có đáng cho phép chúng ta lạc quan không hay ngược lại?
Dưới lăng kính siêu nhiên: Những sự kiện trên đây có phải là tiếng nói trung thực của Đức Tin nơi lòng con người thời đại hôm nay, hay chỉ là nước sơn bóng bảy với vẻ hào nhoáng bên ngoài, những làn ánh sáng lập loè nay còn mai vụt tắt? Điều quan trọng là người ta có còn sống theo Đức Tin nữa không? Nếp sống con người có phù hợp với lương tri, với lẽ phải, với chân lý, với giáo huấn của Chúa và Giáo Hội không? Nếu những nguồn mặc khải tại Fatima, Hoa Kỳ, Việt Nam, Pháp, Đức, Ý kia là thật thì có lẽ ngày Chúa tái giáng lâm đã gần kề. Chúng ta chỉ cần đan cử một vài điều trong thông điệp Đức Mẹ ban tại La Salette sau đây đủ khiến chúng ta phải suy nghĩ: "Các Chính Phủ sẽ theo cùng một kế hoạch chung là đả phá và tiêu diệt mọi nguyên tắc tôn giáo, để thay vào đấy chủ thuyết duy vật, thuyết chiêu hồn và mọi thứ tệ đoan". Ngay cả nơi những tâm hồn được mệnh danh là Bạn Thân, là người đã thánh hiến cho Thiên Chúa cũng bị thông điệp than trách: "Tội lỗi của những Tâm Hồn Thánh Hiến cho Thiên Chúa vọng tới tận trời cao và đòi báo oán". Những Nơi Thánh được gọi là Nhà Thiên Chúa lại bị thông điệp nguyền rủa: "Nhiều Tu Viện không còn là Nhà Của Thiên Chúa nữa, nhưng là bãi mục trường". Thông điệp còn thêm: "Nhiều Tu Viện sẽ mất Đức Tin và nhiều linh hồn ở đấy hư đi!"
Thông điệp La Salette còn tiên báo: "Khắp nơi sẽ có những sự lạ lùng phi thường, vì Đức Tin chân thật đã tắt và ánh sáng giả tạo soi trên thế giới". Thông điệp còn vọng lên lời thống thiết não nùng: "Hỡi trái đất, hãy run sợ!...Vì những Nơi Thánh đã ra đồi bại!"
Thông điệp không nói: "Hỡi trái đất, hãy run sợ! Vì trái đất đã ra đồi bại". Nhưng thông điệp nói: "Trái đất hãy run sợ! Vì những Nơi Thánh đã ra đồi bại!"
II. HÃY TRUNG THÀNH VỚI ĐỨC TIN
Với mấy lời của thông điệp La Salette trên đây đủ cho chúng ta thấy vận mạng thế giới hệ tại các Linh Hồn Tận Hiến. Thế giới phải tiêu diệt cũng do tại các Bạn Thân của Chúa Kitô. Thế giới có được cứu thoát lại cũng do các Linh Hồn Thánh Hiến. Không cần nại đến những lời mạc khải đó, chúng ta cũng quá đủ lý do để thấy được thực trạng của thế giới hiện nay, ít ra cũng không có lý do đủ để lạc quan. Bởi lẽ, những tệ đoan đang lan tràn khắp thế giới như: Nạn ly dị, phá thai, hôn nhân bất hợp pháp, đồng tính luyến ái... Nhiều lý thuyết sai lạc thay thế những nguyên tắc đạo đức, nhiều nhà cầm quyền các quốc gia đã dùng quyền bính mình để công bố những sắc luật vô luân, chẳng hạn sắc luật cho phép và khuyến khích phá thai hoặc truyền buộc phải phá thai, cho phép ly dị; họ còn đài thọ những phí khoản khổng lồ trong ngân quỹ quốc gia vào các việc vô luân này.
Vậy, để khỏi ngã quỵ xuống hố trụy lạc của thời hiện đại, ít ra khỏi nhiễm lây những thác loạn đang diễn ra khắp đó đây; chúng ta là những Tông Đồ có sứ mạng truyền bá chân lý, hướng dẫn các linh hồn, phòng ngừa cho họ khỏi nhiễm lây những tệ đoan xã hội, những đồi phong bại tục thời đại, chúng ta hãy lắng nghe và thực hiện lời nhắn nhủ của Thánh Tông Đồ: "Con thân yêu, con hãy bền tâm, hãy trung thành với các điều con đã học hỏi và xác tín". Nhất là hãy trung tín thực thi các giáo huấn Chúa Kitô dạy, vì như lời Người đã đoan hứa: "Ai trung tín đến cũng sẽ được cứu rỗi". Lòng trung tín đó không chỉ ở việc nắm giữ những chân lý cao cả, mà còn hệ tại việc cẩn thủ tuân giữ và thực hành những nghĩa vụ tỉ mỉ trong cuộc sống hằng ngày như lời Chúa đã căn dặn: "Ai trung tín trong những điều nhỏ mọn, cũng sẽ tín trung trong những điều lớn lao, ai khinh thường những điều nhỏ mọn cũng sẽ khinh thường trong những điều lớn lao".
Người trung thành không những được Chúa yêu thương, ban thưởng phúc trường sinh bất diệt, mà còn được loài người khâm phục, quí mến và ca ngợi. Mẩu truyện sau đây cũng đủ nói lên điều đó:
Ngày 3.8.1974, anh Lê Tấn Bằng, 25 tuổi, con ông Lê Tấn Hanh, một chủ điền giầu có tại quận An Nhân đã qua đời cách đó 20 năm. Hôm nay là lễ thành hôn của anh Lê Tấn Bằng và cô Trần Thị Phượng, 19 tuổi, trưởng nữ của một ông tài xế vùng Qui Nhơn. Lúc hai họ đương chúc mừng lẫn nhau trong tiệc cưới, thì bỗng nhiên một ông già từ ngoài sân tiến vào, tên ông là Nguyễn Văn Như, nguyên trước đây là tá điền của ông Lê Tấn Hanh.
Ông Như xin gặp và trao cho chàng rể Lê Tấn Bằng một gói quà và nói: "Đây món quà của cậu". Rồi ông trình bày câu truyện như sau: "Cách đây 20 năm lúc ba cậu sắp qua đời, ông đã trao cho tôi 20 lượng vàng này và dặn tôi cất kỹ, đợi cho tới khi nào cháu Hằng lập gia đình, hãy trao lại cho cháu để tạo lập cơ nghiệp. Hôm nay, tôi đã được toại nguyện và làm trọn lời di chúc của ba cậu".
Chúng ta được biết suốt 20 năm nay từ khi ông thân sinh của Hằng qua đời, vì Hằng mồ côi mẹ từ nhỏ, nên đã được trao cho ông chú ruột tên là Phi 63 tuổi nuôi nấng dạy dỗ, khi tới tuổi khôn, Hằng được đi học và đã tốt nghịệp bậc trung học. Vì ông Phi cũng không khá giả gì, nên cuộc sống của Hằng cũng chật vật; hằng ngày cậu phải đi kèm trẻ học tại tư gia, để kiếm tiền độ thân và có phương tiện học thêm.
Mặc dầu biết Hằng hiện tại rất nghèo, nhưng ông Như vốn không vội trao số vàng trên đây cho cậu, vì ông phải trung thành giữ đúng lời trăn trối của người quá cố, ông chỉ trao số vàng khi Hằng đã lập gia đình. Do đó, hôm nay ngày vui mừng của Hằng, ông Như mới tìm tới và trao đúng số 20 lượng vàng mà thân phụ anh Hằng đã trối cho ông lúc trước giờ lâm chung.
Khi nghe xong đầu đuôi câu truyện, ai nấy đều xúc động đến rơi lệ, trước tấm lòng trung tín và thanh liêm cao cả tuyệt vời của ông tá điền Nguyễn Văn Như. Riêng chú rể Lê Tấn Hằng và cô dâu Trần Thị Phượng vì quá cảm phục tấm lòng cao cả đó, nên đã đồng ý với nhau, xin nhận ông làm dưỡng phụ và nguyện sẽ nuôi ông suốt đời, vì hiện nay ông Như chỉ còn sống một mình trong cảnh nghèo nàn, không vợ không con.
Câu truyện trên đây đã là một đề tài sôi động, được dân chúng khen ngợi nhiệt liệt tại miền nam tỉnh Bình Định và châu thành Qui Nhơn hồi đó.
Kết Luận
Hôm nay, nhân dịp mừng Khánh Nhật Truyền Giáo, xin Chúa cho chúng ta được lòng trung thành với ơn gọi của mình, trung thành với ơn thánh Chúa ban, trung thành với sứ mạng Chúa đã ủy thác cho mỗi người chúng ta. Vì nhờ chính lòng trung thành đó sẽ có mãnh lực vô song giúp chúng ta đạt tới Đích Thánh Thiện của ơn gọi và chu toàn sứ mạng Chúa ủy thác. Xưa các Tông Đồ đã dùng phép lạ để minh chứng Đạo Chúa, nhưng chính đời sống thánh thiện của các ngài còn có sức chinh phục hơn muôn phần.
Lòng trung tín với Đức Tin và Ơn Gọi, là một phép lạ lớn lao hơn tất cả các phép lạ, có sức chinh phục các linh hồn về cho Chúa hơn hết. Xin Mẹ Maria giúp chúng ta là những tông đồ của Mẹ và là con cái yêu dấu của Mẹ, biết noi theo gương mẫu lòng trung tín của Mẹ, để khi Chúa tái giáng lâm còn thấy Đức Tin sống động nơi chúng ta và trên mặt đất này như lòng Chúa mong ước.
40.Cầu nguyện
Không ai có thể sống đời Kitô hữu tốt mà không cầu nguyện. Nhưng chúng ta phải hiểu cầu nguyện là gì và cầu nguyện thế nào.
Có ba người bị kẹt trong một căn phòng tối tăm và chẳng có cửa gì cả. Họ làm thế nào để thoát khỏi tình trạng bế tắc này?
- Người thứ nhất là một nhà văn. Anh không có đức tin. Anh ngồi đấy và luôn miệng nguyền rủa.
- Người thứ hai là một tín hữu sốt sắng. Anh đã quì gối cầu nguyện rất lâu, sau đó ngồi xuống chờ phép lạ.
- Người thứ ba cũng là một tín hữu làm nghề thợ xây, vừa đạo đức vừa thực tế. Sau khi cầu nguyện, anh lấy từ túi đồ nghề ra một cây búa và một chiếc đục, rồi bắt đầu đục tường. Công việc rất lâu lắc và cực nhọc. Bụi bắn vào mặt anh, vào cả mắt anh. Mồ hôi anh nhễ nhại. Nhưng anh vẫn kiên trì đục. Thỉnh thoảng dừng lại nói “Lạy Chúa, xin cứu giúp chúng con”.
Đang lúc đó người thứ nhất vẫn ngồi ở một góc, vừa hút thuốc vừa nguyền rủa; người thứ hai ở một góc khác tiếp tục cầu nguyện.
Cuối cùng người thứ ba đã mở được một lỗ lớn trong vách tường và cả ba người đã thoát ra khỏi căn phòng.
Trên đây là ba thái độ khác nhau đối với sự cầu nguyện:
- Người thứ nhất coi cầu nguyện là mất giờ. Vì anh không có đức tin nên thái độ của anh cũng hợp lý thôi. Nếu bạn không tin Chúa thì cầu nguyện với Ngài sao được?
- Người thứ hai coi cầu nguyện là một sự thay thế cho làm việc, vì thế sau khi cầu nguyện xong người đó ngồi chờ Chúa giúp. Phải thành thật nhìn nhận rằng chúng ta cũng nhiều lần cầu nguyện cách này, đặc biệt là khi chúng ta cầu nguyện cho người khác. Chỉ là những lời nói, và những lời đó trở thành một cái cớ để ta khỏi làm việc.
- Người thứ ba tin tưởng vào hiệu quả của cầu nguyện, hiệu quả ấy không thay thế làm việc, mà là trợ lực cho làm việc. Cầu xin điều gì thì đồng thời cũng cố gắng làm bất cứ việc gì có thể đạt được điều đó. Sự cầu nguyện này khơi lên niềm hy vọng và khuyến khích lòng can đảm. Nó cũng giúp ta cảm nhận rằng Chúa ở kề bên ta và không bỏ mặc ta trong cảnh khó khăn.
41.Chứng từ đức tin – Lm. Nguyễn Hữu Thy
Có lẽ đối với một số lớn trong chúng ta, bài Tin Mừng hôm nay hình như còn mới mẽ, ít được nghe tới. Nhưng đó chính lại là cái hay, để chúng ta chăm chú nghe trọn bài, chứ không bị chia trí ngay khi vừa nghe được vài ba câu như đối với các bài Tin Mừng khác!
Thực ra, bản văn bài Tin Mừng hôm nay rất dễ hiểu. Người ta có thể nhận ra ngay được vấn đề đang được đề cập tới ở đây là gì: Đó là một người đàn bà góa, yếu đuối, cô đơn, lẻ loi, không nơi nương tựa, không có tài khoản trong ngân hàng, vô danh tiểu tốt; nói tắt là một người hoàn toàn bất lực để có thể tự vệ cho mình.
Và trong cuộc sống hằng ngày, những hoàn cảnh tương tự như thế vẫn đầy dẫy, vẫn xảy ra ngay trước mắt chúng ta. Nhưng đời là thế! Cuộc sống ô trọc chốn bể dâu này là thế! Đó là lý do thường khiến người ta đành phải thúc thủ tự hỏi: Thế thì trước một hoàn cảnh như thế, ai còn có thể làm được gì nào?
Thế nhưng thật tình cờ: một lối thoát bổng chốc xuất hiện: Người đàn bà góa nghèo hèn đã đạt được mục đích theo đuổi mình, nguyện vọng của bà đã lập tức được chấp nhận. Sự kiện đó muốn nói lên rằng, chính ở đây, trong sự thay đổi đột nhiên đó, lại chứa đựng ý nghĩa trọng yếu mà thánh sử Lu-ca muốn trình bày: Thiên Chúa sẽ lập tức ra tay nâng đỡ và bênh vực cho những ai «đã được tuyển chọn» đang thành tâm kêu cầu Người. Chính Phúc Âm đã ghi lại từng chữ rõ ràng như thế.
Dĩ nhiên, điều đó không muốn nói lên điều gì khác hơn là chân lý này: Thiên Chúa luôn luôn thương giúp; Người rất sẵn lòng thương giúp; Người thương giúp một cách mau mắn, vì chính Người là Đấng bảo vệ chở che những người nghèo đói, những người khổ đau.
Nhưng ở đây, một câu hỏi đầy tính cách thúc bách và thẳng thắn được đặt ra: Phải chăng sự thật là như thế? Phải chăng đó chẳng qua là những ảo tưởng do lòng đạo đức bày đặt ra, hoàn toàn trái ngược với những kinh nghiệm trong cuộc sống cụ thể hằng ngày? Vâng, các phương tiện truyền thông đại chúng, như báo chí, truyền thanh, truyền hình, v.v… lại trưng dẫn những chứng từ cụ thể ngược lại! Và ngay khi gặp gỡ và trao đổi với người khác, người ta cũng nghe được những điều hoàn toàn khác hẳn. Do đó, nhiều người đã cho việc cầu nguyện là vô ích, không cần thiết!
Như vậy, tất cả những kinh ngiệm đó, những điều mà người ta đã phải trải qua trên chính bản thân mình, đều đồng thanh muốn nói lên rằng: Đúng là Thiên Chúa chẳng bênh vực giúp đỡ gì cả; người ta phải nhọc nhằn vất vã không biết bao nhiêu để ngồi chờ đợi sự trợ giúp của Thiên Chúa; những người nghèo khổ cũng vẫn nghèo khổ, chứ chẳng bao giờ ngóc đầu lên được; hàng triệu người hằng ngày vẫn phải sống trong cảnh khốn cùng thảm khốc của mình, v.v… Phải chăng những người như thế không thuộc về thành phần «được tuyển chọn» của Thiên Chúa, tức những người chắc chắn sẽ được Thiên Chúa cứu chữa bênh vực, như Phúc Âm đã nói sao?
Vâng, ở đây chúng ta đang thực sự phải đối mặt với một trong những thách đố cực kỳ khó khăn và đau thương nhất của đức tin; ở đây chúng ta đang thực sự phải trực diện với vấn nạn hầu như hoàn toàn bất khả giải đáp: Vấn đề Thiên Chúa có nhậm lời cầu xin của ta hay không! Nói thế không có nghĩa là chúng ta được phép bỏ ngõ vấn đề và dừng lại ở đây. Chúng ta cần phải tìm ra câu trả lời!
Nhưng phải chăng tôi có thể trả lời là: Thiên Chúa luôn luôn trợ giúp theo cách thế của Người; Thiên Chúa đã biết rõ trước những gì hữu ích cần thiết cho chúng ta và những gì không? Hay tôi có thể trả lời là: Người ta cần phải kiên nhẫn chờ đợi trong ngày sau hết và nơi cuộc sống mai hậu, ở đó mọi sự sẽ được đền bù một cách hoàn toàn công bằng thỏa đáng?
Nếu thế, thì tất cả chỉ mới trả lời có một nửa, chỉ mới trả lời nửa vời mà thôi. Trong khi đó vấn đề khốn cùng và nghèo đói đang đày đọa hàng triệu người khắp nơi trên thế giới vẫn còn tồn đọng đó, chưa đuợc giải quyết xong, và ngày nay đối với nhiều người nó đã trở thành một thách đố cho đức tin; hay nói rõ hơn, nó đã dẫn họ hầu như tới bờ của sự mất đức tin, tức: Thiên Chúa không cứu giúp, Người vẫn im lặng và bất động, Người không hề ra tay, bởi vì đói khát, chiến tranh, nỗi khốn cùng và chết chóc vẫn còn đó và ở khắp nơi: ở Palestina, Li-băng, Pakistan, Áp-ga-nít-tan, Ấn-độ, v.v…!
Trong một trường hợp như thế, chúng ta chỉ còn có thể có hai cách trả lời:
Thứ nhất, hoặc là: «Tôi không còn cầu nguyện nữa, tôi không còn tin gì nữa cả và tôi không còn mong đợi gì nữa cả. Bởi vì tất cả chẳng có nghĩa lý gì nữa!» Hàng ngàn người nói rằng: «Ông bà xem, tôi là người thực tế; tôi đã trải qua nhiều kinh nghiệm; mọi chuyện rồi cứ thế, chẳng có cải thiện được gì đâu; tất cả đều vô ích!» Vâng, có hàng ngàn người nói như thế đó.
Và bởi vì có hàng ngàn người suy nghĩ và nói như thế, nên trên thế giới đã được cải thiện và đổi mới rất ít; bởi vì hàng ngàn người đã hành động như thế, nên trên thế giới đã có quá ít những điều thiện hảo được thực hiện; bởi vì có hàng ngàn người tự thúc thủ và sống một cách bi quan yếm thế như thế, nên cả nhân loại bị dậm chân tại chỗ; bởi vì có hàng ngàn người nói: «Đó là định mệnh, người ta đành bó buộc phải chấp nhận, chứ không thể làm gì khác được nữa, vì mọi sự trước sau rồi cũng chỉ vậy thôi», nên nhân loại đã không thể khá lên được.
Nhưng thái độ mệt mỏi, chán nãn, buông xuôi, ngờ vực và thất vọng, v.v…như thế đều không hòa hợp với tinh thần Kitô giáo.
Thứ hai, hoặc là: Tôi không bao giờ buông xuôi bỏ cuộc; cương quyết tôi phải nỗ lực tranh đấu với cuộc sống để vươn lên; tôi không thể bằng lòng với hoàn cảnh hiện tại được; tôi sẽ đổi mới những gì tôi có thể đổi mới được, vì trong cuộc sống này không bao giờ có gì mà không thay đổi được; tôi không muốn sống tiêu cực và ù lì thúc thủ; nhất định tôi phải tiến lên, chứ không dừng bước hay lui bước lại trên con đường đã đi qua; tôi không bao giờ dùng đến bạo lực, dù chung quanh tôi đang đầy dẫy đủ thứ bạo lực; tôi không thoá mạ lại khi tôi bị thóa mạ; tôi không bao giờ cùng vui cười khi thiên hạ vui cười về những bất công, những mưu mô thâm độc, quỷ quyệt và vô nhân đạo; tôi không dây mình vào những hành động bất công để hưởng lợi; tôi sống và tranh đấu cho một thế giới tốt đẹp và nhân bản hơn, dù không ai biết đến điều đó; «tôi tin tưởng vào điều thiện hảo nơi con người» (Anne Frank)(1) và luôn tìm cách giúp cho người ấy có được dịp may mắn để thể hiện được điều thiện hảo đó.
Vâng, thưa các bạn thân mến, các bạn, những người đang đọc những dòng chữ tôi viết đây, nếu như có hàng ngàn người cùng nghĩ như thế, nếu như có hàng ngàn người cũng sống như thế, và nếu như có hàng ngàn người cũng hành động như thế, thì chắc chắn thế giới sẽ được canh tân đổi mới, tương lai nhân loại sẽ tươi đẹp hơn. Những con người như thế sẽ luôn dũng cảm và đầy tin tưởng tiến bước không ngừng, luôn tìm kiếm, luôn kêu xin, luôn gõ cửa, luôn hy vọng, luôn trông cậy và không bao giờ mỏi mệt, luôn luôn sốt sắng cầu nguyện, vì họ biết rằng họ sẽ không bao giờ có thể thực hiện được hết mọi sự.
Những người như thế: Một đàng, luôn luôn sốt sắng cầu nguyện và đầy lòng tin tưởng phó thác nơi Thiên Chúa, bởi vì họ luôn xác tín được rằng mọi sự đều thuộcc về Người và tùy thuộc một mình Người mà thôi; đàng khác, họ luôn can đảm sống và hành động, vì họ biết rằng mọi sự đều đang chờ đợi bàn tay của họ, đều tùy thuộc vào họ, đều tùy thuộc vào các khả năng sáng tạo mà Chúa đã ban cho họ.
Những con người như thế luôn tâm niệm: «Nguyện xin cho Nước Cha trị đến.» Và nếu như họ thấy rằng Nước Thiên Chúa chưa được hiển trị nơi nào cả, thì ít ra Nước Thiên Chúa đã bắt đầu đặt được nền móng vững chắc trong trái tim họ.
Những con người như thế luôn biết tin tưởng vào Thiên Chúa. Và chính đức tin mang đến cho họ sự tự tín, sức mạnh nội tâm và sự bình an trong tâm hồn, một sự bình an mà không một quyền lực trần gian nào có thế ban tặng hay lấy đi được.
Và bởi vì họ tin tưởng vào Thiên Chúa và cầu nguyện cùng người, họ đã không bị lạc đường, họ sống một cách đúng đắn và hạnh phúc, và luôn thâm tín rằng: «Tốt nhất là thà thắp lên một ánh sáng nho nhỏ, còn hơn là chỉ ngồi im nguyền rủa bóng đêm!»
_____________
1. Anne Frank, 1929-1945, người gốc Do-thái, năm 1945 cô bị mật vụ Đức Quốc Xã bắt và giết hại tại trại tập trung Bergen-Belsen. Cô đã nỗi danh qua cuốn «Das Tagesbuch der Anne F.» - Nhật Ký của Anne F. mà cô đã để lại sau khi chết.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam