Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 72

Tổng truy cập: 1356603

KIÊN VỮNG VỚI THỜI GIAN

KIÊN VỮNG VỚI THỜI GIAN

 

Trước khi về trời, Chúa Giêsu còn muốn giáo huấn các môn đệ lần cuối cùng và trao phó cho các ông một sứ mạng quan trọng. Ngài nói: Các con hãy đi rao giảng cho muôn dân, rửa tội cho họ và nhắc bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho các con. Như thế việc rao giảng Tin Mừng không còn là một việc mơ hồ viễn vông, nhưng là một việc hết sức cụ thể, dẫn tới thái độ vâng giữ những giới luật của Chúa.

Ngay từ những ngày đầu, các môn đệ đã gặp phải những sự thù oán, bắt bớ và cấm cách, nhưng các ông không hề nao núng sợ hãi bởi vì như lời Chúa đã phán: Này Ta ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế. Đây không phải chỉ là một lời nói đầy an ủi khích lệ mà còn la một sự kiện lịch sử hiển nhiên. Giáo Hội qua dòng thời gian, cũng đã gặp phải biết bao nhiêu sóng gió và thử thách. Giáo Hội vẫn không hề nao núng và sợ hãi bởi vì Chúa luôn hiện diện trong lòng Giáo Hội, hầu nâng đỡ và phù trợ cho Giáo Hội. Nếu chỉ là một tổ chức bình thường, có lẽ Giáo Hội đã bị quét sạch từ lâu.

Khi học về lịch sử, chúng ta thấy biết bao nhiêu đế quốc đã bị xoá tên, biết bao nhiêu thể chế đã bị sụp đổ, nhưng Giáo Hội vẫn kiên vững trong muôn vàn sóng gió. Bởi vì nền móng của Giáo Hội là đá tảng. Vào năm 1952 ĐGM King đã viết cho các sinh viên công giáo tại Thượng Hải như sau: Cây thập giá thì nặng, nhưng nhờ cây thập giá ấy mà con người giữ vững được đức tin, và cuộc đời chúng ta sẽ trổ sinh những bông hoa chiến thắng. Khi nghĩ về một tương lai đen tối tôi bỗng mỉm cười, bởi vì chúng ta vác thập giá, chúng ta đi đường thập giá, chúng ta lai cảm thấy hạnh phúc bởi vì chúng ta đang sống trong một thời điểm đặc biệt. Nếu như Thiên Chúa muốn biến chúng ta trở thành những dụng cụ của Ngài, thì chúng ta phải sẵn sàng.

Trước khi về trời Chúa Giêsu còn nói: Các con sẽ nhận lấy sức mạnh Chúa Thánh Thần sẽ xuống trên các con, để các con trở nên nhân chứng của Thầy ở Giêrusalem, ở Giuđêa, Samaria và cho đến tận cùng bờ cõi trái đất. Cho đến lúc bấy giờ các ông vẫn còn mơ tưởng đến của cải vật chất mà nhắm mắt lại trước những chân lý siêu nhiên. Các ông như bị cột chặt vào mặt đất và không thể bay bổng tới trời cao. Suốt ba năm sống với Chúa, nghe những lời Ngài nói và nhìn xem những việc lạ lùng Ngài làm, thế mà cõi lòng các ông vẫn chai đá, các ông quay lưng lại với ánh sáng.

Chúng ta cũng vậy, để được hướng tới bình diện siêu nhiên, để được sống trong Chúa Thánh Thần, chúng ta phải biết vượt qua lãnh vực vật chất và những níu kéo của trần gian. Có lần Chúa Giêsu đã nói: Thầy đi thì có lợi cho các con hơn, bởi vì nếu Thầy không đi thì Chúa Thánh Thần sẽ chẳng đến với các con. Nhờ Chúa Thánh Thần mà các tông đồ đa mặc lấy con người mới. Chính Ngài cũng sẽ giúp đỡ chúng ta để biết canh tân, để biết nhìn sự việc bằng đôi mắt của Chúa Giêsu.

Bởi đó trước những khó khăn của cuộc sống thường ngày chúng ta hãy kêu cầu Ngài đến với chúng ta. Thế nhưng cho đến ngày hôm nay Chúa Thánh Thần vẫn còn là một vị Thiên Chúa bị quên lãng nhiều nhất. Vậy thì Chúa Thánh Thần hiện đang nắm giữ vai trò nào trong cuộc sống chúng ta?

 

12.Trời ở quanh ta

(Suy niệm của Lm. Joshepus Quang Nguyễn)

Chúng ta đang sống trong không gian vũ trụ bao la, nên khi nói lên trời chúng ta nghĩ rằng trời không trong không gian vũ trụ, một nơi bên ngoài trái đất này. Vì thế, khi nói “Chúa Giêsu lên trời” chúng ta cũng dễ hình dung Chúa Giêsu như một “phi hành gia” tự động cất bổng mình lên trời ra ngoài quỹ đạo của trái đất? Vậy thì Chúa Giêsu đi về phương trời nào? Phi hành gia Mỹ New Amstrong đặt chân lên mặt trăng đầu tiên 1930, rồi đến các phi hành gia Liên Xô khi bay ra ngoài vũ trụ đã nói rằng chúng tôi không thấy Thiên Chúa đâu hết.

Chúa Giêsu “được rước lên trời”: đó là một lối nói của Thánh Kinh nhằm diễn tả việc Chúa Phục Sinh từ giã trần gian để về cùng Thiên Chúa Cha. Ngài từ Cha mà đến và nay trở về với Cha. “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng đã-từ-trời xuống” (Ga 3,13). Câu chuyện Chúa lên trời được bài đọc 1 kể lại là một kiểu nói bình dân để diễn tả một mầu nhiệm Chúa Kitô Phục Sinh, tức là nhân tính của Chúa Giêsu được tôn vinh hay nói cách khác, được vào trong vinh quang Chúa Cha, được ngồi bên hữu Chúa Cha. Vì vậy, trong bài đọc 2, Thánh Phaolô quả quyết: “Người đã tôn Đức Ki-tô lên trên mọi quyền lực thần thiêng, trên mọi tước vị có thể có được, không những trong thế giới hiện tại, mà cả trong thế giới tương lai”.

Cho nên, lễ Chúa Thăng Thiên không phải là một cuộc chia ly, tiễn đưa Chúa Giêsu vào một phương trời xa lạ và cắt đứt tương quan giữa ta với Ngài. Chúa về trời là có nghĩa rằng ta không còn thấy, đụng chạm, nghe Ngài bằng giác quan tự nhiên. Nhưng chúng ta vẫn có thể gặp gỡ Ngài bằng giác quan siêu nhiên của lòng tin thế nên, Chúa Giêsu nói: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20) là vậy đó!

Mừng lễ Chúa Thăng Thiên là mừng ngày Đức Giêsu được tôn vinh, hôm nay Ngài được hưởng vinh quang và danh dự của Thiên Chúa. Cho nên, Chúa về trời là bảo chứng rõ ràng nhất cho hy vọng của chúng ta đó là: được lên Thiên Đàng và hưởng vinh quang với Chúa Giêsu. Trời là đích điểm của đời Kitô hữu. Nhưng trời đã bắt đầu từ khi chúng ta bước vào vũ trụ của Chúa Giêsu Kitô, qua đức tin và các bí tích. Qủa thế, cuộc sống này không có gì là đời đời, không có gì là vĩnh viễn mà chỉ sự sống lại, sự sống hạnh phúc bên Chúa trên trời mới là đời đời, muôn năm hay vĩnh viễn mà thôi.

Tuy nhiên, trời không phải xây dựng trong mây trong gió, nhưng được xây dựng trong cuộc sống trần gian. Trời không phải là cõi mơ mộng viển vông, nhưng đã bắt đầu ngay trong thực tế cuộc đời hiện tại. Vì thế, Sứ thần của Chúa hôm nay đã quở trách các môn đệ: “Hỡi người Galilê! Sao cứ đứng đó mà nhìn lên trời?”. Các môn đệ đã hiểu ý. Các ông đã trở về với nhiệm vụ của mình, hoàn thành công việc dang dở của Chúa ở trần gian, làm chứng về tất cả những gì các ông đã được nghe, thấy được. “Các ông đã ra đi khắp nơi, rao giảng Tin Mừng cho mọi người; có Chúa cùng hoạt động với các ông, củng cố lời rao giảng bằng các phép lạ kèm theo” (Mc 16,20).

Rõ ràng, Chúa lên trời trước mặt các môn đệ và thúc giục các ông lập tức bắt tay vào việc xây dựng Nước Trời ngay ở trần gian khi các ông còn ở trần gian này và sẽ đồng hành với các ông mọi ngày cho đến tận thế. |Cũng vậy, đối với chúng ta ngày nay, Chúa lên trời nhắc chúng ta nhớ rằng quê hương chúng ta ở trên trời nên chúng ta hãy tìm kiếm những sự trên trời (Pl 3,20; Cl 3,1). Nói thế không có nghĩa là chúng ta phải “xuất thế”, phải xa lánh trần gian. Trái lại, cần phải nổ lực dấn thân “vào đời”, “nhập cuộc”. Có Chúa cùng hoạt động với chúng ta để “mở một tuyến đường lên trời từ mặt đất này” bằng những công việc xây dựng Nước Trời ngày này qua ngày khác; loại trừ những khổ đau, tội lỗi, tạo cho mọi người được sống ấm no, hiệp nhất, yêu thương nhau, cho mọi người được sống xứng đáng phẩm giá con người. Đó là con đường lên trời của chúng ta. Cho nên, trước khi lên trời, Chúa Giêsu sai mọi người vào đời: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ” (Mc 16,15-18). Vì thế, cho đến ngày nay, Giáo Hội cũng đã và đang “vào đời” như thế: Nói về Chúa, sống chứng nhân, sống gương mẫu, làm việc tốt, tha thứ cho người ghét mình, nghĩ tốt về người khác, rao truyền Tình Yêu Chúa, thực thi Lòng Chúa Thương Xót,…

Chúa lên trời, Ngài không bao giời rời bỏ chúng ta nhưng ở với chúng ta mọi ngày, mọi nơi mọi lúc: trong kinh nguyện và hoạt động, trong bí tích và trong anh chị em. Đặc biệt trong bí tích Thánh Thể, Chúa đến ở trong chúng ta, ban nguồn sinh lực giúp chúng ta hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nước Trời ở trần gian này là: yêu thương, tha thứ, sống Phúc âm trong đời sống gia đình, giáo xứ hay xã hội và loan báo Tin Vui cứu độ cho mọi người để một khi Nước Trời được hoàn thành Ngài sẽ trở lại trong vinh quang đón tất cả mọi người chúng ta lên trời về với Chúa Cha. Amen.

 

13.Đường vinh quang

Mừng Chúa lên trời có nghĩa là mừng Ngài được tôn vinh sau khi hoàn thành sứ mạng Chúa Cha đã trao phó. Ngài đã hoàn thành trong sự vâng phục và yêu thương, ngay cả trong việc chấp nhận thập giá để cứu chuộc mọi người. Vinh quang được trao ban cho Ngài, vì Ngài đã chấp nhận hy sinh tất cả. Nói cách khác, Ngài đã đi trọn con đường của yêu thương, không nề hà bất cứ một cử chỉ hay một hành động nào, để bày tỏ lòng yêu thương của Thiên Chúa đối vơi con người.

Sứ mạng ấy Chúa Giêsu cũng đã trao lại cho các môn đệ: Các con hãy đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Các ông đã hoàn tất với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Thánh Gioan ghi nhận là chính Chúa Giêsu sống lại đã thổi hơi ban Chúa Thánh Thần cho các ông. Và theo thánh Luca, thì nếu Chúa Thánh Thần đã gầy dựng Con Thiên Chúa làm người nơi cung lòng Đức Trinh Nữ Maria, thì nay khi Ngài sắp sửa từ giã các ông, thì Ngài đã hứa ban cho các ông Chúa Thánh Thần như là một sức mạnh để gầy dựng cộng đoàn của Hội Thánh. Chúa Giêsu căn dặn các môn đệ chờ đón Chúa Thánh Thần tại Giêrusalem. Nhận được sức mạnh của Chúa Thánh Thần, các môn đệ đã trở thành những chứng nhân sống động của Đức Kitô cho đến tận cùng bờ cõi trái đất.

Trong bối cảnh ấy Chúa Giêsu đã từ biệt các môn đệ, đây là một cuộc từ biệt không gây nên đau buồn vì Chúa Giêsu có hứa hẹn ngày tái ngộ. Thời gian chờ đợi sẽ là thời gian cần thiết để hoàn thành sứ mạng được trao phó, đồng thời cũng là thời gian chờ đợi vinh quang sẽ đến. Như thế mừng lễ Chúa lên trời cũng chính là lúc chúng ta chờ đợi vinh quang sẽ đến, cũng chính là chờ đợi ngày Ngài trở lại.

Nhưng sự chờ đợi chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó trở thành nỗi bận tâm chu toàn sứ mệnh được trao phó. Người Kitô hữu hôm nay cũng như các môn đệ ngày xưa không phải là những kẻ đứng nhìn lên trời, mà là những người dấn thân rao giảng Tin Mừng cứu độ, đem lại niềm vui của ơn giải thoát cho tất cả mọi người nhất là những kẻ nghèo khổ và bất hạnh. Chúng ta chỉ có thể chu toàn sứ mạng ấy bằng những hy sinh và quên mình. Lịch sử Giáo Hội xưa cũng như nay cho thấy nơi nào và khi nào toàn thể Giáo Hội cũng như từng người Kitô hữu biết hy sinh những quyền lợi của mình để nghĩ đến những lợi ích chung, nhất là của những tầng lớp bị quên lãng hay bị áp bức trong xã hội, thì ở đó và lúc đó, Giáo Hội cũng như người Kitô hữu làm cho người khác nhận ra được Tin Mừng của Đức Kitô. Và đó cũng chính là vinh quang của Giáo Hội cũng như của người Kitô hữu.

Như thế, con đường dẫn đến vinh quang, là con đường hoàn thành sứ mạng Chúa đã trao phó, trong quên mình và trong hy sinh.

 

14.Lễ Chúa Thăng Thiên

((Suy niệm của Aug. Trần Cao Khải)

“Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa” (Mc 16,19). “Người được cất lên ngay trước mặt các ông và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa” (Cv 1,9).

Biến cố thăng thiên đã được các thánh sử nhắc lại như một khẳng định chắc thực về việc Đức Giê-su đã sống lại và đã ngự trị trong Nước vinh quang của Cha. Biến cố này cũng nhắc nhở rằng Ngài đã được phong là Chúa (Kyrios), là Đấng Kitô (Christos), là Vua (Messia) vinh hiển, vì Ngài đã hoàn thành trọn vẹn sứ mệnh thiên sai, như Ngài đã nói trước khi trút hơi thở cuối cùng trên thập giá, “Thế là đã hoàn tất” (Gio 19, 20). Chúa đã hoàn tất sứ mệnh cực kỳ gian khổ nhưng đầy vinh quang của Ngài và từ nay sứ mệnh ấy sẽ được trao phó lại cho Cộng đoàn thừa sai mà Ngài đã thiết lập. “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa con và Chúa Thánh Thần...” (Mt 28,19).

Có thể các môn đồ của Đức Giê-su ngỡ ngàng và hụt hẫng trước việc Chúa “ra đi” trong biến cố “thăng thiên” này, nhưng hơn ai hết các ông sẽ hiểu rằng Chúa “ra đi” thì có lợi cho họ, và rằng Ngài “đi” nhưng không rời xa họ, Ngài luôn hiện diện với họ cho đến ngày tận thế (x. Mt 28,20). Sứ vụ của Chúa chỉ kéo dài hơn 30 năm tại thế, nhưng sứ mệnh của Hội thánh thừa sai thì kế tục mãi đến ngày Quang Lâm của Chúa. Chính vì lí do đó mà Chúa rất quan tâm gầy dựng một Cộng đoàn thừa sai hoạt động thật hữu hiệu, thật chuyên cần và thật khẩn thiết.

Từ biến cố thăng thiên của Đức Giê-su, người Ki-tô hữu chúng ta có thể nhận ra 3 vấn đề liên quan sứ mệnh truyền giáo.

* MỖI NGƯỜI TÍN HỮU LÀ MỘT TÔNG ĐỒ.

Tông đồ là người được sai, nghĩa là nhà truyền giáo. “Nhiệm vụ cao cả của mọi giáo dân là làm cho ý định của Thiên Chúa ngày càng lan rộng tới tất cả mọi người ở mọi nơi và mọi thời đại. Vì thế, khắp nơi phải mở đường cho họ tích cực tham gia vào công cuộc cứu độ của Giáo Hội, tùy sức lực của họ và tùy nhu cầu của thời đại ” (Vat. II, LG 33). Vậy đã rõ, người Ki-tô hữu chúng ta không phải chỉ lo “có đạo, giữ đạo” cho riêng mình mà còn có nghĩa vụ và bổn phận “tham gia vào công cuộc cứu độ của Giáo Hội” nữa. Khi tham gia như thế, chúng ta không chỉ “làm tín hữu” mà còn làm người tông đồ, làm sứ giả Tin Mừng Đức Ki-tô...

Tuy nhiên, trước khi bắt tay vào công cuộc truyền giáo cách cụ thể, chúng ta được mời gọi đốt nóng lên nỗi băn khoăn thao thức muốn truyền giáo và sống đời truyền giáo. Quả vậy, chúng ta chưa thực sự truyền giáo nếu chúng ta chưa ước muốn truyền giáo, chưa cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo, chưa hi sinh cho sứ mệnh loan báo Tin Mừng...Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giê-su được tôn phong là “Bổn mạng các xứ truyền giáo” không do những công trình truyền giáo vĩ đại mà là do những thao thức “muốn đi truyền giáo” khắp nơi trên thế giới. Ngài truyền giáo bằng đời sống hi sinh âm thầm, bằng kinh nguyện liên lỉ và bằng ước muốn sâu xa từ trong cõi lòng.

Ước nguyện truyền giáo của chúng ta phải xuất phát từ nhận thức rằng truyền giáo là ơn gọi của mỗi người tín hữu, “Tất cả các phần tử trong Hội Thánh mỗi người mỗi cách đều được sai đi. Ơn gọi Ki-tô hữu tự bản chất cũng là ơn gọi làm tông đồ. Mọi hoạt động của Nhiệm Thể nhằm làm cho Nước Đức Ki-tô mở rộng trên khắp hoàn cầu được gọi là việc tông đồ” (x. GLHTCG số 863).

* TẤM GƯƠNG CỦA NHÀ TRUYỀN GIÁO.

Việc truyền giáo khởi sự từ chính bản thân người truyền giáo. “Ngày nay người ta sẵn sàng nghe những chứng nhân hơn là những thầy dạy” (ĐGH Phaolô VI), câu nói này thường được nhắc đi nhắc lại nhằm giúp chúng ta khẳng định là “lời nói” không quan trọng bằng “tấm gương sống” của chứng nhân. Chính Chúa Giê-su cũng đã nhắc nhở: “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian” (Mt 5,14). Ki-tô hữu là ánh sáng, là muối, là men cho mọi tầng lớp con người chưa nhận biết Tin Mừng. Thế giới ngày nay khát khao những tấm gương chứng tá Tin Mừng cứu rỗi do Chúa loan truyền. Tấm gương về bác ái công bình, về lòng bao dung tha thứ, về sự hi sinh quên mình phục vụ, về nếp sống nghèo khó, tín thác và vâng phục, về thái độ dám nói “không” với đủ mọi loại tội.

Theo dõi tin tức trên báo chí hằng ngày, chúng ta rất dễ dàng thấy rằng con người ngày nay, kể cả lớp trẻ tuổi niên thiếu, đã thực sự đánh mất cảm thức về tội. Tội giết người, tội dâm ô, tội loạn luân, tội lường gạt, tội vô cảm, tội trộm cắp, tội tham ô, tội bạo hành trong gia đình, tội phá thai, tội tôn thờ bản thân và thần thánh hóa ngẫu tượng vv...Thực tế là chúng ta sẽ mãi mãi phải sống chung với tội, như người ta chấp nhận sống chung với lũ, với bão, với ngập lụt, với nạn kẹt xe, với tình trạng ô nhiễm môi trường... Nhưng dù trong hoàn cảnh nào, một mặt chúng ta không bao che, không đồng lõa với tội vì chúng ta “sống trong thế gian mà không thuộc về thế gian”, một mặt chúng ta phải vươn cao, đứng thẳng hiên ngang làm chứng cho Tin Mừng như ngọn nến sáng trong đêm tối mịt mờ.

Có thể chúng ta sẽ không thể “nói” được nhiều, nhưng nhờ ơn Chúa, bản thân chúng ta sẽ trở thành tấm gương phản chiếu một góc độ nào đó của Tin Mừng Đức Ki-tô. Thực vậy, “Truyền giáo không chủ yếu là chuyển giao một lý thuyết, mà là chia sẻ một sự sống thiêng liêng có sức biến đổi con người nên người hơn và được trở thành con của Thiên Chúa Tình Yêu” (ĐGM GB Bùi Tuần, bài “Ra khơi từ đâu?”, tháng 2-2004). Tất cả chúng ta, một khi đã tin và lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, thì trở thành con cái Thiên Chúa. Nếu chúng ta sống tốt địa vị ấy, chúng ta sẽ là nhà truyền giáo có sức lôi cuốn đặc biệt và gây ngạc nhiên cho nhiều người. Bởi ngày nay, người ta sống thiếu thốn tình thương và hạnh phúc, thiếu vắng bình an và hi vọng. Bản thân và đời sống Ki-tô hữu sẽ trở thành chứng tá sống động của Tin Mừng một khi mỗi người chúng ta tích cực thực thi Lời Chúa: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau ” (Gio 13, 34-35).

Ngược lại, “Trong đời sống thường ngày cũng có câu truyện thương tâm: một cô ngoại giáo lấy ngươì công giáo, láng giềng, bà con thấy cô ta đẹp nết, giục cô ta vào đạo Chúa. Cô ta trả lời: Khi nào cháu thấy đạo Chúa hơn đạo Phật, cháu mới vào. Tìm hiểu, người ta biết được bà mẹ chồng rất siêng năng đọc kinh, dự lễ, đã từng bỏ ra chục triệu cùng với nhiều bà khác giúp cha sở đi Roma xin ơn Đức Giáo hoàng, nhưng bà đã từng sang (nhà) giật nồi, lấy niêu của một bà hàng xóm nghèo chưa có tiền trả nợ cho bà. Cô dâu in trong lòng hình ảnh không tốt về mẹ chồng và về đạo”. (Lm. FX. Nguyễn Hùng Oánh, “Bản chất của GH là truyền giáo”, VietCatholic News 18-10-2008).

* CHÚA LÊN TRỜI, MÔN ĐỆ VÀO ĐỜI.

Vào đời để nối tiếp công trình cứu độ của Chúa Giê-su. Vào đời, đó là mệnh lệnh của Chúa. Vì, như Chúa Cha đã sai Đức Giê-su thế nào, thì Chúa Con cũng sai chúng ta như vậy. Với ơn Chúa mà chúng ta cầu xin hằng ngày, với đức tin mà chúng ta nuôi dưỡng từ tấm bé đến giờ, với lòng mến mà chúng ta luyện tập thường xuyên, chúng ta sẽ mạnh mẽ và vững vàng bước vào cánh đồng truyền giáo bao la mà Chúa đang mong đợi chúng ta đến.

Theo ĐGH Gioan Phaolô II, cánh đồng truyền giáo ấy muôn dạng muôn vẻ, nhưng có thể đúc kết thành 3 nhóm: Nhóm những người chưa biết, chưa tin Đức Giê-su Ki-tô; Nhóm những người đã tin Đức Giê-su Ki-tô và đã lãnh nhận bí tích rửa tội, nhưng đã đánh mất niềm tin, rời bỏ Giáo hội, đang sống như người lương dân; Nhóm những người tin Đức Giê-su Ki-tô và đã được rửa tội (Nguyễn Văn Nội, “Loan báo Tin Mừng”- Hưởng ứng thư Mục Vụ 2003 của HĐGMVN, phần VI “Tông đồ giáo dân”).

Vậy tùy theo hoàn cảnh, điều kiện và môi trường cụ thể, chúng ta sẽ vận dụng sáng kiến và khả năng mình có để làm chứng Đức tin Ki-tô giáo và loan báo Tin Mừng cứu độ cho mọi người. Dù ở đâu và vào thời điểm nào, chúng ta vẫn cần phải tạo nên bầu khí bác ái cho truyền giáo và chính bản thân chúng ta luôn là dấu chỉ của lòng mến Ki-tô giáo. Sự hiện diện của tông đồ giáo dân ở khắp nơi, trong mọi thời, vừa mang tính chứng tá lại vừa được xem như công cụ giới thiệu Tin Mừng cho nhân loại.

“Trước mặt nhân loại, mỗi giáo dân phải là chứng nhân của sự Phục sinh và sự sống của Chúa Giê-su Ki-tô, đồng thời là dấu hiệu của Thiên Chúa hằng sống. Tất cả và mỗi người góp phần nuôi dưỡng thế giới này bằng những hoa trái thiêng liêng (x. Gl 5,22) và truyền bá cho thế gian tinh thần của những người nghèo khó, hiền lành và hiếu hòa, những người mà Phúc Âm Chúa đã tuyên bố là có phúc (x. Mt 5,3-9). Tóm lại, người Ki-tô hữu hãy làm cho thế giới sống như linh hồn làm cho thân xác sống” (Vat II, LG 38).

home Mục lục Lưu trữ