Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 77
Tổng truy cập: 1352804
Kitô Hữu Đáp Trả Ơn Gọi
Lc 5, 1 – 11
Chuyện kể rằng: Tony de Mello, một linh mục Ấn Ðộ, người đã thực hiện chương trình truyền hình vệ tinh được phát sóng tới 76 trường đại học ở Mỹ và Canada.
Tony lớn lên gần Bombay Ấn độ. Ngày nọ, ở trường trung học về, Tony hỏi cha cho anh đi tu làm linh mục được không? Cha anh nói: “ không được, con là con trai một, cha muốn con duy trì dòng họ”.
Sau 14 năm không có thêm con. Bổng mẹ anh có thai. Khi bà được đưa đếni bệnh viện để sinh. Tony chạy bộ theo. Đến nơi, anh hỏi cha: “Trai hay gái vậy cha?” Cha anh trả lời: “con có em trai”. Tony nói: “Tuyệt vời! Giờ đây con có thể trở thành Linh mục của Chúa”. (x. LMTV, Minh Họa Lời Chúa, Tập 2, trang 98)
Ngày hôm nay, mỗi người chúng ta cũng mang một ơn gọi, ơn gọi đó không nhất thiết là ơn gọi tu trì như cha Tony De Mello, nhưng là ơn gọi làm con chúa, ơn gọi bước theo chúa và nên chứng nhân cho Chúa giữa lòng đời.
Chúng ta đã đáp trả ơn gọi đó như thế nào?
Ngày xưa thánh Phêrô đã biết đáp trả lời mời gọi của Chúa cách chân thành và có thể chia theo 3 giai đoạn.
- Giai đoạn một: Phêrô được em mình giới thiệu với Chúa Giêsu và ông đã ở lại một thời gian với Ngài. Sau đó, có lẽ Chúa để cho ông có thời gian về thăm nhà suy nghĩ, thu xếp việc gia đình.
- Giai đoạn hai: Trong bài Phúc Âm chúng ta vừa nghe, Chúa Giêsu đến gọi Phêrô lần thứ hai, cách chính thức. Và từ đó, Phêrô đã bỏ tất cả mọi sự: gia đình, nghề nghiệp, lối sống để bước theo Chúa trên mọi nẻo đường.
- Giai đoạn ba, Chúa gọi Phêrô. Lần này, ông không chỉ bỏ những quyến luyến trần tục và gia quyến mà bỏ cả mạng sống mình để nên giống Thầy mình trong mọi sự, kể cả nên giống trong việc đổ máu mình ra vì Chân Lý.
Mỗi người chúng ta cũng được Chúa gọi. Lần thứ nhất trong Bí tích Rửa Tội, Chúa mời gọi chúng ta trở nên con cái trong thân thể Ngài là Giáo Hội, cho ta hưởng được nhiều ân huệ đặc biệt qua các Bí tích để giúp chúng ta biến đổi nên xứng đáng là con Chúa. Lần thứ hai Chúa gọi chúng ta, đó là thời gian sống đạo, Chúa tỏ ý Ngài ra trong các bài đọc, bài giảng trong Thánh lễ, trong lương tâm và hoàn cảnh sống mỗi người. Mỗi ngày, mỗi Chúa Nhựt, Chúa mời gọi chúng ta thi hành Lời Chúa trong Phúc Âm và kêu mời chúng ta gắn bó cuộc sống mình với Chúa trong Bí tích Thánh Thể. Chúng ta tuy không đi theo Chúa như các Tông Ðồ trên các nẻo đường làng quê Israel xưa nhưng chúng ta cũng nghe Lời Chúa như các ngài và cần đem ra thực hành như các ngài. Và lần thứ ba, chúa gọi chúng ta là lúc chúng ta hấp hối trên giường bệnh, Chúa mời gọi chúng ta đừng tiếc nuối những gì của trần gian: tiền bạc, danh lợi, gia đình và cả mạng sống để theo Chúa cách trọn vẹn và Chúa sẽ ban lại cho chúng ta sau này, một thân xác được biến đổi, được hạnh phúc cả hồn và xác bên Chúa muôn đời.
Ba lần Chúa gọi Phêrô, ba lần Chúa gọi chúng ta trong hành trình theo Chúa, chúng ta đã đáp lại tiếng Ngài như thế nào? Chúng ta có vui mừng vì được Chúa nhận làm con, mà Chúa là vua, chúng ta sẽ là hoàng tử, công chúa trong triều đình thiên quốc. Nếu như chúng ta nhận ra được quyền lợi và địa vị cao sang đó, nhận ra mình được Chúa ưu ái như vậy thì chúng ta hãy vui sướng cao rao Tin Mừng đó cho mọi người xung quanh như tiên tri Isaia trong bài đọc I: khi nhận được cục than hồng từ tay thiên thần đặt trên lưỡi ông thì ông được tẩy sạch bợn nhơ thế tục, trở nên sốt nóng lửa yêu mến Chúa, hăng hái xung phong loan báo Lời Chúa cho đồng bào mình.
Chúng ta hôm nay không chỉ nhận cục than cháy đỏ mà nhận chính Mình Máu Thánh Chúa Giêsu là Thiên Chúa mỗi khi Rước lễ. Lúc đó, chính Chúa Giêsu ngự vào lòng chúng ta, tẩy sạch những vết nhơ tội lỗi còn trong con người chúng ta. Ngài cho chúng ta được kết hợp nên một với Ngài, để chúng ta vui một niềm vui với Ngài, ưu tư một iềm ưu tư của Ngài, để chúng ta biết cao rao danh Chúa bằng hành động như thánh Phaolô đã nói trong bài đọc II. Trước kia, khi Phaolô chưa biết đạo thì ông bắt bớ Hội Thánh, nhưng khi theo đạo rồi thì ông nhiệt thành, bất kể khó khăn bắt bớ, ông rao giảng, tranh luận, biện bác, chấp nhận vất vả không kém gì 12 Tông đồ kia. Ngài làm với hết khả năng chúa ban cho người ta biết Chúa Giêsu mà được ơn cứu độ chứ không bị lầm lạc như ngài trước khi theo đạo.
Ngày nay, người Kitô hữu chúng ta đã học biết rõ ràng về kinh nghiệm ơn gọi và sống đạo của các Ðấng, chúng ta hãy đem ra thực hành chứ đừng nghe suông rồi bỏ. Vì Chúa Giêsu nói: không phải ai nói: “Lạy Chúa, Lạy Chúa” suông mà được vào Nước Trời. Chỉ những ai nghe Lời Chúa và đem ra thực hành mới được vào Nước Chúa.
CHÚA GIÊSU ĐẾN TRONG ĐỜI
Lc 5, 1 – 11
Chúa nhật hôm nay, Giáo hội trình bày cho chúng ta việc Chúa Giêsu kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên. Nhưng trước đó, Người đã thực hiện phép lạ cho họ thấy. Đọc lại câu chuyện này, tôi cảm phục Chúa Giêsu, Người đến để làm thay đổi mọi sự.
Người đến làm thay đổi hoàn cảnh, thay đổi tâm trạng con người và thay đổi luôn công việc của những người đang ở đó. Thật thế, hoàn cảnh của Phêrô đáng thương, ông là một người dân nghèo thứ thiệt, có thể nói cuộc đời ông gắn liền với chiếc thuyền, với cái chày với chiếc lưới, vì suốt ngày ông lênh đênh trên biển hồ để kiếm cá mà sống. “Nghề dạy nghề”, kiếm sống bằng nghề đánh bắt cá, chắc chắn Phêrô thông thạo và hiểu rõ việc mình đang làm. Đối với ông, muốn bắt được cá thì Phêrô phải vất vả trong đêm tối, chèo chống đến chỗ nước cạn hay nước sâu. Thế nhưng đó chỉ là kinh nghiệm nghề nghiệp thôi chứ thực tế hôm nay dù có kinh nghiệm hay vất vả suốt đêm thì ông cũng không bắt được cá ( Lc 5, 4). Còn đối với ông thợ mộc Giêsu kia, Người không có chút kinh nghiệm nào như Phêrô cả, lại bảo Phêrô chèo sang chỗ nước sâu để bắt cá. Nếu như đem so sánh với ngư phủ Phêrô thì ông thợ mộc Giêsu kia thua xa…nhưng ngược lại ông thợ mộc Giêsu nói về thước tấc hay chiều cao, chiều rộng của khúc gỗ, của miếng ván thì có lẽ ông Giêsu giỏi hơn Phêrô là cái chắc, phân biệt gỗ ôliu với gỗ tùng như thế nào là sở trường của ông Giêsu. Hình như thợ mộc Giêsu đá lộn sân hay chăng? Vậy mà chúng ta thấy ông Giêsu lại dám bảo Phêrô làm theo ý mình. Đây quả là thách đố lớn đối với Phêrô. Đứng trước lời đề nghị này, Phêrô có hai sự chọn lựa: hoặc là dựa vào kinh nghiệm dạn dày gió sương lâu năm của mình, Phêrô sẽ từ chối thẳng thắn đúng với tính tình bộc trực của ông, thậm chí ta không muốn nói Phêrô sẽ nói một bài thật dài để chỉ dạy cho ông thợ mộc Giêsu này chỗ nào là nước sâu, chỗ nào là nước cạn, làm như thế nào thì mới đánh bắt được nhiều cá… Hoặc Phêrô sẽ chọn làm theo lời Ông thợ mộc Giêsu vừa đề nghị, nhưng điều này hơi bị “liều lĩnh”…người ta gọi là “giao trứng cho ác”. Mặc dù có sự giằng co nhưng Phêrô nhanh nhẹn làm theo lời đề nghị vừa rồi: “Vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới” ( Lc 5, 4). Phêrô đã tin!
Kết quả mà Tin Mừng cho chúng ta thấy thật bất ngờ. Phêrô làm theo ông Giêsu nên được kết quả vượt sức tưởng tượng. Ông Giêsu đã làm thay đổi hoàn cảnh: từ không có cá thành các thuyền đầy ắp cá ( Lc 5, 6 – 8), làm thay đổi tâm trạng từ việc có thể nói người ta có thể bán tính bán nghi trước lời đề nghị, tâm trạng thất vọng thành vui mừng khôn tả: họ phải kinh ngạc ( Lc 5, 9); kết quả này còn làm thay đổi cái nhìn, lối suy nghĩ tầm thường của mọi người đang chứng kiến ở đó. Có một sức mạnh vô hình đang đi vào những con người quê mùa dốt nát, những con người chân chất làm việc suốt trên biển hồ, một sức mạnh làm thay đổi tất cả. Nói cho đúng hơn, chính ông thợ mộc Giêsu đã làm thay đổi những điều đó. Ông Giêsu quả là nhà cách mạng, làm thay đổi cuộc sống của họ.Ông Giêsu có quyền năng trên vũ trụ, trên con người. Ông chính là chủ của những thứ kia.
Về phần mình, trước kết quả to lớn, phi thường này Phêrô thấy như có cái gì không ổn, thấy mình bất xứng, ông đã khiêm tốn nhìn nhận sự yếu hèn của mình, nên ông thưa: “xin hãy tránh xa tôi, vì tôi là kẻ tội lỗi”. Về phần ông Giêsu, Người đã thấu hiểu nỗi lòng của ông Phêrô, Người muốn Phêrô nghe Người để làm việc lớn lao hơn: "Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta.".
Chúa Giêsu đến gặp Phêrô. Người đến trong cuộc đời Phêrô. Người xuống thuyền Phêrô để giảng dạy cho dân chúng. Người cần Phêrô thì Phêrô đã quảng đại hiến dâng, không từ chối. Người còn muốn Phêrô chèo thuyền ra xa một chút, Phêrô làm theo ngay. Thay vì Phêrô từ chối, Ông Giêsu muốn giảng thì xuống thuyền của người khác đi, mắc mớ gì tới ông mà ông phải làm theo ông thợ mộc Giêsu kia. Thế nhưng Phêrô hoàn toàn làm theo sự sắp xếp đầy quan phòng của ông Giêsu. Quả thật Phêrô là một người tốt, có lòng rộng rãi. Ông có thể nghèo vì cái nghề nghiệp của ông lận đận “ba chìm bảy nổi chín cái lênh đênh” trên biển hồ nhưng ông đúng là một người giàu có về lòng nhân ái không thể nào chê cho được. Chúa Giêsu cần tấm lòng của chúng ta quảng đại như Phêrô.
Chúa Giêsu đề nghị Phêrô chèo thuyền ra chỗ nước sâu để bắt cá. Phêrô cũng đã làm theo và được kết quả vượt tầm hiểu biết của mình. Chúa Giêsu đến trong cuộc đời của Phêrô thì nhờ đó mà ông đã thành công. Như các bạn khác, dựa vào khả năng riêng của mình, ông vất vả suốt đêm nhưng chẳng được gì cả. Kinh nghiệm mấy mươi năm trên biển hồ của Phêrô bây giờ chẳng ăn nhằm gì với quyền năng của Chúa Giêsu cả! Tuy nhiên có Chúa giúp thì Phêrô đã thành công. Lời Chúa có sức mạnh phi thường làm thay đổi tất cả! Hôm nay Chúa đến trong đời Phêrô như một sự kiện lớn lao, sự kiện này là một kỷ niệm mà Phêrô sẽ nhớ đời đời và sẽ còn truyền lại cho thế hệ mai sau nữa. Sự kiện này vẫn còn tồn tại cho đến hôm nay và người ta sẽ còn nhắc sự kiện này mãi mãi.
Phêrô để Chúa bước vào con thuyền cuộc đời của mình. Có Chúa thì Phêrô thành công. Chúng ta cũng hãy để Chúa bước vào cuộc đời của chúng ta, hãy để Chúa thực hiện cuộc đời chúng ta như ý Người muốn. Chúa ở trong cuộc đời của mình, chúng ta sẽ thành công.
Chúa Giêsu đề nghị Phêrô theo Người để từ nay các ông trở thành những người lưới người ta cho Chúa. Phêrô đã bỏ mọi sự mà mau mắn đi theo Chúa. Phêrô là người chân thành, thẳng thắn và đầy lòng tin tưởng vào Chúa Giêsu nên kết quả tốt đẹp đã xảy ra trên biển hồ sáng sớm hôm ấy. Giả sử nếu Phêrô không làm theo Lời ông Giêsu thì phép lạ không xảy ra. Hậu quả là Phêrô vẫn không bắt được cá. Tuy nhiên Phêrô đã dám tin tưởng vào ông thợ mộc kia, và Người đã làm thay đổi vận mệnh Phêrô. Từ nay Phêrô trở thành người chày lưới người, chày lưới linh hồn người ta cho Nước Thiên Chúa. Phêrô để Chúa dùng cuộc đời của mình làm phương tiện cho việc truyền giáo của Chúa. Chúa muốn mỗi người chúng ta dâng cho Chúa cuộc đời chúng ta để Chúa làm điều ích lợi cho chúng ta và cho tha nhân nữa. Giáo dân truyền giáo theo bổn phận của người giáo dân. Tu sĩ và giáo sĩ thì chu toàn bổn phận theo phận vụ của mình. Mọi người kitô hữu đều có vị trí và bổn phận của mình trong việc đáp lại lời mời gọi sống làm chứng cho Chúa.
Ngày nay bắt chước Phêrô, nhiều người đã hy sinh dâng cuộc đời mình cho Chúa Giêsu, có người đi theo Chúa trong bậc giáo sĩ, có người đáp trả tiếng gọi trong bậc sống tu sĩ, có người làm chứng nhân trong bậc sống gia đình, và những người khác sống vì tinh thần Tin Mừng…Chúng ta hãy bước theo Chúa và thành tâm sống trọn vẹn trong bậc sống của mình cho Chúa.
Giáo Hội Việt Nam mừng năm Thánh 2010 trong tâm tình cảm tạ Chúa vì Người đã thương ban cho những người có lòng quảng đại, dám từ bỏ quê hương xa xôi, hy sinh cuộc đời để đến truyền giáo tại Việt Nam, dấn thân vào sứ mạng loan báo Tin Mừng. Họ dám quảng đại từ bỏ mọi sự để chỉ lo công việc cho Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết quảng đại làm theo Lời Chúa dạy bảo. Xin Chúa hãy đến trong cuộc đời chúng con và thực hiện những điều Ngài mong muốn. Chúng con xác tín rằng có Chúa trong cuộc đời chúng con, chúng con sẽ bình an và vững bước theo Chúa. Amen.
THẤT BẠI VÀ THÀNH CÔNG
Lc 5,1-11
Trong cuộc sống có những điều xem ra thật nghịch lý: có những em học sinh luyện thi rất chăm chỉ, nhưng rồi lại thi rớt. Vận động viên thể thao cố gắng tập luyện và chơi hết sức mình, vậy mà lại thua. Có người cần cù lao động suốt cả năm, vậy mà vẫn nghèo. Hay cha mẹ đã làm tất cả để giáo dục cho con cái nên người tốt, nhưng nó lại làm người xấu. Hầu hết chúng ta đều có khi gặp thất bại như thế.
Bài Tin Mừng hôm nay, thánh Luca tường thuật lại việc Phêrô và các bạn đánh cá đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Các ông chán nản, mệt mỏi, các ông không đánh cá nữa mà đi giặt lưới. Các ông là dân chày lưới chuyên nghiệp vậy mà thất bại trắng tay, không có một con cá để ăn.
Khi Phêrô và các bạn bị thất bại, Chúa Giêsu có thể trách các ông “Các anh nói là dân chày chuyên nghiệp, đã hành nghề bao nhiêu năm trời rồi, thế sao đánh lưới suốt đêm mà không bắt được con cá nào hết vậy? Nhưng ngược lai Chúa Giêsu không hề nói gì. Vì sao vậy? Thưa tại vì Ngài hiểu tâm lý nên đã thông cảm với các ông, vì các ông đã cố gắng hết sức mình rồi mà vẫn thất bại, điều đó đã làm cho các ông đau khổ lắm rồi. Không cần trách móc để các ông càng đau khổ thêm. Thất bại đã là một vết thương, không cần sát muối vào cho nó càng xót xa thêm. Chúa Giêsu quả là bậc thầy về đối nhân xử thế, thật là một người rất tâm lý điều người ta cần khi bị thất bại là có ai đó vẫn tin mình, an ủi mình và khuyến khích mình vươn lên. Thất bại không phải là nằm dưới, mà chỉ là đang đứng ở dưới thôi.
Thông thường thì không ai muốn mình là người thất bại, mình phải thành công mới được. Thành công là gì? Thành công không phải là có tất cả. Ta có thể thành công thắng một vụ kiện cáo, nhưng rồi bị mất một người bạn một người lối xóm. Ta có thể thành công trước việc làm ăn buôn bán, nhưng rồi lại mất tình làng nghĩa xóm. Hương vị ly rượu thành công có thể rất ngây ngất ngay lúc đó, nhưng về sau hầu hết đều cạn dần và cuối cùng trống rỗng.
Chúa Giêsu không trách Phêrô và các bạn, nhưng Ngài không cho các ông cứ ở đó mãi để ngâm nhấm nỗi chua cay. Ngài đã kích thích cho các ông làm lại sau lần thất bại “hãy chèo ra chỗ nước sâu và thả lưới bắt cá”. Các ông đã làm theo lời chỉ dạy của Chúa Giêsu, và đạt kết quả mà các ông không thể ngờ tới, bắt được hai thuyền đầy cá đến gần chìm.
Chúa Giêsu biết Phêrô yếu đuối tội lỗi, nhưng Ngài cũng biết ông có khả năng làm được những việc to lớn. Ngài không hề công kích chỗ yếu đuối của Phêrô, nhưng Chúa Giêsu kích thích đúng vào tiềm năng của Phêrô. Nhờ được kích thích, các ông đã thả lưới bắt được nhiều cá. Sau đó các ông còn hăng hái bỏ mọi sự để theo Chúa Giêsu thả lưới bắt người.
Thật vậy, Trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta cũng có nhiều người đang gặp thất bại trong việc làm ăn, đang gặp thất bại trong chuyện gia đình, hay đang gặp khủng hoảng đức tin … họ rất là buồn và đau khổ. Trước hoàn cảnh đó, chúng ta hãy cùng nâng đỡ và chia sẻ với họ là điều rất cần thiết. Ông bà chúng ta ngày xưa đã đúc kết từ kinh nghiệm sống mối tương quan với người khác thật thâm thuý qua câu tục ngữ “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”. Còn Thánh Phaolô chứng kiến sự chia rẽ của giáo đoàn Rôma, nên ngài nhắc nhủ tín họ “chúng ta tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể trong Đức Kitô, mỗi người liên đới với những người khác như những bộ phận của một thân thể” (Rm 12,5). Và chúng ta hãy học nơi Chúa Giêsu biết thông cảm và nếu được chúng ta đến chia sẻ, nói những lời động viên, để người anh chị em chúng ta có đủ nghị lực vượt qua những thất bại. Đôi khi chỉ một cử chỉ quan tâm, thông cảm của chúng ta lại là một động lực giúp cho người khác thoát những thất bại.
Lạy Chúa, xin cho chúng con có con tim biết cảm thông trước những thất bại, đau khổ của người khác. Xin Chúa cũng thánh hoá môi miệng của chúng con để chúng con biết nói lời yêu thương, nói lời chia sẻ giúp anh chị em chúng con vượt qua mọi khó khăn thử thách. Amen.
CHÚA NHẬT V THƯỜNG NIÊN
Lc 5,1 - 11
Anh chị em thân mến.
Trong thời gian vừa qua, có nhiều thay đổi lớn trên thế giới. Tổng thống Mỹ đã thay đổi, vị tổng thống đã ra đi, ông bỏ lại những người đã từng cộng tác với ông trong công việc. Còn có những vị đang nhiệm, lại phản bội sự tín nhiệm của người dân, nên người dân đòi đem ra trước công lý để xét xử. Như tổng thống của Philipin và tổng thống của Indonésia, người đã từng được nhân dân tín nhiệm và bầu lên, giờ đây cũng chuẩn bị ra trước công lý để trả lời về những việc làm của mình. Còn tổng thống của Nam Tư, ông Milochevich giờ đây dường như trở thành tội phạm, ông đã bị quản thúc tại gia chờ ngày lãnh án. Những người đã từng ủng hộ ông vì lời mời gọi, hứa hẹn, họ từ từ rời xa ông, vì ông chỉ biết phục vụ cho chính mình. Những nhà lãnh đạo trên đã từng kêu gọi mọi người ủng hộ, kêu gọi mọi người đi theo, nhưng người thì bỏ ra đi, người thì phản bội. Những người đi theo những nhà lãnh đạo như thế, họ đành phải tìm một người tốt hơn để phục vụ.
Cách đây hơn 2000 năm. Một nhà lãnh đạo cũng kêu gọi những người theo mình, để phục vụ cho lý tưởng tốt đẹp. Những người môn đệ đầu tiên đã lắng nghe, đã bước theo, đã phục vụ theo lý tưởng mà nhà lãnh đạo đã dẫn dắt. Những môn đệ nầy còn dám chết vì Vị lãnh đạo, dám chết vì lý tưởng mà họ đã được mời gọi để bước theo. Họ nhận thấy: Người lãnh đạo đầy yêu thương, không từ bỏ họ, nhưng luôn ở kề cận bên họ trong mọi trường hợp. Người lãnh đạo không bao giờ phản bội họ, nhưng trái lại luôn trung thành và bảo vệ họ những khi cần thiết. Người lãnh đạo luôn là chân lý để họ bước theo và không bao giờ bị lạc đường. Vị lãnh đạo tuyệt vời đó là Chúa Giêsu. Ngài kêu gọi không bằng lời nói suông, nhưng bằng cả hành động và lời nói. Ngài không chỉ hứa hẹn bằng lời, nhưng bằng cả cuộc sống của Ngài. Nên những môn đệ đầu tiên đã bước chân theo Ngài, theo trong cả sự vâng phục, cả con người và không ngần ngại hy sinh mạng sống
Ngày hôm nay, cho dù đã trãi qua thời gian dài hơn 2000 năm lịch sử, Vị lãnh đạo Tuyệt Vời vẫn còn kêu gọi, những người bước theo Ngài càng đông thêm. Họ nhận thấy Ngài luôn ở kề cận bên họ,luôn bảo vệ họ trong mọi trường hợp, nơi Ngài họ tìm được sự an bình và chân lý, nên họ không cần phải tìm một nhà lãnh đạo nào khác nữa.
Chúng ta là những người được Chúa Giêsu kêu gọi bước theo Ngài,được nhận mệnh lệnh: "Hãy ra chỗ nước sâu và thả lưới" Chúng ta cũng đã từng lắng nghe lời Ngài trong cuộc sống, chúng ta cũng đã từng chứng kiến những mẻ cá lạ lùng. Các môn đệ ngày xưa đã bỏ tất cả mọi sự mà đi theo Chúa. Còn những người môn đệ ngày nay, những người đang ngồi trong nhà thờ này, chúng ta đã phản ứng như thế nào khi chứng kiến những việc trọng đại, khi nghe được tiếng kêu mời?
Có những lúc trong cuộc sống, chúng ta khó chịu vì những sự việc chung quanh không diễn ra đúng với những gì mình suy tính, định liệu. Có những lúc chúng ta tự hào về kinh nghiệm sống của mình, tự hào về những hiểu biết của mình, để không bao giờ biết lắng nghe ý kiến của người khác, nhiều lúc còn tệ hại hơn, chúng ta tỏ vẻ khinh dể ra mặt. Nếu Phêrô cũng tự hào về kinh nghiệm của mình như thế, thì làm sao ông có thể chứng kiến được mẻ lưới đầy cá như thế. Chính vì chúng ta không biết lắng nghe, không biết hành động theo mệnh lệnh, nên chúng ta chưa chứng kiến được những dấu lạ, và cũng vì thế, chúng ta chưa bước chân theo Ngài thật sự.
Có những lần chúng ta cảm thấy khó chịu vì sự gò bó của cuộc sống, sự ràng buộc của gia đình, sự ràng buộc của trách nhiệm, sự ràng buộc của lề luật sống, và hơn nữa là sự ràng buộc của một người Công Giáo. Chính những điều đó, đôi khi trước mắt, chúng ta cảm thấy khó chịu vì phải thua thiệt, mất mát trong cuộc sống hiện tại. Nhưng nếu chúng ta chịu hồi tâm nhìn lại, cũng chính những lúc đó, chúng ta chứng kiến được mẻ cá lạ lùng trong đời sống: sự may mắn bất ngờ, niềm hạnh phúc bỗng nhiên đến bên mình. Vì đó là lúc chúng ta biết lắng nghe mệnh lệnh và bước theo Ngài. Đó cũng là lúc chúng ta đã bỏ mọi sự, bỏ ý riêng và cả những lợi lộc riêng tư mà sống theo tiếng Chúa kêu mời, nên Ngài vẫn luôn ở bên chúng ta.
Xin Chúa cho chúng ta biết lắng nghe và bước theo Chúa.
1. Thiên Chúa có thể làm được mọi sự theo ý Ngài muốn, nhưng Thiên Chúa luôn muốn con người cộng tác vào chương trình của Ngài. Các bài đọc và bài Tin Mừng hôm nay đều cho thấy rõ điều đó. Bài đọc 1 (Is 6,1-2a.3-8), Thiên Chúa kêu gọi Isaia làm ngôn sứ ; bài đọc 2 (1Cr 15,1-11) đề cập đến việc Đức Giêsu gọi Phaolô làm tông đồ cho Người và bài Tin Mừng tường thuật lại ơn gọi của Simon Phêrô. Qua 3 ơn gọi này chúng ta nhận ra điều gì ? Thưa đó là Thiên Chúa gọi ai tùy ý Ngài và người được gọi phải có thái độ nhanh chóng đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa.
2. Thiên Chúa gọi ai tùy ý Ngài. Ngài chọn người tông đồ không phải vì người đó tài giỏi, đạo đức, mà chỉ vì Ngài muốn chọn (x. Mc 3,13). Khi ngôn sứ Isaia được chọn, ông đã nhận ra sự yếu kém của mình, chính ông nói: “Khốn thân tôi, tôi chết mất! Vì tôi là một người môi miệng ô uế”. Còn thánh Phaolô khi nói về ơn gọi của mình, ngài tự thú rằng: “tôi là người hèn mọn nhất trong số các tông đồ, tôi không đáng được gọi là tông đồ, vì đã ngược đãi Hội thánh của Thiên Chúa”. Còn Simon Phêrô, đã thốt lên trước mặt Đức Giêsu: ”Lại Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!”, một con người hèn kém, một ngư dân thất học như vậy, mà được Đức Giêsu chọn làm tông đồ, lại còn là Tông đồ trưởng nữa chứ! Thiên Chúa chọn gọi ai tùy Ngài, và Ngài sẽ ban ơn giúp sức để cho người được gọi làm công việc của Ngài, miễn là người được gọi phải mau mau đáp trả.
3. Chúng ta thấy Isaia, Phaolô và Phêrô tất cả đều mau mắn đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, của Đức Giêsu. Mặc dù ngôn sứ Isaia cảm thấy mình bất xứng, nhưng trước lời mời gọi quyết liệt của Thiên Chúa, ông cũng mau mắn đáp lại: ”Dạ, con đây, xin sai con đi”. Phần Phaolô được Chúa gọi đang lúc trên đường đi đến Tarsô để bắt bớ các Kitô hữu, cũng đã ngoan ngoan vâng phục thánh ý Thiên Chúa. Còn trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, Phêrô đại diện cho các tông đồ đầu tiên đã mau mau đáp lời mời gọi của Chúa. Dù đang giặt, phơi lưới, đã bỏ việc đang làm để chèo thuyền cho Chúa giảng dạy… và như cuối đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe: ”Họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà đi theo Người”.
4. Thiên Chúa vẫn tiếp tục mời gọi mọi người chúng ta làm tông đồ. Xưa Đức Giêsu rao giảng chỉ có ba năm, việc rao giảng của Người giới hạn nơi nước Do thái và một ít vùng phụ cận. Giờ đây cũng như thời đã qua và cho đến ngày tận thế Thiên Chúa mời gọi mọi người chúng ta cộng tác để đem Tin Mừng, ơn cứu độ của Người đến cho muôn dân, muôn nước. Dù chúng ta là người giáo dân bình thường hay là linh mục, tu sĩ… nhưng đều có chung ơn gọi duy nhất là ơn gọi Kitô hữu. Tất cả đều được sai đi, như Đức Giêsu đã truyền: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21). Công đồng Vatican II cũng đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần : mỗi Kitô hữu là một tông đồ của Chúa.
Vậy mọi Kitô hữu tuỳ theo bậc sống, môi trường, hoàn cảnh, khả năng của mình đều phải tích cực góp phần xây dựng Hội Thánh, thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô. Trong xứ đạo người được phân công nhiệm vụ này, kẻ lãnh trách vụ khác. Người trong hội đoàn này, kẻ trong nhóm sinh hoạt khác. Có những người rất nổi nang, nhưng cũng có những người rất âm thầm trong việc tông đồ, nhưng không vì thế mà kém hiệu quả… đó là sự phong phú, đa dạng của việc tông đồ. Điều quan trọng là ta có quảng đại, có dám dấn thân cho việc tông đồ hay không ?
Hãy cảm tạ Thiên Chúa vì chúng ta được biết Ngài là Cha, nhưng còn rất nhiều người chưa biết Thiên Chúa thì sao ? Thưa, họ rất cần chúng ta giới thiệu Đấng toàn năng cho họ, như lời thánh Phaolô dạy: ”Làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin? Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng ?” (Rm 10,14). Chúng ta hãy rao giảng Lời Chúa lúc thuận lợi cũng như khi bất lợi (x.2 Timôthê 4,2).
5. Isaia, Phaolô và Phêrô và tất cả những ai được chọn đều để được sai đi làm việc cho Thiên Chúa người Kitô hữu cũng được vinh dự như thế. Đức Giêsu đã nói với Phêrô, khi ông bỏ chài lưới mà theo Chúa: ”Từ nay anh sẽ là người thu phục người ta”. Để đem tha nhân về cho Chúa, chắc Phêrô cũng như các Kitô hữu không cần dùng loại lưới nào, cho bằng những sợi lưới được dệt bằng chính đời sống tốt đẹp của mình. Dân gian ta có câu “trăm nghe không bằng một thấy”, giới thiệu cho bà con lương dân nghe căn bản giáo lý của Đạo là “mến Chúa, yêu người”, rất tốt. Nhưng sẽ có tác dụng tốt hơn khi ta sống ơn gọi của mình qua việc thờ phượng Thiên Chúa cách thành tâm, qua việc sống yêu thương tha nhân bằng những hành động cụ thể, thiết thực. Đức Phaolô VI và Đức Gioan Phaolô II thường nhắc rằng: người thời nay tin các chứng nhân hơn các thầy dạy, nếu họ có đón nhận các thầy dạy, bởi vì những người đó là chứng nhân. Mỗi Kitô hữu hãy cộng tác với ơn Thiên Chúa ban để thành chứng nhân cho Ngài thực sự.
Chúa Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa làm người, đã lãnh nhận sứ mạng của Chúa Cha là đem đến cho nhân loại biết Thiên Chúa là Tình Yêu, Thiên Chúa khao khát chờ mong con người, Thiên Chúa mở rộng vòng tay đón chờ con người quay về trong Tình Yêu Thiên Chúa. Để thực thi sứ mạng đó, Chúa Giêsu đã kêu gọi những con người cùng cộng tác với Ngài, chia sẻ cùng Ngài sứ mạng của Thiên Chúa. Mỗi một con người được kêu gọi là một lịch sử, một cuộc đời, một hoàn cảnh chẳng ai giống ai. Như hôm nay Chúa Giêsu kêu gọi Phêrô cộng tác với Ngài.
Bài Tin Mừng chúng ta đọc hôm nay nếu để ý chúng ta thấy Chúa Giêsu như vô tình đến làng chài của Simon rao giảng, vì đông quá nên Ngài phải nhờ thuyền của Simon để rao giảng và Ngài xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút để Ngài dạy dỗ đám đông. Còn Simon là một trong những người đánh cá đang giặt lưới. Có lẽ Simon cũng có để ý đến những lời Chúa Giêsu rao giảng, cũng như để ý đến sự ngưỡng mộ của dân chúng đối với Chúa Giêsu nên khi Chúa Giêsu lên tiếng thì ông đã không từ chối. Như đã nói Chúa Giêsu như vô tình gặp được Simon, nhưng có thật như thế không? “ Tạng phủ con chính Ngài cấu tạo, con nghĩ tưởng gì Ngài đã thấu suốt từ xa ” . Có lẽ Chúa Giêsu đã chọn Simon từ rất lâu rồi trong kế hoạch của Ngài và hôm nay Ngài đến với Simon, kêu gọi Simon. Ngài muốn Simon chia sẻ sứ mạng của Ngài. Tình yêu của Chúa Giêsu dành cho Simon thật đặc biệt, đặc biệt không có nghĩa là khác thường. Ngài đến với Simon ngay trong chính công việc thường ngày của ông, trong chính nghề nghiệp của ông là nghề đánh cá, trong lúc ông đang thực hiện công việc của ông là đang giặt lưới. Ngài mời gọi ông cộng tác với Ngài và Simon nghe theo Chúa Giêsu, đã chiều theo Chúa Giêsu là chèo ra ra bờ để Chúa Giêsu rao giảng. Ngày hôm nay Chúa cũng đến với mỗi người chúng ta ngay trong chính công việc thường ngày của chúng ta. Ngài cũng nhẹ nhàng kêu gọi chúng hãy cộng tác với Ngài để ơn cứu độ của Thiên Chúa được lan rộng. Những công việc thường ngày của chúng ta như : chăm con, lau nhà, rửa bát, tất tả ngược xuôi để tìm miếng cơm manh áo.... tất cả những việc ấy Chúa muốn chúng ta hãy thực hiện cùng với Chúa, trong sự vui vẻ dâng hiến, “ Hỡi tất cả những ai gánh nặng hãy đến cùng Ta, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi ” . Chúa kêu gọi Simon làm công việc của Chúa thì Chúa cũng kêu gọi chúng ta làm cho danh Chúa cả sáng, làm lan rộng nước Chúa. Chúng ta cũng làm việc, cũng sinh hoạt nhưng với một tâm thế biết trông cậy phó thác và khi đó chúng ta trở thành những tông đồ của Chúa cách nào đó cho những người xung quanh.
Cuối bài Tin Mừng thánh Luca cho thấy nỗi sợ hãi của Simon khi ông nhận ra ông Giêsu trước mặt mình là ai, là chính Chúa thì ông sợ hãi, sấp mình và nói “ Lạy Chúa, xin tránh xa con vì con là kẻ tội lỗi ” . Simon sợ hãi cũng phải thôi vì có ai đối diện với Thiên Chúa mà không phải chết bao giờ, ai đối diện với Thiên Chúa mà không sợ hãi. Tiên Tri Isaia đã nói “ khốn thân tôi, tôi chết mất, vì tôi là một người môi miệng ô uế, tôi ở giữa một dân môi miệng ô uế, thế mà tôi đã thấy Đức Vua, là Chúa các đạo binh ” . Nhưng Thiên Chúa có cách xử của Chúa. Chúa bảo Simon đừng sợ, Chúa sai thiên thần Sêraphim đặt than hồng vào miệng Isaia và nói “ đây, cái này đã chạm đến môi ngươi, ngươi đã được tha lỗi và xá tội ” . Chúa không chê bỏ con người, cho dù ô uế, tội lỗi nhưng Chúa muốn nâng con người lên để cộng tác với Thiên Chúa. Tuy nhiên Chúa cũng đòi hỏi con người phải nghe theo Chúa như ở đây Chúa Giêsu đòi Simon phải bỏ những kinh nghiệm đã có nghề chài lưới, phải bỏ sự mệt nhọc của một đêm đánh bắt chẳng được con nào, ..... mà nghe theo Ngài. Có như thế thì Thiên Chúa mới có thể thực hiện việc Ngài muốn và làm hoan hỷ lòng người.
Hôm nay Thánh Luca thuật lại ơn gọi của Simon như một chuỗi những tình cờ. Tình cờ gặp Chúa, tình cờ cộng tác với Chúa, tình cờ nhận ra Chúa nhưng cuối cùng ông quyết định bỏ mọi sự mà theo Chúa khi được Ngài kêu gọi ông. Mỗi người Kitô hữu chúng ta trước Thiên Chúa đều nhơ uế, tội lỗi nhưng Chúa thương nâng chúng ta lên làm con cái Chúa thế nên mỗi người chúng ta có bổn phận nhận ra tình yêu đó và đáp lại tình yêu đó bằng một đời sống tốt hơn thánh thiện hơn bỏ đi những ngày ngược xuôi lạc lối. Chúa Giêsu kêu gọi Simon và đã đổi tên cho ông là Phêrô. Nay chẳng những chúng ta được Chúa kêu gọi và cho ta một cái tên mới mà Ngài còn cho ta mang cả danh Ngài nữa là Kitô hữu. Do đó ta hãy quý trọng ơn gọi của mỗi người chúng ta. Hãy làm sáng lên hình ảnh Chúa Kitô nơi mỗi người chúng ta.
Ý THỨC THÂN PHẬN TỘI LỖI
Lc 5,1 - 11
Đã mang lấy kiếp người chắc hẳn ai cũng cảm thấy mình có nhiều yếu đuối. Những lúc yếu đuối, mềm lòng và không làm chủ được bản thân ta sẽ có những hành vi sai sót, thậm chí tội lỗi. Điều đó thật đáng sợ. Nhưng cái làm cho con người ta đáng sợ hơn hết những người cố tình không chịu nhận ra để sửa đổi. Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cho thấy hai mẫu gương ý thức được thân phận tội lỗi của mình.
Thứ nhất là tiên tri Isaia. Khi được diễm phúc diện kiến Thánh nhan Thiên Chúa và nhìn lại mình, tiên tri thấy mình hết sức bất xứng. Ông thốt lên: "Khốn thân tôi, tôi chết mất! Vì tôi là một người môi miệng ô uế, tôi ở giữa một dân môi miệng ô uế, thế mà mắt tôi đã thấy ĐỨC VUA là ĐỨC CHÚA các đạo binh! "
Thứ hai là thánh Phêrô. Khi biết được Đấng đang nói chuyện và đang làm phép lạ cho mẻ cá lạ lùng ấy chính là Chúa Giêsu ông đã sấp mình xuống và nói: “ Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi! "
Khi ý thức được mình là kẻ tội lỗi và bất xứng thì chính lúc ấy hai ông được Thiên Chúa tin tưởng trao cho sứ mạng. Tiên tri Isaia được Thiên Chúa sai đi loan báo Lời của Ngài cho muôn dân. Còn Thánh Phêrô thì Chúa Giêsu bảo: “ Đừng sợ, từ nay anh sẽ là kẻ thu phục người ta "
Như thế, được làm con Chúa, được làm môn đệ của Chúa không phải do ta xứng đáng. Mà đó chính là ơn ban tình yêu của Thiên Chúa dành cho ta. Thiên Chúa đã dựng nên ta chắc hẳn Ngài biết rõ ta mỏng giòn yếu đuối như thế nào và Ngài sẵn sàng tha thứ mọi tội lỗi cho chúng ta.
Tục ngữ việt nam có câu: “ Đánh kẻ chạy đi chớ ai đánh kẻ chạy lại ” . Do đó, khi lỡ có phạm lỗi hay tội gì ta hãy khiêm tốn và thành tâm trước Chúa.
Có rất nhiều cơ hội giúp ta ý thức về thân phận mình. Trong một năm Phụng vụ có Mùa vọng và Mùa chay là hai mùa đặc biệt Giáo hội dành để kêu gọi ta ý thức về thân phận tội lỗi của mình. Ý thức để ta biết quay về với đường ngay nẻo chính. Đồng thời, trước mỗi Thánh lễ Linh mục chủ tế cũng kêu gọi ta ý thức về điều đó. Hãy biết tận dụng những cơ hội đó cho thật tốt.
Phêrô nói với Chúa “lạy Thầy xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi.” Chúa nói với Phêrô: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là kẻ đi lưới người ta.”
Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình có lần kể về ơn gọi của mình cách đơn sơ dí dỏm như sau: “Tôi rất thích đá banh. Mấy đứa bạn học Tiểu học vừa học vừa đá banh chung với nhau rất là vui vẻ. Rồi từ từ lên lớp trên, lần hồi tụi nó biến đi đâu hết. Hỏi ra tụi nó đi vô học trong Chủng viện. Buồn quá, tôi cũng xin vô Chủng viện để được đá banh với tụi nó. Tôi vô Chủng viện đá banh, rồi tôi đã ở luôn trong đó…”. Câu chuyện trên cho ta thấy: hoàn cảnh Chúa kêu gọi theo Chúa, mỗi người mỗi khác. Đức Tổng Bình thì từ chuyện đá banh. Các môn đệ đầu tiên được kêu gọi, thì sau phép lạ mẻ cá lạ lùng. Tiên tri Amos đang chăn cừu thì Chúa gọi ông. Giêrêmia được gọi lúc còn rất trẻ, nên ông biện hộ mình cà lăm, không biết ăn nói. Chúa gọi Phaolô đang khi ông đang bắt bớ đạo.Thánh Ambrôsiô được kêu gọi khi ông đang làm Thống Đốc miền Liguria va Emilia, Bắc nước Ý đang khi ông vẫn chưa được rửa tội…..
a.Việc đáp lại lời kêu gọi của Chúa (thái độ của các tông đồ):
Trước hết, hãy nói về 4 môn đệ đầu tiên: sau khi giảng xong dân, Chúa bảo Phêrô hãy ra khơi thả lưới bắt cá. Phêrô trả lời là suốt đêm qua, họ thả lưới mà không có con nào; nhưng Thầy bảo, họ sẽ vâng lời mà làm theo. Kết quả lạ lùng, khi kéo lưới lên có rất nhiều cá, họ phải kêu thuyền bạn đến chở giúp; cả hai đầy đến nỗi gần chìm. Phúc Âm ghi rõ như thế. Phêrô và các bạn ngạc nhiên quá, đến nổi Phêrô lắp bắp: lạy Thầy xin tránh xa con, vì con là người tội lỗi. Phêrô lo sợ, không thể tin nơi mình nữa, nên ông đã vâng phục Chúa..
Ơn gọi của Phaolô: Phaolô đang bắt bớ đạo Chúa. Ông còn xin được xuống Damas để làm cho mạnh tay hơn nhưng trên đường đi Phaolô bị Chúa đánh ngã ngựa. Chúa hiện ra qủơ trách ông: “Saolê, sao ngươi bắt bớ Ta?”. Phaolô hỏi lại: “Nhưng Ngài là ai?” Ta là Giêsu ngươi đang bắt bớ…. Hãy vào thành, ở đó sẽ có người dạy cho ngươi biết phải làm gì. Lúc đó Phaolô bị mù, ông phải nhờ người cầm tay dẫn ông đi. Từ đó Phaolô không còn tin nơi mình nữa và đã hoàn toàn vâng phục Chúa….
b. Thời Giáo hội sơ khai, có một câu định nghĩa về Tông đồ như sau: “Đó là người đã sống với Chúa, đã cùng đồng hành với Ngài và đã biết Ngài cách trực tiếp.” Dựa vào câu định nghĩa trên ta thấy có mấy điểm chung ở các ơn gọi làm tông đồ: họ đã biết Chúa, và vì biết Chúa, họ cũng biết mình chính mình, biết mình bất xứng, nên họ e ngại, lo sợ. Từ chổ e ngại, lo sợ, họ không tin nơi mình nữa, họ chỉ tin nơi Chúa. Bốn môn đệ đầu tiên vì không tin nơi mình, nên họ đã bọ mọi sự mà theo Chúa. Thánh Phaolô cũng thế, sau khi ngã ngựa trên đường đi Damas, ông đã hoàn toàn không tin nơi mình nữa, chỉ tin vào Chúa và vì tin vào Chúa, nên ông hoàn toàn gắn bó mạng sống mình với mạng sống của Chúa. Các tiên tri, các thánh đều cũng tương tợ như thế….
c. Gợi ý sống và chia sẻ:
* Ơn gọi của các tông đồ là thế; phần chúng ta, nếu được Chúa mời gọi, ta có mau mắn vâng theo, hay tìm đủ mọi lý lẻ từ chối , viện cớ mình không đạo đức, học kém, không xứng đáng? Ta có nghĩ rằng Chúa kêu gọi chúng ta không phải vì ta xứng đáng, vì thế ta có đủ thiện chí để theo Ngài không, vì Chúa không bao giờ khước từ thiện chí của chúng ta?
* Là người giáo dân bình thường, ta có tin rằng Chúa mời gọi chúng ta làm tông đồ cho chính những người thân chúng ta không?
Cách đây không lâu lắm, chương trình “Chiếc nón kỳ diệu” của Đài truyền hình VTV3 có đưa ra cho khán giả một ô chữ gồm 7 chữ cái, với những lời gợi ý như sau : “ Đây là một điều mà người ta không bao giờ muốn nó xảy ra trong cuộc đời của mình ” . Vâng ! Mặc dù không có một cánh tay nào giơ lên, nhưng có lẽ rất nhiều người trong chúng ta đã biết điều ấy, đó là hai chữ “ Thất bại ” . Đây quả thật là một điều mà chắc chắn rằng không một ai muốn nó đến cho mình bao giơ, dù là trong bất cứ lãnh vực nào: kinh tế, văn hóa, gia đình, sức khỏe, giáo dục, tình cảm, … Nhưng mà rồi dù chúng ta có không muốn đi nữa, và chúng ta cũng đã cố gắng hết sức mình để tránh nó đi nữa, thì dường như nó vẫn không buông tha chúng ta. Tôi đã hy sinh cả cuộc đời của mình, sẵn sàng gánh vác tất cả mọi công việc nặng nhọc: thức khuya dậy sớm, “buôn thúng bán bưng”, chỉ mong sao cho những đứa con của mình trở thành người tốt, sống hiếu thảo hiền lành, vậy mà chúng lại trở thành những người hư hỏng tệ bạc. Mười hai năm ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã cố gắng tối đa; ba năm luyện thi Đại học, tôi đã chăm chỉ hết mình, vậy mà tôi cũng không đạt được điều mà tôi mong muốn. Tôi đã chấp nhận mọi đắng cay hiểu lầm, nhiều khi đưa tay lên mà không còn một giọt nước mắt để chùi, vậy mà tôi vẫn không giữ được người tôi quý mến. Những thất bại tương tự như thế, có lẽ ai trong chúng ta cũng đã hơn một lần gặp phải trong đời của mình. Và mỗi khi đối diện với thất bại, chúng ta mặc cảm với bản thân của mình là một kẻ vô dụng bất tài. Chúng ta cảm thấy cuộc đời của mình như thể là đi vào ngỏ cụt của sự chán nản tối tăm. Như vậy thì phải chăng thất bại là một hình phạt khéo léo theo kiểu “ bàn tay thép bọc nhung ” mà Thiên Chúa đã chụp xuống trên con người ? Chắc chắn là không phải như vậy, bởi vì đã có một lần chúng ta đã nghe chính Chúa thổ lộ rằng: “ Không có một người mẹ nào có thể quên được những đứa con mà mình đã cưu mang. Nhưng dù có quên đi nữa, thì phần Ta, Ta cũng sẽ
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam