Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 57

Tổng truy cập: 1360787

KÍNH MỪNG MARIA ĐẦY ƠN PHÚC

KÍNH MỪNG MARIA ĐẦY ƠN PHÚC

Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm

Julbell có một bài hát nổi tiếng khắp thế giới từ thế kỷ này đến thế kỷ khác, và chắc có lẽ mãi mãi còn đọng lại trong lòng người nghe. Bài hát rất quen thuộc. Đó là bài Ave Maria.

Điều gì đã khiến cho nhạc sĩ có được cảm xúc một cách dạt dào để viết lên một bản nhạc tuyệt vời như vậy?

“Kính mừng Maria đầy ơn phúc Đức Chúa Trời ở cùng Bà. Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ”. Chính lời kinh tuyệt vời đó đã làm nên cảm xúc không phải chỉ một Julbell mà cho biết bao nhạc sĩ trong lịch sử âm nhạc của thế giới viết nên những bản nhạc tuyệt vời và chính lời kinh đó làm nên ngày lễ Mân Côi hôm nay. Tại sao vậy?

Trong lịch sử Giáo Hội vào khoảng thế kỷ 16. Anh em Hồi giáo làm một cuộc chinh phục thế giới. Bởi vì họ đi từ vùng Trung Đông sang Á châu đến Ấn Độ. Họ đổ bộ lên Âu châu. Đi đến đâu thắng đến đó. Khi đổ bộ đến Âu châu, đi vào một vịnh của nước Ý. Một đoàn quân thiện chiến như thế thì quân Ý làm sao mà đối đầu được. Nếu để thua thì Ý sẽ thất thủ, thủ đô của Hội Thánh Công giáo là Rôma cũng biến mất và cả Âu châu cũng bị đe dọa.

Đức Giáo Hoàng Piô V bấy giờ lên tiếng kêu gọi cầu nguyện, và cầu nguyện bằng kinh Kính Mừng.

Ngày 7/10 năm ấy quân của Công giáo chiến thắng. Chiến thắng không phải nhờ khả năng quân sự mà là nhờ sự phù trợ của Mẹ Maria. Vì thế Đức Giáo Hoàng đã lấy ngày đó làm ngày lễ Đức Bà chiến thắng. Sau này thành lễ Mân Côi.

Nói đến chiến thắng, có lẽ chúng ta nghĩ đến chiến thắng về quân sự, kinh tế, chính trị. Không, Chúa Giêsu không ban cho mình chiến thắng đó. Khi đối diện với Philatô Ngài đã trả lời: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu nước tôi thuộc về thế gian này thì binh lính tôi đã đến giải thoát tôi khỏi tay người Do Thái”.

Ta cần nhìn vào chiến thắng ở một góc độ khác. Đó là chiến thắng chính mình. Một danh tước trong lịch sử thế giới đã thường nói: “Không có cuộc chiến đấu nào khó khăn hơn chiến đấu với chính bản thân mình.”

Mỗi chúng ta có thể cảm nghiệm điều đó trong cuộc sống. Đức Cha Pul-ton-Shin, Ngài nói: “Nếu bạn chấp nhận một cuộc chiến đấu trong tâm hồn bạn, thì sự bình an sẽ giải tỏa trong cuộc sống xã hội. Ngược lại, nếu bạn không chấp nhận cuộc chiến đấu đó, mà bạn đi tìm thỏa hiệp với cái xấu và tội lỗi trong tâm hồn bạn, thì chiến tranh sẽ lan tỏa trong cuộc sống xã hội”.

Nói như thế có nghĩa là chuyện chiến thắng chính mình là một cuộc chiến rất khó, nhưng nó lại là căn bản để dẫn đến cuộc sống bình an cho mọi người. Chuỗi Mân Côi, những lời kinh Kính Mừng đan kết lại với nhau thành xâu chuỗi. Chuỗi Mân Côi đó có khả năng giúp cho ta tập chiến thắng chính mình. Tại sao vậy?

Ở phương Đông khi nói về con người, người ta hay nói đến thân, trí, tâm. Triết học phương Tây ngày xưa, khi học tâm lý học nói đến con người, người ta nói đến tình cảm và ý chí. Cũng tựa như nhau. Khi các bạn lần chuỗi Mân Côi thì cả thân, cả trí, cả tâm, có nghĩa là tất cả con người toàn diện chúng ta được chi phối. Chúng ta hãy nhớ lại, khi ta lần chuỗi có nghĩa là trong tay của mình cầm chuỗi đó là cái thân. Việc cầm một xâu chuỗi ảnh hưởng đến trí và tâm mình.

Có một linh mục kể chuyện: Trong một lần ngài đi máy bay, ngồi cạnh nhà sư, thấy trên tay nhà sư cầm xâu chuỗi, miệng lâm râm nam-mô-a-di-đà-phật. Linh mục hỏi nhà sư: Tại sao lần chuỗi vậy? Nhà sư bảo: Chúng tôi lần chuỗi như thế này tâm trí đỡ căng thẳng. Thế thì bên các ngài không có cái gì giống vậy à?

Linh mục trả lời: Có chứ, nhưng mà chúng tôi lần chuỗi không phải để cho tâm trí bớt căng thẳng, mà chúng tôi nhắm cái khác cơ. Nhà sư nói với vị linh mục thế này: Cha ạ, nếu cha muốn tập trung vào một điều gì, thì trong tay của cha phải có một cái gì, nhờ đó cha sẽ dễ tập trung hơn.

Vị linh mục học được một bài học, hóa ra chuỗi Mân côi mình cầm trong tay giúp cho cái trí của mình tập trung. Khi các bạn lần chuỗi là trong tay cầm xâu chuỗi, nó giúp cho trí của mình tập trung vào lời kinh, và còn tập trung vào cuộc đời của Chúa Giêsu mà kinh Mân Côi mô tả từ khi Ngài sinh ra cho đến cuộc sống công khai, đến khi bị chết trên thánh giá chịu táng trong mồ, sống lại, lên trời, ban Thánh Thần xuống cho Giáo Hội.

Tất cả cuộc sống của Chúa Giêsu. Một thứ Tin Mừng thu gọn được tóm lại ở trong chuỗi Mân Côi, đồng thời khi chúng ta lần chuỗi như vậy tâm của mình tịnh lại. Đối với người trẻ hôm nay đang sống trong một thời đại tốc độ, mà người đọc như thế thật mất thì giờ. Tôi đã từng nghĩ như vậy. Nhưng sau này khi tìm hiểu lại lịch sử linh đạo, tôi mới thấy đó là một phương pháp rất hay cho cuộc sống tâm linh. Những lời con người vắn tắt được lặp đi lặp lại như thế nó làm cho tâm của mình tĩnh lại.

Có một người học trò người Việt Nam, sau này sang Mỹ viết thư về kể cho tôi nghe kinh nghiệm về việc sống đạo của anh ta: Cuộc sống quá nhiều khó khăn đến mức độ chịu không được, nên đêm đến về nhà muốn phá toang, la toáng lên: Tại sao lại đổ trên đầu tôi những sự khổ sở thế này. Bất chợt nhìn lên đầu giường thấy một tràng chuỗi treo ở đấy. Nó liền chạy đến cầm lấy ngồi đọc kinh. Chỉ mới có 10 kinh thôi là thấy tâm hồn của mình lắng xuống….

Khi lần chuỗi Mân côi thì toàn diện con người của mình: thân, trí và tâm đều được chi phối. Cùng sự chi phối đó thì chuỗi Mân côi làm cho nơi chúng ta hình thành một con người mới chống lại những gì xấu trong tâm hồn mình.

Con người ta sống ở đời này bao giờ cũng sống trong ba mối tương quan chính: tương quan với Thiên Chúa, tương quan với tha nhân, tương quan với thế giới vật chất. Tội lỗi chúng ta nó cùng nằm trong ba mối tương quan đó. Khi lần chuỗi Mân Côi, Mẹ Maria sẽ giúp chúng ta sống những tương quan đó tốt đẹp.

Chẳng hạn khi chúng ta lần chuỗi chúng ta đọc: Chúa Giêsu lên trời, xin cho lòng con được hưởng những sự lên trời. Chúng ta sẽ sống mối tương quan với Thiên Chúa; chúng ta sẽ sống một tâm hồn siêu thoát hơn; khi chúng ta đọc: Mẹ Maria đi viếng thăm bà Isave, xin cho được lòng yêu người. Đó là lời cầu xin tương quan với tha nhân, bằng tình yêu thương chứ không phải là hận thù ghen ghét; khi chúng ta đọc Chúa Giêsu chịu đóng đinh, xin cho đóng đinh tính xác thịt mình vào thánh giá Chúa; đó là tương quan với thế giới vật chất, với chính xác thịt của mình.

Chuỗi Mân Côi giúp cho chúng ta chiến thắng cái xấu ở nơi bản thân mình, hoàn thành một con người mới, con người mới đó sẽ tác động trong cuộc sống, làm cho cuộc sống được đẹp hơn.

Đức Cha Pul-ton-Shin là một diễn giả nổi tiếng ở Mỹ. Ngài chỉ giảng trên đài truyền hình chứ không giảng ở nhà thờ. Nhiều bạn trẻ xin Ngài chứng hôn cho lễ cưới của mình. Ngài đồng ý chứng nhận với hai điều kiện, hai bạn đó phải hứa với Ngài mỗi ngày vợ chồng phải đọc chung với nhau 50 kinh Kính Mừng. Lời kinh nối kết vợ chồng giúp cho vợ chồng xây dựng cuộc sống gia đình tốt đẹp hơn.

Hình như bây giờ các bạn trẻ ít lần chuỗi lắm. Hôm nay tôi muốn nói về giá trị của kinh Mân côi. Chúng ta đừng xem thường, lại càng không nên xem đó là chuyện đạo đức rẻ tiền. Chúng ta hãy cầu nguyện để khám phá ra giá trị tuyệt vời của kinh Mân Côi. Nếu chúng ta không đọc được nhiều, tôi xin đề nghị mỗi ngày chỉ đọc 1 kinh Lạy Cha, 3 kinh Kính Mừng, 1 kinh Sáng Danh. Chúng ta hãy nuôi dưỡng trong tâm trí mình ý nghĩ: khi tôi đọc kinh Mân Côi, đó là phương cách để tôi đào luyện bản thân, để tôi chiến thắng chính mình, để tôi sống đời đức tin tốt hơn. Amen.

.

17.                        Cầu Nguyện Bằng Chuỗi Mân Côi

Gm. Gioan B. Bùi Tuần

Trong lịch phụng vụ, tháng 10 có tên là tháng Mân côi. Suốt tháng này, Hội Thánh khắp nơi hướng về Đức Mẹ một cách đặc biệt. Lòng sùng kính của dân Chúa đối với Đức Mẹ trong thời gian này mang một đặc điểm riêng. Đó là cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi.

Mân côi chính là hoa hồng. Như thể, bằng chuỗi Mân côi, Hội Thánh trở thành một vườn hồng mênh mông, hương thơm sắc đẹp, dâng lên Mẹ hiền.

Lịch sử chuỗi Mân côi là một hành trình dài. Hành trình đó mang nhiều gợi ý. Những gợi ý này có thể giúp chúng ta cầu nguyện bằng chuỗi Mân côi một cách sốt sắng, vừa hợp với truyền thống, vừa sát với thời sự.

Chuỗi Mân côi đốt lên lửa mến.

Lịch sử cho thấy kinh Mân côi được thành hình do động lực sùng kính Đức Mẹ. Người được nhắc tới nhiều trong lịch sử kinh Mân côi là thánh Đaminh, đấng sáng lập Dòng Giảng thuyết. Ngài qua đời năm 1221. Một số tài liệu quả quyết rằng chính Đức Mẹ đã trao cho thánh Đaminh chuỗi Mân côi. Xung quanh thánh Đaminh còn một số tu sĩ nhiệt thành, như tu sĩ Dominique dòng Chartreux thành Trèves, tu sĩ Alain de la Roche dòng Đaminh thành Lille.

Các vị này đã có những đóng góp quan trọng. Tất cả các ngài đều là những tông đồ của Đức Mẹ. Với lòng xác tín, hăng hái, nhiệt thành, các ngài rao giảng, truyền bá kinh Mân côi. Trước hết là trong các cơ sở Dòng, sau là tại các giáo xứ của nhiều giáo phận Âu Châu.

Phong trào đọc kinh Mân côi sau đó được tổ chức thành các hiệp hội. Các người trong hiệp hội liên đới với nhau bằng chia sẻ đời sống thiêng liêng. Nhận thấy phong trào kinh Mân côi đem lại nhiều kết quả lớn lao và mau lẹ cho đời sống đức tin, Toà Thánh đã công nhận, khuyến khích và ban nhiều ân xá.

Năm 1475, tại Cologne, chính hoàng đế nước Đức là Fredéric III, hoàng hậu và hoàng tử đã xin ghi tên vào hội kinh Mân côi. Nhờ vậy, chuỗi Mân côi có thêm uy tín.

Uy tín đó không phải là lý do để phong trào kinh Mân côi lan rộng. Lý do lan rộng chính là tính cách Kinh Thánh và bình dân của chuỗi Mân côi.

Các lời kinh của chuỗi Mân côi đều được đúc kết từ Kinh Thánh. Các mầu nhiệm suy gẫm trong chuỗi Mân côi cũng được rút ra từ Kinh Thánh. Số 150 kinh Kính Mừng cũng là để nhớ lại số 150 thánh vịnh của Cựu Ước.

Tuy nền tảng là Kinh Thánh, nhưng chuỗi Mân côi được sắp xếp một cách bình dị, dễ đọc, dễ hiểu, hợp với bình dân. Miệng đọc kinh, lòng suy gẫm, tay lần chuỗi hạt, đó là một hình thức đạo đức bình dân thấy có ở nhiều tôn giáo truyền thống như Phật giáo, Hồi giáo.

Với hình thức đạo đức này, kinh Mân côi đã đốt lên lửa mến trong các tâm hồn. Nhiều tâm hồn trước kia nguội lạnh đã được ơn trở về.

Chuỗi Mân côi thắp sáng niềm hy vọng cứu độ.

Lịch sử cho thấy: Khi khấn cầu ơn nọ ơn kia, nhiều người đã dựa vào chuỗi Mân côi như một nguồn để tìm sức mạnh cậy trông.

Năm 1571, trước cơn đe doạ đạo Chúa bị tàn phá, Đức Thánh Cha Piô V, đã truyền cho Hội Thánh cầu nguyện bằng chuỗi Mân côi, với hy vọng Chúa sẽ cứu. Khấn cầu đó đã được Chúa chấp nhận. Chiến thắng ở vịnh Lepante ngày 7 tháng 10 năm 1571 đã là cơ sở để Đức Thánh Cha thiết lập lễ Đức Mẹ Mân côi. Hằng năm cứ đến ngày 7 tháng 10, Hội Thánh đề cao chuỗi Mân côi như một nguồn hy vọng.

Năm 1629, trước cơn dịch tả nguy hiểm lan rộng trên nước Ý, tu sĩ Timoteo Ricci đã lập ra chuỗi Mân côi liên tiếp. Thầy tính rằng: Mỗi năm có 8.760 giờ. Căn cứ vào đó, thầy làm ra 8.760 tấm vé. Mỗi vé ghi tháng, ngày, giờ. Rồi cho rút thăm. Ai được vé nào thì cam kết đọc chuỗi Mân côi tháng ngày giờ đó. Mục đích có ý xin ơn chết lành cho những người hấp hối, xin ơn trở lại cho những người tội lỗi, xin ơn bình an cho các dân tộc.

Từ sáng kiến đó, phong trào kinh Mân côi liên tiếp được thành lập và lan rộng. Năm 1657, Đức Giáo Hoàng Alexandre VII chấp nhận phong trào đạo đức này, và ban cho nhiều ân xá.

Năm 1826, trước nhu cầu truyền giáo cho các vùng xa xôi, bà Pauline Jaricot, thành Lyon, đã có sáng kiến lập ra phong trào “Kinh Mân côi sống”. Cứ 10 nguời thì thành một nhóm nhỏ. Mỗi người trong nhóm cam kết đọc 10 kinh Kính Mừng mỗi ngày. Hơn nữa, mỗi người trong nhóm sẽ tìm thêm 5 người. Năm người này cũng hứa đọc 10 kinh Kính Mừng mỗi ngày. Và cứ thế nhân lên số người đọc kinh Kính Mừng.

Mỗi tháng, bà Pauline phổ biến cho các nhóm một bản suy gẫm Lời Chúa, hướng về truyền giáo.

Đầu thế kỷ XX, trước tình hình suy giảm đức tin tại Pháp, cha Joseph Eyquem lập ra những hội Mân côi. Sinh hoạt của những người theo hội này cũng là đọc 10 kinh Kính Mừng mỗi ngày. Ngoài ra, họ họp nhau mỗi tháng một lần. Cuộc họp không tổ chức ở nhà thờ, nhưng ở nhà tư, lúc ở nhà này, khi ở nhà khác. Cuộc họp gồm đủ mọi thành phần. Những tín hữu bình thường, những người ly dị, những người rối vợ rối chồng, những người xa tránh các bí tích. Họ cầu nguyện, trao đổi, chia sẻ và giúp đỡ nhau vượt qua các thử thách.

Nói chung, khi gặp những khó khăn nguy hiểm, cả trong đạo lẫn ngoài đời, người ta đã chạy lại với Đức Mẹ. Họ khẩn cầu Mẹ bằng chuỗi Mân côi. Và thực sự chuỗi Mân côi đã đem lại cho các tâm hồn những hy vọng lành thánh.

Chuỗi Mân côi mở kho tàng trái Tim Đức Mẹ.

Trước đây, chuỗi Mân côi được truyền bá bởi các thánh, và Hội Thánh. Nay, chính Đức Mẹ lên tiếng.

Tại Fatima, khi hiện ra với ba trẻ, Phanxicô, Giacinta và Lucia, Đức Mẹ đã mang chuỗi Mân côi. Đức Mẹ cũng đã khuyên người ta hãy năng cầu nguyện kinh Mân côi.

Tại Fatima, Lộ Đức và những nơi hành hương, chuỗi Mân côi ví như những chuỗi hoa hồng của các trái tim không ngừng dâng lên Đức Mẹ. Còn Đức Mẹ, thì luôn mưa những hoa hồng thiêng xuống cho các người chân thành cầu khấn. Hoa hồng nói đây là những ơn phúc phần hồn phần xác. Ơn phúc đủ loại, nhất là ơn sám hối, ơn trở về với Chúa, ơn đổi mới cuộc đời, ơn đi sâu vào Phúc Âm, ơn biết đón nhận thánh ý Chúa để trở thành cộng tác viên đắc lực của Đức Mẹ đồng công cứu chuộc.

Các ơn Đức Mẹ ban qua chuỗi Mân côi phát xuất từ trái tim Đức Mẹ. Trái tim ấy đầy tình thương và cũng đã chịu nhiều đau đớn, để cùng với Chúa Giêsu cứu chuộc nhân loại bằng hy sinh trên thánh giá. Vì thế có thể nói, các ơn đó đến từ trên, và chảy vào trong nội tâm mỗi người. Với nhận thức đó, chúng ta hiểu ý nghĩa lời Đức Mẹ nói với Bernadette ở Lộ Đức: “Mẹ không hứa cho con hạnh phúc đời này, nhưng hạnh phúc đời sau”. Tuy nhiên, ngay ở đời này, những ai lần chuỗi Mân côi, cũng sẽ được Đức Mẹ thương ban ơn, cách này hay cách khác.

Hiện nay, cuộc sống đang đặt ra nhiều vấn đề nan giải. Kinh Mân côi sẽ giúp chúng ta tìm được lối thoát. Lối thoát sẽ từ trên trái tim Đức Mẹ mà xuống và từ trong nội tâm ta mà ra. Nội tâm ta cầu nguyện sám hối. Trái tim Đức Mẹ sẽ làm chứng một cách sống động lời thiên thần đã nói với Đức Mẹ xưa: “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37).

.

18.                        Ừ Để Mẹ Lo

Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền

Có ai đó nói rằng: “Thượng Đế không thể có mặt ở khắp mọi nơi, vì thế Ngài đã tạo ra các bà mẹ.” . Vâng, Mẹ là tiếng gọi rất thân thương. Gọi tiếng mẹ gợi nhớ lên trong ta biết bao tình cảm ấm áp của mẹ dành cho ta. Mẹ chấp nhận hy sinh dãi dầu mưa nắng để con được lớn khôn thành người. Mẹ sẵn lòng  làm tất cả để cho con được an vui hạnh phúc, cho dù có phải vất vả ngược xuôi, bôn ba phận đời.

“Mẹ già gom gánh rạ rơm,

Nuôi con ăn học để thơm tiếng đời.

Mẹ nghèo nón lá tả tơi,

Mong sao con trẻ vào đời bình yên.”

Thế nên, để lớn khôn thành người, chúng ta cần một người mẹ để chăm sóc, bảo vệ chúng ta. Không có mẹ chúng ta khó có thể lớn nổi thành người. Người mẹ sẽ lo cho con mọi bề. Từng cái ăn, từng cái mặc, từng giấc ngủ mẹ cũng lo cho con.

Dường như mặc nhiên, chúng ta để mẹ lo mọi sự. Chúng ta thường đòi hỏi mẹ điều này điều kia mà chẳng nghĩ đến những khó khăn mẹ đang phải đối diện. Người con chỉ biết đòi hỏi mẹ mà chẳng đứa nào biết chia sẻ gánh nặng của mẹ.

Tôi nhớ ngày xưa khi còn nhỏ nhà tôi 7 anh chị em lãi mồ côi cha nên thường vòi vĩnh với mẹ.

– “Mẹ ơi ! Con muốn mua xe đạp, mẹ mua cho con nhé !” -“Con muốn học thêm !” -“Con muốn 1 bộ quần áo mới!” -“Con cần 1 đôi dép mẹ à !”

–     Và dường như tôi đều nghe mẹ tôi nói: “Ừ, để mẹ lo”

Không biết mẹ tôi đã lấy tiền đâu để lo cho chúng tôi, nhưng một điều có thể thấy là không bao giờ chúng tôi thất vọng khi nài xin mẹ.

Xem ra tình mẹ thật bao la. Mẹ sẽ không bao giờ để con hụt hẵng, thất vọng khi cầu cứu mẹ. Người mẹ sẽ làm tất cả những gì có thể để lo cho con, cho dù có phải vất vả, phải chạy vạy, phải vay công mượn nợ vẫn cố gắng đáp ứng nguyện vọng của con.

Trong đời sống thiêng liêng chúng ta cũng có một người mẹ sẵn lòng lo cho chúng ta. Đó là một người Mẹ rất tuyệt vời mà Chúa Giê-su đã trao ban cho chúng ta. Chính Chúa Giê-su khi cảm nghiệm sự ngọt ngào của tình Mẹ, đã trao Mẹ cho chúng ta. Chúa Giê-su muốn Mẹ Maria tiếp tục đong đầy tình mẹ để lo lắng mọi sự cho chúng ta.

Chúng ta tin rằng Mẹ Maria với tấm lòng từ ái sẽ lo mọi sự cho chúng ta. Chính tấm lòng đó mà Mẹ đã chẳng quản ngại đường xa đi thăm viếng bà Elizabet. Cũng chính tấm lòng yêu thương ấy mà Mẹ đã kêu cầu Chúa làm phép lạ biến nước thành rượu để niềm vui được trọn vẹn. Chính tấm lòng yêu thương ấy mà Mẹ đã nhận chúng ta là con cái của Mẹ. Kể từ đó vui buồn sướng khổ cuộc đời ta luôn có Mẹ.

Tình yêu ấy mẹ vẫn đong đầy trên nhân loại một cáh cụ thể qua biến cố giải cứu Giáo Hội của Chúa khỏi sự tàn sát của đạo quân Hồi vào ngày 07.10.1572. Ngày ấy vua Hồi Giáo mang đại quân hướng về La Mã và thề hứa sẽ bắt Đức Giáo Hoàng Piô V, Đấng cai quản Giáo Hội Công Giáo lúc bấy giờ.

Trước sự hăm dọa của bạo lực và cuồng tín, Đức Giáo Hoàng Piô V vẫn bình tĩnh lần hạt, và mời gọi mọi tín hữu cùng thiết tha xin Đức Mẹ cứu thóat nạn cuồng tín và bạo lực sắp xảy ra tại chính thủ đô của Giáo Hội.

Và lịch sử đã ghi lại rõ ràng: đoàn chiến thuyền hùng hậu của quân đội Thổ đang tiến nhanh, tiến mạnh, tiến chắc chắn trên mặt biển Địa Trung Hải như đi vào chỗ không người; gió lại rất thuận lợi vì thổi sau lưng họ; mặt trời cũng ở sau lưng, chiếu tới trước, làm cho họ thấy rõ và tiến lên dễ dàng, thì lạ thay! Bất ngờ thay! Tàu bè của họ bỗng nhiên quay lộn lại, đâm mạnh vào nhau, tơi bời tan tác, tàu chìm, người chết, nhưng sóng biển vẫn thản nhiên rống lên và nuốt lấy tất cả.

Và hôm đó, ngày mồng 7 tháng 10 năm 1571, Thiên Chúa nhường quyền lại cho Mẹ của Ngài là Đức Trinh Nữ Maria Mân Côi đẩy lùi sự dữ để bảo vệ đoàn con. Kể từ đó, Đức Giáo Hoàng Pio V đã đặt lễ Kính Mẹ Mân Côi vào ngày này để kính nhớ sự bảo vệ đầy quyền năng của Mẹ đã làm cho Giáo Hội.

Quả thực:

“Ai rằng công mẹ như non, 

Thật ra công mẹ lại còn cao hơn.” 

Xin cho chúng ta luôn nhận ra tình thương của Mẹ Maria để siêng năng lần chuỗi kêu cầu Mẹ. Chúng ta hãy để Mẹ lo cho chúng ta. Vì tình Mẹ mãi mãi đong đầy cho chúng ta. Amen.

.

19.                        Việc Ấy Sẽ Xảy Ra Cách Nào?

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty

Bài Phúc Âm được đọc trong ngày lễ kính Đức Mẹ Mân Côi đề cập tới biến cố truyền tin. Điều đó có vẻ như thiếu thiếu một gì đó, vì thật ra truyền tin chỉ là ‘mầu nhiệm Mân Côi’ thứ nhất trong số 20 mầu nhiệm được đem ra suy gẫm? Phụng vụ muốn nói gì khi chọn đoạn Tin Mừng này, đặc biệt cho giáo dân Việt Nam khi mà Hội Đồng Giám Mục trong khóa họp tháng 4 năm 1991 đã quyết định cho phép mừng trọng thể lễ này vào ngày Chúa Nhật? Đặt vấn nạn như thế có nghĩa là muốn xác định nội dung đích thực của việc lần hạt Mân Côi: một việc đạo đức được Đức Mẹ ưa thích, hay còn là một con đường sống Tin Mừng bình dân nhưng hữu hiệu và sâu sắc?

Người Công giáo chúng ta vẫn biết rằng giá trị của việc lần hạt Mân Côi hệ tại ở suy niệm các sự kiện hay biến cố xảy ra trong cuộc đời đức Giêsu và đức Ma-ri-a, hầu giúp ta nhận ra, ngày càng sâu sắc hơn, hồng ân cứu độ. Tuy nhiên sự nhận biết này nhiều khi chỉ dừng lại ở nhận thức, một cảm thức chung chung mang tính lý thuyết; hoặc giả hồng ân cứu độ đó chỉ là điều ta đã từng nhận lãnh một lần ngày rửa tội xa xưa. Biến cố truyền tin nói riêng, và mọi biến cố liên quan tới đức Ma-ri-a nói chung, theo như tác giả Lu-ca trình bày, cho thấy một khía cạnh khác của cuộc sống Hồng Ân cứu độ: các biến cố thường nhật cần phải được nhìn nhận và được đưa vào hồng ân này, nhất là khi chúng xem ra càng khó hiểu và xa lạ với kế hoạch từ ái của Thiên Chúa.

Biết bao lần tôi phải tự hỏi, trong tư cách một Ki-tô hữu đứng trước nhiều biến cố liên quan tới mình, tới tha nhân và xã hội loài người, thì “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào?” Câu hỏi này không mong tìm cho ra một giải đáp hợp lý cho từng sự kiện, nhưng là để nhận ra lòng từ bi thương xót của Chúa đang được thực hiện ra sao. Trong lần hạt Mân Côi, cùng với đức Ma-ri-a, tôi giáp mặt với cuộc sống hàng ngày, có thể là những niềm vui, những biến cố trang trọng mang nhiều ý nghĩa, cũng có thể là những nỗi buồn, những đổ vỡ…, những chuyện vụn vặt vu vơ, những thành công hay thất bại, những kỳ vọng hay hoài bão…

Đối với một Ki-tô hữu như tôi, tất cả mọi biến cố bất luận tốt xấu, đều có giá trị nếu được nhìn nhận và đưa vào tình yêu nhân ái của Thiên Chúa đầy lòng xót thương. Đối với Ki-tô hữu, sẽ không chỉ có vấn đề ‘thánh hóa = làm phép’ các biến cố hàng ngày, theo kiểu dâng chúng lên cho Thiên Chúa, như cách nói bình dân thông thường. Điều một Ki-tô hữu cần làm là dìm mọi biến cố của cuộc sống mỗi ngày ngập sâu trong hồng ân cứu độ. Truyền tin, và nhiều biến cố khác nữa, đã được đức Ma-ri-a sống như thế. Mẹ đã ‘ghi nhớ tất cả các điều ấy… và suy đi nghĩ lại trong lòng’ (Lc 2,19.51). Ma-ri-a đã không lần hạt, nhưng là Mẹ Mân Côi vì đã không ngừng khám phá và sống từng biến cố đời mình trong hồng ân cứu độ của Thiên Chúa.

Dành được thời giờ mỗi ngày để xét mình và suy gẫm các ‘mầu nhiệm phép Mân Côi’ là điều tốt, nhưng rồi cũng có lúc trở thành nhàm chán. Chung qui đó vẫn còn là công việc nặng tính lý thuyết và khá trừu tượng. Lần hạt Mân Côi sẽ làm cho cả hai việc trên trở nên sống động hơn, hiện sinh hơn, nếu qua đó tôi cùng với Mẹ nhìn nhận lòng từ ái Chúa trong từng biến cố cuộc sống mình. Mà các biến cố thì luôn thực tế, thiết thực và biến đổi không ngừng trong đời sống thường ngày. Các biến cố không chỉ được phân loại tối hay xấu theo nghĩa luân lý, mà tất tất đều cần được ánh sáng hồng ân cứu độ của Chúa soi chiếu và biến đổi, Như thế tôi không chỉ lần chuỗi hạt, mà sống Mân Côi mỗi ngày. Chắc chắn sống Mân Côi như thế sẽ thiết thực dẫn đưa tôi đạt tới một cuộc sống Ki-tô ngày càng Tin Mừng hơn, hiểu theo nghĩa cho phép tôi ngày càng vào sâu hơn trong hồng ân cứu độ, và mau mắn biến đổi đời tôi – không theo nghĩa ngày càng trở nên tốt lành thánh thiện hơn – nhưng ngày càng thâm tín khi nhận ra rằng tình thương của Chúa trên tôi (và trên toàn nhân loại) không bao giời vơi cạn, bất chấp tất cả những yếu đuối biến thiên vô hình vạn trạng của con người.

Sứ điệp Fa-ti-ma sẽ không bao giờ mất đi cái ý nghĩa thâm sâu của nó, đã được vang vọng từ thời Thánh Đa-minh, và sẽ còn tiếp tục mãi qua mọi thời: “Hãy năng lần Mân Côi!”

Lạy Mẹ Mân Côi! Cùng với Mẹ, xin cho con sống Mân Côi hàng ngày. Xin cho con luôn tìm được giải đáp thỏa đáng cho mọi tình huống và biến cố trong đời con qua câu nói của sứ thần mà chính Mẹ đã được nhắc nhở: “Vì đối với Thiên Chúa – nhân lành, không có gì là không thể làm được’. Cùng với Mẹ, con mong rằng việc lần hạt Mân Côi sẽ trở thành con đường Tin Mừng đích thực cho con. Amen.

.

20.                        Đức Chúa Ở Cùng Bà

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu.

Suy Niệm

Con người hôm nay mệt mỏi, lo âu, căng thẳng, vội vã. Chuỗi Mân Côi làm lòng ta lắng xuống, thanh thản bình an để chiêm ngắm cuộc đời Chúa Giêsu và ca ngợi Mẹ.

Kính Mừng Maria đầy ơn phúc.

Đây là lời sứ thần chào Mẹ lúc truyền tin, lời mời Mẹ vui lên vì ơn cứu độ nay đã đến.

Mẹ đầy ơn phúc vì được Thiên Chúa đặc biệt yêu thương. Tình thương Chúa chở che Mẹ ngay từ lúc chưa chào đời, và tình thương ấy còn bao bọc Mẹ mãi mãi.

Mẹ được tuyển chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế, nên Mẹ được giữ gìn khỏi vết nhơ nguyên tội.

Chúng ta được dự phần vào niềm vui và ân phúc của Mẹ vì chúng ta cũng được Thiên Chúa tuyển chọn, yêu thương được tẩy xóa nguyên tội để trở nên thụ tạo mới.

Đức Chúa Trời ở cùng Bà.

Trong Cựu Ước, có bao người được Thiên Chúa ở cùng, để rồi được Ngài sai đi phục vụ Dân Chúa. Nhưng Thiên Chúa ở cùng Mẹ một cách độc nhất vô nhị.

Khi được đầy tràn Thánh Thần và cưu mang Ngôi Lời, Mẹ trở nên như Hòm Bia, như Đền Thánh, nơi vinh quang Thiên Chúa hiện diện giữa con người.

Nhiều lần trong mỗi Thánh Lễ, vị linh mục chúc chúng ta: Chúa ở cùng anh chị em.

Kitô hữu là người có Đức Kitô ở cùng và được mời gọi đem Ngài đến cho thế giới.

Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ.

Đó là lời bà Êlisabét ca ngợi Mẹ (Lc 1, 42) vì chỉ mình Mẹ được diễm phúc sinh hạ Đấng Mêsia. Mẹ đã cưu mang Người và cho Người bú mớm (Lc 11, 27).

Nhưng sau đó bà Êlisabét còn ca ngợi Mẹ có phúc vì đã tin Chúa sẽ thực hiện điều Ngài nói với Mẹ (Lc 1, 45).

Tin là dám buông đời mình trong tay Chúa và để Ngài dẫn đi trong đêm tối của lòng tin.

Mọi tín hữu đều được mời sống hành trình đức tin như Mẹ, để được cùng Mẹ chung hưởng hạnh phúc: “Phúc cho ai không thấy mà tin” (Ga 20, 29)

Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời.

Chỉ Thiên Chúa là Đấng Thánh và là nguồn mọi sự thánh thiện.

Mẹ được chia sẻ sự thánh thiện ấy cách tuyệt vời, vì Mẹ được chọn làm Mẹ Đức Giêsu, Mẹ Thiên Chúa, và vì chẳng ai thực thi ý Chúa trọn vẹn như Mẹ.

Chúng ta chẳng được diễm phúc sinh ra Đức Giêsu, nhưng chính Ngài lại mời gọi ta làm mẹ của Ngài: “Mẹ tôi và anh em tôi là những ai nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 8,21).

Khi thực thi Lời Chúa trong cuộc sống, chúng ta sinh Đức Giêsu cho nhân loại hôm nay. Ngài vẫn cần những người mẹ để có mặt đến tận thế.

Chẳng có gì Đức Maria được hưởng cách viên mãn, mà Hội Thánh và từng người lại không được dự phần.

Xin Mẹ cầu cho ta khi này và trong giờ lâm tử.

Gợi Ý Chia Sẻ

Bạn có khi nào lần chuỗi không? Bạn có biết lần chuỗi không? Bạn có thấy lần chuỗi là một cách cầu nguyện nhẹ nhàng và lắng đọng không?

Bạn nghĩ gì về Đức Mẹ? Đức Mẹ có phải là Đấng ở trên cao và xa lạ với bạn, hay là Đấng rất gần bạn trong cuộc sống đức tin?

Cầu Nguyện

Lạy Mẹ Maria, khi đọc Phúc Âm, lúc nào chúng con cũng thấy Mẹ lên đường.

Mẹ đi giúp bà Isave, rồi đi Bêlem sinh Đức Giêsu. Mẹ đưa con đi trốn, rồi dâng Con trong đền thờ. Mẹ tìm con bị lạc và đi dự tiệc cưới ở Cana. Mẹ đi thăm Đức Giêsu khi Ngài đang rao giảng. Và cuối cùng Mẹ đã theo Ngài đến tận Núi Sọ.

Mẹ lên đường để đáp lại một tiếng gọi âm thầm hay rõ ràng, từ ngoài hay từ trong, từ con người hay từ Thiên Chúa.

Chúng con thấy Mẹ luôn đi với Đức Giêsu trong mọi bước đường của cuộc sống. Chẳng phải con đường nào cũng là thảm hoa. Có những con đường đầy máu và nước mắt.

Xin Mẹ dạy chúng con đừng sợ lên đường mỗi ngày, đừng sợ đáp lại những tiếng gọi mới của Chúa dù phải chấp nhận đoạn tuyệt chia ly.

Xin giữ chúng con luôn đi trên Đường-Giêsu để chúng con trở thành nẻo đường khiêm hạ đưa con người hôm nay đến gặp gỡ Thiên Chúa.

home Mục lục Lưu trữ